CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Nhớ thương về...

, Thứ Hai 2011-10-05

 

Nhớ thương về…

 

Liên Trúc

 

Bài đã đăng Nội san Đuốc Sen số 08

 

 

 

Trong mỗi người, ai cũng tiềm ẩn trong tâm thức một suối nguồn trong xanh và ngọt ngào, đó là tình cảm Nhớ thương về. Nhớ thương, bao giờ cũng nhớ thương về một cái gì, cho nên phải gọi là Nhớ thương về. Nghe nói lê thê văn tự, nhưng nếu chúng ta quen dùng thì lại thấy nói hay không chừng. Nhớ thương về trở thành ngọn lửa thiêng cháy sáng mãi trong tâm hồn, từ nguồn dầu tình cảm vô tận…

 

Nhớ thương là con thuyền lướt trên dòng thời gian. Nhớ thương là giọt máu tâm tình, vết thương tâm thức chảy ra từ chỗ chia ly, xa cách. Nhớ thương là cầu vồng vô tướng nối liền hai chân trời tâm hồn. Tình cảm nhớ thương như là suối nguồn tuôn chảy một cách thầm lặng trong tâm hồn con người. Nhớ thương phủ trùm, đan kín trần gian này…

 

 

 

Vì sao chúng ta lại phải nhớ thương? Có ai sống trên đời mà không biết nhớ thương? Có lẽ không. Ta nhớ thương bởi vì ta đã “có được” nhưng vì một lý do nào đó khiến ta phải xa cách, chia ly những gì đã “có được” đó, nên khiến tâm hồn gợi nỗi nhớ thương.

 

Chúng ta có cha, có mẹ, được cha mẹ sinh ra và nuôi nấng cho đến khi lớn khôn. Bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu tình cảm mà cha mẹ đã dành cho chúng ta. Cha thì nuôi nấng ta bằng suối nguồn lý trí. Ở bên cha, chúng ta học được đức bao dung rộng lượng và lập trường vững chắc để đi vào cuộc đời. Cuộc đời cha hy sinh tất cả vì con. Cha như ngọn núi cao sừng sững, đứng giữa trời hứng chịu biết bao gió sương mưa nắng, sấm chớp gió giông mà không nửa lời than vắn thở dài. Cha hứng chịu tất cả những cay đắng, khó khổ trong đời để đem về bình yên che chở con thơ. Chúng ta dù có lớn khôn thế mấy, có học giỏi đến đâu, cũng không thể nào tính kể công ơn của cha cho được:

 

“Cha khổ nhiều, ngủ cũng có mồ hôi

Bao nắng gió lặng ngang vầng trán rộng,

Con đã biết làm thật nhiều toán cộng

Mà không sao cộng nổi tấm lòng cha!”

 

Còn mẹ, mẹ thì truyền dạy cho chúng ta bài học căn bản về tình người mà chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy ở nơi khác. Ở bên mẹ, chúng ta được trưởng thành về tình cảm, biết yêu thương, quan tâm đến những người sống bên mình.

 

Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ như một nhà giáo chuyên dạy về khoa Tình Thương, một khoa quan trọng trong trường “Đại học Cuộc Đời”. Như có bài hát ca ngợi về tình mẹ:

 

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào

Tình mẹ tha thiết như dòng suối  hiền ngọt ngào…”

 

Nếu chúng ta đã có một lần ra biển thì sẽ rõ. Biển sâu thăm thẳm, biển rộng mênh mông. Đó là biển của đất trời, biển chung của mọi người. Nhưng mỗi người lại có một biển riêng, đó là lòng mẹ!

 

Lòng mẹ là biển cả bao la, vô cùng rộng lớn, không biển nào sánh kịp. Mẹ đã mang nặng đẻ đau, săn sóc khi ta biết lật, biết bò; âu yếm khi ta biết nói, biết đi; lo lắng cho ta khi lớn lên, dạy dỗ cho ta thành người hữu dụng và yêu thương ta cho đến phút từ giã cõi đời…

 

Biển còn có lúc nổi giông tố nhưng lòng mẹ thì luôn êm đềm, dịu ngọt, đằm thắm và bao dung đến lạ lùng! Con đau, lòng mẹ như thắt lại; con ho mà phổi mẹ như nóng ran, con được mạnh khỏe, lòng mẹ mừng khôn xiết; con thành công trên đường đời, lòng mẹ sung sướng đến nghẹn ngào... Thế mới biết còn mẹ là chúng ta còn có được tất cả những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời:

 

Ai bảo rằng cuộc đời không đẹp

Khi nhân gian còn phiếm dương cầm?

Ai bảo rằng cuộc đời không đẹp

Khi ta còn có mẹ trong tâm?”

 

Dưới tấm lòng yêu thương của mẹ, dưới ánh mắt trí tuệ của cha, chúng ta thấy mình được an ổn, bình yên trong bầu trời thánh thiện. Với cha mẹ thì con luôn bé nhỏ, cần được chở che. Nên khi chúng ta rời khỏi vòng tay cha mẹ, cha mẹ luôn dõi mắt trông theo bằng cả một tấm lòng lo lắng!

 

Cha mẹ luôn nghĩ rằng trên đoạn đường dài vạn dặm, đôi bước chân con có đủ vững chãi để đi một cách bình yên không bị gục ngã trên chặng đường dài? Giữa biển đời vốn lắm phong ba, liệu con có đủ sức vượt qua những gió mưa giông bão của cuộc đời hay không? Cha mẹ luôn lo lắng cho con, nghĩ về con, cầu mong mọi sự bình an và hạnh phúc đến với con. Chính vì tình thương của cha mẹ thẳm sâu vô tận, rộng lớn bao la, đầy sâu nặng như thế, nên một nhà thơ đã phải thốt lên rằng:

 

“Học sói trán chưa viết tròn chữ Mẹ,

Đi mòn chân vẫn chưa thuộc chữ Cha,

Khối ân tình hơn trời biển bao la

Con học mãi bản trường ca Phụ Mẫu”

 

Những khi chúng ta gặp khó khổ, cay đắng nhất trong cuộc đời thì chính là lúc tình cảm nhớ thương cha mẹ lại dâng trào, tràn ngập trong tâm hồn. Lúc ấy, chúng ta chỉ thèm được trở về trong vòng tay yêu thương, đùm bọc, chở che của cha mẹ. Thế mới biết còn cha còn mẹ trên cuộc đời này chính là một hạnh phúc tối thượng. Còn bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời chính là bị mồ côi cha mẹ:

 

“Làm người sống giữa cõi hồng

Nơi nào lạnh lẽo hơn là mồ côi?”

 

Vậy bổn phận làm con, chúng ta phải hằng nhớ nghĩ về ân tình của cha mẹ để dâng trọn tấm lòng hiếu đạo đến hai đấng sanh thành:

 

“Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con!”

 

 

*************

 

 

Còn khi chúng ta đi xuất gia, xa rời gia đình, vào chốn thiền môn sống đời phạm hạnh là chúng ta nương đức từ bi của thầy để trưởng dưỡng giới thân huệ mạng cho đến ngày lớn khôn trong nhà đạo. Thật vậy, không có thầy thì chúng ta không thể nào trưởng thành trong nhà đạo được cả. Nếu như cha mẹ đã sanh ra và nuôi lớn chúng ta trong cuộc đời, thì thầy là người đã sanh ta trong Phật pháp, nuôi lớn ta trong nhà đạo. Thầy đóng vai của một người cha, là hình ảnh của người mẹ và lại gánh thêm trọng trách hướng đạo của một bậc thầy.

 

 

Khi chúng ta thiếu thốn, gặp phải khó khăn và những lúc ốm đau bịnh hoạn, thì thầy như một bà mẹ hiền sẵn lòng chăm sóc, giúp đỡ, yêu thương với cả một tấm lòng rộng mở. Khi chúng ta bất hòa với huynh đệ, biếng lười học hành, không siêng năng trong tu tập, thầy lại hóa thân làm một người cha để dạy dỗ, khuyên răn và tháo gỡ những xung đột, khổ đau trong lòng chúng ta. Và khi chúng ta muốn tìm hiểu giới luật đề hành trì, học tập, nghiên cứu kinh điển để áp dụng vào đời sống, tu tập thiền định để mở mang trí tuệ, lúc ấy thầy lại trở về vai trò của một bậc minh sư, hướng dẫn chúng ta trong từng bước tu hành… Như thế đủ thấy trọng trách của thầy thật là lớn lao và ân đức của thầy vô cùng sâu nặng. Chính vì thế mà trong bộ Luật Căn Bản Tạp Sự ghi: “Có người nương tựa nơi thầy, xuất gia trong giáo pháp của Phật, tâm hồn trong trắng đầy đủ lòng tin, gọi là xuất gia như pháp. Người ấy đối với thầy, cho đến trọn đời cúng dường tứ sự cũng chưa có thể trả ơn hết được.

 

Trong Luật cũng nói rằng: “Nếu ai đem hết lòng kính tôn trọng thầy, thì chẳng khác nào kính tôn lễ Phật.”. Vì sao thầy lại được xem như là Phật? Vì Phật là đấng giác ngộ, mà thầy là người hướng dẫn cho chúng ta đến với con đường giác ngộ, tu tập để thành Phật trong tương lai. Chúng ta hiểu ra điều này mới thấy công ơn thầy thật là trọng đại đối với chúng ta. Thật là:

 

“Ân giáo dưỡng thiêng liêng đầy sâu nặng

Lặng, lặng thầm thơm ngát vạn niềm thương

Lời pháp lành năm tháng hoá kim cương

Thành chuỗi ngọc tình thương, ôi bất diệt!”

 

Và khi chúng ta rời xa thầy, du phương học tập, rong đuổi trên đường tầm cầu sự nghiệp kiến thức, dù bận rộn với sách vở bút nghiên, vẫn có những giây phút lắng lòng, nhớ thương về bậc thầy cao cả. Nơi cảnh chùa quê, dù trên vai thầy gánh nhiều Phật sự, ấy thế mà thầy vẫn sớm chiều cùng những huynh đệ của ta lo toan bao việc ở chùa, dành thời gian cho chúng ta học tập. Thế cho nên, càng nhớ thương về thầy là chúng ta càng phải nỗ lực, ráng tu cho thành đức, học cho thành nhân, thì mới khả dĩ đền đáp ân đức của thầy trong muôn một.

 

 

*************

 

 

Nhưng chúng ta đi xuất gia, không phải chỉ có nhớ thương về cha mẹ, anh chị em, hay nhớ thương về thầy cùng chư huynh đệ, mà còn phải để lòng nhớ thương về tất cả chúng sanh.

 

Vì sao chúng ta lại phải nhớ thương về tất cả chúng sanh? Khi đọc trong kinh, chúng ta từng nghe Đức Phật dạy rằng: “Không có một tấc đất nào trên thế gian này mà không có thân ta đã từng bỏ mạng ở đó. Không có một người, một loài vật nào ta gặp trên thế gian này mà chưa từng là ông bà, cha mẹ, anh em, vợ chồng, thầy tổ, huynh đệ, bạn bè của ta…” Vậy tất cả chúng sanh trong vô số kiếp sanh tử đã từng có mối liên hệ mật thiết với mình, thì làm sao chúng ta không đem lòng nhớ thương nghĩ về họ được? Làm sao không cảm động trước sự luân hồi sanh tử tử sanh trong trùng trùng kiếp số của mình và tất cả chúng sanh?

 

Hay như trong Kinh nói:

 

“Nếu như chặt hết cây rừng

Để ta gom lại đếm từng cọng cây

Đây là mẹ của tôi đây

Đây là mẹ của kiếp này, của tôi…

Cây đã hết, chưa rồi kiếp sống

Cây vô cùng, kiếp cũng vô biên

Luân hồi sanh tử triền miên…”

 

 

*************

 

 

Chúng ta là những hành giả đang bước chân đi trên lộ trình mà đức Phật đã đi qua. Đức Phật đã đi qua biển đời để về đến bến bờ giác ngộ. Chúng ta cũng vậy, cũng sẽ đi qua biển đời để về lại bến giác như lời thề nguyện:

 

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành

 

Lời thệ nguyện này nhắc nhở chúng ta phải luôn nhớ thương về tự tâm của chính mình. Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy và nhận ra đức Phật trong tự tâm của mỗi người. Nhớ thương về tự tâm là nhớ thương mãnh liệt về ánh sáng giác ngộ, ánh sáng của tự tâm. Nỗi nhớ thương này là nỗi nhớ thương tĩnh lặng mang chất thanh khiết, làm sáng cháy lên giá trị cao tột của con người. Trong một kiếp đời tương đối ngăn ngủi mà con người phải đi qua, chúng ta không nên làm nặng hành trang tâm hồn, mà còn phải nâng cao tâm hồn lên và không ngừng tu dưỡng thượng trí, tức là cái thấy biết vững chắc về cốt lõi của cuộc đời, biết vận dụng trí huệ một cách khéo léo trong việc đối nhân xử thế, để chấm dứt mọi đau thương khổ lụy cho mình và người, để chúng ta không làm tổn thương cho nhau…

 

Đạo Phật là đạo của ánh sáng, là đạo của lòng yêu thương và sự hiểu biết. Người theo đạo Phật phải thể hiện tình thương và sự hiểu biết của mình để xoa dịu những vết đau thương của chúng sanh. Cửa vào ánh sáng của đạo Phật chính là cửa hiểu biết - hiểu biết tâm mình. Sự nhớ thương có giá trị vĩnh viễn chính là không nguôi nhớ về cội nguồn giác ngộ của mình, nhớ về bản tâm thanh tịnh và trong sạch của chính mình. Nhớ thương về thì không xao lãng, mà phải hằng lúc không ngừng thực hiện chí nguyện tu tập, trở về cội nguồn nguyên sơ của bản tâm. Trở về với nguồn tâm linh chân thật của mình cho thật sâu sắc thì đó chính là lẽ sống vô cùng cao quý mà mỗi người chúng ta nên gắng sức thực hiện. Từ bao nhiêu lâu, chúng ta hời hợt trôi dạt trong sự lừa dối của giác quan. Nay chúng ta tập trở về và lắng nghe bằng ánh sáng của tự tâm, tỉnh hồn nhìn lại thân phận mong manh của mình mà gấp rút thắp lên ngọn lửa trí tuệ, dẹp trừ vô minh, thể nhập tánh giác, đó chính là cách nhớ thương sâu sắc và trọn vẹn ý nghĩa của người con Phật.

 

 

(TX. Ngọc Nguyên – Đại Ninh)

 

 

-----------------------------------------------------

Các bài liên quan