CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Âm dương đồng nhất lý

Tâm Nguyên , Thứ Ba 03-02-2015

 

________Âm dương đồng nhất ________

 

   

   Lưu Thủy   

   

 

 

 

Khi Huệ Hữu mang khay trà ra nhà mát, chú đã nghe lõm được câu chuyện của sư ông và hòa thượng Trúc Lâm. Không như mọi lần khác sư ông đều bảo chú đi vô, lần này sư ông cho phép chú ở lại hầu trà. Kính cẩn tráng tách và rót trà dâng nhị vị hòa thượng xong, Huệ Hữu ngồi xuống phía sau, mà lòng cảm thấy vui lắm. Chú ngồi dựa lưng vào cột nhà, hơi ngả đầu kề bên những nhánh liễu thướt tha. Gió đồng thổi mát rượi. Những nhánh liễu đung đưa nhè nhẹ. Hai vị hòa thượng đang hàn huyên về chuyện đời, chuyện đạo. Huệ Hữu đã nghe nói rằng hai vị vốn là bạn thân từ hồi nhỏ. Đến khi lớn lên, mỗi vị đi xuất gia theo một môn phái. Chú nghe sư ông hỏi hòa thượng Trúc Lâm:

 

– Tôi hỏi thật hòa thượng nghe, khi mình tổ chức cầu siêu bạt độ, thì các vong linh có siêu không?

 

Nhấp một ngụm trà, mồi một điếu thuốc, rồi hòa thượng Trúc Lâm đáp:

 

– Để tôi kể cho hòa thượng nghe một chuyện có thật ở Huệ Nghiêm. Khoảng năm sáu mấy, lúc tôi còn ở Huệ Nghiêm, có một chuyện hơi lạ thế này… Tức là con đường trước chùa thường xảy ra tai nạn giao thông. Tai nạn không lớn, nhưng hầu như ngày nào cũng có. Đến nỗi trong chùa lúc nào cũng để sẵn bông gòn, thuốc men. Cứ hễ có ai bị tai nạn, họ dẫn vào chùa, là nhà chùa sơ cứu cho người đó.

 

Khẽ gạt tàn thuốc ra ngoài, hút vài hơi, rồi hòa thượng kể tiếp:

 

– Rồi hòa thượng biết không, trong chùa mình mới bàn với nhau là phải tổ chức cầu siêu thôi. Đây là người âm phá chứ làm sao mà cứ bị tai nạn giao thông trước chùa hoài vậy. Thế là chiều đó quý thầy làm ngay, cúng chẩn tế cô hồn, mà không làm rườm rà đâu. Quý thầy thay nhau cúng trong sáu tiếng thôi, chứ không làm tới ba ngày ba đêm.

 

Khi hòa thượng Trúc Lâm ngừng kể để nhấp một ngụm trà, sư ông của Huệ Hữu hỏi:

 

– Mà kết quả thế nào, hòa thượng?

 

Hòa thượng Trúc Lâm khoát tay:

 

– Sau đó êm liền. Từ đó về sau không còn kiểu lạ thường đó nữa.

 

Sư ông của Huệ Hữu trầm giọng:

 

– Tôi cũng không phủ nhận thế giới âm. Chúng ta tu hành, chúng ta biết rõ là có nhiều cõi sống khác, đúng như lời Phật dạy. Chính tôi cũng đã cho quy y mấy vong linh. Nó nhập vào người ta, phá phách. Người nhà mới dẫn đến gặp tôi. Tôi chỉ khuyên bảo, thuyết phục nó, rồi cho nó quy y. Mà hễ đã quy y Tam bảo thì nó không phá nữa. Tôi không bao giờ dùng bùa, chú để kết oán với họ làm gì.

 

Hòa thượng Trúc Lâm bảo:

 

– Tôi cũng đâu có dùng bùa, chú. Có oan trái với nhau là do đã có nguyên nhân từ trước, mình phải hóa giải mới đúng.

 

Sư ông bảo:

 

– Thì đúng vậy. Còn điều tôi muốn hỏi hòa thượng là có phải do cúng mà làm cho người ta siêu thoát hay không?

 

Hòa thượng Trúc Lâm chớp chớp mắt vì khói thuốc rồi ngài nói ngay:

 

– Mình cúng là mình cho người âm ăn, để họ bớt đói khổ. Mình cúng là mình tìm cách xoa dịu những khổ đau trong lòng họ. Còn họ có siêu hay không là do nhân quả của họ, chứ không phải do mình.

 

Sư ông của Huệ Hữu liền khẳng định:

 

– Chứ sao! Nếu họ phát tâm lành thì họ mới được siêu thoát lên cõi cao hơn. Có nhân lành mới có quả lành được.

 

Hòa thượng Trúc Lâm trầm giọng bảo:

 

– Cho nên mình phải xem lại nghi thức cúng tế của mình. Nếu đúng với chánh lý thì không cần làm tới ba ngày ba đêm, ồn ào, rình rang, tốn kém quá. Bên Thiền của hòa thượng thì khỏe rồi…

 

Cả hai vị hòa thượng đều đồng ý là Phật giáo Việt Nam đã bị ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa nhiều quá. Ngay cả những điều không đúng chánh pháp của họ mình cũng bị ảnh hưởng…

 

Sau đó, sư ông đã kể về bà Hỏa Hồng Kim Tinh cho hòa thượng Trúc Lâm nghe. Ngài kể:

 

“Cái chuyện này xảy ra ở Quy Nhơn. Có ông thầy Tư bắt mạch, hốt thuốc rất giỏi. Nhưng ông ấy chỉ ham tu Tiên chứ không mở phòng mạch. Hễ ai biết, tìm đến, thì ông ấy giúp. Năm đó, xui gia của ông Tư bị bệnh nặng. Đưa tới bệnh viện, bác sĩ không đoán được là bệnh gì. Con rể của ông Tư mới đến nhờ ông giúp. Bắt mạch cho ông xui rồi, ông Tư mới tìm con rể hỏi:

 

– Ba thấy mạch bị động mộc, gần đây ba con có chặt phá cây cối gì không?

 

Con rể ông Tư thưa:

 

– Khoảng mười ngày trước, ba con có biểu mấy đứa chặt một cây vông lớn sau nhà. Cái cây đó để vô ích ba ơi.

 

Ông Tư hỏi con:

 

– Ba con sai chặt, mà ba con có xin người âm không?

 

Con rể đáp:

 

– Dạ không, ba.

 

Ông bảo:

 

– Những bệnh này không thể dùng thuốc mà chữa được. Bây giờ con về xin họ đi. Con lập bàn cúng ở gốc cây, có đĩa trái cây, bình hoa, lư hương, rồi vái mà xin họ.

 

Vâng lời cha vợ, anh ta mới về cúng. Chiều hôm đó, ở bệnh viện, ba anh ta ngồi dậy đòi ăn cháo liền. Bác sĩ nào cũng khó hiểu.”

 

Cả hai hòa thượng đều cười. Hòa thượng Trúc Lâm thường chỉ cười bằng mắt. Sư ông kể tiếp:

 

“Rồi chỉ hai ngày sau là ông già bệnh lại. Lần này ông Tư bắt mạch thấy rằng mạch bị động hỏa và động kim. Ông mới nói với con rể:

 

– Ba con bị bà Hỏa Hồng Kim Tinh bắt rồi. Bà này dữ lắm. Bây giờ con phải vái đích danh bả. Con xin là cây đã lỡ chặt rồi, gia đình xin lập am cho bà, quanh năm thờ cúng. Nhưng con phải nói là có tha cho ba con thì gia đình mới lập am. Mình lập am là mình bồi thường cái cây. Nếu họ không chịu thì đừng có lập.

 

Người con rể mới về vái đích danh bà Hỏa Hồng Kim Tinh. Vừa vái xong là ba anh ta ngồi dậy đòi uống bia liền. Sợ ba đang bệnh nặng, không đứa con nào dám cho uống. Ông Tư bảo:

 

– Không sao đâu, đây là bà Hỏa Hồng Kim Tinh uống chứ không phải ba con uống. Con cứ mua bia đi.

 

Vậy mà chỉ hai hôm sau bà ta bắt chết ông xui của ông Tư. Về sau ông Tư có kể cho tôi nghe chuyện này. Tôi mới bảo ông Tư là sao đã biết người ta dữ  mà còn đặt điều kiện với họ, giống như là thách họ vậy?...”

 

Im lặng một lát, rồi hòa thượng Trúc Lâm kể kinh nghiệm của chính mình:

 

– Tôi thì đã từng gặp người âm nhiều. Hồi ở Đắc Tô, tôi cũng cúng chẩn tế cho dân. Đêm đó có hai ông già, mặc áo the, đội khăn đóng về cảm tạ tôi. Mỗi người tặng cho tôi một cái thẻ màu đỏ. Họ nói là từ trước đã từng có nhiều thầy đến Đắc Tô, nhưng chưa có ai cúng được như tôi.

 

Dĩ nhiên cúng tế mà cảm ứng được nhiều hay ít là do lòng thành, do đức hạnh của người cúng. Hai hòa thượng còn kể nhiều chuyện mà họ đã gặp, đã biết trong cuộc đời hành đạo của mình. Thế giới người âm, thế giới của các loài phi nhân được hai vị kể qua đôi chút. Huệ Hữu say sưa nghe những câu chuyện kỳ lạ đó. Tâm trí thơ ngây của chú dể dàng tiếp nhận những gì các bậc thầy đã kinh nghiệm. Chú không hề cho rằng thế giới người âm là không tồn tại. Trong vũ trụ bao la này, định luật nhân quả đã vận hành cuộc sống cho muôn loài vạn vật. Thế thì mình cứ đối xử với kẻ âm như là đối với người dương thôi.

 

Từ đó về sau, mỗi khi đi học về ngang qua các cây to, hay các am, các miếu, Huệ Hữu rất ý tứ. Mà chẳng biết chú có tuyên truyền gì với các bạn hay không, chứ ai cũng thấy là bọn trẻ bỗng nhiên dè dặt hơn đối với những gốc cây to, những ông lò, am gỗ, miếu đất…

Các bài liên quan