CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / NGHI TÌNH

Tâm Nguyên , Thứ Hai 19-06-2023

Nghi tình

KS. Minh Bình

“Nghi tình” nghĩa là “tình trạng nghi”. Trong sách Duy Lực Ngữ Lục hay nói về nghi tình, rằng nghi tình là không biết (nghĩa là tình trạng nghi ở mức đó sẽ được gọi là “nghi tình”), hãy dùng cái không biết quét sạch tất cả các cái biết, một nguyên tắc chung. Nhưng cái không biết này vẫn là một niệm (nghi), nên có lúc công phu tốt thì nghi tình cuồn cuộn. Phải có nghi mới có ngộ, nghi ít ngộ ít, nghi nhiều ngộ nhiều, hễ không nghi thì không ngộ. Mà có ngộ mới có Thiền… Ấy là pháp Tham thoại đầu, đầu tiên tạm ghi nhận như vậy.

Bây giờ hỏi: Nghi tình là định chăng? Trong Bát chánh đạo của nhà Phật có Bốn phần chánh định là Sơ – Nhị – Tam – Tứ định, không thấy nói đến nghi tình gì cả. Dĩ nhiên đã là niệm nghi thì sao lại là định được? Cho nên Nghi tình chẳng phải là Chánh định.

Nhưng cũng trong sách Duy Lực Ngữ Lục, chỗ giải thích về Ngũ phần hương (quyển Hạ, tr.211), lại nói thế này: Vì Nghi tình là không biết, do không biết nên không phạm giới, chẳng tán loạn, không phân biệt, đâu có tri kiến gì, nên có đầy đủ năm phần hương của tâm là Giới, Định, Huệ, Giải thoát, và Giải thoát tri kiến. Lời giải thích này không thuyết phục, nghe như kiểu lập luận: Trong một hạt xoài có hàng trăm trái xoài! Một người đi ra chợ mua vài ký xoài về ăn, rồi người bán trao cho một cái hạt xoài, thì người mua có lấy không?

Trí huệ có khi nào lại là không biết, ngu ngơ? Mà không biết là giải thoát ư? Thảo nào hòa thượng Từ Thông đã có giảng về cái Ngu si vô vi, ngoài sáu pháp vô vi của Đại thừa bách pháp, từ hơn 20 năm trước, tại giảng đường Chùa Vĩnh Nghiêm!

Xưa thái tử Sĩ-đạt-ta xếp chân ngồi dưới cây Bồ-đề nhập định tham thiền, đến ngày thứ 49 ngài đắc đạo vô thượng thành Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Chính từ đức Phật Thích-ca mà có Thiền tông, ai cũng thừa nhận sự thật ấy. Thế nhưng, pháp tu thành Phật của ngài thì Thiền tông lại không hề triển khai, mà đem dán cho pháp ấy một cái nhãn “Như lai thiền”, với lý luận rằng: Đây là pháp tu thứ lớp, chẳng phải pháp đốn ngộ. Đốn ngộ là ngộ thẳng, ngộ nhanh, ngay trong cuộc sống bình thường, không đợi phải có công phu đặc biệt gì cả. Tuy vậy, đốn ngộ của Tổ sư thiền thì đã sao, vì thật tế là suốt lịch sử Thiền tông Trung Quốc chưa hề có thiền sư nào đắc quả Phật cả!

Vào thời nhà Đường ở Trung Quốc có thầy Hương Nghiêm Trí Nhàn (724 - 814). Một lần thầy làm cỏ, cuối xuống lượm cục đá ném vào gốc cây, nghe tiếng vang thầy chợt ngộ, liền vui mừng nói ra một bài kệ. Bài kệ ấy được người truyền đến ngài Quy Sơn Linh Hựu, ngài nói: “Gã này đã thấu triệt.”. Nghe vậy, thầy Ngưỡng Sơn Huệ Tịch đáp: “Phải để con đến xét xem.”. Đến gặp sư đệ, Huệ Tịch chất vấn, Trí Nhàn liền đọc lại bài kệ đã nói lúc ngộ đạo:

Một tiếng quên sở tri

Chẳng cần phải tu trì

Đổi sắc bày đường xưa.

Chẳng rơi cơ lặng yên

Nơi nơi không dấu vết

Oai nghi ngoài sắc thanh.

Những người bậc đạt đạo

Đều gọi thượng thượng cơ!

Nhưng Huệ Tịch yêu cầu làm bài kệ khác. Trí Nhàn liền đáp:

Năm xưa chưa phải thật nghèo

Năm nay ta mới là nghèo quá thôi.

Nghèo xưa còn đất cắm dùi

Nghèo nay đến mức cái dùi cũng không!

Huệ Tịch nghe rồi bảo:

– Đó là Như lai thiền, chưa phải là Tổ sư thiền.

Trí Nhàn lại tụng một bài kệ mới:

Ta có một cơ

Chớp mắt chỉ y

Nếu mà chẳng hội

Riêng gọi sa-di.

Huệ Tịch gật đầu, trở về nói với thầy:

– Đáng mừng, sư đệ Trí Nhàn đã ngộ Tổ sư thiền.

Qua giai thoại Thiền này, có hai điều đáng lưu ý: Ông thầy không cần đi xét nghiệm cũng biết học trò đã thấu triệt Thiền. Còn ông sư huynh thì chưa có trình độ như thầy, nên đã yêu cầu sư đệ trình bày ba lần. Và điều thứ hai là Như lai thiền với Tổ sư thiền. Có sự ngộ nhận ở đây: Cái gọi là “Như lai thiền” đó phải gọi là “Thinh văn thiền” mới đúng. Bởi vì, giác ngộ cỡ bậc Thinh văn là còn pháp chấp: xưa, nay, nghèo. Gọi như thầy Huệ Tịch đã làm cho biết bao người hiểu rằng Như lai thiền thấp hơn Tổ sư thiền, vô lý.

(Về sau có một ông sư Ấn Độ bay đến Trung Quốc, gặp thiền sư Huệ Tịch, ông trao tặng kinh chép trên lá bối, và nói: “Định sang Đông độ lễ Văn Thù, nhưng lại gặp Tiểu Thích-ca.”. Theo lời này thì “Tiểu Thích-ca” chưa được như Văn Thù là bậc Bồ-tát. Nếu ông sư Ấn Độ nói: “Định sang Đông độ lễ Văn Thù, nhưng lại gặp ngài.” thì khác.)

Thế rồi, qua thời gian, các thầy trò nhà Thiền tông thời mạt đã chế ra pháp Nghi tình, với những đặc điểm như đã nói ở đầu bài. Nhưng với những đặc điểm đó, Nghi tình đâu phải là pháp đốn ngộ, càng chẳng phải là Thiền, dù là Thinh văn thiền đi nữa cũng chẳng phải, và cũng không phải là pháp tiệm tu Chánh định luôn. Vậy có nên chụp cho “Nghi tình – Không biết” cái nhãn “Tổ sư thiền” hay “Tối thượng thừa” không?

Con đường thành đạo đã được đức Phật thị hiện làm gương lại đem chụp cho cái mũ “chưa phải Tối thượng thừa”, thật khó hiểu! Tổ sư Minh Đăng Quang đã thường dạy: Sau khi ngộ đạo (kiến tánh) rồi phải chuyên tu thiền định để đắc quả. Như vậy, sau kiến tánh vẫn còn một con đường rất dài, chưa có ngài thiền sư nào thành Phật cơ mà.

Kiến tánh – thành Phật, cái gạch nối ở giữa không hề đơn giản! Không có cái gọi là Pháp tối thượng, nhưng Quả vô thượng thì có đấy. 

-----------------------------------------------------

Các bài liên quan