NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tấm lòng vàng / Tấm lòng của người mẹ kế

, Thứ Hai 2011-10-29

 

 

TẤM LÒNG CỦA NGƯỜI MẸ KẾ

 

Ngọc Nga

 

Tất cả mọi người đều bất ngờ khi chị quyết định ở lại Đồng Nai để bắt đầu quãng đời làm mẹ, làm vợ đầy cực nhọc của mình. Đã 14 năm qua, chị Nguyễn Thị Lanh vẫn chưa hề có một phút giây nghĩ quyết định của mình là sai lầm.

 

 

 

Nhóm lên bếp lửa


Căn nhà chị Lanh nằm lọt thỏm giữa cánh đồng bắp tại ấp 4, Xuân Tây, Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Nó tách biệt với những ngôi nhà khác trong ấp, từng gian nhà, cửa nẻo cứ vá víu chằng chịt. Anh Hướng, chồng chị Lanh, ngồi đờ đẫn trên chiếc ghế duy nhất trong nhà. Sức lực như đã rời bỏ cơ thể anh. Bàn tay buông giữa khoảng không thõng thượt.“Sức tui giờ nhấc tay, nhấc chân cũng khó”- anh Hướng nói bằng cái giọng ngọng nghịu.

Sau khi xuất ngũ trở về quê hương Hải Dương, anh Hướng lập gia đình với người con gái cùng quê. Hạnh phúc tưởng như trọn vẹn khi hai đứa con một trai một gái chào đời. Chồng cày ruộng, vợ chăn tằm dệt vải, giấc mơ suốt những năm tháng chiến tranh của anh vậy là đã trở thành hiện thực. Nhưng nào ai biết được chữ ngờ. Hai đứa con không thể khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, đứa bại liệt, đứa cứ ngơ ngẩn cả ngày.


Cuộc sống quá khó khăn nên anh dắt díu gia đình từ Hải Dương vào Đồng Nai mưu sinh. Anh làm cật lực để có thể vun vén cho gia đình bé nhỏ bất hạnh của mình. Nhưng không có gì sáng sủa khi anh dần mất sức lao động, chân tay bủn rủn không thể làm việc được, giọng nói bắt đầu ngọng nghịu. Sau mấy năm, anh chỉ có thể đi lại lẩy bẩy trong nhà, ngay việc cầm chổi quét nhà cũng không nổi. Đúng lúc đó người vợ bỏ ra đi. Bố nhìn con, chị em chúng nó nhìn nhau - ngơ ngác trong căn nhà trống hoác tứ tung.

Rồi một ngày, chị Lanh xuất hiện.

Từ Hải Dương, chị vào thăm người bà con ở Đồng Nai. Mấy người đồng hương thấy chị đã ngoài 30 tuổi mà chưa lập gia đình liền mai mối cho anh Hướng. Đã 14 năm trôi qua, chị vẫn không bao giờ quên được buổi chiều lần đầu tiên đến nhà anh. “Anh ngồi trong góc nhà nhìn ra cửa, thằng Bảy nằm trên chiếc giường rách nát hết hát lại khóc. Đứa chị đã lớn ngồng rồi mà ngơ ngẩn không biết nhóm bếp nấu cơm. Cái bếp lạnh teo lạnh ngắt như mấy năm rồi chưa được nhóm, gà bới tứ tung” - chị nhớ lại.

Lặng lẽ không nói một lời, kéo vạt áo lau vội giọt nước mắt, chị đi nhóm bếp, thổi một nồi cơm, nấu một nồi canh rau cho ba bố con anh ăn rồi quay về. “Đó là bữa cơm ngon nhất mà ba bố con tui được ăn từ khi mẹ nó bỏ đi”- anh Hướng không quên được bữa cơm chiều hôm đó. Trời nhá nhem tối, trên đường về nhà chị Lanh vấp ngã mấy lần, nước mắt rưng rưng.

“Lúc bà ấy đến, tui nghĩ đời nào người ta chấp nhận lấy mình. Bố thì không cầm nổi chén cơm, con thì đứa nằm một chỗ, đứa bị dở hơi. Ai mà chịu. Nấu cho bữa cơm là người ta thương mình lắm rồi” - anh Hướng nhớ lại. Nhưng sáng hôm sau, chị Lanh quay lại ngôi nhà rách nát ấy trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Chị nói với anh khỏi cần cưới hỏi làm gì, chị thương anh với hai đứa con vậy là đủ rồi.

Ngồi bên người chồng bệnh tật, chị Lanh nhìn cậu con trai nằm ngửa trong lòng mình, cười bẽn lẽn: “Khi đó bước vào căn nhà rách nát, nồng nặc mùi nước tiểu, ba bố con anh ngồi nhìn nhau đờ đẫn, tui chỉ thấy thương như ruột thịt của mình”. Chị trở thành vợ, thành mẹ như thế. Bếp lửa mỗi tối lại được nhóm lên.

 

 

 

Hạnh phúc nơi góc bếp


Chấp nhận làm vợ, làm mẹ của gia đình bất hạnh ấy chị Lanh mặc bao lời gièm pha “nuôi chồng nuôi con người dưng”. Chị chỉ nghĩ đơn giản: “Số kiếp mình đã nhỡ nhàng chẳng mong được chăm sóc, chỉ mong có một mái ấm để vun vén. Tối về đỏ lửa thổi cơm, sáng dậy quét tước cửa nhà vậy là vui lắm rồi”. Chính ước mơ ấy đã khiến chị ở lại với bố con anh mười mấy năm nay, làm lụng quần quật mà không một lời than trách. Vẫn thấy cuộc đời mình ấm áp khi tối về còn được đỏ lửa, bón cơm cho con, bưng nước cho chồng.

Con trai anh Hướng, Phạm Văn Bảy, năm nay đã 28 tuổi, nằm một chỗ, nói cười như đứa trẻ chỉ mới lên ba. “Thương mẹ Lanh lắm, mẹ Lanh cho ăn cơm nè, tắm nè, thay đồ nè. Mẹ Lanh không bỏ bố con Bảy đi đâu nhé. Mẹ Lanh đi làm về có bánh để ăn nữa. Thương mẹ Lanh lắm”. Bảy vỗ tay nói thật to. Chị Lanh nở nụ cười khi nghe những lời đó của Bảy vọng ra, ánh mắt chị lấp lánh niềm hạnh phúc. Niềm hạnh phúc khi chấp nhận hi sinh để yêu thương.

Đất đai không có, chị đi làm thuê cho người này đến người khác khắp trong xã. Từ phơi sắn, bóc vỏ hạt điều đến trồng rau, nhổ cỏ... ai thuê gì làm nấy. “Chịu khó thì mới có đủ cho mấy bố con có miếng ăn. Bệnh tật mà nhiều lúc ăn uống kham khổ tội nghiệp lắm” - chị Lanh tâm sự. Ngày nào cũng vậy, chị phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị cơm buổi sáng, buổi trưa cho cả nhà rồi đi làm. Tối về chị lại giặt giũ cơm nước, lau dọn nhà cửa. Một ngày của chị không có phút ngơi nghỉ nào cho riêng mình.

Hôm chúng tôi đến nhà, chị đang đi khắp nơi để tìm cô con gái năm nay đã 33 tuổi bị tâm thần bỏ nhà đi hai hôm nay. Về nhà chị buồn rầu vì vẫn chưa có tin tức gì của con gái. Lo cơm nước buổi trưa cho bố con xong, chị lại vội vã đi lấy thuốc cho cậu con trai mấy hôm nay đang lên cơn sốt. Trong góc nhà, mẻ hạt điều nhận bóc vỏ đang làm dở.

Cuộc sống gia đình một tay chị chăm lo gánh vác. Ngoài khoản trợ cấp nạn nhân chất độc da cam 250.000 đồng/tháng của Bảy ra, cả nhà chỉ biết nhìn vào số tiền làm mướn của chị. Những lúc bố con anh đi bệnh viện, chị chỉ biết chạy vạy khắp nơi vay tiền. Cuộc sống cứ vậy, thiếu trước hụt sau. Đôi lúc cảm thấy mệt mỏi nhưng không bao giờ chị định bỏ đi. “Ốm đau khỏe mạnh gì thì cũng là chồng mình, con mình mà!".

 

**********
 

Mấy hôm nay mẹ chị ở Hải Dương đang ốm, chị nóng ruột muốn về thăm mẹ nhưng chưa biết gửi chồng, gửi con cho ai để đi được. Lòng chị chất chứa bao nỗi lo. Nỗi lo nào cũng nặng trĩu...



                                                                         Nguồn: Tuổi Trẻ Online – Thứ Sáu, ngày 28/10/ 2011

Các bài liên quan