CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Chơn Lý / BÀI HỌC SA-DI - Chơn Lý 65

, Thứ Hai 2011-09-17

 

 

BÀI HỌC SA-DI

(Chơn Lý 65)

 

 

A.   MÔN OAI NGHI

 

Môn oai nghi là hạnh đức trau dồi của lớp học trò tập sự Sa-di, trong một thời hạn nung đúc trí tâm, để bước lên lớp xuất gia bình đẳng.

 

Phật dạy: “Khi Sa-di đúng 20 tuổi, muốn thọ giới đủ (Cụ túc giới, 250 giới), nếu hỏi không đáp được tròn công việc của Sa-di, thì không nên cho thọ giới đủ. Vì người làm Sa-di mà chẳng biết bổn phận Sa-di, thì việc Sa-môn rất lớn, e khó làm được. Xin hãy học hạnh cho chín, nghe biết đầy đủ, mới nên thọ giới đủ.

 

Nếu thay thọ giới đủ cho người thì thiên hạ lầm tưởng pháp Phật dễ làm, Sa-môn Tỳ-kheo dễ làm, vậy nên phải hỏi trước.

 

Các phép tắc đại yếu cần cho mỗi Sa-di phải học thông, hiểu rành, làm xong tròn bổn phận trong mỗi lúc, xin lược rút giải ra sau.

 

Khi rời khỏi nhà thế cắt cái ly gia để vâng giữ theo pháp Phật, mà làm Sa-di tập sự, theo về ngôi Tam bảo, là phải giữ đúng Sa-di giới 10 giới như sau đây:

 
MƯỜI GIỚI TẬP SỰ SA-DI

 

1- Cấm sát sanh.

2- Cấm trộm cắp.

3- Cấm dâm dục.

4- Cấm nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa chửi.

5- Cấm uống rượu, tham lam, sân giận, si mê.

5- Cấm trang điểm phấn son, áo quần hàng lụa tươi tốt.

7- Cấm nghe xem hát, múa, đờn, kèn, yến tiệc vui đông.

8- Cấm ngồi ghế cao, nằm giường rộng chiếu lớn xinh đẹp. 

9- Cấm ăn sái giờ từ quá ngọ đến ngọ mai (phải ăn chay).

10- Cấm rớ đến tiền, bạc, vàng, của quý, đồ trang sức.

 

 

1. SA-DI THỜ THẦY

 

Sa-di sáng phải dậy sớm, muốn vào phòng thầy trước phải lên tiếng (gõ cửa ba tiếng). Nếu có lỗi, thầy dạy chẳng đặng nói trả lời nghịch lại, xem thầy cũng như Phật vậy. Thầy bịnh sai đổ bình dơ chẳng đặng khạc gớm, chẳng đặng buồn giận. Sáng chiều phải quét tước, dọn dẹp, xếp đặt am cốc, chăn y mùng chiếu cho thầy, có bẩn dơ phải giặt sạch, xếp cất cẩn thận theo thứ tự. Muốn kỉnh lạy mà thầy mắc đi đứng chẳng đặng lạy, thầy ăn cơm, thầy nói kinh, thầy tắm gội, thầy ngủ nghỉ đều chẳng nên làm lễ. Thầy đóng cửa chẳng nên ở ngoài mà làm lễ, muốn vào làm lễ phải bạch xin, hoặc gõ cửa ba tiếng, thầy chẳng đáp thì đi, chẳng nên vào. Đem đồ ăn uống cho thầy phải bưng hai tay, phải xem kỹ đừng cho có sự bẩn dơ, hoặc trùng kiến, sâu bọ, lăng quăng ẩn chết trong ấy. Phải đứng hầu thầy trong khi ăn, khi thầy có bảo đi ăn thì sẽ đi, thầy ăn rồi phải dọn rửa đồ nhè nhẹ. Khi hầu thầy chẳng đặng đứng trước mặt hoặc chỗ cao, chỗ xa lắm, chẳng đứng dựa ngang dọc hoặc tréo chân, phải cho ngay thẳng, phải đứng vừa, đặng thầy nói nhỏ nghe được.

 

Muốn hỏi nhơn duyên trong Phật pháp phải sửa y kỉnh lễ, quỳ gối chắp tay, thầy chỉ giảng lóng lòng nghe kỹ, suy gẫm cho thâm nhập. Nếu hỏi việc thường trong chùa, tịnh xá thì khỏi phải quỳ lễ, chỉ đứng ngay thẳng bên thầy, chắp tay cứ thiệt thưa hỏi. Khi thầy mệt mỏi chẳng đặng thưa hỏi nhiều, phải lui ra, chẳng đặng phiền giận. Sa-di lỡ phạm giới điều chi, chẳng nên che dấu, mau đến thầy tha thiết cầu xin sám hối, thầy cho thì hết lòng bày tỏ, tín thành chừa cãi trở lại cho đặng trong sạch. Thầy nói chưa rồi dứt câu chẳng đặng chen nói, chẳng đặng ngồi nằm nơi chỗ ghế giường thầy, chẳng đặng lấy dùng đồ vật nào của thầy mà xài, như chăn, y, choàng, hoặc lục soạn giấy tờ kinh sách của thầy mà chơi phá. Thầy sai đi làm việc gì, hoặc đem thư cho ai chẳng đặng lén giở coi, đi đường hoặc đến đâu có ai hỏi gọi, đáng đáp thì đáp thật, chẳng đáng đáp thì khéo lời cho qua đi, người cầm chẳng đặng ở, phải một lòng lo sợ thầy trông.

 

Thầy đối chuyện với khách, thì mình phải đứng hầu chăm chỉ, tay mắt tiếp ứng trong khi thầy có dạy bảo. Thầy có bịnh phải mỗi mỗi chăm lòng săn sóc phòng cốc, giường chiếu, chăn y, cơm cháo, thuốc thang luôn luôn.

 

Phàm khi hầu thầy, chẳng bảo ngồi chẳng dám ngồi, chẳng hỏi chẳng dám nói, trừ khi có việc muốn xin thưa; muốn lạy mà thầy ngăn, thì vâng lời thầy. Khi thầy đàm luận với khách, câu chuyện đạo đức, có ích cho thân tâm, đều nên ghi nhớ lấy, thầy sai làm việc chi chẳng đặng chậm cãi. Khi ngủ chẳng đặng ngủ trước thầy, dậy chẳng đặng dậy sau thầy. Sa-di đến lui, qua lại trước am cốc, nơi chỗ mấy thầy Tỳ-kheo, mấy vị Sa-môn lớn tu tịnh, ngủ nghỉ, phải rảo chân, nhẹ bước chớ cho có tiếng động đất, khua chạm, phá động sự tham thiền tu học thanh tịnh của người. Ngoài việc của Giáo hội sai bảo, sự xin học kinh luật, hay việc chi cần ích thì không đặng vô cớ vào phòng cốc người. Sa-di phải thông hiểu mà trả lời cho đúng pháp danh lịch sử của thầy khi có người hỏi đến. Làm trò Sa-di, trước phải lựa thầy cho chơn chánh đặng ở cho lâu, không đặng thay đổi hay lìa thầy sớm, dầu cách thầy, cũng vẫn nhớ lời thầy dạy, chẳng đặng tự ý buông lung, làm việc không chánh theo đời, chẳng đặng ở nơi chỗ chợ búa ồn ào, nơi đình thần, hoặc nhà vua quan, dân dã và chỗ gần chùa cốc Ni cô. Không đặng ở chỗ xa thầy mà tự chuyên làm việc đời, quấy ác.

 

 

2. THEO THẦY RA ĐI

 

Ra đi chẳng đặng lẻn ghé nhà người, chẳng đặng đứng hai bên đường kêu hỏi nói chuyện với người, chẳng đặng day ngó hai bên, phải cúi đầu theo sau thầy.

 

Đến nhà đàn việt thí chủ, nhà thế có thờ Phật thì phải xá bái cúi đầu. Đến chùa am khác, thầy lạy Phật phía trước, thì mình phải đứng lui lại phía sau mà lạy, chẳng đặng tự chuyên đánh chuông khánh. Nếu đi đường rừng núi, chẳng đặng cách thầy xa lắm, chẳng đặng bẻ phá cây lá hoa trái ở bên đường, chẳng đặng chạy nhảy ngang mương suối, bờ ao, trèo leo mô đất đá giỡn cợt. Nếu tách đi riêng, hẹn đến chỗ nào hợp lại, phải đến chỗ trước thầy, chẳng đặng chơi dạo ghé nằm ngủ nghỉ theo đường mà để thầy phải trông đợi.

 

 

3. VÀO CHÚNG

 

Vào chúng chẳng đặng chen lấn chỗ ngồi, chẳng đặng kêu bảo nói cười trửng giỡn. Trong chúng có lỗi không đặng bàn bạc khen chê, học đi học lại. Chẳng đặng khoe công nhọc để được ngợi khen, chẳng đặng ăn ngủ trước người, chẳng đặng dậy sau người. Không đặng súc miệng làm nước văng tạt ướt người, chà răng, rửa mặt phải cúi xuống chà rửa, làm nhẹ nhẹ, chẳng đặng hỉ mũi, khạc nhổ lớn tiếng, chẳng đặng ở nơi chùa tháp, am cốc mà khạc nhổ, hỉ mũi làm dơ.

 

Chẳng đặng đứng trước vị Sa-môn mà hỉ, khạc, chẳng đặng khạc nhổ trên rau cỏ, trên nước sạch, chẳng đặng một tay mà chào người. Chẳng đặng đi chạy mau lẹ, phải khoan thai đi đứng nghiêm chỉnh, chẳng đặng lấy đèn nơi bàn Phật để dùng riêng, nếu có đốt đèn phải dùng đồ che, chớ để trùng cánh bay vào chết mạng. Chẳng đặng bẻ đem bông héo cúng Phật, hoặc ngửi mùi bông trước khi dâng cúng. Chẳng nên dóm ngó liếc xem việc người làm, hoặc nhiều lời khen chê nên hư tốt xấu, làm phiền lòng người. Nghe ai gọi đến chẳng nên không đáp, phải dùng câu niệm Phật mà đáp. Chẳng đặng lượm của rơi, nếu gặp phải liền thưa với vị sư tri sự. Chẳng đặng kết bạn với Sa-di nhỏ tuổi, và bàn nói việc của Tăng sư trong Giáo hội. Chẳng nên sắm nhiều khăn, choàng tắm, chăn áo, hoặc bằng hàng lụa màu sắc tươi tốt, phải nhuộm màu hoại sắc, chẳng đặng may mặc y phục giống người thế. Khi lên tịnh xá, chùa tháp phải nghiêm trang, chẳng đặng đi quanh nhiều vòng nơi tháp thờ Phật. Chẳng đặng ngồi xem chúng làm việc nhọc, lánh hé yên phận. Chẳng đặng lén lấy phá chơi, hoặc cắp lén đồ vật của chúng, của Giáo hội, muốn điều chi phải nhất nhất bạch hỏi xin, không đặng làm ngang, lếu, tự ý. Chẳng đặng luận nói việc chính trị, việc nên hư, tốt xấu của triều đình công phủ, chợ quán, nhà cửa thế gian. Khi xưng mình với Tăng chúng nên xưng nói pháp danh, con, trò, chẳng nên nói tôi, chẳng đặng vì sự nhỏ lớn, hơn thua mà tranh cãi, phải nhịn tất cả. Khi muốn luận giảng lý đạo để mở mang, cần phải bình tâm hòa khí mà nhận định, và cốt để học hỏi thôi, chẳng đặng nói thô tháo, hoặc hiện ra sắc mặt, bộ tướng giận dữ, sỗ sàng, làm mất hạnh người tu hiền, đạo đức. Sa-di sáng và chiều phải có giờ hội họp lại mà tập học kinh luật, tụng đọc kệ giới, không được xao lãng, bê trễ, biếng nhác.

 

 

4. THEO CHÚNG ĂN

 

Đến giờ ăn, nghe tiếng chuông phải sửa y phục, trong khi ăn phải chú nguyện, phải nghiêm chỉnh biết phép cung kỉnh nhịn nhường. Khi sắp ăn phải tưởng những điều này:

 

Bát cơm tín chủ biết bao công,

Đức hạnh đầy vơi tự xét lòng,

Thỏa miệng, thích tình tham quấy bỏ

Nuôi thân hành đạo thuốc lành dùng,

Toan vun chánh pháp cho thành tựu.

Nguyện dứt ác duyên thoáng sạch không,

Nguyện các việc lành làm tất cả,

Nguyện xin độ tận chúng sanh chung.

Thân cùng nhau hòa hiệp ở chung,

Miệng không tranh đua cãi lẫy,

Ý ưa nhau không trái nghịch,

Giới luật đồng cùng nhau tu theo,

Kiến thức riêng chỉ giải cho nhau,

Lợi quyền chia đồng với nhau.

 

Ăn chẳng chấp mùi vị, chẳng đặng hiềm trách đồ ăn ngon dở, chẳng đặng lấy đồ ăn liệng quăng bỏ cho mèo chó ăn. Đem đồ ăn thêm chẳng nên nói không dùng, nếu no lấy tay nhường đi, chẳng đặng lấy tay gãi đầu, khạc nhổ hỉ mũi làm văng bụi nước vào bát người. Chẳng đặng ngậm cơm mà nói chuyện, chẳng đặng nói cười, quơ tay trong khi ăn, chẳng đặng nhai có tiếng, nhai hở môi và hả miệng lớn. Muốn gở răng mắc đồ ăn phải che giấu, chẳng đặng cho người thấy mà sanh lòng nghi phiền. Chẳng đặng lấy cơm vò viên bỏ vào miệng, chẳng nên ăn mau hoặc chậm quá, chẳng nên thấy đồ ăn chưa đến mà sanh lòng phiền muộn, chẳng nên tham nhiều quá, chẳng đặng ăn chênh mếch chúng Tăng, chẳng đặng cố ý lựa ăn đồ mỹ vị, chẳng đặng khua chén bát lớn tiếng. Phải ngồi ăn một lượt một, chẳng đặng đứng dậy đi lìa chỗ mà ngồi lại ăn nữa. Chẳng đặng đứng dậy trước người sái phép chúng, nếu có việc tư đi ra ngoài phải bạch hỏi xin phép, gặp cơm có thóc phải lột vỏ mà ăn, không đặng phun nhổ.

 

 

5. LẠY KỈNH

 

Chẳng đặng đứng ngay trước mặt thầy hoặc vị Sa-môn mà lễ lạy, phải nép một bên. Chẳng nên đi ngang trước mặt người đang hành lễ. Tay chắp chẳng đặng so le 10 ngón, chẳng đặng trống rỗng ở giữa hoặc hở ngón, chẳng đặng đem ngón tay nhét trong lỗ mũi.

 

Chẳng đặng đồng lạy với thầy cùng mấy vị Sa-môn khác, phải đứng phía sau xa thầy mà lạy. Trước mặt thầy chẳng nên chịu người lạy, chẳng nên lạy người đồng học với mình. Có việc chi thành kính chắp tay, chẳng nên tay cầm trượng Phật hoặc kinh sách mà lạy xá người.

 

Lạy là lễ phép rất tốt, quý ích cho người trau hạnh đức, nhưng cần phải hiểu cho thấu lý nghĩa của sự lễ bái.

 

 

6. NGHE PHÁP HỌC KINH

 

Nơi nhà giảng Sa-di phải đến trước sớm, dọn dẹp quét tước sạch sẽ, dọn chỗ cho chúng Tăng, chớ đợi đang nói pháp mới đến sau, y phục phải chỉnh tề. Nghe pháp chẳng đặng nói chuyện bậy bạ và cử động, chẳng đặng ho khạc lớn tiếng. Đang khi nghe học pháp chẳng đặng bỏ đi ra ngoài, phải lóng lòng nghe ngẫm nghĩ tu tập, chẳng nên chưa hiểu nói hiểu, hoặc vào tai ra miệng. Sa-di còn bé kém, giữ giới chưa chắc, phải học luật thêm để răn lòng trong mỗi giờ phút.

 

Sa-di phải trước học luật sau học kinh, chẳng nên trái cãi, muốn học kinh phải nhờ thầy trao dạy và giảng giải, muốn xem bộ kinh nào phải bạch hỏi với thầy dạy của mình. Chẳng nên bỏ kinh sách ở chỗ dơ lấm, hoặc làm dầu nước văng ướt, hư rách. Chẳng nên bôi vẽ chữ nghĩa, viết bậy trong kinh, khi thấy hư rách phải bồi sửa, tay dơ lấm chẳng đặng cầm đến kinh sách, phải kỉnh kinh pháp cũng như kỉnh Phật vậy. Chẳng đặng coi xem bài vở nói về chính trị, khoa học, bói khoa, toán số, tiểu thuyết nhảm nhí hay các sách khác. Sa-di phải học hiểu nghiên cứu đạo luật bài học của lớp bậc mình cho thông đã. Viết chữ đừng hoa mỹ, màu mè, kiểu cách, phải viết ngay ngắn lối hàng, nét chữ ngay thẳng nhận rõ, đọc học được mà thôi. Đọc kinh luật bài học không nên đọc lớn tiếng rền vang làm rầy kẻ khác. Chẳng nên đọc xem mau lẹ, vì như thế không nhận thấu đặng nghĩa lý sâu xa của pháp. Chẳng nên mượn kinh sách của người mà không trả và chẳng tiếc giữ để cho hư rách.

 

 

7. TIẾP CHUYỆN CÙNG NGƯỜI THẾ

 

Sa-di nhập vào tập sự trong Giáo hội Tăng, là người đã quay về với Phật Pháp Tăng, học tập để trở nên giác ngộ Phật. Một phen ra đi là cắt bỏ việc trần, sự đời, không còn phải vọng tâm lo nghĩ việc bên ngoài thế sự, hoặc nhận nhìn quyến thuộc bà con, dòng họ, gia đình, xã hội riêng tư nữa. Phải nhận mình theo họ hàng Khất sĩ Tỳ-kheo trong sạch, con cháu của chư Phật trong tam thế, chớ cha mẹ, ông bà, quyến thuộc ở thế gian là giả tạm cho cái áo, xác thân tham ác, tội lỗi, tứ đại giả hợp này thôi. Người Sa-di tập sự có thể về thăm nhà cha mẹ, quyến thuộc trong lúc đầu, sau khi nhập vào đạo được 3 tháng, và sau đó một năm thôi. Từ ấy về sau chỉ còn biết dòng giống họ mình là Phật, Tăng, Thánh chúng không không trong sạch; còn có nghĩ đến cha mẹ, quyến thuộc, thì tất cả nhơn loại là quyến thuộc, cha mẹ, anh em chung, đúng chơn lý đại đồng của võ trụ, không còn có cái gì là riêng của ta nữa cả. Khi người thân thích, quen hoặc lạ đến xin hỏi ta điều chi, trong nhà giảng, chùa tháp không được nói chuyện, bàn luận lâu, phải xin phép vị sư trị sự hay thầy dạy mình chứng kiến cho. Chẳng đặng ăn ngủ chung với người thế và giỡn hớt, la lối, cãi cọ. Chẳng đặng hỏi xin xỏ đồ vật nơi người thế, mà không có sự chứng kiến của Tăng Giáo hội.

 

 

8. LÀM VIỆC

 

Phải tiếc trọng đồ vật của chúng Tăng, phải nghe lời vị sư tri sự chỉ bảo, chẳng nên trái cãi. Múc nước xài phải cho sạch sẽ, kỹ lưỡng, dùng nước phải xem kỹ coi có trùng bọ hay không, nếu có, phải lấy vải mà lược qua rồi sẽ dùng. Chẳng đặng đổ nước nơi đường đi, trước sân. Nước nóng, không đặng tạt, đổ, làm chết trùng đất, kiến, dế, chẳng đặng giơ cao tạt nước, phải nghiêng đổ nhẹ nhẹ. Chụm lửa chẳng đặng chụm cháy quá nhiều, chẳng đặng chụm củi mục có mối mọt. Quét đất chẳng nên quét ngược gió, hoặc gom, nhóm đống bỏ dở, tấp nơi cửa, hông nhà, chỗ kín, chẳng nên quét gần chỗ người đang ngồi ăn hoặc học. Làm việc chẳng nên bỏ bậy bạ gạo, bún, rau, trái, cơm, bánh, vật thực mà chẳng tiếc giữ, nếu dùng có dư phải cho người, chẳng đặng dùng đồ của chùa mà bỏ hủy hoại làm hư bể. Sa-di nên tập làm việc công cho Giáo hội, may đồ, sắc thuốc, dọn dẹp, quét tước, vá áo chăn, coi sóc vườn rẫy, am cốc, giữ xem trâu bò súc vật phá hoại ngôi đất chùa Tam bảo.

 

 

9. VÀO NHÀ TẮM

 

Trước lấy nước rửa mặt gội đầu từ trên đến dưới nhẹ nhẹ, kỳ rửa chẳng đặng thô tháo làm tạt nước văng đến người, chẳng đặng xối đổ nước nhiều hao phí, chẳng đặng tiểu trong nhà tắm, chẳng đặng giỡn cợt cười nói với người. Ghẻ lác chỗ kín phải kỳ rửa sau, chẳng nên chú ý rờ rẫm. Thân mình có ghẻ độc phải băng bó ẩn tránh để khỏi phải xốn mắt người. Chẳng đặng buông ý tắm lâu, làm ngăn cản người sau. Cởi mặc áo chăn phải chậm rãi từ từ cho ngay thẳng, chẳng đặng vừa đi vừa mặc áo xốc xếch, chẳng đặng làm tạt đổ nước xài dơ vào nước sạch.

 

 

10. VÀO NHÀ TIÊU

 

Mắc đại, tiểu thì đi liền, đừng để nôn quýnh. Xếp áo vắt lên sào cây, dùng dây hoặc khăn tay mà buộc cho khỏi bay rớt. Đến nơi phải khảy móng tay ba cái hoặc lên tiếng, chẳng đặng hối người ra mau. Chẳng đặng cúi đầu ngó xuống, chẳng đặng rặn ra hơi tiếng, chẳng đặng nói chuyện với người cách vách, chẳng đặng khạc nhổ trây dơ trên vách. Gặp người chẳng đặng chào, phải nghiêng tránh day mặt đi. Chẳng nên vừa đi vừa buộc dây lưng, mặc chăn áo. Tiêu rồi phải rửa tay sạch, chưa rửa chẳng đặng cầm vật gì. Chẳng nên mặc mang thượng y mà đi tiêu tiểu, chẳng nên mang kinh, tượng, ảnh Phật, chẳng nên bẻ, bứt lá cây mà đi nhà tiêu…

 

 

11. NẰM NGỦ

 

Phải nằm nghiêng hông bên hữu trở xuống, gọi là ngủ điềm lành, chẳng đặng nằm ngửa, nằm sấp mà ngủ. Chẳng đặng ngủ chung phòng cốc, chung giường chõng với thầy, chẳng đặng dùng mùng chiếu, chăn y của thầy. Chẳng đặng cởi áo nằm trần, chẳng nên trên giường ngủ cười nói lớn tiếng, chẳng đặng làm tiếng động lớn phá sự tham thiền, giấc ngủ nghỉ của người. Đến giờ ngủ nghỉ, tất cả đều giữ sự yên lặng cho Giáo hội, đúng theo thời khắc biểu Niết-bàn.

 

 

12. Ở TRONG PHÒNG CỐC

 

Muốn đem lửa vào phải nói trước trong phòng biết “Lửa vào”, muốn tắt đèn phải hỏi trước “Còn dùng đèn không?”. Nơi phòng đọc niệm chẳng nên lớn tiếng. Trong phòng cốc, chăn, y, mùng, chiếu phải cho vén khéo, thứ tự. Chẳng đặng vô cớ mà vào phòng người, có việc phải xin phép lên tiếng. Có người bịnh phải đem lòng thương, trước sau chăm nom săn sóc.

 

 

13. ĐẾN CHÙA NI CÔ

 

Đến chùa Ni cô có chỗ riêng thì ngồi, không thì chẳng đặng ngồi, chẳng đặng nói pháp không nhằm lúc, trở về chẳng đặng nói chuyện xấu của Ni cô, hoặc khen vật này việc khác. Chẳng đặng thơ từ qua lại và cậy vá may, giặt nhuộm, cất giữ áo chăn, đồ vật v.v… Chẳng đặng tay mình cạo tóc giùm người, chẳng đặng ngồi chung chỗ khuất, chẳng đặng trao hình ảnh cho nhau. Không có hai người thì chẳng đặng một mình đi đến, không được đưa đồ lễ vật kỷ niệm thơ từ qua lại. Chẳng đặng cậy Ni cô khuyên người bố thí cúng dường cho mình, chẳng đặng ăn dùng đồ của Ni cô, chẳng đặng kết cùng các Ni cô làm cha mẹ, chị em, cháu con, đạo hữu.

 

 

14. ĐẾN NHÀ NGƯỜI

 

Phải đi với thầy hoặc Tăng chúng, nhà có chỗ riêng thì ngồi, chẳng đặng ngồi lộn xộn. Có nói kinh pháp phải biết lúc, chớ nên nói không nhằm dịp. Người ta dọn cơm, tuy chẳng phải trong Giáo hội, nhưng cũng đừng mất quy tắc. Chớ nên ngồi nói chuyện chung với người nữ trong nhà hoặc chỗ che khuất, chẳng đặng thơ từ qua lại v.v…

 

Đến nhà người thế tục thăm thân quyến, trong nhà có ảnh, tượng Phật phải nghiêm xá, bái. Chẳng đặng nói phép thầy nghiêm nhặt, xuất gia khó, vắng vẻ, lạt lẽo, cay đắng khó nhọc. Phải nói việc Phật pháp cho cha mẹ sanh lòng tin, thêm phước đức. Ai có hỏi, phải đáp chậm rãi, chớ đáp lộn xộn câu hỏi, chớ ham nói nhiều để cầu người cung kỉnh, khen ngợi. Chẳng đặng kết với người đời làm cha mẹ, quyến thuộc, chị em. Chẳng đặng nói lỗi trong Tăng. Chẳng đặng cùng trẻ nhỏ, bà con thế tục ngồi, đứng lâu, nói đùa cười giỡn, hoặc đi dạo kiểng hoa, vườn ruộng. Chẳng đặng xem người tiệc rượu, đờn ca, múa hát. Không đặng ở đêm nơi nhà thế, nếu lỡ tối, ở ngủ phải riêng một cái giường, chõng, thường ngồi ít nằm, một lòng niệm Phật, nhà phải không có phụ nữ.

 

 

15. KHẤT THỰC

 

Phải đi với các vị lớn tuổi đạo, nếu có đi, thì mình phải biết chỗ mà đi, đến cửa nhà người phải giữ thân, miệng, ý, nhà không có đàn ông chớ vào cửa (nếu phái Ni lưu, nhà không có đàn bà chẳng đặng vào cửa). Nhà có binh khí chẳng nên ngồi, đứng gần, ở lâu. Chẳng nên ngồi chỗ có vật báu, có áo chăn, vật trang sức của đàn bà. Muốn nói kinh pháp phải biết khi nào nên nói, chẳng đặng nói cúng dường cho tôi ăn được phước. Đi khất thực chẳng nên nài nỉ hỏi mãi, chẳng đặng nói nhiều lý nhơn quả để trông người cúng dường nhiều, được nhiều đừng sanh lòng tham, được ít chớ sanh lòng phiền. Chẳng nên đến nhà thí chủ quen mà xin mãi, chẳng nên đến nhà có đám tiệc, đình, am mà xin, chẳng nên làm phụ việc người thế gian, hay khoe tài đức để được cúng dường lễ bái. Đồ vật của người hộ cúng dường không được lấy trao cho người thế, vị tình riêng, khi chưa chú nguyện cúng dường.

 

 

16. VÀO XÓM ĐÔNG NHÀ

 

Không có việc cần thiết chớ vào xóm. Chẳng đặng đi mau, chạy nhảy và tay đánh vòng xa, chẳng đặng vừa nhìn ngó nhân vật mà đi, chẳng đặng cùng Sa-di nhỏ cười nói mà đi. Chẳng đặng cùng người nữ đi gần nhau, chẳng đặng đi gần Ni cô trước sau, hoặc ngó nhìn người nữ. Chẳng đặng đi gần kẻ gian nhơn cùng quân binh, người say rượu, người điên khùng. Chẳng đặng xem hát thuật trò chơi đám đông vui, gặp bờ ao hầm nước phải đi vòng chẳng nên nhảy lội, chẳng đặng cưỡi thú chạy nhảy, hoặc bắt chó, mèo, chim, rắn, thú vật mà chơi hay giết hại…. Đi phải dòm ngó xuống cách lối hai thước, mà niệm tưởng và xem tránh loài trùng, kiến, dế kẻo phải vì chân mình mà chết. Khi gặp vị Sa-môn thì phải đứng bên dưới, để ý chào hỏi trước. Khi về chùa chẳng đặng nói chuyện hay dở, tốt xấu, quen lạ trong thành.

 

 

17. LÀM VIỆC CHỚ NÊN TỰ Ý

 

Muốn đi đâu, làm việc gì trước phải thưa với thầy; may y chăn mới, xin thuốc men, đồ vật cần dùng, cạo tóc, xin giấy mực viết xài riêng, đều phải thưa thầy trước mới thọ lãnh. Sa-di phải cung kỉnh bạch hỏi, xin phép những điều gì mình muốn xin dùng, nếu thầy không cho chẳng nên hờn giận. Có ai cúng dường cho Sa-di, hoặc cho thầy vật chi, phải bạch trước với thầy mới được nhận, khi muốn cho ai món gì cũng phải có sự chứng kiến của thầy. Muốn đi nghe giảng đạo, đi học, đi nhập chúng, giúp việc cho ai, hoặc khởi duyên chi, đều phải thưa trước với thầy, chẳng nên tự ý. Sa-di không được rình nghe điều của các vị Tỳ-kheo Sa-môn bàn luận. Không đặng lén nghe các thầy tụng giới và sám hối. Điều gì không biết phải cung kỉnh nhờ thầy chỉ giải, giảng dạy cho.

 

 

18. ĐI CÁC CHỖ HỌC ĐẠO

 

Đi xa phải nhờ bạn lành, người xưa nẻo lòng chưa tỏ, cầu thầy chẳng lấy ngàn dặm làm xa. Chẳng cùng bọn bất lương, tà ác, tham sân kết bạn lữ học trò, tập theo thói xấu. Phải tìm thầy học tốt, hết lòng trau dồi đức tánh học đạo, lựa quyết nẻo dứt tử sanh, chẳng nên xem nước đạo non, toan du lịch cho nhiều chỗ để khoe với người. Muốn vào chùa am chẳng đặng quảy, mang hành lý đi ngay vào chánh điện, phải xin phép, thưa hỏi trước, tùy trong chùa cho phép, mới đặng đem hành lý vào ở nghỉ nơi nào, theo lời chỉ bảo của vị sư trị sự trong chùa.

 

Đây là lược giải sơ tạm chút ít đôi điều cho có sự học hạnh lúc đầu của người tập sự, chớ quý hơn hết là tự mình phải có nhiều điều răn nghiêm nơi mình thêm nữa. Sa-di phải chịu nghiêm giữ oai nghi tư cách, trau dồi đức tánh, phải kính ngôi Tam bảo và tập giữ lần đại giới, để khi nhập vào đại chúng Tỳ-kheo, do công đức đó mà được nhiều người tiến dẫn, không ai ngăn cản, và phải một lòng hết sức học hỏi cho uyên thâm nghĩa lý. Hằng coi xem sự hành động về thân, khẩu, ý của mình và ráng tham thiền quán xét cho thấu lẽ đạo, và phụ giúp vào việc làm công trong chúng. Hãy giữ đúng luật, giới, tịnh hạnh trong sạch mà tinh tấn tu hành, đến khi được bước lên vào hàng Tỳ-kheo lớp bình đẳng rồi, là chỉ còn sống chung tu học đúng chơn lý, tự mỗi ai nấy lo cho tâm mình, nếu tâm được tịnh định thì trí huệ sẽ sáng thông, đắc lần từ loạt quả đạo theo đường vô lậu chánh đẳng chánh giác, mà đắc được Vô sanh quả A-la-hán và nhập Niết-bàn.

 

 

19. SA-DI PHẢI BIẾT RẰNG

 

Tu học đạo đức là món ăn về tinh thần lý trí để đến với tâm chơn Phật, một lẽ sống tinh khiết trong sạch hoàn toàn, rất cần hơn tất cả nghệ thuật và mọi sự học về bên ngoài thể chất, cùng sự trau dồi sắc thân, cái có, tô đắp sự vật hữu tình tan hoại, cần hơn cả thức ăn bổ dưỡng mỹ vị để nuôi thân. Thế nên người quân tử ăn không cần no, ở không cần yên, chỉ cần chăm lo trau giồi đạo đức làm gương quý báu cho đời, vì con người chịu thiếu kém về sự ăn mặc hoặc chỗ ở, vật chất còn có thể sống được, chớ thiếu đạo đức trí tâm ắt sẽ phải khổ nạn chết hết. Thế nên Sa-di là một lớp đầu tập tu học, để đến lần theo đạo lý, công lý, sẽ sống chung tiến hóa quý báu, nên hay, ích lợi cho mình và cho cả chúng sanh. Vậy mỗi ai biết, thấy điều tối cần quý báu ấy, là nên hãy trước lo trau đức, giồi tâm để trở nên bậc người trên hạng người nhơn tục tử. Hãy nhận nhìn ra lẽ ấy mà mau bước chân đến nơi lớp học đạo trường, trong thời hạn 2 năm đặng uốn nắn tâm viên, giồi trau ý mã. Dù sau có bước ra đời, sống chung với chúng sanh muôn loại, cũng hiểu rõ được luật sống lý công, mà không phải mê muội, tối tăm, tạo ác, gây nhơn để phải quay cuồng nhào lăn theo từ đại vật chất luân hồi rối khổ. Còn ai muốn tiến lên hàng Phật Thánh là phải tu, tiến lên lớp trên cao hơn nữa phải có hàng trăm giới luật, tịnh hạnh, sống trong cảnh yên lặng không không của cảnh giới Niết-bàn vậy.

 

Vậy thì tất cả ai ai cũng nên tập mình theo bậc hiền nhân, hay bước lần lên bậc Trời, Phật là quý báu hơn hết.

 

Mô Phật!

 

 

Và Sa-di cần phải học thuộc lòng những bài kệ, để chú nguyện trong tâm mỗi lúc, khi có gặp việc ấy:

 

 

B. NHỮNG CÂU CHÚ NGUYỆN

 

1. THỨC DẬY BUỔI SỚM

Như, ngủ vừa tỉnh dậy                       

Cầu cho chúng sanh

Trí Tất Cả tỉnh

Xem khắp mười phương.

 

2. BƯỚC XUỐNG GIƯỜNG NGỦ

Như, từ mai đến sớm chiều

Cả chúng sanh khá giữ thân

Chân này lỡ giày đạp

Cầu cho cảnh Phật về gần.

 

3. MẶC Y I

Như, bằng mặc áo trên

Cầu cho chúng sanh

Đặng căn lành quý

Đến pháp bờ kia.

 

4. MẶC Y II

Như, khi mặc hạ y

Cầu cho chúng sanh

Mặc những căn lành

Đủ lòng hổ thẹn.

 

5. MẶC Y III

Như, sửa áo buộc dây

Cầu cho chúng sanh

Buộc tóm căn lành

Chẳng cho tản mất.

 

6. ĐI CHẲNG HẠI TRÙNG

Như, nếu bước chân này

Cầu cho chúng sanh

Khỏi biển sanh tử

Đủ các pháp lành.

 

7. NƠI NHÀ ĐI RA

Như, từ nhà đi ra

Cầu cho chúng sanh

Suốt vào trí Phật

Hằng ra ba cõi.

 

8. LÊN NHÀ TIÊU

Như, khi đi đại, tiểu

Cầu cho chúng sanh

Bỏ tham, sân, si

Dứt hết các tội.

 

9. RỬA SẠCH

Như, việc rồi đến nước

Cầu cho chúng sanh

Pháp ra khỏi đời

Mau lẹ sang qua.

 

10. RỬA SẠCH CHỖ DƠ

Như, rửa hết mình dơ

Cầu cho chúng sanh

Trong sạch dịu hòa

Trọn vẹn không nhơ.

 

11. RỬA TAY

Như, lấy nước rửa tay

Cầu cho chúng sanh

Đặng tay trong sạch

Vâng phép giữ Phật.

 

12. RỬA MẶT

Như, lấy nước rửa mặt

Cầu cho chúng sanh

Đặng pháp môn sạch

Vĩnh viễn không dơ.

 

13. UỐNG NƯỚC

Như, Phật xem một bát nước

Tám muôn bốn ngàn trùng

Nếu không niệm chú này

Như ăn thịt chúng sanh.

 

14. TRẢI NGỌA CỤ

Như, vật nằm ni sư đàn

Nuôi lớn tánh mộng lòng

Mở trải lên chỗ thánh

Vâng giữ Như Lai dạy.

 

15. LÊN ĐẠO TRÀNG

Như, bằng đặng thấy Phật

Cầu cho chúng sanh

Đặng mắt thông suốt

Thấy tất cả Phật.

 

16. KHEN PHẬT

Như, vua pháp lớn không trên

Ba cõi không sánh ví

Dắt dẫn cõi trời người

Cha lành của bốn loại.

Tôi nay lần trở lại

Dứt hết nghiệp ba kỳ!

Khen ngợi hoặc nêu bày

Ức kiếp không thể hết.

 

17. BƯNG  BÌNH SẠCH

Như, tay cầm bình sạch

Cầu cho chúng sanh

Trong ngoài không dơ

Đều được sáng sạch.

 

18. GIỞ BÁT

Như, bình bát của Như Lai

Tôi nay đặng mở bày

Nguyện dâng tất cả chúng

Đồng ba vòng trống vắng.

 

19. THẤY BÁT KHÔNG

Như, bằng thấy bát không

Cầu cho chúng sanh

Trọn vẹn trong sạch

Trống không phiền não

 

20. THẤY BÁT ĐẦY

Như, bằng thấy bát đầy

Cầu cho chúng sanh

Đựng tròn đầy đủ

Tất cả pháp lành.

 

21. CHỊU CỦA

Như, thí của và pháp

Đều không khác nhau,

Sự thí rốt ráo

Viên mãn tròn đủ.

 

22. LỄ PHẬT

Như, trên trời dưới đất chẳng so tài

Khắp cả mười phương cũng nhượng oai,

Những việc trong đời tôi thấy rõ

Không ai bì đặng đức Như Lai!

 

23. CHƠN NGÔN LẠY KHẮP

Như, tánh lạy năng sở đều luống vắng

Cảm ứng nhằm đạo khó khen ngợi.

Ta đến đạo tràng như ngọc tốt

Mười phương chư Phật bóng bày trong,

Thân ta bóng bày trước chư Phật

Đầu mặt nối chân tin trở lại.

 

24. RỬA BÁT

Như, đem nước rửa bát này

Như cam lộ cõi trời

Cúng cho các quỷ thần

Đặng no đủ tất cả.

 

25. SÚC MIỆNG

Như, súc miệng sạch luôn lòng

Ngậm nước thơm trăm bông

Ba nghiệp hằng trong sạch

Cùng Phật qua Tây phương.

 

26. LÓT CHỖ NGỒI THIỀN

Như, bằng lót chỗ ngồi

Cầu cho chúng sanh

Mở bày pháp lành

Thấy tướng chơn thật.

 

27. NGỒI THIỀN

Như, vững mình ngồi ngay

Cầu cho chúng sanh

Ngồi tòa Bồ-đề

Lòng không chỗ chấp.

 

28. NGỦ NGHỈ

Như, đúng giờ ngủ nghỉ

Cầu cho chúng sanh

Thân đặng yên ổn

Lòng không rối loạn.

 

29. GÁNH NƯỚC

Như, bằng thấy nước chảy

Cầu cho chúng sanh

Đặng như nguyện lành

Rửa sạch bợn nhơ.

 

30. QUA SÔNG

Như, bằng thấy sông lớn

Cầu cho chúng sanh

Đặng nương dòng Pháp

Vào biển trí Phật.

 

31. QUA CẦU

Như, bằng thấy đường cầu

Cầu cho chúng sanh

Rộng độ tất cả

Cũng như gác cầu.

 

32. KHEN PHẬT

Như, khen Phật tướng tốt

Cầu cho chúng sanh

Nên được thân Phật

Chứng pháp vô tướng.

 

33. ĐI VÒNG THÁP

Như, quanh mé hữu tháp

Cầu cho chúng sanh

Chỗ đi không nghịch

Nên trí tất cả.

 

34. THĂM BỊNH

Như, thấy người tật bịnh

Cầu cho chúng sanh

Biết thân luống dối

Khỏi pháp đua tranh.

 

35. CẠO TÓC

Như, cạo bỏ tóc râu

Cầu cho chúng sanh

Lìa xa phiền não

Rốt ráo vắng lặng.

 

36. TẮM GỘI

Như, tắm rửa thân mình

Cầu cho chúng sanh

Thân tâm không dơ

Trong ngoài sáng sạch.

 

37. RỬA CHÂN

Như, bằng rửa nơi chân

Cầu cho chúng sanh

Có đủ sức thần

Chỗ đi không ngại.

 

Đây là những câu nguyện kiểu mẫu, chớ đúng thật, mỗi người phải tự đặt ra câu chú nguyện cho thuận hạp theo duyên, mỗi việc; có như thế mới kềm giữ tâm đạo của Sa-di, và phát tâm chánh đẳng chánh giác thật hành tinh tấn được vậy.

 

 

----------------------------------------