CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Bà Hạnh Lộc

Tâm Nguyên , Thứ Năm 22-01-2015

 

     Bà Hạnh Lộc     

Lưu Thủy

 

 

– A-lô, tiệm của chú ở đâu?

 

– Thầy đến 67B, ngay ngã ba đường 3 Tháng 2 – Phan Đình Phùng, kế bên Xuân Trường. Lên lầu 3 nghe thầy.

 

– Rồi. Cám ơn chú.

 

Vài phút sau đó thầy Tâm đã có mặt nơi tiệm Hùng CD. Khi vừa lên tới nơi thầy đã lên tiếng:

 

– Ôi chà, nơi này không xa mà cũng không gần!

 

– Chào thầy. Thầy vào đi.

 

Người đàn ông trung niên đang ngồi trước máy vi tính ngẩng đầu nhìn ra và chào mời vị khách mới đến. Người ấy tên Hùng, chủ tiệm. Chú Hùng thừa nhận nhận xét “không xa mà cũng không gần” của thầy Tâm là đúng. Ngồi trong phòng làm việc của chú, tiếng xe bên dưới đường nghe rất rõ, nhưng khi nhìn ra cửa kính thì chỉ thấy những mái ngói cũ rêu phong của mấy ngôi nhà đối diện và cả một bầu trời. Chú hỏi:

 

– Máy của thầy đâu?

 

Thầy Tâm mở giỏ lấy cái thẻ của camera đem gắn vào đầu đọc thẻ rồi đưa:

 

– Đây, chú.

 

– Ô, đầu đọc của thầy không xài được đâu, loại này dỏm lắm.

 

– Người ta cho đó.

 

Mấy phút sau, chú Hùng nói:

 

– Thầy, dạng đuôi này chỉ có riêng cho các camera loại này thôi, đưa vào máy vi tính của thầy đọc không ra là đúng rồi.

 

– Vậy ha?

 

– Bây giờ thầy cần copy những file nào?

 

– Mấy phần của chuyến đi Hà Nội thôi.

 

– Để xem, file nào đây?...

 

Hai người cùng lần lượt tìm xem. Trong hàng trăm đoạn phim ngắn họ đã chọn ra được hơn 20 đoạn thầy Tâm quay ở Hà Nội vừa rồi.

 

– Chú copy thôi nghe, chuyển định dạng rồi chép qua 2 đĩa này cho thầy.

 

– Được rồi, thầy để đây. Làm cái này hơi lâu, nghe thầy.

 

– Không sao, thầy ngồi chơi.

 

Cái màn hình chú Hùng đang xài chắc phải hơn 30 inches. Máy này mạnh thật, một lúc có thể làm nhiều việc. Không biết dùng ram cỡ nào mới có khả năng đó? Chú Hùng nói chỉ khoảng 4Gb là được.

 

Rồi chú kể vài chuyện xã giao:

 

– Thầy biết không, bà cụ nhà tôi xem như tu tại gia đó.

 

– Vậy à?

 

– Bà thường xuống Đại Ninh.

 

– Chỗ đó có hơn 70 chùa, Tăng, Ni phải hơn 500 người.

 

– Đúng rồi. Bà cụ tôi hay đi ở một chỗ lớn lắm?

 

– Vĩnh Minh?

 

– Không.

 

– Hương Sen?

 

– Không phải.

 

– Hương Nghiêm, Lăng Nghiêm, Bát Nhã…?

 

– Không phải, thầy.

 

– Hay Phương Liên?

 

– Đúng rồi, chính chỗ này!

 

– Của ngài Thiền Tâm.

 

– Chính xác.

 

– Hòa thượng Thiền Tâm lớn lắm, ngài đồng lớp với hòa thượng Thanh Từ ở Trúc Lâm thiền viện đó.

 

– Vậy hả, thầy? Mà thầy biết không, bà cụ tôi là đệ tử ruột của ngài đó!

 

– Hay quá.

 

– Bà cụ để lại xá-lợi đó thầy!

 

– Ôi cha!

 

– Thầy không tin à?

 

– Chú kể đi.

 

– Thầy biết là tôi đâu có khuynh hướng duy tâm, hầu như cả nhà cũng vậy. Chỉ có bà cụ là hay đi chùa. Mình đâu có biết bà cụ tu cái gì. Nhưng cuối đời bà nói trước cho biết ngày bà mất. Tôi cứ can: “Mẹ ơi, chắc mẹ cao tuổi quá rồi cứ nghĩ lẩn thẩn.”. Bà bảo: “Không phải đâu, tôi thấy rõ ràng, chú cứ tin tôi…”. Bà bảo ngày đó tháng đó bà đi, mình đâu có tin, còn bà cứ lo thu xếp hậu sự. Bà dặn thế này thế nọ, việc này việc kia, mình cứ vâng dạ thôi. Thế rồi ngày đó bà ở sẵn nơi chùa. Buổi trưa, đúng 12 giờ, bên chùa gọi là lúc gì đó, thầy?

 

– Cúng Ngọ, thọ trai…

 

– Đúng, đúng, lúc mấy sư cô cúng Ngọ là ở bên phòng bà đi.

 

– Bà đi năm nào?

 

– Năm 2000.

 

– Sau hòa thượng Thiền Tâm.

 

– Dạ, sau. Bà cụ đi vài năm thì cô Nguyệt cũng đi.

 

– Ni sư Như Nguyệt mất vài năm rồi.

 

– Dạ, dạ… Thế rồi ở dưới đó mới tin lên. Lúc đó mình mới biết bà cụ nói thật. Khi mình xuống, cô Nguyệt chỉ bảo phải làm những gì đó. Mình mới thưa: “Cô ơi, xin cô sắp sếp dùm những việc bên đạo, nói thật tôi chẳng biết gì. Còn việc trong gia đình, xin cô cứ để tôi lo, đừng nói làm tôi rối. Trước khi đi, bà cụ đã dặn dò kỹ lắm rồi…”. Nhưng thầy biết không, bên công an không cho bà được làm cái gì đó, thầy?

 

– Táng?

 

– Không.

 

– Kim tỉnh?

 

– Đúng, đúng, không cho nhập kim tỉnh. Ý bà là muốn được nhập kim tỉnh, để ở chỗ gần tháp của thầy mình. Nhưng hộ khẩu bà ở Đà Lạt, bà lại xuống chùa ở Đại Ninh mà mất, dưới đó họ không chịu.

 

– Năm 2000 còn khó, từ năm 2007 mới dễ chịu một chút, như tu sĩ đi làm hộ chiếu thì không cần đưa hồ sơ ra trung ương xét duyệt nữa…

 

– Thế thì không được như lời bà dặn, mình mới nghĩ đến chuyện đi thiêu. Khi còn sống bà có nói là thiêu tốt hơn chôn. Bà dặn rõ là cứ sau 8 tiếng thì liệm, rồi 3 ngày sau là mang xác đi, không cần ngày giờ gì hết. Bà bảo: “Mình chọn ngày giờ, mà khi đến lò thiêu họ bận, thì họ phải để mình lại thiêu sau chớ sao. Vậy chọn ngày giờ làm gì?”. Tôi nể bà cụ lắm, thầy. Mấy bà già Bắc xưa kỹ lắm.

 

– Bà người Bắc à?

 

– Dạ. Vào đây trước 1954.

 

– Người Bắc suy nghĩ kỹ lưỡng, nói câu nào chết câu nấy.

 

– Chịu không nổi đâu, thầy.

 

Cả hai người cùng bật cười. Chú Hùng cười bà già Bắc thân thương và đáng nể của chú, còn thầy Tâm cười cái tính cách sôi nổi hồn nhiên của chú Hùng. Từ nãy đến giờ chú Hùng đã cười rất nhiều, vô tư. Chú thường cười “khà khá!” bùng ra, sảng khoái. Cái phòng chỉ có hai người mà cứ rôm rốp như đang họp lớp cuối tuần. Cuộc sống này có những hội ngộ tình cờ mà thật thú vị… Thầy Tâm hỏi:

 

– Thế bà pháp danh gì?

 

– Ờ... Hạnh Lộc.

 

– Bà thọ không?

 

– Hình như tám tư thì phải.

 

– Chú nói bà có xá-lợi?

 

Chú Hùng móc nơi cổ áo len, lấy ra sợi dây chuyền vàng, sợi dây đeo một hộp nhỏ màu vàng, có chốt khóa lại, và hào hứng khoe:

 

– Đây, thầy!

 

Thầy Tâm nhìn, nhướng mắt như có ý hỏi. Chú Hùng kể:

 

– Đem xuống Bình Hưng Hòa thiêu,

 

– Ờ, lúc đó Đà Lạt mình chưa có lò thiêu.

 

– Dạ, dạ. Thì khi ở nhà đi xuống Đại Ninh là bà cụ đã chuẩn bị hết rồi, chẳng mang theo người nhẫn, bông tai, hay gì đâu. Mà khi liệm thì các sư cô cũng làm rất kỹ, trên người bà đâu có sắt thép gì.

 

– Sắt thép gì vô lò cũng chảy ra hết.

 

– Chớ sao. Khi thiêu xong, đứa cháu nội của bà cụ mới đến nhận tro cốt. Lúc đó cũng có mình. Tro còn nóng, nên đổ hết ra một khay nhôm. Khi đổ sang nghe có tiếng lăn lỏn xỏn. Nghĩ cũng lạ, mà mình trước giờ có nghe nói đến xá-lợi bao giờ. Lúc đó cứ đinh ninh là những gì còn lại của bà thì mình nhận hết đã, chuyện gì tính sau. Rồi khi cho vào bình, ngoài tro cốt thì cái vật lăn kêu lỏn xỏn đó là một cục, mấy cô kia kêu là xá-lợi.

 

– Nó như thế nào?

 

– Trắng trắng như bạc như chì, nặng lắm.

 

Lạ thật, nghe nói xá-lợi nổi trên mặt nước, làm sao lại nặng lắm? Thầy Tâm chăm chú nhìn người đối thoại. Chú Hùng vẫn vừa làm vừa say sưa kể:

 

– Nó nặng như vàng đó, thầy.

 

– Vậy à?

 

– Vâng. Tôi đã từng làm phân kim mà, thầy.

 

Thầy Tâm gật đầu, nghe tiếp. Chú Hùng kể là chú mang về nhà thờ. Anh em của chú đông nhưng đã sang Mỹ hết rồi, vì mẹ không đi nên chú cũng ở lại trong nước với bà. Do vậy mọi việc là do một mình chú quyết định hết, mà cũng do bà cụ đã dặn dò rất kỹ. Thầy Tâm hỏi:

 

– Nó láng hay xù xì?

 

– Nó hơi xù xì.

 

Đã nặng, màu không đẹp lại hơi xù xì, xá-lợi này chưa xịn. Chú Hùng kể:

 

– Tôi để trên bàn thờ, bên cạnh hủ cốt. Vài năm sau nó đổi màu và phát sáng, thầy!

 

– Nó như thế nào?

 

– Nó màu nâu, nâu như màu áo hàng ngày bà mặc, mà đẹp hơn. Và nó phát sáng, như ngũ sắc vậy.

 

– Hay! Tia sáng đó chiếu ra hay nhiễu nhiễu?

 

– Nhiễu nhiễu.

 

– Ồ…

 

– Có cô kia mới bảo, ông không giữ cái này để mất là uổng lắm. Ông có tiền có thể mua nhà được, mua xe được, nhưng cái này thì không tìm ở đâu mà mua được! Thế là mình vội vàng làm hộp cất nó liền.

 

– Mấy năm rồi?

 

– Khoảng 2 năm.

 

– Chú cất là đúng rồi. Mà có xem lại trong cốt chưa, chắc còn xá-lợi bên trong.

 

– Vậy hả, thầy?

 

– Xá-lợi là do tủy kết thành mà.

 

– Vậy mà mình không nghe ai nói!

 

– Thế còn giữ cốt của bà không?

 

– Không, thầy. Bà dặn là cứ làm đúng theo lời Phật dạy: sau 8 tiếng là liệm, sau 3 ngày là mang đi chôn hay thiêu, sau 10 năm là đem rải hết xuống biển. Bên Ấn Độ có sông Hằng, thôi ở Việt Nam mình mang xuống biển vậy…

 

Thầy Tâm gật đầu, thừa nhận những lời bà cụ đã bảo là đúng. Không ngờ ở Đà Lạt có một cư sĩ tu được như thế. Như bà cụ quả là sanh tử tự tại. Người xưa có nói: Mạnh dùng sức còn yếu dùng thế. Kẻ phàm phu đứng trước biển Luân Hồi quả thật là bất lực mọi bề. Nếu biết nương lực tiếp dẫn của đức Phật A-di-đà hay của chư Phật để đạt được những điều phi thường thì kẻ phàm phu đó thật là khôn ngoan. Nghĩ đến đây, thầy cứ tấm tắc khen mãi và có ý định một lát phải xin lên lầu thắp cho cụ một nén hương, gọi là tưởng niệm cụ và khích lệ con cháu trong nhà cụ. Thầy đưa tay hỏi chú Hùng:

 

– Nó lớn cỡ móng tay út này không?

 

– Không đến cỡ đó.

 

– Bằng hạt đậu xanh à?

 

– Lớn hơn, như hạt đậu đen. (Loại đậu đen xanh lòng nhỏ hơn móng ngón tay út)

 

– Cỡ đó là to. Xá-lợi đa phần thì như hạt tấm, số trung bình thì như hạt tiêu, số lớn là cỡ hạt đậu xanh trở lên.

 

Thầy nghĩ cái viên này là bà cụ cho con trai út và các con cháu của bà, để giúp những đứa con cháu vô tâm có một lối đi vào đạo. Cái viên đó mà người ngoài có giữ cũng vô ích. Chú Hùng chợt nhớ một chuyện linh nghiệm sau khi bà mất:

 

– Thầy biết không, thỉnh thoảng bà về thăm các cháu nội. Sáng ra là bọn nó kể y chang nhau, như là cùng ở trong một giấc mộng vậy! Mà kỳ thật, mình chẳng bao giờ nằm mơ thấy bà!

 

– Thì chính chú đã thừa nhận là mình không tin những chuyện tâm linh mà, cho nên chú không tiếp được những tín hiệu kia đấy!

 

– Lạ vậy, thầy?

 

– Chú thấy cái thẻ camera của thầy đó, máy vi tính ở chùa đọc không ra, lên đây thì đọc được. Thì chú cũng như cái vi tính ở chùa thầy vậy, không đọc ra được tín hiệu.

 

 Người đàn ông vui tính lại bật cười lớn tiếng. Làm vi tính mười mấy năm rồi có ngày bị so sánh giống cái vi tính thì không đáng cười sao được? Bấy giờ, đột nhiên chú tự bạch:

 

– Nói chớ đi tu phải có căn, thầy ơi. Bà cụ thỉnh thoảng lại hỏi mình có đi tu không? Mà làm sao mình tu cho nổi!

 

Thầy Tâm trầm ngâm một lát rồi nói:

 

– Nếu nói chú không có căn thì không đúng. Chú không có căn sao chú lại được làm con một người như thế?

 

– Có khi tôi cũng nghĩ gần như vậy, nhưng mà…

 

– Vấn đề là thời gian cho mọi thứ được chín, đúng không?...

 

…Thời gian, cũng đã đủ để 2 đĩa DVD làm xong. Thôi thì thầy Tâm gởi tiền rồi lo về để kẻo trễ chuyến xe buýt cuối cùng vào lúc 6 giờ. Như thế, trên một căn lầu ở phố núi Đà Lạt, thầy đã được nghe một câu chuyện rất thú vị. Cuộc đời bà Hạnh Lộc là một tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Mà trên cuộc đời này còn có bao nhiêu câu chuyện đẹp nữa? Chắc rằng khó mà biết hết, nhưng cũng còn tùy theo lỗ tai người nghe nữa…

 

 

Đà Lạt, tháng 7/2011

 

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Các bài liên quan