NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Lịch sử - Tổ chức / TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG TỪ HUỆ

, Thứ Hai 2012-02-29

 

 

TIỂU SỬ CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH TỪ HUỆ

 

Thành viên Hội Đồng Chứng Minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Ban Chứng Minh Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang

Viện chủ Tịnh xá Mỹ Đức, Hệ phái Khất Sĩ tỉnh Tiền Giang

 

 

 

 

 

 

I. THÂN THẾ THỜI NIÊN THIẾU

 

        Hòa thượng Thích Từ Huệ, Tăng tín đồ thường gọi là Trưởng lão Từ Huệ hay Sư Cả Từ Huệ, có thế danh là Tạ Văn Phụng, sinh năm 1910 tại xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang. Thân sinh Sư Cả là cụ ông Tạ Văn Phi và thân mẫu Sư Cả là cụ bà Thiều Thị Nữ. Gia đình Sư Cả là một gia đình nông dân, hiền lương nhân hậu, nề nếp Nho phong.

 

        Thuở nhỏ, Sư Cả mới sinh khoảng 3 tháng thì thân mẫu đã qua đời, Sư Cả được bà nội trực tiếp nuôi dưỡng cho đến ngày khôn lớn.

 

 

II. TRƯỞNG THÀNH, LẬP GIA ĐÌNH VÀ TU TẠI GIA

 

        Như mọi người trong cuộc sống đời thường, năm 21 tuổi ngài được bà nội và chú đứng ra lập gia đình cho. Năm 22 tuổi (1931), Sư Cả đã tìm đến chùa Long Hội Tự ở xã Tân Hòa Thành quy y thọ giới với hòa thượng Thích Hoằng Thông để làm cư sĩ tu học tại gia, được hòa thượng đặt pháp danh là Từ Hóa. Từ đó đến năm 32 tuổi, Sư Cả vừa đi học vừa làm nghề thợ mộc để mưu sinh cho gia đình, vừa tới lui chùa sám hối 1 tháng 2 lần để có dịp nghe kinh, học đạo, tu tâm.

 

 

III. NHƠN DUYÊN CẦU PHÁP VÀ XUẤT GIA

 

        Trong một lần, vào trước rằm tháng 10 năm 1946, Sư Cả đi từ nhà lên chợ Tân Hương, đến Ga Ông Táo thì gặp một nhà sư trẻ đắp một tấm chăn vá nhiều chỗ, tay ôm bình bát đang đi khất thực. Bấy giờ Sư Cả tìm cách hỏi thăm mới biết ngài là Sư Trưởng Minh Đăng Quang ở chùa Linh Bửu trong Phú Mỹ đang đi hành đạo ngang qua đây.

 

        Do cận ngày tết, phải làm nhiều hàng mộc, đến ngày rằm tháng Giêng năm sau Sư Cả mới đến chùa Linh Bửu thăm Sư Trưởng Minh Đăng Quang được. Đáp lại tấm lòng mộ đạo của Sư Cả, Sư Trưởng Minh Đăng Quang đã ân cần chỉ giáo cho Sư Cả kinh pháp để tập tu học an trú trong chánh pháp.

 

        Sau lần thiện duyên gặp gỡ này, Sư Cả đã trở thành một thiện nam cận sự, thỉnh thoảng qua lại chùa Linh Bửu để vừa công quả hộ trì Tam Bảo, vừa biên chép thọ học kinh pháp lần với đức Tôn sư Minh Đăng Quang. Khoảng giữa năm 1947, nhơn duyên hội đủ, Sư Cả chính thức xin phép đức Tôn sư xuất gia nhập đạo. Bấy giờ trong hàng đệ tử Tăng của đức Tôn sư, trước Sư Cả mới có 2 Sa-di Nhựt Quang, Nguyệt Minh và chú tiểu Huệ Ngạn.

 

 

        IV. NHỮNG NGHỊCH CẢNH VÀ THẮNG DUYÊN BUỔI ĐẦU HÀNH ĐẠO

 

        Sau hơn 3 tháng kiểm nghiệm những điều đã thọ học trước đây và ngay bản thân tự nỗ lực hành trì, đức Tôn sư đã chứng minh cho Sư Cả được tập sự đi hành đạo tại Tân An, xuống Mỹ Tho, Gò Công rồi ngược lên Tây Ninh, Bình Dương. Sư Cả từ lần đi trước gầy dựng, sau đó trở về Linh Bửu Tự thỉnh cầu đức Tôn sư chứng minh.

 

        Qua năm 1948, Sư Cả hành đạo về lại Mỹ Tho rồi liền qua Bến Tre. Trong thời gian này chưa lập tịnh xá, Sư Cả thường hay xin tạm trú nhờ ở các đình miểu, ban ngày đi khất thực hóa duyên, ban đêm giảng kinh thuyết pháp cho bá tánh nghe. Buổi đầu, việc hành đạo còn mới mẻ và rất gian nan, có nhiều người thương mến nhưng cũng không ít người không ưa thích. Những lúc gặp nghịch duyên khổ cảnh, Sư Cả thường khuyên tín đồ thân cận:

 

“Quý đạo tâm đừng lo, mình tu hành ăn ngay ở thật, làm chuyện hiền lành thì có Thánh nhân và chư thiên phò hộ, Phật pháp độ trì, không có sao đâu!”

 

        Có lần Sư Cả đã làm một bài kệ khuyên nhủ bá tánh:

 

Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhơn

Nghịch cảnh nạn tai đến thế này

Phải chăng vận chuyển thử lòng đây,

Hay là kiếp trước gieo nhơn đó

Nay phải trả ngay một kiếp này?

 

Trước thiếu nợ người nay phải trả

Gieo nhân hái quả sớm cùng chầy,

Nhưng sao tỏ rõ quang minh sự

Tự tại an nhiên tánh mạng này.

 

Tiếp gót lữ hành độ chúng sanh

Đưa người sanh tử thoát Mê thành

Bến mê trở lại trên Bờ giác

Hạnh nguyện duyên mình chóng đắc thành.

 

 

        V. NHỮNG NGÔI TỊNH XÁ TRÊN ĐƯỜNG HOẰNG PHÁP

 

        Thấy hoàn cảnh Sư Cả đi hành đạo ở nhờ nơi này nơi kia bị xua đuổi khó khăn, các Phật tử đi tìm chỗ đất cất tịnh xá cho Sư Cả hành đạo. Duyên lành đến, các Phật tử gặp cô Chín Thanh và cô Tám, nghe kể chuyện đi hành đạo của Sư Cả, hai chị em hoan hỷ cúng dường một khoảng đất và một cái cốc để Sư Cả làm phương tiện tu tập hóa duyên hành đạo. Hai vị đã làm giấy hiến đất và cốc cho Sư Cả vào ngày 24 tháng 7 âm lịch năm 1950. Chính từ trên nền cốc này, về sau Tịnh xá Mỹ Đức đã được xây dựng như ngày hôm nay… Còn cô Chín Thanh sau đó có duyên lành gặp được đức Tôn sư, được nghe đức ngài thuyết pháp và đã phát tâm đi xuất gia vào hàng Ni giới với pháp danh Hậu Liên.

 

        Sách Luận Ngữ có nói: “Kẻ sĩ phải có chí gánh lấy việc lớn. Khi gánh nặng đường xa, thì đức nhẫn là trách nhiệm của mình, há không nặng hay sao?”

 

        Trong kinh điển nhà Phật, đức Phật đã dạy phương pháp tu tập hành trì của Bồ-tát là Lục độ Ba-la-mật, trong đó Nhẫn nhục là hạnh lớn mà người con Phật phải tu tập.

 

        Từ đó về sau, Sư Cả đi hành đạo thêm nhiều nơi và đã mở mang nhiều tịnh xá đạo tràng. Vào ngày rằm tháng 7 năm 1952, thương tưởng tấm lòng mến mộ đạo đức của Phật tử tại gia, nên Sư Cả đã ở lại Tịnh xá Mỹ Đức để chứng minh và hướng dẫn Phật tử cúng Lễ Vu-lan. Qua ngày 16, Sư Cả về Tịnh xá Ngọc Quang – thị xã Sa Đéc để thăm viếng và đảnh lễ đức Tôn sư xin phép được tách đoàn ra riêng lập thân hành đạo. Đức Tôn sư hoan hỷ đồng ý và dạy rằng: “Được. Từ Huệ xin đi hành độc giác, tôi chấp nhận cho, nhưng phải nhớ: nên nhờ, hư chịu, không được liên quan gì đến Giáo đoàn.”.

 

        Tình nghĩa thầy trò giữa đức Tôn sư và Sư Cả thật là sâu đậm. Trước ngày đức Tôn sư thọ nạn và vắng bóng vào ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ 1954, thì vào ngày 27 tháng Giêng, trên đường đi hành đạo, đức Tôn sư đã ghé lại thăm Tịnh xá Mỹ Đức, dùng một bữa cơm thân mật với Sư Cả cùng chư Tăng và tín đồ Mỹ Tho. Trước khi lên Núi Lửa, đức Tôn sư đã không quên người đệ tử Tăng lớn của mình…

 

        Ngày 30 tháng giêng, đức Tôn sư về lại Tịnh xá Ngọc Quang và sáng ngày mùng 1 tháng 2 Ngài qua Vĩnh Long rồi đi Cần Thơ, khi đến Cái Vồn thì thọ nạn vắng bóng đến ngày nay. Lần đó, lúc đức Tôn sư từ biệt, Ngài có kêu Sư Cả lại gần bên dặn dò: “Từ Huệ ở lại rán tinh tấn tu học, lần này tôi đi chắc lâu lắm mới gặp lại!”. Khi đó, Sư Cả không hề nghĩ rằng đây là lời khuyên nhủ sau cùng mà mình đã được nhận từ đức Tôn sư.

 

        Sau khi đức Tôn sư vắng bóng, các vị đại đệ tử chia nhau lập thân hành đạo rộng khắp hai miền Nam Trung Việt Nam. Riêng Sư Cả luôn nỗ lực theo hạnh nguyện của mình, đã lần lượt thành lập được các ngôi đạo tràng tịnh xá như sau:

 

01. Tịnh xá Mỹ Đức – Mỹ Tho vào năm 1950

02. Tịnh xá An Đức – Bến Tre vào năm 1951

03. Tịnh xá Bồ-đề – Bến Tre vào năm 1951

04. Tịnh xá Thành Đức – Bến Tre vào năm 1952

05. Tịnh xá Trúc Lâm – Đồng Nai vào năm 1968

06. Tịnh xá Long Đức – Mỹ Tho vào năm 1969

07. Tịnh xá Bình Phước – Bến Tre vào năm 1970

08. Tịnh xá Phước Tu – Đồng Nai vào năm 1974

 

        Đồng thời Sư Cả cũng đã chứng minh cho 3 tịnh xá được thành lập:

 

01. Tịnh xá Ngọc Hiệp – Bình Dương vào năm 1972

02. Tịnh xá Ngọc Chung – Sài Gòn vào năm 1972

03. Tịnh xá Ngọc Bình – Phan Thiết vào năm 1973

 

        Và các Phật tử hộ tự chùa Phước An Cổ Tự ở Bến Tre đã hiến cúng ngôi chùa làng này cho Sư Cả, thỉnh Sư Cả về hành đạo từ năm 1956. Đến nay, chùa đã được đổi tên là Tịnh xá Ngọc An.

 

        Từ năm 1954 đến năm 1997, Sư Cả đã thâu nhận hơn 60 vị đệ tử xuất gia. Trong số này có một số tách đoàn đi tu tịnh, một số xin gia nhập các giáo đoàn khác, một số vị đã viên tịch hoặc hoàn tục… Hiện trong hàng đệ tử thân cận chỉ còn ba vị là Thượng tọa Huệ Tâm, Thượng tọa Huệ Ngộ và Đại đức Huệ Thanh; tham gia phục vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Thượng tọa Giác Toàn… và bên đoàn IV còn ba đại đức trụ trì các tịnh xá là Đại đức Minh Thuấn, Đại đức Minh Thuần, Đại đức Minh Trung. Đệ tử quy y Sư Cả tu học tại gia có hơn cả vạn người…

 

 

VI. NHỮNG CÔNG HẠNH NỔI BẬT CÒN LƯU LẠI

 

        Với bản chất hiền hòa của người nông dân, khi vào Giáo hội Tăng-già, Sư Cả đã luôn thể hiện các đức tính từ bi của đức Phật và đạo Phật đối với bá tánh nhơn sanh:

 

 

1. Cấp thẻ tín đồ và cấp Tăng tịch miễn phí:

 

        Trong thời kỳ từ năm 1960 đến năm 1975, quỹ tài chánh ở chùa chiền rất eo hẹp, Sư Cả sử dụng miếng đất hương hỏa rộng 5 công của gia đình để làm ruộng lấy tiền ủng hộ việc xin thẻ tín đồ cho Phật tử tại gia, cùng giấy Tăng tịch và giấy hoãn dịch cho chư Tăng. Dù sở phí tốn kém bao nhiêu Sư Cả cũng tự mình lo liệu hết, rồi nhận về phát không cho tín đồ và chư Tăng để tròn tâm nguyện Phước huệ song tu đồng đăng bỉ ngạn. Sư Cả quyết không để tín đồ và chư Tăng phải e ngại trong việc tốn kém tiền nong mà không mạnh dạn trong việc tinh tấn tu hành.

 

 

        2. Thành lập nghĩa trang, xây dựng lò thiêu và cung cấp hòm miễn phí cho người nghèo:

 

a. Thành lập nghĩa trang

 

        Từ năm 1969, Tịnh xá Mỹ Đức được ủng hộ 1 chiếc xe 12 chỗ ngồi để chư Tăng đi hành đạo. Trong thời gian này, Sư Cả thấy một số đồng bào nghèo khi có thân nhân mất đã không có tiền mua hòm chôn hay không có đất để chôn cất. Động lòng bi mẫn, Sư Cả bàn với chư Tăng và Phật tử cho bán chiếc xe lấy tiền mua một miếng đất rộng 1 mẫu tại ấp Long Hưng, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho – Tiền Giang (gần ngã ba Trung Lương); rồi lập nghĩa trang cho đồng bào và Phật tử nghèo được chôn cất người thân miễn phí cho đến tận ngày nay. Cũng trong thời gian này, mỗi năm Sư Cả đã cung cấp hàng trăm quan tài miễn phí cho dân nghèo.

 

b. Xây dựng lò thiêu miễn phí

 

        Vào năm 1979, Sư Cả đã trao đổi với chư vị giáo phẩm Phật giáo trong tỉnh và được sự hoan hỷ chung lo trợ giúp của Hòa thượng Pháp Lạc cùng Sư cô Hiếu Liên hợp tác xin phép xây dựng một lò thiêu miễn phí tại khuôn viên chùa Pháp Bảo để giúp đỡ cho đồng bào nghèo.

 

 

        3. Thành lập Phòng Thuốc Nam trị bệnh miễn phí và lập Hội Từ Thiện:

 

        Sư Cả sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khổ gian nan. Khi được xuất gia làm Tăng, Sư Cả tha thiết với bổn nguyện: trước tu độ lấy thân mình cho được thoát khỏi mê lầm và bệnh tật khổ đau, sau lo cứu giúp bá tánh nhơn sanh cũng được thoát khỏi bệnh tật luân hồi khổ như mình.

 

        Do vậy, trong mấy chục năm qua, bên cạnh việc thuyết pháp độ sanh và giúp đỡ người nghèo khổ, Sư Cả còn thể hiện lòng từ bi của mình bằng 2 phương pháp trị bệnh: dùng tinh thần chữa trị bệnh tâm thần và dùng thuốc men để trị bệnh xác thân tứ đại.

 

        Trị bệnh tâm thần, Sư Cả phải đọc kinh trì chú, chú nguyện cho bệnh nhân được tiêu tai giải nghiệp. Trị bệnh xác thân, Sư Cả cho mở phòng thuốc Nam xem mạch và hốt thuốc châm cứu… Với tấm lòng từ mẫn, dù thực hiện phương pháp nào thì Sư Cả vẫn chủ trương phải miễn phí để giúp đỡ cho dân nghèo.

 

        Đến năm 1990, Sư Cả lại đứng ra vận động và xin phép thành lập Hội Từ Thiện Thành Phố Mỹ Tho để có đủ điều kiện đóng góp nhiều hơn, giúp đỡ cho đồng bào nghèo khó. Và Sư Cả đã đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch Danh dự của Hội.

 

        Bên cạnh việc mở phòng thuốc Nam làm công tác từ thiện, Sư Cả cũng đã dành thời giờ biên soạn và ấn tống bộ sách Thuốc Nam Gia Truyền (trọn bộ 3 tập, hơn 2000 trang), đã được tái bản và ấn tống lần thứ hai.

 

        Ngoài ra, hàng năm, Sư Cả cũng còn ấn tống nhiều kinh sách đọc tụng phổ thông cho Phật tử nghèo ở các vùng sâu vùng xa…

 

 

        VII. NHỮNG VỊ TRÍ TRONG LÒNG XÃ HỘI VÀ THÀNH QUẢ XÃ HỘI

 

        Từ năm 1946 – 1954, Sư Cả là một trong những đệ tử đầu tiên của đức Tôn sư Minh Đăng Quang, Tổ sư khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.

 

        Từ năm 1950 – 1963, Sư Cả là thành viên Giáo hội Tăng-già Nam Việt, rồi Giáo hội Tăng-già Toàn quốc.

 

        Từ năm 1964 – 1975, Sư Cả là thành viên Phật giáo tỉnh Mỹ Tho.

 

        Từ năm 1981 – 1997, Sư Cả là thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thành viên Ban Chứng Minh Ban Trị Sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang. Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần II – 1997 ở Hà Nội, Sư Cả đã được cung thỉnh vào chức vị Thành viên Hội Đồng Chứng Minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

        Đồng thời, Sư Cả cũng được Hội Đồng Bộ Trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhì, do Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Võ Văn Kiệt ký tại Hà Nội vào ngày 29 tháng 4 năm 1988.

 

 

VIII. THỜI KỲ THỌ BỆNH VÀ VIÊN TỊCH

 

        Có thể nói, trong một đời tu tập và hành đạo, Sư Cả ít khi bị bệnh. Thường thì Sư Cả lo hốt thuốc trị bệnh cho người nhiều hơn là lo cho bản thân mình. Tuy nhiên, khi thân tứ đại đến hơn 85 tuổi đời thì đôi mắt Sư Cả bị yếu dần, và trong vòng 1 tháng trở lại đây, Sư Cả đã bị tai biến mạch máu não, rồi yếu dần yếu dần cho đến ngày viên tịch.

 

        Sáng sớm ngày 25 tháng 6 âm lịch, khi các đệ tử thân cận và các thân nhân trong gia đình vây quanh thăm viếng thì Sư Cả nắm tay các đệ tử thân cận nói: NGÀY MỐT THẦY ĐI!...

 

        Và những lời Sư Cả dặn dò các đệ tử trong hôm ấy đã trở thành dấu ấn thiên thu! Đúng vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 27 tháng 6 năm Đinh Sửu, nhằm ngày 31 – 7 – 1997, Sư Cả đã thu thần thị tịch, trụ thế thượng thọ 87 tuổi, hạ lạp tròn 50 năm.

 

 

IX. KẾT LUẬN

 

Trong Kinh Vãng Sanh đức Phật có dạy:

 

Kiếp sống trong ngắn ngủi

Chết thật là chắc chắn

Sớm muộn xác thân này

Trả về cho tứ đại…

 

        Và các bậc thiền sư cổ đức cũng thường tự cảm nhận: “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ!”.

 

        Sư Cả đã đến với cuộc đời tròn 87 năm, 37 năm trả nghiệp thế trần, 50 năm nghiêm hành Phật đạo, Sư Cả đã cống hiến trọn cuộc đời mình. Nay Sư Cả tạm biệt trần duyên, hồi quy Phật cảnh, toàn thể Tăng, tín đồ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hệ phái Khất Sĩ nhất tâm cầu nguyện giác linh Sư Cả cao đăng Phật quốc.

 

        Mong rằng đời sống đạo hạnh của Sư Cả mãi mãi là tấm gương sáng cho Tăng, Ni, Phật tử hậu học noi theo!

 

------------------------------------------------