CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / NGƯỜI TỰ CHỦ

Tâm Nguyên , Thứ Năm 11-07-2013

 

NGƯỜI TỰ CHỦ

 

KS. Minh Bình

 

Mùa Xuân vẫn còn, tuy tháng Giêng đã qua. Trong tâm an vui với Phật pháp, đã trút bỏ những phiền lụy của thế gian, người con Phật chúng ta cảm nhận được tâm Xuân bất tận. Vui Xuân, và nhân đọc kinh Người Biết Sống Một Mình, ta thấy được hình ảnh Người tự chủ qua những lời dạy của đức Phật Thích-ca:

 

Đừng tìm về quá khứ

Đừng tưởng tới tương lai,

Quá khứ đã không còn

Tương lai thì chưa tới.

Hãy quán chiếu cuộc sống

Trong giờ phút hiện tại,

Kẻ thức giả an trú

Vững chãi và thảnh thơi.

Hãy tinh tấn hôm nay

Kẻo ngày mai không kịp

Cái chết đến bất ngờ

Không thể nào mặc cả.

Người nào biết an trú

Đêm ngày trong chánh niệm

Thì Như Lai gọi là:

Người biết sống một mình.

(HT. Nhất Hạnh dịch)

 

Ở đây, Người biết sống một mình là Người tự chủ, không còn nô lệ, không bị sai khiến nữa. Sự tự chủ đó được giải nghĩa rằng:

 

Đừng tìm về quá khứ

Đừng tưởng tới tương lai

 

Trong các từ Hán Việt chúng ta thường dùng, thì “Quá khứ” nghĩa là “Đi qua”, “Tương lai” nghĩa là “Sẽ đến”, “Vị lai” nghĩa là “Chưa đến”. Một người Phật tử có đạo sẽ không rời thực tế để mơ mộng về những gì đã qua, về những gì chưa tới, sẽ tới. Không tìm về quá khứ, tương lai, không có nghĩa là chúng ta không được phép nhớ quá khứ hoặc lo cho ngày mai. Đức Phật chú ý chúng ta phải tự chủ, đừng để tâm trôi nổi mơ mộng vô nghĩa. Ví dụ có nhà thơ nói rằng:

 

Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn, chẳng biết vì sao tôi buồn!

 

Trong câu thơ này, cái “chẳng biết vì sao” là một sự thất niệm, bất giác theo khuynh hướng mơ mộng của thi nhân. Nhiều người xem những mơ mộng ảo tưởng là dễ thương, là hay hay… Những người ấy thích nhìn đời qua những đôi mắt kính nào đó hơn là thực tế. Họ đã đánh mất chính mình trong muôn sắc ngàn thanh của cuộc sống. Trong khi ấy, người có đạo sẽ không để tâm trôi nổi trong quá khứ hay tương lai, mà ngay trong hiện tại cũng phải có ý thức:

 

Hãy quán chiếu cuộc sống

Trong giờ phút hiện tại.

 

Quán chiếu cuộc sống, xem xét giá trị của cuộc sống đang tạm diễn ra trong hiện tại, chúng ta sẽ thấy được một số điều. Ví dụ chúng ta sẽ thấy rằng mình không có cái gì cả. Những gì chúng ta có: cha mẹ, vợ chồng, con cái, nhà cửa, tài sản, danh vọng… đều chẳng phải của ta. Tuy đang sử dụng những gì mình có nhưng chúng ta không thật sự làm chủ được những món đó. Luôn luôn là có những điều kiện, những sự tương tác, sẻ chia… Ngay cả thân thể của ta cũng không phải hoàn toàn do ta làm chủ. Chính sự ràng buộc của xã hội đã khiến mỗi cá thể đều “Thân bất do kỷ” (Thân chẳng do ta), đều phải mang một vài vai trò nào đó trong vở tuồng Cuộc Đời.

 

Ngay cả con cái, tuy ta sinh ra, nhưng như tục ngữ nói: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh!”. Con cái của chúng ta có cuộc sống riêng của nó. Ta không thể ăn dùm con, ngủ dùm con… dù ta rất thương con.

 

Quán chiếu cuộc sống theo những gợi ý của các bậc Đạo sư, ta thấy được cuộc sống này duyên sanh, không có chủ tể; cuộc sống này tạm có, do duyên hợp thành chuyện này chuyện nọ… Vậy chúng ta hãy quán xét cuộc sống như thế, để không mê đắm, để tự giải tỏa mọi lo âu bất an của mình, và tiến tới làm chủ trong hiện tại. Làm chủ, tức là ta sẽ không còn làm một Người – Máy trong xã hội hiện đại này nữa!

 

Kẻ thức giả an trú

Vững chãi và thảnh thơi.

 

“Thức giả” là kẻ hiểu biết, là người trí, là Phật tử đã quy y, đã quay về nẻo lành và có hiểu biết về luân hồi, tái sanh, nhân quả… Kẻ thức giả có sự an trú nên có phong thái thảnh thơi, vững chãi. Người như thế không bị xao xuyến vì vật chất, tình cảm, hay các tư tưởng… nữa. Người ấy có một bản lãnh sống giữa đời thường. Người ấy không nhất thiết phải mặc những bộ đồ hợp thời trang, nói những câu lịch sự, đi đứng một cách phải phép, trên mặt luôn mang mặt nạ, và mỗi ngày đều tuân thủ những chương trình đã có sẵn… Sự vững chãi và thảnh thơi của người đã an trú tâm hồn là bản lãnh sống mà nhiều người ao ước được như thế!

 

Bốn câu kệ tiếp theo:

 

Hãy tinh tấn hôm nay

Kẻo ngày mai không kịp

Cái chết đến bất ngờ

Không thể nào mặc cả.

 

Là lời nhắn gởi của đức Đạo sư về sự vô thường. Ngài cho biết là con người rất yếu đuối. Quả thật, trước cái bệnh, cái già, cái chết… con người thật bất lực, có nhiều đau đớn và sợ hãi. Vậy thì ngay bây giờ người có đạo phải siêng năng tinh tấn. Ai niệm Phật thì gắng niệm Phật, ai tu thiền thì siêng tu thiền, ai trì chú thì năng gia công trì chú, cho đến bái sám, tụng niệm, quán tưởng, lễ bái… mỗi người đều rán thực hành pháp tu của mình, để mau chóng tìm được trạng thái an trú trong biển đời này. Chúng ta không thể đợi đến già yếu rồi mới tu. Đức Phật định nghĩa:

 

Người nào biết an trú

Đêm ngày trong chánh niệm

Thì Như Lai gọi là:

Người biết sống một mình.

 

Cái chánh niệm ở đây không nhất thiết là niệm Thân dơ bẩn, niệm Thọ là khổ, niệm Tâm không thường hay niệm Pháp vô ngã trong 4 niệm phổ thông. Chánh niệm khi nói chung sẽ được xác định là cái niệm chánh, là tâm không xao xuyến vào trần cảnh nữa. Ví dụ khi chúng ta đến đạo tràng, lòng hân hoan vì những thiện sự mình đã làm, tâm an lạc vì một ngày tu tập, tâm hồn phơi phới vì được nghe Chánh pháp… thì chúng ta cứ gắng giữ những niềm vui tinh thần ấy. Những sự niệm tưởng thanh cao sẽ được ghi nhận là chánh niệm.

 

Chánh niệm cũng không nhất định là niệm Phật, niệm Pháp, hay niệm Tăng… Chánh niệm là biết an trú, là nếm được vị đạo, là ngửi được hương đạo… Chính chánh niệm làm cho mình thanh cao, thoát tục; góp phần biến đổi thời cuộc này thành thời Chánh pháp, không còn là thời Mạt pháp như nhiều người nghĩ nữa.

 

Trong Bồ-tát Giáo, đức Tổ sư Minh Đăng Quang có dạy một đạo lý rất cao siêu mà giản dị:

 

Tự tánh không si mê tức là Thiền

Tự tánh không thọ giả tức là Định.

 

Lời dạy này có ý nghĩa rằng: Thiền là không si mê, là tâm tánh ta đang tỉnh giác, sáng suốt. Định là không thọ một mảy trần, là tâm tánh ta đang an ổn, bình thản. Thiền được hiểu là hào quang trí tuệ của Phật, thế nhưng không đâu xa, nó chính là tâm tánh ta khi không bị si mê.  Định được hiểu là tâm trạng an nhiên và sâu lắng của chư Phật, mà cũng không đâu xa, nó chính là tâm tánh ta khi không còn bám níu một cái gì.

 

Vậy thiền ở đây không luận là thiền Nguyên Thủy, thiền Đại Thừa, thiền Minh Sát, thiền Như Lai, thiền Tổ Sư, thiền Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Quy Ngưỡng, Pháp Nhãn, Trúc Lâm… gì cả. Thiền là thiền. Và định là định, không kể là Sơ định, Nhị định, Tam định, Tứ định, Ngũ định, định Vô sắc, định Diệt Thọ Tưởng, hay Thủ-lăng-nghiêm tam-muội, Pháp Hoa tam-muội, Ban Châu tam-muội… gì cả. Sơ, Nhị, Tam, Tứ định là các định căn bản trong thứ lớp nhập định của người tu hành. Còn các tam-muội nói trên là những cảnh giới siêu việt của các bậc Pháp thân Đại sĩ.

 

Trên thực tế thì thiền định đã được triển khai thành nhiều cấp độ, nhiều trường phái, để đáp ứng cho mọi căn cơ (tán vạn thù). Còn nhìn tổng quát (hay trực chỉ) thì thiền định chính là công dụng và bản chất của tâm tánh ta khi đã trút bỏ được mọi rác rửi (quy nhất bổn). Sự trút bỏ đó không kể là nhiều ít hay bao lâu, mà ở đây chỉ nhấn mạnh một điểm: Chúng ta hãy an nhiên thong thả trở lại chính mình.

 

Với những gì vừa tìm hiểu, mong rằng Chánh pháp cao quý của chư Phật sẽ soi sáng tâm chúng ta, giúp chúng ta tự chủ thật sự, trở thành những người có đạo và đem đạo về làm trang nghiêm cuộc sống của mình.

 

Long An, 18/3/2013

Bài đã đăng Nguyệt san Giác Ngộ, số 205, tháng 4/2013. 

 

Các bài liên quan