NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Lịch sử - Tổ chức / LƯỢC SỬ ĐỨC NHỊ TỔ GIÁC CHÁNH

, Thứ Hai 2011-10-27

 

 

LƯỢC SỬ ĐỨC THƯỢNG TỌA NHỊ TỔ GIÁC CHÁNH

 

(1912 – 2004)

 

 

 

 

 

 

I.  THỜI NIÊN THIẾU VÀ TRƯỞNG THÀNH

 

Đức Nhị Tổ Giác Chánh có thế danh là Bạch Văn Biện, sinh ngày 1 tháng 9 năm 1912 tại làng Mỗ Lao, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây, trong một gia đình nông dân phúc hậu. Thân phụ ngài là cụ ông Bạch Ngọc Lang, thân mẫu ngài là cụ bà Nguyễn Thị Nhâm.

 

Ngài là người con thứ bảy trong gia đình có 8 anh chị em (5 trai 3 gái). Do gia đình nghèo, ngài được đi học hết chương trình sơ cấp rồi nghỉ ở nhà, cùng anh chị em trông coi phụ việc ruộng rẫy giúp đỡ cha mẹ.

 

Đến năm ngài được 20 tuổi, cha mẹ đứng ra lo bề gia thất cho Ngài. Ngài không dám cãi lời cha mẹ, nhưng đặc biệt là ngài giữ vững tâm niệm một thanh niên độc thân. Sau 4 năm, người bạn đời nhận ra được ý chí của ngài, nên đành xin phép ông bà thân sinh của ngài cho về lại nhà cha mẹ ruột, để Ngài được tự do theo chí nguyện.

 

 

 

II. NHÂN DUYÊN XUẤT GIA NHẬP ĐẠO VÀ HÀNH ĐẠO

 

Đến năm 1937, tròn 25 tuổi, ngài xin phép và được cha mẹ đồng ý cho theo người anh thứ ba là Bạch Văn Tô vào Sài Gòn để mưu sinh. Có lúc làm công nhân cao su, có lúc làm công nhân thủy cục, cho đến một ngày thiện duyên hội đủ, ngài đã được gặp lại người thầy xưa của mình…

 

Đầu năm 1948, từ vùng Long An – Mỹ Tho, đức Tổ sư Minh Đăng Quang, vị Tổ sư khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với chí nguyện Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, đã hướng dẫn đoàn Du Tăng đầu tiên hành đạo đến vùng đất Phú Lâm – Chợ Lớn rồi Sài Gòn – Gia Định. Mỗi buổi sáng, chư khất sĩ thân mặc y vàng, tay ôm bình bát đất, đầu trần chân không, theo chân Tổ sư đi trì bình khất thực, đã gieo vào lòng bá tánh một ấn tượng, một tấm lòng mến mộ:

 

Sài Gòn hoa lệ từ xưa

Trăng phơi cánh mộng, gió đưa điệu đàn

Một ngày kia dưới nắng vàng

Bỗng trang nghiêm hiện một đoàn Du Tăng.

Dân thành thị những băn khoăn

Họ là ai? Xin thưa rằng: Họ đây

Là môn đệ của Đức Thầy

Minh Đăng Quang chiếu tự rày mười phương.

(Trích Ánh Minh Quang)

 

Sau nhiều lần được nghe kể lại về công hạnh hành đạo của đức Tổ sư và Đoàn Du Tăng, Ngài đã tìm đến nơi trú ngụ của Đoàn Du Tăng thời bấy giờ tại đình Phú Lâm. Và tại nơi đây, túc duyên xưa hội tụ, trải qua 2 năm 1948, 1949 được nghe pháp, học đạo, làm cư sĩ, ngài đã phát tâm Bồ-đề, cầu xin đức Tổ sư Minh Đăng Quang tiếp độ cho ngài được xuất gia nhập đạo.

 

Ngày mồng 1 tháng 9 âm lịch năm 1949 (37 tuổi đời), ngài được đức Tổ sư độ cho thế phát xuất gia, được thọ ký pháp danh Giác Chánh. Sau đó nửa tháng, vào ngày rằm tháng 9, Ngài được đức Tổ sư chứng minh cho thọ Y bát giới Sa-di. Đến rằm tháng 7 năm 1950, Ngài được đức Tổ sư chứng minh cho thọ Cụ túc giới, dự vào hàng xuất gia bình đẳng trong Giáo hội Tăng-già.

 

 

 

III. NỐI CHÍ ĐỨC TỔ SƯ KHAI SƠN, TINH TẤN TU TẬP VÀ HÀNH ĐẠO

 

Có một đặc điểm hết sức kỳ diệu: những gì đức Tổ sư khai sơn hành trì, giáo hóa… ngài đều hết lòng kính mộ, thọ nhận, hành trì. Và những gì ngài thọ nhận, hành trì, đức Tổ sư cũng rất hoan hỷ chứng minh, tán thán.

 

Ngay từ buổi đầu, theo tôn chỉ Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, với công hạnh Tam y nhất bát, thiểu dục tri túc, thanh bần đơn giản, phạm hạnh thanh tịnh, những gì đức Tổ sư đã giáo hóa:

 

Thân trong sạch ấy là xứ Phật,

Miệng trong sạch ấy là pháp Phật,

Ý trong sạch ấy là con Phật,

Tâm trong sạch tức là đức Phật.

 

Ngài đều một lòng vâng giữ và hành trì tu học nghiêm túc với ý pháp: “Ta sống cho tất cả, thì tất cả sống cho ta. Tiếng Ta đây là tất cả, không tư riêng, sở chấp.”.

 

 

 

IV. THỌ NHẬN LỜI PHÓ PHÁP VÀ DI HUẤN CỦA ĐỨC TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG

 

Từ khi xuất gia nhập đạo, ngài luôn được gần gũi, hầu cận đức Tổ sư. Với tâm hạnh một lòng tinh tấn, ngài đã thể hiện công hạnh sâu dày nhiều đời, góp phần với đức Tổ sư khai sơn mở mang giáo pháp:

 

Một cành mà nở trăm hoa

Bóng Y Bát đẹp quê ta tự rày

Chơn truyền Khất Sĩ là đây

Bóng xưa với lại Hình này dặm không…

          (Trích Ánh Minh Quang)

 

Bấy giờ, Giáo pháp Khất Sĩ đã được phát triển mở mang sâu rộng, chẳng những tại Sài Gòn – Gia Định mà các tỉnh thành miền Đông và miền Tây Nam Bộ đều có hình bóng nhà du Tăng khất sĩ hóa duyên hành đạo. Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ được hình thành, Tăng chúng và Ni chúng được Tổ sư thâu nhận xuất gia có được hàng trăm vị, tịnh xá xây dựng được khoảng 20 ngôi.

 

Ngày rằm tháng 7 năm 1953, trong ngày Đại Lễ Vu Lan Bồn – Tự Tứ Tăng, có sự hiện diện đông đủ chư Tăng Ni, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã có lời phân định, giao trách nhiệm trong Tăng đoàn:

 

Từ nay (1953) trở đi, sư Giác Tánh là Trưởng lão Chứng minh, sư Giác Chánh là Thượng tọa thay tôi hướng dẫn Đoàn Du Tăng đi hành đạo, sư Giác Như là tri sự Tăng Đoàn, trông nom các miền Tịnh xá và phân cắt chư Tăng thay phiên trụ xứ hành đạo.

 

Sau đó không đầy 6 tháng, đến ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ 1954, đức Tổ sư thọ nạn và vắng bóng. Việc đức Tổ sư sắp đặt trước quả thật là mầu nhiệm. Từ đó trở đi, đại chúng Tăng, Ni và thiện nam, tín nữ tôn xưng ngài Giác Chánh là Thượng tọa Giác Chánh, cùng với Trưởng lão Chứng minh Giác Tánh và Trưởng lão Tri sự Giác Như kế thừa đức Tổ sư Minh Đăng Quang, lãnh đạo Phật Giáo Khất Sĩ.

 

 

 

V. THỜI KỲ ĐỨC TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG VẮNG BÓNG

 

Sau khi đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, chư Tăng Ni đại đệ tử của đức Tổ sư theo sự lãnh đạo của ba vị Trưởng lão đã tiếp tục nối chí công hạnh Tổ Thầy, phân công nhau đi hành đạo, mở mang giáo pháp khắp hai miền Nam, Trung Việt Nam.

 

Sau năm 1954, quý ngài Trưởng lão Giác Tánh, Thượng tọa Giác Chánh, Trưởng lão Giác Như, Trưởng lão Giác An, Pháp sư Giác Nhiên, Trưởng lão Giác Lý… cùng quý Sư cô Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Ngân Liên, Trí Liên… đã tinh tấn hành đạo, hình thành các giáo đoàn Tăng Ni, thành lập thêm hàng trăm ngôi tịnh xá đạo tràng, thu nhận hàng ngàn Tăng Ni xuất gia và nhiều chục vạn tín đồ Phật tử, đền ơn chư Phật và Tổ Thầy.

 

Từ đầu thập niên 1960 cho đến năm 1975, ngài Thượng tọa Giác Chánh đã hướng dẫn chư Tăng đi hành đạo qua nhiều làng mạc, qua các tỉnh thành ở đồng bằng Nam Bộ. Đến sau giai đoạn năm 1981 thống nhất Phật giáo ở Việt Nam, Hệ phái Khất Sĩ đã đồng tôn xưng ngài là đức Thượng tọa Nhị Tổ Giác Chánh.

 

 

 

VI. TU TẬP HÀNH ĐẠO VÀ HOẰNG PHÁP LỢI SANH

 

Từ ngày xuất gia học đạo, được đức Tổ sư Minh Đăng Quang trao truyền Y bát Giới luật, cho đến ngày nhận lãnh trách nhiệm đối với giáo pháp Tổ Thầy, đến ngày viên tịch tròn 55 năm (1949 – 2004), đức Nhị Tổ Giác Chánh đã thể hiện và lưu lại cho hàng môn đồ tứ chúng một tấm gương sáng ngời trong tu tập hành đạo và hoằng pháp lợi sanh.

 

 

1. Tấm gương kiên định công hạnh và thân chứng siêu tuyệt:

 

Hơn 55 năm gắn bó với giáo pháp, tròn 53 Hạ lạp, Ngài đã chu toàn đời sống đạo nghiệp của một người xuất gia, một Tỳ-kheo, một khất sĩ gương hạnh mẫu mực; xứng đáng là một bậc thượng thủ trong hàng đại đệ tử của đức Tổ sư Minh Đăng Quang nói riêng và trong hàng giáo phẩm Phật giáo Khất Sĩ nói chung.

 

– 53 năm hành trì Giới luật Y bát Khất Sĩ phạm hạnh tinh nghiêm.

– 53 năm thân khẩu ý thanh tịnh.

 

Mỗi khi có duyên sự cần nói, ngài nói rất ít, thường tham thiền nhập định. Nếu có thuyết pháp, ngài chỉ nói về những lời kinh luật mà đức Phật đã dạy. Đặc biệt, Ngài đã học thuộc lòng và thường đọc giảng Chơn Lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang cho Tăng, Ni và Phật tử nghe trong những ngày cúng hội. Đồng thời, tự thân Ngài đã thực hành và thân chứng lời dạy của Tổ Thầy qua bộ Chơn Lý.

 

Năm 1984, chư tôn đức Giáo phẩm Khất Sĩ đã đến Pháp viện Minh Đăng Quang cung thỉnh ngài về Tịnh xá Trung Tâm – quận Bình Thạnh chứng minh cho Trường Hạ của Hệ phái và chỉ dạy pháp học, pháp hành cho đại chúng. Ngài đã nhẹ nhàng từ chối và đề nghị mọi người hãy trải tọa cụ ngồi dưới gốc cây, rồi ngài sẽ giảng Chơn Lý cho nghe. Nói về sự tu, ngài đã dạy rằng: “Tôi già rồi, chẳng tu gì cả, chỉ giữ tâm không không mà thôi. Quý sư cũng hãy giữ tâm không không!”. Lúc ấy, có một vị thượng tọa đã thưa rằng, ngài bảo làm gì thì còn làm được, chứ giữ tâm không không khó quá. Ngài đã đáp: “Tôi đâu bảo quý sư phải làm công việc gì mà nói là khó. Tôi chỉ bảo quý sư hãy để tâm không không mà thôi!”. Như thế, việc mà bao người thấy là quá khó thì đối với ngài rất là nhẹ nhàng, giống như là chẳng tu gì cả! Thiền pháp Tâm Không Không của ngài thật cao siêu vô cùng!

 

 

 

2. Hoằng pháp cho tha nhân:

 

Bản thân ngài sống đời thanh bần đơn giản, chuyên tu thiền định, thường tịnh khẩu nghiệp, ít nói. Ngài thường khuyến giáo, khích lệ Tăng Ni tinh tấn tu tập, hành trì. Điểm đặc biệt nơi ngài là mặc dù luôn tinh tấn hành trì phạm hạnh, làm vị khất sĩ mẫu mực trong giáo hội, nhưng không vì thế mà ngài xem nhẹ những việc hoằng pháp và những vị gánh vác các trọng trách hoằng pháp.

 

Có lần, vào khoảng năm 1972, Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam lúc bấy giờ đã cử người về thăm và thỉnh ngài về gánh vác trọng trách lãnh đạo tinh thần tối cao của Giáo hội, khi ấy ngài đã đáp lời: “Ngày xưa, đức Thế Tôn là Thầy trời người, vậy mà khi đi du hành hóa đạo cũng phải có Chuyển Luân Thánh Vương ủng hộ, huống gì mình còn là người phàm phu! Vả lại, việc Giáo hội đã có nhiều vị tôn đức giáo phẩm đứng ra lo; còn việc chuyên hành phạm hạnh thì ít người. Do vậy, tôi xin làm công việc vừa với khả năng của mình…”.

 

Hay một lần khác, trong lúc ngài đang hướng dẫn Đoàn Du Tăng hành đạo, có một vị giáo phẩm Tăng xin đến trình bạch công việc tại các trụ xứ và góp ý để xây dựng Tăng đoàn, nhằm kết hợp giữa Tăng đoàn đi hành đạo và trụ xứ tốt hơn. Một vị đại đức Tăng đứng bên cạnh, nghe trình bạch nhiều việc, lo ngại ngài mệt, nên đã tỏ vẻ phàn nàn. Ngài khuyên không nên như vậy; ngài bảo nghe việc Giáo hội, việc Tăng đoàn thì cũng như tu thiền, đâu có gì mệt!

 

Bản thân ngài không bị lệ thuộc vào hoàn cảnh xung quanh. Có một lần, cùng lúc có 2, 3 vị đến thỉnh ngài ở trụ xứ này, trụ xứ kia có thời tiết và không khí tốt, để ngài tịnh dưỡng cho mát và khỏe, thì ngài đáp: “Nơi nào người tu hành trì đúng chơn lý thì nơi đó mát và khỏe.”

 

Quả thật, tâm hồn ngài luôn an tịnh trong tinh thần tri túc, và đồng thời ngài đã tôn trọng những nhân duyên khách quan của mọi người, tùy theo phước báo, tùy sở duyên, sở hành, sở chứng… mà không hề cố chấp, ngăn ngại!

 

 

 

VII. NHỮNG NĂM THÁNG SAU CÙNG

 

Trong hơn 20 năm dừng chân hóa độ, từ 1984 – 2004, ngài dành nhiều thời gian an trú tại các trú xứ Vườn nhãn Vĩnh Châu (Bạc Liêu), Pháp viện Minh Đăng Quang (Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh), Tịnh xá Ngọc Liên (Bạc Liêu) v.v…

 

Trong 4 năm cuối (2000 – 2004), ngài đã tịnh dưỡng tại Tịnh xá Ngọc Viên, Tổ đình Phật giáo Khất Sĩ. Sức khỏe mỗi ngày mỗi yếu dần, từ ngày 7 đến ngày 17 – 6 năm Giáp Thân 2004 ngài đã chủ động lắng sạch xác thân tứ đại, không ăn không uống dù sữa hay nước, cũng không cho truyền nước biển nữa… Và ngài đã từ từ nhẹ nhàng xả bỏ huyễn thân, an nhiên thị tịch lúc 17 giờ 30 phút ngày 17 tháng 6 năm Giáp Thân, nhằm ngày 2 tháng 8 năm 2004.

 

Đức Thượng tọa Nhị Tổ trụ thế 92 năm, Hạ lạp 54 năm.

 

Công hạnh và đạo nghiệp của ngài sáng mãi muôn đời. Xá-lợi nhục thân của ngài hiện đang được tôn thờ tại Tịnh xá Ngọc Viên, thành phố Vĩnh Long.

 

 

----------------------------------------------------------