CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Chơn Lý / BÀI HỌC KHẤT SĨ - Chơn Lý 18

, Thứ Hai 2011-09-17

 

 

 

LỜI NÓI ĐẦU

 

Quyển Luật Nghi Khất Sĩ rất cần thiết cho chư Tăng Ni khất sĩ học hành, vì nó gồm cả mười quyển: Bài Học Khất SĩLuật Khất SĩBài Học Sa-diPháp Học Sa-di I (Giới), Pháp Học Sa-di II (Định), Pháp Học Sa-di III (Huệ), Giới Bổn TăngGiới Bổn NiGiới Phật Tử và 114 Điều Luật Nghi Khất Sĩ, là những quyển mà chư Tăng Ni cần phải học thuộc lòng để hành trì trong mỗi lúc. Nhưng điều đáng tiếc, mỗi lần tìm kiếm từng quyển một thật rất khó khăn. Tuy nhiên, tôi có soạn lại in kết tập trong bộ Chơn Lý và tái bản ấn tống được nhiều lần, mà nguyên bộ thì rất nặng nề, mỗi khi đem theo đi hành đạo, hoặc học hành thì bất tiện. Nên tôi cho sửa sai và in kỹ lưỡng, kết tập lại thành một cuốn, lấy tựa là Luật Nghi Khất Sĩ, hầu giúp đỡ cho quý chư Tăng Ni noi theo giáo lý y bát chơn truyền của đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng.

 

Rất mong thay Chánh pháp y bát khất sĩ chơn truyền của chư Phật ba đời còn lưu trụ mãi trong không gian và thời gian vô tận.

 

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

 

Mùa Xuân năm Nhâm Tý – Phật lịch 2516

TM. GIÁO PHẨM PHẬT GIÁO KHẤT SĨ

Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên

 

 

 

 

 

BÀI HỌC KHẤT SĨ

(Chơn Lý 18)

 

 

1. KINH CÚNG NGUYỆN

 

I. CÚNG DƯỜNG TAM BẢO

 

Cầu xin cho lễ cúng dường này, đến với đức Như Lai, xin Phật chứng minh.

Cầu xin cho lễ cúng dường này, đến với chư Bồ tát, xin Tăng chứng minh.

Cầu xin cho lễ cúng dường này, đến với chư Phật Pháp Tăng, xin Tam Bảo chứng minh.

 

II. KHUYẾN KHÍCH

 

Những ai hết lòng, ân cần cung cấp, thức ăn vật uống cho đệ tử của Phật, và làm phải cho mọi người, cao thượng hơn lòng bỏn sẻn và tánh tư vị, thì sẽ hưởng được sự vui sướng thanh nhàn, đời đời kiếp kiếp ở cảnh thượng thiên; những người ấy sẽ chứng đủ các quả đạo lành, sẽ được hân hạnh về đạo lý, sự khoái lạc hoàn toàn, các vị ấy sẽ sanh lên cõi trời, để hưởng sự sung sướng và nhàn lạc luôn luôn.

 

III. CHỨNG MINH

 

Tín chủ cúng dường Phật Pháp Tăng

Chứng minh công đức nhờ Tam bảo

Chú tâm nguyện độ thiện duyên này

Tín chủ đời đời thêm phước báu

 

Sở cầu, sở ý đều thành tựu

Tín nhớ, hạnh y, nguyện trở về

Nay mới gieo nhơn, nhơn chánh giác

Sau này chứng quả, quả Bồ đề

 

Đây thể lòng từ Phật Pháp Tăng

Vì tâm thành kính biết ăn năn

Đem cho tín chủ phước thanh tịnh

Xin lấy cho mình nghiệp khó khăn

 

Tín chủ từ đây đặng nhẹ nhàng

Bến mê thoát khỏi chốn lầm than

Tiêu diêu khoái lạc y Tam bảo

Đắc quả kiếp nay thành Phật đạo.

 

IV. CẦU NGUYỆN

 

Phước cúng dường này của tín chủ

Tam nghiệp thanh tịnh định, huệ tu

Tánh cũ tự mình gồm chứa đủ

Tây phương an dưỡng hưởng thiên thu.

 

Phước cúng dường này của chư linh

Dứt tiêu tội chướng thoát vô minh

Sám hối ăn năn tâm niệm Phật

Tây phương Cực lạc đắc siêu sinh.

 

Phước cúng dường này của bá tánh

Cầu an tai nạn đặng muôn lành

Phát nguyện tu hành thành chánh giác

Tây phương Tịnh độ chỗ vãng sanh.

 

V. CHÚ NGUYỆN

 

Chú tâm nguyện độ, cả thảy chúng sanh,

Kẻ thác siêu thăng, người còn thơ thới,

Biển ái yên lặng, sông mê trong sạch,

Pháp giới chúng sanh, đồng tròn quả trí.

Nguyện khắp tín thí, ruộng phước thêm gieo,

Có tình, không tình đều thành Phật đạo.

 

Kính lạy cõi Tăng-già Tây phương giải thoát. (1 lần)

Kính lạy cửa Khất Sĩ đường Như Lai.(1 lần)

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời (3 lần)

 

VI. THỌ BÁT

 

Bát cơm tín chủ biết bao công

Đức hạnh đầy vơi tự xét lòng

Thỏa miệng thích tình tham quấy bỏ

Nuôi thân hành đạo thuốc lành dùng

Toan vun chánh pháp cho thành tựu

Nguyệt dứt ác duyên thoáng sạch không

Nguyện các việc lành làm tất cả

Nguyện xin độ tận chúng sanh chung.

 

VII. LỤC HÒA

 

Thân cùng nhau hòa hiệp ở chung

Miệng không tranh đua cãi lẫy

Ý ưa nhau không trái nghịch

Giới luật đồng cùng nhau tu theo

Kiến thức riêng chỉ giải cho nhau

Tứ sự chia đồng với nhau…

 

VIII. SAU KHI ĐỘ CƠM XONG

 

Nguyện cầu cả thảy chúng sanh, đồng đặng đủ đầy tròn xong Phật sự. (3 lần)

 

IX. ………

 

(Nếu có đọc kinh hay thuyết pháp, thì tại khoản này).

 

 

X. CHÚ NGUYỆN

 

Chú tâm nguyện độ mười phương

Kẻ âm siêu thoát, người dương nhẹ nhàng

Cõi đời biển ái lặng trang

Sông mê trong vắt sóng an, nước bình

Khắp cùng pháp giới chúng sanh

Gieo mầm mống huệ, viên thành quả chơn

Nguyện cầu tín thí công ơn

Phước điền rộng đức, huệ sơn cao tài

Hữu tình nhơn vật các loài

Vô tình bụi, đất, đá, cây bao đồng

Thảy đều đắc quả thành công

Cả nên Phật đạo hiện trong kiếp này.

Kính lạy cõi Tăng-già Tây phương giải thoát. (1 lần)

Kính lạy cửa Khất Sĩ đường Như Lai.(1 lần)

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời (3 lần)

 

 

2. LUẬT NGÔN

 

a) Đạo Phật được bảo tồn lâu dài, là nhờ giới luật; các sư được tôn trọng sùng bái là nhờ giới luật; bá tánh được an cư lạc nghiệp, vui hưởng mọi sự lành, cũng nhờ giới luật nữa! Ở xứ nào mà người ta có giữ hạnh, thì dân chúng được bình an, không có tai nạn phiền hà; dầu là nhà sư Đại thừa ở Tàu ở Nhật; dầu là Tăng Lạt ma giáo ở Tây Tạng; dầu là Tỳ kheo Tiểu thừa ở miền Tích Lan hay Thiên Trước, mọi người đều phải trân trọng giữ giới, và nhờ sự bảo hộ bởi giới lành. Lại cư gia bá tánh cũng thế, không phân biệt là miền Đại thừa hay Tiểu thừa, ai nấy đều phải cần trì giới, giữ hạnh, để sống một cách phải thế, trong sạch và hiền hòa.

 

b) Thiếu chân không đi được, cũng như thế, thiếu luật không lên cõi thượng thiên được; ai muốn sanh lên cõi trên, ngay kiếp này, phải giữ giới luật cho kỹ, vì nó là chân của mình, đưa mình đi. Tên đánh xe, khi qua truông, thấy mất cái chốt ở bánh xe hay thấy cốt xe gãy, thì nó buồn; cũng như thế, kẻ phạm giới đến giờ chết thì rầu lắm. Soi gương vui hay buồn, là tùy mặt mình tốt hay xấu; đọc giới luật cũng thế, người nghe vui hay buồn là do nơi họ có giữ giới, hay đã phạm giới.

 

 

3. PHẬT NGÔN

 

1-Đừng làm việc quấy nào hết; hãy làm việc phải luôn luôn, làm cho trong sạch các sở ý của mình; ba cái lý đó, tóm rút đạo lý của chư Phật.

 

2- Đối với nhà sư, gần rắn độc còn hơn là gần đàn bà, vì con rắn chỉ hại mạng mà thôi, chớ người đàn bà nhận chìm tới địa ngục lận. Đã bao phen ta lấy đủ các thí dụ, mà làm cho đệ tử hiểu rằng: ái tình rất nguy hiểm, đối với người, cũng như lửa đối với rơm, cũng như rắn độc, cũng như gươm hươi, cũng như hèo nhọn, nó làm cho nhơ nhuốc Giáo hội của ta.

 

3- Diệt sự ô trược, diệt các tư tưởng bất chánh, là diệt bằng cách tham thiền, làm yên tịnh và thanh bạch cái tâm, cũng như trời mưa làm rạp gió và bụi vậy.

 

4- Có hai hạng người giả dối đáng chê, một hạng khoe mình trong sạch, mà họ không có trong sạch gì, một hạng nữa khoe mình có đức, để được sướng miệng và no bụng mà thôi. Những người đó nói láo đặng cho người ta bố thí, vì người ta lầm mới cho. Những người đó là hạng giả danh đạo đức vậy.

 

5- Chúng ta phải dùng tư tưởng tốt, mà đuổi tư tưởng xấu, và chúng ta phải chặt đứt các dây xiềng để tới Niết-bàn.

 

6- Trước khi ngủ mà chăm chú tới ý tưởng quấy, thì bị năm điều hại: Chiêm bao thấy bậy, thần thánh không phò trì, cái tâm tách xa đường đạo, việc vọng tưởng làm nguội lạnh sự tham thiền, và cái thân phải dính trược.

 

Trước khi ngủ, mà chăm chú về ý tưởng phải, thì được năm điều lợi: Chiêm bao thấy điềm lành, được thần thánh phò trì, cái tâm khắn chặt với đạo lý, sự tham thiền càng được thêm hiệu quả, và cái thân không dính trược.

 

7- Xin nhiều người ghét người phiền

Xin mà chẳng đặng ta liền buồn ngay

Vậy nên ta chớ xin ai

Đặng cho an lạc khoan thai một mình.

 

8- Có hai thứ người sa địa ngục, đầu đâm xuống đất, chơn trở lên trời, ấy là bọn giả danh đạo đức, và bọn phỉ báng người có hạnh.

 

9- Mặt trời và mặt trăng lu lờ là bởi bốn vật: Thần sanh như nhựt thực và nguyệt thực, mây với sa mù, khói và bụi. Cũng như thế, chư Tỳ kheo mất cái minh mẫn, là bởi bốn món này: Rượu, sắc dục, vàng bạc và sự danh lợi phong lưu.

 

10- Khi nào mình nói: dầu với thú vật cũng vậy. Phải nói thế nào cho người ta được dạn dĩ thêm, chớ không phải chôn sống hạ mạt người ta.

 

11- Con người ta thường thường bất bình nhau là bởi có kẻ khác xen vào.

 

12- Nương mình ở chỗ thanh êm

Thì lòng khoái lạc càng thêm thâm trầm

Sống mà giữ giới chẳng lầm

Thì bề yên tịnh mười phần chẳng xao

Chẳng ganh, chẳng ghét người nào

Chẳng hay phá hại đau rầu chúng sanh

Chẳng còn mong mỏi ham tranh

Chẳng còn luyến ái quẩn quanh theo mình

Phải cho khéo tập, khéo gìn

Thì phần phước trọn mặc tình thảnh thơi.

 

13- Đức thầy chỉ dặm nẻo đường xa

Chẳng trở, chẳng lui, chẳng sợ tà

Lang hổ rống to Ngài tỉnh mỉnh

Gió mây thổi nhẹ Phật ôn hòa

Chú tâm cứu khổ cho muôn loại

Định trí vớt nàn kẻ bá gia

Phàm tục Thánh Tiên nhờ tế độ

Được thêm thuần hậu chốn Ta bà!

 

 

4. PHÁP

 

1- Thân thọ sanh từ nơi không tướng

Như giấc mơ do tượng hình ra

Người mơ tâm thức đâu mà

Trụ đâu tội phước, đều là thành không.

 

2- Pháp lành khởi, vốn xưa là huyễn

Nghiệp dữ gây, cũng huyễn mà ra

Mình bọt đậu, gió lồng qua

Không căn, không thật, pháp là huyễn thôi.

 

3- Bốn vật lớn mượn làm thân gió

Tâm không sanh, nhơn cảnh mà sanh

Cảnh không, tâm cũng không thành

Đôi đàng tội phước, như hình huyễn thôi.

 

4- Thân không thật thấy là không Phật

Tâm bông lông, biết Phật bông lông

Thân tâm tánh ấy vốn không

Người ta với Phật, cũng đồng như nhau.

 

5- Thân chẳng thấy, biết là thân Phật

Nếu biết rồi, thì Phật là không

Người không biết tội tánh không

Thản nhiên chẳng sợ, trong vòng tử sanh.

 

6- Tâm chúng sanh, thấy thanh tịnh hết

Do không sanh, không diệt mà ra

Thân tâm là huyễn thôi mà

Huyễn thì tội phước, hóa là thành không.

 

7- Pháp là pháp, vốn xưa không pháp

Không pháp mà, cũng pháp đó đây

Soi ra không pháp buổi nay

Pháp nào, pháp nấy, nào hay pháp nào.

 

 

5. THÂN

 

Thân này chưa biết ra chi

Của kia lại có chắc gì mà ham

Bao nhiêu cho thỏa lòng tham

Càng thâu càng đắm, càng làm càng say

Tiếc cho tháng rộng năm dài

Chung quy hoang phí về tay thần tiền

Được thua, thua được liền liền

Hả hê mới đó, ưu phiền đâu đây

Đem thân làm kẻ tội đày

Cho bao vật chất nó cai trị mình

Để tâm làm vật hy sinh

Suốt đời theo lịnh dục tình dắt lôi

Cái tham bao thuở cho rồi

Cái không may đến một hồi là xong

Dã tràng xe cát biển Đông

Vô tình lượn sóng cướp công nhọc nhằn

Tuồng đời ai biết cho chăng?

Như mây tan hiệp, như trăng khuyết tròn

Đêm tàn tim lụn, dầu mòn

Cái đi mờ mịt, cái còn mỏng manh

Chắc chi bọt nước đầu gành

Chắc chi sương đọng trên cành ban mai

Bọt kia làn gió nhẹ lay

Sương kia mặt nhựt chiếu ngay xong đời

Mênh mông trong khoảng đất trời

Thân ta biết gởi về nơi chốn nào?

Tử thần tay dắt làm sao?

Gần xa mấy nẻo, thấp cao mấy từng?

Và như phước thưởng, tội trừng

Biết công hay nợ, biết mừng hay lo?

Thử theo công hóa mà so

Tội dồn muôn kiếp biết to thế nào?

Phước gom nghĩ được là bao

Nếu đem trừ cấn biết sao thiếu thừa?

Dặc dài kiếp cũ, căn xưa

Biết bao oan nợ mà chưa trả đền?

Tiền cừu, hậu hận há quên

Một bên đi trả, một bên đến đòi

Lung tung trong cạm luân hồi

Day qua trở lại, biết đời nào ra?

Mấy ai suy kỹ nghĩ xa

Rảo chân sấn bước cho qua khoản này

Chán chê mộng cảnh đọa đày

Đưa tay trí tuệ tháo dây dục tình

Đoạn trừ cái hoặc vô minh

Tâm chơn trở lại, tánh linh đem về

Gieo lan hột giống Bồ-đề

Xinh tươi nhành lá, sum suê cội tàng

Nước dương rưới khắp trần hoàn

Diệt trừ phiền não, tiêu tan tội tình

Gay chèo thuyền giác độ sinh

Bến mê phút chốc biến thành ao sen.

 

 

6. KHẨU

 

Trăm năm vật đổi người dời

Một câu quý giá muôn đời còn ghi

Mở lời trước phải xét suy

Rằng ta cất tiếng, ích chi chăng là?

Bằng như lời ấy thốt ra

Làm buồn kẻ khác thì ta xin đừng

Nói chi mắng nhiếc tưng bừng

Miệng xây núi nghiệp biết chừng nào tan

Nói chi chửi rủa kêu vang

Lưỡi đào hố nghiệp biết đàng nào lên

Họa tai vì miệng mà nên

Bịnh căn vì miệng mà rên phù trầm

Ai ôi nghĩ lại kẻo lầm

Đóng bưng cửa miệng chối tầm quỷ ma

Cũng thời tiếng nói thốt ra

Của chư Phật Thánh, dịu hòa biết bao

Là câu nói pháp thanh tao

Đưa người giữa biển, sóng xô lên bờ

Ôi lời nói, quý không ngờ

Đương phàm hóa Thánh một giờ đổi thay!

Ta nay học đạo Như Lai

Hãy dùng lời nói, mở bày pháp môn!

Ta nên cất tiếng ôn tồn

Phá tan những giấc mộng hồn tối đen!

Miệng ta là cánh hoa sen

Một khi hé nở, một phen thơm lừng

Tiếng ta là gió mùa Xuân

Một cơn thổi nhẹ, muôn dân mát lòng!

 

 

7. Ý

 

Con người cái ý vốn hai

Khi mừng, khi giận đổi thay không lường

Vội vàng khi ghét, khi thương

Khi vui vui ngất, khi buồn buồn hiu!

Muốn ưa, tạo sắm đủ điều

Rồi khi chê chán bỏ liều như chơi!

Pháp nương tương đối không rời

Do hai lẽ ấy, ý đời phát sanh

Dẫy đầy ngoại cảnh chung quanh

Càng nuôi tạo ý trưởng thành thêm lên

Thói đời càng nhiễm càng quen

Bụi đời càng đắm càng đen tinh thần

Nhiều năm chung lộn trong trần

Ý mình còn giữ riêng phần được đâu?

Chịu mang ảnh hưởng từ lâu

Ý căn thôi đã ăn sâu lắm rồi

Nếu ai nhận ý là tôi

Tức thì bị ý cuốn lôi luân trầm

Dắt đi theo nẻo lạc lầm

Đọa chìm vào cõi tối tăm mịt mờ!

Nghiệp nhơn tội quả bao ngờ

Biết chi phương hướng bến bờ là đâu!

Lướt theo ý dục mong cầu

Đèo cao băng vượt, biển sâu lao mình!

Con đường sinh tử, tử sinh

Ra vào lui tới thân hình đổi thay

Luân hồi trong cõi trần ai

Cũng vì cái ý chuyển lay không ngừng

Lên cao, xuống thấp vô chừng

Cũng vì cái ý lẫy lừng buông lung

Ý năng chế ngự oai hùng

Người người răm rắp phục tùng vâng theo

Nguồn đời nước chảy thuận chiều

Cảm thương cái bọt riu riu xuôi dòng!

Mấy ai cưỡng ý, nén lòng

Vượt nguồn dục vọng, thoát vòng muốn ham

Tịnh tâm bớt nói, ngưng làm

Lần lần nhập Thánh, siêu phàm từ đây

Đừng lòng cố chấp riêng tây

Cũng đừng tính có ý này ý kia

Ta người đừng tính phân chia

Có không đừng tính, đoạn lìa hai bên

Như thường, như vậy, như nhiên

Như như chẳng động không thiên, không dời

Sự duyên thì đạo khác đời

Lý chơn đời đạo không rời, không xa

Chấp không chấp có rày rà

Đến khi vô chấp mới hòa thuận nhau

Sao sao thôi cũng là sao

Sự chi cũng vậy, thế nào cũng xong!

Tâm không vạn sự đều không

Tâm chơn vạn pháp thảy đồng quy chơn

Học đòi theo bậc thánh nhơn

Phải trừ tâm vọng mới huờn bổn nguyên

Vọng tâm là ý tư riêng

Thất tình lục dục một tên khác gì

Thường nên kiểm soát hành vi

Khi ăn, lúc nói, đứng, đi, ngồi, nằm

Đừng cho vọng ý phóng tâm

Phải nhờ giới luật buộc cầm khít khao

Tuy không thấy ý chỗ nào

Nhưng khi động tác ý xao ra ngoài

Nếu ai thiền định hoài hoài

Ấy là ý mã bị cai trị rồi

Bằng ai giãi đãi buông trôi

Trách sao ý mã chẳng lôi xa đường

Vậy nên hãy ráng kềm cương

Giờ giờ, phút phút phải thường soi tâm

Lặng lờ giữ vẻ trầm ngâm

Tánh dè dặt kín, nết đằm thắm nghiêm

Luôn luôn đôi mắt phải kềm

Đừng hay nhìn liếc kiếm tìm chi chi…

Ngó ngay xuống bước chân đi

Ngó vào tâm trí luôn khi không rời!

Lỗ tai phải để thảnh thơi

Chớ ham nghe ngóng tiếng lời ai ai…

Nghe kinh, nghe pháp, nghe bài

Nghe vào tâm trí đặng hay sửa mình

Mũi thường phải ngửi mùi thanh

Ấy mùi đạo lý thơm lành hương đưa

Ngửi lâu càng mến càng ưa

Ngửi lâu tâm trí để người nhiễm ô!

Lưỡi dầu phải nếm vị thô

Cũng đừng chê trách, thích đồ cao lương

Nếm là nếm vị chơn thường

Nếm bằng tâm trí tỏ tường nghiệm suy

Thân như xúc đối thức chi

Taychân kềm chế trong khi đụng sờ

Sờ thiên lý, nắm huyền cơ

Sờ chừng tâm trí xem hờ kẻo quên

Ý đừng vọng tưởng rối ren

Thường năng quán xét nhơn duyên tao phùng

Tưởng suy tham cứu tột cùng

Tưởng gom tâm trí tập trung điển lành!

Phàm trong sự thể tu hành

Đừng buông cái ý tung hoành tự do

Bước đầu bổn phận làm trò

Cả thân tâm trí dâng cho người thầy

Mặc người uốn nắn chuyển xoay

Đặng mình diệt hẳn riêng tây ý xằng

Sóng chung Giáo hội chư Tăng

Không còn tư ý mới năng thuận hòa

Đừng làm trái ý người ta

Cũng đừng tự ý kiêu sa của mình

Mới mong thật hiện hòa bình

Nhờ nơi giáo pháp chương trình in khuôn

Chẳng ai ý lộng tâm buông

Mỗi người nắn đúc tròn vuông thành phần.

 

 

8. NHẪN

 

1-Tục rằng no quá mất ngon

Và khi giận quá mất khôn thành khờ

Lửa xông đôi mắt đã mờ

Trắng đen phải quấy bây giờ thấy đâu

Khôn phân nghĩa nặng, tình sâu

Không rành sự cảnh, đuôi đầu làm sao

Con tâm đã lánh đường nào

Mà con ma giận nhập vào đó thôi

Đánh Nam, dẹp Bắc một hồi

Múa men nào kể đất trời là chi

Người sầu vật khóc lâm ly

Rõ ràng một cảnh A tỳ gớm ghê

Đau lòng xót mắt mọi bề

Mà người gây thảm chớ hề có hay

Đứng xa trông thấy thương thay

Lửa lòng bốc ngọn, ai tày chữa chuyên!

 

2- Một cơn nóng giận không hiền

Khói sân tím ruột, lửa phiền cháy gan

Hại lây lắm kẻ vô can

Hỏa tai một trận, khổ nàn biết bao

Gió lên ngọn lửa càng cao

Bao nhiêu sự nghiệp đổ nhào như chơi

Phật xưa có dạy mấy lời

Rằng: “Rừng công đức một đời trồng gieo

Lửa sân nổi dậy đốt thiêu

Như chim mất cánh, như diều đứt dây”

Hỡi ơi! Nghe mấy lời này

Có nên tiếc đám rừng cây chăng là?

Có nên dẹp lửa cho xa?

Có nên nhẫn nhục cho qua tháng ngày?

Có nên lấp mắt, ngơ tay?

Có nên niệm Phật hoài hoài hay chăng?

 

 

9. GIỚI

 

1- Nhịn nhường là giới đầu tiên

Kìa chư Phật vẫn thường khuyên ta hoài

Kẻ mong lìa bỏ trần ai

Mà còn phiền giận thật ngoài chữ tu.

 

2- Người lanh mắt khác phàm phu

Vượt qua vực thẳm, hố sâu dễ dàng

Kìa Phật Thánh thoát trần gian

Cũng nhờ qua khỏi con đàng chông gai.

 

3- Giữ giới hạnh chớ lầm sai

Nói hành, tật đố tránh hai tánh này

Hằng gìn bổn nguyện đủ đầy

Thích nơi thanh vắng, am mây tu trì.

 

4- Xét dò kẻ khác làm chi

Hạnh ta ta giữ cho y mới là

Cũng như lấy mật trong hoa

Con ong có phá màu hoa bao giờ.

 

5- Cái tâm chớ để bơ thờ

Phải dùng giới buộc, phải nhờ luật dây

Kết gom hạnh đức đủ đầy

Nhiễu nhương phiền não từ đây xa lìa.

 

6- Điều lành hãy gắng làm bia

Lánh xa điều ác phân chia hai đường

Để tâm trong sáng như gương

Chẳng màng sự thế, chẳng vương bụi trần.

 

7- Hãy gìn lời nói là cần

Giữ cho tâm ý lần lần thanh bai

Chớ làm một việc đơn sai

Là theo chánh đạo Như Lai lưu truyền.

 

 

10. HUỆ

 

Trí thần sáng chiếu thế gian

Trừ tiêu tiếng khổ, phá tan bóng mờ

Sông mê đã vượt khỏi bờ

Soi ra ngũ uẩn, một giờ thành không

Tai ương nạn khổ thoát vòng

Này đây cái sắc, cái không khác gì

Sắc không, không sắc đó chi

Chịu ưa, tưởng nhớ, hành vi, thức tình

Thảy đều một thứ như in

“Uẩn” từ “không” đến, “không” sanh“uẩn” về

Này là các pháp chấp nê về

Vốn không có tướng nào hề diệt sanh

Chẳng dơ, chẳng sạch khó rành

Chẳng thêm chẳng bớt, thôi thành hư không

Vậy nên cái sắc bông lông

Thọ, tưởng, hành, thức cũng đồng thế ni

Mắt, tai, mũi, lưỡi có chi

Tính chung thân, ý cũng y một chiều

Sắc, thinh, hương, vị mỹ nhiều

Kể luôn xúc, pháp cũng đều không ngơ

Sự nhìn của mắt chết trơ

Sự nghe, sự ngửi lặng lờ giác quan

Lưỡi này sự nếm khô khan

Thân này xúc động, sá màng chi chi

Ý kia đã dứt nghĩ suy

Bao nhiêu cái thức chung quy chẳng còn

Vô minh đâu có sinh tồn

Vô minh cũng chẳng hao mòn mất đi

Cái già, cái chết thấy chi

Pháp nào tận diệt, ai bi chết già?

Bốn bề thanh dịu bao la

Khổ, tập, diệt, đạo cũng xa mấy vòng

Đến đây cái trí không không

Có chi là đắc, mà trông cho thành?

Bởi không có đắc riêng mình

Thế nên Bồ tát, tâm tình không ngăn

Nương theo trí huệ vô ngần

Không còn sợ hãi, băn khoăn cảnh đời

Đảo điên mộng tưởng xa vời

Không còn ưa thích nghỉ ngơi Niết bàn

Ba đời chư Phật khắp tàng

Nương thuyền trí huệ mà sang bến bờ

Quả linh hiển đắc kịp giờ

Chánh đẳng chánh giác tôn thờ không trên

Cho hay trí huệ tảng nền

Ai mà thấu nhập trở nên phép thần

Oai to, lực rộng sáng ngần

Phép nào cao cả dám cân phép này

Năng trừ các thứ nạn tai

Rõ ràng chơn thật chẳng sai ngoa lời

Bến bờ trí huệ không ngơi

Buông ra muôn tượng, gom thời một câu

Độ đi, độ khắp đâu đâu

Độ cho giác ngộ, chóng mau viên thành.

 

Vật chi nếu có tướng hình

Thảy đều hư mộng, vọng tình bông lông

Bằng xem tướng có là không

Nhận ra đức Phật khắp trong cảnh tình.

 

Nếu ai chấp có biết mình

Biết người cùng biết chúng sanh kia là

Lại thêm mạng số biết tà

Phải đâu Bồ-tát vượt qua lưới mành.

 

Nếu xem Phật ở tướng xinh

Lại nghe Phật ở âm thanh dịu dàng

Thì ra kẻ ấy lạc đàng

Như Lai chơn tánh có tàng chi chi.

 

Những là các pháp hữu vi

Giống như mộng ảo, khác gì huyễn thôi

Tựa hồ giọt nước dòng khơi

Mảnh hình ảnh giả, chút hơi sương tàn

Thoáng qua chớp nháng lẹ làng

Phải nên soi sáng, hiệp tan đó là!

 

Cái tâm đã biết vừa qua

Vốn thành quá khứ chạy xa lạc loài

Cái tâm vừa biết đương nay

Thì tên hiện tại, nào ai thấy nào

Cái tâm chưa biết về sau

Vị lai chẳng có ước ao chi mà.

 

Kính lạy Ta-bà thế giới Thích Ca Mưu Ni Phật.(3 lần)

 

 

 

11. CẦU NGUYỆN TRAI TĂNG

 

Nay tín chủ lòng thành phát nguyện

Lễ cúng dường phụng hiến chư Tăng

Sắm sanh vật uống, thức ăn

Thuốc men, mùng chiếu, áo chăn cúng dường

Là tứ sự thông thường mọi việc

Sắp gom vào một việc trai tăng

Lễ này vốn lễ cầu an

Hiện tiền phụ mẫu được ban phước nhiều

Và cúng lễ cầu siêu báo bổ

Trong cửu huyền thất tổ từ xưa

Được nhờ ân đức móc mưa

Tiêu diêu khoái lạc phước thừa sanh Thiên

Cùng nội ngoại hai bên cật ruột

Tổ tông đồng quyến thuộc lục nhân

Kẻ xa cho chí người gần

Thảy đều thọ hưởng phước phần vẻ vang

Lòng tin tưởng trong hàng Tăng chúng

Bủa đức lành mưa phún phước rơi

Từ bi thương xót cứu đời

Ra ơn chú nguyện như lời cầu xin

Vậy gom cả tâm linh hòa nguyện

Phước lành này phổ biến thế gian

Chúng sanh khắp cõi các hàng

Siêu vòng nghiệp chướng thoát đàng trầm luân

Xứ xứ thảy thấm nhuần đạo đức

Người người đều ra sức cần tu

Mưa hòa gió thuận êm ru

Trăm nhà phước lạc muôn thu thái bình

Địa ngục bớt thảm hình thống khổ

Ngạ quỷ thường được chỗ siêu lên

Súc sanh vượt khỏi thấp hèn

Theo duyên tiến hóa đua chen lần lần

Đường thiện đạo chư thần cải dữ

Cõi nhơn người biết xử khoan dung

Nhịp nhàng theo lẽ sống chung

Chư Thiên hòa hiệp thảy đồng yên vui

Mớ vật chất lấp vùi hố thẳm

Nẻo tinh thần bước giẫm lên cao

Thánh vương phải mặt anh hào

Hiền thần đức hạnh thanh cao dạy đời

Dân lành biết giữ lời khuyến nhủ

Chỉ chuyên lo chăm chú tu hành

Không người giàu có ỷ mình

Không người nghèo khổ, ghét ganh, thích hiềm

Chốn tù tội ngày đêm trống vắng

Nạn điên khùng mất hẳn hôn trầm

Ăn xin, đui, điếc, què, câm

Bao nhiêu những cảnh thương tâm chẳng còn

Núi xương trắng mau mòn thán oán

Biển máu đào chóng cạn thù hằng

Bầu trời độc khí tiêu tan

Mùi hương bác ái thơm lan khắp vùng

Chúng sanh biết tôn sùng Phật pháp

Tiếng kệ kinh lấn áp lợi danh

Ai ai lánh dữ về lành

Bến mê Đông độ đổi thành Tây phương

Không còn phải vấn vương tứ khổ

Nỗi khổ sanh đến độ khổ già

Khổ đau oằn oại rên la

Ngặt nghèo khổ chết, xót xa bi sầu

Kỉnh đức Phật nhiệm mầu đạo chánh

Trọng chư Tăng khổ hạnh công dày

Quý yêu Pháp bảo bực thầy

Biết cây đuốc sáng hiệp vầy nương theo

Kẻ sống chớ giàu nghèo xao xuyến

Người thác đừng lưu luyến tríu mê

Sanh giả không, tử giả không hề

Sống nương cõi tạm, thác về quê xưa

Vong linh được cải chừa nghiệp dữ

Giữa ngày nay tứ sự cúng dâng

Là ngày tín chủ trai tăng

Cầu siêu tội nghiệp vong nhân bấy chầy

Được thọ hưởng đủ đầy phẩm thực

Lại chi dùng phước đức dồi dào

Thêm nhẹ nhạc pháp thanh tao

Vội vàng thức tỉnh xôn xao quy đầu

Lối tham chấp từ lâu được giải

Nợ buộc ràng oan trái dứt tiêu

Cất mình bay nhẹ cao siêu

Thung dung khoái lạc tiêu diêu thanh nhàn

Người hiện tại bình an thơ thới

Sức khỏe tăng, phấn khởi tinh thần

Sống lâu tuổi thọ thêm phần

Trí thông, huệ sáng, sắc thân tốt màu

Ý nghiệm mật giồi trau đức hạnh

Mắt tinh vi theo chánh bỏ tà

Đoan trang mặc áo nhu hòa

Ngồi tòa thanh tịnh, vào nhà từ bi

Học thấu suốt huyền vi phép nhiệm

Diệt tâm phàm vọng niệm chẳng sanh

Tập trung tư tưởng điển lành

Hào quang rạng chói chung quanh đỉnh đầu

Bồ đề nguyện đạo mầu chứng đắc

Bồ-tát thân dìu dắt thế trần

Trang nghiêm thị hiện oai thần

Độ trong sanh chúng tinh cần chuyên tu

Người người biết công phu thiền định

Dưỡng tinh thần thanh tịnh tự nhiên

Cõi đời biển ái lặng yên

Sông mê trong vắt não phiền còn đâu

Chúng sanh thảy quay đầu bến giác

Kẻ sống vui, người thác nhẹ nhàng

Đàn na tín thí công ơn

Phước điền rộng đức, huệ sơn cao tài

Hữu tình vốn nhơn loài động vật

Vô tình là cây đất bao đồng

Thảy đều đắc quả thành công

Cả nên Phật đạo hiện trong kiếp này.

 

Kính lạy cõi Tăng-già Tây phương giải thoát. (1 lần)

Kính lạy cửa Khất sĩ đường Như Lai.(1 lần)

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời (3 lần)

 

 

 

12. KINH PHƯỚC THÍ

 

Thành kính là phước báu

Quên mình là cội phước

Phước là sự bố thí

Cầu xin cho tín chủ mau đến quả trì giới.

Phước thí là con đường nhẫn nhục

Cầu xin cho tín chủ mau đến quả thiền định.

Phước thí là con đường tinh tấn

Cầu xin cho tín chủ mau đến quả trí huệ.

Phước thí là con đường vô lậu

Cầu xin cho tin chủ mau đến quả chơn như.

Phước thí là con đường giải thoát

Cầu xin cho tín chủ mau đến quả an lạc.

Phước thí là hạng người, thần, trời

Cầu xin cho tín chủ mau đến quả Niết-bàn.

Phước thí thuận xuôi theo nguồn chơn lý, là sự gieo trồng giống lành vào ruộng phước.

Phước thí sống lâu, sắc tốt, yên vui, sức mạnh và trí huệ.

Phước thí sẽ giàu sang, quan quyền, vua chúa, sự sung sướng thanh nhàn của cõi trời.

Phước thí là bến bờ núi báu, cù lao châu ngọc, lầu đài, xe cộ, của quý cõi sống no vui.

Phước thí là hạnh phúc cao thượng, trong sạch, yên lặng, sáng suốt và chơn không.

Phước thí là chân Phật, thân Thánh, đầu người, nhơn từ, quảng đại, lễ hiếu, thiện nền

Cầu xin cho tín chủ phát lòng không trên, Chánh đẳng Chánh giác thêm lên

Trời thần kỉnh phục, tiên thánh mến vì

Chư Phật vừa lòng, gương lành đáng kể

Phước huệ gồm thâu, ý nguyện toại cầu

Phiền não đoạn tuyệt, ô nhiễm tránh xa

Cúng thí là người Bồ-tát

Cầu xin cho chư Bồ-tát mau đến quả Như Lai.

Cúng dường ngôi Tam bảo

Cầu xin cho tín chủ mau đến quả Phật Pháp Tăng.

 

 

 

13. BÀI THỌ BÁT

 

Bát cơm ai sắm cực lòng

Ta ăn phải nhớ tầm công ơn người

Vì nguồn sống phải mượn hơi

Cũng như chén thuốc chữa nơi bịnh tình

Ráng tu trước độ thân mình

Sau lo độ tận chúng sanh mê lầm

Thức ăn này từ đâu đem đến

Phải chăng vì người mến đạo lành

Thương ai chín chắn tu hành

Thảo lòng, nhịn miệng kỉnh thành, kính dâng

Taythọ lãnh, bâng khuâng tự nghĩ

Đức hạnh mình thọ thí đáng không?

Món vay món trả phải đồng

Người dâng vật quý là mong phước lành

Ngăn tham quyến, không sanh lòng quấy

Dứt lỗi lầm chẳng thấy miếng ăn

Lẽ nào tập tánh khó khăn

Chìu theo khẩu nghiệp tự trăn trói mình

Cơm như món thuốc linh chữa bịnh

Ta người đau phải tính phương châm

Tạm dùng nhưng chẳng luyến tâm

Đã không tham nhiễm nào lâm tội tình

Giờ thọ thực nhắc mình tinh tiến

Lập đạo thành chí nguyện mới thành

Độ rồi cả thảy chúng sanh

Cũng như thọ hưởng phước lành hôm nay.

 

 

------------------------------------------------------------