CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Ta là cát bụi

Tâm Nguyên , Chủ Nhật 29-12-2019

 

Ta là cát bụi

 

 

Ngày nay nổi lên tư tưởng “Ta là cát bụi”. Mọi người thường hay ngâm nga mấy bài hát Cát Bụi, Cát Bụi Tình Xa Cát Bụi Cuộc Đời. Chính giới Tăng, Ni nhà Phật cũng thích những bài hát đó.

 

 

Ta là cát bụi, nếu đó là một thái độ khiêm tốn thì có thể. Nhưng nếu đó là thái độ bi quan, yếu đuối thì thật tai hại. Và về nhận thức, “Ta là cát bụi” chưa bao giờ là quan điểm của nhà Phật.

 

 

Xưa, không còn nhớ năm tháng nào, trong tâm cảm về sự ly biệt, Trịnh Công Sơn đã viết nên bài Cát Bụi. Nhà nghệ sĩ đã cảm nhận rằng, thời gian đã nghiền nát tất cả thành cát bụi hết rồi! Bài hát ấy đã còn mãi đến nay, lay động bao tâm hồn, mà không ít người đã xem nó như một bài kinh.

 

 

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai vươn hình hài lớn dậy

Ôi cát bụi tuyệt vời

Mặt trời soi một kiếp rong chơi!

 

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi

Ôi cát bụi mệt nhoài

Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi!

...”

 

 

Ôi, những ca từ hay quá! Không phải chỉ có một, hàng trăm bài hát của cố nhạc sĩ họ Trịnh đã khẳng định cái hay, cái đẹp trong những nhạc phẩm của ông. Nghe nhạc Trịnh, người ta tìm được lẽ sống ý nghĩa, người ta thấy thoát tục, thấy những áp lực của cuộc sống vơi bớt… Như thế nhạc Trịnh thấm vào tâm hồn bao người Việt Nam!

 

 

Nhưng hai câu ca “Để một mai tôi về làm cát bụi” và “Ôi cát bụi phận này” đã làm nhiều người ngộ nhận. Trịnh Công Sơn chưa từng phát biểu: “Ta là cát bụi.”. Mà chính từ bài Cát Bụi của ông đã đưa đến nhận thức ấy nơi nhiều người.

 

 

Thế rồi, gần đây xuất hiện bài Cát Bụi Cuộc Đời. Bài hát ấy có xu hướng đưa người nghe trở về hư vô, cũng có thể sẽ đưa tác giả lên địa vị Tiến sĩ gây mê.

 

 

“Này bạn thân ơi, số kiếp nhân sinh chỉ là cõi tạm trần gian.

Dù anh và tôi ai sang giàu ai gian khó

Mai xa kiếp con người về với cát bụi mờ thì cũng đều đôi tay trắng.

 

Đời là phù du, ta sống hôm nay đâu biết về ngày mai sau.

Hãy dành cho nhau bao nhiêu niềm vui đang có

Không ganh ngét hận thù

Chẳng gian dối lọc lừa vì kiếp người sẽ vội qua.

 

Người ơi hãy nhớ ta là cát bụi

Sẽ trở về cát bụi, thì xin đừng toan tính thiệt hơn.

Đời như thoáng mơ, được mất ta đâu ngờ

Hỏi ai có bao giờ không trở về cát bụi đâu?

 

Cuộc đời là bao, hãy mến thương nhau với bằng tất cả con tim.

Để rồi một mai khi ta xa lìa nhân thế

Không lo lắng ưu buồn, chẳng nuối tiếc muộn phiền

Chuyện thế sự nơi trần ai.”

 

 

Bài hát vậy đấy. Nhưng có mâu thuẫn không, khi “Ta là cát bụi, sẽ trở về cát bụi” lại còn “Chẳng nuối tiếc muộn phiền chuyện thế sự nơi trần ai”? Ta chẳng phải là cát bụi, bởi cát bụi chẳng biết nuối tiếc muộn phiền gì.

 

 

Còn câu “số kiếp nhân sinh chỉ là cõi tạm trần gian” tối nghĩa. Và khi xét rộng hơn, thì mọi cõi sống đều tạm, cõi trời cõi Phật cũng vậy, không riêng gì cõi người. Cả vũ trụ chỉ có một cái thật, ngoài ra thì chẳng phải, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã dạy rõ như vậy.

 

 

Hình ảnh “Mai xa kiếp con người thì cũng đều đôi tay trắng” là sự tâm đắc của nhiều người. Người ta cho rằng đó là lời dạy của nhà Phật, một sự ngộ nhận nghiêm trọng. Nhà Phật thường dạy nhân quả báo ứng cho phổ thông quần chúng, qua đó hết sức khuyên người lánh ác hành thiện, tích chứa công đức cho đời này và đời sau. Thế thì trồng nhân sẽ hái quả chứ có bao giờ là “đôi tay trắng”? Qua mỗi đời sống người ta sẽ gặt hái thêm nhiều thành tựu chứ? Chính Phật Thích-ca đã tu hành vô lượng kiếp đấy.

 

 

Một cách tích cực, người trí sống không ganh ngét hận thù, chẳng gian dối lọc lừa ai. Không lấy quan điểm “Đời là phù du” làm lẽ sống, hàng Phật tử cố gắng trang nghiêm Phật quốc bằng vô số thiện hạnh. Cho đến quý vị ấy thấy ra Ta-bà tức Tịnh độ, nhất cử nhất động đều có ý nghĩa, cuộc sống rất đáng trân trọng vậy.

 

 

Có thể nói, tư tưởng “Ta là cát bụi” là một tà kiến, một nhận thức sai lầm và tai hại. Hơn ai hết, hàng Phật tử sẽ chẳng bao giờ tâm đắc tà kiến đó!

 

 

 

Hành Vân

Ngọc Đức – 291019

 

---------------------------------------------------------

 

 

 

 

 

Các bài liên quan