Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Lên Núi Thiền Định
LÊN NÚI THIỀN ĐỊNH
(ĐĂNG THIỀN ĐỊNH SƠN)
Lưu Thủy
Qua một đêm nghỉ tại phi trường ở Bankok, khoảng 9 giờ sáng hôm sau đoàn Tăng, Ni sinh Việt Nam đã có mặt tại Yangon, thủ đô của Myanmar, tức là Miến Điện. Lần này, đoàn cũng đã đi bằng máy bay của hãng Thai Asia Airways, bởi vì giá vé bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Yangon của hãng này là hữu nghị nhất so với các hãng khác. Trong phái đoàn lần này có một thầy là Tăng sinh của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hà Nội. Thầy muốn tranh thủ mùa Hè qua Myanmar tu thiền định ba tháng, nên đã đi chung với đoàn, gồm 7 người bạn thầy mới quen trong Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2008 ở Hà Nội vừa rồi.
Ở trường International Theravada Buddhist Missionary University (Trường Đại học Quốc tế Hoằng dương Phật giáo Nguyên thủy) tại Yangon với các bạn chưa đầy một ngày, vị thầy ấy đã vội vào thiền viền Pa-auk (Bà-ốc), cách Yangon khoảng 300km. Khi thầy đến Pa-auk, mọi người đều gọi thầy theo tục danh là Trí Dũng, tên trong hộ chiếu, bởi vì thầy không có Pali name. Chính thầy cũng không bảo ai phải gọi mình bằng pháp danh cả, nên Trí Dũng lại là cái tên thầy sử dụng sau 16 năm không dùng đến.
Sư Thủ, một nhà sư người Việt Nam do các bạn ở Yangon mách với Trí Dũng tìm cách liên lạc khi vào Pa-auk, là người đã tận tình giúp đỡ Trí Dũng ổn định chỗ ở, xuống Sangha office (Văn phòng Tăng-già) mượn đồ dùng, gồm có đèn pin, cái dù, một cái xô, một cái ca, một tấm tọa cụ và một cái bát lớn bằng sắt như các sư ở đây thường dùng để ngày hai bữa đi khất thực. Trí Dũng được sắp xếp ở kuti (cốc) 20, nằm trong khu vực gần thiền đường chính, trạm xá và Sangha office, một khu vực thường dành cho những thiền sinh foreigner (người nước ngoài) mới đến đây. Rồi thời gian trôi qua, ở đâu cũng chùa, cũng Phật, cũng nhang, cũng chuông, cũng mõ… Người đời thật ra vốn không có nhiều chuyện và người đạo cũng vậy, trong cuộc sống hàng ngày.
Mỗi ngày 5 lần Trí Dũng đều đặn đi lên thiền đường chính. Trong số 11 thiền sinh Việt Nam đang ở tại đây, kể cả trong số 5 vị người Hàn Quốc, 7 vị người Đài Loan, 1 vị người châu Phi và nhiều thiền sinh người Âu, Mỹ khác, Trí Dũng là thiền sinh foreigner siêng năng nhất. Cái dù Trí Dũng mượn được có ba lớp, gồm có hai lớp vải dù cũ và nhỏ ở bên ngoài lớp vải dù lớn và mới ở trong cùng, đã cùng thầy lên thiền đường bao nhiêu lần trong những khi mưa tầm tã. Trí Dũng chỉ đi bằng con đường chính lên thiền đường và một lần thầy đã đếm biết nó gồm 216 bậc cấp thấp khoảng 2 tấc. Thiền đường chính nằm ở lưng chừng ngọn núi lớn nhất của Pa-auk Tawya (Bà-ốc Tô-da, rừng Bà-ốc), nên tính ra tòa núi này không cao hơn 80m.
Qua ngày thứ hai khi đến Pa-auk, Trí Dũng đã ổn định mọi điều để tập trung đi vào thiền định, mục đích chính thầy đã đến đây. Chiều hôm đó, sư Thủ đã dẫn Trí Dũng lên gặp ngài Ananda để trình pháp. Sau khi sư Thủ trình xong thì tới phiên Trí Dũng vào. Thì ra ngài Ananda cũng trẻ như Trí Dũng. Nhìn vị thiền sư đang ngồi trước mặt, đôi mắt đỏ, tướng người thấp bé, Trí Dũng nghĩ rằng chắc vị này cũng không xuất gia lâu hơn mình. Cuộc đối đáp đầu tiên giữa hai người đã diễn ra ở hình thức thăm hỏi và từ đó về sau Trí Dũng không bao giờ đi trình pháp nữa, thầy đã tu Sổ tức quán theo như pháp của hòa thượng bổn sư đã dạy cho thầy, pháp tu này khác với pháp Sổ tức quán đang phổ biến ở Pa-auk. Dĩ nhiên điều này sẽ không được các thiền viện chấp nhận, nhưng có lẽ do Trí Dũng tu tập ổn định, không có những dấu hiệu bất thường nào nên cũng chẳng có ai hỏi thăm đến thầy. Nghe nói rằng thiền viện Pa-auk rất kỹ trong công tác hướng dẫn thiền định cho các thiền sinh, các bậc thầy phải luôn theo dõi các thiền sinh và trình pháp là một yêu cầu bắt buộc cho mọi người.
Ba ngày đầu tiên, hai chân của Trí Dũng thật là kinh khủng. 90 phút ngồi trong thiền đường thật không êm đềm chút nào. Những mạch máu chạy ngang cổ chân bị ép lại trong tư thế ngồi kiết già đã không ngừng tức tối căng thẳng. Thường ngày Trí Dũng cũng có tập thiền nhưng chưa bao giờ với mức độ như ở một thiền viện. Đau chân là điều đầu tiên mà Trí Dũng đã chứng nghiệm. Xung quanh thầy, không có một người Miến nào ngồi bán già hay kiết già cả. Khi tọa thiền, người Miến ngồi co chân ngoài chân trong hoặc co cả hai chân qua một bên. Phật giáo Miến Điện trung thành theo tư tưởng hệ văn bản Pali, vậy tại sao họ không ngồi kiết già như lời Phật dạy trong các Nikaya? Trí Dũng có ý nghĩ đó nhưng thầy cũng chẳng đi hỏi ai.
Trí Dũng bây giờ như một chàng thư sinh vừa từ giã mái trường bước vào thực tế cuộc sống. Mà ở đây, ở Pa-auk Tawya, cuộc sống của mọi người là lấy thiền định làm sự nghiệp. Theo đó, định là trụ cột của giới hạnh và trí huệ, nhờ có định mà giới hạnh được thành tựu và trí huệ được thăng hoa. Người đời đã thường sống với tâm loạn, nếu ai muốn quay đầu lại, muốn sống với tâm định thì cần phải tập tọa thiền. Trí Dũng đã có một kế hoạch rèn luyện thân tâm nên mới đến đây. Thầy đã từng học nhiều lý thuyết và thầy vẫn đinh ninh rằng một cái bánh trên giấy thì không thể làm no lòng ai cả.
Từng ngày dần trôi, lần lần Trí Dũng đã kinh nghiệm đến sự đau nhức nơi hai đầu gối, sự căng thẳng nơi đùi, chỗ phần cơ giáp xương chậu và sự mỏi lưng… Trong hai tuần đầu tiên, thầy đã cố gắng để khắc phục mọi trở ngại của thân thể. Từ giấc ngủ đến bữa ăn, lúc đi đứng, khi nói cười với mọi người… đều được Trí Dũng xem xét kỹ. Tuy thầy chu toàn công phu điều thân, nhưng chưa có một tiến bộ tâm linh nào xuất hiện lúc này. Những giờ tọa thiền của Trí Dũng đa phần vẫn là những giờ vọng tưởng không ngừng và hôn trầm vẫn thỉnh thoảng xen vào…
Trong khoảng thời gian này, Trí Dũng hay giật mình dậy lúc nửa đêm, nằm trằn trọc vài tiếng mới thiếp ngủ lại. Trí Dũng nghĩ rằng chắc tại thầy chưa quen với nếp sống mới. Nếu ai hàng ngày không tập tọa thiền, đột nhiên từ bỏ tất cả mà vào thiền viện, cố theo mọi người ngồi một ngày hơn 7 tiếng, toàn là đấu tranh căng thẳng trong nội tâm, thì ắt cũng sẽ bị mất ngủ. Nhưng thử hỏi, trên thế gian này có bao nhiêu người tọa thiền và họ đã tọa thiền như thế nào? Còn như tại Pa-auk thì sao?... Trí Dũng tự đặt ra những trường hợp khác nhau để suy nghĩ, rồi thầy kết luận rằng mình đã đè nén tâm quá trong khi tọa thiền. Nằm trên sàn cốc trong đêm vắng, Trí Dũng tìm cách thư giãn thân tâm, buông lỏng toàn thân, hít thở sâu và nhẹ vài chục hơi, lòng nhớ đến sự cao thượng của chư Phật… và rồi những giấc ngủ ngon lại đến.
Năm thời tọa thiền hàng ngày, Trí Dũng nhận thấy rằng mình hay bị hôn trầm vào cử 7 giờ rưỡi. Phàm người nào ngủ nhiều là có dấu hiệu tâm mê muội nhiều. Kẻ tục nhân mê thì đã mê từ lúc nào rồi, bây giờ điều cần làm là phải nhận ra và tìm cách trị nó. Trí Dũng quyết tâm bỏ ăn sáng, khi ấy là vào tuần thứ ba. Kể từ ấy, thầy tiếp tục đi kinh hành sau giờ tọa thiền buổi sớm. Mưa nhiều quá nên Trí Dũng đi ngay trong thiền đường, dọc chỗ thầy hay ngồi. Thiền đường chính của Pa-auk rộng khoảng 1000m2, một tầng, sàn bê-tông lót gỗ cách sàn 1 tấc, lợp mái tôn. Khi mưa lớn, ở trong thiền đường ta nghe như có hàng ngàn con ngựa phi qua đầu rầm rầm. Mưa to, có nhiều chỗ bị dột. Những vị sư người Miến tuổi Hạ thấp còn ngồi nán lại trên thiền đường chưa đi khất thực, vì đợi cho mấy trăm người đi trước họ khất thực xong, đã lấy xô hứng nước, lấy vải trải chỗ này chỗ nọ… Trí Dũng cũng phụ một tay.
Khu vực Pa-auk là một khu núi rừng mới phục sinh. Ở đây cây rừng mọc rất nhiều, dày, thân cây đa phần không lớn hơn bắp đùi của Trí Dũng. Có rất nhiều sóc và chim khứu. Bọn sóc thường hay xuống lục thùng rác và hay ở quanh quẩn gần các khu cốc của chư Tăng. Lũ chim khứu thì thật lắm chuyện, mà chúng đẹp thật. Ban đầu Trí Dũng cứ tưởng rằng Miến Điện có giống chim cưỡng đẹp quá: thân màu nâu nhạt, ức, cổ và chóp màu trắng tinh. Tiếng kêu của cưỡng và khứu hoàn toàn giống nhau, lại thân cũng to như nhau, cũng hay sống thành bầy. Chúng chỉ khác nhau về màu lông, cái chóp và tập quán thường kiếm ăn dưới đất của chim khứu. Trong cảnh núi rừng thanh tịnh đó, có hàng mấy trăm người đã về đây nương náu tu học. Họ đến từ hơn 20 quốc gia khác nhau. Dĩ nhiên chư Tăng Miến Điện chiếm đa số, với cái y Ca-sa màu tím gần giống màu bả trầu…
Thế giới thanh bình như vậy, tại sao tâm ta cứ không an? Hơn một lần Trí Dũng không khỏi tự hỏi lòng như thế. Mỗi một ngày qua là thêm nhiều lần chứng kiến sự vọng tưởng mạnh mẽ trong cõi lòng. Không thể nào buông bỏ nổi, thôi thì Trí Dũng chú ý xem bọn chúng gồm những thứ gì. Ôi chao, cả một lũ giặc vô hình! Tâm luyến ái, tâm cầu danh, tâm tranh đua, tâm hôn ám, tâm ích kỷ… mặc tình tung hoành. Trí Dũng dùng pháp lạy Phật sám hối, pháp nhịn ăn, pháp ít nói… để đối trị. Tuy công lực của tráng sĩ chưa cao, gươm trí huệ chưa được bén lắm, nhưng tấm lòng thành khẩn và sự kiên trì của người ắt sẽ có ngày thu hoạch được kết quả khả quan…
* * *
Tháng thứ hai Trí Dũng ở đây, thỉnh thoảng trời có nắng suốt ngày. Có một ngày các sư các thầy người Việt rủ Trí Dũng bỏ một giấc tu thiền để qua núi bên kia, chỗ sau nhà ăn, thăm sư Tịnh Quang. Nghe nói sư Tịnh Quang chỉ trong vòng 6 tháng đến đây đã qua khỏi Tứ thiền, bây giờ sư đang luyện lên Tứ không định. Hai, ba vị sư già kể về Tịnh Quang đầy vẻ tự hào khiến Trí Dũng cũng tò mò muốn được gặp sư một lần. Trí Dũng đồng ý đi và họ đã tìm cách hẹn trước với Tịnh Quang. Lúc 5 giờ chiều mọi người đã đi bộ qua cốc của Tịnh Quang. Cốc này lớn, cất sàn mỗi bề 7m, bên trong nó được thiết kế thành hai cốc sát vách nhau. Sư Tịnh Quang người Phan Thiết, tướng nhỏ nhắn, khuôn mặt gầy, mắt to. Sư tỏ ra rất vui vì được Trí Dũng đến thăm. Sư lấy mấy gói trà sữa pha mời mọi người uống. Ngồi chơi một lát thì Trí Dũng nhận ra rằng có lẽ mình là nhân vật chính trong nhóm khách thì phải. Trí Dũng khiêm tốn hỏi Tịnh Quang về các cảnh giới thiền và chắc là thầy đã rà trúng đài, trong gần 2 tiếng, Tịnh Quang đã ngồi nhổm lên rụt xuống, nói thao thao đến không kịp thở.
Trí Dũng chẳng ngạc nhiên chút nào về biểu hiện của vị thiền sư người Việt mà các cụ già kia đã tự hào. Ôi chao, chắc rằng sư Tịnh Quang đã bị dồn nén lâu lắm rồi. Xem như sự có mặt của Trí Dũng hôm nay đã giúp sư xả ra bớt. Điều khôi hài này tính ra cũng có lợi. Theo chỗ Trí Dũng hiểu, thì một người có Sơ thiền thôi đã không còn những biểu hiện như Tịnh Quang vừa rồi. Vậy thì ai đã ấn chứng cho Tịnh Quang đã qua khỏi Tứ thiền? Mấy ông sư già thật nhiều chuyện, nhưng mà họ cũng thú vị; nhìn họ ngồi nhấp trà sữa, lắng nghe Tịnh Quang nói và tham gia bàn tán này nọ với vẻ vô tội vạ mà Trí Dũng không khỏi mỉm cười. Đại khái thì những điều Tịnh Quang nói đều có hết trong Thấy và Biết, một tác phẩm chính của thiền viện do ngài Pa-auk thuyết giảng tại Đài Bắc, các Phật tử Đài Loan biên tập, chư Tăng Nam tông ở Việt Nam dịch ra Việt ngữ và hàng Phật tử Việt Nam in rồi mang qua tận đây ấn tống. Thấy và Biết lớn cỡ quyển Kinh Pháp Hoa do hòa thượng Trí Tịnh dịch nhưng chữ in nhở hơn. Trước đó một tuần, sư ông Minh Chơn đã rủ Trí Dũng lên thư viện xin cho mỗi người được một cuốn.
Tối hôm đó, Trí Dũng mở cuốn sổ tay thiền tập ra và ghi vào: “Thiền là tỉnh giác và an lạc. Nếu trong cuộc sống hàng ngày có những biểu hiện không điềm tỉnh, không an ổn… thì chứng tỏ là công phu chưa đến, chưa nếm được thiền vị.” Sau đó thầy cầm dù và đèn bin đi lên thiền đường. Thầy đi kinh hành quanh thiền đường, vừa bước chậm vừa niệm bài Bát-nhã Tâm Kinh. Trên lầu, mọi người đang nghe thuyết pháp bằng tiếng Miến.
Tâm trí huệ thênh thang rộng lớn
Sáng trong ngần, chẳng bợn mảy trần.
Làu làu một tánh thiên chân
Bao trùm muôn loại chẳng phân Thánh, phàm!…
Đến khoảng 9 giờ, Trí Dũng xuống cốc nghỉ. Lúc này, những vị đi nghe thuyết pháp xong cũng lần lượt trở về cốc của mình. Có hơn chục vị sư nghỉ luôn tại thiền đường, do họ tự nguyện nhường cốc cho những người cao Hạ hơn hay cho những người nước ngoài.
Vào một ngày, trong thời tọa thiền 7 giờ rưỡi, Trí Dũng bắt đầu kinh nghiệm cảm giác mất thân dưới. Như mọi khi, thầy lên thiền đường, lạy Phật và xá hình ngài Pa-auk rồi ngồi. Trong một lát thầy đã cảm thấy toàn thân ấm đều, dấu hiệu của sự tọa thiền tốt, không còn bị đau nhức nữa. Thầy tiếp tục tập trung đếm hơi thở, chỉ đếm chớ không cố thở. Nhưng do hay cố thở vào những giờ tọa thiền trong tháng trước, Trí Dũng đã tập được thói quen hít thở sâu dài. Theo những hơi thở nhẹ và sâu dài mà đếm, đồng thời lại chú ý nhìn vào giữa hai chân mày, hơn nửa tiếng sau Trí Dũng thấy như có dòng sữa trắng từ tam tinh chảy xuống toàn thân. Điều kỳ diệu là khi dòng sữa đó lan đến đâu thì thân thể nhẹ tênh và sung sướng đến đó. Bấy giờ, toàn thân dưới như là biến mất, bao nhiêu đau nhức và mệt mỏi thân thể trong gần cả tháng trời bỗng nhiên lặng tăm không còn chút dấu vết. Cảm giác này diễn ra không lâu, khi Trí Dũng vừa động niệm vui mừng thì lập tức nó biến mất.
Trong ba ngày liền, mỗi ngày Trí Dũng đều kinh nghiệm về dòng sữa đó một lần. Đến ngày thứ tư, Trí Dũng nhận thấy rằng tâm thầy có sự mong chờ dòng sữa ấy xuất hiện. Trí Dũng tự hỏi thầy có ghiền cảm giác đó không? Không biết ma túy đã đem lại cảm giác gì cho kẻ ghiền, nhưng phải nói là dòng sữa này đã đem lại những cảm giác rất “phê” cho Trí Dũng. Với dòng sữa đó, gánh nặng ngũ uẩn như đã được trút xuống, những nặng nề của thân tứ đại như biến mất. Qua ngày thứ năm, Trí Dũng đinh ninh rằng đó là ma túy. Thầy tự hỏi tại sao hơi thở cũng có thể tạo ra chất ma túy kỳ diệu như vậy? Nhưng nói gì thì nói, thầy đã quyết tâm từ bỏ nó, không áp dụng lại những phương pháp để nó xuất hiện nữa.
Suốt hơn cả tháng trời sau đó, Trí Dũng vẫn loay hoay tìm mọi cách để định tâm. Có lúc Trí Dũng đã nổi cáu: sao mình lại quá xem trọng Tứ thiền? Thật chẳng khác nào gã cùng tử trong Kinh Pháp Hoa! Rồi thầy nghĩ rằng phàm làm việc gì mà mình không dùng sức nổi thì nên dùng thế. Bây giờ ý chí đã bất lực trước sức mạnh của vọng tưởng, thôi thì thầy không đấu tranh với nó nữa. Cứ xem như Trí Dũng đã bị thua thế lực của vọng tưởng, nhưng thầy cứ tiếp tục tọa thiền, tiếp tục sống như pháp và chú ý đến những điều hay điều lạ trong kinh điển, hoặc nơi mọi người…
Trí Dũng đã xuống thư viện mượn bộ Thanh Tịnh Đạo Luận và đã mượn Kinh Thủ Lăng Nghiêm của Tuệ Thiền về cốc xem khi rảnh rỗi. Thầy Tuệ Thiền cũng hay thật, từ Hải Phòng thầy đã theo các sư Khất Sĩ ở Nha Trang qua tận đây, khi đi không quên mang theo một quyển kinh Đại thừa dạy về thiền định. Qua đây, Tuệ Thiền muốn ở luôn cho đến khi nào đắc định mới về, nhưng đồng thời thầy lại nói rằng thầy hành theo pháp của hòa thượng Thanh Từ. Ôi, thật ít có ai làm chủ được lòng mình, Trí Dũng cũng như thế mà thôi…
Thấm thoát đã sắp đến ngày Trí Dũng phải về nước. Khi hay tin thầy Trí Dũng sắp về nước, các sư các thầy người Việt Nam dù là mang quốc tịch nào cũng tìm cách gặp Trí Dũng một lần để thăm hỏi. Tình Linh Sơn cốt nhục đại khái là như vậy. Trí Dũng rất cảm động, chắc là thầy sẽ không bao giờ quên những điều này. Những gói hàng nho nhỏ mà các vị ấy tặng cho Trí Dũng hoặc nhờ Trí Dũng mang về Việt Nam hay mang ra Yangon đều được thầy hoan hỷ nhận tất. Cái va-li của Trí Dũng còn rộng lắm, vì ngày từ Việt Nam ra đi, thầy chỉ mang theo có vài bộ đồ, 1 Pháp y, 1 áo hậu và 1 quyển Luật mà thôi.
Vào một ngày, lúc 9 giờ hơn, thay vì đi trình pháp thì Tuệ Thiền đã ghé qua thăm thầy Trí Dũng. Hai huynh đệ ngồi trên lan can của hiên cốc ngắm nắng chiếu xuyên qua những tàng cây. Các sư vì mặc y nên giới luật không cho phép họ ngồi cao như thế này. Nhưng Trí Dũng và Tuệ Thiền mặc quần áo của chư Tăng Mahayana, lại đang ở trong núi rừng thì khác. Lúc ấy, Tuệ Thiền đã hỏi thăm những kinh nghiệm thiền định của Trí Dũng. Trí Dũng bảo là không có gì. Tuệ Thiền trách:
- Sao lại không có gì? Sư huynh cứ giấu con! Sư huynh nói đi mà.
Trí Dũng cầm tay Tuệ Thiền cười. Bây giờ người ta phải muốn có cái gì chứ? Nói chung là mục đích chính chưa đạt được, vậy thôi, những râu ria tạp nhạp lưu tâm làm gì…
Sư ông Minh Chơn cũng ghé qua cốc 20 ngồi chơi với Trí Dũng một lát. Bỗng một lúc như chợt nhớ ra, Minh Chơn đã hỏi Trí Dũng:
- Thầy có biết gì chưa? Con đã nói chuyện này với thầy chưa?
- Ơ, chuyện gì vậy?
- Bữa con ngồi thiền, con thấy chỗ mũi con như có hai cục nước đá, thòng xuống. Con mới lấy tay giựt mạnh, nó nhá lửa luôn thầy!
- Ô. Rồi có trình với mấy thiền sư biết không?
- Dạ có. Ngài Ananda bảo con cứ tiếp tục công phu.
- Đúng rồi. Minh Chơn cứ tiếp tục đi, đừng nên kể chuyện này với ai nữa, nghe.
Để cho Minh Chơn khỏi ngại, thầy Trí Dũng đã giải thích thêm rằng, khi mình nói cho người khác biết chỗ kinh nghiệm của mình thì mình sẽ dễ bị mất công phu lắm. Minh Chơn cũng đồng ý. Khi ông lão đã về rồi, Trí Dũng khẽ mỉm cười. Dù Minh Chơn thấy thật như vậy đi nữa, thì chỉ là hai cục đá ảo giác chớ có gì mà quan trọng thế! Trong Thấy và Biết đã dạy rõ: đây là một tợ tướng. Sơ thiền hãy còn xa, tâm bất động trước Tam giới vẫn chưa được chứng đắc!...
* * *
Giã từ Hà Nội 36 phố phường, Trí Dũng đã ra đi, đi theo tiếng vọng của tâm hồn. Nơi Trí Dũng đã đến là xứ Phật Myanmar, xứ Kim Địa trong truyền thuyết. Tưởng chừng Trí Dũng đã đi rất xa, rất xa đối với quê hương Hà Nội yêu dấu; nhưng không, Trí Dũng vẫn chưa ra khỏi được cái quỹ đạo mà tâm của thầy đã dệt ra. Hơn 80 ngày ở Pa-auk Tawya, Trí Dũng đã rất cố gắng buông bỏ tất cả để leo lên tới nơi tận cùng của núi Thiền Định. Thầy đã từng có ý nghĩ rằng khi lên đến được nơi cao nhất thì người ta có thể sẽ thấy được cả thế gian bao la. Nhưng chừng đó thời gian thật không đủ cho mọi nỗ lực của thầy thành tựu được một kết quả khả quan nào cả. Hôm nay đã qua những ngày đầu tháng 9, Trí Dũng phải về để vào năm học mới ở Học viện Phật giáo. Trí Dũng lại ăn sáng và bắt đầu đem máy ảnh ra chụp hình các cảnh cùng người và vật ở Pa-auk Tawya…
Mỗi ngày 5 lần siêng năng lên thiền đường chính ngồi chiến đấu cùng vọng tưởng, khi rảnh rỗi thì lại cố nhiếp tâm hoặc thầm trì bài Bát-nhã Tâm Kinh, Trí Dũng quả thật đã có một số kinh nghiệm mà thầy chưa có trong những ngày tháng ở trường Trung cấp Phật học và Học viện Phật giáo. Những kinh nghiệm đó có tốt, có tiêu cực, có bất an, có hưng phấn… nhưng tất cả chúng đã được Trí Dũng gom hết vào một phạm trù là “Ảo giác”. Giáo lý Thiền mà Trí Dũng học được ở các ngôi chùa cổ của Hà Nội đã dạy thầy rằng hết thảy những gì hiện hữu trong không gian và thời gian đều là ảo giác của kẻ mê. Thế giới vô cùng vô tận này đã hiện hữu do tùy chúng sinh tâm! Và chính những điều này lại là sự hiểu biết của người giác: “Nội ngoại chư pháp tận tri bất thật, tùng tâm biến khởi tất thị giả danh!” Trí Dũng đã nắn nót viết hai chữ ẢO GIÁC thật lớn vào trang cuối cùng trong quyển sổ tay thiền tập của thầy. Thầy đi giặt tấm tọa cụ và cái dù ba lớp để gởi trả lại cho Sangha office trước khi ra đi…
Ngày 4 tháng 9, buổi chiều, Trí Dũng từ tạ Pa-auk ra đường lớn để đón xe về Yangon. Trong giây phút từ tạ, thầy cũng có một chút lưu luyến về ngôi tùng lâm của thập phương Tăng này. Quả thật Pa-auk đã xứng đáng là một tùng lâm của thập phương Tăng, vì nơi đó không có ranh giới cho quốc gia, dân tộc, tiếng nói và màu da… Ở nơi đây, các nhà sư đều bình đẳng như những người con lớn của đức Phật! Điều này thật là cao quý. Nếu sau này có điều kiện, chắc rằng Trí Dũng cũng sẽ cố gắng tạo ra một ngôi tùng lâm như vậy để đáp tạ hồng ân Tam Bảo. Thiền viện có xe để chở các foreigner ra đường lớn, nhưng Trí Dũng đã cảm ơn hảo tâm của sư tri khách và xin phép được đi bộ. Thầy đã đi qua một cánh rừng cao su. Con đường nhựa nhỏ trải dài trong rừng. Tháng 9, trời chưa nóng lắm ở nơi đây. Trí Dũng kéo cái va-li nhỏ và hơi khom mình bước tới. Lúc này đã hơn 3 giờ, nắng đã bớt gay gắt. Mồ hôi chảy ra theo từng bước chân của vị tráng sĩ đang xuống núi. Mà đúng thật, lúc này Trí Dũng khác nào một tráng sĩ đang xuống núi! Trước mặt thầy là một tương lai, sau lưng thầy là một quá khứ…
Trí Dũng đã ra khỏi địa phận Pa-auk nhưng vẫn chưa ra tới đường lớn, nơi có cổng chào lớn của thiền viện. Có một vài chiếc xe ngựa chạy lóc cóc trước mặt Trí Dũng. Hai bên đường có hai hàng cây cao rợp bóng. Những ngọn gió đồng thổi vào Trí Dũng mát rười rượi. Thầy cởi cái nón len cầm nơi tay và vẫn bước đi. Chợt Trí Dũng lại tự hỏi như bao lần đã hỏi: “Thiền là gì?”. Dĩ nhiên Tứ thiền chưa thật là Thiền. Trong bài Kinh Lõi Cây, đức Phật đã dạy rằng Tứ thiền như thể cái vỏ trong của cây Phạm hạnh. Thiền là gì? Hài hước một chút bằng cách chơi chữ, ta hãy gọi Thiền là con ve, suốt mùa Hè kêu ve…ve...
Ánh trời chiều chiếu sáng bừng bên ngoài con đường lớn. Vùng này có xoài, có dừa, nói chung cảnh vật giống y như là miền Nam Việt Nam. Từ trong mát, Trí Dũng nhìn xa ra ngoài nắng. Bỗng nhiên thầy có cảm tưởng như là mình đã thấy một cái gì khác hơn là nắng. Thật đáng mừng, thật hoan hỷ, bây giờ Trí Dũng đi về không hẳn vì phải đi học, mà dĩ nhiên đã về thì lại đi học tiếp. Thầy chợt hiểu rằng mình cần phải về với các bậc thầy và những công việc của mình, mà không cần ở trên núi Thiền Định lâu hơn nữa! Đạo vốn không lìa đời, duyên khởi của Đạo cũng do đời mà lập. Trong biển cả luân hồi của chúng sinh quả thật có những tòa núi Thiền Định của chư Phật chư Tổ. Nhưng đấy không phải là tất cả. Núi Thiền Định chỉ là những nơi để rèn luyện tâm chí trong một giai đoạn nào đó. Chỗ của Bồ-tát Định Tâm Vương không hẳn chỉ là ở trên núi này! Người xưa bảo: Đại định là nơi sinh ra và cũng là nơi trở về của vạn pháp. Như vậy, Bồ-tát Định Tâm Vương thường trú ở đâu? Vị tráng sĩ cảm thấy đã hiểu: Trí Dũng phải trở về với thầy của mình, cũng như mọi người tu hành chân chính cần phải quay trở về với cuộc sống! Bỗng nhiên, lòng Trí Dũng trỗi lên những niềm quý kính vô vàn hướng về Tổ, Thầy, về song thân và tất cả mọi người...
----------------------------------------
Các bài liên quan
- VỘI
- Cuối đời trưởng lão Giác Chánh
- Ko biết
- hạnh Khất sĩ
- Ngụy Khất sĩ
- CHẤP PHÁP
- XUÂN ĐẠO 24
- Ghi chú về ĐẠO HÒA HẢO
- Từ đâu có pháp Tổng hợp
- Pháp Tổng hợp Bắc ‒ Nam PG
- NGHI TÌNH
- Giác Châu sư đã tặng thơ 7 bài
- Xuân ĐẠO - 23
- kỳ 63 TRUNG GIANG
- Trung Giang Ký Sự kỳ 62
- 61 - Trunggiang
- 60 - TrunggiangKs.
- 59 Trunggiang
- 58 - Trung-giang-ks.
- 57 - Trunggiang KS.
- 56 - Trunggiang
- 55 - Trunggiang
- TRUNG GIANG - 54
- Trung Giang Ký Sự kỳ 53
- 52 - TRUNG GIANG KS.
- Trung Giang kỳ 51
- TÂN XUÂN TỰ CẢM
- Khi ta không có gì
- MỘNG
- cúng Trai TĂNG
- Trung Giang KS. 50
- NHƯ THỊ - TRỰC CHỈ - VÔ MINH
- VÔ NGÃ CHƯA PHẢI LÀ THIỀN
- bóng ĐÁ
- cẢm niỆm
- Xuân Đạo 22
- đồng tiền Khôn
- lòng TỪ BI
- Bệnh
- Trung Quốc không có triết gia
- XUÂN đạo 21
- mAi
- Bài kệ của đại sư THÁI HƯ
- Bây giờ
- Trung Giang kỳ 49
- TRUNG GIANG - 48
- LÝ CON BÒ
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 47
- TGKS số 46
- 45 Trung Giang
- Xuân đạo 20
- Ta là cát bụi
- Trung Giang 44
- XUÂN ĐẠO 19
- Kỳ 43 – Trung Giang Ký Sự
- Trái tim của Mẹ
- Trung Giang – kỳ 42
- TRUNG GIANG KÝ SỰ - kỳ 41
- THIỀN KHÁCH nhắn tin
- Nước mắt chảy xuôi
- Xuất GIA
- TRUNG GIANG 40
- Trung Giang Ký Sự kỳ 39
- KS. 35 - Trung Giang
- Ký sự 36 Trung Giang
- Trung Giang 37
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 38
- Trung Giang KS.34
- Ký sự kỳ 33 Trung Giang
- Trung Giang kỳ 32
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 30
- Chỉ can là Hiếu
- Thuốc sâu
- NON NƯỚC LINH THIÊNG
- Ngày xưa tìm đến chốn Cửa Không
- Ánh Nắng Tinh Khôi
- phẬt niỆm
- Chúng sanh VÔ NGÃ
- Âm dương đồng nhất lý
- Bà Hạnh Lộc
- DƯỚI MÁI TRƯỜNG THÂN YÊU
- Cảm niệm Bồ-đề Đạo tràng 2014
- THọ DụNG CHâN THậT
- thẦn thÔng
- Giấc mơ qua
- Tùy bút VU-LAN 2014
- Sự khắc nghiệt của tư tưởng tự do
- cái Nghiệp
- Gió trăng một sớm
- Vũ Trụ Đang Quay Nhanh
- TỊNH XÁ LƯU ĐỘNG
- Chùm thơ của sư MS. gởi tặng khách tri âm
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 29
- Bánh xe lăn nhanh hơn
- Ly trần
- NGƯỜI TỰ CHỦ
- Kỷ niệm một bài thơ
- VIỄN CẢNH
- Thích Hòa Bình pháp ngữ
- Nguyện Cầu
- Một bài thơ của HT. Thiền Tâm
- Nguồn thiêng Khất Sĩ
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 31
- Trung Giang 28
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 27
- Ký sự 26 Trung Giang
- Vè Kiết Hạ 2012
- TRUNG GIANG 25
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 24
- Ký sự 22 Trung Giang
- kỳ 23 TRUNG GIANG
- TRUNG GIANG KÝ SỰ – kỳ 21
- Chánh niệm
- Tình Yêu đại thể
- Trung Giang – kỳ 20
- 19 Trung Giang
- Trung Giang ký sự 18
- Chùm thơ của Lãn Nhân
- Đốc-tơ ONG
- MỘT CÂY SẬY CÓ TƯ TƯỞNG
- Kỳ 17 - TRUNG GIANG KÝ SỰ
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 16
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 15
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 14
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 13
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 12
- TRUNG GIANG KÝ SỰ 11
- Trung Giang kỳ 10
- Ký sự TRUNG GIANG - 09
- TRUNG GIANG KÝ SỰ – KỲ 08
- Giáp Ngọ - Nhâm Thìn 58 năm
- TRUNG GIANG Ký Sự - kỳ 07
- Ký sự TRUNG GIANG - kỳ 06
- Trung Giang Ký Sự - kỳ 05
- TRUNG GIANG KÝ SỰ - Kỳ 04
- Thơ Chúc Xuân Nhâm Thìn
- Sắc Ti-gôn
- Gỡ rối tơ lòng
- TRUNG GIANG KÝ SỰ – kỳ 3
- HÃY ĐỂ CHUYỆN ĐÓ XẢY RA
- NGỌC THIỀN CA
- Lý do hình thành Bát Kỉnh Pháp
- Kẻ trộm
- Vạn Hạnh Truyền Đăng Ca
- CẠO TÓC
- Nhớ thương về...
- LỜI PHẬT DẠY
- Về Nguồn (thơ TQH)
- Xuân Thiền - TRẦN QUÊ HƯƠNG
- Nhớ TRÂU
- Tặng Phẩm Dâng Đời
- Cảm niệm trước CÂY BỒ-ĐỀ LỊCH SỬ
- Bình giảng bài "CÁC VỊ LA-HÁN ..."
- CÁC VỊ LA-HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG
- Chim vẫn hót trong vườn đấy thôi!
- NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐIỆP VÀ LAN
- TRUNG GIANG KÝ SỰ - kỳ 2
- TRUNG GIANG KÝ SỰ - kỳ 1