NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tấm lòng vàng / Nhà May Mắn cho những số phận bất hạnh

, Thứ Hai 2011-11-13

 

 

 

Nhà May Mắn cho những số phận bất hạnh

 

Kim Anh

 

 

 

Cô Tim cùng các thành viên của Nhà May Mắn

(Nguồn ảnh: Maison Chance)

 

 

Tóm lược

 

Tất cả những hoạt động của Nhà May Mắn đều hướng đến mục đích lâu dài là tạo điều kiện và cơ hội để các thành viên xây dựng kế hoạch cho cuộc đời mình, tái hòa nhập với cộng đồng xã hội và có thể sống độc lập bằng chính khả năng kiếm sống của mình.

 

 

 

Ngược dòng thời gian

 

- Năm 1992

 

Aline Rebeaud, nữ họa sĩ người Thụy Sĩ, lần đầu tiên đến Việt Nam trong một chuyến du lịch xuyên Á với chặng dừng chân cuối cùng là Việt Nam. Một buổi tối, cô tình cờ gặp một đứa trẻ đang khóc, nằm lây lất trên đường phố Sài Gòn. Trò chuyện, Aline hiểu thêm về tình cảnh đáng thương của em. Và một sợi dây vô hình đã kết nối trái tim Aline với Việt Nam kể từ đó.

 

- Năm 1993

 

Có lẽ khi dừng chân tại Việt Nam, Aline không hình dung được là cuộc sống của mình sẽ rẽ sang một bước ngoặtnhư vậy. Đi nhiều, gặp nhiều cảnh đời bất hạnh, Aline quyết tâm làm một cái gì đó cho “có đầu có đuôi”. Tổ chức Maison Chance, tên tiếng Việt là Nhà May Mắn, ra đời tại một huyện ngoại thành của Tp. Hồ Chí Minh. Nhà May Mắn đã trở thành tổ ấm thật sự cho trẻ mồ côi, trẻ em đường phố không gia đình và những người khuyết tật không nơi nương tựa.

 

- Năm 1996

 

Tổ chức Maison Chance đầu tiên được thành lập ở thành phố Lyon (Pháp) và sau đó là ở Lausanne (Thụy Sĩ).

 

- Năm 1998

 

Maison Chane trở thành tổ chức phi chính phủ (NGO) được chính quyền Việt Nam công nhận và được cấp giấy phép hoạt động vào tháng 6/1998.

 

- Năm 2004

 

Một tổ chức mang tên “A Brighter Chance” đã được thành lập tại bang California (Mỹ) nhằm thực hiện các hoạt động của tổ chức Maison Chance ở châu Mỹ.

 

- Năm 2006

 

Trung tâm Chắp Cánhra đời tại Việt Nam để hỗ trợ cho các hoạt động của Nhà May Mắn vốn đã trở nên quá chật hẹp so với nhu cầu ngày càng tăng. Đây là nơi để các thành viên của “gia đình” Nhà May Mắn học chữ, học nghề và làm việc. Còn Nhà May Mắn kể từ đây được dành riêng cho việc cư ngụ của các thành viên trong gia đình.

 

Và tương lai: một Làng May Mắn…

 

 

 

Cần câu”cho người kém may mắn

 

Mãi tôi mới liên lạc được với Aline. Vừa may, Aline cho biết chỉ còn vài ngày nữa là cô lên đường đi châu Âu. Tháng 9có mặt tại Úc, lại vừa trở về từ Mỹ, và bây giờ lại đi châu Âu, Tim (tên Việt Nam của Aline) cho biết năm nay cô đi nhiều hơn so với những năm trước. Lịch làm việc của cô dày đặc, nào là thu xếp mọi việc ở Nhà May Mắn, chăm lo cho mọi người, nào là tiếp những người khách từ khắp bốn phương ghé thăm nơi này v.v… Bác Vững cho biết: “Người ta làm một ngày 8, 9tiếng, còn Tim,mười mấy tiếng là chuyện bình thường. Có lúc khuya rồi mà tôi vẫn thấy Tim lụi cụi chăm sóc vết thương cho một thành viên trong gia đình.”.

 

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Nhà May Mắn đã chủ trương “Cho cần câu tốt hơn cho xâu cá.”. Tất cả những hoạt động của tổ chức này đều hướng đến mục đích lâu dài là tạo điều kiện và cơ hội để các thành viên xây dựng kế hoạch cho cuộc đời mình, tái hòa nhập với cộng đồng xã hội và có thể sống độc lập bằng chính khả năng kiếm sống của mình.

 

Ngoài việc cung cấp một mái ấm thật sự, các thành viên là những người khuyết tật do tai nạn còn được chăm sóc và theo dõi đặc biệt, được tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng thường xuyên và đều đặn. Bên cạnh đó, mọi người còn được học chữ và đào tạo nghề để chuẩn bị cho bước đường sau này.

 

Người đến với Nhà May Mắn ngày càng đông. Người ủng hộ Nhà May Mắn cũng ngày càng nhiều, không chỉ về mặt vật chất mà cả về mặt tinh thần bằng những công việc tình nguyện tại đây. Và rồi xuất phát từ chính những nhu cầu của các thành viên sau khi đã có được một nghề ổn định và có thể tự nuôi sống bản thân, Tim lại nghĩ đến một dự án khác - Làng May Mắn. “Tuy các anh chị em đã hòa nhập trở lại được với xã hội nhưng việc đi lại rất khó khăn và thuê mướn nhà ở bên ngoài rất vất vả. Làng May Mắn có thể gồm 40 căn hộ, được thiết kế đặc biệt cho người đi xe lăn. Như vậy các anh em sẽ thật sự có được một cuộc sống tự lập, không cần nhờ vả người khác.”, Tim tâm sự.

 

 

 

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”

 

Trong nhịp sống ồn ào và tất bật của một đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình như Việt Nam hiện nay, có biết bao điều tốt xấu đan xen. Mở các trang báo hàng ngày, nhiều lúc bản thân bỗng giật mình vì có quá nhiều tin tiêu cực. Con người ta bỗng trở nên nhỏ bé, hoài nghi và đề phòng nhiều hơn trong một thế giới đầy rẫy những bất trắc.

 

May sao, còn có những tấm lòng như Tim. Tim chính là cái tên mà người Việt Nam đã trìu mến đặt cho Aline Rebeaud. Tim có nghĩa là trái tim, là lòng nhân ái. Có lẽ, người Việt Nam biết đến cái tên này còn nhiều hơn tên thật của cô.

 

Không phải chỉ có Tim và Nhà May Mắn, những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng đang được nhân rộng trên khắp mọi miền của Việt Nam. Có thể nào đếm hết các tổ chức ấy, từ Ngàn Hạc Giấy ở phía Bắc đến Những Ước Mơ Xanh ở miền Nam, nào IVS (International Volunteer Club), nào IYC (International Youth Club)v.v… Và còn biết bao nhiêu tổ chức, cá nhân khác vẫn hàng ngày thầm lặng chung tay góp sức giúp đỡ cho những cuộc đời kém may mắn hơn mình.

 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói thế này: “Sống trong đời, ta luôn luôn phải sống với một tấm lòng!Phải có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để... gió cuốn đi!”…

 

KS. Minh Bình cập nhật

Nguồn: bayvut.com.au, ngày 09/01/2009

 

 

------------------------------------------------------------

Các bài liên quan