NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tấm lòng vàng / Một tấm lòng với Huế

, Thứ Hai 2011-11-13

 

 

 

Một tấm lòng với Huế

 

Bài và ảnh: Đinh Hoàng Xuân Hồn

 

Dù định cư ở Mỹ với cuộc sống đầy đủ tiện nghi, trong ông vẫn đau đáu nhớ về những ngày tháng đến trường trong cuộc sống khó khăn, thiếu thốn ở quê nhà Quảng Trị. Ông thông cảm với những sinh viên nơi mái trường xưa ông đã từng học, đang hằng ngày vượt khó, nỗ lực với kết quả cao. Ông dành dụm những đồng lương có được và quyên góp từ bạn bè, các tổ chức từ thiện để lập quỹ Học bổng Minh Bùi, tặng thưởng những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi.

 

Chuyển giao kỹ thuật mới, cứu sống nhiều cuộc đời

 

Tôi gặp ông lần đầu tiên vào năm 1998, cũng là lần đầu ông từ Mỹ về tham gia giảng dạy bệnh tim mạch tại Trường Đại học Y Dược Huế (ngày đó là Trường Đại học Y Khoa Huế). Thời điểm ấy, khi phương tiện máy móc lạc hậu, trình độ chuyên môn của bác sĩ còn hạn chế, thông tin y học phát triển cầm chừng, thì việc vượt hàng ngàn kilômét từ bên kia đại dương về Huế để giảng dạy cho đồng nghiệp và sinh viên những kiến thức cập nhật về tim mạch như suy tim, đột tử, điện tâm đồ… quả là đáng trân trọng. Từ đó đến nay, cứ 2 năm một lần, GS. Bùi  Văn Minh, nhà tim mạch học, giảng viên Trường Đại học David, California (Mỹ) lại về đây tham gia giảng dạy cho các lớp đại học và sau đại học. 13 năm trôi qua, ông đã lặng lẽ đóng góp công sức cho ngành tim mạch Huế. Ông đã mở ra một chuyên ngành mới trong lĩnh vực điều trị bệnh suy tim ở Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế.

 

 

PGS. TS. Cao Ngọc Thành (bên trái ảnh) ghi nhận công lao đóng góp của giáo sư Bùi Văn Minh cho trường Đại học Y Dược Huế

 

Tôi được theo ông vào phòng mổ ngay từ những ngày đầu khi ông  giúp nhóm tạo nhịp tim của TS. Huỳnh Văn Minh (bây giờ là GSTS) cùng các bác sĩ Khoa Nội – Tim mạch – Bệnh viện TƯ Huế thực hiện thành công kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim thế hệ mới (RCT). Trước đây bệnh nhân bị suy tim thường được bệnh viện điều trị và đặt thêm máy tạo nhịp có từ 1, 2 đường dẫn truyền để kích thích tim hoạt động, nay thiết bị tạo nhịp tim thế hệ mới có đến 3 đường dẫn truyền hỗ trợ tim hoạt động tốt hơn, lâu hơn (trong vòng 10 năm) và ít biến chứng. Hôm ấy là những ngày cuối tháng 11/2006, Khoa Nội – Tim mạch chọn 5 bệnh nhân nặng: suy tim giai đoạn 4, cơ tim giãn. Các bệnh nhân này có triệu chứng thường xuyên bị ngạt thở, nhịp tim rối loạn, phải dùng thuốc. Có những bệnh nhân không đáp ứng thuốc, có thể bị đột tử, phải thay tim mới sống được, đó là Nguyễn Ngọc Thanh, 53 tuổi (Quảng Trị), Bạch Văn Trọng (Huế), Bùi Quang Tuấn (Quảng Trị), Huỳnh Thế Chánh (Thừa Thiên Huế), Lê Trọng Kiển (Quảng Trị). Với sự trợ giúp của ông, cả 5 bệnh nhân đều an toàn trong quá trình thực hiện kỹ thuật. Sau khi được đặt máy RCT, sức khỏe của bệnh nhân được cải tiến rất nhiều.

 

Tôi vẫn nhớ mãi những ánh mắt tràn đầy hy vọng, những khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của họ khi nhịp thở được trở lại bình thường. Vốn là người ít nói, ít cười, nhưng hôm ấy tôi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt GS. Bùi Văn Minh khi ông kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau khi thực hiện đặt máy. Điều đáng quý nữa là ở thời điểm đó mỗi chiếc máy có giá từ 10 – 30 nghìn USD. Cả 5 bệnh nhân đều rất nghèo vì đã dồn tất cả kinh phí để điều trị bệnh kéo dài. Rất may 5 ca lắp đặt máy đầu tiên được miễn phí. Số máy tạo nhịp tim này do ông vận động các tổ chức y khoa ở Mỹ hỗ trợ. Có lần ông tâm sự với tôi: “Cuộc sống của người dân ở miền Trung còn gặp nhiều khó khăn sau chiến tranh. Người bị bệnh tim cũng không ít. Tôi còn nhiều trăn trở lắm. Làm sao để bằng chính nghề của mình giúp những bệnh nhân tim mạch nặng kéo dài được cuộc sống.”. Hễ ở Mỹ có máy cấy tạo nhịp mới là ông lại về Huế để giúp đồng nghiệp triển khai kỹ thuật cấy máy. Không những thế ông còn hỗ trợ máy cho bệnh nhân. Năm 2008 ông đã cấp và đặt máy tạo nhịp 3 buồng cho 8 bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối. Đây là kỹ thuật mới, hiện đại, áp dụng lần đầu tại miền Trung. Sức khỏe các trường hợp bệnh nhân tạo nhịp đều cải thiện  rất tốt cho đến nay.

 

Tháng 3 vừa qua, tôi lại  gặp ông ở Trường Đại học Y Dược Huế. Ông vẫn giản dị trong chiếc áo sơ mi trắng, quần kaki màu cà-phê và đôi giày bata vải. Ông vẫn nặng lòng với ngôi trường cũ. Lần này 11 bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, trong lúc đang bị tử thần gõ cửa lại được ông cứu sống bằng việc hỗ trợ máy tạo nhịp 3 buồng. So với lần cấy máy tạo nhịp năm 2008, máy tạo nhịp lần này hiện đại hơn. Máy có kích thước nhỏ hơn, có chương trình theo dõi GPS (định vị toàn cầu), có máy cấy giá  32.000 USD. Các trường hợp cấy máy đều được tái kiểm tra cho thấy sự cải thiện rất nhanh về thông số suy tim (có ca từ 23% lên đến 55%, bình thường: 60%).

 

Không chỉ chuyển giao kỹ thuật cho đồng nghiệp, ông còn tham gia tổ chức lớp CME (đào tạo liên tục) đầu tiên về điện tâm đồ nâng cao, cấp chứng chỉ cho 42  học viên sau đại học khu vực miền Trung. Giáo sư Bùi Văn Minh còn tiến hành phỏng vấn để chọn 3 bác sĩ chuẩn bị học về can thiệp tim mạch tại Mỹ dưới sự tài trợ của TS. Trần Thống, là người con của Huế, đang giảng dạy tại Đại  học Oregon, Hoa Kỳ.

 

 

GS. Bùi Văn Minh thăm bệnh nhân vừa  đặt máy tạo nhịp tim.

 

Tri ân trường cũ, giúp đỡ những  sinh viên hiếu học, vượt khó

 

 

Một chiều cuối năm 2008, tôi dự buổi lễ trao Học bổng Minh Bùi cho sinh viên vượt khó do Công đoàn trường tổ chức. Tận tay trao học bổng cho các em, GS. Bùi Văn Minh đã xúc động nói: “Từ tấm lòng của một người con xa quê, xa trường, luôn hướng về cội nguồn, tôi luôn mong muốn làm được những điều tốt đẹp cho đất nước, đặc biệt với Trường Đại học Y Dược Huế. Tôi mong muốn những em sinh viên được nhận học bổng hôm nay sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để có kết quả học tập tốt hơn.”. Ông hứa sẽ tiếp tục giúp nhà trường, giúp các em sinh viên trong những năm tiếp theo.

 

Tổng số học bổng ông đã giúp cho sinh viên của trường từ năm 2006 đến nay là 21.200 USD.

 

Những gì GS. Bùi Văn Minh đã giúp Trường Đại học Y Dược Huế chính là sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của đất nước, cũng là sự tri ân của một nhà tim mạch học người Việt Nam, một trong những nhà tim mạch hàng đầu của Mỹ, với mái trường, nơi đã giúp ông có điều kiện thành đạt như hôm nay.

 

 

KS. Minh Bình cập nhật

Nguồn: Suckhoedoisong.vn, ngày 29/7/2011

 

 

---------------------------------------------------

Các bài liên quan