CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Ly trần

Tâm Nguyên , Chủ Nhật 28-07-2013

LY TRẦN

 

KS. Minh Bình

 

1. “Ly trần” là chữ phiên âm Hán – Việt, nó có nghĩa là xa lìa trần, rời khỏi trần, thản nhiên trước trần, tự chủ lấy ta.

 

Hành vi ly trần là như thế, còn “Trần” là một thuật từ của Phật pháp, có nghĩa thuần Việt là “Bụi bặm”, mang nghĩa trong Phật pháp là “Mọi đối tượng của thân và tâm”, bao hàm 6 nhóm SẮC CHẤT, ÂM THANH, MÙI HƯƠNG, VỊ NẾM, XÚC CHẠM và PHÁP.

 

Đối tượng của thân tâm được Phật pháp khái quát thành 6 nhóm trên, gồm tất cả vạn vật, vạn sự trên đời. Trong 6 nhóm, 5 nhóm đầu thuộc về vật chất qua sự tiếp xúc của 5 giác quan con người là mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân. Riêng nhóm thứ 6 thuộc về thế giới tinh thần của con người, gồm tất cả mọi chuyện, từ cá nhân đến phạm vi gia đình, xã hội, cuộc sống v.v… trong lĩnh vực trừu tượng.

 

 

2. Ly trần là tâm lý chán đời của một số người. Như thi hào Nguyễn Du khi nhắc đến tâm lý “Sự đời đã tắt lửa lòng” trong Truyện Kiều, thì tuy nhà thơ nói riêng về nội tâm của Thúy Kiều lúc bấy giờ, nhưng điều đó cũng đã phản ánh tâm trạng của một số người. Quả thật là có lúc người ta ngán ăn, chán mặc, chẳng lo bận rộn sửa soạn trang điểm, chẳng màng hơn thua về những điều kiện sống, những tiện nghi sinh hoạt… nữa.

 

Đã có không ít người đến chùa, đến tịnh xá, gặp quý Tăng, Ni và bộc bạch rằng: “Sao mà nhiều lúc tôi ước mình được sống thanh thản như quý thầy!”. Họ nói rất thật tình, mà chính các Tăng, Ni cũng đã từng có những tâm trạng tương tự như thế trước khi đi xuất gia tu học Phật pháp.

 

Đây là một tình trạng chán đời tích cực, đánh dấu nơi ngã rẽ cuộc đời, để từ đó người ta bắt đầu dấn bước trên những con đường đạo đức, tâm linh.

 

 

3. Ly trần là tâm giác ngộ, thấy ra cõi đời đáng chán, vô chừng, tương đối lăng xăng, chẳng đáng gì… thôi chẳng màng hướng ngoại nữa. Do không hướng ngoại nữa, người ấy khuynh hướng về nội tâm.

 

Nhưng “Nội tâm” khi thấy ra thật biến ảo vô cùng, như biển cả bao la, như đại dương dạt dào, như sa mạc khô cằn và bí ẩn, như Tuyết sơn hiểm trở chất ngất… thì bao nhiêu “Nội tâm” đó cũng còn ở ngoài! Bấy giờ người ấy xác định được cái mà bao người gọi là “Nội tâm” đều là pháp trần, là tâm vọng nhận khách trần làm chủ nhân ông, là cái TÔI quy chiếu các pháp thành trần, là phạm trù tâm lý của người đời.

 

Pháp trần, Tâm Kinh Bát-nhã đã xác định: “Thị chư pháp vô tướng: bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm…”. Theo lời dạy đó, thì cả hai lĩnh vực THỊ và PHI đều không hoàn toàn chắc thật. Nếu THỊ (“vậy”, một đại từ) là: sanh,sạch, thêm, đúng, phải, tốt, khẳng định, hơn, ưu việt, nam tính, xứng đáng… thì PHI có nghĩa trái lại là: diệt, , bớt, sai, trái, xấu, phủ định, kém, hạ liệt, nữ tính, chưa xứng… Hết thảy những giá trị THỊ và PHI trong cuộc sống đều có tính chất tương đối, đại khái, là quy ước riêng của cộng đồng, có gì phải bận lòng, xét nét cũng chẳng tới đâu, tính toán chi li chỉ thêm phiền phức…

 

Theo sự gợi ý của Phật pháp, người học dần dần khái quát được pháp trần, rồi ly cả trần thứ 6 để trở về với chơn tâm. Lúc này là khuynh hướng về YÊN LẶNG TỰ NHIÊN.

 

 

4. Ly trần là một trạng thái ổn định tâm lý trong lúc tọa thiền. Trong Phật pháp, tọa thiền là một phương pháp rèn luyện tâm căn bản. Người nào tọa thiền tốt thì tâm người ấy không hướng ngoại nữa, không đam mê, không cuốn hút theo, không nôn nóng phản ứng, không băn khoăn, không tìm kiếm… nữa. Với công năng định tâm, người ấy có sức tập trung, hàng ngày thường tự chủ, sinh hoạt tỉnh táo, khi tọa thiền thì chỉ thản nhiên ngồi.

 

Bắt đầu tọa thiền, người tu tập xu hướng tâm theo khẩu quyết: “Chánh thân đoan tọa, đương nguyện chúng sanh, tọa Bồ-đề tòa, Tâm vô sở trước. – Vững mình ngồi ngay, cầu cho chúng sanh, ngồi tòa Bồ-đề, lòng không chỗ chấp.”. Với khẩu quyết đó, người ấy ý thức ngồi ngay, lưng thẳng, tâm chánh, xu hướng Chơn như, khéo tập làm Phật trong một giờ để rồi dần dần trở thành Phật mãi mãi!...

 

 

5. Ly trần là cảnh giới Sơ thiền, tạm xa đời, chưa thật định. Nó là bước đầu của lộ trình đến Niết-bàn, mà chư Phật quá khứ đã đi qua, hàng hậu học chúng ta sẽ tiếp tục đi qua.

 

Khi nhập Niết-bàn, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã lần lượt vào Sơ thiền, lên Nhị thiền, tiếp tục lên Tam thiền, lên đến Tứ thiền, rồi đột nhiên “Tắt” mất. Tôn giả A-na-luật khi ấy đang dùng thiên nhãn siêu việt nhất để theo dõi bỗng đột nhiên không còn thấy tung tích của đức Đạo sư nữa!

 

Thế nên có một đạo lộ căn bản và thẳng tắt mà đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã chỉ cho chúng ta:

 

– Sơ định: tầm sát, hỷ, lạc, tịnh, định.

– Nhị định: hỷ, lạc, tịnh, định.

– Tam định: lạc, tịnh, định.

– Tứ định: tịnh, định.

– Và sẽ đến Ngũ định là Định xả, Niết-bàn.

 

 

6. Ly trần là niềm an vui cao thượng, mà cổ đức đã miêu tả trạng thái này bằng một câu súc tích: “Ly sanh hỷ lạc.”, nghĩa là: Khi lìa bỏ sẽ sanh ra niềm mừng vui trong tâm. Đây có thể xem là một khẩu quyết, một xác định, một hướng dẫn thật tế của các bậc Đạo sư dành cho hàng hậu học.

 

“Ly sanh hỷ lạc” mô tả tâm đang trú về những cảm xúc lành mạnh, bước đầu thăng hoa, vững chãi, tự tại. Hỷ và lạc này là những niềm mừng và vui từ bên trong tâm sanh khởi ra, có được do hành vi lìa bỏ cõi đời, như người vừa trút gánh nặng khỏi vai, như kẻ vừa cởi hết mọi dây trói. Đạo lý này chắc rất ít ai ngờ tới!

 

Hàng ngày người đời trú trong những tâm thức thô tháo, nặng nề. Quen sống trong đó, mọi người đã nhận chúng làm môi trường thân thuộc của mình. Tranh cãi, thương ghét, giận hờn, nói phù phiếm, gạt gẫm, say sưa, ích kỷ, sợ hãi, lo lắng, ao ước, mong đợi, nhớ nhung, thèm sắc, ghiền thanh, ham thưởng thức, khoái giải trí, mất lắm thời gian lo ăn và ngủ… là thói đời bình thường. Tất cả những tâm lượng đó đã tạo ra cảnh giới loài người, hình thành nên bao nền văn minh, chất chứa đầy ắp những tầng lịch sử… nay một lúc gạt hết ra ngoài cổng chùa để tập SỐNG NHƯ PHẬT, thử hỏi có mấy người chịu!?

 

 

7. Ly trần là quả đức của bậc Thánh sơ quả Tu-đà-hoàn. Bậc Tu-đà-hoàn có nghĩa là bậc Dự lưu – bậc Nhập vào dòng Thánh, trong Kinh Kim Cương đã định nghĩa: “Bởi không nhập vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nên gọi là nhập vào dòng Thánh.”. Vậy “Dòng Thánh” không phải là một đối tượng của tâm nữa, không phải là trần thứ 7, mà chỉ là tạm diễn đạt để người học được hiểu. Ngôn ngữ thế gian vốn tương đối như thế.

 

 

8. Trong bài Kệ Hồi Tâm, Tổ Thiên Thai đã dạy:

 

“Vận Tam Bửu lấy ra đối trị

Dứt 6 trần tức thị chơn tu.”

 

Lời dạy ngắn gọn này đã một lần nữa xác định LY TRẦN là đi đúng ĐẠO. Trong bài minh tóm kết của Quy Sơn Cảnh Sách, thiền sư Linh Hựu cũng đã dạy:

 

“Sáu căn an nhiên

Đứng đi lặng lẽ

Một tâm chẳng sanh

Muôn pháp đều dứt!”

 

Phong thái an nhiên, lặng lẽ, bí ẩn của người có đạo tuy là ít có trong đời, nhưng luôn luôn là phong thái cao thượng, đáng kính trọng. Với 7 đoạn văn LY TRẦN LÀ… ở trên, chúng ta đã tìm hiểu được những khía cạnh của đề tài này. Nói chung, ly trần là do tâm nhàm chán trần nên đạt đến cảnh đó, hoặc do ý chí cố gắng đến trạng thái đó, hoặc do được Phật pháp hướng dẫn nên biết lìa bỏ, để tập làm Phật, để xu hướng Chơn như, để nhập Định, để khuynh hướng Yên lặng tự nhiên… đúng theo con đường các đức Phật quá khứ đã đi. Cuối cùng, KHÁCH TRẦN hay CHỦ NHÂN ÔNG cũng là “Thị chư pháp vô tướng…”, hoàn toàn yên lặng những tâm lượng chủ quan, mỗi pháp tự hiển lộ những vị trí và vai trò nhất thời của nó.

 

Mỹ Xuân, mùa An cư năm 2013.

Bài đã đăng Nguyệt san Giác Ngộ số 208, tháng 7/2013.

 

-------------------------------------------------------

 

Các bài liên quan