CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Trái tim của Mẹ

Tâm Nguyên , Thứ Hai 03-09-2018

 

Trái tim của Mẹ

 

Hành Vân

 

 

Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng không có kỳ quan nào bằng Trái tim của mẹ! Câu nói đó toát lên một vẻ hiển nhiên mà hầu như ai cũng thừa nhận: Vâng, đẹp lắm!

 

Rồi trong mùa Vu-lan, tâm cảm thương mẹ kính cha dâng tràn theo câu nói ấy mà dạt dào cảm xúc. Trong khi diễn tả về câu nói ấy, ta sẽ hỏi: Trái tim của mẹ, nó là gì? Nó là kim cương, là báu vật, hay là một trái tim như bao trái tim người khác? – À, trái tim của mẹ chỉ là một trái tim thịt bình thường, một quả nhục tâm, một máy bơm cao cấp của thân thể. Vậy thì đâu có gì đặc biệt.

 

Nhưng phải hiểu Trái tim của mẹ là một tâm hồn yêu thương tràn đầy, vô điều kiện. Tâm hồn đó không ngòi bút nào diễn tả hết. Đã từ lâu, có một câu chuyện cùng nói về nhục tâm và lòng mẹ như thế này:

 

“Có một người mẹ sống với con trai của mình. Khi con trai lớn khôn, mẹ mong con sớm cưới vợ, yên bề gia thất. Nhưng chàng trai hiếu thảo chỉ muốn được ở bên chăm sóc cho mẹ già. Người mẹ hối thúc mãi, cuối cùng chàng trai phải chịu cưới vợ.

 

Không may cô vợ lại có lòng chán ghét mẹ chồng, một bà già mù lòa khiến cô phải chăm sóc mỗi ngày. Cô tìm cách nói xa nói gần mẹ chồng thế này thế nọ. Không lay động được chồng, cô dựng chuyện vu khống mẹ chồng hất hủi, hành hạ cô, mỗi khi nhà chỉ có hai người. Thế rồi người con trai đã tin rằng mẹ mình là người không tốt, hồi nào cứ ép mình lấy vợ, lấy vợ về thì thế này… Bấy giờ cô vợ mới giả vờ bệnh nặng, mê sảng, khi tỉnh lại đã bảo với chồng rằng trong lúc mê gặp được một thần nhân, ngài bảo nếu có trái tim của một người mẹ làm thuốc uống thì cô sẽ hết bệnh! Chồng đã mù quáng tin lời vợ.

 

Một ngày, chàng ta đã đưa mẹ già lên rừng, ra tay giết mẹ đoạt lấy trái tim. Làm xong tội lỗi tày trời, gã run rẩy toàn thân, tâm hốt hoảng cực độ, nên sợ hãi chạy về. Trên đường rừng gã vấp ngã mấy lần. Bỗng nhiên gã nghe thấy một câu nói tràn đầy thương yêu thốt lên từ trái tim mẹ: “Con ơi, cẩn thận kẻo lại ngã đau!”. Ôi, tình mẹ! Gã quỵ xuống trong niềm hối hận vô biên…”

 

Trái tim của mẹ là thế. Như khi bảo trong vũ trụ có lắm kỳ quan, thì hãy nêu lên những kỳ quan mà bạn biết. Thế rồi mọi người cùng đếm: Kim tự tháp Ai Cập, Tượng nữ thần Tự do ở Mỹ, Tháp nghiêng ở Ý, Vạn lý trường thành của Tàu, Vịnh Hạ Long ở miền Bắc Việt, Núi Tuyết ở xứ Ấn Độ v.v… Cùng đếm mãi mà cũng chỉ có vài chục kỳ quan, cả thiên tạo và nhân tạo. Thế thì đâu có bao nhiêu để gọi là “lắm”. Mà cả vũ trụ mênh mông thì nhiều lắm chứ? Nói chứ “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan” chỉ là một lối nói thậm xưng, để làm nổi bật vế sau của câu nói.

 

Kỳ quan nghĩa là cảnh lạ lùng, cảnh kỳ vĩ, đẹp nhất. Đã là cảnh thì làm sao so với tâm hồn được. Ồ, thì ra câu nói “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng không có kỳ quan nào bằng Trái tim của mẹ!” lại là một câu nói thường thường bậc trung. Theo mẫu câu này, ta có thể thay thế “Trái tim của mẹ” bằng “Đôi bàn tay cha”, hay “Đôi mắt của em”, “Giọng nói của bé con”, “Nụ cười tỏa nắng của anh” v.v...

 

Nhưng Trái tim của mẹ, Tâm hồn của mẹ, ai có thể hiểu được! Kể từ khi mẹ gặp cha, một bào thai hình thành, để một cô gái thành một người mẹ. Khi mang trong mình một mầm sống, một sinh mạng, bỗng nhiên mẹ có ý thức khác hẳn lúc trước. Kể từ đó mẹ trở nên cẩn trọng lời nói, hành vi, lối sống… bởi vì mẹ đang gánh một trách nhiệm rất đỗi lớn lao đối với một sinh mạng khác. Mẹ đang tạo ra, đang nuôi nấng, đang bảo vệ, đang gìn giữ, đang chờ đợi một con người: đó là con của mẹ.

 

Con của mẹ sẽ là một thiên thần bé bỏng. Mẹ sanh con, cho con vóc dáng hình hài một con người. Mẹ nuôi dưỡng con, mỗi một tiếp xúc của mẹ với con đều đem lại cho con “chất người”, giúp cho con thành một con người đúng nghĩa. Nếu đem bỏ một đứa bé vào rừng, không cho tiếp xúc với người, thì nó chỉ biết kêu như thú chứ không biết nói, chỉ biết hành xử hoang dã chứ không biết được cách sống như người.

 

Công sanh thành của mẹ đã lớn, công dưỡng dục của mẹ cũng không kém. Chính mẹ là thần bảo hộ đầu tiên và trên hết của con. Mẹ có thể hy sinh thân thể và mạng sống của mẹ cho con. Đó là công bảo vệ, che chở con. Mẹ lại có công giáo dục con, dạy con điều hay lẽ phải, dạy con tránh xa điều ác, dạy con tất cả những gì mẹ đã được thừa hưởng từ mẹ của mẹ… Ôi, công cha nghĩa mẹ, hơn núi cao, hơn biển rộng!

 

Hai vai con mang nặng

Từ vô lượng kiếp rồi

Ơn cha như núi lớn

Nghĩa mẹ nước trong nguồn!

 

Mẹ cho con tất cả, không điều kiện. Có lần, một bé gái năm tuổi nói: “Mẹ bảo mẹ cho con mượn nợ, lớn lên con phải trả lại cho mẹ.”, câu nói ấy không hiểu sao cứ dính hoài trong tai người nghe. Chắc là bà mẹ đơn thân ấy đã rất vất vả để lo cho bé và em trai bé đủ ăn đủ mặc, được đi học như chúng bạn, được sống những ngày tháng thần tiên của tuổi thơ, không phải lo lắng cơm áo gạo tiền gì hết, hễ ngã đầu lên gối là ngủ khì, ở ngay nội thành Sài Gòn, nơi có nhịp sống cao nhất Việt Nam hiện nay. Nhưng có phải là mẹ đang đặt điều kiện với bé không? Có lẽ mẹ đang tìm cách dạy bé ý nghĩa của đồng tiền bát gạo. Cuộc sống của loài người có bao giờ là cuộc sống thần tiên, đừng đánh lừa con mình! Mẹ đang dạy con đó chớ nào phải đặt điều kiện với con đâu. Ca dao có câu:

 

Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng

Con nuôi cha mẹ, con kể tháng kể ngày.

 

Hãy nhìn cuộc đời với hiện tượng nước mắt chảy xuôi: Cha mẹ cho con, để rồi cha mẹ lại cho con! Nhiều người trách bọn trẻ vô tâm, không biết quan tâm đến cha mẹ già đang trông ngóng con từng ngày… Kẻ vô tâm, ích kỷ thì đáng trách, mà cha mẹ có bao giờ ích kỷ bắt con chỉ biết có cha mẹ. Ngày con lớn khôn, cha mẹ đã đưa con vào đời, con ra đi trong nụ cười mãn nguyện của cha mẹ. Và như thế nước mắt chảy xuôi, để những dòng sống (streamlife) mãi tuôn tràn. Nếu thế gian có một dòng sông chảy ngược về nguồn, chắc rằng ai cũng bảo đó là sự bất thường! Nếu có đứa con cứ mãi quanh quẩn bên cha mẹ, chưa chắc là cha mẹ nó vui lòng, có khi họ lại lo lắng hơn đó chứ.

 

Trong bộ phim Anh Hùng Bắn Điêu, lúc ở đại mạc chuẩn bị về Nam thi đấu với truyền nhân của Khưu Sĩ Cơ, Quách Tĩnh đã quỳ dưới chân mẹ tạ từ. Mẹ Quách Tĩnh xoa đầu con, nhìn sâu vào mắt con bảo: “Con ơi! Khi con tranh hùng hiếu thắng với người ta, con phải nghĩ về mẹ. Một nửa đời con là của mẹ. Đừng để mẹ phải sống nửa cuộc đời còn lại trong nước mắt nghe con!”. Có đúng chăng một nửa đời con là của mẹ? Thì cũng như trong một vòng xích, một nửa mắc xích không còn là của chính nó. Câu nói này sẽ được hiểu đại trà cho tất cả mẹ và con, nhiều đời, không riêng gì Quách Tĩnh và mẹ. Mà lúc bảo con, Quách phu nhân có ý khác, đó là bảo con chớ hiếu thắng. Bà đã đem tình mẫu tử để khắc lời dạy của mình vào lòng con, trước giờ phút con xa mẹ bước chân vào đời. Bà dạy con rất khéo, sau này Quách Tĩnh trở thành đại hiệp của võ lâm Trung Nguyên.

 

Mẹ đã cho con quá nhiều, đến mức có nhiều bà mẹ cứ đinh ninh rằng con là báu vật của mẹ. Tâm lý sở hữu đó tương đối phổ biến trong các gia đình của nhân loại, đã tạo ra những buộc ràng mệt mỏi, khổ đau, thiếu trí tuệ. Thế cho nên người ta hay bảo con hư tại mẹ (cháu hư tại bà). Có một bà Việt kiều ở Mỹ về thăm quê. Nhân dịp đó nhà sư trụ trì tịnh xá đã tổ chức lễ xuất gia cho con trai của bà, theo lời xin của anh ta, để bà có thể dự. Trong ngày xuất gia của vị thiện nam bốn mấy tuổi, bà mẹ và sáu anh chị em của người đó đều có mặt, mọi người đều có vẻ thương xót. Thế rồi đến lúc sư trụ trì mời mẹ của người xuất gia phát biểu, đại diện cho tiếng nói của gia đình, bà đã bật khóc, nói không nên lời trước mặt mấy chục người, nhưng cũng đã thốt ra mấy lời này: “…Dầu con có hư cỡ nào mẹ cũng đâu có bỏ con! Bây giờ con đã chọn con đường này, phải cái số, cái căn của con như vậy thì mẹ cũng chìu theo con…”. Và chỉ khoảng mười ngày sau người đó xin hoàn tục, lý do được nói ra là ở tịnh xá chán quá.

 

“Trái tim” là từ chỉ cho tâm hồn. Nếu một tâm hồn thuần tình cảm, tâm hồn đó nhiều ướt át, vướng mắc; còn nếu một tâm hồn thuần lý trí, tâm hồn đó lắm khô khan, lạnh lẽo. Trong thế gian, mẹ nặng về tình cảm, cha nặng về lý trí. Thế thì kết hợp của mẹ và cha sẽ là một kết hợp hoàn bị, tốt đẹp. Nên vũ trụ đã an bài cho cha và mẹ thành một đôi, âu cũng là sự sắp đặt khéo léo xưa nay. Một tâm hồn gồm cả hai đức tính của mẹ và cha, một tâm hồn có cả từ bi và trí tuệ, tâm hồn đó là tâm hồn đức Phật. Các bậc Đại từ Đại bi ấy hằng thương chúng sanh như mẹ thương đứa con đỏ hỏn mới sanh ra. (Phật ái chúng sanh như mẫu ái xích tử.) Nếu các bà mẹ trên thế gian này đều được như thế thì tuyệt vời quá. Khi ấy, Trái tim của mẹ chính là Trái tim của Phật vậy!

 

Tịnh xá Ngọc Đức

Buổi giảng tối thứ Năm, 13/7âl/2018.

 

 

Các bài liên quan