NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Lịch sử - Tổ chức / ĐỨC TỔ SƯ MỞ ĐẠO Ở LÀNG PHÚ MỸ

, Thứ Hai 2011-11-23

 

 

 

TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG 

 

MỞ ĐẠO Ở LÀNG PHÚ MỸ – MỸ THO

 

 

        Tôi xin viết ra đây những lời kể của cha mẹ tôi, cùng số cô bác lớn tuổi, những người đã từng tiếp xúc hằng ngày và nghe lời giảng Đạo của một vị chơn tu, người đã đến quê hương Phú Mỹ khai mở Ánh Đạo Vàng nối truyền Chánh pháp Thích-ca, mà ngày nay là Phật giáo Việt Nam – Hệ phái Khất Sĩ. Có biết bao Tăng, Ni, Phật tử vẫn mãi tưởng nhớ đến người Thầy ấy: đức Tổ sư Minh Đăng Quang!

 

         Với ý tưởng mộc mạc kém cỏi của tôi, bài viết này có chỗ nào không được, hoặc văn tự không đúng, mong quý vị đóng góp thêm. Vì tôi theo lời kể lại mà cũng quá lâu, nên có khi cũng sai lệch, nhưng nguồn gốc vẫn là sự thật, hiện tại nơi đây vẫn còn lại một vài người cao niên mà ngày xưa đã từng tiếp chuyện với Thầy Tổ…

 

           Kính mong sự hoan hỷ của quý vị với lòng thành thật của tôi.

 

                                                                                                                            Phú Mỹ, ngày 20 tháng 6 năm 1999

            Mùa hè – năm Kỷ Mão.     

                  Võ Hoàng Oanh

 

 

Theo lời kể của mẹ tôi, vào một buổi sáng ghe ba và anh tôi đi bán đệm ở Nam Vang về. Cùng về có ghe ông Bảy Tam cũng đi bán đệm, 2 chiếc đi cặp. Hôm đó 2 ông đi về, có cho một người thanh niên quá giang, dáng người cao lớn, khuôn mặt rất đôn hậu, nói chuyện nhã nhặn. Từ ghe lên, người ấy mặc đồ đen, đầu đội nón lá, đi chân không. Khi vào nhà, ba tôi giới thiệu cùng mẹ tôi: “Đây là chú Sáu đệ tử của Sư Ông, cùng tu chung với Bảy.”. Bảy là ông nội của tôi. Sau khi nghỉ ngơi, mẹ tôi lo cơm đãi khách. Ba tôi bảo mẹ lo đãi cơm chay…

 

Sau khi dùng cơm xong, vị khách mời ba mẹ tôi và ông bà Bảy đến ngồi uống nước, bàn chút chuyện. Vị khách có ý xin ba mẹ tôi cho ông tá túc tại nhà. Mẹ tôi ái ngại vì nhà nghèo, chị tôi thì còn nhỏ (mới 7 tuổi). Ba tôi thường đi ghe và hay ở Nam Vang vì còn phải lo cho nội tôi, nên mẹ tôi lo là không tiếp vị khách chu đáo hằng ngày được. Ba tôi khuyên mẹ tôi: “Chú Sáu là người tu, cũng là người mà ở Nam Vang Bảy và huynh đệ ai cũng mến, nên khi chú Sáu về Bảy có dặn tôi để chú Sáu ở nhà mình, vợ chồng phải cùng lo cho chú Sáu.”. Mẹ tôi có kể, bà nhớ rất rõ lời nói của vị khách: “Thím Tư đừng lo, tôi ở đây việc gì tôi phụ được thì tôi phụ; phần cơm nước hằng ngày, sau này tôi sẽ ăn một bữa trưa, “ăn ngọ”, tương rau đạm bạc. Chỉ phiền với gia đình khi sau này có khách đông, hằng ngày lo nước uống là tốt rồi.”

 

Hôm sau ba tôi mời chú bác ở xóm lại nhà, giới thiệu cùng bà con cho biết vị khách. Ít ngày sau, bà con cùng vị khách quen dần và vị khách bắt đầu nói Đạo. Từ đó bà con hỏi, chúng tôi phải gọi Ngài bằng gì đây (vì từ khi biết Ngài, ai cũng theo ba tôi gọi bằng chú Sáu)? Vị khách bảo: “Huynh đệ gọi tôi bằng Thầy Sáu, vì tôi là người tu, nói chuyện Đạo thì huynh đệ gọi tôi là Thầy Sáu được rồi.”. Những ngày nói Đạo bà con rất thích và càng mến Thầy hơn. Từ đó càng ngày càng đông người đến nhà ba mẹ tôi vì sự có mặt của Ngài. Tiếng đồn càng xa, ai cũng muốn đến xem một vị Thầy nhỏ tuổi mà nói Đạo rất hay.

 

Đến thời gian ba tôi đi ghe, ngày nào cũng vậy, khách vẫn đến và vị Thầy vẫn nói Đạo. Mẹ tôi kể, lúc bấy giờ đời sống của người dân rất khó khăn và sự ăn mặc khi mua vải phải có phiếu của làng cấp mới được mua, đi mua rất xa, ở Tân Hiệp mới có chỗ bán. Ngày nọ, gia đình tôi được mua vải. Khi mẹ tôi đi, Thầy Sáu dặn mẹ tôi: “Nếu có vải trắng, thím Tư mua cho tôi 2 thước.”. Mẹ tôi hỏi lại: “Thầy cần vải trắng để làm gì?”. Thầy bảo: “Tôi cần vải trắng để nhuộm lại màu vàng, để tôi làm một tiểu y, choàng vào người…”. Nhưng lần đó đến nơi bán thì không có vải trắng.

 

Trong những lúc không có khách, không giảng Đạo thì Ngài ngồi viết kinh. Thời bấy giờ tập giấy cũng ít có. Viết thì cán rời, ngòi viết lá tre. Ngài viết chữ rất đẹp. Chiều, sáng Ngài ngồi tịnh tâm… Trong ít tháng sau ở xóm lại bị nạn dịch bệnh “lên trái” rất nhiều, nhà nào cũng có người bệnh, chị tôi cũng bị bệnh, mẹ tôi phải lo cho chị tôi, ba tôi lại không có ở nhà. Trong hoàn cảnh đó, anh em huynh đệ mới bàn với Thầy: ở ấp Tân Thành có một ngôi chùa, mà ông chủ chùa đã qua đời, hiện tại không có người ở, hay là bây giờ chúng tôi đưa Thầy đến đó ở? Sau khi bàn bạc xong, ít ngày sau huynh đệ đưa Thầy đến chùa. Thầy ở đâu khoảng 10 ngày thì lại trở về gia đình tôi. Mẹ tôi hỏi: “Thầy đến ở đó có được không?”, Thầy chỉ cười chẳng nói chi. Mẹ tôi bảo: “Nếu trên đó ở không được thì Thầy về ở đây. Từ hôm Thầy đi, bà con đến nhà tôi, không có Thầy bà con cũng buồn.”. Ít ngày sau bà con đến, Thầy lại tiếp tục nói Đạo…

 

Thời gian trôi qua, lúc này ghe ba tôi và ghe ông Bảy Tam đã về. Một ngày nọ ngồi nói chuyện cùng huynh đệ, Thầy bảo: “Các chú kiếm cho tôi một trái dừa, lựa coi trái dừa cho đẹp.”. Huynh đệ mới hỏi: “Thầy kiếm dừa làm chi?”. Thầy bảo: “Tôi lấy gáo dừa để làm một cái bát, hằng ngày tôi sẽ đi khất thực và mở Đạo.”. Ít ngày sau, người nào có dừa cũng đem đến biếu Thầy. Ngài chọn một trái rồi bảo dượng Bảy tôi gọt lấy gáo dừa, cưa cho Ngài theo sự hướng dẫn và cạo gọt rất đẹp.

 

Khi gáo dừa làm xong, Ngài giảng về giáo lý của Phật Thích-ca chơn truyền y bát, người tu theo đạo Phật, nối truyền chánh Pháp, phải xuất gia, phải y bát, đi trì bình khất thực, hoằng hóa cho chúng sanh hiểu biết về giáo lý của Phật. Nếu làm được như vậy gọi là Đạo Khất Sĩ... Thời gian này Ngài đã mặc một tiểu y và hạ y vàng.

 

Từ dạo đó Ngài bắt đầu đi khất thực. Có những lúc Ngài đi bát rồi đến nhà Phật tử độ cơm và nói Đạo cho bà con nghe. Những lúc mưa gió, đường đi khó, Ngài nhờ con em của Phật tử bơi xuồng chở Ngài đi. (Những người ấy hiện tại vẫn còn, đó là chị Phấn và chị Hai Tế.)

 

Ít lâu sau, trên chùa Linh Bửu lại cử người đến rước Ngài. Lúc này ba tôi và ông Bảy Tam có ở nhà, hai người cũng đồng ý đưa Ngài về chùa ở, để chùa có người coi sóc, đồng thời Phật tử nơi đó có người dẫn dắt đạo lý. Thời gian sau, trong xóm lại tái phát bệnh dịch trái, lần này chị tôi bị bệnh nặng nên đã chết. Gia đình đau buồn vì mất con, ở Nam Vang tin lại nhắn về là ông nội tôi bị bệnh nhiều. Ba tôi và ông Bảy Tam phải đi ghe lên Nam Vang lo cho ông nội tôi và bán đệm luôn.

 

Thầy đến chùa Linh Bửu ở thời gian lại trở về gia đình ba mẹ tôi. Lúc này ba tôi không có nhà, mẹ tôi ở nhà có một mình. Khi đến nhà tôi, Ngài bị bệnh rét nên rất ốm. Mẹ tôi nói với Ngài, để mẹ tôi rước thầy thuốc đến nhà xem mạch hốt thuốc cho Ngài uống, nhưng Ngài bảo mẹ tôi đừng lo:“Tôi không sao đâu thím Tư, ít ngày sẽ hết, tiền bạc công cáng khó khăn cho thím Tư lắm.”. Dù Thầy nói thế nhưng mẹ tôi vẫn đến nhà thầy thuốc nói chứng bệnh của Ngài rồi hốt 3 thang thuốc đem về cho Ngài uống.

 

 

SAU ĐÂY LÀ LỜI KỂ CỦA ÔNG TÁM CHẮC:

 

Nhà của ông Tám Chắc cách nhà ba mẹ tôi một con rạch, cách nhau khoảng 100 mét. Gia đình sống bằng nghề nông nên ông Tám rất nhàn rỗi khi ruộng đồng đã xong vụ. Từ khi nhà ba mẹ tôi có Thầy Sáu về ở, ông Tám thường sang chơi. Nghe Thầy giảng đạo, ông Tám thấy tâm mình được hiểu biết thêm nhiều, nên hằng ngày ông Tám đều có mặt ở nhà ba mẹ tôi.

 

Khi hay tin Thầy từ chùa Linh Bửu trở về, lại bị bệnh, ông Tám bèn bơi xuồng sang thăm. Khi xuồng đến bến trước nhà ba mẹ tôi, ông Tám thấy Thầy Sáu đang tắm dưới sông. Nước sông trong xanh, ông Tám thấy thân hình Thầy hồng hào khỏe mạnh, tươi thắm lạ thường. Ông Tám ngạc nhiên, sao nghe Thầy bị bệnh, bây giờ còn sớm lại tắm và thân hình lại vầy? Ông còn đang suy nghĩ thì Thầy đã lên tiếng: “Huynh Tám mới đến, vào nhà đi.”. Ông Tám hỏi lại: “Sao nay Thầy khỏe chưa mà lại tắm sông vậy?”. Thầy trả lời: “Nay tôi đã khỏi bệnh rồi.”. Ông Tám vào nhà ba mẹ tôi uống nước. Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau, bà con huynh đệ cũng đến hơn 10 người. Thầy Sáu mới bảo: “Hôm nay tôi sẽ nói Pháp cho huynh đệ nghe, tôi sẽ nói về võ trụ.”, rồi Ngài nói về quả địa cầu, mây nước, gió lửa, trời đất… Khi nói xong, Thầy bảo: “Đây là bài Pháp đầu tiên tôi giảng cho huynh đệ nghe, gọi là bài Võ Trụ Quan.”.

 

Ông Tám Chắc kể, rất tiếc khi nghe Ngài giảng, huynh đệ chẳng ai hiểu gì cả. Đến mấy ngày sau huynh đệ hỏi lại, Ngài mới giải thích cho nghe cặn kẽ và Ngài vẽ lên giấy, đem treo lên vách mà giảng, khi đó huynh đệ mới hiểu được vũ trụ và trái đất. Từ đó, hằng ngày Ngài giảng Pháp, càng đông người đến nghe. Có một ngày nọ, Ngài nói tu theo Y bát chơn truyền của Đức Thích-ca, tu phải khổ hạnh, tu để giải thoát, tu cứu độ chúng sanh, người tu phải giản dị, phải trường chay ăn ngọ, đạm bạc, chiều sáng phải tham thiền định tâm… Ngài bảo cùng huynh đệ: Ngài đến đây là để mở ra một Ánh Đạo Vàng, nối truyền Chánh pháp Thích-ca, tu khổ hạnh, gọi là Khất Sĩ. Sau này sẽ nhận người theo tu học gọi là Tăng Ni, có đoàn Tăng Ni gọi là Đoàn Du Tăng, đi trì bình khất thực giảng Pháp, đến đâu cất tịnh xá nơi đó để cho bá tánh có nơi tu học. Ánh Đạo Vàng sẽ có khắp nơi trên đất nước này, Đạo Phật Khất Sĩ sẽ được nhiều người mến mộ mà theo tu học…

 

 

LỜI KỂ CỦA MẸ TÔI:

 

Từ ngày Thầy về lại gia đình tôi, bị bệnh rồi hết bệnh, Ngài lại giảng đạo nhiều và huynh đệ nam nữ cũng đông, tiếng đồn càng xa, người đến càng nhiều, trong đó có người ở bên Thạnh Mỹ, chợ Thầy Yến, Láng Cò, xóm lộ Tân Hòa Thành… Cũng từ lúc này Thầy bảo huynh đệ nào xét bản thân và gia đình mình đi tu được thì hãy xuất gia mà lo tu học, hoặc có con em cho đi cũng được. Lời Thầy thuyết giảng về con đường tu học của Ngài được 2 người nữ ở Láng Cò phát tâm quy y để theo Ngài hành đạo. Đó là hai Ni sư Huỳnh Liên và Bạch Liên. Sau khi nghe hai vị nữ này phát tâm quy y xuất gia, thì Ngài rất mừng, nhưng Ngài bảo: “Giới luật của Đạo Khất Sĩ, nam nữ không được tu chung một nơi. Vậy 2 cô phải chờ khi nào tôi nhận được ít vị nam thì 2 cô mới cùng đi hành đạo được.”.

 

Ít hôm sau, cô dượng Bảy của tôi có người con trai lớn mười mấy tuổi bằng lòng xuất gia theo Thầy tu học, được Thầy nhận, đặt pháp danh là Huệ Ngạn. Thời gian hơn tháng sau, trên chùa Linh Bửu cử người đến rước Ngài, Ngài lại đi. Kỳ này Thầy ở chùa Linh Bửu được lâu, Ngài giáo hóa và thu nhận được 3 người nam và 1 nữ. Thời gian Thầy ở chùa Linh Bửu, huynh đệ vẫn thường xuyên đến viếng thăm và cúng dường, trong đó có ba mẹ tôi. Lúc này Thầy đã có đệ tử nam. Ngài mới bảo mẹ tôi nhắn dùm 2 cô nữ mà trước đây đã quy y xin xuất gia hãy đến chùa Linh Bửu ở, vì nay đã có nhiều người theo tu học hành đạo. Từ đó, hằng ngày có đoàn Tăng Ni đi trì bình khất thực, nhưng phải đi xa vì nơi chùa ít có người ở, chung quanh là cảnh rừng nên rất âm u vắng vẻ.

 

Đến khoảng tháng 7, trời mưa dầm và nước đọng nhiều, cùng thời thế đất nước khó khăn, Pháp trở lại cuộc chiến khiến cho sự tu hành thêm phần khó nhọc, nên Thầy trở lại nhà ba mẹ tôi cùng Tăng Ni đệ tử của Ngài. Ở nhà ba mẹ tôi Ngài vẫn giảng đạo, lúc này rất đông người nên khi giảng đạo Ngài thường giảng ở nhà ông Bảy Tam. Hằng ngày, quý vị Tăng Ni vẫn đi bát. Có lúc, có huynh đệ hỏi sao Thầy không ở chùa Linh Bửu mà lại về đây? Ngài bảo: “Tôi là người mở đạo, giúp người hiểu được kinh pháp của Phật, mà tôi đến ở chùa Linh Bửu thì tôi không thể ở được lâu, vì nơi đó có quá ít người tâm đạo, lại là nơi hẻo lánh hoang vu, tôi có nói đạo lý cũng chẳng có mấy người để nghe, như vậy thì không đúng với ý nguyện của tôi.”. Cũng trong thời gian này Thầy bảo ba mẹ tôi: Hãy cùng Phật tử nơi đây cất tịnh xá để có nơi thờ Phật và huynh đệ có nơi cúng lạy. Dù Thầy bảo vậy nhưng huynh đệ nơi đây rất nghèo, lại không ai có đất rộng để lo chuyện này.

 

Về sau, khi lại bàn đến chuyện cất tịnh xá, Ngài đã bảo ba mẹ tôi hãy đứng ra mua đất, trước là cất tịnh xá, sau là có nơi ở cho tiện, chớ ở đất đậu chật hẹp lắm. Ba mẹ tôi nghe Thầy bảo vậy thì than vì nhà còn nghèo, chuyện mua đất lại càng khó, đất đâu mà mua. Thầy bảo: “Kế bên đây có một vuông đất bỏ không, lại không có nhà ai. Tôi đã coi đất rồi, nơi ấy được, lại là đất của ông bà Bảy Tam. Bây giờ ông Bảy và con trai, con dâu thì đã chết rồi, chỉ còn một mình bà Bảy, chắc là bà bán chớ để chi. Nếu chú Tư đồng ý tôi hỏi cho.”. Ba tôi bàn lại: “Đất này cũng khó mua lắm, vì anh Bảy và con đã chết, nhưng trước đây đã cầm bằng khoán cho người ta, mình làm sao mua được?”. Thầy bảo: “Không sao đâu, tôi sẽ lo chuyện này cho, chú thím đừng bận tâm.”. Thật đúng như lời Ngài nói, ít ngày sau, ông Bảy Màu, người cầm giấy đất của ông Bảy Tam, đã đồng ý cho ba mẹ tôi đứng ra chuộc lại phần đất cùng giấy tờ. Rồi Ngài dẫn ba mẹ tôi cùng Phật tử đến mua đất. Ngài chỉ định nơi cất ngôi tịnh xá là phần đất cạnh cây vú sữa ở chính giữa, phần cận ruộng để đất thổ mộ, phần phía sau cạnh sông cất nhà ở. Ít ngày sau, vào lúc giảng đạo xong, Thầy bảo một số huynh đệ ở gần và thân thiết cùng có tâm đạo, rằng ngày nào có rộng thời gian thì đến để cùng bàn chuyện cất tịnh xá. Hôm sau bà con đến đông đủ, Ngài đưa ra một sơ đồ cất tịnh xá, nhà thờ Cửu huyền Thất tổ, nhà cốc để chư Ni trú ngụ, sơ đồ đóng Tháp Tam Bảo, cách thờ Phật Thích-ca, cách thờ Cửu huyền, những ngày cúng hội 4 lần trong tháng, cúng tam ngươn trong năm, những bài kinh Ngài đã viết sẵn… đem hướng dẫn tỉ mỉ cho Phật tử.

 

 

Theo lời ông Tám Chắc kể, khi Thầy và quý vị Phật tử bàn bạc xong thì chính Ngài đã viết đơn xin chính quyền Pháp để cất tịnh xá. Đầu đơn Ngài viết:

 

“Nối truyền Chánh pháp Thích-ca

Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam

 

(đề hiệu) Tịnh xá Mộc Chơn…”

 

Cuối đơn Ngài viết: “Người trụ trì: Đại đức Minh Đăng Quang”.

 

Khi viết đơn xong, Ngài nhờ huynh đệ đi xin. Đi đến đồn Pháp ở Phú Mỹ do 2 người: ông Tám (thân phụ Chín Danh)và ông Ba (thân phụ Tám Bắc). Xin ở làng Tân Hòa Thành do ông Tư (chồng cô Bảy của tôi, thân phụ Huệ Ngạn) và ông Mười Du. Xin ở huyện Hưng Nhơn do ông Tám (thân phụ Chín Danh)và ông huyện Phẩm. Xin ở phong trào Việt Minh thì do ba mẹ tôi (vì cậu Chín tôi đi Việt Minh).

 

Khi đơn xin cất tịnh xá đã hoàn thành thì Ngài vận động Phật tử người của, người công, để lo làm tịnh xá. Khi lo chuyện cất nơi thờ cúng còn đang dang dở thì Thầy lại ra đi hành đạo cùng quý vị Tăng, Ni…

 

Một thời gian sau, Thầy lại trở về nhà ba mẹ tôi để xem Phật tử, huynh đệ lo chuyện cất tịnh xá được đến đâu rồi. Khi Ngài thấy bà con đang lo và công việc đang dở dang, vì toàn bộ kèo làm bằng cây dừa, lại còn thiếu, nên việc làm rất lâu; Thầy mới bảo: “Nếu các huynh đệ làm kịp thì ngày rằm tháng Tám này dựng tịnh xá, còn lại những phần kia thì làm sau cũng được.”. Ít ngày sau thì Thầy chuẩn bị ra đi, các Phật tử đều muốn Thầy ở lại để chỉ bảo và ngày dựng tịnh xá có mặt Thầy chứng minh, đồng thời cùng thiện nam tín nữ mừng cho đất Phú Mỹ này có ngôi Tịnh xá Mộc Chơn và cũng là khởi đầu cho Ánh Đạo Vàng khai mở từ đây. Nhưng Thầy bảo cùng Phật tử: “Tôi là người Khất sĩ, tu theo giáo lý của Phật Thích-ca, đem pháp Phật để hoằng hóa chúng sanh. Tôi là người đi gieo hạt Bồ-đề. Nay tôi đến nơi đây đã làm xong chuyện ấy, từ đây về sau hạt Bồ-đề của Phật pháp tôi phải đi gieo trồng khắp đó đây để sự ước nguyện của tôi được thành đạt.”…

 

Thời gian trôi qua, rằm tháng Tám đã đến, Phật tử tề tựu đông đảo cùng nhau dựng tịnh xá. Mặc dù ngôi tịnh xá đơn sơ, cột bằng dừa, mái lợp bằng đưng, vách tre, tháp bằng cây tràm… nhưng ai cũng vui vì từ đây có nơi thờ cúng trang nghiêm. Từ khi ngôi tịnh xá đã làm xong, huynh đệ Phật tử nhớ lời Thầy dạy bảo, mỗi tháng tề tựu về tịnh xá 4 lần (mồng 8, rằm, 23 và 30) lạy sám hối và cúng dường Tam Bảo, những Phật tử ở gần thì đến tụng kinh hằng đêm…

 

Đến vài tháng sau Thầy mới cho bà Bửu, người xuất gia theo Thầy nhưng vì tuổi đã già nên không thể theo đoàn Tăng Ni hành đạo được, về ở Tịnh xá Mộc Chơn để lo tu học. Cũng thời gian này, 2 Ni sư Huỳnh Liên và Bạch Liên thường hay về để cùng Phật tử lo cho tịnh xá những gì còn thiếu, còn chưa hoàn chỉnh theo ý của Thầy. Lúc này đoàn Ni cũng có đông người nên Ni sư Huỳnh Liên có đưa thêm người về tịnh xá. Cứ mỗi 3 tháng lại đổi những vị khác, riêng bà Bửu thì không đổi. (Sau này bà lớn tuổi và bị bệnh nhiều, ở tịnh xá không có điều kiện để trị bệnh cho bà, nên gia đình đem bà về, sau đó bà viên tịch, y bát của bà được Thầy cho đem về Tịnh xá Mộc Chơn thờ trên Cửu huyền để làm kỷ niệm.).

 

Từ ngày xây cất tịnh xá xong, Thầy chỉ về có một lần để dặn dò ba mẹ tôi cùng Phật tử nơi đây cố gắng gìn giữ chăm sóc ngôi tịnh xá, dù hoàn cảnh nào đừng để ngôi tịnh xá mất đi nguồn gốc, nơi bước chân đầu tiên của người Khất Sĩ khai mở Ánh Đạo Vàng tại đất Phú Mỹ. Rồi cũng từ độ ấy, Ngài không trở về tịnh xá, Ngài hành đạo khắp nơi cho đến ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ –1954 Ngài đã vắng bóng.

 

Đến năm 1963, chiến tranh tràn tới quê hương này, ba tôi đã chết trong trận chiến tàn khốc và cũng từ đó ngôi Tịnh xá Mộc Chơn không còn vị Ni nào về trụ trì nữa, có chăng chỉ đến ở 1 tháng rồi lại ra đi. Sự hương đăng thì mẹ tôi và Phật tử cùng lo. Đến năm 1972, mẹ tôi đã lớn tuổi, bà đến Tịnh xá Ngọc Hiệp bạch cùng Ni sư Trí Liên cho người về ở Tịnh xá Mộc Chơn để tu sửa lại, vì thời gian đã làm cho ngôi tịnh xá xác xơ đi nhiều. Theo lời yêu cầu của mẹ tôi, Ni sư Trí Liên đã đồng ý và đưa Sư cô Đồng Liên về trụ trì từ đó đến nay…

 

                                                     Phú Mỹ, ngày 15–05–1999 (Kỷ Mão).

                                                                     Võ Hoàng Oanh

 

-----------------------------------------------