CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / TRUNG GIANG 25

Tâm Nguyên , Thứ Năm 09-08-2012

 

Trung Giang Ký Sự – kỳ 25

 

Hành Vân

 

 

Tạm biệt Ngã Năm, chiều hôm đó tôi về Tịnh xá Ngọc Mỹ ở thành phố Sóc Trăng, thượng tọa Giác Tự đã đợi sẵn. Thượng tọa Giác Tự là thị giả nhiều năm của đức Nhị Tổ Giác Chánh. Cùng chia sẻ trách nhiệm làm thị giả đức Nhị Tổ còn có thêm thượng tọa Giác Hữu, nhưng năm nay thượng tọa đã 85 tuổi, vừa bị bệnh nặng nên giọng nói không còn rõ nữa. Do có nhiều năm theo hầu Nhị Tổ, nên thượng tọa Giác Tự là nhân vật mà ai cũng cần phải tìm đến khi muốn biết về vị thượng thủ của Giáo hội Khất Sĩ sau khi Tổ sư Minh Đăng Quang đã vắng bóng.

 

 

 

Từ trái qua: TT. Giác Hữu, TT. Giác Tự, đức Nhị Tổ ngồi trên xe lăn, cô Thanh, cô

cô Phương Ngọc, ảnh chụp tại vườn nhãn ở Bạc Liêu, năm 1993.

 

 

Tôi vào tịnh xá, gặp thượng tọa Minh Phúc, ngài chỉ chỗ cốc sư ông ở phía sau cho tôi ra. Tịnh xá Ngọc Mỹ đã xây thêm một ngôi giảng đường lớn rất đẹp ngay sau chánh điện và thêm nhiều cốc cho chư Tăng ở xung quanh. Có nhiều chậu hoa kiểng đẹp được sắp trên sân. Quang cảnh trông khác hẳn 3 năm trước, năm 2009, khi huynh đệ một khóa Học viện chúng tôi ghé đây… Tôi đến cốc, thượng tọa Giác Tự ra đón, rồi ngồi ngay hiên cốc nói chuyện, tôi xá ngài và ngồi dưới băng ghế đá kế bên. Đã gần 5 giờ rưỡi rồi nên tôi vào việc ngay:

 

– Kính bạch thượng tọa, hôm nay con đến Tịnh xá Ngọc Mỹ đây để gặp thượng tọa, xin thượng tọa kể về đức Nhị Tổ, về Đoàn Du Tăng ngày xưa. Con xin phép thu âm rồi nhắm cái nào thuận tiện thì phổ biến, mong thượng tọa hoan hỷ.

 

Thượng tọa Giác Tự mau mắn đáp:

 

– Mô Phật. Có vấn đề này: hồi Nhị Tổ còn, hòa thượng Giới kêu trò 2, 3 lần lận. Có một số sư, như sư Giác Đẳng ở Thốt Nốt có ghi lại vào năm 87, 88 gì đó, nhưng sư ghi lại bị trật năm đi. Còn trò không chịu ghi ra, vì xét mình chưa đắc quả A-la-hán, sợ cái ngã xen vô. Thành ra bây giờ trò thuật lại đây, nhớ tới đâu thì thuật tới đó vậy thôi.

 

– Dạ.

 

– Khi Anan chưa đắc quả, ngài Ca-diếp không cho Anan trùng tuyên kinh. Bây giờ trò nghiên cứu kỹ mới thấy chỗ đó, dù mình không tác ý, nhưng sợ tập khí của mình làm ảnh hưởng… Sư có thấy vậy không?

 

Tôi chỉ đáp một tiếng “Dạ” để lắng nghe thượng tọa nói tiếp:

 

– Trò xuất gia năm 1967, năm 68 theo Đoàn đi du hành, nên từ năm 68 về sau trò biết quá rành, trước đó thì hổng được rành. Sau tết Mậu Thân, trò theo đại đức Thắng, người Bắc. Lúc xuất gia trò đòi theo đức Nhị Tổ, nhưng ngài nói: “Không được, ông theo tôi thì người khác sẽ phân bì.”, rồi ngài giao trò cho đại đức Thắng…

 

Lúc đi hành đạo, mình thanh niên mới 23 tuổi, ngài 56 tuổi rồi. Đi bộ, mà ngài đi thiệt giỏi, chả lẽ mình thua sao? Đi tới 2 chân phồng 4 cục, lấy kim Tây chích cho ra nước rồi đi nữa. Ngài đi được mình đi được! Từ Bạc Liêu lên Đạt Hòa rồi trở về lại Bạc Liêu, lúc đó đường xá xa xôi, khó khăn lắm. Hai mươi mấy tháng Giêng, đại đức Thắng đi lên miền trên, xin trực thăng đi, bảo trò lên Kim Cang theo Nhị Tổ.

 

Mùng 3 tháng 3 năm 68 (lịch âm), trò còn nhớ rõ, Nhị Tổ bị kiết lỵ lại ho khạc ra máu nữa. Ngài nói: “Tôi phải về tịnh xá mới được. Trong giáo đoàn Tăng đây có ai theo tôi về tịnh xá không?”. Ngài họp quý sư lại, gần 20 vị, quý sư mới nói: “Có ông sư Tự, sư Tự biết nuôi cha mẹ già, mà ý ổng cũng muốn theo Thượng tọa nữa.”. Vậy mới cho trò về nuôi ngài, tại Tịnh xá Ngọc Liên ở Bạc Liêu. Trò nấu cháo gạo lứt cho ngài ăn, toàn ăn theo Osawa, ngài khỏe lại. Năm đó nhuần hai tháng 7, qua tháng 7 sau ngài mới đi hành đạo trở lại, đi đường biển Vĩnh Châu.

 

Lần đó Nhị Tổ khỏe lắm. Trò, sư cụ Hữu, sư cụ Điền theo ngài, 4 vị đi chung. Ví dụ đi khất thực tới vườn nhãn đó, đoàn ở lại 5, 7 bữa, hôm nào đoàn không đi thì mình xin đi bát riêng… Dạo đó toàn nghỉ dưới gốc cây. Tới mùng 1 tháng 2 năm 69 (lịch âm), ở tại ngã tư Biển Vĩnh Châu, mấy bà Bạc Liêu lên, đi 2 xe lam. Cúng hội rồi, trò, sư Hữu, sư Tầng, sư Điền xin đi riêng, nên Phật tử Bạc Liêu lên không gặp. Vậy mình đã theo đoàn đi hành đạo lại xin đi thêm nữa!...

 

 

 

Thượng tọa Giác Tự đang tọa thiền trong rừng.

Tấm hình này rất đặc trưng cho hình ảnh nhà sư tịnh tọa trong rừng,

có thể dùng làm mẫu để đắp tượng, đắp phù điêu, hay vẽ tranh theo chủ đề đó…

 

 

Thượng tọa cười rất hoan hỷ, miệng móm xọm, nước da rám nắng khỏe khoắn, đôi mắt còn rất tinh và khi nói hay ngưng lại nuốt nước miếng. Đã một đời kiên trì với hạnh xuất gia khất sĩ, nên thượng tọa Giác Tự có phong cách sống rất hồn nhiên. Phàm là người tu hành, thì sự phản phác quy chân ( quay lại tánh chất phác, trở về với cái chân thật) sẽ là một giai đoạn tất phải đi qua. Chính khi đã lột bỏ hết mọi vỏ bọc mà xã hội loài người đã sơn phết cho mình thì người ta mới trở nên bậc Chân nhân (con người chân chính) được. Với tác phong hồn nhiên trẻ trung đó, thượng tọa Giác Tự tiếp tục kể:

 

– Rồi Đoàn đi lên tới Lạc Hòa, trở về cúng rằm tháng 7 tại Tịnh xá Ngọc Liên. Tháng 10, Đoàn đi Sóc Đồn, Hưng Hội, qua mùng 3, mùng 4 đi lại Trà Kha, dài xuống Cà Mau luôn, đi bộ không. Tới Cà Mau lại đi về Giá Rai, xong vô Rạch Rắn, tới Bà Cáu, Điền Lớn, xong trở ra cầu Số 2, vô Phước Lâm, dài xuống Phó Sinh, trở lại Ngang Dừa trước năm 72.

 

Tới Ngang Dừa, lúc đó mùng 8 tháng 10 (lịch âm), ở tại Xóm Chài, quý sư ngồi trước trường học một dãy đối mặt nhau, Nhị Tổ ngồi chính giữa trông xuống đọc Giới Phật Tử. Đọc rồi, tới phiên sư Thức đọc Luật Khất Sĩ. Đang đọc thì mấy ông Cách mạng tràn ra, cách mình có 10 thước à. Mấy ông lính Quốc gia từ sát mé sông đi qua, ngó trong nhà Hai Lóc cách chỗ mấy sư chừng 10 thước, bên nay có nhà ông Mười Rùa. Mấy ông Cách mạng bọc hậu vét ót mấy ông lính. Mấy ông lính la: “Tụi bây ơi, mấy ông sư ngồi đỏ hết trơn kìa.”. Ba ông vét ót chận không cho lính trở lại, bên lính có 5, 6 người trốn lại sau bẻ mía ăn. Giữa lính với Cách mạng cách nhau chừng 20 thước, bắn qua bắn lại, M.79 bắn quá chừng đi. Bên này, bên kia đều xào… xào… xào… Mấy ông lính bắn trúng bụng một ông Cách mạng, ổng ôm bụng, đơ đơ 2 tay, vậy mà rán nạp đạn bắn lại nữa.[1]

 

Lính rút đi, bên Cách mạng tấn công lên. Sư biết thứ cỏ bò đã cạp ăn rồi còn bao lớn, vậy mà cũng nhảy nhảy, chứng tỏ đạn bắn bao thấp? Bữa đó thứ Hai, thay vì học thì thầy giáo đã cho học trò học ngày Chủ nhật, để thứ Hai mấy sư mượn chỗ Trường Xóm Chài đó cúng hội.

 

Hai bên bắn quá, có sư đó treo y trên cây, bị lủng như cái rổ luôn! Mà quý sư vẫn ngồi đều hết trơn. Chỉ có trưởng lão Vân bịnh, nằm ở trong thôi. Có sư Giác Biên ngồi dựa cây cột, đánh qua rồi, xem lại vết đạn trúng cột cách đầu ổng có 1 hột lúa nằm à!

 

Một lát xã tiếp viện lên, ở cách khoảng 2 cây số. Mấy ổng vác súng lên tới, kêu: “Tụi bây ơi, mấy ông sư còn sót lại nè, Việt Cộng trong nhà Hai Lóc kìa!”. Tụi nó chỉa súng bắn quá trời. Quý sư ngồi ngay chính giữa mà hổng có chút gì! Qua hết trận đánh, tới 10 rưỡi, 11 giờ vẫn cúng hội như thường!

 

Tôi tò mò:

 

– Tại sao lúc người ta đánh nhau quý sư không nằm xuống?

 

– Không nằm, ngồi hết! Nhị Tổ ngồi thì đằng này cũng ngồi hết luôn!

 

 

 

Đoàn Du Tăng của đức Nhị Tổ đang thọ trai, ngài ngồi chính giữa trông xuống…

Tấm hình này đặc trưng cho cảnh sinh hoạt của Tăng đoàn Khất Sĩ ngày xưa.

(ảnh chụp tại một vườn nhãn ở Vĩnh Châu năm 1969)

 

 

Thượng tọa cười quá xá, tôi cũng vui lây nên bật cười theo rồi hỏi tiếp:

 

– Tất cả bao nhiêu sư, thượng tọa?

 

– 14 sư. À, có thêm sư Tuyền ở Mỹ Tho với 1 sư nữa. Mà lúc cúng hội Phật tử vẫn lại đông 3, 4 chục người.

 

Qua tết, Mùa Hè Đỏ Lửa đó, quý sư ở chỗ vườn cây của ông Năm Thùng tại Ninh Quới, đường qua Phước Long. Qua nhà đó, nghe ông kia la: “Mày đi đâu? Mày bắn cái gì vậy? Việt Cộng ở đâu mà mày bắn?”… Sự thật là vừa có một người bắn 7 phát M.79, 2 phát ngay cốc phía sau chỗ sư Cung nghỉ, 1 trái rơi trước bồ trấu, 3 trái đụng cây xoài kêu xào… xào… xào… mà quý sư không có gì hết! Ổng canh ngay quý sư mà bắn đó.

 

– Lý do gì, thượng tọa?

 

– Ổng ghét, thấy Phật tử cúng dường quý sư ổng không ưa.

 

– Ổng là Quốc gia à?

 

– Quốc gia chớ. Ông Xã trưởng đến la, đuổi nó đi. Thật là mình tu rồi có chư thiên hộ trì nghen!

 

Thượng tọa Giác Tự kể tiếp:

 

– Năm 74, Đoàn ở cách Phước Long 7 cây số, cũng ở tại miếng vườn đó. Họ bắn nhau, có đạn 105 ly nữa. Loại 105 chụp từ trên chụp xuống nổ bung ra, nát đọt dừa. Coi lại gối hòa thượng Thảo nằm thì mảnh đạn còn cách có 1 gang tay!

 

Đoàn đi hành đạo, trở về chỗ tạm trú thì ở Bạc Liêu có gởi đồ xuống, thức ăn này kia cũng đầy đủ. Còn mình đi độ cơm gốc cây thì thôi có gì ăn nấy, ăn cơm với muối hột là căn bản.

 

Mà vui lắm sư, đi thật là thoải mái! Cũng như trời ui ui áp thấp nhiệt đới đó, mưa lắc rắc hoài, đi khất thực rồi kiếm chỗ hơi vắng nhà chút, xin một nắm rơm lại trải đó, trải lên một miếng nilon nhỏ, rồi đi múc nước rửa chân, lấy vải lau chân sạch sẽ (mỗi người có đem một miếng vải), bắt kiết già lên ngồi. Kiếm một cái cây cắm trước mặt…

 

– Để làm gì, thượng tọa?

 

– Để mưa thì mình che nilon lên, vẫn còn trống chỗ mà múc cơm, chớ trùm kín người làm sao múc cơm ăn? Có 2 cây kẹp kẹp lên, de de ra để hứng nước, lấy nước đó uống hay rửa bát luôn. Rồi thấy bớt mưa một chút là về liền, đâu dám ở.

 

Thì ra hồi trẻ quý sư ham vui trong đạo kiểu này đây, ngộ nghĩnh thật! Tôi mỉm cười nghe thượng tọa kể tiếp:

 

– Đó, Đoàn đi du hành rất vui! Theo như người ta thấy thì cực khổ lắm, nhưng mình thấy thoải mái, nhẹ nhàng, thanh thoát, không có gì hết trơn. Bây giờ ăn cơm với muối thấy cực lắm, nhưng hồi đó có khi ăn 7, 8 chén vậy sư!

 

– Dạ, cái chén bao lớn?

 

– Như chén thường. Ăn được nhiều lắm, do sáng, chiều không có ăn gì. Thỉnh thoảng một số sư bịnh yếu thì có xin cháo, còn không bịnh yếu là quý sư tinh tấn lắm à.

 

Tôi hỏi lại cách che tấm nilon:

 

– Nãy thượng tọa nói ngồi dưới mưa ăn cơm đó thì tấm nilon mình che làm sao?

 

– Trùm lên đầu vậy nè…

 

Thượng tọa làm mẫu cho tôi xem. Nói chung là trùm tấm nhựa lên, 2 mép kẹp vào cái cây cắm trước mặt để khỏi rũ sát người… Có ngài Phật ngài Tổ nào bắt quý sư phải ăn cơm dưới mưa kiểu này chớ? Đây là do quý sư ham vui, cũng còn chất tinh nghịch của tuổi trẻ. Mà đây cũng là một sáng kiến, Phật giáo Ấn Độ làm gì có! Thượng tọa Giác Tự vẫn hào hứng kể:

 

– Thêm nữa, sau này có chế ra cái mùng như cái “dó” (cái vó kéo cá). Khi mình đi dọc đường, hoặc không muốn ngủ trong xóm thì ra giữa đồng ngủ. Kiếm một cái cây chừng thước tư, thước năm cắm xuống bờ ruộng rồi trải rơm ra, trời có mưa thì rút vô kẹp mấy cái kẹp lại, làm mùng còn vuông vức 7 tấc rưỡi; trời hết mưa thì bung ra, như con ốc vậy đó.

 

– Dạ. Mà cả đoàn như vậy hết hay chỉ có vài vị thôi?

 

– Cái đó là đi riêng vài vị thôi. Đoàn thì ở tại chỗ trụ, có nhà che, trường học… Trò với sư Hữu đi kiểu đó nhiều nhất. Sư cụ Điền cũng đi vậy thường lắm. Hễ hôm nào không mưa, quý sư đi độ cơm gốc cây cũng thường lắm, có gì ăn nấy.

 

– Mô Phật.

 

– Có lần ở Xóm Chài, không có gì ăn hết, sư biết ăn gì không? Ăn đọt bông bụp luộc lên!

 

– Ăn được sao, thượng tọa?

 

– Được! Người ta ăn được thì mình ăn được. Với lại ăn đọt so đũa nữa.

 

– Ăn sống hay ăn chín?

 

– Sống còn không có mà ăn nữa là chín!

 

 

 

Chư Tăng đang tinh tấn theo chân người trưởng đoàn

(đức Nhị Tổ, hòa thượng Giác Tường, hòa thượng Giác Nhu, và…)

 

 

Hai người đều cười lớn. Thượng tọa Giác Tự tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm:

 

– Đi du hành, bữa đó trò, sư Thời, sư Hiệp đi tới ngã tư Phó Sinh, mỗi người được cúng một keo chao. Mình ngồi ăn, mấy đứa nhỏ lại mình nói nó đi bẻ dùm rau ngổ người ta bỏ hoang, mang lại rửa sạch, hỏng thèm lặt lá nữa, để vậy chấm chao ăn hết 4, 5 nạm.

 

Ngài bật cười với kỷ niệm, nói:

 

– Không có gì ăn hết! Chớ ăn cơm với muối thì sao?

 

Tôi gật đầu đồng tình:

 

– Dạ.

 

– Về chỗ trụ, nói ngay cũng có Phật tử thường gởi rau, cải, đậu hủ… xuống. Mình trẻ, còn khỏe, cứ việc đi…

 

– Lúc đó đi mỗi nơi ai giữ cuốn sổ, thượng tọa?

 

– Nhị Tổ, mấy sư đi trình rồi về để chỗ Nhị Tổ.

 

– Dạ. Bìa nó trơn hả thượng tọa?

 

– Bìa trơn, màu nâu, không có gì ngoài bìa. Sư coi cuốn photo hay gốc?

 

– Dạ, gốc, coi tại Ngọc Viên, bị mối ăn nhiều…

 

– Đúng rồi. Tại mấy ổng để mối ăn.

 

– Ủa, vậy lúc xin về lại đã bị mối ăn rồi sao thượng tọa?

 

– Bà cô Minh đi xin về. Nhờ có tấm giấy của Trung ương Đảng, cổ xuống Hồng Dân lục banh hết, cuối cùng cô đi chung phát hiện nó bị bỏ ở ngoài hiên.

 

– Ôi chà!

 

– Đó, mình quý, người ta đâu biết nó là gì!

 

– Vậy mà hòa thượng Giác Giới nói do để trong tủ bị mối ăn…

 

– Chắc cũng có ăn thêm. Sau đến Vĩnh Châu có làm sổ khác, nhỏ hơn.

 

– Vậy sao?

 

– Còn có hộ khẩu lưu động nữa, như đoàn hát vậy.

 

Thượng tọa kể tiếp:

 

– Thành ra sau năm 80 Đoàn đi du hành ở biển, sư Giác Trí Giáo đoàn V ở Chợ Lách theo Đoàn, sư nói: “Tôi đi xuất gia hai mấy năm rồi, bây giờ mới biết ăn cơm khất sĩ, ngủ khất sĩ!…”.

 

– Khi ngủ dưới gốc cây mình làm sao, thượng tọa?

 

– Thì trải miếng nilon nằm. Tùy theo địa phương, chỗ nào được thì mình mượn ván người ta bề ngang 4 tấc mấy lót nằm. Lúc sau ở Vĩnh Châu, mấy ông đóng vạt tre lót nằm.

 

– Có mùng chớ, thượng tọa?

 

– Dĩ nhiên, mỗi sư mang một cái theo.

 

– Vậy đồ đạc của Nhị Tổ ai mang?

 

– Ngài mang túi bát thôi, còn trò mang hết. Đi gọn lắm, chỉ có túi bát với bộ Chơn Lý thôi.

 

– Bộ lớn hay nhỏ, thượng tọa?

 

– Bộ nhỏ, đâu có bộ lớn. Đây nè, cho sư coi cái mùng nè.

 

 

 

Cái mùng cá nhân của chư Tăng Khất Sĩ được quấn thành trái bí, bỏ gọn vào bát.

 

 

Thượng tọa đi vào cốc lấy cái mùng ngài hay sử dụng mang ra. Tôi cầm để xuống sàn, rồi chụp hình nó nhằm giới thiệu cho các đọc giả được biết về cái mùng khất sĩ là như thế nào. Xong tôi gởi mùng lại, thượng tọa Giác Tự để nó một bên, hào hứng kể tiếp một chuyện vừa nhớ ra:

 

– Về Đoàn Du Tăng, có cái này đặc sắc, chưa từng có trong sử Phật giáo Việt Nam. Vào rằm tháng 7 năm 1974, Đoàn du hành tới Phước Long, lúc đó Bạc Liêu tổ chức Tự tứ. Nhóm mười mấy tịnh xá họp về Bạc Liêu, Đoàn không về, chư Tăng xuống hỏi biết vậy nên báo trên kia xuống để truyền giới luôn. Truyền giới dưới vườn trúc, ở ngoài trời, hôm 16 trăng sáng, không có mưa.

 

– Năm 74 ai thọ giới vậy thượng tọa?

 

– À, 9 vị: Chuyển, Tự, Hữu, Bình, Đẳng, Thời, Thông, Thọ, Pháp. Mà thọ giới dưới gốc cây trước giờ chưa từng nghe nói phải không?

 

– Dạ chưa.

 

– Có các ngài Giác Tường, Giác Nhu, Giác Giới ngồi chứng minh truyền giới nữa, cả thảy 22 vị ngồi chứng minh luôn! Chỗ đó là vườn của ông Thiện Đắc, tên đời là Hai Định, cách chợ 500 thước có.

 

– Dạ.

 

– Cái này sử sách ít có lắm. Giới tử lúc trả bài thì quỳ ngang hông, khi thọ thì quỳ ở trước. Mà thọ từng vị nghe!

 

– Vậy không phải 3 vị một lần như bây giờ à?

 

– Không phải.

 

Tôi thỉnh thượng tọa Giác Tự uống café. Một lát sau tôi lại gợi chuyện:

 

– Vậy cái mùng mình quấn như thế là bỏ vô bát vừa khít hả thượng tọa?

 

Thượng tọa lấy bát ra bỏ mùng vô thử cho tôi xem, rồi chỉ thêm:

 

– Còn cái này nữa: mình phải cột dư dây ra, để khi đi bát thì mình đeo cái mùng này vô túi bát. Đến khi bát đầy, bỏ vô túi rồi lấy cái mùng đặt trên nắp bát luôn.

 

– Con hiểu rồi.

 

– Phần đông mỗi sư đều có một miếng vải lau chân, mang theo vắt trong thắt lưng. Rồi mỗi sư đều có một lon li-gô hay bình nước của lính Mỹ đó.

 

– Loại bình đó tốt lắm.

 

– Lon li-gô thì rộng xài hơn, đựng nước, đựng đồ đều được. Mình phải mang theo để đựng nước uống, chớ ở ngoài đồng hổng có gì trơn trọi. Có bà đó mỗi ngày nấu mang lại một ấm nước nhỏ, chế từ các vị lớn ngồi trên xuống đến mình đâu còn gì. Thành ra đi bát mình phải xin cả nước uống nữa.

 

 

 

Lon sữa bột Guigoz của Hà Lan, bằng nhôm, dùng thịnh hành ở miền Nam trước 1975; và bình đựng nước uống của lính Mỹ, rất bền, nắp kín, chứa được 1 lít nước.

 

 

Tôi bật cười, thượng tọa cũng cười móm mém và kể tiếp:

 

– Năm 73 trò bị một lần: đi bát chỗ này uống nước giếng, qua chỗ kia uống nước sông, nước mưa, nước fông-tên đủ thứ… riết rồi bị kiết lỵ, đến mức đi hổng nổi luôn. Năm đó trò 28, 29 thôi, vậy mà phải vịn người khác dắt đi, một ngày đêm đi cầu bốn mấy năm chục lần. Sư Hữu lại trạm y tế huyện Phước Long xin Ê-mi-tin về chích. Loại thuốc làm cho Mỹ, bọn nó to con, nên họ dặn mình chích 2 phần 3 thôi, mà mình về chích nguyên ống cũng không hết. Kiệt sức quá, phải lại đẳng vô nước biển… mới hết.

 

– Dạ.

 

– Rồi trước đó, năm 70, đi dài tới Cà Mau, vô chùa Cao Đài ở Cả Ngang. Chỗ đó có mấy cái ván ngựa à, hòa thượng Thảo với mấy vị lớn nằm hết, trò, sư Hữu, sư Thông đâu có gì nằm. Rồi đi tìm được miếng ván dài, bề ngang có 2 tấc, mượn kê nằm ngủ luôn.

 

Tôi nói:

 

– Dơ y, dơ áo hết.

 

– Hổng có dơ! Mình lấy gạch kê ván lên, phía dưới là đất sình…

 

Cuộc sống thiếu thốn thật, nhà du Tăng khất sĩ đã vui nghèo để giữ đạo như thế đấy! Mà khi nằm phía trên đất lầy thì giăng mùng làm sao cho khỏi dơ đây?... Thượng tọa Giác Tự vẫn tiếp tục kể:

 

– Năm 71 vô ngã tư Phó Sinh, có cái miễu đó nhỏ chừng thước ba, thước hai, trò ngủ bên này miễu, sư Hữu ngủ ngồi bên kia miễu. Cái miếng vách tường gạch của người ta đã bể rồi, sư Hữu đem ra lót ngồi. Còn trò lượm gạch vụn lót một bề 6 tấc, bề kia thước hai, lót lên tấm cao su, phía trên kẹp một tấm, trời mưa rút vô ngồi, trời nắng thì bung chân ra nằm… Đi phải nói là hết sức vất vả mà vui lắm, hổng thấy khổ.

 

Đi bát, hổng có ai cúng gì hết trơn, chỉ có bà Diệu Dàng xin cúng canh lá khoai ngọt. Mỗi ngày bả phát tâm cúng 2 bịch, sư Hữu với trò luân phiên đi lấy về, cúng dường lên Nhị Tổ 1 bịch. Sư nghĩ đi, sư chắc chưa gặp cảnh này hả?

 

– Dạ, dĩ nhiên bọn con sanh sau này làm sao gặp mấy cảnh đó. Như vậy đến khi nào mới ngưng đi, bạch thượng tọa?

 

– Đến năm 79, Đoàn về tới Ninh Quới, thuộc xã Vĩnh Phú Đông, huyện Hồng Dân, tỉnh Minh Hải. Mấy ông công an xuống bắt giải tán đoàn. Họ đưa Nhị Tổ về Phước Long, ngài nhịn ăn, họ ngại quá nên bảo hòa thượng Trang ở Ngọc Liên xuống Phước Long rước ngài, về Vĩnh Long…

 

– Lý do nào đoàn không được đi nữa, thượng tọa?

 

– Cả đoàn hổng ai có một miếng giấy lận lưng.

 

– Chỉ có cuốn sổ…

 

– Bị thu mất. Qua 80, 81, 82 quý sư tụ họp về Vĩnh Châu đi nữa, mình xin làm sổ khác… Cuối cùng, mấy sư tập trung về Ngọc Mỹ đây, rồi vô Vũng Thơm, Bố Thảo, tới Mỹ Xuyên bị bắt, đưa về giam tại Mặt Trận. Giam một tháng, từ mùng 6 tháng Giêng đến mùng 6 tháng 2 (lịch âm). Ở đó có nhiều bàn rộng 1 thước 2, mình ngủ trên bàn thoải mái. Về tắm thì mình có chế độ, mỗi sư được phát 5 đồng rưỡi. 12 sư mỗi người chiết ra 5 đồng để mua phy nước rửa mặt. Cả tháng đâu có ai tắm.

 

Nói đến chuyện tắm, thượng tọa sực nhớ chuyện Nhị Tổ bèn bắt qua luôn:

 

– Mà Nhị Tổ có cái đặc biệt: Năm 8… mươi… 9, về Pháp viện, ngài bị bịnh lao, ông bác sĩ Tín trị cho ngài. Ổng hỏi mình: “Coi bộ ngài không tắm hả, sư?”. Trò đáp: “Phải cả tháng mấy lận.”. Rồi mới lại gần rờ thử vai ngài, thấy mát lạnh chớ không có gì, cũng không có mùi gì. Bác sĩ Tín về nói cho vợ nghe, bả nói thêm cho mấy người bạn biết, họ lại Pháp viện làm bộ thăm ngài mà để hửi thử coi có phải không? Gần 2 tháng đó, cả nước tiểu và phân của ngài cũng không có hôi! Cho nên cái tâm thanh tịnh làm cho tuyến nội tiết của mình điều hòa tốt lắm.

 

 

 

Bác sĩ Tín thăm bệnh cho đức Nhị Tổ Giác Chánh tại PV. Minh Đăng Quang năm 91

 

 

Trời đã sắp tối, tôi mở giỏ lấy ra cái máy chụp hình, rồi đứng lên nói với thượng tọa:

 

– Thượng tọa cứ ngồi vậy nghe.

 

Ngài hiểu ý, đáp:

 

– Ừ, ừ…

 

 

 

Thượng tọa Giác Tự, hàng giáo phẩm Giáo đoàn I Phật giáo Khất Sĩ

Ngài đang an tọa trước cốc ở Ngọc Mỹ, miệng luôn mỉm cười vì niềm an lạc trong giới hạnh

 

 

Tôi ngắm, xin đẩy đầu thượng tọa qua tay trái một chút rồi chụp. Chụp xong, mở hình đưa cho thượng tọa xem rồi tôi thưa tiếp:

 

– Mô Phật, thỉnh thượng tọa hoan hỷ nói về những ngày cuối của đức Nhị Tổ đi?

 

Thượng tọa Giác Tự kể:

 

– Lúc còn khỏe, năm 2000 lẻ ba, lẻ tư ngài vẫn đi du hành, đi từ Vĩnh Long về Trà Vinh, Tam Bình. Mà đi không nổi thì ngài ngồi trên xe lăn đi luôn. Có mấy tấm hình chụp Nhị Tổ đi khất thực ở Vĩnh Long đó, ngài ngồi trên xe, trò đẩy xe lăn cho ngài. Bát ngài đầy trò lấy để vô túi rồi đưa bát trò cho ngài ôm, thiện tín để đầy 2 bát thì về. Năm đó 2004 (trước khi tịch).

 

– Dạ.

 

– Ngài đi không nổi còn biểu trò đẩy xe đưa ngài đi, tinh thần ngài thật xuất sắc!

 

 

 

Những bậc Hiền minh không làm gì hại cho sinh vật nào hết,

luôn luôn kềm chế xác thân nên đến được trong cõi yên tịnh, trong cõi tuyệt hảo!

 

 

Đi Trà Vinh về, ý ngài muốn xuống Bạc Liêu. Nhưng trò thấy ngài yếu quá, nếu mất ở Bạc Liêu thì sư Định không đủ khả năng điều hành lễ tang của ngài. Nên trò mới bàn trớt để ngài ở Vĩnh Long, vì hòa thượng Vĩnh Long (HT. Giác Giới) có sức điều hành hơn.

 

Tôi hỏi thượng tọa:

 

– Chớ ý ngài lúc đó muốn về Bạc Liêu à?

 

– Ừ. Ngài mất bữa 17 tháng 6 âm lịch, từ mùng 8, mùng 9 ngài đã nhất định không ăn uống. Sư Minh Bổn lấy ống xi-lanh bơm nước vô cho ngài ngậm, một lát ngài cũng nhả ra ướt hết y.

 

– Dạ, lúc đó ngài có giải thích gì không?

 

– Không nói gì hết! Hòa thượng Vĩnh Long mới đưa bác sĩ lại coi, bác sĩ bảo để vô nước biển cho ngài. Ông kia vô nước biển, ngài không nói gì, một lát ổng bước ra thì ngài rút ống ra. Mà ngài chịu bác sĩ Sơn ở Bạc Liêu, Phó giám đốc bệnh viện. Bác sĩ Sơn nói ngài lớn tuổi quá rồi, làm sao giờ?... Chiều hôm đó, 5 giờ mấy phút ngài tắt thở. Qua sáng hôm sau khoảng 7 giờ có cô kia lại chụp hình, ngài nằm nghiêng, tay kê vậy (thượng tọa ra bộ như Phật nằm), miệng mỉm cười. Trò chưa từng thấy ai như ngài, 12 tiếng đồng hồ sau vẫn mỉm cười như vậy. Sư tìm tấm hình đó đi.

 

– Dạ. Sao con không thấy?

 

– Có, mấy sư đều có bộ hình đó. Đến 5 giờ sáng hôm sau trò với sư Hữu có đo cái hàng rồi lấy rượu bóp tay chân ngài sửa lại một chút thôi. Khi liệm vẫn để ngài nằm nghiêng.

 

– Dạ. Sau đó là thiêu?

 

– Thiêu. Đem lại Vũng Liêm, chùa Tăng - . Lúc đưa vô lò chim kêu quá chừng. Đến khi châm lửa, trò đứng bên trong, bên ngoài đặc cứng cả ngàn người, người ta thấy nóc ống khói tủa ra hào quang ngũ sắc.

 

– Dạ.

 

– Nhiều người đều thấy vậy. Chật quá trò đâu chen ra coi được. Nhiều người chụp hình, nhưng lúc mang máy về rửa hình ra thì không thấy.

 

– Chỗ đó ở Vũng Liêm hả, thượng tọa?

 

– Ừ, chỗ mới lập. Họ cho trải nilon bên dưới, bên trên trải vải vàng từ tận ngoài lộ vô đến lò thiêu, mấy chục thước. Do sư trụ trì ở đó lên Vĩnh Long thấy đám tang quá lớn, gần 300 xe, nên sư về tự làm vậy.

 

– Thiêu bao lâu, thượng tọa?

 

– Sáng sớm đi, chừng 3, 4 giờ chiều đến lấy tro cốt mang về Ngọc Viên.

 

– Sau đó thì sao?

 

– Quý vị lượm xá-lợi này kia, trò không tham gia.

 

Tôi cười, hỏi thêm:

 

– Mà ngài trước đó có căn dặn gì không, thượng tọa?

 

– Năm 91, 92 gì đó, sư Tuân có hỏi ngài, ngài nói tới đâu hay đó chớ tôi không có nói trước.

 

– Vậy bây giờ có còn cái băng nào lưu được tiếng nói của ngài không, thượng tọa?

 

– Còn.

 

– Thượng tọa giữ?

 

– Để bữa nào cho sư mượn. Vô đĩa rồi. Sau bữa cơm, ngài đọc đủ hết, cả bài Lễ Giáo, Vô Lượng Cam Lộ.

 

– Ngài thuyết cả 2 bài chơn lý đó?

 

– Ừ. Mình vừa nghe qua thì nói ngài thuyết, nhưng mà ngài trả bài luôn, hết nguyên cuốn.

 

– Vậy là ngài thuộc lòng cả bài Vô Lượng Cam Lộ?

 

– Thuộc luôn. Lễ Giáo, Vô Lượng Cam Lộ, Quán Thế ÂmĐại Thái Thức một phần thôi, Pháp Hoa một phần, Có và Không, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, Lục Căn, Khất Sĩ, Y Bát Chơn Truyền, Pháp Tạng, Địa Tạng, 13 bài. Đặc biệt, Lễ GiáoVô Lượng Cam Lộ ngài thích lắm, ngài nói một cách hăng say! Người không biết Chơn Lý tưởng là ngài giảng, còn mình biết là ngài trùng tuyên, không sót một chữ. Trí nhớ ngài xuất sắc!

 

 

 

Ngài thuyết một cách hăng say! (hình minh họa)

 

 

Thượng tọa Giác Tự phát âm 2 tiếng “Xuất sắc” thật đặc biệt. Tôi hỏi:

 

– Như vậy là đức Nhị Tổ ra đi mà không sắp đặt, không dặn dò gì hết?

 

Thượng tọa khẳng định:

 

– Không có gì hết. Ngài đi bình thường.

 

Tôi hiểu rồi, đây là tinh thần “Ngã bất lãnh chúng, ngã tại Tăng trung!” mà các bậc Đại Đức Thế Tôn đã tuyên bố. Lời tuyên bố đó có nghĩa là “Ta chẳng thống lãnh chúng, ta ở trong Tăng!”. Trong Chơn Lý, Tổ sư Minh Đăng Quang cũng đã khẳng định nét đặc sắc của Giáo pháp Khất Sĩ là bình đẳng vô trị. Trong Giáo pháp này, chư Tăng đồng mang danh khất sĩ, chỉ những ai có đức hạnh lớn, đắc quả linh A-la-hán, Bồ-tát… thì sẽ được chúng kính ngưỡng, tôn quý. Ngày xưa giáo hội của Tổ sư Minh Đăng Quang còn yếu quá, nên khi ra đi ngài phải có sự chỉ định rõ ràng, sắp xếp nhiều; còn nay Giáo hội Khất Sĩ đã vững mạnh, nên đức Nhị Tổ không cần can thiệp gì nữa. Tuy vậy, có ai đã kế thừa được sở tu sở chứng của đức Nhị Tổ không? Hôm đó tôi đã quên hỏi thượng tọa Giác Tự điều này…

 

 

 

Ngài sống giữa chúng Tăng, không chỉ đạo, không kêu gọi, không trị phạt ai… nhưng đại chúng thành tâm tôn kính ngài là đức Nhị Tổ!

 

(Chư tôn đức lãnh đạo 6 Giáo đoàn Khất Sĩ đang kính thăm viếng đức Nhị Tổ.)

 

(Quý hòa thượng Giác Tường, Giác Nhường, Giác Ngộ, Giác Phúc, Giác Giới, Giác Hiệp, Giác Tuệ, Giác Tràng, Giác Thường, Giác Dũng III, Giác Định.

 

Quý thượng tọa Giác Nhiệm, Giác Tự, Giác Pháp, Giác Phùng, Giác Điệp, Giác Ngôn.)

 

 

Thượng tọa  Giác Tự lại cho tôi biết:

 

– Lúc 3 giờ, trò có mở cốc cho mấy người cháu ở Hà Đông vô thăm ngài lần cuối. Hòa thượng Trang la trò quá, nhưng cho người ta thăm một chút chớ có gì!

 

– Dạ. Có sao đâu (với bậc đạt đạo, bậc Tổ sư)?

 

– Không ai nói gì, chỉ có hòa thượng Trang là rầy trò.

 

Tôi hỏi thượng tọa  một chuyện quan trọng khác:

 

– Còn vấn đề quý vị tôn ngài là Nhị Tổ đó, rồi ngài có ý kiến gì không, thượng tọa?

 

Thượng tọa  Giác Tự đáp ngay:

 

– Ngài có thuật lại mấy lần. Hồi ở Sa Đéc, tháng Chạp năm 1953, Tổ sư Minh Đăng Quang về tịnh xá, các sư lại bạch: “Sư Trưởng ơi, ông Chánh cứ ngồi ngó mặt vô vách không à, ổng không lo gì hết!”. Tổ sư mới nói: “Thôi, để tôi cho thêm ông Giác Tánh làm Trưởng lão, ông Giác Như làm Tri sự.”. Tức là Tổ sư cho thêm một ông cố vấn với một ông phụ tá đó.

 

– Dạ. Vậy là trước đó chỉ có một vị thôi?

 

Chỉ có một mình ngài làm Thượng tọa thôi. Rồi cứ gọi ngài là Thượng tọa suốt. Đến sau khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam rồi, khoảng năm 83, 84 đó, quý sư nhiều vị được tấn phong thượng tọa, nên mọi người gọi ngài là “đức Thượng tọa”. Đến sau năm 90 mới gọi ngài là Nhị Tổ.

 

– Dạ.

 

– Trò theo Nhị Tổ, trò hay nghe ngài giảng: “Khi mình đi giữa biển, trên thuyền có cha, mẹ, thầy giáo, vua, vợ và con mình; nếu lúc đó thuyền chìm thì mình vớt ai trước?”…

 

– Mô Phật.

 

– Mình vớt người này bỏ người kia sao? Không được! Mà để nó đeo mình thì cũng chết cả đám. Nên phải lội vô bờ, nằm nghỉ mệt một chút, rồi mới đi kiếm thuyền ra vớt. Nếu kiếm thuyền không có thì đi mượn ra vớt! Bấy giờ vớt ai trước? – Gặp người nào vớt người nấy, chớ đâu thể bỏ ai…

 

Rồi thượng tọa giải thích ý nghĩa của câu chuyện luôn:

 

– Ý ngài muốn nói là khi mình ở giữa biển đời này, trước hết mình phải lội vô bờ, lên bờ nằm nghỉ, rồi mới tìm thuyền ra cứu người. Cái đó cũng hết sức hay!

 

Tôi không tranh luận, chỉ “Dạ” và hỏi thêm:

 

– Khi thuyết pháp ngài còn hay nói gì nữa, thượng tọa?

 

– Ngài hay nói về con vịt ốm, trong Chơn lý số 37, 38 gì đó. Có người đó mua vịt, trong đàn có một con vịt ốm cứ đi lẹt tẹt hoài, nên bỏ nó. Nó lên rừng kiếm ăn, mọc cánh bay đi. Đó, mình mà như vịt ốm thì sẽ được thoải mái, không ai màng tới mình…

 

– Dạ.

 

– Ngài còn hay kể một truyện mà trò kiếm sách hoài không thấy. Đó là truyện Tống Chân – Cúc Hoa, cũng như người học trò khó đi xin ăn tu học vậy, làm trạng của 2 vua Việt Nam và Tàu. Truyện thơ 4 chữ, mà ngài thuộc gần hết luôn. Sư Giác Chân bên Mỹ tịch rồi đó, sư ngồi nghe truyện, nói: “Cóng Chân chớ không phải Tống Chân nghe!”.

 

Cả 2 người đều bật cười, thượng tọa kể tiếp:

 

– Ngài độ cơm xong ngồi nói tới 4 giờ luôn, nói 2, 3 bữa cho hết truyện, quý sư đều phải ngồi nghe hết.

 

– Dạ.

 

– Khi cúng hội, có 2, 3 người ngài cũng thuyết pháp nữa. Ngài bảo: “Để tôi đọc Chơn Lý cho quý sư nghe.”…

 

– Hàng ngày ngài sống thế nào, thượng tọa?

 

– Từ hồi trò xuất gia, trò thấy ngài sáng đi khất thực, về vô cốc nghỉ, tới giờ ra độ cơm. Chiều, ngài ra ngoài nói chuyện với quý sư sau giờ ngồi thiền, lúc 6, 7 giờ, rồi ngài lại vô cốc. Ngài ít đi đâu mà biết nhiều tin tức lắm, thật đặc biệt!

 

 

 

Những bậc Hiền minh ra khỏi đời!

(Hình đức Nhị Tổ đang tọa thiền khi về già. Nên làm một pho tượng y như thế này.)

 

 

Hàng ngày để tâm không như võ trụ, thường ít tiếp xúc với ai lại biết được nhiều thông tin bên ngoài, đức Nhị Tổ quả là đặc biệt! Nghe thượng tọa  Giác Tự kể như thế, tôi chưa biết nói sao thì thượng tọa đã kể tiếp:

 

– Y thượng ngài mặc từ năm 57 tới khi tịch, cứ rách lại vá thêm hoài.

 

Tôi hỏi lại:

 

– Từ 57 đến 2004, 47 năm?

 

– Ừ.

 

– Còn cái bát?

 

– Bát: hồi năm 68 ngài đi khất thực ở Bạc Liêu, lúc tránh xe, cái bát cấn ngoài cột sắt, xe đi ngang đụng làm bể bát. Nên ngài đổi bát từ đó, xài đến khi tịch. (36 năm)

 

– Hay!

 

– Có một cái hay nữa: mấy người cháu đến thăm ngài cũng tiếp như thiện tín vậy thôi, không có phân biệt. Năm 91, có người em bạn dì làm Thiếu tướng Không quân lại thăm, muốn rước ngài về Bắc, ngài nói ngài đi phải có cả đoàn du Tăng 20 vị, chớ 4, 5 vị ngài không đi.

 

– Vậy là hơn 50 năm ngài vẫn chưa về thăm quê?

 

– Chưa. Còn một cái nữa, trò nghe bà con của ngài kể lại thôi. Hồi ở ngoài Bắc, ông bà cụ cưới cho ngài một người vợ, mà ngài không ngủ chung, tối ôm mền gối xuống bếp ngủ. Ngài ngủ vậy 1, 2 tuần thì người anh của ngài ở Sài Gòn là ông Ba Cộ về thấy vậy mới đưa ngài vô Nam. Ngài đi rồi thì cô kia về lại nhà cha mẹ cổ…

 

Thôi câu chuyện tạm ngưng vì trời đã sập tối. Thượng tọa Giác Tự mời tôi ăn bánh, còn ngài uống café đen pha với loại đường dành cho người có bệnh tiểu đường. Qua những lời tâm sự của thượng tọa, tôi được biết ngài tuổi Dậu – 1945, năm nay 67 tuổi, thượng tọa Giác Khang tuy xuất gia trước có 1 năm nhưng là thầy y chỉ của thượng tọa… Và tôi cũng đã hỏi được thêm 2 thông tin quan trọng:

 

1– Tổ sư Minh Đăng Quang đã dặn chư Tăng rằng: không nên phổ biến quyển Bồ-tát Giáo nữa. Tổ sư không giải thích lý do, vào dịp khác chúng ta sẽ lại bàn đến vấn đề này, vì bài ký sự 25 đến đây đã quá dài.

 

2– Đức Nhị Tổ giữ lưng không dính chiếu suốt 5 năm, từ năm 1987 đến năm 1992. Vậy đã xác định được là 5 năm chứ không phải 50 năm như một số người nói. Đức Nhị Tổ vốn đã khòm lưng từ trước đó, năm gần 70 tuổi, nên 5 năm ngồi suốt này khiến ngài bị khòm lưng nặng hơn nữa.

 

Tôi cảm tạ thượng tọa Giác Tự rất nhiều và xin phép về lại Tịnh xá Ngọc Hưng. Biết tôi sẽ ra ngoài đón xe về, thượng tọa đã gọi giúp một chú lái xe ôm cho tôi. Khi tôi ra cổng thì trời đã tối hẳn, phố đã lên đèn rực rỡ. Sóc Trăng đang thay da đổi thịt, tuy có phần chậm hơn Tân An, Rạch Giá… Ngay tối đó tôi rời Ngọc Hưng về Tịnh xá Trung Tâm và trưa hôm sau lên đường ra miền Trung. Đã sắp vào mùa An cư rồi, còn rất nhiều chỗ để đến, tôi phải tranh thủ vì mọi việc hãy còn ở phía trước…

 

 



 

[1] Chi tiết này chứng tỏ thượng tọa Tự ngồi quay mặt về phía quân Cách mạng.

 

 

XEM HẾT BÀI 25

 

 

 

Các bài liên quan