CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Vũ Trụ Đang Quay Nhanh

Tâm Nguyên , Thứ Hai 17-02-2014

 

Vũ Trụ Đang Quay Nhanh

 

Lưu Thủy

(Kỷ niệm trường Vĩnh Nghiêm)

 

 

Thứ Tư hàng tuần, hai tiết đầu tiên học Kinh Na Tiên Tỳ-Kheo. Trong lớp ai cũng thích học kinh này.

 

Bấy giờ đang là năm học thứ hai. Qua một năm học Phát Bồ Đề Tâm Văn với thầy, ai cũng hơi ngán cách giảng khô khan và gay gắt của người thường được trộm gọi là “Tiến sĩ gây mê”. Thế nhưng hôm nay không khí buổi học lại khác, mọi người đang chăm chú theo dõi chuyến hành đạo đặc biệt của Tỳ-kheo Na Tiên.

 

Sáng nay thầy giảng về sự luân hồi. Đang giảng, bất ngờ thầy ngừng lại, rồi ném mấy cục phấn gọi vài người lên bảng. “Tôi yêu cầu quý vị hãy vẽ bánh xe luân hồi.”, thầy nói lạnh lùng, “Chú này đứng ở đây, còn chú kia qua bảng bên trái.”.

 

Hai Tăng sinh bắt đầu vẽ. Ở bảng bên trái, một bánh xe có sáu căm, đường nét tỉ mỉ đang hiện lên. Dưới lớp có nhiều tiếng bàn bạc, nhận xét:

 

– Có sáu căm là ẩn dụ cho sáu đường luân hồi.

 

– Sao không vẽ tám căm?

 

– Bánh xe Pháp mới có tám căm.

 

– Theo tui thì nên vẽ bánh xe có mười hai căm…

 

Trong khi ấy, ở bảng bên phải chỉ mới có một hình đường tròn một nét. Bởi mới vẽ một nét nên vòng tròn chẳng tròn trịa gì cả. Tiếng lao xao dưới lớp cất lên:

 

– Vẽ mau đi, Toàn ơi.

 

– Cứ vẽ đại đi.

 

Trong tiếng hối thúc lao xao, Thanh Toàn, người đứng ở bảng bên phải, bắt đầu ghi chứ không vẽ. Nãy giờ chú đã suy nghĩ nhiều rồi, nhưng chú cứ tự hỏi là một cái bánh xe đang quay thì phải vẽ như thế nào?...

 

Cả lớp im lặng nhìn lên bảng. Đầu tiên, Toàn ghi bên ngoài vòng tròn hai từ “Vô minh”, rồi lần lượt ghi tiếp “Hành”, “Thức”, “Danh sắc”… cho đến “Lão tử” là vừa giáp với “Vô minh”. Như vậy là không có cái căm xe nào hết. Sáu cái, tám cái, hay mười hai cái đều không có. Nhưng rõ ràng trên bảng là một vòng xích có mười hai mắc trừu tượng.

 

Nhưng vẽ đến đó chỉ mới được khía cạnh tĩnh của vấn đề mà thôi. “Luân hồi”, thầy vừa nói là “xoay tròn trở lại”, là động. Cái thường xoay trở lại là cái tâm. Còn thân thể chỉ là những cái áo do tâm lượm được trong vòng luân hồi. Đối với sáu đường luân hồi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thần A-tu-la, nhân, thiên, không thể cho rằng đi qua địa ngục là phải tới ngạ quỷ, đi qua ngạ quỷ là phải tới súc sanh… Thầy mới vừa gợi ý như thế đó thôi.

 

Sau khi ghi xong “Lão tử”, bất chợt Toàn đặt tay vào giữa vòng tròn vẽ ra một vòng xoáy lớn dần. Vòng xoáy đó chính là hình dáng của sự chuyển động. Bánh xe luân hồi đã chuyển động, đang lăn và sẽ quay mãi mãi đối với chúng sinh. Đó khác nào là sự sống tự nhiên xưa nay trong vũ trụ. Cũng như trong khi tái sanh là khuynh hướng của kẻ phàm tục, thì vô sanh là diệu dụng của bậc Thánh nhân. Sự sống cứ tiếp nối mãi mãi…

 

Như hiểu được ý nghĩa của hình vẽ trên bảng bên phải, cả lớp cùng vỗ tay vang rần. Thầy chẳng hề khen một tiếng nào cả. Nhưng hãy xem, thầy có phàn nàn gì đâu! Và chỉ tay vào những nhân duyên “Vô minh”, “Hành”, “Thức”… thầy lại tiếp tục bài giảng như chẳng có gì.

 

Đêm đó, trong sự luân hồi theo những cảm xúc buổi sáng của Toàn, có một bài thơ mới đã ra đời. Bài thơ đã được Toàn ghi vào vở, ngay phía sau phần bài học, như một kỷ niệm khó phai của thời Tăng sinh:

 

 

 

Bánh Xe Luân Hồi

 

Xin hãy vẽ bánh xe

Để chỉ luân hồi cho em thấy.

Em hỡi, tôi thua vậy

Vì luân hồi đâu phải là một bánh xe!

 

Nhưng hãy lắng nghe,

Trong cõi lòng em đang vướng mắc

Quay trở lại và tay nắm chặt

Trong từng niệm,

Luân hồi đó em ơi!

 

___________________________________

 

 

 

 

Các bài liên quan