Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / GIỚI LUẬT KHẤT SĨ
GIỚI LUẬT KHẤT SĨ
KS. Minh Bình
A. GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT:
Giới luật Khất Sĩ hay Luật pháp Khất Sĩ là những phần quy định về tư cách cá nhân, về đời sống, sự sinh hoạt, cách tổ chức… của các thành viên và các Tăng đoàn Phật giáo Khất Sĩ. Giới là những điều cấm điều răn cho cá nhân, Luật là những phép tắc luật lệ của tổ chức, Pháp là hệ thống, là cơ sở lý luận, là những quy định và thật tiễn, là tổng quát mọi điều về giới luật Phật giáo… Còn Khất Sĩ là tên riêng của hệ thống pháp luật này, lấy theo tên của dòng Đạo Phật Khất Sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập tại Việt Nam vào cuối thập niên 1940. Qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, Phật giáo Khất Sĩ đã thiết lập nên một hệ thống giới luật biệt truyền, được xây dựng trên nền tảng là Thích-ca Chánh pháp. Hệ thống đó đã giúp chư Tăng, Ni khất sĩ và cư sĩ ổn định đời sống, thành tựu những tâm đức cao thượng và thăng hoa về trí tuệ. Với phương pháp liệt kê và nêu sơ lược những ý trọng tâm, bài viết này sẽ được trình bày như một bài đại cương về Giới luật Khất Sĩ, để làm cơ sở cho những bài nghiên cứu tiếp theo.
Nguồn Giới luật Khất Sĩ do đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng. Sức sống mạnh mẽ của nó trong hơn 70 năm qua đã chứng tỏ được rằng nó là một nguồn mạch dồi dào nhựa sống, thích hợp với mọi căn cơ và bẩm tánh của chúng sanh. Chính hệ thống Giới luật Khất Sĩ bài bản đã khẳng định được rằng Phật giáo Khất Sĩ là một nền Phật giáo độc lập, được kiến thiết vững chắc và do vậy sẽ đứng vững được trước mọi nhân duyên nghiệp lực của chúng sanh.
Giới luật Khất Sĩ đã được Tổ sư Minh Đăng Quang ban hành qua các quyển Chơn lý. Đến năm 1972, các quyển này được Thượng tọa Pháp sư Giác Nhiên, Tổng Trị sự trưởng Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam, gom thành quyển Luật Nghi Khất Sĩ và được giáo hội ấn hành phổ biến. Quyển này có 10 chương, trong đó có tám chương nói về giới luật là:
Chương 1: Bài Học Khất Sĩ……................. Chơn lý 18
Chương 2: Luật Khất Sĩ............................... Chơn lý 11
Chương 3: Bài Học Sa-di................... …….Chơn lý 65
Chương 4: Pháp Học Sa-di I – Giới... …….Chơn lý 67
Chương 7: Giới Bổn Tăng.................. …….Chơn lý 14
Chương 8: Giới Bổn Ni...................... …….Chơn lý 15
Chương 9: Giới Phật Tử.................... …….Chơn lý 55
Chương 10: 114 Điều Luật Nghi Khất Sĩ
Còn hai chương, chương 5 là Pháp Học Sa-di II – Định (Chơn lý 68) và chương 6 là Pháp Học Sa-di III – Huệ (Chơn lý 69). Hai chương này đã được đưa vào quyển Luật Nghi Khất Sĩ ngay từ đầu bởi vì chúng cũng có tính cách là những pháp học căn bản, cần gom chung một quyển cho chư khất sĩ dễ mang theo sử dụng trong những khi du phương hành đạo. Chương 114 Điều Luật Nghi Khất Sĩ có tính cách là các thanh quy riêng của Phật giáo Khất Sĩ, do Tổ sư Minh Đăng Quang đã ban hành thêm để mọi người áp dụng.
Nhân đây nói về tên quyển Luật Nghi Khất Sĩ: tên này đã được sử dụng phổ biến, đã thành danh, không cần phải nói gì. Nhưng có điều là nội dung của quyển này lớn hơn tên của nó: một là có hai chương nói về định và huệ, hai là có một chương Giới Phật tử. Giới Phật tử như đã biết là bao hàm ba nội dung Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới. Vậy khi vẫn dùng tên Luật Nghi Khất Sĩ thì nên hiểu nó ở nghĩa rộng, rằng đây là luật nghi của tất cả các vị khất sĩ đang trên đường Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát để đến với đạo quả.
Giới luật Khất Sĩ là công truyền chứ không phải là bí truyền. Hình mạo ban đầu của Giới luật Khất Sĩ là các quyển Chơn lý và được ấn tống phổ biến cho Tăng, Ni, cư sĩ sử dụng. Đối với các sa-di, Phật giáo Khất Sĩ từ lâu đã quy định các vị ấy phải học thuộc lòng Giới bổn rồi mới được thọ giới Tỳ-kheo… Tinh thần công truyền của Giới luật Khất Sĩ đã thể hiện sự khách quan và trong sáng của hệ thống giới luật này.
Giới luật Khất Sĩ được biên tập bằng tiếng Việt chứ không dùng tiếng Hán, tiếng Pali hay tiếng Phạn, tiếng Tạng, bốn ngôn ngữ cổ của Phật giáo thế giới. Khi biên tập bằng tiếng Việt, có những danh từ được dùng rất khéo như y thượng, y trung, y hạ, bình bát đất, áo trung bình (áo giới), nhà Tam Bảo (nhà thờ Phật, nhà thuyết Pháp, nhà Tăng ở)… Đây là một ưu điểm của Giới luật Khất Sĩ, thể hiện sự tích cực và tiến bộ. Sau này, khi được phát triển ra thế giới, thì Giới luật Khất Sĩ sẽ được dịch thành tiếng Anh, Pháp, hay các thứ tiếng khác thích hợp cho mọi người sử dụng.
Giới luật Khất Sĩ có phần ngắn gọn, những gì Tổ sư Minh Đăng Quang đã biên tập và ban hành chỉ có tám chương, dài khoảng 200 trang sách khổ trung bình. (Cộng thêm một, hai trang phần đầu Chơn lý số 20 – Cư Sĩ có nêu năm giới và tám giới cho hàng cư sĩ.) Như Giới Bổn Tăng và Giới Bổn Ni đã nêu lên những giới điều rất cụ thể, nội dung đầy đủ mà mỗi Giới bổn chỉ dài hơn 20 trang sách; hay phần nghi thức cúng Ngọ ngắn gọn mà sinh động, các bài kệ sâu sắc… Khi xem bảy bộ quảng luật của Phật giáo thế giới, những bộ được biên tập từ cách đây hơn 2300 năm, ta nhận thấy là chúng bị cổ trong cách trình bày. Ngày nay, ta thấy các “tên giới” như người xưa biên tập thật ra là nội dung chính của các giới điều, còn “nội dung giới” như người xưa sắp xếp thật ra là những phần diễn giải. Phần diễn giải nên sắp riêng cho người học luật dễ theo dõi.
Nét sáng tạo của Giới luật Khất Sĩ có thể thấy qua sự cách tân bộ tam y khất sĩ và bộ tam y nữ khất sĩ: thấy chúng vẫn như xưa mà xem ra thật là áo giải thoát hiện đại. Hay mô hình tịnh xá bát giác với cổ lầu tứ giác bên trên có hai tầng mái xòe ra các hướng trông như một tòa sen lớn đang nở giữa biển đời. Hay bảo tháp thờ Phật được đặt ngay giữa chánh điện, để mọi người quây quần xung quanh, cảnh như thời đức Phật còn tại thế. Hay bình bát đất có đáy bằng nên không cần thêm một phụ tùng là cái kiềng đỡ bát… Giới luật là đời sống, mà đời sống thì cứ đi tới. Qua nhiều quốc độ và nhiều thời đại khác nhau, Phật giáo đã phải thích ứng bằng những sáng tạo cần thiết. Về khía cạnh này, Phật giáo Khất Sĩ đã rất khéo léo, không quá trớn đến mức mất luôn y bát chơn truyền của chư Phật.
Giới luật Khất Sĩ được trình bày rõ ràng. Tám chương do Tổ sư Minh Đăng Quang đã ban hành chính là phần căn bản của Giới luật Khất Sĩ – tập 1. Ngoài phần này dĩ nhiên còn phải thêm phần Chú giải – tập 2 và thêm phần Bổ sung – tập 3 là cập nhật những quy định của Phật giáo Khất Sĩ qua các thời đại. Ba tập này thì cũng vừa phải cho một bộ quảng luật, không thiếu sót mà cũng không rườm rà phiền phức. Sự rõ ràng của Giới luật Khất Sĩ còn được thể hiện trong khâu dịch thuật, như phần dẫn nhập và phần Kệ giới của bảy đức Phật trong các Giới bổn đã được chuyển dịch thành văn xuôi dễ hiểu, các đoạn bị trùng ý trong Môn Oai nghi của sa-di và sa-di Ni được lược bớt, các câu chú âm Hán-Phạn được thay bằng một chữ “Như” đầu mỗi bài kệ chú nguyện, những từ ngữ và ý tứ cho rằng các giới pháp của hàng xuất gia là nhỏ mọn, phi pháp, tà kiến đều được lược bỏ trong Giới Phật Tử… Kinh luật khi qua tay người có đạo nhãn thì trở nên rõ nghĩa, còn không thì ngược lại. Nói chung, Tổ sư Minh Đăng Quang đã biên tập Giới luật Khất Sĩ rất hợp lý.
Đoạn cuối của Giới Bổn Tăng và Giới Bổn Ni có nội dung như thế này:
“Giới bổn này tất cả khất sĩ đều dùng được hết.
Luật Tăng đồ nhà Phật này của phái Đàm-Vô-Đức bộ, do đại sư Đàm-Đế dịch năm 254 sau Dương lịch.”
Qua đoạn này, ta biết được Giới Bổn Tăng và Giới Bổn Ni được căn cứ vào một hệ thống Tứ phần Luật có trước hệ thống Tứ phần Luật do hai ngài Phật-đà-da-sá và Trúc Phật Niệm dịch ra Hán ngữ khoảng 200 năm. Mà Phật giáo Bắc tông các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… đều căn cứ vào bộ Tứ Phần Luật do ngài Phật-đà-da-sá tụng thuộc lòng cho ngài Trúc Phật Niệm phiên dịch vào thế kỷ V.
Trong sách Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc của hòa thượng Thanh Kiểm, đoạn khái thuyết về Phật giáo thời nhà Ngụy (220-265, nhà Tiền Ngụy, do Tào Tháo thành lập vào đầu thời Tam Quốc) đã có nhắc đến đại sư Đàm-đế như sau:
“…Sau hai năm, (254 TL) lại có ngài Đàm Đế (Dharmatrata) tới, và phiên dịch bộ “Đàm Vô Đức Yết Ma”, cách tác pháp thụ giới.
…Các vị Phạm Tăng tới nước Ngụy phiên dịch kinh điển, đặc biệt có hai ngài Đàm Ma Ca La và Đàm Đế đã dịch về giới luật, là những vị truyền bá giới luật đầu tiên ở Trung Quốc, rất có ảnh hưởng lớn đến hậu thế.”
Ngài Đàm-ma-ca-la đến Trung Quốc năm 250 (năm Gia Bình thứ 2) và đã dịch Tăng-kỳ Giới Bổn (218 giới). Ngài Đàm-đế dịch bộ Tứ phần Luật, đương thời đã dùng để tác pháp cho người Trung Quốc xuất gia, thọ giới... nên gọi là Đàm Vô Đức Yết Ma. Sách Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc của năm giáo sư Nhật Bản viết khái thuyết năm 1968, do pháp sư Thánh Nghiêm dịch ra Hán ngữ và Thích Tâm Trí dịch ra Việt ngữ đã nói rõ chi tiết này ở đầu chương III, phần nói về Phật giáo thời Tam quốc. Tổ sư Minh Đăng Quang đã cho biết các Giới bổn do ngài biên tập và phổ biến cho Tăng, Ni khất sĩ sử dụng là do đại sư Đàm-đế phiên dịch ra Hán ngữ vào năm 254. Chúng ta hãy ghi nhận điều đó.
Còn bốn chữ “tất cả khất sĩ” là chỉ hết các hạng khất sĩ Thanh văn, khất sĩ Duyên giác và khất sĩ Bồ-tát. Chẳng phải vô cớ mà giới pháp của chư tỳ-kheo được đức Phật gọi là Giới bổn, Giới gốc. Ngày xưa, đức Lục Tổ Huệ Năng đã lên Tổ vị rồi, thọ nhận y bát và tâm ấn của chư Phật đã 16 năm rồi, mà vẫn xuất gia và thọ giới Tỳ-kheo trước khi ra hoằng pháp đốn giáo thượng thừa. Hay như đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng đã đắc đạo ở bờ biển Mũi Nai rồi, sau về làng Phú Mỹ vẫn thật hành giới luật Tăng đồ nhà Phật để lập Đạo Phật Khất Sĩ. Bậc đắc đạo dĩ nhiên đã thành tựu giới thể vô nhiễm, các ngài vẫn thọ trì giới pháp của chư Phật để làm gì?... Thế nên bốn chữ “tất cả khất sĩ” không phải đơn giản! Đây là Tổ sư Minh Đăng Quang đã khéo phá bỏ sự chống báng của ba thừa, dung hòa vào một nguồn Thích-ca Chánh pháp như chơn lý, khẳng định thừa là trình độ tâm trí chứ không phải là giai cấp. Phật pháp thuần một đạo vị giải thoát, tuy hàng Phật tử có nhiều trình độ khác nhau nhưng không vì thế mà xung đột như kẻ thế tục.
Tóm lại, Giới luật Khất Sĩ đã căn cứ vào Luật Tứ phần do đại sư Đàm-đế dịch (các phần Giới bổn), vào Kinh Hoa Nghiêm (những câu chú nguyện mẫu), Kinh Phạm Võng (Giới Phật tử), những phần do đại sư Liên Trì tổng hợp (Môn Oai nghi Sa-di và 10 giới nghĩa), những phần khác do học giả Đoàn Trung Còn phiên dịch ra tiếng Việt và thật tế cuộc sống của Tăng, Ni, cư sĩ trong những hoàn cảnh xã hội của nhân loại… Tổ sư Minh Đăng Quang đã sử dụng nhiều nguồn để biên tập nên Giới luật Khất Sĩ như vậy. Trong thời gian tu hành và hoằng pháp chỉ khoảng 10 năm, Tổ sư Minh Đăng Quang làm sao có thể làm được nhiều việc như thế? Thế mới hay cái biết của chư Tổ sư đâu phải như người thường, các ngài chẳng cần học từng quyển sách, lục tìm từng tài liệu! Diệu dụng của Bát-nhã Ba-la-mật thật bất khả tư nghì! Công đức khai sơn lập đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang thật bất khả tư nghì! Và Giới luật Khất Sĩ cũng thật bất khả tư nghì!
B. SƠ LƯỢC NỘI DUNG:
1. Giới pháp cư sĩ:
Phần này căn cứ vào Chơn lý số 20 – Cư Sĩ, không có trong Luật Nghi Khất Sĩ.
Giới pháp cư sĩ gồm có năm giới và tám giới. Năm giới dành cho những người đã quy y Tam Bảo, sống cuộc sống gia đình, có những trách nhiệm thế tục và làm ngoại hộ cho Phật giáo. Người năm giới mặc áo quần trắng (khi đến tịnh xá). Còn tám giới dành cho hàng cận sự nam và cận sự nữ, là những cư sĩ vào tập tu trong tịnh xá, mặc áo đà quần trắng, tối phải về nhà. Phật giáo Khất Sĩ không triển khai tám giới Bát quan trai như Phật giáo Bắc truyền. (Nhưng ngày nay có nhiều tịnh xá thường tổ chức tu Bát quan trai cho hàng cư sĩ.)
a. Năm giới:
Là các bậc thang tất yếu để đi lên cõi trời Dục trong hiện tại và trong tương lai. Năm giới của cư sĩ được xác định theo Chơn lý Cư Sĩ như sau:
1. Không sát sanh
2. Không trộm cắp
3. Không tà dâm
4. Không nói dối
5. Không uống rượu
b. Tám giới:
Dành cho những người cận sự Tam Bảo, hết dâm, hết dục, ở chùa am; nam theo xứ nam, nữ theo xứ nữ; tối phải về nhà. Tám giới của cư sĩ được xác định theo Chơn lý Cư Sĩ như sau:
1. Không sát sanh
2. Không trộm cắp
3. Không dâm dục
4. Không nói dối
5. Không uống rượu
6. Không ngồi ghế cao, nằm giường rộng, chiếu lớn xinh đẹp.
7. Không nghe xem hát múa đờn kèn, chỗ vui đông yến tiệc.
8. Không trang điểm phấn son, dầu hoa, áo quần hàng lụa tươi tốt.
2. Giới pháp Sa-di và Sa-di Ni:
Gồm 10 giới – Tứ y pháp, mặc bộ tam y, dùng bình bát đất, làm con trò của chư khất sĩ, tập hạnh khất sĩ để trở thành bậc khất sĩ chân chính sau này. Hàng sa-di hơn hàng cư sĩ là do hai giới sau, nếu bỏ hai giới 9 và 10 thì hàng Sa-di lại như hàng cư sĩ. (Phật giáo Bắc truyền chỉ xem trọng bốn giới đầu, gọi là Tánh giới.) Giới pháp Sa-di và Sa-di Ni có 10 giới:
1. Cấm sát sanh
2. Cấm trộm cắp
3. Cấm dâm dục
4. Cấm nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa chửi.
5. Cấm uống rượu, tham lam, sân giận, si mê.
6. Cấm trang điểm phấn son, dầu hoa, áo quần hàng lụa tươi tốt.
7. Cấm nghe xem hát múa đờn kèn, yến tiệc vui đông.
8. Cấm ngồi ghế cao, nằm giường rộng, chiếu lớn xinh đẹp.
9. Cấm ăn sái giờ từ quá ngọ đến ngọ mai (ăn chay).
10. Cấm rớ đến tiền bạc vàng, của quý, đồ trang sức.
Và Tứ y pháp:
1. Nhà sư khất thực phải lượm những vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.
2. Nhà sư khất thực chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp, đọc Giới bổn, được ăn tại chùa.
3. Nhà sư khất thực phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ bằng lá một cửa thì được ở.
4. Nhà sư khất thực chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng.
3. Chúng Thức-xoa-ma-na:
Thức-xoa-ma-na là một chúng đệ tử Phật trước đây. Tình hình các chúng đệ tử Phật được thành lập đại khái là như sau: Đầu tiên, những người nam theo Phật xuất gia đều liền được cho làm tỳ-kheo, số lượng lên đến hàng ngàn người. Sau thành đạo vài năm, đức Phật về thăm cố quốc và đã dẫn con trai theo cho đi tu. Khi ấy La-hầu-la chỉ là một thiếu nhi chín tuổi, nên Phật bảo ngài Xá-lợi-phất thâu nhận chú làm vị sa-di đầu tiên trong Phật giáo. Sau khi vua cha của đức Phật mất, bà di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề cùng nhóm 500 người nữ dòng họ Thích-ca đã đến gặp Phật năn nỉ xin được xuất gia. Đức Phật đã đặt ra tám điều kiện để thâu nhận họ, trở thành chúng Tỳ-kheo Ni đệ tử Phật. Theo chân các tỳ-kheo Ni này, sau đó đã có nhiều nữ nhân xuất gia làm tỳ-kheo Ni trong giáo pháp của Phật. Kế tiếp, ngài Mục-kiền-liên độ cho 17 chú thiếu niên xuất gia. 17 chú này lớn hơn La-hầu-la và đã được đức Phật cho làm tỳ-kheo. Các chú ấy không chịu đựng được đời sống Tứ y pháp của Tăng đoàn, khi đêm hay kêu khóc vì đói, nên đức Phật đã quy định người nam phải từ 20 tuổi trở lên mới được làm tỳ-kheo, dưới tuổi đó phải làm sa-di. Đến đây, chúng Thức-xoa-ma-na xuất hiện…
Thức-xoa-ma-na (Siksamana) có nghĩa là Học pháp nữ, Chánh học nữ. Duyên khởi của pháp này là thuở Phật còn tại thế, đã có một cô gái đi xuất gia với các sư cô rồi được thọ giới Tỳ-kheo Ni mà chính cô và mọi người đều không biết là cô đang có thai. Khoảng ba, bốn tháng sau, bào thai trong bụng cô lớn lên, làm cho người đời dị nghị về phẩm hạnh của chư Ni đệ tử Phật. Đức Phật đã nhờ bà Vi-sa-kha khám nghiệm và minh oan cho cô trước đại chúng. Sau đó, đức Phật đã quy định là không nên cho người nữ vừa xuất gia liền được thọ giới Tỳ-kheo Ni, mà phải có một giai đoạn học pháp nhất định cho họ.
Điều luật này đã được áp dụng chung cho mọi người nữ mới xuất gia thời đó: các thiếu nữ đã từng có chồng, các thanh nữ 18 tuổi trở lên và mọi phụ nữ đều phải trải qua giai đoạn học pháp trước khi thọ giới Tỳ-kheo Ni. Với tục lệ tảo hôn cổ truyền của người Ấn, vào thời đức Phật đã có nhiều cô bé mới 10 tuổi đã có chồng, hình thành một hạng người nữ đặc biệt trong xã hội. Các thiếu nữ đã từng có chồng và hai hạng người nữ kia là ba hạng nữ nhân đã được Tăng đoàn ghi nhận là có thể làm tỳ-kheo Ni, nhưng vì sinh lý của người nữ mà họ phải cần thêm thời gian, xem như phước duyên của họ còn khuyết.
Như vậy, ban đầu thức-xoa-ma-na chính là quãng thời gian cần thiết để xác định duyên nghiệp của một người nữ mới xuất gia, nhằm xem người đó đã có thai hay không, trước khi cho thọ giới Tỳ-kheo Ni. Giai đoạn cần thiết này là cho những người nữ đi xuất gia mà không qua giai đoạn làm sa-di Ni. Như nay trong Phật giáo, các người nữ đều phải xuất gia hơn một năm mới được thọ giới sa-di Ni, rồi thêm thời gian làm sa-di Ni nữa, thì việc các cô ấy có thai hay không đã xác định được. Hay bây giờ người ta có thể phát hiện được thai chỉ bằng một dụng cụ rất gọn, nên cũng đâu cần trải qua 10 tháng thử thách.
Pháp kính trọng thứ tư của các nữ khất sĩ có nội dung như sau: “4. Ni cô tập sự hai năm, nếu muốn vào hàng xuất gia thiệt thọ phải có giáo hội chư Tăng chứng nhận.”. Ở đây, hàng xuất gia thiệt thọ chính là hàng tỳ-kheo Ni, hàng nữ khất sĩ, hàng Ni cô. Với pháp thứ tư này, Giáo pháp Khất sĩ đã quy định các người nữ xuất gia phải tập sự ít nhất hai năm mới được thọ giới Tỳ-kheo Ni. Xin lưu ý: Tổ dạy hai năm chứ không phải bảy, tám năm như hiện nay.
Trong bộ Chơn Lý, danh từ thức-xoa-ma-na và giới pháp Thức-xoa-ma-na không được Tổ sư Minh Đăng Quang đề cập đến. Trong các chứng điệp thọ giới ngài cấp cho chư Ni đệ tử chỉ có xác nhận ngày tháng xuất gia nhập đạo và thọ Sa-di Ni ở mặt trước, cùng thọ Tỳ-kheo Ni ở mặt sau, tương tự các chứng điệp ngài cấp cho chư Tăng đệ tử mà thôi. Như Ni trưởng Trí Liên cũng kể với các đệ tử là bà đã xuất gia thọ Sa-di Ni rồi sau thọ Tỳ-kheo Ni, chứ không có thọ Thức-xoa gì. Từ năm 1963, khi các giáo đoàn Khất sĩ chính thức hoạt động riêng, các đoàn Ni đã tự động cập nhật thêm giai đoạn thức-xoa-ma-na cho Ni chúng, kế sau giai đoạn làm sa-di Ni. Đến năm 1965, Đoàn sư cô Ngân Liên và Đoàn sư cô Trí Liên y chỉ với Giáo đoàn pháp sư Giác Nhiên đã mang theo điều này về, từ đó thành lệ. Như vậy là các trưởng lão Ni đệ tử Tổ sư Minh Đăng Quang đã làm một điều mà thầy họ không làm.
Nhưng giai đoạn thức-xoa-ma-na của chư Ni cũng chỉ có sự chứng minh chứ không có sự trao truyền, bởi vì không có giới Thức-xoa-ma-na để truyền. Khi đó, căn bản là các vị được phép tập giữ Giới bổn Ni chứ không có gì khác, hoặc là được học tập thêm những oai nghi tế hạnh và những bài vở mà tùy mỗi giáo đoàn Khất sĩ quy định, mục đích để huân tu thêm phước đức trí tuệ, chuẩn bị tư lương cho họ tiến lên phẩm vị Tỳ-kheo Ni. Trong Giới Luật Học Cương Yếu, hòa thượng Thánh Nghiêm cũng đã khẳng định là các thức-xoa-ma-na chỉ có sự biệt giáo chứ không có giới thể để đắc. Ngài đã trích dẫn sách Nghiệp Sớ như sau: “Học pháp nữ này không có giới luật, chỉ thọ biệt giáo thứ bậc hơn sa-di Ni.” (tr. 283a). Hai từ “biệt giáo” dùng ở đây rất chính xác, và nói “hơn sa-di Ni” thì cũng chính xác.
Thời đức Phật tại thế, chúng Thức-xoa-ma-na đã được hình thành như vậy. Về sau, các Tăng đoàn ở Ấn Độ đã quy định mọi nam nhân mới xuất gia có khi phải trải qua giai đoạn làm sa-di. Dĩ nhiên quy định này của Tăng đoàn là ứng với hạnh nghiệp của chúng sanh. Xét những vị nam tử lớn tuổi khi đi xuất gia vẫn phải làm sa-di, họ có năng lực hơn các sa-di mà chưa đủ phước đức để làm tỳ-kheo, do vậy họ đã hình thành nên một chúng mà Luật tạng gọi là Danh tự Sa-di. Với chúng này, dĩ nhiên Tăng đoàn đã có ghi nhận những năng lực của họ và cũng có tạo những điều kiện thích hợp cho họ, ví dụ khi cần thì giáo hội cũng cho các sa-di lớn tuổi đi trụ trì… nhưng không vì thế mà hình thành nên một giới pháp riêng cho chúng Danh tự Sa-di. Điều này được trình bày ở đây là để liên hệ đến trường hợp các thức-xoa-ma-na. Và nếu chúng Danh tự Sa-di được hình thành trong thời đức Phật, thì có phải Phật giáo đã có tám chúng Phật tử hay không?
Chư Ni cô đệ tử Phật là những vị được sinh ra và lớn lên với những biệt nghiệp của nữ giới. Để giúp cho các vị ấy được nghiệp duyên thuyên giảm, phước đức tăng trưởng, đủ năng lực đảm đương thọ mạng Phật pháp, thừa Như Lai sự, tác Như Lai sứ, các bậc thầy đã dày công rèn luyện cho các cô như vậy. Ngày xưa, đức Phật đã chế pháp Thức-xoa-ma-na cho các người nữ xuất gia mà không cần phải qua giai đoạn làm sa-di Ni, pháp này không có giới thể. Còn ngày nay, đức Tổ sư Minh Đăng Quang thiết lập Đạo Phật Khất Sĩ đã bỏ luôn chúng Thức-xoa-ma-na vậy.
4. Giới pháp Tỳ-kheo Ni:
Giới pháp Tỳ-kheo Ni gồm Tứ y pháp, Bát kính pháp và 348 giới Tỳ-kheo Ni. Chư Ni khất sĩ mặc bộ tam y, dùng bình bát đất, hành hạnh khất sĩ để trở thành bậc Vô thượng sĩ trong một ngày mai.
a. Tứ y pháp:
Tứ y pháp là Tứ Thánh chủng, là bốn hạt giống Thánh hạnh, là bốn pháp trung đạo về đời sống thật tế ăn mặc ở bệnh của người xuất gia tu Phật.
1. Nhà sư khất thực phải lượm những vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.
2. Nhà sư khất thực chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp, đọc Giới bổn, được ăn tại chùa.
3. Nhà sư khất thực phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ bằng lá một cửa thì được ở.
4. Nhà sư khất thực chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng.
b. Bát kính pháp:
Bát kính pháp là tám điều kiện mà nữ giới cung kính thọ lãnh từ Phật Thích-ca để được phép xuất gia trong giáo pháp của ngài. Bát kính pháp nghĩa là tám pháp kính trọng, là tám quy định cụ thể về sự tôn kính Tăng bảo luôn luôn của Ni giới. Tinh thần chung của Bát kính pháp là những Tăng sự quan trọng của Ni giới phải có sự chứng minh của chư tôn đức Tăng. Bát kính pháp có hai ý nghĩa: một là nêu cao đức khiêm tốn vô ngã của các nữ khất sĩ đệ tử Phật và hai là đức Phật đã phó chúc cho Tăng đoàn phải thường quan tâm giúp đỡ cho Ni giới như những người anh lớn đối với các em trong đại gia đình Phật giáo. Trong các chúng đệ tử Phật, chư tỳ-kheo Tăng là các trưởng tử và thứ đến là chư tỳ-kheo Ni, còn các chúng kia là hàng học trò của hai chúng này… Bát kính pháp có nội dung như sau:
1. Ni cô bao giờ cũng phải lễ bái chư Tăng, dầu cho lớn tuổi thế mấy cũng vậy.
2. Nhà Ni cô không được phép trách mắng, rầy rà, nói hành chư Tăng.
3. Ni cô không được phép xen vào việc ưng oan của chư Tăng.
4. Ni cô tập sự hai năm, nếu muốn vào hàng xuất gia thiệt thọ phải có giáo hội chư Tăng chứng nhận.
5. Ni cô nếu phạm giới phải sám hối giữa hai giáo hội nữ và nam.
6. Ni cô phải nhờ giáo hội chư Tăng chứng minh đọc Giới bổn mỗi kỳ nửa tháng.
7. Ni cô không được tựu hội nghỉ mùa mưa ở một xứ không có chư Tăng.
8. Ni cô phải nhờ chư Tăng sắp đặt chỗ nơi hành đạo khi dứt mùa mưa.
Đối tượng của tám pháp này là các Ni cô, các nữ khất sĩ. Tổ sư dùng từ “Giáo hội nữ” ta nên hiểu đó là một đoàn thể 20 vị nữ khất sĩ, còn từ “Giáo hội nam” là một đoàn thể 20 vị khất sĩ. Khi mắc tội nặng, một Ni cô phải sám hối trước hai tiểu giáo hội Tăng, Ni, mà không cần phải kéo cả Tăng, Ni toàn xứ về chứng minh cho cô đó.
c. 348 giới Tỳ-kheo Ni:
348 giới Tỳ-kheo Ni chia làm sáu nhóm giới và nhóm bảy pháp diệt sự tranh cãi. Sáu nhóm giới của tỳ-kheo Ni xếp theo thứ tự từ nặng đến nhẹ như sau:
1. Tám đại giới
2. Mười bảy giới tổn hại Tăng tàn
3. Ba mươi giới phá sự thanh bần
4. Một trăm bảy mươi tám giới hành phạt
5. Tám giới đặc biệt
6. Một trăm giới nhỏ phải học
Bảy pháp diệt sự tranh cãi:
Khi có việc xảy ra xung đột, bất bình thì xử cho êm đi.
1. Dùng cách tự thuận
2. Hoặc nói quyết rằng quên
3. Hoặc mình không biết, không cố ý
4. Hoặc xin lỗi thành thật mình đã lỡ phạm
5. Hoặc chuyển lên giáo hội xem xét cho
6. Hoặc nhờ thầy quảng đại quyết định cho
7. Hoặc cùng nhau niệm Phật bỏ qua, khỏa lấp như cỏ mới mọc.
Giới bổn Ni Khất Sĩ có sáu nhóm giới với sáu mức định tội căn bản như sau:
1. Tám đại giới – trục xuất
2. Mười bảy giới tổn hại Tăng tàn – giáng cấp
3. Ba mươi giới phá sự thanh bần – cấm phòng sáu bữa
4. Một trăm bảy mươi tám giới hành phạt – quỳ hương
5. Tám giới đặc biệt – xưng tội xả đọa
6. Một trăm giới nhỏ phải học – sám hối
5. Giới pháp Tỳ-kheo:
Giới pháp Tỳ-kheo gồm Tứ y pháp và 250 giới Tỳ-kheo. Chư Tăng khất sĩ mặc bộ tam y, dùng bình bát đất, hành hạnh khất sĩ để trở thành bậc Vô thượng sĩ trong một ngày mai.
a. Tứ y pháp:
Tứ y pháp là Tứ Thánh chủng, là bốn hạt giống Thánh hạnh, là bốn pháp trung đạo về đời sống thật tế ăn mặc ở bệnh của người xuất gia tu Phật.
1. Nhà sư khất thực phải lượm những vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.
2. Nhà sư khất thực chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp, đọc Giới bổn, được ăn tại chùa.
3. Nhà sư khất thực phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ bằng lá một cửa thì được ở.
4. Nhà sư khất thực chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng.
b. 250 giới Tỳ-kheo:
250 giới Tỳ-kheo chia làm bảy nhóm giới và nhóm bảy pháp diệt sự tranh cãi. Bảy nhóm giới của Tỳ-kheo xếp theo thứ tự từ nặng đến nhẹ như sau:
1. Bốn đại giới
2. Mười ba giới tổn hại Tăng tàn
3. Hai giới không định
4. Ba mươi giới phá sự thanh bần
5. Chín mươi giới hành phạt
6. Bốn giới đặc biệt
7. Một trăm giới nhỏ phải học
Bảy pháp diệt sự tranh cãi:
Khi có việc xảy ra xung đột, bất bình thì xử cho êm đi.
1. Dùng cách tự thuận
2. Hoặc nói quyết rằng quên
3. Hoặc mình không biết, không cố ý
4. Hoặc xin lỗi thành thật mình đã lỡ phạm
5. Hoặc chuyển lên giáo hội xem xét cho
6. Hoặc nhờ thầy quảng đại quyết định cho
7. Hoặc cùng nhau niệm Phật bỏ qua, khỏa lấp như cỏ mới mọc.
Mỗi điều của bảy pháp này đều rõ nghĩa, có lý có tình, chắc chắn là có thể hòa giải ổn thỏa những đấu tranh trong Tăng chúng. Nếu Thất diệt tránh pháp được dịch như sau:
Thất diệt tránh pháp:
1. Nên dùng phép hiện tiền thì dùng phép hiện tiền.
2. Nên dùng phép nhớ lại thì dùng phép nhớ lại.
3. Nên dùng phép bất si thì dùng phép bất si.
4. Nên dùng tự ngôn trị thì dùng tự ngôn trị.
5. Nên dùng cách tìm tướng tội thì dùng cách tìm tướng tội.
6. Nên dùng cách nhiều người tìm tướng tội thì dùng cách nhiều người tìm tướng tội.
7. Nên như cỏ che đất thì dùng cách như cỏ che đất.
Thì các thuật ngữ “phép hiện tiền”, “phép bất si”, “tự ngôn trị”, “cách như cỏ che đất” cần phải giải thích thêm mới hiểu mà biết cách ứng dụng, như thế là không tiện. Trong Luật tạng, các từ được sử dụng như “tụ”, “thiên”, “chương”, “kiền-độ” đều có nghĩa chung là “phần”. Nếu đem các từ này dùng như danh từ riêng thì sẽ bất tiện. Như khi nói “năm thiên bảy tụ” thì ta phải giải thích thêm rằng “thiên” chỉ cái gì và “tụ” chỉ cái gì, thật là phiền. Chính những trình bày phiền phức đã làm cho Luật tạng trở nên rối, trở nên đáng e ngại, ít được phổ biến và ứng dụng… Thật không nên biên tập Luật tạng như thế. Nếu như cần phải chú giải thì nên gom các chú giải thành một phần riêng, cho thích hợp, tiện dụng.
Giới bổn Tăng Khất Sĩ có bảy nhóm giới với sáu mức định tội căn bản như sau:
1. Bốn đại giới – trục xuất
2. Mười ba giới tổn hại Tăng tàn – giáng cấp
3. Hai giới không định
4. Ba mươi giới phá sự thanh bần – cấm phòng sáu bữa
5. Chín mươi giới hành phạt – quỳ hương
6. Bốn giới đặc biệt – xưng tội xả đọa
7. Một trăm giới nhỏ phải học – sám hối
Như vậy là Giới bổn Tăng Khất Sĩ có sáu thiên bảy tụ, nếu theo cách nói cũ. Giới bổn này đã có thêm hình phạt giáng cấp. Trong hai bộ Giới bổn Khất Sĩ, cách sử dụng tên chung (danh) đi kèm với loại tội trạng (chủng) như ở trên thật là gọn, dễ nhớ, dễ sử dụng.
6. Giới pháp Phật tử:
Giới Phật tử gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh được Tổ sư Minh Đăng Quang biên tập từ Kinh Phạm Võng. Do đặc tính của giới pháp này nên phải ghi nhận rằng: Giới Phật tử do Tổ sư Minh Đăng Quang biên tập và ban hành, khác với Giới Bồ-tát đã được phổ biến hơn 1500 năm qua ở Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
Vì sao dùng tên là Giới Phật tử mà không gọi là Giới Bồ-tát? Bởi Phật tử nghĩa là con Phật, là những người từ pháp Phật sanh, là các nam nữ khất sĩ, gồm hết các hàng Thánh vị Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát... Từ Phật tử mang những nghĩa bao quát và khiêm tốn, dùng từ này để đặt tên cho 10 giới trọng và 48 giới khinh là thích hợp nhất, sẽ diễn đạt chính xác cả nghĩa và ý. Khi dùng từ Bồ-tát thì có vẻ như các bậc Thanh văn, Duyên giác không có phần, như thế không phải là tâm nhất thừa bình đẳng. Lại nữa, từ Bồ-tát thường được hiểu là chỉ một hạng người cao hơn mọi người, nên dùng từ này dễ dẫn đến sự ngộ nhận, làm nẩy sanh hoặc tự tôn hoặc tự ti, đều không hay. Phật pháp khai triển ở nhân gian đã lấy các chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni, Sa-di, Sa-di Ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di làm đối tượng giáo hóa căn bản. Các chúng đó là Thanh văn hay là Bồ-tát sẽ được xác định trên tâm đức và trí tuệ của họ. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã từng nhận xét các ngài Anan, Tu-bồ-đề, Ca-chiên-diên… là các bậc “Ngoài hiện tướng Thanh văn, trong ẩn hạnh Bồ-tát”, ai bảo các vị ấy là hàng sơ học là lầm.
Danh từ Phật tử được Chơn Lý sử dụng với một ý nghĩa đặc thù. Trong Giáo pháp Khất sĩ có mấy danh từ được dùng với những ý nghĩa khác nhau rõ ràng, là cư sĩ, khất sĩ, Vô thượng sĩ, Phật tử, và Bồ-tát. Bộ Chơn Lý đã phân giải:
– Cư sĩ là các tín đồ của lẽ phải, làm học trò của Tăng.
– Khất sĩ là Tăng, là các học trò khó (nghèo) lo xin ăn tu học để tập làm Phật, có các hạng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát phàm Thánh.
– Vô thượng sĩ là Phật, mà như đức Di-lặc vẫn chưa phải là bậc Vô thượng sĩ.
– Phật tử là con Phật, là những bậc đã thanh tịnh sáu căn, đắc sáu thần thông, mà A-la-hán là như đứa con nhỏ của Phật mới sanh ra.
– Bồ-tát là bậc tu hành vị tha, gồm có Bồ-tát phàm và Bồ-tát Thánh. Bồ-tát phàm là hàng Bồ-tát chưa thanh tịnh sáu căn, còn ở trong ba quả Nhập lưu, Nhất lai và Bất vãng lai, thấp hơn bậc Vô sanh. Bồ-tát Thánh là bậc Bồ-tát đã thanh tịnh sáu căn, làm thầy của hàng A-la-hán.
Vậy bậc đã thanh tịnh, được ghi nhận là con Phật, mà còn có giới cấm sao? Thời xưa, 12 năm đầu lập đạo đức Phật Thích-ca không chế giới, ngài Xá-lợi-phất lo cho sự trường tồn của Phật pháp đã cầu thỉnh Phật chế giới, Phật bảo: “Trong chúng của ta đây người nhỏ nhất cũng đắc Sơ quả, nên chưa cần phải chế giới. Như Lai sẽ đúng thời mà làm.”. Theo lời Phật dạy, thì hàng Sơ quả Nhập lưu còn không cần phải chế giới, nói gì đến bậc đã thanh tịnh. Ta có thể hiểu Giới Phật tử là giới pháp dạy người làm Phật tử, chứ không phải là giới cấm cho các Phật tử.
Nhưng vì sao Giáo pháp Khất sĩ lại thiết lập Giới Phật tử, trong khi đã thiết lập các giới pháp cho các hàng sa-di và tỳ-kheo như đã nêu ở trước, các mục 2, 4, 5 của phần B? Câu hỏi này cần được nêu lên và làm sáng tỏ. Các giới pháp Sa-di, Tỳ-kheo là biệt truyền cho mỗi chúng xuất gia, còn Giới Phật tử là phổ truyền cho các chúng xuất gia. Trong một tổ chức đạo Phật, sa-di và tỳ-kheo là hai thân phận, có tôn ti trật tự; còn trong đạo Phật thuần túy thì họ đều là những người đang trên đường Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát để đến với Phật quả, mà có khi sa-di lại đến nơi trước tỳ-kheo.
Giới Phật tử đã được Tổ sư Minh Đăng Quang biên tập thành Chơn lý số 55 và mỗi tháng vào sáng ngày mùng 8 hoặc sáng ngày 23 đại chúng đều sẽ tụng giới này một lần (ở các tịnh xá lớn). Giới Phật tử do Tổ sư Minh Đăng Quang biên tập và ban hành có những nét đặc biệt của nó, phù hợp với Chánh pháp của ba đời ngàn Phật. Xin trích dẫn vài đoạn để mọi người theo dõi:
“GIỚI PHẬT TỬ
Các Phật tử lóng nghe!
Xưa Phật bảo các hàng Phật tử xuất gia rằng: Có 10 giới trọng, nếu các ngươi thọ giới Phật tử mà không tụng giới này, thời chẳng phải Phật tử, chẳng phải dòng giống Phật. Ta cũng tụng như vậy, tất cả Phật tử đã học, sẽ học và nay học, cần phải học, kỉnh tâm vâng giữ.
Phật nói:
1. Này Phật tử! Hoặc mình giết,…
2. Này Phật tử! Mình trộm,…
3. Này Phật tử! Mình dâm,…
4. Này Phật tử! Mình nói vọng,…”
Vậy giới pháp này đức Phật dạy cho các hàng Phật tử xuất gia, gồm có hai chúng khất sĩ và các chúng tập sự khất sĩ. Nên khi tụng Giới Phật tử các chúng xuất gia nhỏ cũng được dự nghe.
Sau khi nêu xong 58 giới, phần phụ chú của Giới Phật Tử đã lược giải khoảng 27 mục, mục đầu tiên là:
“Ba tụ giới
1. Nhiếp luật nghi giới, nguyện đoạn tất cả ác.
2. Nhiếp thiện pháp giới, nguyện làm tất cả việc lành.
3. Nhiêu ích hữu tình giới, nguyện độ tất cả chúng sanh.”
Ba nhóm giới (Tam tụ giới) gồm Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới. Ba nhóm giới cũng là ba đại nguyện căn bản như đã nêu. Đức Phật Ca-diếp đã dạy: “Chớ làm điều gì ác, phải làm các điều lành, cái sở ý của ngươi phải cho trong sạch luôn luôn, chư Phật đều dạy như vậy!”. Vậy hiểu theo nghĩa rộng thì giới tức là pháp, không có gì sai khác, ai thọ giới cũng là thọ pháp, ai thọ lãnh giáo pháp cũng là thọ giới mà thôi.
Trong khi các giới pháp Tỳ-kheo, Sa-di chú trọng thân nghiệp và khẩu nghiệp, thì Giới Phật tử bao quát đầy đủ cả ba nghiệp thân khẩu ý. Vậy Giới Phật tử chính là phần mở rộng của các giới pháp căn bản mà đức Phật đã biệt truyền cho các chúng xuất gia. Nên khi biên tập Giới Phật tử, Tổ sư Minh Đăng Quang đã lược bỏ hết những từ ngữ và ý tứ cho rằng các giới pháp xuất gia của đức Phật Thích-ca đã ban hành từ xưa là tà kiến, phi pháp, nhỏ mọn… Ngài đã biên tập giới luật thành công, một điều mà không phải ai cũng làm được, nếu như không có sứ mạng và năng lực của bậc Đại sĩ.
Nhiều người nói rằng Giới Phật tử là tâm giới. Nhưng tâm chơn không cần lập giới cấm, còn tâm có giới cấm là tâm vọng. Mà tâm vọng tức là nghiệp, là thức và hành, là từ trong những cảnh giới của chúng sanh mà có. Dù Giới Phật tử được kết tập trong pháp hội Hoa Nghiêm, trước khi đức Thích-ca có các đệ tử xuất gia đi nữa, thì giới pháp này cũng phải ứng theo chúng sanh pháp mà lập, tức là ứng theo nghiệp vọng cố hữu nhiều đời kiếp của chúng sanh mà lập chứ không thể khác. Nên Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy: “Người tội sanh pháp luật chớ không phải pháp luật sanh người tội…”. Phật pháp không có hai vị và lẽ tâm chơn tâm vọng này chắc là không sai.
Giới Phật tử được chia làm hai nhóm theo hai mức định tội căn bản: nhóm giới trọng (nặng) có 10 điều và nhóm giới khinh (nhẹ) có 48 điều. Trong khi các giới pháp Tỳ-kheo được thiết lập với nhiều mức định tội, thì Giới Phật tử lại gọn và thoáng hơn.
Xưa nay các giới pháp Phật dạy đều được các Tăng đoàn tổ chức truyền trao cho người xứng đáng được thọ trì, từ đời sau đức Phật. Sự truyền thọ giới đó nhằm đề cao giới và giúp người thành tựu được giới, mà đức Phật thì không cần phải làm thế, không cần nghi thức và uy lực của đoàn thể khi muốn tác thành giới cho ai. Các giới phẩm Sa-di, Tỳ-kheo đều có giới đàn truyền thọ trang nghiêm. Nhưng Giới Phật tử lại không được xem là một giới phẩm cụ thể, và Tổ sư Minh Đăng Quang chưa tổ chức truyền Giới Phật tử cho các đệ tử bao giờ.
Như nói giới có bốn khoa là giới thể, giới pháp, giới tướng và giới hạnh, còn giới phẩm thì sao? Giới phẩm nghĩa là bậc giới của một người. Đối với hàng phàm Tăng đang tu cũng như đang sống trong các xã hội của nhân loại thì hai giới phẩm Sa-di và Tỳ-kheo là đủ.
Như đại sư Thái Hư, một danh Tăng của Phật giáo Trung Quốc thế kỷ XX, đã từng nói rằng: Chỉ dạy thuần Đại thừa chứ không dạy Tiểu thừa. Đó là chuyện của đại sư, còn các đức Phật ra đời đều mở đạo giáo hóa cho cả ba thừa, sau rốt quy về Nhất thừa, Phật thừa (khai tam hiển nhất, khai quyền hiển thật, Kinh Pháp Hoa). Xét ra Bồ-tát giới là của riêng “Đại thừa”, còn Giới Phật tử là của chung ba thừa! Các luật sư Phật giáo Trung Quốc xưa nay đã phân tích Bồ-tát giới là thông giới vì phàm Thánh đồng tu (?) Còn trong Giáo pháp Khất sĩ, Giới Phật tử sẽ là thông giới vì ba thừa đồng tu vậy.
Điều được xác định ở đây là Giới Phật tử do Tổ sư Minh Đăng Quang biên tập lại từ Kinh Phạm Võng đã có những đặc điểm nổi bật: một là dành cho các hàng Phật tử xuất gia, hai là không chống báng các giới pháp xuất gia mà đức Phật Thích-ca đã dạy, ba là thông giới cho cả ba thừa Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát quy hướng nhất Phật thừa bình đẳng; bốn là không có sự truyền thọ như một giới phẩm, nhưng đã được biên tập, ban hành, và tham khảo tụng đọc tập thể, tức là đã được truyền thọ đại trà rồi; và năm là văn phong rất trôi chảy, ôn hòa, súc tích...
Tóm lại, các Giới bổn mới chính là trọng tâm cho các khất sĩ thọ và trì, còn Giới Phật tử cũng rất nên tham khảo để phát tâm, lập chí, học theo gương chư Phật. Kinh Hoa Nghiêm đã dạy: “Giới là gốc của Bồ-đề vô thượng.”, chúng ta nên ghi nhớ trân trọng sự thật cao quý đó!
7. 114 điều Luật nghi Khất Sĩ:
114 điều răn này do Tổ sư ban hành, đến năm 1972 đã được đưa vào phần cuối quyển Luật Nghi Khất Sĩ với tên Luật Nghi, mà ở lời nói đầu của sách lại gọi là 114 Điều Luật Nghi Khất Sĩ. Xin tạm trích dẫn một số điều để giới thiệu như sau:
“Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang
1. Cấm tất cả Tăng sư cùng tập sự lớn nhỏ, chưa có xin phép giáo hội, không có việc gì khẩn cấp, tự ý ra đi, lén trốn mà đi, phạm bị giáng cấp.
2. Cấm kẻ nào nói: “Tôi chỉ biết có một mình Sư trưởng”, cả thảy phải quy tuân theo phép của giáo hội.
3. Cấm nói thế sự vua quan, thiên cơ sấm giảng.
…
34. Cấm người tu trí huệ mà nói chuyện nhiều và không giới, định.
35. Cấm người xuất gia mà không tu thiền định.
…
70. Cấm người xuất gia mà còn tham lam, sân giận, si mê.
71. Cấm xuất gia mà còn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không trong sạch (như kẻ thế).
…
80. Cấm cho thọ Giới y bát một người dốt văn tự quốc ngữ (phải mặc áo quần tập sự).
81. Cấm cho mặc dùng y bát một người trì giới, thiền định không được.
…
113. Cấm hay kiếm chuyện này chuyện kia làm phiền trong giáo hội.
114. Cấm hay đòi hỏi làm khó rầy trong giáo hội.”
114 điều Luật nghi Khất Sĩ, điều 1 nhằm ngăn ngừa tình trạng Tăng, Ni khất sĩ tự do đi tu tịnh vô tổ chức. Trong điều 2, “Sư trưởng” lúc đầu là chỉ Tổ sư Minh Đăng Quang khi ngài còn tại thế, về sau là chỉ các vị trưởng giáo hội, trưởng giáo đoàn. Điều 3 là tinh thần chung của Thích-ca Chánh pháp, bởi thế sự vua quan là thị phi của danh lợi, thiên cơ sấm giảng là mê tín theo thần quyền. Điều 71, lục căn không trong sạch là không trong sạch về hành vi đạo đức: ngó liếc, nghe ngóng, xao động, đòi hỏi ăn ngủ… nên phụ chú là như kẻ thế. Điều 80 bị trùng với điều 24: “Cấm cho một người dốt, không thông chữ quốc ngữ thọ Giới y bát(tùy theo mỗi cách).”. Từ điều 80 ta xác định được Giới y bát là các giới gì, theo cách nói của Tổ sư.
8. Những quy định của Phật giáo Khất Sĩ:
a. Chương Luật Khất Sĩ:
Thời Tổ sư Minh Đăng Quang lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam và làm Sư trưởng của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ, thì những quy định của giáo hội do chính ngài ban hành đã được viết trong chương Luật Khất Sĩ. Trong chương này Tổ sư đã nêu các nội dung:
– Bát đất
– Y vá, bộ tam y của các nam khất sĩ và nữ khất sĩ
– Các vật dụng đơn giản của người xuất gia: khăn lau, choàng tắm, muỗng, bàn chải, dao cạo, lược nước, ca uống nước, mùng, giường, ghế, cốc, tọa cụ…
– Tứ y pháp và 10 giới (hoặc 250 giới)
– Niết-bàn thời khắc biểu – Trú dạ lục thời (ngày đêm sáu thời hành đạo)
– Giáo hội Tăng-già Khất sĩ
– Xuất gia, thọ giới, tấn phong
– Xây cất tịnh xá, phòng cốc, làm tháp thờ Phật
– Sinh hoạt: cúng hội, khất thực, đọc kinh, tu tịnh, dạy chữ, in kinh sách…
– Bổn phận sư Tri sự
– Cách đi khất thực
– Phép đi đến nhà cư sĩ
– Các hạnh khất sĩ: ăn, mặc, nói, làm, đi, đứng, ngồi, nằm, thức (tỉnh), mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
b. Các quy định của Hội đồng Giáo phẩm Phật giáo Khất Sĩ Việt Nam
Năm 1947, Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, với tôn chỉ Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, có tổ chức là Giáo hội Tăng-già Khất sĩ, do ngài làm Sư trưởng. Bấy giờ Giáo hội Tăng-già Khất sĩ vẫn chưa có pháp nhân, chưa chính thức là một giáo hội Phật giáo được chính quyền thừa nhận.
Năm 1953, trước khi vắng bóng, Sư trưởng Minh Đăng Quang đã tấn phong ba vị sư lớn làm lãnh đạo Giáo hội Tăng-già Khất sĩ: sư Giác Chánh làm Thượng tọa, sư Giác Tánh làm Trưởng lão và sư Giác Như làm Tri sự. (Lúc đó Giáo hội còn đơn giản, mới có bốn chức vị lãnh đạo, không có giáo quyền trọng vọng.)
Đầu tháng 3 năm 1954 Sư trưởng Minh Đăng Quang vắng bóng, sau một thời gian buồn nản các đệ tử ngài đã đi khắp nơi hành đạo, từ đó thành lập được cả chục đoàn thể. Các đoàn thể mới lập là Giáo hội nhánh, theo như Chơn Lý đã phân định. Vì có nhiều Giáo hội nhánh nên các giáo hội đó đã được gọi là “đoàn” cộng thêm tên người sáng lập và lãnh đạo cho dễ biết. Dần dần, một cách tự nhiên, “Giáo hội nhánh” và “đoàn du Tăng” được kết hợp lại thành từ “Giáo đoàn”, theo tuổi đạo của người đứng đầu mà phân định thứ tự Giáo đoàn I, II, III, IV, và V.
Còn đoàn thể của các vị nữ khất sĩ, họ vốn không nhất định phải trực thuộc một giáo đoàn Tăng. Nhưng với năm điều sau của Bát kính pháp, có năm Tăng sự chư Ni phải nương (phải phối hợp) bên Tăng:
1. Thọ Đại giới
2. Tụng Giới bổn Ni mỗi nửa tháng
3. Sám hối tội Tăng tàn và tội trục xuất
4. An cư
5. Đi hành đạo các nơi
Và theo ba điều đầu của Bát kính pháp, chư Ni lúc nào cũng phải khiêm tốn hạ mình trước chư Tăng. Vậy đoàn thể của các vị nữ khất sĩ không thể là một giáo đoàn, được tự do đi hành đạo các nơi, và được ngang hàng với chư Tăng. Nên bài viết này gọi các đoàn thể ấy là “đoàn” vậy.
Lúc này Giáo hội Tăng-già Khất sĩ do Thượng tọa Giác Chánh và Tri sự Giác Như cùng các trưởng lão Giác Hải, Giác Hòa (mất năm 1958), Giác Trụ… duy trì được gọi là Giáo hội chánh. Nhưng Giáo hội chánh là giáo hội trung ương của tất cả các giáo đoàn, chứ Giáo hội chánh không phải là một giáo đoàn. Qua thập niên 1970 điều này mới được xác định.
Năm 1963, tình hình nước nhà rối ren, nên các giáo đoàn không còn Tự tứ chung. Bấy giờ ngài Thượng tọa Giác Chánh thường dẫn một nhóm Tăng đi du hành miền Tây Nam bộ suốt, ít về tịnh xá. Khi có sư xin phép bàn việc giáo hội, ngài nói: “Tôi già rồi, quý sư làm được gì thì làm.”. Do vậy các sư đệ của ngài đã vận động thành lập một giáo hội Phật giáo có pháp nhân. Mà trước đó, trong sách của Hàn Ôn viết năm 1960, và nơi bìa bộ Chơn Lý đầu tiên được in năm 1961, đã có danh xưng “Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam”. Các vị đã tự động thêm tên địa phương “Việt Nam” vào phía sau tên giáo hội của Tổ sư lập, đó là điều tất yếu.
Năm 1966, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam được thành lập, hội sở trung ương tại Tịnh xá Trung Tâm, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh). Vì Giáo hội chánh ở Tịnh xá Ngọc Viên không đảm đương vai trò của mình, nên Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam được xem là Giáo hội chánh của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Bấy giờ, thành viên của giáo hội này gồm có năm giáo đoàn Tăng là Giáo đoàn Thượng tọa Giác Chánh, Giáo đoàn trưởng lão Giác Tịnh, Giáo đoàn trưởng lão Giác An, Giáo đoàn pháp sư Giác Nhiên, Giáo đoàn trưởng lão Giác Lý; và hai đoàn Ni là Đoàn sư cô Ngân Liên, Đoàn sư cô Trí Liên.
Trong giai đoạn 1954 – 1975, nội bộ Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã bị phân hóa thêm mấy giáo hội. Đây là tình trạng ly khai tổ chức, khi trở về phải bị giáng cấp theo điều 1 của 114 Điều Luật Nghi Khất Sĩ.
Đến cuối năm 1981, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam đại diện Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam tham gia thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sau đó, mười mấy giáo hội Phật giáo thành lập trước năm 1975 ở khắp ba miền Việt Nam ĐÃ GIẢI TÁN trong tình hình toàn thể Phật giáo Việt Nam thống nhất thành một giáo hội.
Đến năm 1995, các giáo đoàn Khất sĩ cùng nhau thành lập Hội đồng Giáo phẩm Phật giáo Khất Sĩ Việt Nam, từ đó có những quy định được ghi nhận như sau:
– Truyền giới Sa-di: tại giáo đoàn. Tiêu chuẩn được thọ giới: tối thiểu phải xuất gia một năm và 18 tuổi đời, hạnh kiểm tốt, bài vở thuộc, được sự giới thiệu xin phép của bổn sư.
– Truyền giới Tỳ-kheo: Từ thời đức Tổ sư Minh Đăng Quang, các Giới đàn Khất sĩ đã thường được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày Tự tứ. Đến năm 1962, các giáo đoàn buộc phải Tự tứ riêng do sự can thiệp của chính quyền Ngô Đình Diệm ở Tây Ninh và đã tổ chức các Giới đàn Khất sĩ riêng. Qua năm 1963, các giáo đoàn vẫn còn Tự tứ chung ở Long Xuyên, hàng lãnh đạo các giáo đoàn vẫn về đủ nhưng chư Tăng về không đủ do tình hình nước nhà rối ren (cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm sắp xảy ra). Do vậy trong lần Tứ tứ 1963 này, ngài Thượng tọa Giác Chánh đã chính thức tuyên bố các giáo đoàn tạm sinh hoạt riêng. Nhưng năm đó Giới đàn Khất sĩ của Giáo hội chánh vẫn được tổ chức, và sau đó các giáo đoàn cũng tổ chức thêm giới đàn nữa, để truyền giới cho các sư đến tuổi thọ Tỳ-kheo mà không về Long Xuyên được. Và kể từ năm 1995 đến nay, Giới đàn Khất sĩ lại được tổ chức tập trung mỗi năm một lần vào tối ngày mùng 9 tháng 7 âm lịch tại Trường Hạ chính (để sáng ngày mùng 10 giải Hạ, về các giáo đoàn Tự tứ, về các nơi dự lễ Vu-lan…). Các tiêu chuẩn được thọ giới: tối thiểu là ba năm sa-di và 21 tuổi đời, năm thọ giới phải an cư tại Trường Hạ chính (trừ lý do bận đi học các trường Phật học ở địa phương), hạnh kiểm tốt, bài vở thuộc, nắm vững được một phần Phật pháp căn bản, vượt qua được kỳ sát hạch tại giới đàn (vấn đáp trực tiếp, ba môn được điểm từ 10 đến 20), được sự giới thiệu xin phép của bổn sư, được giáo đoàn thông qua…
– Truyền các giới của chư Ni: Từ thời đức Tổ sư Minh Đăng Quang, các Giới đàn nữ Khất sĩ đã thường được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày Tự tứ. Sau khi đức Tổ sư vắng bóng việc này vẫn được duy trì tại Giáo hội chánh. Đến năm 1958, một số đông Ni chúng khất sĩ đã đi riêng lập giáo hội tại Tịnh xá Ngọc Phương, dần dần không về sinh hoạt với Giáo hội chánh của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam nữa. Số chư Ni ở lại Giáo hội chánh vẫn sinh hoạt tốt và phát triển mạnh, đứng đầu là các sư cô Ngân Liên, Trí Liên, Hưng Liên, Hà Liên, Văn Liên, Cung Liên… đệ tử ngài Minh Đăng Quang.
Hiện nay, Ni chúng khất sĩ được truyền giới tại các giáo đoàn Tăng, dưới sự chứng minh của hai tiểu giáo hội Tăng, Ni, và có các tiêu chuẩn thọ giới riêng. Vấn đề thức-xoa-ma-na nên xem lại.
Và như thế, ngoài những giới đàn phụ cho các chúng nhỏ, từ lâu Phật giáo Khất Sĩ đã có hai giới đàn chính để chơn truyền y bát, chơn truyền giới luật cho chư khất sĩ. Tinh thần Nối truyền Thích-ca Chánh pháp quả thật đã bàng bạc khắp trong nền Phật giáo do đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng.
– Họp Hội đồng Giáo phẩm Phật giáo Khất Sĩ: mỗi năm bốn lần thường kỳ tại trụ sở chính. Các giáo đoàn Tăng họp trước, sau đó chư tôn đức Tăng lãnh đạo chứng minh cho các đoàn Ni…
C. TẠM KẾT:
Với tinh thần căn bản là Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Giới luật Khất Sĩ đã được Tổ sư Minh Đăng Quang biên tập và ban hành cho các Tăng, Ni khất sĩ và cư sĩ tu học. Qua những gì đã tìm hiểu, có thể kết luận rằng Phật giáo Khất Sĩ có một hệ thống giới luật hoàn bị, vững chắc. Hệ thống giới luật này đã tác thành đạo nghiệp cho chư khất sĩ. Nương theo hệ thống giới luật này, chư khất sĩ đã được sinh ra và lớn lên, trở thành những bậc tài đức hữu dụng, như con được lớn mạnh nhờ sữa mẹ giàu chất bổ dưỡng, như cây được xum xuê nhờ có bộ rễ tốt, như tòa nhà bất động trước gió bão nhờ nền móng vững chắc của nó…
Trong phạm vi tìm hiểu sơ lược, bài viết đại cương này đã vạch ra những nội dung căn bản và những đặc điểm củaGiới luật Khất Sĩ. Không đứng núi này trông núi nọ phiền phức, những khía cạnh khác của Giới luật Khất Sĩ sẽ được lần lượt tìm hiểu trong các bài viết khác. Đến đây, chỉ có một điều căn bản được khẳng định là Phật giáo Khất Sĩ có một hệ thống giới luật biệt truyền như vậy. Sự biệt truyền đó đã được nêu lên ở những phần trên:
– Tám giới cư sĩ thọ suốt đời, khác với Bát quan trai giới thọ một ngày đêm của Phật giáo Bắc truyền.
– Giới Sa-di sở dĩ trở thành giới của người xuất gia là do hai giới cuối, không ăn chiều và không giữ tiền. Nếu xem nhẹ hai giới này thì hàng sa-di nói riêng và hàng xuất gia nói chung không hơn gì hàng cư sĩ về giới.
– Không có chúng Thức-xoa-ma-na.
– Hai bộ Giới Bổn Tăng và Giới Bổn Ni căn cứ vào Tứ Phần Luật do đại sư Đàm Đế dịch năm 254, khác với Tứ Phần Luật của Phật giáo Bắc truyền Việt Nam.
– Giới Phật Tử khác với Bồ-tát giới của Phật giáo Bắc truyền.
– Và quan trọng nhất là chú trọng thật hành, đúng là thật CÓ!
Như thế, Phật giáo Khất Sĩ có một hệ thống giới luật riêng. Nên chư Tăng, Ni khất sĩ không thể thọ giới ở các giới đàn của Phật giáo Bắc truyền Việt Nam. Mà mấy chục năm qua, vì để có chứng điệp thọ giới do Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp, chư Tăng, Ni khất sĩ đã phải thọ giới thêm ở các giới đàn của các tỉnh, thành hội Phật giáo. Suốt gần 40 năm, mấy ngàn Tăng, Ni khất sĩ phải hai lần thọ giới Sa-di và hai lần thọ giới Tỳ-kheo. Đây là điều phi pháp, Luật tạng gọi là chồng giới. Ai phải chịu trách nhiệm cho sự sai lầm này, và nó sẽ tiếp tục tồn tại đến bao giờ?
Nói Phật giáo Khất Sĩ có một hệ thống giới luật riêng, mà mấy chữ “CÓ GIỚI LUẬT” là có thật hành, có sống trong thật cảnh Giới định huệ, có xa lìa vọng cảnh của đời và của tôn giáo, bắt từ sự giải thoát ăn, mặc, ở, bệnh của Tứ y pháp trung đạo phăng tới… chứ đâu phải chỉ có chữ nghĩa! Chữ nghĩa có dính dáng gì đến giới luật thật tế nơi một nhà sư?
Những gì chư Phật chư Tổ đã làm là qua những thấy biết như thật của các ngài. Còn những gì hình thành nên bài viết này lại là căn cứ vào những thấy nghe lượm lặt và những suy diễn tổng hợp. Nếu bài viết này được đúng như chơn lý thì tốt, còn nếu không thì đó là lỗi riêng của soạn giả. Với nhiệt tình hộ trì chánh pháp của bài viết này, xin các bậc cao minh lượng thứ và bổ khuyết thêm cho.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Tp. HCM, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh ấn hành, 1993.
2. Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật Nghi Khất Sĩ, Sài Gòn, Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam ấn hành, 1972.
3. Sa-môn Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Phạm Võng Bồ-tát Giới, Sài Gòn, chùa Vạn Đức ấn tống, 1971.
4. HT. Thích Thiện Hòa, Tỳ-kheo Giới Kinh, Tp. HCM, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992.
5. HT. Thích Trí Thủ, Luật Tỳ-kheo, 3 tập, Tp. HCM, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam ấn hành, 1991.
6. HT. Thích Thiện Siêu, Cương Yếu Giới Luật, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2002.
7. HT. Thích Phước Sơn, Luật Học Tinh Yếu, Tp. HCM, Nxb. Phương Đông, 2006.
8. HT. Thánh Nghiêm, Giới Luật Học Cương Yếu do Tuệ Đăng dịch, Tp. HCM, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.
9. Sa-môn Thích Minh Thành, Giáo Trình Luật Học Cơ Bản, 5 tập, Tp. HCM, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh ấn hành, 1993.
10. HT. Thích Thanh Kiểm, Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2001.
11. Thích Tâm Trí dịch, Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, Tp. HCM, Nxb. Phương Đông, 2010.
----------------------------------------------------------------------------
Các bài liên quan
- BÁT-NHÃ THẬT TƯỚNG
- Trí Huệ
- BỐN PHẦN CHÁNH ĐỊNH
- NGHI THỨC CÚNG NGỌ
- Sám Hối
- PHÂN TÍCH CHƠN LÝ SANH VÀ TỬ
- Tri thị không hoa
- KIỂM TRA 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
- 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
- Pháp
- Có tà kiến
- Tin mừng cho Giáo pháp Khất sĩ
- TÌM HIỂU 13 PHẬT NGÔN
- Môn oai nghi Sa-di NGÀY NAY
- Ăn chay là TU CÁI LƯỠI
- Giáo lý Địa ngục trong Phật pháp
- KHÓA TU TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ 11
- Tìm về Chân Nguyên
- TÂM TOÀN GIÁC
- BÁO CÁO TỔNG KẾT KHÓA TU 10
- Nội quy và Thời khóa biểu của Khóa tu
- NGÀY THỨ 3 CỦA KHÓA TU THỨ 10
- CÁC PHÁP SANH DIỆT TRỐNG RỖNG
- Tịnh xá Lộc Uyển khai giảng lớp giáo lý năm 2013
- LỄ RA MẮT LỚP PHẬT HỌC ÁO TRẮNG
- Phân tích Kinh Diệt Lòng Ham Muốn
- TRUYỀN TAM QUY NGŨ GIỚI
- Minh Đăng Quang đại nguyện thành Phật
- 49 câu nguyện của đức Minh Đăng Quang
- Nghi thức Truyền giới Khất Sĩ năm 2012
- KINH DIỆT LÒNG HAM MUỐN
- TỔNG LUẬN VỀ GIỚI LUẬT
- MỘT DẤU HIỆU KHỞI SẮC
- Hoằng pháp bằng Nghệ thuật Viết Chữ
- NHƯ LAI THANH TỊNH THIỀN
- NỘI SAN ĐUỐC SEN - số 09
- Nội san TÌM LẠI NGUỒN XƯA - 2009
- Các trang Web hiện nay của Phật giáo Khất SĨ
- HOẰNG PHÁP Ở VÙNG SÂU VÙNG XA
- HÌNH ĐÈN CHÂN LÝ & HÌNH ĐỨC BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA NÀY CHƯA ĐÚNG
- Nam-mô A-di-đà Phật !
- Pháp học Sa-di - 36 Pháp cú thuộc lòng
- Những Khóa Học Hè ở TX. Ngọc Nguyên - Ninh Gia
- LỜI CẨN BẠCH VỀ SỰ HÌNH THÀNH TRANG PHÁP HỌC
- BÀI HỌC SA-DI
- PHÁP THIỀN SỐ TỨC QUÁN
- Y BÁT KHẤT SĨ