CHÁNH PHÁP LÀ THUỐC THẦN DIỆU CHỮA DỨT MỌI TÂM BỆNH CỦA CHÚNG SANH!

Thư viện Chánh Pháp / Tác phẩm mới / Kỷ niệm một bài thơ

Tâm Nguyên , Thứ Sáu 07-06-2013

 

Kỷ niệm một bài thơ

 

Lưu Thủy

 

 

         Nói về Bùi Giáng (1926 – 1998), ai cũng thương mến nhắc đến ông như một nhà thơ điên nổi tiếng ở Việt Nam. Nhiều người bảo cái điên của ông không ai lường được. Ấy vậy mà có người lại nhận xét: “Cơn điên là chỗ núp an toàn nhất của Bùi Giáng.”. Nói thế người ấy đã lường được cái điên của Bùi Giáng rồi! Tương truyền người hiểu được Bùi Giáng như thế không ai khác hơn là Ni sư Trí Hải, đã nói lên trong điếu văn tưởng niệm thi nhân của Ni sư.

 

       Bùi Giáng điên, một cách điên giàu trí thức và xúc cảm trong thế giới hiện đại đầy ắp vật chất và thực dụng của xã hội loài người. Nhắc đến Bùi Giáng, quý sư ở Tịnh xá Trung Tâm hồi sau 1975 vẫn còn nhiều kỷ niệm. Dạo đó thi sĩ hay vào Tịnh xá Trung Tâm quận Bình Thạnh, có khi ngủ đêm ở tịnh xá luôn. Ông thường mặc đồ dơ dáy, đeo lên người đủ thứ, đi đến đâu cũng có một bọn con nít bu theo xem. Một hôm, thi sĩ vào Tịnh xá Trung Tâm, cũng có một đám con nít láo nháo theo sau. Hôm đó vừa vào cổng tịnh xá ông liền đóng sập cửa ngay, không cho bọn nhỏ vô. Đi vào trong, đến chỗ cây mít gặp được sư Minh Tòng, thi sĩ xòe tay nói gọn lỏn như mọi khi:

 

       – Xin tiền!

 

Sư Minh Tòng cười, nói đùa:

 

– Làm một bài thơ mới cho!

 

Bùi Giáng lặng thinh một lát rồi đọc ngay:

 

Màu con mắt bên màu Xuân xiêu đổ

Bờ bên nây nhìn trở lại bên này

Gió lai láng bốn phương về hội tụ

Bụi Thu mờ, ai phủi với hai tay?

 

       Đọc dứt lời, “Kẻ điên rực rỡ” giơ hai tay phủi phủi áo, cười khà… khà… khà… rồi đi ngay, không đợi lấy tiền nữa.

 

(Theo lời kể của Thượng tọa MB.)

 

        Một bài thơ giải bày một thoáng trải nghiệm tâm linh của Bùi Giáng chăng? Khi tra cứu trên mạng, ta thấy bài thơ này chính là khổ thơ cuối, khổ thơ thứ 5 trong bài thơ Người Đi Đâu của nhà thơ Bùi Giáng. Thật tế đây chính là một kỷ niệm khó quên về nhà thơ Bùi Giáng của quý sư ở Tịnh xá Trung Tâm, chỉ có 4 câu, và với những ngôn từ hơi khác với bài đăng trên mạng.

 

        Đọc bài thơ, tư tưởng ta như bay bổng khi cố gắng nắm bắt ý nghĩa của nó. Quả thật những tư tưởng kỳ ảo của Bùi Giáng không phải ai cũng thông cảm được. Nhưng ngôn ngữ lắm khi là đồ chơi quý phái của những nhà trí thức nặng tình với nhân tình thế thái. Khi hiểu được điều này, ta như có một chìa khóa để giải mã bài thơ trên. Và rồi, nhất thời cao hứng tham gia vào những trò chơi của chữ nghĩa, xin được gởi tặng cố thi sĩ Bùi Giáng vài dòng cảm tác:

 

Tóc dài một vai ai ngẩn ngơ

Nắng vàng vương vấn, mây hững hờ…

Ngôn từ say đắm, ôi tục khách

Cạn lòng lay lắc mấy vần thơ!

 

       Chữ nghĩa có là chi – Ngôn bất tận ý! Lung linh kỳ ảo là cảnh giới của thi nhân, nghệ sĩ; còn quang minh mới là cảnh giới của Phật pháp!

 

 

 

-----------------------------------------------

 

Các bài liên quan