CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Xuất GIA

Tâm Nguyên , Thứ Ba 20-06-2017

 

__Xuất gia__

 

Lưu Thủy

 

 

Sáng ngày rằm tháng 5, chú thiện ở tịnh xá đến phòng sư trụ trì chắp tay thưa với sư:

 

– Bạch đại đức, con có ý định đi xuất gia, đại đức thấy sao xin nói cho con biết. Đại đức cứ nói, để con biết ở đây có khác với đoàn III không, và xuất gia ở đây dễ hay khó cho con liệu.

 

Sư trụ trì đang nằm trên võng, nghe chú thiện nói xong nhổm dậy bảo:

 

– Chú mặc áo giới vào, lên chánh điện, mở cửa, thắp nhang sẵn rồi sư lên.

 

Nghe lời, chú thiện lui bước về phòng mình. Sư trụ trì khép cửa phòng, đắp y thượng thong thả đi lên chánh điện. Hai thầy trò xá Phật, xá Tổ rồi ngồi. Sư ngồi im lặng và nhìn thẳng, chú thiện cũng làm theo. Nhưng chỉ một lát chú đã nhấp nhổm, lại ngồi yên, cuối cùng không nhịn được chú chắp tay xá xá nói:

 

– Mô Phật, xin đại đức cho con vài lời.

 

Bấy giờ sư trụ trì bắt đầu nói:

 

– Khi nãy chú hỏi sư hai việc, vậy sư sẽ lần lượt trả lời. Thứ nhất, chú hỏi ở đây khác hay giống với đoàn III, thì câu trả lời sẽ là: Vậy các đức Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai là khác hay giống nhau?

 

Chú thiện ba mấy tuổi, đã từng đi xuất gia ở một tịnh xá ngoài miền Trung được gần một năm, và vừa xin vào tịnh xá tại Vũng Tàu này công quả xuất gia được hơn nửa tháng chắp tay thưa:

 

– Mô Phật, con không biết, xin đại đức nói luôn.

 

Sư bảo:

 

– Ba đời Phật không khác nhau về tâm đức, trí tuệ. Nhưng chắc chắn các ngài có nhân duyên với chúng sanh, hoàn cảnh hành đạo, thời kiếp ra đời khác nhau. Đã khác thì chỗ ứng dụng phải có khác. Vậy các đức Phật trong ba đời giống nhau mà cũng có khác nhau. Các đức Phật còn vậy, huống gì ở đây với đoàn III ngoài miền Trung.

 

Còn câu thứ hai chú hỏi khó hay dễ, thì điều đó là ở tại mình chứ không phải tại người ngoài! Hồi đó chú xuất gia như thế nào?

 

Chú thiện ngồi thưa với sư:

 

– Dạ con đến tịnh xá công quả, rồi được cạo tóc, mặc đồ vàng, ăn chay, sáng dậy sớm tụng kinh, hàng ngày công quả, cũng tập ngồi thiền. Nhưng ở đây thì con chưa biết, xin đại đức cứ nói rõ là nếu xuất gia thì con sẽ phải làm gì?

 

Sư nhắc:

 

– Chú phải chắp tay lại.

 

Chú gượng gạo chắp hai tay lên trước ngực, sư hỏi:

 

– Chú đã từng đi xuất gia, vậy bổn phận của người xuất gia là gì?

 

– Dạ con nghĩ là làm những việc như con vừa kể.

 

– Hèn gì chú phải hoàn tục là đúng rồi. Bổn phận của người xuất gia không phải là mấy cái việc đó. Chú có đọc cái bảng sư treo sau nhà linh không?

 

– Dạ, “Tạm sống để nuôi cái Biết, Linh cho thành tựu.”.

 

– Đây là câu nói của Tổ sư Minh Đăng Quang. Đạo của các ngài rất đơn giản như vậy. Nó không phải là một tôn giáo, một tín ngưỡng, hay một môn phái gì cả. Nhưng cái chú vừa nói đó là ở bảng khác, còn bảng sau nhà linh có nói rằng: Mấy việc tưới cây, quét chùa, nấu cơm, trông coi chùa… là tùy duyên, không đáng kể. Mấy việc công quả đã không đáng kể, mà cả mấy việc tụng kinh, xếp chân ngồi yên, lạy Phật, xem sách… cũng là không đáng kể. Hồi xưa Trần Nhân Tông đến học đạo với thiền sư Huệ Trung đã hỏi rằng: “Bổn phận của người tu hành là gì?”, ngài Huệ Trung đáp: “Phản quang tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.”. Lời dạy đó của thiền sư có nghĩa là: Phận sự gốc của người tu hành là phải quay về soi sáng chính mình, chẳng từ người khác mà được.

 

Chú thiện thưa điều mình đang nặng lòng:

 

– Trước khi đến đây con ở trên Thị Vải, con quyết tâm sẽ xuất gia hôm rằm tháng tư. Sau đó có ông cụ kia đến xin đi tu, thượng tọa xuống tóc cho ổng, nên con nghĩ là mình nhường lại, sẽ xuất gia sau. Rồi sau đó thấy không hợp duyên nên con đi. Con không biết ở đây đại đức dễ hay khó?

 

Sư trụ trì bảo:

 

– Sư thấy các tịnh xá ngoài miền Trung ngày nay, đoàn II thì họ kỹ, còn các nơi khác chẳng vậy. Mình xuề xòa nhận người, gặp ai cũng rủ: “Đi tu đi con”, không phải là một cách hay. Lúc phát tâm ban đầu của người tu hành sẽ định hướng cho cả đời họ. Nếu ban đầu nhà sư không hướng dẫn cho người được chánh tâm thành ý thì nhà sư có lỗi, và người đi tu vì tình cảm thì sẽ rơi rớt, mà còn ở được trong nhà đạo thì cũng không chân chánh.

 

Đến lúc này chú thiện hỏi luôn:

 

– Vậy đại đức có cho con đi tu không?

 

Sư trụ trì chậm rãi đáp:

 

– Sư đâu có cấm ai, ai có duyên với Phật pháp thì mình phải hỗ trợ, đó là bổn phận của nhà Tăng. Nhưng khi nào chú mặc áo giới đàng hoàng, đến lễ sư thưa xin được đi tu, thì khi đó sư mới tính.

 

Chú thiện nói:

 

– Vậy ở đây đại đức khó hơn các nơi.

 

Sư ôn tồn bảo:

 

– Sư còn chưa dạy bảo, bắt các chú phải làm gì cả, mà khó cái gì. Để sư nói rõ cho chú hiểu. Có cô kia hay vào đây, gắn bó với tịnh xá và với sư lắm. Một ngày cô vào nói là định cho con trai út đi xuất gia, sư “Ừ”. Ngày khác, cô nói định cho chú nhỏ đó đi tu ở một chùa sau Đại Tòng Lâm, sư cũng “Ừ”. Rồi sau cô lại nói định gởi chú con út lên tịnh xá của thầy sư, sư cũng “Ừ” chớ sao. Sư biết là cô ta thăm dò sư, cô ta muốn sư đề nghị cho con trai cổ làm đệ tử sư. Phải chi cô ta chỉ cần nói một câu: “Thưa sư, xin sư cho con út của con tu ở đây.” thì sư mới tính. Cô ta làm vậy, muốn sư xin con của cổ làm đệ tử, chứ không phải do cổ chủ động xin sư làm thầy nó, thì sau này làm sao sư dạy được nó? Mình nhận mấy đứa con cưng làm đệ tử, hễ dạy bảo nó thì dễ bị cha mẹ nó trách móc này nọ chứ sướng ích gì. Chú cũng vậy, khi nào chú chính thức nói thì sư mới tính, chú hiểu không?

 

Quả thật là ngay khi mới đến tịnh xá này chú thiện đã thưa với sư trụ trì là xin làm công quả, và nhấn mạnh là nếu đủ duyên thì xin đi xuất gia luôn. Gần đây chú nói với mọi người trong tịnh xá là sẽ đi tu ở đây, chuyện đó có đến tai sư mấy lần. Và hôm nay chú đã hỏi sư trụ trì về chuyện của chú, nhưng với tính cách như thăm dò, tìm hiểu chứ chưa thành tâm chánh ý. Nghe sư hỏi chú thưa:

 

– Sư cho con hỏi mấy chú ở đây trước thì bao lâu được xuất gia?

 

Sư nhẫn nại đáp:

 

– Sư về đây 5 năm, đã có mười chú đến xuất gia với sư. Trong đó có sáu chú từ nơi khác đến, ở không bền. Bốn chú xuống tóc ở đây thì có hai chú nhỏ 9, 10 tuổi, vừa đến là sư cho xuống tóc ngay, để bọn nó có chạy đi đâu thì người ta cũng biết nó là đệ tử nhà chùa. Hai chú nhỏ nhận riêng chứ không cùng lúc. Nhận trẻ con rồi mình mới kinh nghiệm: Phải nhận mấy đứa một lúc cho bọn nó ở chung, có bạn với nhau, chứ không bọn nó chán, đòi về nhà. Hai chú còn lại bốn mấy tuổi, một chú công quả ba tuần, một chú công quả ba tháng rồi mới xin đi tu. Cả hai chú đó sư đều biết là cho họ gieo duyên thôi, mà đúng là họ ở đây không được lâu. Bây giờ cả mười chú lớn nhỏ đều bay hết rồi.

 

Chú thiện nghe sư nói xong lại hỏi tiếp, chứng tỏ là nói nãy giờ chú vẫn chưa chịu hiểu yêu cầu đơn giản của sư, cũng là yêu cầu cơ bản của người phát tâm đi xuất gia:

 

– Bạch đại đức, con xin hỏi lại điều mà chiều hôm qua lúc chở đại đức đi lấy xe con đã hỏi. Như con đã ở trên Thị Vải, con cũng nói là sẽ đi tu, rồi con lại bỏ đi làm. Đi được mấy ngày thì con đến đây. Vậy nếu con xuất gia ở đây thì giữa thượng tọa ở Thị Vải với đại đức có khó xử gì không, vì dù sao sau này có khi đi cúng cũng phải gặp nhau?

 

Sư bảo:

 

– Hôm qua chú ngồi trước hỏi, sư bảo là không nên vừa lái xe vừa hỏi sư như vậy. Chuyện nghiêm túc thì mình phải làm nghiêm túc. Mà hôm qua sư cũng vẫn trả lời luôn rồi: Chẳng có gì!

 

Chú thiện vẫn băn khoăn rắc rối, ra vẻ cao giá:

 

– Con sợ con sẽ gây khó khăn cho đại đức.

 

Sư nói ngay:

 

– Đã bảo chẳng có gì mà sao chú cứ muốn có gì? Người đi tu mà không nhẹ nhàng thong thả được thì tu làm sao?

 

Nghe sư hơi gắt, chú cười cười thưa ngay:

 

– Dạ thôi, con không còn chuyện gì nữa.

 

Sư chớp luôn:

 

– Không còn gì nữa là tốt quá rồi! Thôi nghỉ…

 

Mười ngày sau chú ấy xin đi nơi khác, sau khi đã mấy lần lái xe bỏ đi tìm chỗ mới lúc sư trụ trì đi vắng. Khi đến chào sư trụ trì và trả chìa khóa phòng, chú giải thích việc làm của mình một cách chung chung là còn duyên thì ở, hết duyên thì đi. Rồi chú nhìn thẳng sư trụ trì nhấn mạnh là không còn gì để nói với sư nữa. Sư trụ trì cũng chẳng hiểu ra sao. Xem như xong một chuyện hàng ngày ở chùa.

 

-------------------------------------------------

 

Các bài liên quan