CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Chim vẫn hót trong vườn đấy thôi!

, Thứ Hai 2011-09-18

 

CHIM VẪN HÓT TRONG VƯỜN ĐẤY THÔI!

 

 

Lưu Thủy

     Thân tặng pháp đệ V.D

 

 

 

Thầy Đam đang ngồi viết nhãn tên. Thầy nắn nót viết từng chữ in hoa. Cụ già Thiện Lạc đang ngồi kế bên đọc báo Giác ngộ. Mái tóc và chân mày của cụ đã bạc trắng như cước. Hàm răng cụ đều đặn, trắng đẹp, chứng tỏ chúng là răng giả. Cả hai người đều im lặng. Nghe đâu đây có mùi hương trầm phảng phất.

Bất chợt thầy Đam hỏi cụ Lạc:

- Bác có nghe gì không?

Cụ già giật mình, chớp chớp mắt nhìn thầy Đam rồi nói:

- À, có gì đâu.

Thầy Đam nói:

- Đó!

Cụ Lạc hỏi:

- Thầy nghe gì vậy?

Thầy Đam kéo dài giọng:

- Chim vẫn hót trong vườn đấy thôi!

Cụ Lạc mỉm cười, nói:

- Câu đó của Trịnh Công Sơn.

Hai người khẽ cười rồi lại im lặng. Sư Nguyên vừa đi khất thực về. Sư ghé vào thất thăm thầy Đam. Sư tự nhiên giải y, xếp lại vắt lên vai, rồi ngồi xuống uống nước. Thầy Đam nói với cụ Lạc:

- Thầy hỏi thiệt bác Thiện Lạc nghe.

- Vâng, thầy cứ hỏi.

- Bác đến ở thất này nhiều lần rồi. Vậy bác có biết pháp môn tu ở đây là gì không?

Cụ Lạc đáp:

- Bên Khất Sĩ thì các sư đi khất thực, không nhận tiền… Bên quý thầy thì tụng kinh, bái sám… Ai cũng phải giữ gìn giới hạnh, tuân thủ thời khoá…

Thầy Đam nói:

- Đó chỉ là hình tướng thôi, còn có pháp tu căn bản hơn nữa.

Sư Nguyên gợi ý:

- Pháp tu này chỉ có ba chữ thôi.

Cụ Lạc cười, lúng túng:

- Trò chịu thua. Sư nói đi.

Thấy thầy Đam không nói gì, sư Nguyên chuyển thế nhẹ nhàng:

- Nếu giải liền thì đâu có hay. Bác phải suy nghĩ một lúc đi.

Cụ Lạc lại cúi xuống đọc bài viết về hòa thượng Nhất Hạnh. Còn thầy Đam và sư Nguyên lại làm việc của mình. Trong vườn, chim vẫn hót líu lo...

 

 

Buổi chiều, cụ Lạc và thầy Đam lại ngồi bên nhau nơi bàn đá. Có những bông sắc pháo rơi vãi xung quanh bàn. Cụ Lạc vẫn cầm theo tờ báo Giác ngộ. Nhưng cụ không tìm hiểu về đoàn Tăng thân Làng Mai nữa. Cụ hỏi thầy Đam:

- Thầy, ba chữ sư Nguyên nói là gì?

Thầy Đam nói:

- Điều đó thì cụ cứ hỏi sư Nguyên. Còn hồi sáng thầy nói với cụ là một ý khác.

- Thầy hỏi trò về pháp môn tu ở tịnh thất này chớ gì?

Thầy Đam gật đầu. Cụ Lạc đề nghị nhẹ nhàng:

- Thầy nói đi.

Thầy Đam bắt đầu nói:

- Thiện Lạc có thấy ở đây làm rất nhiều không? Chúng ta tự làm mọi việc. Nhưng đến thời khoá thì chúng ta vẫn tu tập, nếu cần. Chắc ai cũng thắc mắc là ở đây tu theo pháp môn gì, đúng không?

Cụ Lạc gật đầu đồng ý:

- Trò đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy nơi nào như ở đây. Hòa thượng ở đây tự làm hết mọi việc. Chỗ nào cũng có mặt Hòa thượng. Ở đâu cũng nghe tiếng của Ngài.

Thầy Đam nói:

- Dạ đúng. Nhưng sao Thiện Lạc không đặt câu hỏi xem điều đó có ý nghĩa gì? Thiện Lạc lên Hoằng Pháp tu niệm Phật để cầu vãng sanh phải không?

Cụ Lạc gật đầu, mắt vẫn nhìn thầy Đam chăm chú. Thầy hỏi tiếp:

- Thế khi nào mới được vãng sanh?

- Sau khi chết sẽ vãng sanh.

- Tức là bỏ cái thân lại?

- Dạ, thân chết nằm lại.

- Vậy vãng sanh đâu có dính dáng gì đến cái thân, phải không bác?

Cụ Lạc đồng ý. Thầy Đam tiếp:

- Vãng sanh đã không dính dáng gì đến cái thân, thì cần gì đợi đến lúc thân này chết rồi mình mới vãng sanh! Ngay bây giờ Thiện Lạc vãng sanh luôn đi.

Cụ già thú nhận chân thành:

- Nhưng trò không biết cách.

Thầy Đam bèn xác nhận cho cụ:

- Hiện nay tâm bác đang được vãng sanh rồi. Bác lên đây ở với quý thầy, đâu còn phải lo nghĩ cho bác gái, cho con, cho cháu nữa. Mấy hôm nay bác thường ở bên thầy, có nói gì cũng nói về chuyện đạo. Rõ ràng là bác đã sanh qua một cõi thiện hơn ở nhà rồi.

Cụ Lạc gật gật đầu công nhận:

- Thầy nói đúng. Trò cũng nghe quý thầy ở Hoằng Pháp giảng nhiều, nhưng trò không nghĩ kỹ. Còn pháp môn tu ở đây là sao, thầy?

Thầy Đam nói:

- Đó đó, để thầy nói tiếp. Bây giờ tu niệm Phật, phải tu đến trình độ nào mới được vãng sanh?

Cụ Lạc đáp:

- Phải niệm Phật đến nhất tâm.

- Cũng khó đó, bác.

Cụ Lạc tâm sự:

- Cho nên mình phải rán thôi. Trò chỉ mong sao được về hạ phẩm hạ sanh cũng mãn nguyện rồi.

Thầy Đam gật đầu thông cảm với ước nguyện chân thành của cụ Lạc. Một già một trẻ còn định nói thêm nữa, nhưng đã đến giờ tu rồi. Cụ Lạc ngồi ngay ngắn lại niệm Phật. Thầy Đam đi xem lại số hàng ngày mai mang đi uỷ lạo. Tiếng chóc, chóc của lũ sóc bắt đầu vang lên trong bóng hoàng hôn. Một buổi chiều qua đi bình lặng như mọi buổi chiều khác…

 

 

Hôm sau, cụ Lạc tâm sự với thầy Đam:

- Mấy hôm nay ngồi niệm Phật sao trò cứ nhớ tới lúc đánh cờ. Sao khó bỏ nó quá, thầy?

- Như vậy là bác vừa niệm Phật vừa niệm chuyện đời.

Cụ Lạc đồng ý với thầy Đam. Thì ra hàng ngày chúng ta cứ nghĩ chơi cờ là vô hại. Nào ngờ trò tranh đua đã nhập tâm lúc nào không hay. Thầy Đam khuyến khích cụ Lạc bỏ cách chơi cờ lâu nay. Thầy bảo cụ là từ nay trở đi phải tập chơi cho thua. Nhưng cụ Lạc không chấp nhận điều đó. Cụ vẫn cho rằng thà không chơi cờ nữa, chứ chơi là phải thắng người ta. Thấy cụ già không nhận ra vấn đề, thầy Đam cũng thôi không nhắc đến thói quen hút thuốc lào và uống rượu của cụ. Nói về pháp môn tu tập ở đây, thầy Đam đã gợi ý cho cụ Lạc rằng niệm Phật là một pháp tu chánh niệm. Từ cơ sở chánh niệm, ta sẽ khéo an trú vào “vô sở trụ”. Vì cụ Lạc không hiểu, nên thầy Đam nhắc:

- Cách đây vài bữa, có ai đó đã nói với Hòa thượng là sao ở đây mọi người làm nhiều quá. Lúc đó Hòa thượng đáp một câu vu vơ, không biết Thiện Lạc còn nhớ không?

Cụ Lạc đáp:

- Hình như trò hỏi. Nhưng trò không nhớ Hòa thượng đã nói gì.

Thầy Đam nói:

- Hòa thượng trả lời thế này: “Thì chúng ta làm hết thảy mọi việc mà không nhiễm chớ sao”! Thiện Lạc thấy không, một câu nói vu vơ của sư phụ đã chỉ rõ pháp tu ở đây rồi đó.

 

 

Những ngày sau, hai thầy trò còn trao đổi với nhau nhiều điều. Cuộc sống hàng ngày ở một ngôi ngôi chùa thường tế nhị lắm. Mà những phép xã giao, những phép lịch sự thông thường đôi khi cũng chẳng có ai áp dụng. Mọi việc cứ tự nhiên diễn ra. Cũng như chính thầy Đam, thầy không hiền mà cũng không dữ, không linh hoạt xăng xái, mà cũng không lừ đừ như ông từ giữ đền. Học theo gương thầy mình, thầy Đam thường không tỏ ra mình là một hạng người nào cả. Tùy theo vai trò trong mỗi lúc, thầy Đam lại có những biểu hiện khác nhau. Biểu hiện tuy khác nhau, nhưng chỉ trên nền tảng một khuôn mặt, một ánh mắt. Thật chẳng biết đánh giá thế nào về thầy trò ở tịnh thất này nữa. Nhưng mỗi ngày qua đi, nắng vẫn lên, lá vẫn xanh, người người đến rồi đi và, chim vẫn hót trong vườn đấy thôi…

 

 

------------------------------------------------------

Các bài liên quan