CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / DƯỚI MÁI TRƯỜNG THÂN YÊU

Tâm Nguyên , Thứ Tư 21-01-2015

 

DƯỚI MÁI TRƯỜNG THÂN YÊU

 

Lưu Thủy

     Kỷ niệm trường Vạn Hạnh

 

 

 

 

Sáng nay thời tiết Sài Gòn chuyển lạnh. Cái lạnh này khoảng dưới 20°C và đúng ra phải nói là thời tiết mát. Khi đi đến Học viện sư Hoàn đã đội nón len, nhưng ngoài đường thì hầu như ít có người mặc áo lạnh…

 

Trời đất đang chuyển mùa. Mà như vậy thì mùa Thu của năm học thứ ba ở Học viện đang đi vào giai đoạn cuối của nó. Bởi để chuẩn bị thi viết tại lớp và tiếp tục làm tiểu luận ở nhà, nên những buổi học trên lớp cũng tương đối thưa, thường hay có tiết nghỉ và hay dồn hai lớp học chung cho đỡ mất thời gian của giáo sư nước ngoài.

 

Vào học tiết đầu khoảng 30 phút thì sư Hoàn nghỉ, ra sau chánh điện ngồi nghe MP3. Lúc này sân trường và cũng là sân chùa hơi vắng, yên tĩnh, không còn cảnh đông đúc của gần 1000 học viên nữa, cũng không có tiếng nhạc hay mùi hương gì.

 

Sư Hoàn ngồi một lát thì có một, hai người đi ngang. Có một anh thanh niên đã ngồi xuống đầu kia của ghế đá mà sư đang ngồi. Sư Hoàn thoáng ngước nhìn anh ta. Lát sau, sư quay qua hỏi:

 

– Anh học ở đây à?

 

– Dạ, không.

 

Anh ta đáp, rồi hỏi:

 

– Ở đây dạy gì, sư?

 

Sư Hoàn không trả lời điều anh ta vừa hỏi mà lại nói ra điều sư vừa nghĩ đến:

 

        – Mọi khóa trước Học viện chỉ dạy cho tu sĩ, đến khóa VI này nhận cả cư sĩ.

 

Im lặng. Lát sau anh ta lại bắt chuyện:

 

        – Bây giờ mới biết ở đây có dạy Phật pháp cho cả cư sĩ. Mà cư sĩ là gì, sư?

 

– Kỹ sư.

 

Sư Hoàn đáp gọn lỏn và anh kia đã bật cười vì hai tiếng nói lái đó. Sư Hoàn nói thêm:

 

– Cư sĩ nghĩa là người ở nhà.

 

Anh ta hỏi:

 

– Cư sĩ có khác tu sĩ không?

 

– Nhiều lắm.

 

Sư Hoàn vẫn đáp gọn lỏn, và vẫn không nhìn người đang nói với mình. Hình như sư cũng chẳng lưu ý gì đến sự hội ngộ này. Người kia hỏi gặng, có vẻ thích thú, cũng dùng lại cách nói của sư:

 

– Ví dụ?

 

Sư đáp:

 

– Tu sĩ không có vợ.

 

– Vợ là gì?

 

Sư Hoàn nhìn mặt người hỏi, chú ý thấy đối diện mình là một người rất trí thức, có tác phong của một sinh viên. “Chắc là hàng 9x”, sư nghĩ, “vì người thành phố mau già trước tuổi mà.”. Và cũng trong một thoáng đó, sư trả lời câu hỏi mà cũng không cần phải nghĩ ngợi gì:

 

        – Vợ là người mà một người đàn ông gắn bó, có trách nhiệm, có con với nhau…

 

Hắn bật ra một câu hỏi có vẻ hơi quá trớn:

 

– Cùng làm những động tác gì đó trên giường… là vợ sao?

 

Dĩ nhiên là sư đã làm thinh, chẳng cần phản ứng gì. Anh ta bắt đầu lý luận:

 

– Pháp tướng không khác với vô tướng, phân biệt làm gì!

 

Sư Hoàn nói:

 

        – Đã vô tướng thì khác với giống gì nữa. Đã vô tướng thì có gì là đồng với biệt!

 

Người ấy hăng say nói:

 

        – Nếu không phân biệt thì cư sĩ cũng là tu sĩ. Nếu nhận ra vô tướng thì sẽ không nói vậy nữa.

 

Sư Hoàn yêu cầu:

 

– Bỏ mấy chữ “nếu” đi!

 

Một sự im lặng lại đến, tương đối... Bây giờ thì sư Hoàn đã biết là người kia có nghiên cứu Phật học Đại thừa. Nhưng nghiên cứu thì đã sao? Bánh vẽ sao bằng bánh thật. Cứ làm tới nơi thử xem… Không biết lúc ấy anh ta đang nghĩ gì, nhưng anh ta nhịp nhịp ngón tay xuống mặt ghế đá. Không khí đã có vẻ nóng lên. Và đây, anh ta hỏi:

 

– Đức Phật Thích-ca có ý định giảng đạo không?

 

Vẫn không nhìn người nói, sư Hoàn hỏi lại:

 

        – Nói không có thì còn nhận lời thỉnh của Phạm thiên Sahampati làm gì?

 

        – Dĩ nhiên có mà không có. Kinh Kim Cương nói là Phật không thuyết lời nào suốt 49 năm.

 

– Rắc rối, trùm rắc rối!

 

Vừa nhấn mạnh ba tiếng “trùm rắc rối”, sư Hoàn vừa quay sang nhìn anh ta. Sư đã thấy người kia hơi ngượng, trên cổ áo sơ mi là một khuôn mặt ửng đỏ, mắt long lanh sau tròng kính trắng đang nhìn sư. Không biết lúc đấy trong mắt anh ta thấy sư Hoàn là người như thế nào nhỉ? Anh ta vẫn cứng cỏi tranh luận:

 

– Cần phải lý luận mới sáng tỏ đạo lý.

 

Sư Hoàn hỏi mà vẫn không hề thay đổi giọng:

 

        – Thiệt không? Càng nói càng rối. Nói đến cỡ nào cũng chỉ là nói. Thay vì cứ bày vẽ thì thử ăn một miếng đi!

 

 

Thật buồn cười vì đã có một cuộc hội ngộ như thế, hội ngộ với trùm rắc rối, thường ẩn trong tâm mọi người, mà sáng hôm ấy đã xuất hiện dưới dạng một sinh viên. Sư Hoàn biết là mình đã áp đảo người kia khi phản ứng một cách tự nhiên, không hề có cái tâm cầu thắng, tâm hạ gục ai cả. Sư đã cư xử rất thật tình, một phần cũng vì đối tượng trẻ trung, trí thức và quá nhiệt tình luận đạo.

 

        (Mấy hôm sau tình cờ gặp lại, gần chỗ đấy, dưới cây xoài to, anh ta đột ngột ủi cho sư một phát, chới với, mà tự nhiên sư cũng đi tiếp chứ không thèm ngó người ấy một cái. Có lẽ người ấy muốn thân thiết hơn với sư. Chắc là sư đã làm cho anh ta bị cụt hứng rồi.)

 

Sau cuộc hội ngộ đó sư Hoàn rút phôn khỏi tai, cất MP3 và vào lớp của mình trên lầu bốn. Sư vào học môn Quản lý tự viện, mà sư và các bạn thường gọi đùa là môn Giữ chùa. Đây là một môn học mới, năm khóa trước ở Học viện không có. Bởi sự thiết thật của môn này mà sư Hoàn đã cố gắng không nghỉ buổi học nào.

 

Trong tiết học Quản lý tự viện sáng hôm đó, thầy Trưởng phòng Sinh viên vụ đã đặt ra vấn đề “ Đề xuất luân chuyển cán bộ trụ trì” rồi yêu cầu cả lớp thảo luận. Cái danh hiệu “Cán bộ trụ trì” nghe cứ vui vui. Thật ra, vấn đề này đã được làm từ lâu trong Hệ phái Khất Sĩ rồi. Chỉ có giai đoạn sau 1975 Hệ phái mới tạm ngưng cắt Tăng luân phiên về các tịnh xá ở mỗi địa phương. Sư Hoàn đang nghe ý tứ của những người bạn đồng học. Từ khi lên Học viện đến giờ sư thường lười biếng tranh luận trong những buổi học như thế này.

 

“Chúng ta không thể chủ động về nhân sự được. Mọi việc đều phải thông qua Ban tôn giáo”… Tức là theo ý kiến đầu tiên này thì đề nghị của thầy không khả thi. Ý tứ thì đơn giản vậy, mà người nói đã trình bày rất dài và có phần nhập tâm lắm.

 

“Nếu luân chuyển thì người trụ trì sẽ không lo đầu tư cho kinh tế của chùa”… Bởi vì, theo vị Tăng sinh ấy, người ta sẽ nghĩ là chùa chung, đâu cần phải vận động tôn tạo gì. Và vị này còn nói rằng: có hai loại chùa là thập phương tự và chùa tư, mà vấn đề luân chuyển chỉ có thể làm ở chùa công, lại chỉ có thể gợi ý chứ không thể ép…

 

Hai tiết học sôi nổi trôi qua lúc nào không hay. Có nhiều ý kiến được đưa ra nhưng vẫn chưa có một kết luận. Chắc ai cũng nhận ra điều đó. Nhưng lý do của nó là gì? Có lẽ luận đề “Đề xuất luân chuyển cán bộ trụ trì” có nhiều dây nhợ quá, ít ra là ở lòng người, qua những phản ứng sôi nổi đã vừa xảy ra, có phần lấn cả thầy, vị chủ tọa.

 

Khi những tràng pháo tay cuối cùng nổ ra, lúc mọi người chuẩn bị cất vở và bút, sư Hoàn quay sang nói với thầy Hạnh ngồi gần bên:

 

– Huynh đệ thấy sao, có ngoài phạm vi “Trụ Pháp vương gia” không?

 

Tâm Hạnh đeo cái giỏ vào cổ, đứng dậy, xô cái ghế xếp ra một bên và hỏi:

 

– Ý sư là nãy giờ chưa đề cập đến “Trì Như Lai tạng” à?

 

Sư Hoàn mỉm cười. Quả thật hầu hết các ý kiến đã phát biểu đều tạm dừng ở mức “Trụ Pháp vương gia” mà chưa được bàn đến nội dung “Trì Như Lai tạng”. Nội dung Như Lai tạng vốn bất ly hình thức Pháp vương gia. Dù đặt vấn đề thế nào đi nữa thì “Trụ Pháp vương gia, trì Như Lai tạng” vẫn phải thống nhất, mà nếu tách ra thì cả hai có thể sẽ bị khập khiểng, trong nhận thức chung của mọi người.

 

---------------------------------------------------------

Các bài liên quan