Thư viện Chánh Pháp / 5 Nikaya - 4 A-hàm / KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN (Thi hóa)
KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN
Thích nữ Tuyết Liên thi hóa
Vầng hồng lố dạng phương Đông
Sương lay lá ngủ, hoa hồng sắc xuân
Chim ríu rít đón bình minh,
Rừng xanh trở giấc chuyển mình xôn xao,
Ni-Liên như dãi lụa đào,
Gió đưa thoang thoảng ngạt ngào hương hoa…
Dưới tàng cổ thọ xa xa
Cỏ cát tường kết nên tòa kim cang,
Bảy tuần thiền tọa nghiêm trang,
Sau đêm đại chiến kinh hoàng ma quân
Sĩ-Đạt-Ta ngộ lý chân,
Tam minh chứng đắc, viên thành Như Lai!
Vườn Lộc pháp diệu hiển bày
Kiều Trần năm vị đắc ngay quả lành,
Phật ngài mở cửa Vô sanh
Pháp Luân Kinh chuyển phá thành tham si,
Lời trong như suối lưu ly
Mở đường chánh giác từ bi nhiệm mầu,
Vô minh tà kiến bấy lâu
Nay nhờ đèn tuệ hồi đầu lánh xa.
Một đàng chìm đắm ái hà
Đắm say dục lạc thật là vô minh,
Cho rằng người chết hết sinh
Sống cứ hưởng thụ, thỏa tình lạc hoan!
Nẻo thứ hai là cực đoan
Ép xác khổ hạnh, chẳng màng đến thân
Nghĩ rằng khổ hạnh là nhân,
Đưa đến giải thoát là phần quả sau.
Phật rằng: Trung đạo nhiệm mầu
Vượt trên đối đãi, không cầu nhị nguyên
Trong bầu vũ trụ tam thiên
Có không, còn mất, đoạn thường… đều không.
Nhãn quan tri kiến khai thông
An tịnh trí huệ cao siêu Niết-bàn,
Giác ngộ các pháp thế gian,
Đạo lộ Bát chánh con đàng Thánh nhân.
Như Lai chứng ngộ lý chân,
Thương người biển khổ muôn phần nổi trôi.
Phật như sen giữa bùn hôi
Hiện ra giải thoát bao người lầm mê,
Ngài vì hạnh nguyện Bồ-đề
Mở khai Chánh đạo chuyển mê bạt sầu!
Lộc Uyển chuyển pháp lần đầu,
Pháp Tứ diệu đế cao sâu mấy lần.
Này là Khổ đế cõi trần:
Sanh – già – bệnh – chết muôn phần đau thương,
Ái biệt ly khổ đoạn trường,
Oán thù hội ngộ lòng vương khổ sầu,
Sống mà mong ước tham cầu
Cầu mong không được héo sầu tâm can,
Năm uẩn lừng lẫy không an,
Kiếp nhân sanh khổ vô vàn đắng cay…
Chiếc thân chịu khổ hiện nay
Quán soi tường tận hiểu rày nguyên nhân,
Này là Thánh đế Tập nhân
Do nơi ái dục, lục trần khát khao.
Ái liên kết hỷ tham cầu
Tạo nên tập nghiệp, nhịp cầu tái sanh.
Này là Diệt đế chỉ rành
Người hành Đạo đắc vô sanh Niết-bàn,
Lìa xa ái dục buộc ràng,
Tuệ sinh, minh đắc, chẳng còn tái sanh.
Này là Đạo đế cao thanh
Chánh đạo tám nhánh tựu thành quả linh:
– Chánh kiến cái thấy viên minh
Thoát ngoài thấy biết thường tình thế gian,
– Tư duy suy niệm kỹ càng
Không vương kiến chấp, khách quan nhận nhìn,
– Chánh ngữ lời nói phân minh
Nói lời đạo lý âm thinh nhiệm mầu,
– Chánh nghiệp đời sống vô cầu
Sống không vị kỷ, thêm phần lợi tha,
– Chánh mạng cách sống nhu hòa
Trọn đời sống tốt không pha oán thù,
– Tinh tấn dõng mãnh cần tu
Đoạn trừ phiền não, chân như hiển bày,
– Chánh niệm ghi nhớ không phai
Pháp lành niệm tưởng diệt rày trần lao,
– Chánh định an trú nơi nào
Từ bi, trí huệ nhiệm mầu hóa khai.
Tri kiến tuyệt đối Như Lai
Hoàn toàn sáng tỏ, không lay chuyển dời
Thị, Khuyến, Chứng chuyển tuyệt vời
Tam luân, Tứ đế người trời hỷ hoan!
Như Lai giải thoát hoàn toàn
Đây là kiếp chót, không còn tái sinh
Vô thượng đẳng giác viên minh
Nở hoa, kết trái, an bình thiên thu.
Trong làn gió sớm vi vu,
Vườn Lộc trăm dặm sương mù còn vương,
Tan mê, ngộ đạo chân thường
Kiều Trần Như đã chứng phương quả mầu,
Bao đời kết tạo duyên sâu
Nay nương Chánh đạo qua cầu bến mê.
Tóm tắt nội dung Kinh Chuyển Pháp Luân:
Kinh Chuyển Pháp Luân là bài kinh đầu tiên đức Phật thuyết sau khi đắc đạo, thuyết tại vườn Lộc Uyển cho năm anh em ông Kiều Trần Như.
Mở đầu bài kinh, đức Phật dạy rằng: Có hai cực đoan mà hàng xuất gia phải tránh, đó là “Sự dễ duôi trong dục lạc và sự thiết tha gắn bó trong lối tu khổ hạnh”, là hai con đường đau khổ, không xứng phẩm hạnh bậc Thánh. Đức Phật đưa ra con đường thứ ba là Trung đạo – con đường chấm dứt mọi đối đãi nhị nguyên như thường đoạn, có không, phải trái…
Trong Kinh Chuyển Pháp Luân, đức Phật đã xác quyết rằng con đường Trung đạo chính là Bát chánh đạo hay Con đường tám nhánh. Đức Phật nói tiếp về Tứ diệu đế là bài pháp cơ bản nhất trong toàn bộ giáo lý của Ngài. Giáo lý Tứ diệu đế đã thuyết minh về 4 chân lý:
– Chân lý thứ nhất là Khổ đế, nói đến thực tại đau khổ: sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thương yêu xa lìa khổ, thù ghét gặp gỡ khổ, mong cầu không toại nguyện khổ, chấp thân năm uẩn là khổ.
– Chân lý thứ hai là Tập đế: nguyên nhân gây ra nỗi khổ niềm đau là ái dục, chính ái dục đưa đến sự sanh tử, sự tái sanh triền miên mãi mãi.
– Chân lý thứ ba là Diệt đế, tức là sự diệt trừ tận gốc đau khổ và những nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Đó là sự ly tham, sự từ bỏ, sự giải thoát, không còn chấp trước…
– Chân lý thứ tư là Đạo đế, con đường dẫn đến Niết-bàn, đó là tám đường chánh, là con đường Trung đạo.
Sau khi giảng giải Tứ diệu đế một cách tỉ mỉ rành mạch, đức Phật đã kết luận bài pháp:
“Này các Tỳ-kheo, ngày nào mà tri kiến tuyệt đối như thật của Như Lai về Tứ đế dưới ba sắc thái, gồm mười hai khía cạnh đã trở nên hoàn toàn sáng tỏ, thì khi ấy Như Lai mới xác nhận với thế gian rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, và lúc ấy phát sinh tri kiến và tuệ giác. Tâm của Như Lai đã hoàn toàn giải thoát một cách vững chắc, không còn lay chuyển, và đây là kiếp sống cuối cùng, không còn đời sống nào khác nữa.”
Khi thời pháp đầu tiên chấm dứt, Kiều Trần Như, vị đệ tử cao niên nhất trong năm vị, đã thấu triệt giáo pháp và đắc quả Tu-đà-hoàn, tầng thứ nhất trong bốn tầng Thánh quả Thanh Văn…
-----------------------------------------