CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Cảm niệm trước CÂY BỒ-ĐỀ LỊCH SỬ

, Thứ Hai 2011-09-20

 

CẢM NIỆM TRƯỚC CÂY BỒ-ĐỀ LỊCH SỬ

 

     Về thăm xứ Ấn, nơi đức Thích Ca từng sống và hành đạo, không người con Phật nào lại không khỏi chạnh lòng xúc động. Đặc biệt, khi chiêm ngưỡng những Thánh tích cổ xưa giờ còn sót lại tàn dư nền móng, ai ai cũng phải ngậm ngùi. Nhưng xúc động hơn cả có lẽ là khi chiêm ngưỡng cây bồ đề lịch sử trong khuôn viên của Bồ Đề Đạo Tràng. Chính từ nơi đây, Phật giáo được bắt nguồn, bén rễ và truyền thừa cho đến ngày nay. Khoảng thời gian ngót hai mươi sáu thế kỷ vậy mà về lại chốn xưa lòng hành giả vẫn nao nao như cảm nhận bóng dáng Đức Phật và Tăng đoàn còn phảng phất đâu đây. Hai mươi sáu thế kỷ, một thời gian rất dài trong kiếp phù sinh, ấy thế mà lại là sức sống mãnh liệt của một tôn giáo đầy chất liệu từ bi và trí tuệ. Đó là sức sống của đạo Phật.

 

     Nếu như những sử liệu và văn học là những minh chứng cho một đạo Phật có nguồn gốc từ rất lâu đời thì những phế tích của thành quách hay cảnh trí thiên nhiên lại chính là những dẫn chứng thực tế cho nguồn gốc đó. Và có lẽ ý nghĩa nhất là cây đại thọ bồ đề vẫn vướn mình xanh thẳm chính là vật chứng sống cho sự có mặt của bậc Đạo Sư và chư Thánh Tăng cách đây gần ba ngàn năm trước.

 

      Lối vào khuôn viên cỏ dại mọc đầy xanh um và gần như phủ kín tất cả. Qua bao năm tháng làm bảo vệ đại thọ, có lẽ vành đai cỏ vĩ đại này ngày càng chằng chịt hơn.

 

        Khuôn viên cây bồ đề được xây dựng bằng những loại gạch nung vững chắc và to lớn. Đây là kiến trúc thường dùng của xã hội đương thời. Xung quanh là những chùa chiền và bảo tháp kỷ niệm thời Phật tại thế. Đặc biệt có tòa kim cương được xem là tòa ngồi của chư Phật. Cây bồ đề ngày nay đang cắm rễ trên tòa này. Ngày xưa, sau nhiều năm tầm đạo va tu khổ hạnh, đạo sĩ Cồ Đàm đã đến đây phát nguyện "Không thành Chánh giác không rời khỏi tòa!". Cuối cùng, sau 49 ngày đêm tham thiền, Ngài đắc quả Phật. Sau khi Ngài Niết bàn, cây bồ đề nhiều lần bị tàn phá và đào bới cả gốc rễ. Cây bồ đề ngày nay theo một số sử liệu cho rằng là cháu nhiều đời của cây bồ đề thời đức Phật.

 

 

      Bồ-đề (zh. 菩提, sa., pi. bodhi) là danh từ dịch âm từ bodhi tiếng Phạn, dịch nghĩa là Tỉnh thức, Giác ngộ (zh. 覺悟). Trong thời Phật giáo nguyên thuỷ, Bồ-đề là từ chỉ trạng thái chứng được bốn cấp Thánh đạo (sa. āryamārga) bằng cách hành trì 37 Bồ-đề phần và diệt trừ Vô minh, thông suốt được Tứ diệu đế.

 

       Trong Tiểu thừa (sa. hīnayāna), Bồ-đề là chứng được Tứ diệu đế, thoát khổ. Ở đây người ta phân biệt ba giai đoạn: tu và chứng quả Thanh văn thừa (sa.śrāvakayāna), tu và chứng quả Độc giác Phật (sa. pratyekabuddha) và cuối cùng là đạt quả vị Tam-miệu-tam-phật-đà (sa. samyaksaṃbuddha), là quả vị Phật vô thượng, đạt Nhất thiết trí (sa. sarvajñatā), có khi gọi là Đại bồ-đề (sa., pi. mahābodhi).

 

      Trong Đại thừa, Bồ-đề được hiểu là trí huệ nhận ra rằng không có sự sai khác giữa Niết-bàn (sa. nirvāṇa) và Luân hồi (sa. saṃsāra), giữa khách thể và chủ thể. Bồ-đề là chứng được trí Bát-nhã (sa. prajñā), nhận ra Phật tính của chính mình hay của muôn loài, nhận ra tính Không của thế gian, nhận biết "sự thật như nó là" (chân như).

 

       Đại thừa phân biệt ra ba loại Bồ-đề: giác ngộ cho chính mình (giác ngộ của một vị A-la-hán), giải thoát cho chúng sinh (giác ngộ của một vị Bồ Tát) và giác ngộ hoàn toàn của một vị Phật. Trong quan điểm này, mỗi trường phái Đại thừa lại có một cách giải thích khác nhau.

 

      Chiêm ngưỡng cây bồ đề và khung cảnh của những tàn tích xung quanh, ngoài nỗi xúc động cho cảnh cũ người xưa và niềm bâng khuâng nhớ tiếc một thời vàng son của Phật giáo, người ta còn cảm nhận được những bài học vô giá mà đức Phật từng chỉ dạy. Có lẽ dấu ấn thời cuộc lịch sử làm tăng giá trị của dấu ấn chánh pháp, đó là Tam pháp ấn.

 

       Đức Phật dạy rằng đời là VÔ THƯỜNG. Thật vậy, ngày xưa thời thế thịnh vượng bao nhiêu, ngày nay chẳng còn gì để lại cho đời. Còn chăng chỉ là những phế tích của nên móng. Ngay cả cây bồ đề này thực chất cũng chỉ là hậu duệ của những cây trước mà thôi. Thế cuộc biến đổi như vậy, sao lữ khách không tạm dừng chân và nhẹ ngắm mình bên dòng nước bạc? Một phút nghỉ ngơi để chiêm nghiệm lại quãng đời ta đã đi qua, ta đã được gì, ta đã mất gì trong thế sự vô thường này? Than ôi, mấy ai có những nỗi u hoài như vậy.

 

      Dấu ấn thứ hai là KHỔ. Đứng trước tàn tích này, một nỗi buồn thương và đau xót luôn trỗi dậy trong lòng mọi người. Buồn vì ta kém duyên lành không thể sanh vào thời có Phật. Đau xót vì những tang thương mà đạo Phật phải gánh chịu khi bị ngoại đạo diệt vong. Nālandā (Hindi: नालंदा) là tên của một trường đại học xưa cổ tại tiểu bang Bihar, India. Nalanda nằm cách thủ phủ Patna của Bihar 55 dặm về phía đông nam, là trung tâm giáo dục của Phật giáo vào năm 427 đến 1197 sau công nguyên. Nó được coi là đại học lớn đầu tiên như lịch sử  còn biết được. Một vài phần của Nalanda được xây dựng bởi hoàng đế Mauryan là Asoka (ví dụ như Tháp Sariputta); một phần do hoàng đế Tamil là Rajaraja Chola. Đế chế Gupta cũng góp một phần vào việc xây cất các tu viện. Năm 1193 Nalanda bị phá hủy bởi đoàn quân Thổ Nhĩ Kì do tướng Bakhtiya Khilji cầm đầu. Các học giả coi đây là thời điểm mốc đánh dấu chính thức sự  suy tàn của đạo Phật tại Ấn Độ. Sử gia mô tả rằng có đến hằng ngàn tu sĩ Phật giáo đã bị thiêu sống và hàng ngàn người khác bị chặt đầu, khi Khilji nổ lực nhổ tận gốc Phật giáo để ươm trồng Đạo Hồi giáo (Islam) tại đây bằng sức mạnh thanh kiếm! Các thư viện kinh sách đã cháy trong nhiều tháng. Khói đã làm tối đen các ngọn đồi thấp chung quanh Nalanda. Viện trưởng cuối cùng của Nalanda là Shakyashribhadra năm 1204 đã về Tây Tạng theo lời mời của dịch giả Tây Tạng Tropu Lotsawa. Tại Tây Tạng ông đã truyền thừa dòng tu Mulasarvativadin. Sự hủy diệt các tu viện, chùa tháp, trung tâm giáo dục tại Nalanda và toàn bộ vùng Bắc Ấn của đạo quân Islam đã diệt chết các tư tưởng bác học của người Ấn về toán học, thiên văn, luyện kim và cơ thể học. 

 

            Dấu ấn thứ ba là VÔ NGÃ. Vô ngã (無我, sa. anātman, pi. anattā), là một trong Ba tính chất (sa. trilakṣaṇa) của sự vật. Quan điểm vô ngã là giáo pháp cơ bản của đạo Phật, cho rằng, không có một Ngã (sa. ātman, pi. attā), một cái gì trường tồn, bất biến, nhất quán, tồn tại độc lập nằm trong sự vật. Như thế, theo đạo Phật, cái ngã, cái "tôi" cũng chỉ là một tập hợp của Ngũ uẩn (sa. pañcaskandha), luôn luôn thay đổi, mất má. Vì vậy, "tôi" chỉ là một sự giả hợp, gắn liền với cái Khổ.

 

            Ngày nay, đạo Phật hầu như lan rộng toàn thế giới. Khi bước chân của người con Phật về thăm quê hương của đức Thích Ca, ai cũng phải chạnh lòng. Cảnh cũ còn đây, người xưa vắng bóng, làm lữ khách hành hương của phải bồi hồi xao xuyến khi dời chân đi. Trong cơn gió thoảng, đâu đó vang lên tiếng xào xạc của từng tán lá bồ đề như thi nhau hát lên những bài kệ kinh cổ xưa nhắc nhở hàng hậu thế về một còn đường giác ngộ. Đúng thế! Đời là vô thường, là khổ và vô ngã nhưng nếu biết tu tập thì sự chơn thường, hạnh phúc và chơn ngã sẽ tự hiện diện bên trong mỗi người chúng ta. Thăm lại Thánh tích của Phật và cây bồ đề nơi Ngài tư duy thiền định, lòng người con Phật như tiếp nhận ánh sáng giác ngộ ngàn xưa rọi về trong tâm thức. Đó chính là động lực tâm linh cho hậu thế vững tin tu học hôm nay và hướng đến sự giác ngộ giải thoát ở ngày mai.

 

 

Writter: ayoungmonk

 

----------------------------------------

Các bài liên quan