CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Chơn Lý / LUẬT KHẤT SĨ - Chơn Lý 11

, Thứ Hai 2011-09-17

 

 

LUẬT KHẤT SĨ

 

(Chơn Lý 11)

 

 

 

I. BÁT ĐẤT

 

Bát phải bằng đất, hông tròn sáu tấc, miệng rộng, đốt đen, lăn sáp bên ngoài. Một cái nắp đậy bát bằng nhôm trắng nhẹ. Lại phải có một cái túi vải tròn vừa với bát, túi có nắp phủ, có quai một tấc bề ngang, còn bề dài khi mang choàng vào vai trái thì miệng túi bát phải ngang dây lưng chăn. Túi nhuộm một màu với y (màu vàng sậm).

 

 

II. Y VÁ

 

a)Y thượng bá nạp, phải bằng vải cũ hoặc vải vụn đâu lại. Không được may vải vụn đủ bông, đủ màu rằn rực sặc sỡ; phải may bằng vải trắng, vải vàng, hoặc những thứ lợt màu, để có thể sau khi may rồi, nhuộm cho tiệp màu vàng sậm. (Cấm dùng vả chỉ bằng tơ, lụa, hàng, nỉ, nhiễu, len, tố cẩm tự… đồ vật của sanh mạng; cấm dùng màu đen, trắng, xanh, tím, đỏ, vàng, màu tươi tốt.)

 

Y thượng bề dài 2m70, bề ngang 1m80, mặc vấn. Nếu y của Sa-di vải nguyên, bằng y của Tỳ kheo thì bá nạp, thêu bìa dọc dài 0m10, bìa ngang 0m15 (là 3m x2m). Khi ra đường, vào nhà xóm mặc y vấn tràng.

 

b) Y hạ vải nguyên, bề dài 2m, bề ngang 1m, may dính lại, thành ra vuông vức 1m2. Bìa trên 0m10, bìa dưới 0m05, nhuộm màu vàng sậm theo y thượng. (Tăng mặc xếp, Ni mặc dún rút; Tăng mặc nửa ống chân, Ni mặc ngang mắt cá cổ chân.)

 

c) Y trung vải nguyên, bề dài 2m, bề ngang 0m70, không may bìa. Kết mỗi bên hông một nút quai thắt. Nhuộm màu vàng sậm theo y thượng và y hạ. Mỗi khi giặt phải giặt một lượt 3 cái, không cho bay màu khác nhau. (Có thể y trung này màu sậm, hoặc lợt hơn y thượng và y hạ chút ít cũng được.) Nhuộm bằng thuốc màu, hoặc vỏ trái măng cụt sống, vải giặt sạch hồ, nhúng phơi 4 nước chớ đừng ngâm (khi mặc vào chừa cánh tay mặt).

 

Y trung của Ni lưu bề dài 1m, bề ngang (kích) 0m70, tay 0m85, ống tay 0m20; đinh, lai, bâu 0m02, nút quai thắt, phải có may xương sống và vai vuông.

 

Y thượng: phải một cái một, mỗi năm đổi một lần vào ngày Rằm tháng Bảy. Hoặc ai muốn chỉ giữ một cái cũ, mặc vá trọn đời cũng được.

 

Y hạ: có thể cho một cái mới, mỗi năm đổi một lần vào ngày Rằm tháng Bảy, và giữ thêm được một cái cũ để thay đổi. Mỗi khi đi ra đường phải mặc cái cũ ở trong, cái mới ở ngoài đặng cho tiệp màu với y thượng. Trong lúc đêm hôm, mặc ngủ, cùng khi làm việc dính dơ, nên mặc dùng cái cũ. Hoặc như ai muốn mặc một cái thì càng tốt, chớ cấm tuyệt đối không cho có đến ba cái hạ y, hoặc hai cái mới hết.

 

Y trung: Mỗi năm đổi một cái mới vào ngày Rằm tháng Bảy và còn giữ được một cái cũ. Cấm ba cái, hoặc hai cái mới hết. Phải mặc cái cũ phía trong, cái mới phía ngoài cho tiệp màu y thượng và y hạ. Hoặc chỉ mặc thường một cái cũ cho hư trước, cái mới ít mặc đặng lâu hư. Ai mặc được một cái càng tốt. (Ni lưu được có hai bộ y hộ thân riêng và một cái túi nhỏ bề dài 0m30, bề ngang 0m25.)

 

 

Khăn lau: Bề dài 0m60, bề ngang 0m30, vải nguyên, màu vàng sậm. Khăn, túi và tam y phải một màu vàng sậm.

 

Choàng tắm: Bề dài 2m, bề ngang 0m85. Nếu dùng choàng tắm thì không dùng y trung, y hạ cũ.

 

Với một cái muỗng nhôm, một bàn chải chà răng cán bằng bột hoặc bằng cây, bằng cao su (chớ không được bằng sừng, xương, ngà, đồi mồi) và một con dao cạo tóc, một ống đựng kim chỉ, vải vá, một bộ đồ lược nước uống, một cái lon uống nước bằng nhôm là đủ bộ phận của nhà sư. (Đồ này với giấy đạo thảy để hai bên trong túi bát.)

 

Bậc Sa-di hoặc Thinh Văn hay có sắm thêm một cái túi nhỏ để kinh sách và bài học. Nhằm khi đi du hành xa, nơi xứ muỗi nhiều, các sư ấy cũng đem theo mùng, nên túi riêng này: bề dài 0m40, bề ngang 0m10, bề cao 0m30, nắp phủ 0m20. Mùng túi này ai không có cũng được. (Ni lưu có một túi nhỏ riêng để kinh sách.)

 

Mùng của nhà sư: bề dài 2m, bề ngang 0m70, bề cao 1m.

 

Mặt giường nằm của nhà sư: cũng y như nóc mùng, bề dài 2m, bề ngang 0m70, bề cao 0m40.

 

Ghế nhà sư ngồi: cũng không cao quá 0m40, khi ngồi thòng chân, gót vừa đụng đất.

 

Cốc nhà sư ở: bề dài 3m, bề ngang 2m, cột 2m50 cất khiêng, lót sàn 0m30. Chỗ ở phải xa nhà bá tánh ít lắm là 100 thước. Phải ở vườn rừng, không được ở núi, chợ xóm.

 

Nhà sư phải đầu trần, chân không, mặc y chừa cánh tay mặt. Trừ khi bệnh yếu được dùng guốc cây, dép mo, che dù vải vàng, đội mũ vải, hoặc khăn vải vàng, mặc y thượng trùm kín, hoặc y trung che kín hay phủ ngược (không được ở trần). Mền, ngọa cụ, tọa cụ, gậy, đồ vật dùng trong khi dưỡng bịnh uống thuốc, khi mạnh rồi phải bỏ hết, giữ giới luật thanh bần đơn giản lại như cũ, như hồi chưa đau. Chẳng đặng mặc, mang dùng đồ vật theo cách người bịnh mà vào tịnh xá lễ Phật, nghe pháp, hầu thầy, lại gần Pháp tháp, nhóm họp, đọc giới, sám hối, đi đường...

 

Không mưa, không bịnh, thì chẳng đặng ăn ngủ trong cốc. Chớ ngủ hai đêm một gốc cây. Chớ ăn hai lần một chỗ ngồi.

 

Người bịnh nếu có hai hộ cho đồ ăn buổi sáng thì được ăn. Nếu bịnh nặng, không độ được buổi cơm trưa, thì được độ buổi cơm chiều, khi có ai dâng cho. Người bịnh tốt hơn là để tâm mình thanh tịnh, những kẻ khác phải lo nuôi sóc người ấy.

 

Vị sư điều dưỡng có thể khỏi đi xin và được ăn dùng buổi sáng khi có đồ ăn dư nhiều. Còn tất cả các sư đều phải ăn độ một bữa ngọ trưa, đi xin, đồ chay, hoa trái, rau cỏ mà thôi...

 

Giáo hội Tăng thì đi du hành khắp xứ, nghỉ tạm nơi các vườn, rừng, tịnh xá, nhà mát, cốc lều làm che tạm. Không nhận tiền, bạc, vàng. Không nấu nướng, tích  trữ vật thực.

 

Mỗi vị sư bịnh, khi thiệt mạnh rồi, không tích trữ để dành thuốc.

 

Trong xã hội, cư gia có đủ hội phước thiện để hộ pháp cho chư Tăng và giúp đỡ bá tánh, kẻ cô độc về tứ sự: sự ăn, sự mặc, chỗ ở, khi bịnh, nếu là một xứ có đạo. Và như vậy, trong mười người có một người xuất gia khất sĩ, ba người tại gia cư sĩ, ba người thiện, ba người ác, thành ra một trường học có ba lớp cho người ác bước lên. Mỗi lớp có đủ chi nhánh giáo phái, càng nhiều càng hay, chúng sanh tất cả đều có học, biết rõ mục đích chung là tiến đến sự sáng suốt, hiền lương và khỏi khổ. Muốn hết khổ phải dứt bỏ tham, sân, si thì ý mới định. Ý định là Niết-bàn. Muốn vậy phải xuất gia khất sĩ, giải thoát ra khỏi tứ sự ăn – mặc – ở – bịnh, sống như ông già không giống tuổi trẻ. Ta xin vật chất để nuôi thân, người xin tinh thần để nuôi tâm. Cõi đời mà chúng sanh biết xin lẫn nhau để sống cả thân tâm là xứ Cực lạc.

 

Hơn là để nhồi sọ lẫn nhau bằng các cái xin của bóc lột, cái xin đàn áp xảo trá, không phải tự người vui lòng cho, không phải thiện. Nếu không đi xin thì không bao giờ hết tham, sân, si tội lỗi.

 

 

III. TỨ Y PHÁP

 

1- Nhà sư khất thực phải lượm những vải bỏ đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.

 

2- Nhà sư khất thực chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp, đọc giới bổn, được ăn tại chùa.

 

3- Nhà sư khất thực phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ, bằng lá một cửa thì được ở.

 

4- Nhà sư khất thực chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng.

 

Không tự lấy để trừ tham.

Không tự làm để tránh ác.

 

Uống hỏi xin nước, nằm hỏi xin đất, ăn hỏi xin lá, trái; ở hỏi xin cốc, hang... Không ngắt lá cây, không bẻ trái, phải lượm xin. Ăn quả chừa hột, đừng bứng gốc (không xin thái quá), không dùng đồ vật để sanh mạng của thú, người. Dứt tham ác thì sân si vọng động chẳng phát sanh.

 

 

IV. MƯỜI GIỚI TẬP SỰ SA-DI

 

1- Cấm sát sanh.

2- Cấm trộm cắp.

3- Cấm dâm dục.

4- Cấm nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa chửi.

5- Cấm uống rượu, tham lam, sân giận, si mê.

6- Cấm trang điểm phấn son, áo quần hàng lụa tươi tốt.

7- Cấm nghe, xem hát, múa, đờn, kèn, yến tiệc vui đông.

8- Cấm ngồi ghế cao, nằm giường rộng, chiếu lớn xinh đẹp.

9- Cấm ăn sái giờ từ quá ngọ đến ngọ mai (phải ăn chay).

10- Cấm rớ đến tiền, bạc vàng, của quý, đồ trang sức.

 

Sống theo lẽ một, ở một mình, ăn một bữa, mặc một bộ áo, ngày học một lần, làm một việc, nói một lời, đi một đường, một cái bát, ngồi nằm một chỗ một người, ngày lạy một lần….

 

Ngoài Tứ y pháp và 10 giới (hoặc 250 giới luật nghi), không còn có đạo Niết-bàn nào thứ hai nữa cả.

 

 

V. CÕI NIẾT BÀN

Giới bổn Luật nghi (Tỳ kheo 250 giới)

 

A. BẢY LỚP LAN CAN BÁU (Thất tụ giới)

1- Bốn đại giới (trục xuất) ...................................................... 4

2- Mười ba giới tổn hại Tăng tàn (giáng cấp) ...................... 13

3- Hai giới không định ........................................................... 2

4- Ba chục giới phá sự thanh bần (cấm phòng sáu bữa) .... 30

5- Chín chục giới hành phạt (quỳ hương ) ........................... 90

6- Bốn giới đặc biệt (xưng tội xả đọa) ................................... 4

7- Một trăm giới nhỏ phải học (sám hối) ............................ 100

Cộng: ................................................................................. 243 giới

 

B. BẢY LỚP LƯỚI BÁU (Thất định pháp)

 

8- Bảy pháp diệt tránh (giới giải hòa) ................................... 7

Cộng: ................................................................................. 250 giới

 

C. BẢY HÀNG CÂY BÁU: (Thất giác ý, Thất Bồ-đề)

 

1- Phân biệt sự lành với sự dữ

2- Tinh tấn mà lướt lên                                                             

3- An lạc trong vòng đạo đức

4- Thắng phục tâm ý mình đặng làm lành

5- Nhớ tưởng đạo lý

6- Nhất tâm đại định

7- Vui chịu với mọi cảnh ngộ

 

(Muốn biết rõ hơn hãy xem Giới bổn).

 

 

NIẾT BÀN THỜI KHẮC BIỂU – TRÚ DẠ LỤC THỜI (đêm ngày 6 thời)

 

1- 5 giờ tới 6 giờ sáng: Thiền định

2- 8 giờ tới 9 giờ sáng: Khất thực

3- 11 giờ tới 12 giờ trưa: Thực thời

4- 3 giờ tới 4 giờ chiều: Thuyết pháp

5- 6 giờ tới 7 giờ chiều: Thiền định

6- 12 giờ đến 1 giờ khuya: Thiền định.

 

 

VI. GIÁO HỘI TĂNG-GIÀ KHẤT SĨ

 

a) Một Tăng hay một chúng là 4 vị sư.

b) Một Tiểu Giáo hội Tăng-già là 20 vị sư.

c) Một Trung Giáo hội Tăng-già là 100 vị sư.

d) Một Đại Giáo hội Tăng-già là 500 vị sư.

 

Trong đó chỉ có một chức Khất sĩ mà thôi, chớ không có phân chia giai cấp chi cả. Những ai đắc quả A-la-hán hay Bồ-tát, có trí huệ, đạt quả linh, đức hạnh lớn, thì được người ta tôn trọng. Trong đạo không có tính tuổi lớn, nhỏ, nhiều, ít, theo đời; tùy theo kẻ xuất gia sau trước, kể từ ngày quy y thọ giới, thì giáp năm tính là một tuổi. Bởi kẻ chết bên đời, sanh qua bên đạo, chết bỏ cõi ác, cõi thiện mà sanh vào trong đạo giải thoát, nên tính theo tuổi giải thoát thôi.

 

Người mới xuất gia nhập đạo phải theo thầy, ở chung trong Giáo hội 2 năm, kế đi tách riêng một mình 2 năm nữa. Trên 4 năm được thâu một người tập sự. Trên 6 năm mới được thâu nhận một đệ tử và một người tập sự. Được trên 12 năm tách ra đi lập đạo riêng, dạy số đông.

 

Trên 6 năm gọi là Đại đức. Trên 12 năm gọi là Trưởng lão. Hai bậc này phải có đủ đức hạnh do Giáo hội chứng minh cho phép. Trong Giáo hội, ai lớn tuổi đạo được đứng, đi, ngồi trước, ai nhỏ tuổi đạo phải theo sau. Từ khi Giáo hội đã được đủ 20 vị rồi, thì những ai xuất gia sau này phải tập sự với một vị sư trong 2 năm, ở trong giữa Giáo hội, kêu gọi là nhập thai trong bông sen. (Chính hoa sen là Giáo hội Tăng-già, là ngôi vị của đức Bồ-tát hay Phật, là Giáo chủ. Giáo hội Tăng-già lớn gọi là tòa sen lớn). Sau 2 năm tập sự đủ nết hạnh thanh tịnh và thiện căn phước đức nhơn duyên mới cho thọ quy giới, nhập chúng sau hàng Khất sĩ, bấy giờ mới được gọi là bình đẳng. 

 

Trong đạo: Các sư chỉ làm thầy đỡ đầu, tiếp dẫn, truyền giới chứng minh tạm cho mỗi vị mới xuất gia, chớ chúng sanh là bình đẳng, không có danh quyền chi cả.

 

Người tập sự phải từ 18 tuổi sắp lên và từ 20 tuổi mới được thọ giới Khất sĩ 250 giới. Chứng minh cho một người tập sự phải có đủ 4 vị sư trên 2 năm. Và khi cho thọ giới Khất sĩ phải có đủ một tiểu Giáo hội 20 vị sắp lên, chứng nhận minh bạch, thiếu một vị cũng không được. Khi đó, phải có một vị sư đứng ra giới thiệu, xin giùm với Giáo hội; một vị sư truyền thọ quy giới cho, và phải có một vị Đại đức hay Trưởng lão, Thượng tọa đứng ra bảo đảm dạy dỗ. Lúc ấy, tất cả Giáo hội đều phải ưng thuận hết, nếu có một vị sư bất bình thì sẽ không được thâu nhận.

 

Ni lưu, cách thâu nhập đạo cũng y như Tăng, mà mỗi khi thâu nhận một người tập sự phải trình diện với một Tăng (4 vị) liền trong lúc ấy. Cho thọ giới một nữ khất sĩ phải do Giáo hội Tăng xem xét mới được.

 

Trẻ nhỏ dưới 18 tuổi không được thâu nhận cho tập sự, vì đạo Phật là đạo giác ngộ, của bậc già đủ trí. Đúng phép của sắc thân, thì người 48 tuổi là tuổi tập sự; 50 tuổi là tuổi xuất gia, Thinh Văn; 54 tuổi là tuổi du hành, Duyên Giác; 60 tuổi là tuổi làm Bồ-tát; 66 tuổi là tuổi đi giáo hóa cả chúng sanh; 72 tuổi là tuổi Như Lai Niết-bàn nín nghỉ.

 

Người xuất gia nhập đạo cũng giống như gia đình, xã hội cõi thế. Chính Giáo hội Tăng-già mới là một đại gia đình hạnh phúc, một đại xã hội hiền lương. Chính Giáo hội Tăng-già là giáo lý muôn năm, cõi sống của những ông già kinh nghiệm không còn tư riêng nhỏ hẹp, sống với cả chúng sanh chung, từ bi trí huệ, thanh tịnh trang nghiêm, đức hạnh đầy đủ. Giới luật Tăng-già là miếng đất Tịnh độ, xứ an lạc của mỗi vị Phật; nơi đó thâu, chứa, rước, độ chúng sanh, dạy tu cho mau đắc quả! Cõi ấy dầu bao nhiêu, nhiều ít, ai ai, cũng không có sự tranh cãi rầy rà, ai nấy tự lo tu học lấy mình, không hay dòm ngó, không có danh lợi chen đua, khi đã thấu lý đạo rồi, thì lại xót thương muôn loại, mà chẳng còn sở chấp riêng mình. Người người đều biết hạ mình tôn trọng lẫn nhau trong tâm bình đẳng hẳn thật yên vui.

 

Từ khi mới theo tập sự với một vị sư, dưới sự đùm bọc che chở của vị sư đỡ đầu, cũng như nhập thai trong hoa sen có được pháp danh thọ ký. Đến khi được xuất gia thọ giới là mới sanh ra trong giữa tòa sen. Thầy đỡ đầu như mẹ, thầy tiếp dẫn là cha, kế đó Tăng chúng như quyến thuộc chủng loại. Nhờ đó được lớn lên Đại đức, có đệ tử như con, thành Trưởng lão là già, lập đạo giáo riêng là gia đình xã hội khác, để dắt dẫn cả chúng sanh chung. Ấy mới là gia đình, xã hội, thế giới chơn thật vĩnh viễn tốt đẹp, riêng toàn là của những bậc đại hiền kia vậy.

 

Những ai vào trong giới luật của Giáo hội Tăng-già rồi, thì chẳng bao lâu sẽ bổ xứ đi làm Phật, giáo hóa chúng sanh ở những nơi khác nữa. Vào đó không còn ai muốn thối chuyển trở ra để làm chúng sanh. Chính giới luật xứ Phật, gương sen! Những ai đã được ở vào trong ấy, không còn lo sợ dính dơ bùn bụi trong giữa cõi trần.

 

Giáo hội Tăng-già luôn luôn đi du hành, chớ không ở một chỗ quá ba tháng. Khi đi, đi bộ cả Tăng đoàn, để cho được sự học hành khắp xứ, đủ hạng người và quý nhất là sự giải thoát chỗ ở một nơi, để dứt bỏ tham sân si ái dục dễ dàng, vì chính nguyên nhân của sự giải đãi, mất đức và phạm giới là bởi ở một chỗ vậy. Trừ ra những kẻ già bịnh mới ở lại nghỉ dưỡng nơi tịnh xá và giữ chừng cho Giáo hội sau này có chỗ trở lại. Vị sư ở một chỗ có bổn phận phải dạy dỗ cư gia, kêu là Bồ-tát trụ xứ.

 

Tại chỗ trụ: Trong đó có nhà tịnh xá, xây tháp thờ Pháp của chư Phật quá khứ. Tháp phải 13 tầng, vì đức Như Lai là ngôi vị thứ 13 của chúng sanh tiến lên từ nấc. Tháp phải mở trống bốn cửa, nơi đó chỉ để kinh sách hoặc cốt tượng Phật. Tháp bề cao 3 thước, chân rộng vuông một thước tám. Tịnh xá phải 8 thước, vuông bốn phía, hình bát giác. Có nhà giảng thuyết pháp, góc vuông 16 thước. Có nhà độ cơm nghỉ mát, bề ngang 8 thước, bề dài 16 thước (ba cái này gọi là nhà Tam bảo), và có nhà thờ riêng cho cư gia, bề dài 8 thước, bề ngang 4 thước.

 

Phía trước, bên trái có nhà thiện nam, bên mặt có nhà tín nữ. Phía sau, bên mặt có cốc nghỉ chân cho Ni lưu, bên trái có cốc của Tăng. Có hồ sen, núi đất, có ao rạch hoặc suối, có cây cao bóng mát gió thanh, xa nhà bá tánh trăm thước, trống trải giữa trời, không trồng bông trái. Xa núi, xa chợ, cảnh giữa vườn rừng, đó mới là nơi thiền định đáng làm chỗ trụ. Đất rộng trăm thước, không thú dữ, xa tôn giáo, tránh binh gia, gần xóm người hiền, tránh xa trộm cướp, chẳng cận đường đi, không xây tường gạch, nóc ngói, chỉ cất dùng cây, ván, lá. Cốc phải lót sàn, xa mồ mả trăm thước. Nhà tiêu hướng Đông Nam, nhà tắm phía Tây Bắc, nhà bếp để hờ nấu nước, thuốc, phương Đông Bắc. Chỗ để đồ vật Giáo hội tại Tây Nam. Mặt tiền Tam bảo ngay phía Tây, lưng trở lại Đông; thiện nam phương Nam, tín nữ phương Bắc. Có cốc Tăng ở, chung quanh có hàng rào cao 2 thước làm ranh. Thiện nam, tín nữ, Ni lưu chẳng được nghỉ đêm trong vuông chùa cổng rào. Sáng 7 giờ mở ra, chiều 5 giờ đóng lại, để yên cho các sư tu tịnh.

 

Tại chùa, những ngày 30, Rằm, mùng 8, 23, các sư có nói pháp cho cư gia. Mỗi ngày phải học luật, sám hối, làm công, học pháp từ 3 giờ tới 4 giờ chiều. Mỗi buổi sáng phải đi khất thực từ 8 giờ đến 9 giờ. Trưa 11 giờ độ cơm và đọc kinh tới 1 giờ; khuya, chiều, sáng lo tu tịnh.

 

Tại chùa, các sư còn có phận sự phải dạy học chữ quốc ngữ (Hán Việt và Nôm Việt cho tập sự kém chữ), hoặc dịch sách in kinh cho Giáo hội Tăng-già đi du hành, và dạy cho bá tánh sự tu tập.

 

Tăng chúng phải giữ thứ lớp trật tự màu sắc y bát đồ vật cho giống nhau. Những ai muốn đi tách riêng tìm chỗ vắng tu tịnh phải có lịnh Giáo hội cho phép và xem xét kỹ lưỡng, phải cho được trên 2 năm thọ đại giới, phải có đủ hạnh, phải chịu khổ cực mới được.

 

Kẻ ở trong Giáo hội Thinh Văn gọi là Hữu dư Niết-bàn.

Kẻ độc thân Duyên Giác gọi là Vô dư Niết-bàn.

Kẻ bổ xứ giáo hóa lập đạo riêng gọi là Đại Niết-bàn.

Đến chơn như yên nghỉ mới gọi là Vô thượng Đại Niết-bàn.

 

Người tập sự phải hầu thầy và làm công cho Giáo hội, thờ kính các sư, để trau giồi thiện căn phước đức nhơn duyên, vừa để cho các sư xem xét tánh hạnh lâu ngày.

 

Tại chùa, các sư không đi đám tụng kinh; thỉnh thoảng vì tình cận sự của cư gia, các sư đến thăm bịnh, để nói pháp an ủi mà thôi. Khi có trai Tăng, cầu siêu, các sư mới đọc kinh chú nguyện! Thường ngày thì các sư đọc kinh cầu nguyện chung cho cả chúng sanh sau buổi cơm ngọ; khi rảnh, các sư đọc, học kinh để mở trí tham thiền. Và luôn luôn chú nguyện cho chúng sanh trong mỗi lúc, để mở mang trí huệ và tập tâm từ bi tinh tấn.

 

Sư trị sự ở tại chùa có phận sự phải thâu cất giữ y bát, đồ vật dụng cho Giáo hội, lo sắp đặt chỗ nơi cho các sư ở xa mới tới, và chỉ bảo cách cúng kiến cho cư gia, sắp đặt trật tự cho Giáo hội. Ở tại chùa khi nào có công việc làm nhiều, nên chi ai đem đến dâng đồ điểm tâm sáng thì các sư được dùng, bằng không có là thôi, chớ không tự nấu luộc, không được hỏi xin.

 

Các sư lữ hành đi đường xa khi bịnh yếu cũng được như vậy. Bởi ăn đồ chay thiếu chất bổ, nên chi buổi ăn sáng, nếu có cư gia đem đến hộ thì các sư cũng được dùng, vì sự ăn chay đi bát ít ai cúng được thức ăn tử tế. Ấy bởi sự bất cập của bá tánh mà phần nhiều các sư chỉ nhận được bánh trái đơn sơ, không đủ sức khỏe cho lâu ngày. Vậy nên buổi sáng không cấm hẳn, nhưng vị sư nào nhịn không độ sáng thì lại tốt hơn, vì để rảnh trí tham thiền. Còn những ai làm công việc nhiều, dùng thêm buổi sáng, thì khi nào có mới độ, không thì thôi, chớ chẳng đặng để dành đồ ăn cách đêm.

 

Trong Giáo hội Tăng-già: Ở tại chùa phân chia theo ngăn ranh thứ tự:

 

·        Tập sự ở theo phía tập sự.

·        Khất sĩ ở chung theo phía khất sĩ.

 

Chỗ học hành, nghỉ ngơi, tiêu tắm khác nhau. Ban ngày thì trò nào theo thầy nấy, mỗi trò nhỏ phải có theo một vị sư.

 

Chính giới luật của Giáo hội Tăng-già là xứ Tây phương Tịnh độ, Cực lạc An dưỡng của chúng sanh, là thế giới tinh thần hay viên ngọc quý trong giữa cõi trần, cũng là trường học Ta-bà của võ trụ, chiếc thuyền bè giữa biển, hay nhà an lạc nơi giữa chợ v.v… Trong đó có lan can, lưới, cây quý báu, đạo tràng như ao, pháp Bát chánh như nước, giáo lý như cát vàng, lẽ chánh đẳng chánh giác như mặt đất lưu ly, tứ chúng như mé ao, các bậc trí huệ như hoa sen, chơn lý sáng như hào quang, sự giảng giải nói ra như mưa hoa tuôn rưới, cõi sáng rỡ quang minh chánh thiện, không chút đen tối ác tà, tiếng dữ lời thô không còn có. Tăng chúng thanh nhã, áo vàng phất phơ bay lượn; cõi êm ái lặng trang, không chó sủa, không mèo kêu, không gà gáy, trên chim hót, dưới cá lội. Nhà không có cửa, ngoài đường chẳng lượm của rơi, không tiền, không gạo; kỳ hoa, dị thảo, bửu quả trổ sanh, cõi bất thối vô sanh, Tăng chúng số trội không lường đếm…

 

Mỗi ngày có gió rung khua là nhơn duyên giảng luận đạo lý, tiếng pháp nhiệm mầu, thanh tao hay diệu hơn cả nhạc trời. Bảy bậc giác ngộ như chim nói pháp. Nơi cõi ấy chỉ biết có Phật Pháp Tăng, dân chúng niệm mãi không nhàm, vào đó chỉ lo ăn học, cõi thế sự xa mất biệt hình. Tưởng ăn có ăn, là đúng giờ đến buổi, vừa nhớ ra, là đã có kẻ hộ bát cúng dâng. Tưởng mặc có mặc, là mãn năm áo rách, vừa nhớ ra, là đã đến kỳ đổi y thay áo. Muốn tắm tới đâu có nước dâng lên tới đó, là muốn thấm nhuần đạo lý, tắm nước pháp tới đâu, có người xối dạy, dâng cho tới đó. Người hiểu đặng chơn lý, nhập định hoặc một ngày, hoặc đến bảy ngày, sẽ có thần thông, vào địa vị Phật Thánh khác nào nhờ bậc ấy rước đưa. Thế cho nên, kẻ đã hiểu ra mau liền giải thoát, chết bỏ cõi đời, sanh qua nhà Phật. Kẻ đã sanh, kẻ đang sanh, kẻ chưa sanh. Đạo mà có trong đời thì ai ai rồi cũng sẽ giác ngộ vãng sanh lần, để xa lánh cõi đời ác trược. Còn ai mà chẳng muốn vãng sanh đến cõi giải thoát trói trăn phiền não của điều thiện ác, là xứ của những bậc trong sạch ông già.

 

Những ai muốn xuất gia, trước phải hiểu thông luật đạo, thuộc lòng Tứ y pháp, 10 giới và những bài kinh cúng nguyện, mới được cho vào tập sự, giữ hạnh và tham thiền; sau 2 năm được thuộc Giới bổn, tinh tấn không phạm giới, tham thiền được ấn chứng và trọn lễ hầu thầy, mới được cho xuất gia nhập đạo.

 

Khi còn tập sự phải học hỏi cho biết tên tuổi lịch sử của thầy, của vị Giáo chủ, của các bậc Trưởng lão, Đại đức; phải biết mục đích của mình, tôn chỉ của đạo và phải nhớ ngay mình vào đạo. Nhất là cần hiểu biết giáo lý của y bát, sự đi xin và ăn chay. Và tại sao mình lìa bỏ cảnh thế?

 

Người nhập đạo phải không bịnh hoạn chi, và phải được trong sạch các nhơn duyên của đời. Phải cho đủ trí, phải hiểu biết các bộ phận trong thân của mình.

 

Khi thọ giới thì phải một lần một người, mau lắm cũng 7 ngày mới cho tập sự. Ai muốn xin xả giới về thế cũng phải xả lần từ 10 giới, 8 giới, 5 giới, đủ 7 ngày mới sẽ trở ra luôn, và khi trở vào cũng phải thọ giới lần từng bậc.

 

 
VII. VỀ SỰ ĐI KHẤT THỰC

 

1.     Phép đi khất thực chỉ từ một tới hai người mà thôi, trừ khi nào đến xứ lạ, một hai ngày đầu đi chung cho biết đường xá, đi từ người cách khoảng 2 thước.

 

2.     Khi đi lấy cơm, hoặc đi trai Tăng tại nhà cư sĩ thì được đi chung, đi một hàng một, cách nhau 2 thước Tây, ai lớn tuổi đạo đi trước, tập sự đi sau.

 

3.     Tại tịnh xá có ban cư sĩ hộ pháp, hoặc có nhiều người xin cúng dường luân phiên giáp 30 ngày trong mỗi tháng, thì Giáo hội nếu đông chia ra: phân nửa Tăng đi khất thực, phân nửa Tăng nhận cúng dường trọn bữa ăn.

 

4.     Tốt hơn là mỗi người hàng ngày đều phải đi bát, ban hộ pháp chỉ hộ thêm sau khi đi về.

 

5.     Khi đi khất thực, nếu ai về không kịp ngọ, lỡ quá trưa thì phải độ nơi chỗ vắng, gốc cây, xa đường lộ, phố xá, chợ đông. Phải tránh những chỗ dơ dáy bụi bặm, cấu trược ồn ào, vì thế sẽ làm nhẹ thể pháp Phật.

 

6.     Đi bát không được vô chợ, hoặc đứng phía góc chợ, hoặc chen lấn chỗ đám đông. Nên phải đi vào trong xóm và các đường lộ xa chợ.

 

7.     Mỗi đường có thể đi ba ngày, đi xa không quá 3000 thước.

 

8.     Bận đi phải đi luôn, bận về nếu thiếu thì đứng trước cửa từ nhà (ngoài đường, chớ không được vào thềm), mỗi nhà đứng 5, 3 phút theo thứ tự.

 

9.     Khi bát còn lưng, thì ôm qua tay trái gần trước bụng, lúc đầy rồi phải để vào túi, phủ nắp lại, quảy phía tay mặt, không nhận nữa.

 

10.Không nhận lãnh đồ vật để trong túi, ngoài bát, hoặc trên nắp bát.

 

11.Không được nhận tiền, gạo, không được nhận đồ ăn mặn. Khi người đem đến cúng, mình có thể hỏi xem chay hay mặn, đó là gương dạy thiện cho người.

 

12.Không được đi vào nhà ai khi đi khất thực. Nếu phải đi viếng ai hoặc có việc của Giáo hội sai, thì đi lại ngay nhà người ta trước, bát mang chớ không ôm, bận về mới ôm ra đi xin mà trở về.

 

13.Không được đứng lại uống nước, hay đại tiểu khi đi khất thực.

 

14.Bát nếu ôm trần thì được nhận, bát mang trong túi cấm thâu nhận.

 

15.Không được ngó mặt thí chủ, hoặc nói chuyện quá 5, 6 câu.

 

16.Ai có hỏi đạo giữa đường thì kiếm gốc cây ngồi nói, hoặc hẹn sau khi độ cơm rồi sẽ nói, hoặc mời người đến ngay chỗ ngụ, hoặc để ngày khác người thỉnh cúng dường tại nhà có Tăng đông, có cư sĩ nhiều sẽ nói.

 

17.Khi đi khất thực, ai muốn cúng hoặc thí gì tự ý, bao giờ người hỏi sẽ chỉ dạy, bằng không thì thôi, chớ chê khen bắt lỗi ép buộc người ta.

 

18.Nếu biết cơm có dính lỡ đồ ăn mặn, thì khi về phải cho người khác chớ không được dùng, bằng khi túng ngặt phải gụt rửa sạch mới được dùng.

 

19.Khi đi khất thực phải trang nghiêm hòa hoãn, ngó ngay xuống, ngó xa 2 thước, chớ ngó liếc hai bên, chớ tìm lóng nghe chuyện người nói, tâm phải niệm Phật.

 

20.Đừng vừa đi vừa nói chuyện, chỉ trỏ. Muốn qua đường quẹo phải đứng lại xoay mình, chớ đừng đi tắt xéo.

 

21.Mỗi khi có chuyện gì thì phải đứng lại, có ai cúng thì chỉ lại người sau, cho để bát trước.

 

22.Ngày nào ai đi bát đường nào phải sắp đặt trước tại chùa, chớ đừng ra đường lộn xộn.

 

23.    Khi đi khất thực, ngoài món ăn ra không nhận món chi ai gởi hết, hãy bảo người đem lại các chùa kia. Ai nói gởi cúng Phật thì không được nhận, hãy nói: “Tăng chỉ là người tu đi xin ăn mà thôi.”.

 

24.Ăn rồi, đồ nếu còn dư phải cho hết, không được để dành.

 

25.Đồ khất thực trước phải độ trước. Đồ cúng dường sau phải độ sau.

 

26.Khi đi khất thực không được chống gậy, mang giày, che dù… Phải mặc áo chừa cánh tay mặt, đầu trần, chân không, phải mặc vấn thượng y trùm kín.

 

 

VIII. THẬP LỤC HẠNH

 

1. PHÉP ĐI ĐẾN NHÀ CƯ SĨ

 

Tăng đi phải 2 người sắp lên, Ni đi phải 4 người sắp lên.

 

Không được ở đêm nơi nhà cư sĩ, trừ khi có tai nạn kíp, được ở một đêm thôi. (Người xuất gia rồi chẳng đặng trở về nhà, chẳng đặng biết quyến thuộc riêng, chủng tộc riêng, mà xem tất cả là chúng sanh chung. Người tập sự có thể 3 tháng về một lần, giáp năm về một lần, 2 năm về một lần. Về ban ngày, mỗi lần chừng 2 giờ đồng hồ, đi với 4 vị sư.) Chớ dòm ngó đồ vật hai bên, chớ ngó ra phía sau. Phải ngồi ngay giữa, day mặt ngó ra. Khi vào phải có người thỉnh 3 lần: một lần ngoài đường, một lần trong sân và một lần trước cửa.

 

Không có ghế riêng thấp thì chẳng đặng ngồi. Nếu thấy chủ nhà ngồi ván ghế cao, ăn thịt uống rượu, đi guốc giày, để đồ dằn mạnh, thì phải kiếu ra về.

 

Không được hỏi thăm tuổi tác, tên họ, mạnh giỏi, làm ăn dua bợ theo kẻ thế. Nhà nào không có đàn ông rước thì chẳng đặng vào (Ni cô thì không có đàn bà rước chẳng đặng vào). Biết nhà không ưa chớ nên vào. Vào nhà cư gia không quá 2 giờ đồng hồ. Nhà không ghế riêng cho nhà sư thì ngồi trên đất hết thảy, hoặc đứng. Còn giường ván của cư gia chẳng được phép ngồi.

 

Phải tránh thị phi tai tiếng. Chớ nói cười cao giọng, chớ ngó mặt ai. Chớ tôn trọng sắc thân vật chất của người.

 

Phải có mặc vấn y thượng kín đáo đoan trang, cử chỉ thanh cao, nói năng chậm rãi, mắt ngó ngay xuống, chớ ở lâu, hãy sớm liệu ra về.

 

2. ĂN

 

Trong khi ăn ngồi bán già, bát để trước mặt, sát chân. Canh, bánh trái để ăn sau, cơm đồ ăn phải trộn lại cho đều, khi bịnh mới để riêng từ món. Tay trái ôm bát, tay mặt cầm muỗng không rời. Muỗng múc tém gọn, miệng không hả lớn. Đừng hả miệng trước, chớ cho rớt cơm hoặc lào thào. Nhai chớ hở môi, nhai cho thật nhuyễn và chậm rãi. Đang khi nhai chớ múc muỗng khác, chớ làm xao động. Cơm, đồ ăn rớt phải lượm bỏ vào bát (nếu lấm dơ phải lượm để riêng). Đang khi ăn chớ nói chuyện, chớ ngó liếc. Ăn chung Giáo hội phải một lượt hòa chúng. Ngồi phải ngay lưng, đầu hơi khom cúi. Mắt ngó xuống tách nước ngay trước mặt cách 5 tấc. Muỗng cơm đưa lên tới miệng, chớ khom đầu. Khi ăn múc chi độ nấy, chớ lựa chọn món ăn.

 

 

Ăn rồi phải rửa tay, miệng 3 lần mới uống nước. Bát ai nấy rửa. Trước khi ăn cúng dường chú nguyện, khi ăn rồi đọc kinh cầu nguyện. Cách ngồi ăn phải phân minh thứ lớp. Tập sự theo tập sự, khất sĩ theo khất sĩ, ngồi cách một chỗ ngồi. Ăn chớ để dư thừa, phải nhắm chừng sớt ra cho ai trước khi ăn. Chớ ngồi ăn chung với cư sĩ, chớ ăn tại chỗ thờ Phật, chớ ăn chung với Ni lưu.

 

Trai Tăng phải từ 4 vị sư. Ăn chớ chấp mùi vị, chớ quá no. Bịnh phải tự cữ ăn.

 

3. MẶC

 

Áo chăn có thứ lớp, chớ lộn xộn. Tăng mặc nửa ống chân (Ni ngang mắc cá), mặc xếp phía trước. Nếu có rách vừa bằng ngón tay là phải vá lần, đừng đợi rách lớn. Màu lợt phải nhuộm sậm lại. Chăn áo ba ngày phải giặt. Thượng y nửa tháng phải giặt, chớ để mùi hôi. Dính dơ phải cắt bỏ vá lại.

 

4. NÓI

 

Nói rất ít, ngậm miệng cắn răng, tìm cách tránh nói, cực chẳng đã nói với ai 5, 6 câu trở lại thôi. Nên tập nói pháp, chớ nói thế sự, chiến tranh, tôn giáo, chê bai, bói khoa, khoe khoang, nói dối, đâm thọc, rủa sả, nói giễu cợt lời vô ích… Nên khen người mà chớ dua bợ, nên luận đạo mà chớ tranh cãi, chớ nói việc ai ai.

 

Nói pháp không quá một giờ đồng hồ, đọc kinh thầm nho nhỏ mỗi lần nửa giờ thôi.

 

5. LÀM

 

Chớ làm việc sát sanh, trộm cắp tổn hại ai. Chỉ làm việc đạo lý: viết sách, dịch kinh, tham thiền, nhập định, thuyết pháp, luận đạo, dạy học, khất thực làm gương lành... Giúp việc công cho Giáo hội, quét dọn chùa, tháp, cốc, sân, lượm rác, giữ vệ sinh cho Giáo hội, đóng cửa chùa, may áo vá y cho Giáo hội, sắc thuốc, nấu cháo nuôi người bịnh…

 

Chớ ra tay làm việc cho cư gia, chớ làm việc chung với kẻ chưa thọ giới. Áo ai nấy giặt. Bát ai nấy rửa. Việc riêng ai nấy làm, rảnh việc mình nên giúp kẻ khác.

 

6. ĐI

 

Đi ngay hàng, đi hai gót khít, bước cách một bàn chân, đầu cúi, lưng hơi khom, không nhìn liếc, ngó ngay tới trước mặt bề xa 2 thước. Đi chậm rãi khoan thai, tại chùa hay ra đường cũng vậy. Đi phải ngay mình, chớ lắc nghiêng qua lại, chớ đi mau, chớ đánh vòng xa, chớ chạy nhảy leo trèo. Quá ngọ tới chiều không được đi vào xóm. Có đi đâu phải từ hai người sắp lên (Ni phải bốn). Cấm đi chung và một lượt với Ni lưu, tín nữ, kẻ gian nhơn, người hung ác.

 

7. ĐỨNG

 

Đứng hai gót phải khít, hai đầu gối phải ngay, hai tay phải nắm lại, phải biết chỗ đứng theo thứ tự. Chớ đứng gần cư gia, tín nữ, Ni lưu. Chớ đứng tréo chân, chống nạnh, chớ đứng hở gót (bẹt hai chân), chớ đứng chân thẳng chân dùn. Chớ đứng một chân dưới đất, một chân trên ván ghế. Chớ đứng ẹo lưng, nghẻo đầu, dựa vách ngả ngớn…

 

8. NGỒI

 

Ngồi hầu pháp, hầu thầy, xếp chân; ngồi thiền phải ngồi kiết già; ngồi thường chỉ ngồi bán già. Chớ ngồi tréo ngoảy, chớ ngồi chồm hổm. Khi làm việc ngồi chồm hổm giây lát thì hai đầu gối phải cho khít. Mỗi khi ngồi phải tém chăn cho gọn, lấy mí thượng y che phía trước. Chớ ngồi xếp bằng lót hai chân phía dưới. Chớ ngồi sái phép. Tỳ kheo ngồi cách Sa-di 2 thước, với cư sĩ, Ni lưu cũng vậy.

 

9. NẰM

 

Phải nằm nghiêng co đầu gối, hai tay không đưa lên, không để gần chỗ trược. Chớ nằm ngửa, nằm sấp. Chớ nằm chỗ cư gia, tín nữ, Ni lưu. Chớ nằm chung hai người, trừ khi bịnh. Chớ nằm chỗ đông đảo (nằm 4, ngồi 3, đứng 2, đi 1).

 

10. THỨC

 

Thức nhiều, ngủ ít. Ngày đêm ngủ 6 giờ đồng hồ, sống chết sao cũng được. Sống bởi chúng sanh, chết bởi mình. Thân phải trì giới. Tâm phải nhập định. Trí phải huệ sáng. Tánh phải chơn như. Phải chết nơi núi, rừng, vườn; chớ chết trong chợ xóm. Chết nằm nghiêng hoặc ngồi kiết già, nên thiêu đốt lấy tro, hoặc cất xương trong hang núi.

 

11. MẮT

 

Mắt phải đừng nháy liếc, nếu ngó ngang phải xoay trọn cái đầu. Ngó phụ nữ cách xa 5 thước. Ngó ngay xống mũi, ngó thoáng qua, không được chăm chú. Xuất gia rồi, nam không ngó mặt mẹ, nữ không ngó mặt cha.

 

Mắt là thần, chủ của tâm nên phải ngó xuống và tập cho cứng. Thường phải ngó xa chân trời hướng Tây để quán tưởng. Chớ ngó sắc trần đồ vật tươi tốt khéo hay, thân người chưng dọn. Mà phải thấy chư Phật Pháp Tăng, thấy sự khổ của chúng sanh, thấy xa thẳm tận hư vô, thấy trong chơn tánh, thấy ba đời…

 

12. TAI

 

Tai không nghe thế sự, tiếng ác nhơ, êm dịu, lời kèn huyễn. Phải nghe gió, nghe hư không, nghe tiếng pháp, nghe tận nơi xa, nghe trong trí não…

 

13. MŨI

 

Mũi chớ hửi mùi thơm thúi, mà nên hửi tâm người, hửi mùi pháp, hửi tận hư không, hửi mùi của các hạng chúng sanh, hửi cùng tam thế…

 

14. LƯỠI

 

Lưỡi chớ nếm vị ngon, chớ phân biệt thức ăn, nên phải nếm pháp vị, nếm đạo lý, quả Niết-bàn an lạc.

 

15. THÂN

 

Thân chớ trau dồi tốt đẹp, mà cũng đừng quá ư trệ xấu xí, chớ ưa mềm mại, chớ ham tươi tốt áo quần. Phải trì giới phạm hạnh thanh tịnh, chớ đụng cọ với ai ai. Đừng dung dưỡng, đừng khổ hạnh. Chớ ham mập, chớ ưa ốm. Đừng sạch quá, chớ ở dơ; 3 ngày tắm một lần, đừng thoa dồi, xức ướp. Đừng uống thuốc nếu chẳng đau, đừng liều mạng khi có bịnh.

 

16. Ý

 

Ý không mong cầu, đừng hay cố chấp, sao cũng được, sao cũng xong. Sao là sao, cái gì cũng vậy, sao cũng bằng nhau, như vậy, như nhiên, như thường, như như. Đừng trái ý ai, đừng tự ý mình. Đừng nhớ tưởng, đừng rối loạn, chớ tự cao. Thân, khẩu, ý phải trong sạch lục trần. Tham, sân, si phải đoạn diệt. Sát, đạo, dâm phải dứt chừa. Bốn miệng chớ hơn thua. Phải thường ở nơi thanh tịnh, lánh chỗ lợi danh mới phải là người Khất sĩ giác ngộ.

 

TÓM LẠI:

 

Có giới mới có định. Không giới định thì không phải là người tu hành, chẳng bao giờ phát huệ sanh chơn. Chắc ai cũng chưa thành Phật, thì đừng khinh giới luật. Vì giới là Phật thân hay là chân gốc của chúng sanh, không có nó muôn loài khó sống. Giới là trung đạo, không thái quá và bất cập. Ai muốn đắc quả A-la-hán ngay kiếp này khá mau trì giới giữ hạnh, giải thoát ly gia.

 

Ta nên nhớ rằng: muốn làm bậc gì trong xã hội thế gian mà không có giới thì sẽ thất bại, tự chiêu kỳ họa. Vì không có giới thì tham sân si không dứt, mà tham sân si là độc khí sẵn trong mình, nó sẽ giết chết mình, trước khi hy vọng thành công.

 

Phạm giới, sái với kỷ luật, phận sự vai tuồng của mình là có tội, lỗi quấy. Người giữ đúng giới luật, theo trình độ của mình là phước, trúng, phải. Ấy thế, phước hay tội của mỗi bậc là do giới luật, vậy ai ai cũng phải có giới luật.

 

Vì sự thiện, ác, khổ, vui nhiều ít là do giới luật. Giới luật là nền tảng của mọi việc hay khác. Kẻ nào không giới như không có chỗ đứng, nấc thang, sẽ sa ngã té xuống hố sâu, lọt vào địa ngục, thì còn biết chi là đầu trên chân dưới, ta và người… Kẻ ấy sẽ không có chi hết.

 

 

-------------------------------