CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Kẻ trộm

, Thứ Hai 2011-10-09

 

 

Kẻ trộm

Lưu Thủy

 

Trong nhóm thợ hồ mới đến làm ở tịnh xá đợt này, sư Thanh thấy ai cũng chăm chỉ, vui vẻ, và không ai biết bớt xén chút ít đồ đạc gì của tịnh xá để mang về nhà. Do đó sư rất quý nhóm thợ Huế này. Người nhỏ tuổi nhất trong nhóm đó là một chú phụ hồ. Chú này cũng nhỏ con, tên là Nhã. Tiếp xúc với Nhã vài lần, sư Thanh nhận thấy Nhã có một cái gì đó không được tự nhiên. Chắc là trong nội tâm người ta đang vướng bận điều gì đó, nên sư không vì thế mà đánh giá Nhã thế này thế nọ…

 

Thường thì những người thợ đến làm cho tịnh xá đều phải hạn chế uống rượu. Mà nếu anh thợ nào bỏ luôn rượu trong thời gian làm ở tịnh xá thì mới đúng với yêu cầu của các sư. Tuy đặt nặng việc cử uống rượu thôi, nhưng thật ra người nào làm công ở tịnh xá đều mặc nhiên phải giữ được năm giới. Gọi là mặc nhiên, bởi vì lối sống của hàng bạch y ở tịnh xá là không rượu chè, không trai gái, không đánh đấm giết hại, không chôm chỉa, và không nói chuyện phù phiếm vô ích. Hơn một tháng qua, mọi việc đều tốt đẹp, sư Thanh vẫn ghi công đều đặn cho các anh em thợ hồ.

 

Có một buổi trưa, đang nằm nghỉ trong gầm cầu thang, sư Thanh nghe tiếng chân đi lên chánh điện. Tiếng chân thật nhẹ, bước vài ba bước lại ngưng. Phải chú tâm lắm mới nhận ra tiếng chân đó. “Chắc mấy con chó đang tìm kiếm gì đây”, bởi nghĩ vậy nên sư Thanh vẫn nằm yên. Một lát sau, sư lại ngồi dậy, đi lên chánh điện đuổi mấy chú chó con xuống, vì bọn chúng thường hay phóng uế và cắn phá bậy bạ lắm.

 

Buổi trưa, trời nắng gắt. Cả tịnh xá đều vắng vẻ, quán xá ngoài đường cũng thưa khách. Gió trưa Hè nhẹ nâng tà y trung của sư Thanh. Cửa chánh điện đang mở như mọi khi, là chỉ mở nhỏ để cho khách thập phương có thể vào lễ Phật. Bởi vùng này hay lộng gió, nên các sư phải thiết kế loại cửa đẩy, và hạn chế mở rộng cửa. Đã mấy lần gió thổi ngã bình hoa trong chánh điện rồi…

 

Khi đi lên gần sát cửa, theo thói quen sư Thanh ngó ngay vị trí đặt thùng phước sương trước. Sư giật mình khi thấy một kẻ đang chăm chú móc thùng. Hắn quỳ phía trước thùng tiền, một tay vịn thùng, một tay nhanh nhảu khèo móc. Nhìn bộ đồ và dáng người của hắn, sư Thanh biết ngay đó là ai. “Cái thằng Nhã này, phải phụ hồ suốt ngày cho bốn anh thợ, vậy mà buổi trưa cũng không chịu nghỉ. Khổ thật”! Nghĩ thương tình, sư Thanh quay lưng lại, rồi tằng hắng một tiếng. Ngay lập tức sư nghe tiếng chân chạy rầm rầm trong chánh điện. “Tại sao nó không chịu chạy ra, trong khi mình đã bước tránh khỏi cửa rồi? “, sư Thanh nghĩ thầm. Đứng trước chánh điện ngó xuống đường một lát, sau đó sư Thanh vào chánh điện, rồi đẩy cửa sát lại.

 

Phía sau bảo tháp thờ đức Phật Thích Ca, Nhã đang tọa thiền! Toàn thân Nhã ngồi ngay ngắn, trang nghiêm, mắt khép hờ và nhìn xuống. Hai tay Nhã nắm nhau, đặt trên hai lòng bàn chân. Đâu phải ai cũng ngồi được như thế này. Vừa đi đến gần, sư Thanh vừa hỏi lớn:

 

     - Làm gì đó, Nhã?

 

Hình như ngay lập tức Nhã đáp lời sư Thanh:

 

     - Bạch sư, con đang tọa thiền.

 

     - Ủa, tu thiền vào giờ này à?

 

     - Dạ.

 

Rồi Nhã nhanh nhảu:

 

     - Trưa nào con cũng tu hết, sư.

 

Sư Thanh với lấy một tấm chiếu, trải gần chỗ Nhã ngồi. Nếu như người ta tu thì mình đâu có cấm được. Tự nhiên một câu nói lấp của Nhã cũng làm sư lúng túng. Sư quên mất là mình đang đi bắt kẻ trộm. Khi vừa ngồi xuống, theo thói quen sư hỏi Nhã:

 

     - Nhã tu thiền như thế nào, nói cho sư biết được không?

 

Nhã đáp ngay:

 

     - Bạch sư, con tu nhân điện. Hồi đó con có học với ông Thông được gần sáu tháng. Sau này bận quá nên con phải nghỉ học, nhưng con vẫn ngồi thiền thường xuyên đó sư.

 

Sư Thanh hỏi:

 

     - Tu nhân điện để chữa bệnh phải không?

 

     - Dạ. Bây giờ nhiều người chữa bệnh bằng nhân điện lắm, sư.

 

     - Bệnh nào cũng chữa được à?

 

     - Dạ được, sư. Bệnh nào nhân điện chữa cũng khỏi, nhưng tuỳ theo khả năng của mỗi thầy thôi.

 

     - Thế tu có khó không?

 

Nhã giải thích:

 

     - Dễ lắm, sư. Mình phải tập tọa thiền, phải giữ lòng thanh khiết, đừng có tà tâm. Nhất là khi chữa bệnh mà mình có tà tâm là thất bại.

 

     - Rồi mình lấy cái gì chữa cho người ta?

 

     - Thì mình truyền điện cho người ta.

 

     - Mình truyền cách nào?

 

     - Cứ lấy mấy ngón tay đụng vào thôi, sư.

 

Sư Thanh mỉm cười, thì ra nhân điện dễ tu luyện mà lại mau có hiệu quả như thế. Đến lúc này Nhã cũng bắt đầu buông hai tay ra, nói năng và ra điệu bộ mạnh hơn. Nhã kể về thời mình theo thầy học nhân điện như thế nào, khóa thứ mấy, trong lớp có bao nhiêu người … Mắt Nhã chớp chớp, hình như cứ để ý xem sư Thanh có biểu hiện gì không. Sư Thanh cười thầm trong lòng. Sư hỏi han điều này điều kia làm cho Nhã được dịp nói thoải mái…

 

Khoảng hơn nửa tiếng sau, sư Thanh bảo Nhã:

 

     - Thôi bây giờ xuống chứ, Nhã.

 

     - Dạ, dạ, mình xuống, sư.

 

Khi hai người đứng lên, sư vỗ vỗ vào vai Nhã và nói:

 

     - Nhưng lần sau đừng có tu ở đây nữa nghe.

 

     - Dạ, dạ.

 

     - Mình để chánh điện cho Phật tử thập phương vào lễ Phật.

 

Nhã vẫn nhanh nhảu cắt ngang lời sư mà đáp “dạ, dạ”. Sư Thanh bảo tiếp:

 

     - Nhưng theo sư thì buổi trưa Nhã nên nghỉ cho khoẻ, để chiều làm cho tốt.

 

     - Dạ, dạ.

 

Khi hai người ra đến cửa trước, sư Thanh kéo cửa ra. Vừa bước ra, sư chợt thấy rằng hai người mà chỉ có một đôi dép. Nhã bước theo sát sau sư, và hình như cũng nhận ra điều đó. Sư Thanh hỏi:

 

     - Ủa, dép của Nhã đâu?

 

     - Dạ, dép con mới bị đứt rồi, sư.

 

     - Phụ hồ mà đi chân không thì coi chừng đạp đinh, đạp sắt vụn đó.

 

     - Dạ, dạ.

 

Thấy sư ngó vào chánh điện, Nhã giải thích ngay:

 

     - Bạch sư, con không đi chân dơ vào chánh điện đâu, sư.

 

     - Làm sao mà không dơ được?

 

     - Con chùi lên ống quần như vậy nè, sư.

 

Nhã giơ một chân lên chà vào ống quần của chân kia, rồi lại đổi chân làm tiếp. Sư Thanh muốn phì cười trước sự chu đáo của Nhã. Tuy mất dép nhưng Nhã vẫn đi lên chánh điện tu. Mà Nhã vẫn cẩn thận, sạch sẽ. Hay thật!

 

Khoảng hai hôm sau, sư Thanh gọi riêng Nhã vào phòng. Sư bảo Nhã ngồi xuống đàng hoàng. Còn sư thì ngồi trên võng. Nhã vâng lời ngồi xuống. Khuôn mặt Nhã ốm, bình thường trắng hồng bây giờ đang tái đi. Ánh mắt Nhã có vẻ căng thẳng. Và nét mặt Nhã hơi lúng túng. Sư Thanh nhìn Nhã một lát, rồi sư nói:

 

     - Sư muốn Nhã hứa với sư là Nhã phải bỏ việc làm vừa rồi.

 

     - Dạ được, sư.

 

Nhã đã nhanh nhảu cắt ngang lời sư. Sư vẫn nói chầm chậm:

 

     - Nhã đừng tái phạm như vậy nữa. Lấy của Tam Bảo là mang tội nặng lắm đó.

 

     - Dạ.

 

     - Nếu Nhã phụ hồ cho bốn anh thợ, ăn ngủ ở đây, ngày được hai mươi ngàn mà không đủ dùng thì có thể sư sẽ bàn với các anh tăng thêm lương cho Nhã.

 

Nghe đến đó Nhã nói ngay:

 

     - Bạch sư, sư đừng nói với mấy ảnh!

 

     - Được rồi, sư đâu có nói. Vậy là Nhã thấy sư có trả ép cho Nhã không?

 

     - Con đi làm ở đâu cũng chỉ được vậy thôi, sư.

 

Nhã nói mà vẫn không dám nhìn mặt sư Thanh. Sư Thanh hỏi han Nhã:

 

     - Một mình phụ cho bốn anh thợ có nặng lắm không?

 

     - Dạ không, sư. Cả tháng qua mình đắp chỉ, công phụ nhẹ hơn công thợ, sư.

 

     - Ừ, có khó khăn gì thì Nhã cứ nói với sư, nghe.

 

     - Dạ.

 

Sư Thanh bảo Nhã về phòng, rồi sư ngã lưng nằm xuống võng nghĩ ngợi. Phàm làm người, ai mà không có ít nhiều tinh khôn để tự xoay sở cho mình. Tuy người ta đi ăn trộm, nhưng người ta vẫn thông minh, tháo vát, cẩn thận, chu đáo. Còn tuy mình đi bắt trộm, nhưng mình cũng đâu được phép xúc phạm ai. Chỉ vì một động cơ mà tư cách đổi thay. Chỉ vì một ý niệm mà tâm đi vào một cảnh giới khác…

 

------------------------------------------

Các bài liên quan