Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Ngày xưa tìm đến chốn Cửa Không
Ngày xưa tìm đến chốn Cửa Không
Lưu Thủy
Tú đã cãi nhau với anh trai, Tú đã dẫm lên trái tim của mẹ và của những chị gái, Tú đã bịt tai lại trước những tiếng gọi thảng thốt của em, Tú đã ngoảnh mặt đi trước những dòng lệ tuôn rơi của bà, vào ngày đó, Tú đã dứt áo ra đi như thế. Có một cái gì đó cứ xốn xang mãi trong lòng. Tại sao mọi việc không thể êm đẹp hơn? Tại sao không là những lời ca tiếng hát cất lên đưa tiễn người lên đường? Tại sao phải gây gỗ nhau khi bắt đầu một việc tốt đẹp như thế?...
Bốn giờ sáng, Tú soạn ít quần áo và giấy tờ, mở cửa rồi nói lớn: “Con đi đây!”. Ngay lập tức có nhiều tiếng chân chạy ra, tiếng mẹ hỏi Tú:
– Con đi đâu?
Tú đáp:
– Con đi Châu Đốc.
Mẹ hỏi dồn:
– Con có quen ai không? Con có tiền đi xe chưa?
Tú đáp qua loa và bước chân ra. Không ai dám đến sát bên Tú cả, chỉ có những tiếng khóc và những ánh mắt dõi theo…
Tú đi Châu Đốc, là phải vô Sài Gòn, rồi qua bến Miền Tây đi tiếp. 17 tuổi rồi, nhưng Tú chưa từng đi xa nhà quá 50 cây số. Sài Gòn, nghe nói là một nơi xa lắm, lớn lắm. Còn Châu Đốc, nghe nói ở đó có nhiều người tu lắm, chắc xứ đó phải thật huyền bí. Trên xe “ca” Tú đã mửa rất nhiều, đầu óc lừ đừ, trong bụng chẳng muốn ăn gì. Đường phố Sài Gòn ngang dọc nhiều quá. Hai bên đường có những cây to, cao, che mát rượi. Trên xe về Châu Đốc hầu như Tú chỉ ngủ. Cũng có vài lúc Tú thấy những hồ sen, những cây cầu, những đám dừa xanh mát…
Đêm đầu tiên xa nhà Tú ngủ ở núi Sam, kế bên chùa Tây An. Một bà cụ thương tình cho Tú mượn một tấm lát, nhưng miệng thì không ngớt mắng chửi mấy đứa con vô ơn gì đó của bà. Tú lấy giỏ làm gối, ngủ say sưa bên hiên chùa Tây An. Sáng hôm sau Tú qua chùa Bà chơi, rồi leo lên núi. Ôi chao, nào chùa, nào am, nào thất, thờ cúng đủ Thánh, Thần, Tiên, Phật. Gần trưa, Tú đã lên tới trên núi. Tú đi ngang một chỗ hơi bằng, có một chòi tranh, hai ông lão mặc đồ bà ba màu đen, tóc búi, râu lòa xòa, đang ngồi chơi. Một bà cụ vừa xách lên một giỏ đồ ăn. Hai ông lão chỉ Tú cười với nhau:
– Khà, khà, anh chàng này cũng muốn đi tu đây.
Núi Sam chỉ để lại trong Tú những ấn tượng mờ nhạt như thế. Ăn trưa xong Tú lại đi tiếp. Đêm thứ hai Tú ngủ ở bưu điện Nhà Bàng. Khuya, những người bắt ếch tập trung về chợ Nhà Bàng, ngay trước bưu điện. Những người bán khoai mì cũng đem ra mấy rổ khoai nóng hổi, thơm lắm. Cảnh mua bán ếch tấp nập thật lạ lùng đối với Tú. Những ánh đèn loang loáng, những chiếc xe đạp chở thùng ếch phía sau…
Sáng sớm ngày thứ ba Tú lại đi tiếp. Sau khi lên dốc là qua những cánh đồng, xoài, lúa, thốt nốt. Có một người Miên đeo ống leo cây thốt nốt thoăn thoắt. Con đường Tú đi qua nằm giữa những cánh đồng lúa. Đường chưa trải nhựa, bụi đỏ mù, nắng chói chang. Tú đi bộ dưới ánh nắng gắt, chỉ một ngụm nước thôi cũng thấy thèm. Trên con đường thiên lý Tú đang đi qua. Khi đến chỗ có nhà dân, Tú ghé vào xin nước. Một lu nước mát, một gáo dừa nước, thì ra người ta để sẳn trước nhà như thế. Có đoạn, đường đi ngang qua một chùa Miên. Tháp chùa nằm ngay sát bên trái đường. Rồi đến một cái chùa mà trên cổng có những nàng tiên cá. Tú ghé vào chùa, thấy thấp thoáng những nhà sư mặc đồ đỏ cam rực rỡ. Có một cái cây lớn tỏa bóng mát rượi kỳ diệu. Lòng Tú xúc động vô vàn. Đâu như Tú đã biết cây Bồ-đề từ kiếp nào vậy. Kính cẩn ngẩng nhìn cây một lát rồi Tú lại đi. Chỉ có cây Bồ-đề kêu gọi Tú. Cái chùa này không hề kêu gọi Tú. Và các sư cũng vậy…
Trưa ngày thứ ba Tú đến một ngã ba. Sau khi hỏi thăm đường đi, Tú rẽ về hướng Ba Chúc. Buổi chiều, mệt lắm rồi, Tú đi qua những thôn xóm. Có nhiều bụi trúc mọc hai bên đường xen với những tảng đá to. Người ta dùng chày giã những cọng gì đó. Tiếng chày, tiếng người nói, chó và trẻ con chạy dỡn, đây là thôn xóm yên bình. Khói bếp nhà ai bốc lên bay vào mũi Tú. Bóng trời chiều đang khuất sau lưng. “Trời ơi, sao mình lại bỏ nhà mà đi! Mình đi đâu?”... Trong thoáng chốc Tú đã xúc động như thế. Nhưng Tú vẫn đi, đi khắp nơi để tìm thầy học đạo.
Đạo là gì, Tú không định nghĩa được. Chỉ biết rằng Tú có thể trực nhận được những gì thiêng liêng, cao thượng, như vừa rồi Tú đã nhận ra cây Bồ-đề đại thọ vậy. Khi bóng nắng tắt hẳn, tối đen mọi nơi, thì Tú đến Ba Chúc. Người ta chỉ cho Tú một cái chùa. Những ngôi chùa cổ ở Nam Bộ không có mái lượn dài. Đi qua cây cột cờ trước chùa, Tú bước lên một hành lang:
– Có ai ở chùa không?
Tối thui, và chỉ có tiếng ếch nhái. Bên hông chùa có nhiều người nằm trong một cái mùng lớn. Nhưng vì không ai nói gì nên Tú lại đi. Đến hai ngày sau Tú mới nghe nói đó là những đầu lâu và xương người bị giặc Pôn-pốt giết. Không có giấy tờ tùy thân, Tú đã bị công an xã bắt, còng chân nằm trên sàng một đêm. Đêm đó Tú ngủ ngon lành chứ chẳng biết gì khác. Sáng hôm sau, khoảng tám giờ, những người công an tra hỏi Tú một hồi nữa rồi cho Tú đi. Sau khi bị phiền phức vì những người này, Tú liền lên xe đi về thị xã Châu Đốc, trong lòng không còn mơ nghĩ về một vị đạo sư nào ở vùng này nữa…
Tú đã về nhà làm giấy chứng minh nhân dân. Một tháng chờ nhận giấy chứng minh rồi cũng qua mau. Cầm tờ giấy trong tay, Tú không quyết định được sẽ đi đâu bây giờ. Nhưng Tú đã lỡ nói với gia đình rồi. Đã có giấy chứng minh thì phải đi thôi. Nhưng xứ Châu Đốc huyền bí đã làm Tú vỡ mộng. Chắc vị đạo sư của Tú không ở vùng đó. Trong khi do dự, Tú đã lên nhà chị Cả ở một thời gian. Thỉnh thoảng Tú đi đến các chùa trong phạm vi thành phố. Được người quen giới thiệu về thượng tọa Thanh Từ, Tú đã hai lần xuống hồ Tuyền Lâm. Nhưng cả hai lần Tú đều không tiếp xúc được với thượng tọa. Lần đầu Tú vào gần đến nơi thì gặp xe thượng tọa đi ra. Lần thứ hai, Tú ở trong đó vừa đi ra thì lại gặp xe thượng tọa đang vô. Nhìn chiếc xe jeep chở thượng tọa chạy ngang qua, Tú nghĩ:
– Chắc mình không có duyên ở đây.
Hơn một năm ở nhà chị Cả rồi Tú lại đi. Lần này Tú ra hướng miền Trung, ngược lại với miền sông nước Nam bộ. Sáng hôm đó, sau chín tiếng ngồi trên xe đò, Tú đã có mặt ở Bình Định. Có bao nhiêu thứ trong ruột Tú đã nôn mửa ra bằng hết trên xe. Nên khi xuống xe thì Tú quá mệt mỏi. Những người bà con niềm nở đón mừng Tú. Quê hương Bình Định, mỗi thôn làng theo một nghề truyền thống. Có thôn làm nghề rèn, có thôn làm nhang, có thôn trồng lúa và làm gốm, có thôn làm bánh tráng… Ở ngoài quốc lộ thì mọi người buôn bán, sửa xe, may vá… Tú dấu không cho mọi người biết mục đích về Bình Định của mình. Đến ngày thứ ba, anh Tám dẫn Tú đi chơi. Hai anh em đạp xe đi cùng mọi nẻo. Khi đến chùa cổ Thập Tháp, tranh thủ lúc anh Tám đứng xa, Tú đã hỏi xin thầy tri khách cho mình ở lại tu. Thầy đáp là thượng tọa Kế Châu đã nhập thất, các thầy không thể tự ý thâu nhận đệ tử được.
Trên đường về, anh Tám hỏi Tú:
– Em muốn đi tu à?
Tú gật đầu. Anh Tám có vẻ suy nghĩ. Tú rất tin tưởng ở sự thông cảm của anh. Ở bên anh Tám, Tú cảm nhận được sự ấm áp, sự quan tâm chia sẻ.
Hôm sau Tú đạp xe một mình ra chùa chơi. Tịnh xá Ngọc Duyên nằm gần bên trường học và nhà máy nước đá. Cảnh tịnh xá cũng yên tĩnh như ở Thập Tháp, tuy có chật hơn. Cổng tịnh xá nhỏ bé. Những lá vú sữa lấp loáng trong nắng sớm. Đức Phật Thích-ca ngự trong bảo tháp ở giữa chánh điện. Chánh điện hình bát giác, vật liệu đơn sơ. Phía sau tịnh xá có một cái giếng nhỏ và sâu. Tú vãn cảnh một lát rồi quay ra. Ngay sát cổng có một cái cốc nhỏ. Một vị sư già đang ngồi im lặng trong cốc. Cây lá, người vật thảy đều lặng yên tự nhiên. Sự im lặng này kêu gọi Tú, khiến Tú xin phép nhà sư cho được ngồi chơi một lát. Vị sư gật đầu. Tú lượm cái ghế đẩu ngồi sát bên ngoài cốc. Nắng sớm chiếu xuyên qua kẽ lá thật đẹp. Tiếng chim chóp mào hót trong veo. Còn đâu sự ngăn cách để gọi là “con người và thiên nhiên” nữa. Thật kỳ diệu, thật thảnh thơi êm ả vô cùng!
Ngồi như thế một lát đã sung sướng lắm rồi. Bất giác trong tâm Tú khởi lên một ý tưởng, mà sau này chính Tú cũng thấy là kỳ lạ. Tú chợt nghĩ:
– Ông già này hiền quá, làm sao làm thầy của mình được!
Nghĩ thế, Tú liền đứng dậy chắp tay xá chào nhà sư rồi đi ngay. Tuy rất cảm mến cảnh ấy, nhưng tâm của Tú cảm thấy rằng đó chưa phải là chỗ cần tìm.
Tối hôm đó, khi đi chợ về chị Hai bảo:
– Hồi sáng đứa nào lên chùa đó, bây?
Thì ra việc Tú lên chùa đã đến tai chị. Tú liền nói với chị Hai ý nguyện đi tu của mình. Nhưng chị Hai không dám lên chùa Thập Tháp xin cho Tú. Chị sợ dì Bảy, mẹ của Tú trách. Do bà con ngại, không giúp được, nên Tú muốn đi nơi khác. Ở chơi quê ngoại thêm mấy bữa nữa rồi Tú đi về. Các anh chị đưa Tú ra tận xe, mua vé cho Tú về tận nơi. Tú tìm cách xuống xe dọc đường. Sau khi hỏi thăm đường đến Nha Trang, Tú đã xuống xe ở ngã ba Thành. Thành phố biển xinh đẹp này đã không có gì kêu gọi Tú cả. Tú đi ngang qua Nha Trang như một người vô duyên.
Đêm đó Tú đi tàu lửa vào Sài Gòn. Như vậy Tú có thể tranh thủ ngủ trên tàu. Gần năm giờ sáng tàu đến ga Hòa Hưng. Tú hỏi địa chỉ chùa Từ Nghiêm ở quận 10. Khi đến chùa, Tú may mắn gặp ngay Huệ Thi, một người bạn cũ. Huệ Thi là một người bạn gái học cùng khối lớp chín với Tú. Sau khi tốt nghiệp cấp II, lấy cớ về Sài Gòn học may, Huệ Thi đã nhờ dì xin cho tu ở chùa Từ Nghiêm. Hồi còn đi học, Tú và Huệ Thi có biết nhau, nhưng chưa nói chuyện với nhau lần nào. Bây giờ gặp Tú, Huệ Thi vui vẻ xin cho Tú ở tạm trong chùa, lại xin sư bà giúp cho Tú được đi tu nữa.
Tối hôm đó, dì của Huệ Thi dẫn Tú qua gặp thượng tọa Trưởng ban. Sau khi làm lễ thượng tọa, dì trình bày với thượng tọa điều gì Tú cũng không rõ, tuy Tú quỳ ngay sát bên. Lát sau ra ngoài, Tú mới được biết là thượng tọa Trưởng ban không nhận đệ tử xuất gia. Nhưng dù sao thì lòng Tú vẫn thờ ơ, điều đó có nghĩa là chưa đủ duyên…
Hôm sau, sư bà viết giấy giới thiệu cho Tú qua một chùa bên quận I. Đến chùa, Tú trình giấy cho hòa thượng. Hòa thượng xem giấy rồi nhận Tú ngay. Ngài bảo:
– Con cứ ở lại đây. Ở đây con chỉ tu và học mà thôi, không phải làm gì hết.
Tú chắp tay xá, cảm tạ lòng từ bi của hòa thượng. Chùa này chỉ có một thầy, một trò. Nay Tú đến, Minh Thành, người đệ tử duy nhất mừng lắm, bởi vì Thành sẽ có được một sư đệ. Minh Thành nhanh nhảu dẫn Tú đi xem phòng và kinh sách của mình. Trong phòng Thành, mọi thứ đều bóng láng, lịch sự, thật tiện nghi. Tú mượn quyển Hư Hư Lục của Thành lên lầu I ngồi xem. Tú đọc qua loa vài trang thì đã đến giờ dùng tiểu thực.
Một Phật tử bưng lên cho hòa thượng một mâm cơm. Chùa chật, ít người, nên hòa thượng ra ngay bàn khách ngồi dùng. Xới một chén cơm, hòa thượng đưa lên miệng và. Ngay lúc thấy hòa thượng lua cơm vào miệng, bỗng nhiên trong lòng Tú khởi lên một cảm giác bất kính. Tú liền tự nhủ:
– Nếu mình đã không kính người ta thì mình không nên ở đây.
Không kịp dùng cơm, Tú lập tức xin phép hòa thượng về quê làm giấy tạm vắng. Và từ đó Tú không bao giờ trở lại chùa này nữa.
Đêm đó Tú nghỉ ở Từ Nghiêm. Tú cũng không nhớ mình đã giải thích gì với mọi người trong chùa. Khi vắng vẻ một mình, Tú đến quỳ dưới chân Thánh tượng đức Quán Âm. Tú thành kính lạy đức Bồ-tát rồi nguyện:
– Kính lạy đức Bồ-tát! Xin đức Bồ-tát hãy giúp đỡ cho con. Con muốn xuất gia học đạo giải thoát trong kiếp này. Nhưng con đã đi nhiều nơi mà vẫn chưa được như ý nguyện. Có nơi con muốn ở lại thì người ta lại không nhận. Có nơi người ta chịu nhận thì con lại không muốn ở. Xin đức Bồ-tát dẫn con đến nơi cần phải đến. Xin đức Bồ-tát hãy xui khiến ba mẹ con cho phép con đi…
Tú lạy tạ đức Bồ-tát rồi đi ngủ. Qua sớm ngày sau Tú yên tâm đi thẳng về nhà, lòng không còn có ý đi tìm bậc Đạo sư của mình nữa. Mọi việc sẽ có ơn trên sắp đặt, Tú đinh ninh như thế.
Qua một mùa nước nổi ở Châu Đốc, khi ấy núi Sam như một hòn non bộ khổng lồ nổi lên giữa những cánh đồng ngập nước mênh mông; lại qua thêm một mùa Trung Thu ở Bình Định, trăng sáng rỡ trên những lũy tre làng, con sông Cây Da phơi lòng cát trắng, sức sống còn lại chỉ bằng một dòng suối lặng lẽ chảy dưới trủng sâu; tròn hai năm bôn ba tìm thầy học đạo, Tú đã đi nhiều nơi, dựa vào trực giác của mình mà đến mọi nơi. Trọn một tấm lòng Tú đã ra đi. Nơi cõi vĩnh hằng có chư Phật, chư Bồ-tát, Thánh nhân. Còn nơi nhân gian này có các bậc Đạo sư, có những người đang tìm thầy học đạo, có thiện và có ác, có hết thảy những gì cần phải xảy ra…
Ba, mẹ, mọi người đều rất vui khi thấy Tú trở về. Chắc mọi người đã nghe nói về việc Tú làm ở Bình Định và ở Sài Gòn rồi, nên gia đình không ngăn cản Tú đi tu nữa. Trái lại, ba và mẹ còn bàn với nhau là nên cho phép con mình được đi, vì như thế thì thỉnh thoảng nó còn trở về thăm mình. Và hai người đã bàn là nên tìm chùa gần nhà cho Tú tu, chứ đi xa quá thì gia đình sẽ ít có dịp đi thăm Tú.
Những người thân của Tú chỉ biết được hai chùa, họ bảo Tú chọn một. Tú đã chọn ngay ngôi chùa ở xa hơn mà không hề đắn đo. Những ngày đó, và đến ngày ba dẫn Tú đi tu, bầu không khí trong gia đình có phần ấm cúng hơn hai năm trước. Tuy nhiên mẹ Tú vẫn khóc. Cả một đàn con, khi cho bớt một đứa mẹ vẫn đau lòng. Nhưng thật ra thì sớm muộn gì đàn con cũng trưởng thành, cũng phải ra đi mà thôi.
Trên thế gian này, có biết bao bậc cha mẹ đã đau khổ rất nhiều khi một đứa con ra đi. Từ bỏ đời sống thế tục, đứa con ấy ra đi học Đạo giải thoát. Sự ra đi đó là do những động cơ thật thiêng liêng thúc đẩy lòng con. Nhưng mẫu tử tình thâm, phụ tử tình thâm, khiến cho các bậc làm cha làm mẹ chỉ thấy rằng con mình còn bé bỏng lắm. Làm sao mà một đứa con thật thà, hiền hậu, lại có những lý tưởng, những ước nguyện cao thượng được? Chắc rằng con mình đã bị thất vọng về gia đình, về bạn bè, về xã hội… đó thôi. Những bậc làm cha làm mẹ cứ nghĩ như thế, và cảm thấy ray rứt, cảm thấy xót thương con hơn nữa. Trong khi đó, từng đêm, từng đêm, những ước nguyện từ tiền kiếp vọng về trong tâm con, thôi thúc con ra đi để sống một đời giải thoát!
Vào buổi sáng ba chở Tú xuống Prenn, nắng ấm rực rỡ, lòng Tú thật hân hoan vô vàn. Tịnh xá Ngọc Thiền tọa lạc trên một gò đất, có sơn bao thủy bọc. Có một sinh khí tinh khôi bao phủ khắp tịnh xá. Tú trực nhận được sức sống tự nhiên đó, mặc dù chưa có ai chỉ dạy cho Tú về điều này, cũng như Tú không thể nói được sự cảm nhận đó là thế nào. Chánh điện mới đang được xây dựng. Thượng tọa viện chủ đã đi vắng. Sư quản chúng tạm thời nhận Tú. Tú tạm biệt ba rồi xách đồ vào phòng. Một cuộc sống mới đang đến với Tú…
Khoảng năm ngày sau thượng tọa viện chủ về. Sư quản chúng xuống nhà khói bảo Tú lên lễ thượng tọa. Tú nói:
– Lễ làm sao, sư?
Sư quản chúng đáp:
– Thì cứ chắp tay xá vài cái đi.
Tú theo sư đi lên chánh điện cũ. Thượng tọa đang ngồi trên một cái ghế thấp, giỏ đồ để bên cạnh, các sư xúm quanh. Tú đi vòng vào, đến trước thượng tọa chắp tay cúi chào. Khi Tú ngước lên, thượng tọa đang nhìn Tú mỉm cười. Nụ cười của thượng tọa mới thân quen làm sao, nó đang cười vào những bôn ba của Tú. Ánh mắt của thượng tọa không lẫn với ai được, nó đang nhìn thẳng vào lòng Tú. Phải rồi, không còn nghi gì nữa, đây chính là người thầy mà Tú đã đi tìm! Như thế là quá đủ. Tú không cần hỏi thầy mình tên gì, cũng không cần để ý xem thầy cao hay thấp, mập hay ốm… Phải rồi, chính là người này đây!
Nửa tháng sau, Tú lên lễ thượng tọa xin được đi tu. Thêm nửa tháng sau thì Tú được cạo tóc. Có niềm vui nào lớn bằng niềm vui được cạo tóc đi tu? Dù là tiểu đăng khoa hay đại đăng khoa, đối với Tú đều chẳng là gì cả. Mỗi chùm tóc rớt xuống cát là một niềm hân hoan in đậm trong lòng Tú. Thật là vui sướng biết bao!
…
Mười năm sau, có một nhà sư ngồi nhìn lại chặng đường đã qua… Tú được cạo tóc, được nhập chúng làm huệ (làm tiểu). Những ngày tháng làm huệ thần tiên đã trôi qua… Tú được thọ giới làm nhà sư. Từ khi khoác chiếc y vào thì Tú không còn hồn nhiên nữa… Mười mùa cây hồng thay lá, mười lần hoa cúc quỳ nở vàng rực núi đồi, nhà sư xét lại thấy mình mười năm ngu si trong nhà đạo, không hơn gì gần hai mươi năm u mê nơi nhà đời! Thử hỏi những tranh chấp thiện ác biết bao giờ mới dừng được đây? Sự khôn ngoan lanh lẹ đâu phải là cách hành xử của một người tu hành chứ?…
Nhà sư ngồi đó. Không có nước mắt chảy, chỉ có lòng chua chát thôi. Không có sự chán nản, chỉ có lòng chân thành tự hối. Sư đã cầm bút, muốn viết rất nhiều, nhưng vọng tưởng đúng, sai gì nữa?… Để rồi, trên trang giấy trắng chỉ còn một bài thơ:
Ngày xưa tìm đến chốn Cửa Không
Chẳng tìm chùa, miễu… chỉ theo lòng
Nơi nào có đạo thì mình ở
Nguyện được giác ngộ, rõ Tổ tông.
Tháng lại, năm qua bao lầm lỗi
Nhờ thầy đưa đẩy thật lắm công.
Nay mình đầy thẹo mà chẳng tiếc,
Chỉ tiếc là chưa thật sáng lòng!
-------------------------------------------------------------------
Các bài liên quan
- VỘI
- Cuối đời trưởng lão Giác Chánh
- Ko biết
- hạnh Khất sĩ
- Ngụy Khất sĩ
- CHẤP PHÁP
- XUÂN ĐẠO 24
- Ghi chú về ĐẠO HÒA HẢO
- Từ đâu có pháp Tổng hợp
- Pháp Tổng hợp Bắc ‒ Nam PG
- NGHI TÌNH
- Giác Châu sư đã tặng thơ 7 bài
- Xuân ĐẠO - 23
- kỳ 63 TRUNG GIANG
- Trung Giang Ký Sự kỳ 62
- 61 - Trunggiang
- 60 - TrunggiangKs.
- 59 Trunggiang
- 58 - Trung-giang-ks.
- 57 - Trunggiang KS.
- 56 - Trunggiang
- 55 - Trunggiang
- TRUNG GIANG - 54
- Trung Giang Ký Sự kỳ 53
- 52 - TRUNG GIANG KS.
- Trung Giang kỳ 51
- TÂN XUÂN TỰ CẢM
- Khi ta không có gì
- MỘNG
- cúng Trai TĂNG
- Trung Giang KS. 50
- NHƯ THỊ - TRỰC CHỈ - VÔ MINH
- VÔ NGÃ CHƯA PHẢI LÀ THIỀN
- bóng ĐÁ
- cẢm niỆm
- Xuân Đạo 22
- đồng tiền Khôn
- lòng TỪ BI
- Bệnh
- Trung Quốc không có triết gia
- XUÂN đạo 21
- mAi
- Bài kệ của đại sư THÁI HƯ
- Bây giờ
- Trung Giang kỳ 49
- TRUNG GIANG - 48
- LÝ CON BÒ
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 47
- TGKS số 46
- 45 Trung Giang
- Xuân đạo 20
- Ta là cát bụi
- Trung Giang 44
- XUÂN ĐẠO 19
- Kỳ 43 – Trung Giang Ký Sự
- Trái tim của Mẹ
- Trung Giang – kỳ 42
- TRUNG GIANG KÝ SỰ - kỳ 41
- THIỀN KHÁCH nhắn tin
- Nước mắt chảy xuôi
- Xuất GIA
- TRUNG GIANG 40
- Trung Giang Ký Sự kỳ 39
- KS. 35 - Trung Giang
- Ký sự 36 Trung Giang
- Trung Giang 37
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 38
- Trung Giang KS.34
- Ký sự kỳ 33 Trung Giang
- Trung Giang kỳ 32
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 30
- Chỉ can là Hiếu
- Thuốc sâu
- NON NƯỚC LINH THIÊNG
- Ánh Nắng Tinh Khôi
- phẬt niỆm
- Chúng sanh VÔ NGÃ
- Âm dương đồng nhất lý
- Bà Hạnh Lộc
- DƯỚI MÁI TRƯỜNG THÂN YÊU
- Cảm niệm Bồ-đề Đạo tràng 2014
- THọ DụNG CHâN THậT
- thẦn thÔng
- Giấc mơ qua
- Tùy bút VU-LAN 2014
- Sự khắc nghiệt của tư tưởng tự do
- cái Nghiệp
- Gió trăng một sớm
- Vũ Trụ Đang Quay Nhanh
- TỊNH XÁ LƯU ĐỘNG
- Chùm thơ của sư MS. gởi tặng khách tri âm
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 29
- Bánh xe lăn nhanh hơn
- Ly trần
- NGƯỜI TỰ CHỦ
- Kỷ niệm một bài thơ
- VIỄN CẢNH
- Thích Hòa Bình pháp ngữ
- Nguyện Cầu
- Một bài thơ của HT. Thiền Tâm
- Nguồn thiêng Khất Sĩ
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 31
- Trung Giang 28
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 27
- Ký sự 26 Trung Giang
- Vè Kiết Hạ 2012
- TRUNG GIANG 25
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 24
- Ký sự 22 Trung Giang
- kỳ 23 TRUNG GIANG
- TRUNG GIANG KÝ SỰ – kỳ 21
- Chánh niệm
- Tình Yêu đại thể
- Trung Giang – kỳ 20
- 19 Trung Giang
- Trung Giang ký sự 18
- Chùm thơ của Lãn Nhân
- Đốc-tơ ONG
- MỘT CÂY SẬY CÓ TƯ TƯỞNG
- Kỳ 17 - TRUNG GIANG KÝ SỰ
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 16
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 15
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 14
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 13
- Trung Giang Ký Sự – kỳ 12
- TRUNG GIANG KÝ SỰ 11
- Trung Giang kỳ 10
- Ký sự TRUNG GIANG - 09
- TRUNG GIANG KÝ SỰ – KỲ 08
- Giáp Ngọ - Nhâm Thìn 58 năm
- TRUNG GIANG Ký Sự - kỳ 07
- Ký sự TRUNG GIANG - kỳ 06
- Trung Giang Ký Sự - kỳ 05
- TRUNG GIANG KÝ SỰ - Kỳ 04
- Thơ Chúc Xuân Nhâm Thìn
- Sắc Ti-gôn
- Gỡ rối tơ lòng
- TRUNG GIANG KÝ SỰ – kỳ 3
- HÃY ĐỂ CHUYỆN ĐÓ XẢY RA
- NGỌC THIỀN CA
- Lý do hình thành Bát Kỉnh Pháp
- Kẻ trộm
- Vạn Hạnh Truyền Đăng Ca
- CẠO TÓC
- Nhớ thương về...
- LỜI PHẬT DẠY
- Về Nguồn (thơ TQH)
- Xuân Thiền - TRẦN QUÊ HƯƠNG
- Nhớ TRÂU
- Tặng Phẩm Dâng Đời
- Cảm niệm trước CÂY BỒ-ĐỀ LỊCH SỬ
- Bình giảng bài "CÁC VỊ LA-HÁN ..."
- CÁC VỊ LA-HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG
- Chim vẫn hót trong vườn đấy thôi!
- NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐIỆP VÀ LAN
- Lên Núi Thiền Định
- TRUNG GIANG KÝ SỰ - kỳ 2
- TRUNG GIANG KÝ SỰ - kỳ 1