CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / TỊNH XÁ LƯU ĐỘNG

Tâm Nguyên , Thứ Năm 02-01-2014

 

Tịnh xá lưu động

 

 Lưu Thủy 

 

 

 

 Có hai nhà sư đang ở trên một tịnh xá lưu động. Tịnh xá này có một vô-lăng, hai cầu, bốn bánh, năm cửa, bảy chỗ và tám đèn. Vị sư trẻ là sư Đồng, theo làm thị giả cho sư phụ. Dĩ nhiên lúc này sư Đồng cũng làm “lơ” xe luôn. Sư phụ đang lái xe với tốc độ trên 80km một giờ. Trên quốc lộ 20 của Việt Nam mà chạy với tốc độ đó là có phần không an toàn. Nhưng không sao, gần 40 năm kinh nghiệm của sư phụ sẽ bảo đảm cho sự an toàn của tịnh xá trên từng cây số.

 

Một cái tịnh xá biết chạy, thật là độc đáo! Chắc có nhiều người sẽ không chịu công nhận điều này. Có lẽ họ đã quen với hình ảnh những ngôi cổ tự mọc rễ trong làng quê, hay tọa lạc giữa đô thị, và nhất là đã bám cứng trong tâm thức của họ rồi. Trong khi chỗ nào người tu ở thì nơi ấy là tịnh xá, là chùa, là đạo tràng. Còn những nơi có các mái cong cong, có ba cổng, có rồng, có lân, có đại thọ, có chuông lớn treo úp và chuông bé để ngửa v.v… sẽ không thể nào trở thành đạo tràng nếu như không có người tu hành ở đó. Vậy nên có một tịnh xá lưu động đang chuyển bánh. Và quốc lộ 20 là con đường quen thuộc của nó.

 

Sư Đồng lấy một cuốn băng mới bỏ vào máy. Tiếng nói của một thiền sư Việt Nam cất lên sau mấy năm nhập thất. Những người học trò thân cận nhất xưng tán thầy: “… Hôm nay, trí thầy đã sáng, tâm thầy đã minh… Chúng con trông chờ giờ phút này từ mấy năm nay…”. Còn vị thiền sư thì tuyên bố một pháp tu mới…

 

Sư phụ thò tay vặn bớt volume lại. Tiếng ken két của băng giảm bớt, do đó giọng người đang nói trở nên rõ hơn. Tai sư phụ nghe, mắt sư phụ nhìn, tay sư phụ lái, một tay kia điều khiển cần số, hai chân của sư phụ cũng chia nhau điều khiển côn, ga và thắng. Mọi việc diễn ra nhịp nhàng. Lúc này có hơn hai người ở trong tịnh xá.

 

Sư phụ hỏi sư Đồng:

 

– Con thấy thế nào?

 

Vừa đưa chai nước suối cho sư phụ, sư Đồng vừa đáp:

 

– Con nghĩ là kho Pháp bảo vô cùng vô tận, mình cứ mặc sức lấy xài chứ phải phát minh gì nữa.

 

Uống hết nửa chai nước, đưa chai lại cho sư Đồng rồi sư phụ bảo:

 

– Cái đó gọi là tri kiến lập tri đó con!

 

Sư Đồng vẫn im lặng. Sư có ý chờ nghe sư phụ nhận định tiếp. Hơn ba tiếng qua, hai thầy trò đã nghe hết hai cuộn băng rồi. Một cuốn, thầy Chân Quang giảng Kinh Kim Cương theo cách của thầy; còn một cuốn, sư Minh Hiếu giảng bên Úc. Hai bên đường là những rừng cao su xanh tốt. Vùng đất đỏ Đồng Nai rất thích hợp với loài cây công nghiệp này. Từ cả trăm năm trước người Pháp đã đến vùng đất này lập đồn điền. Biết bao mồ hôi và nước mắt của dân nghèo Việt Nam đã đổ xuống nơi đây. Sư phụ nói:

 

– Khi một người nhập thất, rồi đối diện với tâm sanh diệt không ngừng của chính mình, người ấy mới thấy được công phu của mình đã tới bậc nào. Thật không hề đơn giản!

 

Sư Đồng thưa với sư phụ:

 

– Bạch sư phụ, nếu một người tu hành mấy chục năm, lập tông lập phái, thâu nhận đệ tử rất đông, rồi cuối cùng người ấy còn nhập thất tìm kiếm một kinh nghiệm, một pháp môn… thì hóa ra hơn ba mươi năm qua người ấy đã làm gì?

 

Sư phụ nghiêm trang nói:

 

– Cho nên chúng ta đừng có ham làm Tổ. Nếu không, ta sẽ bị Tổ Thiên Thai chê là:

 

Đứa mù dắt lũ đui theo dõi

Sa lửa hầm còn hỏi chi chi!…

 

Sư Đồng cảm thấy những lời nói này có phần nặng nề quá. Nhưng đây là thầy trò trong nhà đang nói những lời thành thật với nhau. Dù cho có trung ngôn nghịch nhĩ thì sự thật vẫn phải được nhìn nhận mà thôi. Một cái sự thật thì không phải là sự thật của ai. Bởi vì dù có là sự thật của ai, thì hiện tại nó vẫn đang là bài học của mình. Rà bớt thắng cho xe giảm bớt tốc độ khi qua vùng đông dân cư, sư phụ nói tiếp:

 

– Con thấy không, đa phần mọi người đều bị cái danh che mờ lý trí. Người ta thường đánh giá mọi việc qua hình thức, qua quan niệm, qua số đông… Ví dụ lâu nay quý thầy thường hay truyền tụng một bài kệ:

 

Phật pháp lưu truyền tám vạn tư

Tu học không thiếu cũng không dư.

Đến nay tính lại chừng quên hết

Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như!

 

Con có nghe bài kệ này chưa? Con thấy thế nào?

 

Sư Đồng đáp trong khi hai tay đang lột một trái quýt:

 

– Bạch sư phụ, bài kệ này con thường nghe các vị giảng sư nhắc đến. Con cảm thấy khẩu khí của lời kệ vẫn còn chung chung lắm.

 

Sư phụ nói:

 

– Con có biết là có một cư sĩ đã họa lại thế này không:

 

Khen ngài hòa thượng khéo suy tư

Bình sanh tu học chẳng thiếu dư!

Đã bảo quên thì quên cho hết

Nhớ để làm gì một chữ Như?

 

Sư Đồng thưa:

 

– Dạ, lần đầu con nghe bài kệ này đó.

 

Sư phụ cười, nói tiếp:

 

– Chính sư cũng có họa lại một bài.

 

Sư phụ chậm rãi đọc luôn bài kệ này, chứ không cần phải lẩm nhẩm nhớ lại như bài kệ trên:

 

Phật pháp truyền gì tám vạn tư?

Tu học chi mà thiếu với dư?

Có, không thay mặc, quên chi hết?

Tự tại đi, về vẫn được Như!

 

Ba bài kệ bộc lộ ba trình độ khác nhau. Những lời nói “Có, không thay mặc”, “Tự tại đi, về” quả thật in đậm phong cách của một vị Quán Tự Tại. Cách nói, giọng nói của sư phụ thật mạnh, thật khỏe. Những lời nói đó đập mạnh vào tâm thức của sư Đồng, để lại trong sư những ấn tượng khó phai. Chẳng phải hòa thượng Thánh Nghiêm đã nói “Thiền là lĩnh vực của bậc trí, dũng.” đó sao! Bởi vì, “… Nếu không có trí, làm sao tin nổi sau khi xóa bỏ tất cả vẫn còn một cảnh giới hiện hữu nơi mình. Nếu không phải dũng, thì thật khó mà buông bỏ triệt để tất cả tư tưởng, tri thức, tinh thần hay vật chất sở hữu từ trước.”. Cảnh giới vô ngã triệt để này đã có nhiều bậc thầy đạt được. Những vị ấy, dù cho danh hiệu của họ có là Pháp sư, Luật sư, Luận sư, Thiền sư, Đạo sư, Đại sư, Minh sư, Chân sư, Tôn sư… hay không có danh hiệu gì hết, thì đạo phong của họ vẫn tương đồng. Đạo phong đó thể hiện nơi ánh mắt, giọng nói, vẻ mặt, cử chỉ, hành vi, đời sống… Mà một vị đệ tử nào có thể nhận ra những phong cách siêu thoát đó, và chịu nhẫn nại theo học với các bậc thầy ấy, thì người đệ tử đó cũng phải có căn cơ hơn người.

 

Hai thầy trò đang nhâm nhi mấy múi quýt. Quýt Trung Quốc không chua như quýt Ta và cũng không ngon lắm. Xe đang đi qua vùng Giấc Mơ, Gia Kiệm. Khu vực này có nhiều nhà thờ cất dọc hai bên quốc lộ. Sư phụ phun hột ra ngoài cửa, còn sư Đồng thì rảnh tay để bỏ vô bị. Lát sau, sư phụ lại nói về một hiện thật đáng buồn ở Việt Nam:

 

– Hiện nay có rất ít người tham thiền, nhưng đi cúng ở đâu cũng nghe chào đón: “Chúng con vô cùng hoan hỷ được cung đón chư tôn thiền đức!”. Có nhiều người nhận mình thuộc về Lâm Tế chánh tôn, đời thứ tứ thập mấy mấy đó… Nhưng hỏi ra thì có ai tu theo Lâm Tế bao giờ!

 

Sư Đồng nghe vậy hay vậy chứ không biết nói gì hơn. Hiện thật này đang là tình trạng phổ biến ở Việt Nam. Hiện thật đó ai cũng biết, nhưng chắc ít ai chịu nhìn nhận. Thuở xưa, thái tử Sĩ-đạt-ta là người đầu tiên giác ngộ Thiền, lấy hiệu là Phật Thích-ca Mâu-ni. Trải qua nhiều đời, các đức Tổ sư đã kế thừa kinh nghiệm cao siêu của đức Phật. Đến đức Bồ-đề-đạt-ma, Thiền đã bén rễ và dần dần phát triển mạnh ở vùng Đông Á. Theo dòng thời gian, những bậc tu Thiền chân chính dần dần ít đi, còn người hâm mộ Thiền lại tăng lên rất nhiều. Vì phong trào hâm mộ Thiền phát triển mạnh, mà Thiền đầu môi, Thiền giấy bút và Thiền nhãn hiệu đã thịnh hành. Trong khi mãi trông ngóng vào những hình thức của Thiền như thiền tông, thiền sư, thiền sinh, thiền viện, thiền Trung Quốc, thiền Việt Nam… người ta không nhận ra được đạo phong thật sự của một bậc chân tu. Hãy từ bỏ mọi hình thức, rồi dùng tâm mà biết lấy tâm, có thể là bỏ luôn chữ “Thiền” cũng được.

 

Từ nãy đến giờ, không biết sư phụ có nghe hay không, chứ sư Đồng chẳng để ý chút nào lời người đang giảng trong máy. Một khi đã sai ngay từ căn bản, ngay từ người nói, thì bao nhiêu lời Phật lời Tổ đem ra diễn giải cũng chỉ thêm rườm rà. Băng đã tự động chuyển qua mặt B từ lúc nào rồi. Xe cũng đã qua khỏi ngã ba Dầu Giây. Sư phụ lại uống thêm nửa chai nước nữa. Vào đến quốc lộ 1, không khí có phần ngột ngạt hơn, bụi bặm và xăng khói nhiều hơn. Xe chạy hút gió tạt vào mặt sư Đồng rát rạt. Trời đã bắt đầu tối nên nhiệt độ có phần dịu bớt. Những ánh đèn pha của xe tải ngược chiều chiếu sáng chói mắt. Khi đến Hố Nai, hai thầy trò bị kẹt xe. Phải hơn một tiếng sau vụ kẹt xe mới hết, mà cũng chẳng biết tại sao. Suốt mấy cây số, xe đủ lọai nối đuôi nhau nhích từng chút. Nếu sư phụ không linh động vượt lên thì hai thầy trò còn phải hít khói lâu hơn rồi.

 

Khoảng tám giờ rưỡi xe về đến Thành phố. Tưởng rằng câu chuyện đã tạm dừng lại lúc tối, để sư phụ tập trung lái xe, nhưng đến khi xuống xe, bất ngờ sư phụ quay lại bảo:

 

– Còn nói về việc tri vọng, thì đặt lại vấn đề là chúng ta dùng tâm gì để tri? Con hiểu không? Vì nếu dùng tâm vọng để tri, thì khác nào trên đầu lại đặt thêm đầu, đã vọng lại thêm vọng, đến bao giờ mới hết. Còn dùng tâm chơn để tri, thì tâm đó không thật chơn, vì còn thấy có vọng có chơn. Vậy con dùng tâm nào để tri vọng?

 

Sư Đồng bất ngờ khi nghe sư phụ hỏi như thế. Sư chẳng biết nói sao. Tay sư đang xách túi bát, giỏ đồ. Lúc này sư vừa bước xuống xe, y áo luộm thuộm, muốn sút vai, mà sư phụ như đang trông chờ sư trả lời. Đôi mắt sư phụ nhìn thẳng, nhìn sâu vào mắt sư như ký thác một chuyện quan trọng. Mắt sư đón nhận ánh mắt đó, còn miệng sư thì ấp úng nói chẳng ra…

 

Cho mãi đến nay, sư Đồng vẫn không dám chắc là mình đã biết cách tri vọng như sư phụ hướng dẫn. Có lẽ ta không nên lập một cái công phu tri vọng. Cũng như khi đã giật mình thức dậy rồi, thì thấy ra những việc trong chiêm bao chẳng phải thiệt là giả, mà cũng chẳng phải thiệt là thật. Nhưng cứ để câu hỏi của sư phụ cho mỗi người tự vật lộn thì hay hơn! 

 

 

-----------------------------------------------------------------

 

Các bài liên quan