CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Tùy bút VU-LAN 2014

Tâm Nguyên , Thứ Tư 30-07-2014

 

Tùy bút Vu-lan 2014 [1]

Lưu Thủy

 

 

 

“Tháng 7, mùa Thu, lá rụng vàng”, âm điệu Vu-lan bất chợt vang lên trong tôi. Ngoài kia trời đang mưa tầm tã, và ở miền Nam biết tìm đâu ra được mùa Thu như ở xứ Bắc? Nhưng những hoài niệm vẫn tràn về, không phải là giông bão trong lòng, mà là những niềm trân trọng cuộc sống và cảm thông với tất cả những gì đang diễn ra…

 

 

Đối với một người Như Lai sứ giả, đã từ lâu tôi cảm nhận được Vu-lan là thế! Trong tôi, Vu-lan không phải như mưa tầm tã ngoài kia, có lẽ nó “khô” hơn, nhưng rất ấm áp, rất đáng quý trọng!

 

 

Vượt khỏi phạm vi tôn giáo, Vu-lan nay đã tràn khắp xã hội Việt Nam, dạt dào trong tâm hồn của bao kẻ làm con, của những bậc làm cha và làm mẹ. Như thế, Vu-lan đã thực hiện được sứ mạng của nó: xây dựng nhân cách con người và tô đắp những tổ ấm của nhân loại trên thế gian này. Vu-lan là Nhân thừa Phật pháp, là diệu dụng giáo hóa nhân sanh của Phật, là phương tiện vào đời dìu dắt những ai chưa được “thành nhân chi mỹ”… Vu-lan đáng quý như thế đấy!

 

 

Trong tâm cảm Vu-lan, tôi nghe trong gió có lời thì thầm về ân nghĩa, thấy trong nắng có màu hiếu thuận đằm thắm đáng yêu, vớt một vài giọt mưa rơi cũng cảm được độ tươi mát của chân tình Vu-lan. Chợt nghĩ sẽ có người hỏi rằng: “Chân tình Vu-lan là gì?”, dĩ nhiên tôi sẽ mỉm cười đáp khẽ như bao người đã biết: “Hạnh Hiếu là hạnh Phật! Tâm Hiếu là tâm Phật!”.

 

 

Có lần tôi đã nghe một người bạn nói rằng: “Trên đời này thật kỳ lạ lại có những người chết năm 30 mà chôn năm 60!”. Nói vậy là 30 năm cuối đời của những kẻ ấy sống như đã chết – một cuộc sống thừa thải, sống chẳng ra gì, làm chật đất của mọi người. Nhưng có phải chỉ hiện hữu vài kẻ như thế không? E rằng ở Việt Nam hiện nay có nhiều kẻ tệ như thế lắm: chúng nó giết bà, giết mẹ, đánh cha, hãm hiếp trẻ thơ, cắt cổ bạn học, gian dối với mọi người, uống máu tươi, ăn thịt sống, lõa lồ đi ngoài phố, hú hí nhảy nhót như thú… không sao kể hết.

 

 

Những kẻ ấy nên lắng tâm nghe tiếng chuông Vu-lan đang vang vọng trong mùa Báo hiếu này. Nghĩa chữ HIẾU của nhà Phật là trước thì hiếu với 2 đấng sanh thành dưỡng dục ta nên người, kế đến là hiếu với thân bằng quyến thuộc, rộng ra phải hiếu thuận với hết thảy mọi người, với tất cả chúng sanh muôn loại. Bởi HIẾU là THUẬN, gọi chung là HIẾU THUẬN, phải hiếu thuận với tất cả chúng sanh, cùng nhau đi tới, đó là Đạo của cuộc sống, có trước các đức Phật!

 

 

Người có đức Hiếu thuận tất sẽ trân trọng cuộc sống, tất sẽ thông cảm với mình với người, với cả muôn loài vạn vật. Do Hiếu thuận người ấy thường sống an vui bình dị, có được phong thái Vô tranh của đức A-di-đà Phật, là những tư cách sống cao thượng và đáng quý. Người ấy chắc sẽ không bao giờ ru mình và mọi người bằng những vần thơ ướt át:

 

 

Dù trăm năm nữa, ngàn năm nữa

Môi vẫn còn in vú mẹ hiền

Miệng vẫn còn thơm mùi sữa mẹ

Ngàn đời tình mẹ ngự trong tim!

 

 

Không, Vu-lan không bao giờ ru người vào những giấc mộng luân hồi muôn thuở! Vu-lan cao đẹp và vĩ đại lắm! Vu-lan dạy cách làm người, mà người chân chính tức là Phật (Chân nhân tức thị Phật!). Vậy nhìn cho rộng, cho đúng thì Vu-lan dạy cách làm Phật đó. Chỉ có trẻ thơ mới yêu cái vú sữa chứ hàng Phật tử có bao giờ nặng lòng vào nơi ấy…

 

 

Có một lần vui chuyện, một chàng trai tâm sự với tôi rằng mỗi khi về nhà là anh ta đều ngủ với mẹ. Mà không phải chỉ có một mình anh ta, cả đứa em trai kế cũng giành ngủ chung với mẹ nữa. Lại có một lần khác, một bà cụ vào tịnh xá than với tôi rằng đứa cháu trai của bà đã đi mấy ngày làm bà lo quá. Thường ngày ở nhà đứa cháu ấy ngủ với bà, còn đứa em gái kế nó ngủ với ông nội. Nghe vậy tôi hỏi thăm bà cụ là cháu bà đi đâu, bà có biết không? Bà bảo: “Nó đi thi Đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh.”... Ôi chao nhân tình Việt Nam, sao mà “ướt” thế? Thanh niên trai tráng mỗi đêm còn chun vào lòng bà, lòng mẹ mà ngủ, như thế thì đến bao giờ mới nên người (men)? Chắc chắn sẽ không có ai nhân danh chánh pháp Vu-lan để cổ vũ điều này cả. Mà những tình cảm dạng này có thể gọi là HIẾU NGHỊCH chăng?

 

 

Bây giờ ngoài kia mưa đã tạnh, chữ nghĩa theo mưa rơi ra đã thành được một bài tùy bút Vu-lan. Xin chia sẻ với những ai đồng cảm, cũng như để góp thêm một tiếng nói trân trọng cho Vu-lan: Nhân thừa tức Phật thừa vậy.

 

 

 

 

 

TB: Tất cả người nam là Cha ta, tất cả người nữ là Mẹ ta, vậy ta cũng là Cha là Mẹ của mọi người đó. Thế thì lẩn quẩn quá, Vu-lan cắt nghĩa sao đây? Thật ra Vu-lan vốn vượt ngoài đống rối nùi của luân hồi sanh tử, đã chỉ rõ tính bình đẳng của chân ngã tự bao giờ!

 

 



[1] Hai-không-một-bốn

 

Các bài liên quan