CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Ánh Nắng Tinh Khôi

Tâm Nguyên , Chủ Nhật 22-02-2015

   Ánh Nắng Tinh Khôi

 

Lưu Thủy

 

 

Bạn có hình dung đựơc cảnh tượng đó không, vào một buổi sáng nào đó, khi đứng nơi chân tháp chùa Vĩnh Nghiêm, ta trông xuống đường phố? Một con đường khuất nắng chạy dài giữa hai dãy nhà cửa san sát, rất đông người qua lại, vội vã, và một người từ trên cao lặng lẽ nhìn xuống…

 

Nắng sớm rực rỡ lắm. Nhưng nắng chỉ rực rỡ ở nơi chân tháp trở lên, ở nơi ta đứng, là ở nơi người biết thưởng thức đứng. Còn dưới kia, những bờ tường của chấp thủ và những tòa nhà của bản ngã đã che khuất ánh triêu dương.

 

Người người đang ngự trên các cỗ xe tân thời. Ta sẽ thấy rõ, dù là nhãn hiệu gì đi nữa, thì xe nào cũng giống như những chuyến đò dục vọng. Những chuyến đò ấy đưa đẩy người ta đi tới, cứ đi tới mãi, nghĩa là không xác định được bến bờ cuối cùng. Bạn có cảm thông được điều này không?

 

Con đường vắt ngang đang gồng mình dưới các sức chuyển động. Cái gì đang chuyển động vậy? Những cỗ xe đang chuyển động, muôn hình ngàn vẻ, hay là những con người đang chuyển động, với những ánh mắt, trong các vẻ mặt, nơi bao nhiêu lời nói và cử chỉ? Cát đá sẽ chịu đựng được với sắt thép và da thịt. Nhưng cát đá và nhựa đường ơi, bọn mi có chịu đựng được với ý chí của con người không, ý chí của dục vọng không ngừng nhấp nháy đó?

 

Trong rừng người đang chuyển động kia, có ai đã từng cảm thán như Trịnh tiên sinh chăng:

 

“Từng ngày đảo điên giết chết linh hồn

Thèm tuổi hồn nhiên ngồi nhìn trời xanh!”?

 

Nếu ai đó muốn thấy lại trời xanh, thì xin hãy lên đây, trên này có trời xanh, chan hòa ánh nắng. Ánh nắng này sẽ làm trái tim ta rất ấm đấy!

 

Có một người kia cả đời bôn ba, lòng chất chứa bao lo toan, vai trĩu nặng bao bổn phận. Rồi vì phạm tội, người đó phải vào tù. Ở trong tù, người chẳng còn gì để lo, người chẳng còn mục tiêu gì để bươn chải. Không có gì làm, người nhìn qua cửa sổ ngắm thế giới. Và lạ thay, lần đầu tiên trong cuộc đời, người đã “thấy” đựơc bầu trời xanh! Ôi, bầu trời xanh dịu làm sao!

 

Có lẽ dòng người đang bôn ba dưới kia sẽ cảm thấy thật vớ vẩn khi nghe những lời này. Nhưng khi đã đến đoạn cuối, khi đến cái lúc mà thấy nước chảy mây bay người ta cũng cảm thấy nao dạ, thì ắt có người sẽ phát tâm. Người ấy sẽ lên đường để:

 

Tránh gió bụi, rẽ chân tầm nẻo đạo

Gội tinh thần trần lụy được sạch trong

Sớm trở gót trên đường đầy mộng ảo

Dắt tâm hồn đến tận cõi hư không!

 

Đang tắm mình trong ánh nắng tinh khôi, bỗng có tiếng nói cất lên sau lưng  Thiện Tâm:

 

– Sư đang làm gì đấy?

 

Thiện Tâm quay lại, sư mỉm cười đáp:

 

– Thầy có thấy không?

 

Vị Tăng sinh mới quen này hỏi Tâm:

 

– Thấy cái gì?

 

Tâm chỉ tay:

 

– Đó!

 

Thầy ấy nhìn theo tay Thiện Tâm chỉ, lát sau lại quay đầu nhìn vào chính người nói, tò mò. Và nhìn thẳng vào mắt Tâm, thầy mỉm cười đáp:

 

– Thấy rồi!

 

Cả hai Tăng sinh mỉm cười, cùng đứng xem cuộc đời. Họ cảm thấy chẳng cần phải hỏi tên tuổi nhau làm chi. Vào lúc đấy, Thiện Tâm chợt nhớ đến một câu chuyện của người xưa, nói về một con chim nhạn và một cái đầm nước. Chim nhạn tung cánh trong bầu trời thênh thang, rồi có lần nhạn đã bay qua một đầm nước. Lần đầu tiên nhạn có bóng hình. Nhưng kịch tính bi hoặc hài đã không xảy ra, mà điều đã xảy ra lại chỉ thuần một hương vị giải thoát, trung tính. Cổ nhân đã kể:

 

        – Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy. Nhạn vô di tích chi ý. Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

 

Cả hai đều được giải thoát, bởi vì nhạn và nước đều chẳng có trói buộc nhau. Tâm và thân đã gặp nhau nhờ ngọn gió duyên, rồi cùng ký hợp đồng, viết nên kịch bản trăm năm… Nhưng khi tâm nhận ra điều ngộ nghĩnh này, thì cả hai sẽ không khác nào nhạn và thủy trong câu chuyện của cổ nhân:

 

Nhạn bay qua hư không

Bóng chìm dưới nước lạnh

Nhạn đâu có ý lưu dấu

Nước chẳng có lòng giữ hình…

 

Vĩnh Nghiêm, 2002

 

Các bài liên quan