Đạo phật khất sĩ / Lịch sử - Tổ chức / LƯỢC SỬ ĐỨC TS. MINH ĐĂNG QUANG
LƯỢC SỬ ĐỨC TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG [1]
Cô Hoa Ngọc (cháu Tổ sư)
I. THỜI THƠ ẤU:
– Thân mẫu thọ thai Ngài đến 12 tháng mới khai hoa vào ngày 26 tháng 9 năm Quý Hợi – 1923. Khi Ngài vừa tròn 10 tháng tuổi thì thân mẫu qua đời vì có bệnh tim, vào ngày 25 tháng 7 năm Giáp Tý – 1924.
– Ngài được cô Út đem về nuôi một tháng, sau đó bác dâu thứ Tám rước về nuôi một tuần, rồi Ngài được gởi về quê ngoại, bà ngoại nuôi cháu đến 3 tuổi.
– Năm Ngài lên 3, thân phụ tục huyền với bà Hà Thị Song rồi rước Ngài về nuôi dưỡng. Ở tuổi này Ngài vẫn chưa biết nói. Năm lên 4 Ngài mới biết nói [2] và thường dùng những ngôn từ khác thường hơn những trẻ khác. Ví dụ: Hít trà (uống trà), đai (tiểu), sa (tiêu), đằng (đèn), cái bù (cái mùng), cái ù (cái quần).
– Sáu tuổi, Ngài rất thông minh, các anh học đến đâu Ngài thuộc làu đến đó. Thấy con trẻ thông minh, cụ ông đem thử cuốn học vần ra dạy, chỉ dạy qua một lần là Ngài thuộc ngay.
– Bảy tuổi, Ngài được thân phụ cho lên Vĩnh Long đi học cùng các anh. Tuy tuổi nhỏ nhưng Ngài rất có lòng từ: trời nắng, thân phụ cho tiền đi xe kéo, xe ngựa, Ngài không nỡ đi vì thương người, xót vật.
– Đến năm thi Tiểu học, người anh thứ Năm thi rớt nên mượn khai sinh của Ngài đi học, còn Ngài mượn khai sinh của Lý Hườn (cha là Lý Tắc, mẹ là Trần Thị Hóa) để học tiếp.
II. THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH VÀ XUẤT GIA:
– Năm 15 tuổi (1937) Ngài lên Nam Vang tìm Thầy học đạo, ở với Thầy được 4 năm. Ngài trở về quê năm 1941.
– Ở với thân phụ được vài tháng, sau đó Ngài lên Sài Gòn làm nhà hàng của Nhật, sau làm cho hãng xà-bông Việt Nam. Vào năm 1942 kết duyên với con gái ông chủ hãng xà-bông Việt Nam tên là Kim Huê. Được một năm, ngày 23 tháng 1 năm Quý Mùi – 1943 hạ sanh Kim Liên. Đứa bé rất khó nuôi nên được một tháng tuổi thì đem về cho chị Ba ở Vĩnh Long nuôi, sau vài tháng cô Kim Huê thọ bệnh rồi qua đời.
– Đến năm 1944, Ngài đã xuống tóc và cất cốc ở chòm mả gần nhà thân phụ (xóm Cầu Ngang ở Vĩnh Long, nay là phường 3) để tu. Được một thời gian bị Tây ruồng bố bắt ông cụ rồi lục soát cốc của Ngài. Ngài dùng tiếng Pháp để nói chuyện và xin tha cho ông cụ, những người lính Pháp hỏi: “Mày nghèo quá không có đi học sao nói được tiếng của chúng tao?”, Ngài ôn tồn giải thích. Thấy Ngài nói tiếng Pháp rất trôi chảy và lễ phép, cũng hiểu biết, nên họ thả ông ra. Ở giai đoạn này giặc Pháp hay ruồng bố bắt người, khó ở mà tu nên Ngài lại ra đi.
– Có lần Ngài nói với người chị thứ Ba: “Tôi đi lần này là đi Phú Quốc chừng nào đắc đạo mới về. Vậy chị mua một giạ gạo nấu chín phơi khô một tháng sau tôi trở về lấy.” Nghe nói Ngài đi không về nên thân phụ cùng kế mẫu theo xuống ghe bắt lại, năm lần bảy lượt đi không được. Bà cụ bảo: “Nhà mình không phải nghèo, con ở nhà muốn gì được nấy, muốn ăn chay Năm cũng lo cho con đầy đủ, ra đi làm gì cho cực khổ cái thân?”. Ngài bảo:“Năm (tức kế mẫu Hà Thị Song) thương con nói vậy, chớ Năm nuôi cho con ăn đầy đủ rồi nằm một chỗ có khác gì con heo, không có ích lợi gì cho ai. Chi bằng Năm để con ra đi tìm phương cứu khổ cho chúng sanh thì cuộc sống của con mới có ý nghĩa!...”. Ngài năn nỉ, phân tích phải trái mãi rồi ông bà cụ cũng xiêu lòng mà cho đi.
– Một tháng sau ngài trở về ghé nhà chị Ba và nói: “Bữa nay em ghé đây ăn với chị một bữa cơm cuối.” – “Chị nghèo quá không có gì ngon cho em ăn, thôi em ghé thăm chị rồi về trong cậu (tức thân phụ) mà ăn.” – “Không, em chỉ muốn ăn cùng chị mà thôi, vì chị em mình chỉ còn ăn chung với nhau một bữa cơm này mà thôi, sau này có muốn ăn như thế này cũng không được.”
Dùng cơm xong Ngài sửa soạn ra đi. Nhớ lời em dặn lúc trước, người chị định gói cơm khô cho em mang đi, nhưng Ngài không lấy. Người chị bảo: “Không mang đi, ra Phú Quốc lấy gì ăn mà sống?” – “Chim muông sống được thì người sống được, lo gì?”. Nói xong, Ngài nhìn người chị Ba (mà thuở nhỏ quen gọi là Hoa Hoa) lần cuối rồi lặng lẽ ra đi.
– Đến khoảng năm 1949 (lúc người chị Ba đang mang thai đứa con thứ Tám) có 2 vị sư 1 trẻ, 1 già, vị sư trẻ đi trước, vị sư già theo sau, ghé nhà thăm lại người chị xưa. Người chị nheo mắt nhìn một lúc lâu rồi sững sốt la to: “Trời! Sáu, mày đi đâu mất biệt mấy năm trời, về đầu trọc lóc, còn ăn mặc cái gì kỳ vậy nè?” – Ngài chỉ mỉm cười và hỏi: “Mấy giờ rồi cô?” (Tiếng “chị” ngày xưa không còn nữa, đã thay vào đó tiếng “cô” tự bao giờ.) – “11 giờ rồi.” – “Vậy về thăm ông lão không kịp rồi. Vậy cô trải chiếu xuống đất và rót cho tôi 2 ly nước.”
Người chị y lời nhưng cũng tò mò xem họ làm gì. Chưa hết ngạc nhiên này lại đến ngạc nhiên khác, bà thấy 2 vị ấy bưng từ trong cái túi màu vàng ra 2 quả gì to to màu đen để xuống đất, người trẻ ngồi xuống trước, người già xá vị trẻ 3 xá rồi ngồi phía sau, cùng mở nắp ra, múc toàn thức ăn chay trong ấy ra dĩa, bảo: “Cô đem cho các cháu ăn, đây là cơm của Phật, đừng bỏ mang tội.” Sau đó những thứ còn lại được trộn đều rồi mới ăn. Ngạc nhiên lắm nhưng người chị cũng không dám hỏi.
– Dùng cơm xong rồi Ngài từ giã chị để về thăm thân phụ. Gặp ông cụ, Ngài nói: “Nay tôi đã đắc đạo rồi mới về thăm ông lão đây.” Rồi một lần nữa Ngài lại từ giã cha già để ra đi…
III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO VÀ VẮNG BÓNG:
– Một thời gian ngắn sau đó Ngài trở về xin ông cụ cất cho 3 cái cốc trên phần đất của nhà chồng người chị thứ Ba (ở cầu Kinh Cụt ) để tu và thu nhận thêm các nữ đệ tử là sư cô Tràng, cô Tánh, cô Trí, cô Hòa, cô Thọ, cô Thành… Sau đó, Ngài để nơi đây cho các đệ tử và tiếp tục ra đi để lần lượt mở các đạo tràng ở khắp nơi.
– Đầu tiên, ở Vĩnh Long Ngài mở Tịnh xá Pháp Vân (ở sau trường Nam), Tịnh xá Ngọc Thuận (đất của ông Huyện Lương ở cầu Ông Địa), Tịnh xá Ngọc Viên (xóm Bún) và lần lần mở sang các tỉnh khác…
– Vào khoảng tháng giêng năm Giáp Ngọ – 1954, Ngài thọ nạn và vắng bóng.
[1] Bài này do cô Phan Thị Mai Phượng viết vào năm 2000 theo lời kể của mẹ là bà Nguyễn Linh Hoa – chị Ba của Tổ sư Minh Đăng Quang. Gia đình bà Linh Hoa hiện nay ngụ tại nhà số 3/7, quốc lộ 1A, ấp Tân Bình, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Số ĐT: 070.3825786.
[2] Theo tuổi Ta, trẻ con 13 tháng cũng đã được xem là 3 tuổi và 25 tháng cũng đã được xem là 4 tuổi rồi...
-------------------------------------------------------
Các bài liên quan
- Khất Sĩ gì đây ?
- GHI CHÚ VỀ HỆ PHÁI KHẤT SĨ
- 70 năM
- ĐẠO TỔNG HỢP BẮC ‒ NAM PHẬT GIÁO
- so sánh 2 ĐẠO
- QUAN ĐIỂM TÍCH CỰC VỀ NĂM VIỆC ĐẠI THIÊN
- GIÁO HỘI TĂNG-GIÀ KHẤT SĨ VIỆT NAM
- Nối truyền Thích-ca Chánh pháp
- Vấn đề TRỤ TRÌ trong Giáo pháp Khất sĩ
- Chơn lý số 23 – HỌC CHƠN LÝ
- Các đoàn thể Khất sĩ ở Việt Nam
- CẦN CÓ MỘT TIỂU SỬ HOÀN CHỈNH
- Sen nở miền Châu Đốc
- Kỳ tích của Trưởng lão Giác Tỵ
- Nguồn Khất Sĩ Nam Việt
- Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Xem lại Minh Đăng Quang Pháp Giáo
- Album ảnh Ts. Minh Đăng Quang
- Nguồn gốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam
- TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG TỪ HUỆ
- 405 CƠ SỞ TỊNH XÁ, TỊNH THẤT...
- 405 CƠ SỞ TỊNH XÁ, TỊNH THẤT
- BỨC THƠ GỞI CHƯ NAM NỮ KHẤT SĨ
- ĐỨC TỔ SƯ MỞ ĐẠO Ở LÀNG PHÚ MỸ
- LƯỢC SỬ ĐỨC NHỊ TỔ GIÁC CHÁNH
- SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN của ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ
- Con đường ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ
- LƯỢC SỬ TƯỞNG NIỆM ĐỨC TÔN SƯ MINH ĐĂNG QUANG