Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Tu đúng, Tu trật
Tu đúng thành Phật, tu trật thành ma
KS. Minh Bình
“Tu đúng thành Phật, tu trật thành ma.”, đó là lời ngài Minh Đăng Quang đã dạy, hình như vậy. Tìm xem trong bộ Chơn Lý, thấy bài Chơn lý 12 – Khất Sĩ, Sư trưởng Minh Đăng Quang đã viết điều đó thế này:
“Đạo Khất sĩ chơn lý chánh pháp của trường võ trụ, là đạo bát chánh Niết-bàn, không bậc hiền Thánh nào dám khinh rẻ, không kẻ quỷ ma nào được thấu đạt, chánh giáo cao siêu hơn hết, kẻ hành đúng sẽ thành Phật, người hành trật sẽ làm ma, thật là quý nhất trong đời, tuy lý sự hiển nhiên như mọi bữa, mà ít ai lưu tâm trụ ý nghĩ soi nhìn, cùng dám hy sinh hành đạo! Vậy nên nay bằng sớm mà ta hiểu được, đến chiều có thác dạ cũng vui mừng! Dầu người đã tuổi hơn trăm, may mặc được áo khất sĩ giải thoát trong một thời, cũng là duyên may mắn cho bước chân ngàn đời nay đã định! Áo giải thoát mà vua quan trời thần không thể có, mặc nó vào nhẹ tợ lông hồng, trôi bay khắp võ trụ non sông, ai mà lại chẳng mong cầu ước muốn!”
Qua đoạn trích dẫn trên, thì “kẻ hành đúng sẽ thành Phật, người hành trật sẽ làm ma” cũng tương tự với “Tu đúng thành Phật, tu trật thành ma.”, nên sẽ chọn câu gọn hơn để phân tích.
*****
Thoạt nghe, lời này khiến người ta e ngại đạo Phật, rồi lại khiến người ta nghi ngờ đạo Phật. Sao tu đạo Phật nguy hiểm thế? Lâu nay thường nghe nói đạo Phật là toàn thiện mà? Thì ra đi tu theo đạo Phật cũng có thể thành ma sao? Cách nói của ngài Minh Đăng Quang nghe lạ, ta nên bình tĩnh suy xét.
1. Đầu tiên, xét lại “tu”, là một động từ, tiếng thuần Việt nghĩa là “sửa”. Sửa cái gì vậy? – Sửa chính mình. – Là sửa cái gì, cụ thể hơn? – Thì cái gì là mình đều phải sửa, theo gương đức Phật. – Vậy tu theo gương đức Phật là tu cái gì? – Ai cũng biết là tu Giới Định Huệ, ứng theo ba nghiệp Thân Miệng Ý của chính mình, các kinh sách nhà Phật đều đã dạy rõ, mà khi nói ngắn gọn “tu” thì ý nghĩa của nó chính là “tu Giới Định Huệ”, việc hiển nhiên không cần bàn cãi nữa.
2. Tiếp theo, đã nêu ra điều cơ bản ai cũng biết, rằng “tu” tức là “tu Giới Định Huệ”, thì cả ngày đêm lo tạo nghiệp tôn giáo là không tu. Không tu chẳng phải là tu trật, đâu có thành ma, nên miễn bàn về không tu.
3. Thứ ba, tìm hiểu về tu trật, vì tu đúng ai cũng biết, chẳng qua là không tu thôi! Xin kể vài chuyện để dẫn chứng về tu trật:
– Sách Đại Trí Độ Luận, tác giả là Bồ-tát Long Thọ đã kể một chuyện: Có vị A-la-hán thường vào long cung ăn, khi trở về đưa bình bát cho một sa-di rửa. Trong bát còn thừa vài hạt đồ ăn, sa-di ấy ngửi thấy rất thơm, ăn rất ngon, mới tìm cách lén theo thầy. Hôm sau, sa-di vào núp dưới giường dây của thầy, hai tay nắm chặt chân giường, khi thầy đi thì cả cái giường cùng vào long cung. Bấy giờ rồng hỏi: “Kẻ này chưa đắc đạo, vì sao ngài đem đến?”. Thầy đáp: “Tôi không biết nó lén núp dưới giường.”.
Sa-di ấy được ăn cơm rất ngon, lại thấy long nữ đẹp không ai bằng, nên tâm rất thích, liền ước nguyện rằng: “Ta sẽ tạo phước, chiếm lấy chỗ rồng ở!”. Trở về, sa-di ấy nhất tâm bố thí, trì giới, nguyện sớm được làm rồng. Vị A-la-hán quở trách sa-di có tâm tà, nhưng sa-di vẫn kiên trì làm việc sai trái, bất tuân lời thầy dạy.
Một thời gian sau, khi đi nhiễu quanh chùa, thấy dưới chân có nước trồi lên, sa-di tự biết đã đắc quả rồng, liền đi thẳng đến hồ rồng đó nhảy xuống. Sa-di chết thân người, liền tái sanh thành rồng lớn theo phước đã tạo, nó giết rồng kia chiếm lấy long cung, máu rồng nhuộm đỏ cả hồ nước! Vị A-la-hán dẫn Tăng chúng đến bên hồ xem…
– Có ông sư Minh Chí ỷ là đệ tử của Trưởng đoàn, nên tự tung tự tác. Rồi bởi phóng túng mà không còn xuất gia được, phải hoàn tục, Minh Chí về thế làm nghề lái xe tải. Một lần lái xe qua cầu Đồng Nai, cầu bị sập, xe Minh Chí lao xuống sông, phía sau và phía trước có bốn xe tải cùng bị rớt xuống sông, đè lên xe Minh Chí, đến mấy ngày sau mới kéo xe Minh Chí lên được. Sau đó sư Trưởng đoàn ngồi thiền thấy Minh Chí biến thành con chó, chạy lẩn quẩn bên chân thầy!
Như ông đó tu trật chỗ nào? – Tự tung tự tác trong Tăng đoàn…
– Có sư kia tuổi đã bảy mươi lại sanh tật, cho mấy mẹ con một bà góa vào tịnh xá ở, để mỗi ngày có người quét dọn và nấu ăn… Rồi sư đó làm gì với bà góa mà để bà hàng xóm qua tịnh xá thắc mắc, hai bà đánh ghen ầm ĩ mấy lần, bà góa thắng thế vì được cho ở. Sư ra vườn kê dương vật lên gốc cây xắn đứt, đau quá la to, mấy bà chạy ra đưa sư ông đến bệnh viện cấp cứu. Dân xung quanh thấy quái lạ nên báo chính quyền, chính quyền xuống làm việc, Ban Đại diện Phật giáo cũng phải đến, tiếng xấu bay khắp nơi… Sau đó sư bị ung thư máu mà chết (75 tuổi), chết rồi bị đọa, cái quả báo biết bao giờ mới hết đây! Vậy mà bảy người con (trước khi đi tu) còn xúm lại cất một cái tháp cao 7m to 3m để thờ sư ông nữa! (Họ tranh tịnh xá với mẹ con bà góa.) Việc này chư Tăng chẳng ai tham gia…
Vị sư lớn tuổi này tu trật chỗ nào? – Ỷ làm thầy của nhiều người rồi phá giới Tỳ-kheo, đắc quả đời đời gắn bó với địa ngục. Ngày xưa đức Phật Thích-ca đã dạy: Phá giới là việc mà kẻ thù rất muốn mình làm! Sư đó đã cố gắng mấy chục năm để rồi lén lút mấy năm, và sẽ hối tiếc trong vô số năm!
– Kinh Thủ Lăng Nghiêm có kể chuyện tỳ-kheo Vô Văn (Không Nghe, Dốt Học). Sư Vô Văn tu thiền định đắc Tứ thiền, một việc không phải ai cũng làm được. Sư cho rằng mình đã đắc quả A-la-hán, mà không chịu thưa thầy hỏi bạn về chỗ thành tựu của mình. Cuối đời, lúc Vô Văn sắp mạng chung, chỗ sanh là trời Tứ Thiền hiện đến, việc tốt chứ đâu xấu, nhưng sư trách Phật đã nói dối, bậc A-la-hán sao còn tái sanh! Bởi khởi tâm giận và tâm bất kính Phật ngay lúc mất (và với sức mạnh của định lực) nên sư liền đọa vào địa ngục. Sau đó chúng tỳ-kheo thưa hỏi Phật Thích-ca: “Bạch đức Thế Tôn, vị sư siêng năng trì giới và nhập định đó đã sanh về chỗ nào?”. Đức Phật dạy: “Ông ta đã bị đọa địa ngục rồi!”. Nghe Phật nói, các tỳ-kheo đều hết sức kinh ngạc. Đối với bao nhiêu người đồng tu, Vô Văn là một nhà sư mẫu mực!
Hãy xem, Vô Văn tu không trật mà lại thành trật lớn, tiếc thay!
– Có nhiều người, theo sự kêu gọi và hướng dẫn của chư Tăng, Ni, đã thường đi bố thí. Do nhân bố thí sẽ đắc quả giàu có sung túc nhiều đời, cảm ứng tự nhiên của nhân quả, không phải do Phật trời nào can thiệp. Trong đó có không ít người đã bố thí với tâm nóng nảy, khó khăn, kể lể… Tu bố thí như thế thì sẽ không được quả lớn mà cuộc sống có những ngang trái!
Cho nên phải rất lưu ý: Cách cho to hơn của cho, tu tâm là chính mà tu phước là phụ theo. Ba nghiệp thân miệng ý là nguồn phước và cũng là gốc tội của mình đó. Ba nghiệp là tâm, tâm là ba nghiệp, đừng lầm tâm chỉ là cái ý nghĩ.
Chính Trí Đức cũng lầm tâm là ý nghĩ, nên đã dịch hai câu đầu tiên của Kinh Pháp Cú là: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả…”. Còn Thích Minh Châu đã dịch đúng: “Ý dẫn đầu các pháp / Ý làm chủ, ý tạo…”. Rất nhiều người đã không chú ý đến điều này.
– Có mấy thanh niên đã sống như thế này: Họ cũng cưới vợ, rồi bày ra thế tu tại gia. Lúc đầu cô vợ trẻ đã rất tự hào với mọi người, vì may mắn có một người chồng hiền lành và ham tu, không nhậu nhẹt chơi bời gì hết, quá lý tưởng. Nhưng rồi sau đó là tình trạng dở khóc dở cười kéo dài nhiều năm: Ban ngày chồng siêng năng đi làm, tới đêm thì chồng siêng năng tu hành, không có thời gian cho vợ. Vợ những tưởng chồng mình chỉ ăn chay trường thôi, ai ngờ cũng ngủ chay trường luôn! Mà đã lỡ khen quá rồi, bây giờ biết nói sao đây với người nhà?
Do tu tại gia nên hạng thanh niên đó cũng hay đi chùa, thăm các sư, nói chuyện đạo... Họ là những Phật tử tốt mỗi khi đến chùa, nhưng cũng là một ông chồng tồi mỗi khi về nhà. Nghĩ sao mà cư xử hèn thế, cột một cô gái vào đời mình, để người ta mang tiếng có chồng mà lại là một “ông chồng siêng tu”! Đức tánh căn bản của nam nhi là trung thật, đã liệt dương mà bày đặt cưới vợ làm gì? Ai biểu bày ra thế tu tại gia kiểu đó?
Rồi một ngày, có một thanh niên hạng đó lên giọng chê trách các sư, nói là tu tại gia tốt hơn, rằng Tổ Ấn Quang đã dạy như thế, ngài đã cảnh giác là thời nay có nhiều hạng xuất gia tồi bại! Chán kẻ đạo đức giả nên ông sư nói luôn: “Đó là hôn nhân bình phong chớ tu tại gia gì!”. Thế là từ đó người ta không đến chùa nữa…
– Cũng có mấy cô gái giữ giới không ăn tỏi, do học theo trên mạng. Các cô giữ kỹ, nhất quyết không ăn một chút đồ ăn nào có dính chút hành, tỏi. Tham gia các khóa tu A-di-đà Phật hàng ngày trên mạng, lâu ngày các cô trở thành người hướng dẫn giáo lý, rồi cũng đi hộ niệm người chết ở các nơi, bày cho mọi người cách thức giúp cho người mới chết được lợi ích lớn v.v…
Khi đến chùa, gặp lúc đồ ăn chay ai đó mua ở tiệm đem đến chùa có ít hành tỏi là các cô không ăn. Một lần, vài lần, rồi các cô nói luôn là các chùa ngày nay ăn hành tỏi, không bằng các cô…
Nhưng các cô đó đem lòng thương các sư, đã tìm cách quyến rũ các sư, chắc là do tu tại gia nên muốn có một ông chồng cũng biết tu. Các cô gái không ăn tỏi đó đã không hiểu đạo lý này: Lôi kéo một nhà sư hoàn tục sẽ mang tội lớn gấp hàng trăm con voi, còn ăn một chút tỏi rồi súc miệng sạch thì chẳng phiền ai hết! Dâm giới không giữ, lo giữ không ăn tỏi, lấy đó làm niềm tự hào, đúng là ngốc!
– Ngày nay, có nhiều người xuất gia theo nhà Phật nhưng không biết làm gì cho hết thời gian ở chùa, nên vùi đầu vào sách vở nhà Phật để tìm vui. Tuổi trẻ của quý vị ấy là những ngày tháng đi học các trường Phật học, hết khóa này lại sang khóa khác, lần mò từng con chữ, tìm đạo ở trong đó. Thế là đi tu bao năm tháng mà các vị vẫn đứng ngoài cửa đạo, thật đáng tiếc!
Các Tăng, Ni trẻ này không tu hay là tu trật? – Nếu nhận mình là người tu thì các vị đã tu trật, trật cả nhận thức lẫn hành vi. Nếu nói từ từ rồi vào thiền viện tu thì đã thừa nhận chính mình không tu rồi. Làm Tăng, Ni mà không tu là sao?
– Có Ni sư đó hằng hâm mộ Tổ thầy (Tổ sư), nên cất công đi nhiều nơi tìm hiểu. Lần Ni sư đến Pháp Vân Tự của Tổ ở Vĩnh Long thăm viếng thì bà Chín coi chùa đã mất, cháu của bà mang ra pho tượng Phật của Tổ giao cho Ni sư, vì sợ rằng rồi đây không còn ai trông coi Pháp Vân Tự nữa. Pho tượng đó cao khoảng gang tay, là tượng Phật duy nhất của phái Khất Sĩ trong giai đoạn đầu. Pho tượng đó được Tổ bỏ vào bình bát đem đi các nơi, đến khi thuyết pháp dạy đạo thì ngài đem tượng đó ra đặt trên bình bát, để trước mặt… Thời Tổ không có tịnh xá nào được thờ tượng gì cả!
Vào lần kỷ niệm 50 năm Tổ vắng bóng, Ni sư mang tượng đó về cho Ban Tổ chức triển lãm. Sau triển lãm, hỏi nhận lại thì vị sư chịu trách nhiệm nói mất rồi, tìm không ra. Mười năm sau, sư đó khoe: “Sư có pho tượng Phật của Tổ, quý lắm!”.
Như trường hợp này thì có tu trật không? – Không biết nữa, hình như do “quý lắm” nên nó là ba-la-di trộm cắp, nếu là vật tầm thường thì phạm vào 90 giới. Gặp Diêm Vương biết ngay đó mà!
– Có một thượng tọa qua Miến Điện học thiền định. Cảm mến đời sống tu học nghiêm túc của thiền viện ở đấy, thượng tọa muốn được thọ Giới pháp của Phật giáo Miến Điện, để cùng tu tinh tấn với chư Tăng Miến Điện. Không như ở Việt Nam xài luật rừng, thọ Giới pháp Khất sĩ rồi đi thọ Giới pháp Bắc tông để có chứng điệp, bên đó các luật sư Phật giáo yêu cầu thượng tọa phải xả hết Giới pháp Khất sĩ mới được thọ Giới pháp này, vì Luật tạng đã cấm Chồng giới. Các luật sư ấy đã làm đúng Luật Phật dạy. Thế là thượng tọa đó đồng ý, đã xả hết Giới pháp Khất sĩ, thọ lại Giới pháp của Phật giáo Miến Điện, và theo hạnh kiểm vẫn được coi trọng là bậc cao Hạ chứ không phải là tân tỳ-kheo v.v…
Vấn đề là: Năm sau bỏ Miến Điện về nước, vị đó lại làm một thượng tọa của Khất Sĩ, tức là lại xài luật rừng nữa. Trong khi đã xả hết Giới pháp Khất sĩ thì làm sa-di của Khất Sĩ còn không được chứ làm thượng tọa gì! Sao người đó không ở Miến Điện luôn đi, đã quyết tu thì còn về Việt Nam làm gì nữa? Người đó chỉ nên về Việt Nam trong tư cách một sư Nam tông.
– Trước đây, trưởng lão Huệ Thế tu hành trên núi Cấm. Sau khi có thành tựu ngài xuống núi độ đời, vào thập niên 1960. Bấy giờ ngài hành y bát khất sĩ như Tổ Minh Đăng Quang, cảm hóa được nhiều cư sĩ, thâu nhận được nhiều Tăng, Ni, lập được mấy tịnh xá đặt tên có chữ đầu là “Hòa”, đương thời thành một “Đoàn khất sĩ Không không” (lời trưởng lão thường nói)… Sau năm 1975 ngài dạy chúng: “Tôi vô vi thì được, mà các vị thì không được. Các vị nên về theo giáo hội để có chỗ nương.”. Sắp xếp xong mọi việc trưởng lão về Thốt Nốt, cất y bát, làm cư sĩ ở tịnh xá, mọi người gọi là ông Hai. Một ngày, có ông kia vào tịnh xá rủ ông Hai uống rượu, uống rồi nói qua nói lại, ổng cầm cây đập đầu ông Hai. Hôm sau thấy máu chảy ra lỗ tai, mọi người đưa ông Hai đến bệnh viện cấp cứu thì ông mất. Trước đó trưởng lão Huệ Thế đã từng nói với đệ tử: “Sau này có ai giết thầy cũng không được trả thù. Ai giết thầy là đại ân nhân của thầy!”.
Như trưởng lão Huệ Thế là chủ động trả nghiệp cho đời sau được rảnh rang. Nhưng nhiều người không hiểu vậy, họ chỉ thấy theo bên ngoài mà thôi.
– Về ông Nguyễn Kim Muôn, trưởng lão Giác Chánh đã kể thế này, mà khi thuyết pháp dạy đạo cho cư sĩ thì trưởng lão Giác Khang đã kể lại, rồi họ quay phim đưa lên mạng:
Ông Nguyễn Kim Muôn làm xuất nhập khẩu ở Sài Gòn, nhà giàu có lắm. Sau ông mộ đạo nên từ bỏ gia nghiệp, ra Phú Quốc tu Tiên. Ông tu đắc, ngồi trên nước không chìm, lấy hai tay quạt nước vào đến Rạch Giá, người ta theo đông không kể. Sau ông về Sài Gòn thăm nhà, nói với vợ: “Tôi đã đắc quả rồi.”. Tới đêm ông ngủ chung với vợ, đổ tinh tùm lum mà chết. Trong số nhiều đệ tử của ông Nguyễn Kim Muôn có một người cao tuổi, thấy vậy chán nản nên bỏ đi lang thang, gặp Tổ Minh Đăng Quang kể lại chuyện đó. Tổ sư dạy ông rằng: “Luyện thân không bằng luyện tâm. Nếu lo tu luyện thân mà không tu tâm thì dù thân có nổi được trên nước vẫn còn tâm dâm dục…”. Rồi Tổ sư độ cho ông cụ xuất gia, đặt pháp danh là Giác Trụ.
Ông Nguyễn Kim Muôn đã tu đắc đạo Tiên rồi chết như thế, nếu theo dõi đầu đuôi sẽ có một nghi vấn: Ông cố ý trả nghiệp phải không? Bởi trước đó ông đã từng nói với một số đệ tử về cái chết của mình…
4. Thứ tư là xét đến thành Phật thành ma, với “thành Phật” là thành tựu các quả Thánh, và “thành ma” là thành các quả báo linh tinh trong bốn đường ác a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, và địa ngục.
Nguyên lý tu hành là: Tu sửa ba nghiệp là tạo chánh nhân cho mình, từ đó hình thành mọi quả báo trong tất cả các cảnh giới thiện. Như người đời có ai lại không gây tạo ba nghiệp mỗi ngày, đủ thứ nghiệp thiện nghiệp ác lẫn lộn, nên phải nhận các quả báo trong ba cõi sáu đường luân hồi sanh tử, gồm bốn đường ác nói trên cộng thêm hai đường thiện là người và trời. Người đời không có ý thức tu hành nên vậy, còn người đạo mà không có ý thức tu hành thì cũng rơi vào tình trạng như người đời. Nhưng nếu người xuất gia mà tu không chơn chánh thì sẽ thành ma, rơi vào tình cảnh thật trớ trêu, là còn tệ hơn nhiều người đời nữa…
Tu hành là tu sửa chính mình nên sẽ đưa đến những thành tựu rất lớn lao. Sự tu hành sẽ quyết định vận mệnh của chính mình trong đời này và vô số đời khác, đồng thời lại có ảnh hưởng đến nhiều người khác nữa, nên tu hành đâu phải là việc tầm thường như hết thảy những việc khác ở đời.
Một kiếp tu hành ngàn đời rảnh khổ
Một thời ngộ đạo vạn thuở yên vui!
Tu hành là sự nghiệp vĩ đại nhất trong tất cả mọi sự nghiệp ở đời.
*****
Tóm lại, tu đúng và tu trật là chuyện của những người tu hành, từ xưa tới nay, ở mọi nơi, dù mang danh nghĩa là đạo gì.
Nếu cho rằng: “Sư trưởng Minh Đăng Quang chủ trương: Một là Phật, hai là ma, chứ không tu người trời (như bên chùa).”, thì người nói đã hiểu lầm Giáo pháp Khất sĩ rồi. Tu trật là chuyện cá nhân chứ sao lại quy nó thành giáo pháp? Do tu trật được thành ma, xưa nay có không ít, lỗi đâu phải tại đạo, chẳng phải là lý tưởng tu hành, nên có ai gọi là “Đạo Ma” bao giờ. Trưởng lão Giác Khang sao lại đi giảng như thế?
------------------------------------------------------------------
Các bài liên quan
- Sư Minh Tuệ – những cái nhất
- Chuyện của Đoàn Văn Báu
- Chuyện của sư Minh Tuệ
- XUÂN ĐẠO 25
- Trình độ Phật pháp của Minh Tuệ
- Tổ sư & Hội đồng
- VỘI
- Cuối đời trưởng lão Giác Chánh
- Ko biết
- hạnh Khất sĩ
- Ngụy Khất sĩ
- CHẤP PHÁP
- XUÂN ĐẠO 24
- Ghi chú về ĐẠO HÒA HẢO
- Từ đâu có pháp Tổng hợp
- Pháp Tổng hợp Bắc ‒ Nam PG
- NGHI TÌNH
- Giác Châu sư đã tặng thơ 7 bài
- Xuân ĐẠO - 23
- kỳ 63 TRUNG GIANG
- Trung Giang Ký Sự kỳ 62
- 61 - Trunggiang
- 60 - TrunggiangKs.
- 59 Trunggiang
- 58 - Trung-giang-ks.
- 57 - Trunggiang KS.
- 56 - Trunggiang
- 55 - Trunggiang
- TRUNG GIANG - 54
- Trung Giang Ký Sự kỳ 53
- 52 - TRUNG GIANG KS.
- Trung Giang kỳ 51
- TÂN XUÂN TỰ CẢM
- Khi ta không có gì
- MỘNG
- cúng Trai TĂNG
- Trung Giang KS. 50
- NHƯ THỊ - TRỰC CHỈ - VÔ MINH
- VÔ NGÃ CHƯA PHẢI LÀ THIỀN
- bóng ĐÁ
- cẢm niỆm
- Xuân Đạo 22
- đồng tiền Khôn
- lòng TỪ BI
- Bệnh
- Trung Quốc không có triết gia
- XUÂN đạo 21
- mAi
- Bài kệ của đại sư THÁI HƯ
- Bây giờ
- Trung Giang kỳ 49
- TRUNG GIANG - 48
- LÝ CON BÒ
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 47
- TGKS số 46
- 45 Trung Giang
- Xuân đạo 20
- Ta là cát bụi
- Trung Giang 44
- XUÂN ĐẠO 19
- Kỳ 43 – Trung Giang Ký Sự
- Trái tim của Mẹ
- Trung Giang – kỳ 42
- TRUNG GIANG KÝ SỰ - kỳ 41
- THIỀN KHÁCH nhắn tin
- Nước mắt chảy xuôi
- Xuất GIA
- TRUNG GIANG 40
- Trung Giang Ký Sự kỳ 39
- KS. 35 - Trung Giang
- Ký sự 36 Trung Giang
- Trung Giang 37
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 38
- Trung Giang KS.34
- Ký sự kỳ 33 Trung Giang
- Trung Giang kỳ 32
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 30
- Chỉ can là Hiếu
- Thuốc sâu
- NON NƯỚC LINH THIÊNG
- Ngày xưa tìm đến chốn Cửa Không
- Ánh Nắng Tinh Khôi
- phẬt niỆm
- Chúng sanh VÔ NGÃ
- Âm dương đồng nhất lý
- Bà Hạnh Lộc
- DƯỚI MÁI TRƯỜNG THÂN YÊU
- Cảm niệm Bồ-đề Đạo tràng 2014
- THọ DụNG CHâN THậT
- thẦn thÔng
- Giấc mơ qua
- Tùy bút VU-LAN 2014
- Sự khắc nghiệt của tư tưởng tự do
- cái Nghiệp
- Gió trăng một sớm
- Vũ Trụ Đang Quay Nhanh
- TỊNH XÁ LƯU ĐỘNG
- Chùm thơ của sư MS. gởi tặng khách tri âm
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 29
- Bánh xe lăn nhanh hơn
- Ly trần
- NGƯỜI TỰ CHỦ
- Kỷ niệm một bài thơ
- VIỄN CẢNH
- Thích Hòa Bình pháp ngữ
- Nguyện Cầu
- Một bài thơ của HT. Thiền Tâm
- Nguồn thiêng Khất Sĩ
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 31
- Trung Giang 28
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 27
- Ký sự 26 Trung Giang
- Vè Kiết Hạ 2012
- TRUNG GIANG 25
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 24
- Ký sự 22 Trung Giang
- kỳ 23 TRUNG GIANG
- TRUNG GIANG KÝ SỰ – kỳ 21
- Chánh niệm
- Tình Yêu đại thể
- Trung Giang – kỳ 20
- 19 Trung Giang
- Trung Giang ký sự 18
- Chùm thơ của Lãn Nhân
- Đốc-tơ ONG
- MỘT CÂY SẬY CÓ TƯ TƯỞNG
- Kỳ 17 - TRUNG GIANG KÝ SỰ
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 16
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 15
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 14
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 13
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 12
- TRUNG GIANG KÝ SỰ 11
- Trung Giang kỳ 10
- Ký sự TRUNG GIANG - 09
- TRUNG GIANG KÝ SỰ – KỲ 08
- Giáp Ngọ - Nhâm Thìn 58 năm
- TRUNG GIANG Ký Sự - kỳ 07
- Ký sự TRUNG GIANG - kỳ 06
- Trung Giang Ký Sự - kỳ 05
- TRUNG GIANG KÝ SỰ - Kỳ 04
- Thơ Chúc Xuân Nhâm Thìn
- Sắc Ti-gôn
- Gỡ rối tơ lòng
- TRUNG GIANG KÝ SỰ – kỳ 3
- HÃY ĐỂ CHUYỆN ĐÓ XẢY RA
- NGỌC THIỀN CA
- Lý do hình thành Bát Kỉnh Pháp
- Kẻ trộm
- Vạn Hạnh Truyền Đăng Ca
- CẠO TÓC
- Nhớ thương về...
- LỜI PHẬT DẠY
- Về Nguồn (thơ TQH)
- Xuân Thiền - TRẦN QUÊ HƯƠNG
- Nhớ TRÂU
- Tặng Phẩm Dâng Đời
- Cảm niệm trước CÂY BỒ-ĐỀ LỊCH SỬ
- Bình giảng bài "CÁC VỊ LA-HÁN ..."
- CÁC VỊ LA-HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG
- Chim vẫn hót trong vườn đấy thôi!
- NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐIỆP VÀ LAN
- Lên Núi Thiền Định
- TRUNG GIANG KÝ SỰ - kỳ 2
- TRUNG GIANG KÝ SỰ - kỳ 1