CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / VÔ NGÃ CHƯA PHẢI LÀ THIỀN

Tâm Nguyên , Thứ Ba 22-03-2022

 

Vô ngã chưa phải là thiền

KS. Minh Bình

 

 

 

30 năm trước, khi chuẩn bị xuất gia, tôi đã được đọc quyển Truyện Tranh Thiền của Sái Chí Trung và Thích Trí Châu. Quyển sách đó rất độc đáo, xem rất thích. Khi xem đến truyện nhà quan đến hỏi nhà sư Cảnh Sầm: “Nghe nói hàng ngày ai cũng dùng nó mà lại không biết nó! Xin hỏi nó là gì?”, nhà sư đã mời nhà quan ăn một miếng bánh đã, ăn xong quan lặp lại câu hỏi, sư Cảnh Sầm chỉ tay vào dĩa nói: “Chính là nó, hàng ngày ai cũng dùng nó mà lại không biết nó!”, xem đến đây bỗng nhiên cảm thấy hiểu, tự nghĩ: “Thay vì mời ăn bánh thì đưa cành hoa lên cũng được.”.

 

 

Trong quyển Truyện Tranh Thiền đó, lời nói đầu được thay bằng lời giới thiệu về thiền của pháp sư Thánh Nghiêm. Trong lời giới thiệu, pháp sư Thánh Nghiêm mô tả ba bước đến thiền: Từ tiểu ngã của nhân loại – đến đại ngã của các nhà tôn giáo lớn – cuối cùng đến vô ngã là thiền. Lúc đó xem vậy thì hay vậy, không nghĩ gì.

 

 

Bây giờ, 30 năm sau, chợt hiểu ra là ba bước đó chưa đến nơi. Vì sao? Vì vô ngã chưa phải là thiền! Mà ở cuối Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật Thích-ca đã mô tả về năm cảnh trời Bất Hoàn của chúng tâm xả. Các vị A-na-hàm ở đó, chỉ có hàng thiên vương cõi Tứ thiền mới được nghe lời chỉ dạy của các vị, mà không thể thấy được. Các vị ấy do tâm xả sâu xa mà chứng nghiệm cao tột, khéo thấy (thiện kiến), khéo hiện (thiện hiện) mười phương, nhưng chính mình vẫn chưa ra khỏi phạm vi của sắc giới! Nếu các vị ấy khai mở được trí tuệ thì sẽ thành bậc đại A-la-hán, tiến lên Bồ-tát đạo. Như thế, đâu phải vô ngã là thiền.

 

 

Lại nữa, cũng Kinh Lăng Nghiêm, nơi đoạn giữa, sau khi A-nan giác ngộ chơn tâm đã phát nguyện:

 

 

“Diệu trạm, Tổng trì, Bất động tôn

Thủ Lăng Nghiêm vương, thế hy hữu…”

 

 

Sau đó, đến đoạn nói về công đức sáu căn, đức Phật đã bảo A-nan: “Ông tuy đắc quả Tu-đà-hoàn, đã dứt được kiến hoặc của chúng sanh trong ba cõi, nhưng chưa biết các tập khí của sáu căn. Tập khí phải tu mới trừ được…”, và: “Như ông là bậc Tu-đà-hoàn, đã tiêu cái Sáu mà vẫn còn cái Một…”. Chính đoạn kinh này đã cho chúng ta thấy: Kiến tánh chỉ mới là quả Tu-đà-hoàn thôi, còn kém bậc A-la-hán rất xa, nói chi so với Phật! Vậy đừng vội kết luận Vô ngã là thiền. Đúng không?

 

 

Và tìm hiểu thêm về pháp sư Thánh Nghiêm, xem qua sách Thiền và Ngộ tập 1 của pháp sư, do Nguyên Bửu dịch, thấy có một đoạn thế này ở trang 192: “Ngay lúc phá vỡ thoại đầu là lúc minh tâm kiến tánh, nhận ra tự tánh xưa nay thanh tịnh. Lúc đó, các pháp ngoài tâm, bất luận dơ sạch, tốt xấu,thiện ác v.v… chẳng can hệ gì đến người ngộ.”. Với bốn chữ “các pháp ngoài tâm”, thì ra chỗ ngộ của pháp sư Thánh Nghiêm mới ở bậc Thinh văn, còn pháp chấp!

 

 

Xưa ông Bàng Long Uẩn (740 – 808) ở Trung Quốc phát tâm tham thiền đã tập trung nghiên cứu đề tài “Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?”. Đem chỗ đang học của mình đi hỏi các bậc tôn sư đương thời, đầu tiên ông đến gặp đại sư Hy Thiên Thạch Đầu thưa hỏi: “Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?”. Lời hỏi vừa dứt, đại sư Thạch Đầu đưa tay bụm miệng ông, ông chợt giác ngộ. Vài năm sau qua chỗ đại sư Đạo Nhất Mã Tổ, ông lại hỏi câu ấy. Bấy giờ đại sư Mã Tổ đáp: “Đợi ông một hớp uống cạn hết nước sông Tây ta sẽ nói!”. Nghe lời này ông Bàng Long Uẩn lại giác ngộ sâu hơn. Ta hãy xét hai chỗ ngộ của ông ấy xem.

 

 

Với đề tài “Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?”, đầu tiên ắt ông Bàng Long Uẩn đã ngộ được “người gì”, sau đó ông tiếp tục ngộ được “chẳng cùng muôn pháp làm bạn” khi được nhắc khéo là phải uống cạn hết. Đề tài tham thiền của ông Bàng Long Uẩn đã lần lượt đưa người học qua hai bậc ngã chấp của người phàm và pháp chấp của bậc Thánh Thinh văn. Đề tài tham thiền đó rất sâu sắc và độc đáo.

 

 

Ai cũng biết, phá được chấp ngã là một trình độ tâm, và phá được chấp pháp lại là một trình độ tâm nữa. Thế thì cái nào cũng là tâm chơn, chẳng qua thành trình độ này nọ là do chỗ ngộ của người học chứ có gì. Khi một người nói mình ở ngoài một phạm vi nào đó thì biết ngay người ấy chưa về đến Chỗ – tất – cả – của – chư – Phật, dĩ nhiên rồi. Đúng không?

 

 

----------------------------------------------------------------------

 

 

 

Các bài liên quan