NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / HOẰNG PHÁP Ở VÙNG SÂU VÙNG XA

, Thứ Hai 2011-10-05

 

 

HOẰNG PHÁP Ở VÙNG SÂU VÙNG XA

 

TN. Đạt Liên

Bài đã đăng Nội san Đuốc Sen số 07

 

 

I. DẪN NHẬP

 

Từ thuở ban đầu, khi đức Thế Tôn chuyển bánh xe pháp tại Lộc Uyển, mở đầu cho công cuộc hoằng pháp độ sanh, Ngài đã khuyến dạy các vị đệ tử như sau:

 

Hãy ra đi, các Tỳ-kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng từ bi hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả. Này hỡi các Tỳ-kheo, hãy hoằng dương Giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo cả hai, nghĩa lý và văn tự.[1]

 

Bức thông điệp đó vẫn còn vang vọng mãi cho đến ngày hôm nay.

 

Hoằng pháp là một bổn phận thiêng liêng, cao cả và luôn được xem là Phật sự quan trọng hàng đầu trong sứ mạng hoằng dương Chánh pháp, hóa độ chúng sanh của người con Phật. Song song với vấn đề tu tập giải thoát tự thân, hành giả hãy dấn thân vào con đường lập hạnh lợi tha. Hãy đem thông điệp từ bi của đức Phật đến những nơi xa xôi hẻo lánh, vùng đồng bào ít người làm cho họ hiểu được Phật pháp và thực hành theo để được lợi ích. Thiết nghĩ, đây là một trong những công tác Phật sự thiết thực nhất.

 

Sau đây là một vài ý kiến người viết xin được đóng góp trong vấn đề hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa như sau:

 

 

II. NỘI DUNG

 

1. Đạo đức của người giảng sư

 

Hoằng pháp trong thời kỳ hội nhập và phát triển, người giảng sư hơn bao giờ hết cần thể hiện chí nguyện tốt đẹp nhất mà chư Phật chư Tổ đã truyền dạy, thực hành nghiêm túc Giới – Định – Tuệ.  Người có giữ giới thân tâm mới được thanh tịnh, bởi vì giới là “phòng phi chỉ ác”. Giới luật được trong sạch thì ba nghiệp được thanh tịnh, đó là con đường thẳng đến quả giải thoát, an lạc. Giới thể hiện đạo đức, tính cách, nếp sống hướng thượng của một con người mà vị giảng sư chuẩn mực không thể thiếu. Có như vậy mới có thể làm tấm gương sáng, nơi nương tựa tinh thần vững chắc cho quần chúng Phật tử, đặc biệt nơi mà tâm tư người dân vừa mới hướng về, nương tựa ngôi Tam Bảo.

 

Bởi vì:

 

Giới giữ cho thân sạch lỗi lầm

Cho tâm như ngọc luyện giồi tâm

Cho hoa trí tuệ tươi ngàn kiếp

Cho quả từ bi đẹp bội phần.[2]

 

Người giảng sư có giới đức trang nghiêm không những làm lợi ích cho tự thân, mà còn góp phần làm thánh thiện hóa nếp sống của mọi người xung quanh, nhất là vùng đất nơi mà mình đang lưu trú để hoằng pháp.

 

Trong Luật tạng có đề cập: “Giới là để chế ngự, chế ngự là để khỏi hối hận, không hối hận là để được hân hoan, hân hoan là để được hỷ, hỷ là để được khinh an, khinh an là để được lạc, lạc để được định, định để được chánh kiến, chánh kiến để được vô dục, vô dục để được ly tham, ly tham để được giải thoát, giải thoát để có giải thoát tri kiến, giải thoát tri kiến để đi đến vô thủ trước Niết-bàn.[3]

 

Nhờ có giữ giới thì tâm an tịnh, định tĩnh, cộng với công năng tu tập từ đó trí tuệ phát sáng, dần dần người hành giả có đầy đủ định lực để nghiên cứu, tư duy tìm ra những giải pháp tốt nhất nhằm đẩy mạnh công tác hoằng pháp ngày một hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, người giảng sư không chỉ hoàn thiện về nhân cách đạo đức mà phải là người có trí tuệ, thông suốt am tường tam tạng giáo điển. Trí tuệ đây do tu tập Văn tuệ, Tu tuệ, Tư tuệ mà có được. Khi đã có văn tuệ, tư tuệ, áp dụng trí tuệ đó vào cuộc sống tu tập và hành trì bằng phương pháp thiền định để thể nghiệm và thể nhập sự thật của các pháp. Chính nhờ trí tuệ đó mà người hoằng pháp có được chánh trí, biết nhìn xa trông rộng, biết việc nào làm sẽ đem lại lợi ích và việc nào làm sẽ không đem lại kết quả cho mình và người ở hiện tại và tương lai.

 

Thực hành Giới – Định – Tuệ là nền tảng căn bản hình thành phẩm chất đạo đức và trí tuệ nhạy bén cho một vị giảng sư để từ đó người giảng sư có đầy đủ tư lương, mạnh dạn bước vào con đường phục vụ, đem hết khả năng của mình truyền bá giáo pháp đức Phật, hoặc bằng thân giáo hoặc bằng khẩu giáo, miễn là có tính thuyết phục làm cho người dân quy hướng ngôi Tam Bảo, bỏ ác hành thiện, đi theo con đường từ bi, trí tuệ và giải thoát; điều ấy có nghĩa là người giảng sư đã hoàn thành Phật sự “Hoằng pháp vi gia vụ”.

 

 

2. Hoằng Pháp với công tác từ thiện

 

Vì là nơi hẻo lánh, đời sống kinh tế chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Người dân lam lũ, vất vả để tìm kế sinh nhai dù có nghĩ đến Phật pháp cũng không có điều kiện để tìm đến. Như vậy, nếu chỉ có món ăn tinh thần mà không có món ăn vật chất thì món ăn tinh thần khó mà lĩnh hội được.

 

Dân gian có câu: “Có thực mới vực được đạo”. Thực tế cho thấy bên Công giáo, Tin Lành cũng vậy, khi họ muốn truyền bá hoặc cải đạo một vùng nào đó, trước tiên là họ phát gạo, lương thực hoặc chu cấp một số tiền để làm vốn sinh sống, sau đó từng bước khuyến dụ tín đồ đi theo đạo của họ. Điều này cũng dễ hiểu, khi người dân được cơm no áo ấm thì hẳn nhiên phải nhớ đến người giúp đỡ mình và từ đó sẽ nghe theo những gì người ấy mong muốn. Riêng Phật giáo chúng ta, công tác từ thiện là một trong ba món thí: tài thí, pháp thí và vô úy thí. Đối với đồng bào vùng hẻo lánh, xa xôi thì vấn đề tài thí rất là quan trọng. Chúng ta có thể phát gạo, thực phẩm cho những gia đình nghèo, neo đơn tùy theo khả năng mà chúng ta quyên góp được.

 

Hiện nay con người đang sống trong hiểm họa của bệnh tật, không những bệnh thân mà còn bệnh tâm. Nhà hoằng pháp không chỉ biết vận dụng pháp dược mà phải biết vận dụng cả y dược để trị liệu, cụ thể nhất là tạo điều kiện đưa những phái đoàn y, bác sĩ đến khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Có những buổi nói chuyện về sức khỏe và đời sống, phòng các căn bệnh hiểm nghèo của thời đại mà người dân vùng xa dễ mắc phải. Tổ chức phát học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học… Khi đời sống của người dân được quan tâm, giúp đỡ, họ cảm thấy phần nào bớt đi sự cơ cực, lúc bấy giờ chúng ta mới có cơ hội gần gũi nhắc nhở, an ủi quy hướng họ về với Phật pháp. Như vậy, cùng một lúc chúng ta vừa giúp cho họ món ăn vật chất và món ăn tinh thần.

 

Nếu biết vận dụng hai phương thuốc Y dược và Pháp dược sẽ mang lại ý nghĩa tích cực trong việc tế độ chúng sanh trong hiện tại.

 

 

3. Hoằng Pháp với vấn đề văn hóa

 

Chúng ta nên nhớ rằng khi đi đến vùng sâu, vùng xa như vậy, vấn đề xây dựng đạo tràng rất là khó. Tuy nhiên, mái chùa là nơi để tín đồ Phât tử quy tụ lễ bái, tụng niệm, bày tỏ lòng tín ngưỡng của mình đối với chư Phật, Bồ-tát. Thậm chí, đối với những người chưa biết đạo, họ cũng xem chùa là nơi trú ngụ của Thánh hiền, có thể đến đó để cầu nguyện, vái van ơn trên gia hộ để được sức khỏe, buôn may bán đắt v.v… Do vậy, nơi nào đến mà chưa có chùa chúng ta phải tạo, không những làm nơi nương tựa tinh thần cho tín đồ, bổn đạo mà còn là nơi để chúng ta có dịp truyền bá Chánh pháp, giúp cho người dân bỏ tà kiến theo chánh kiến. Bởi vì:

 

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ tông.

 

Bên cạnh đó, mỗi chuyến công tác từ thiện như vậy, chúng ta có thể phát hành kinh sách hoặc băng đĩa VCD, DVD nơi có đầu máy, tivi với những bài pháp dễ hiểu, ngắn gọn, súc tích được các vị giảng sư Trung ương hoặc Thành hội thuyết giảng. Ngoài ra, chúng ta có thể lập tủ sách Phật giáo để tạo điều kiện cho quần chúng có tư liệu nghiên cứu Phật pháp, hay đăng ký báo Giác Ngộ phân phát cho đồng bào nơi đó nắm bắt được hoạt động, sự phát triển của Giáo hội trong giai đoạn hiện tại. Để từ đó, đồng bào vùng thiểu số thấy được lợi ích con đường họ đang đi và điều họ đang làm.

 

 

4. Hoằng Pháp với công tác giáo dục

 

Giáo dục Phật giáo rất cần thiết để giúp cho người tín đồ vận dụng thiết thực những lời dạy của đức Phật trong đời sống thường nhật và góp phần vào xây dựng một trật tự an sinh xã hội. Do vậy, ngoài những buổi thuyết giảng trước hội chúng vào những ngày Bát quan trai, Phật thất… những ngày Chủ nhật chúng ta mở thêm những lớp giáo lý căn bản hoặc những buổi thuyết pháp để khai mở về lời dạy của đức Phật và cho họ tập làm quen với những thuật ngữ Phật pháp. Điều đáng chú ý là chúng ta nên đào tạo cho giới trẻ, các em thanh thiếu niên, bởi vì tuổi trẻ là mầm non của tương lai dù là trong đạo hay ngoài xã hội. Tuy nhiên, ở đây chúng ta đang nói về lĩnh vực hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa, do đó điều đầu tiên dạy cho giới trẻ là những giáo lý căn bản như quy y Tam Bảo, giữ gìn 5 giới cấm, giáo lý nhân quả, nghiệp báo… Nếu trình độ văn hóa của các em còn yếu kém, chúng ta nên mở các lớp học bổ túc văn hóa tại chùa, mời các giáo viên đến dạy để nâng cao trình độ văn hóa cho các em. Có như vậy thì các em mới có đủ trình độ, kiến thức để lĩnh hội Phật pháp. Sau này, khi các em vững vàng có đủ tri kiến cả hai mặt Phật học và thế học, các em sẽ trở thành những người đi truyền đạo bằng ngôn ngữ địa phương, sẽ dễ dàng trong việc hoằng pháp nơi bản xứ của mình.

 

 

5. Hoằng Pháp với vấn đề kinh tế

 

Như đã trình bày ở trên, vấn đề đời sống vật chất luôn là mối lo ngại hàng đầu đối với những người dân vùng dân tộc thiểu số. Do vậy, chúng ta cố gắng tạo cho họ có công ăn việc làm, thật là sách lược tuyệt hảo trong hoằng pháp. Cụ thể là đầu tư các cơ sở may mặc, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, mời các tay nghề điêu luyện đến dạy nghề cho các em thanh thiếu niên hoặc mở những lớp nâng cao tay nghề, tạo điều kiện cho người dân có việc làm, giảm bớt những lo toan, tính toán. Đây cũng là nhịp cầu nối liền giữa đời và đạo giúp hai bên có sự cảm thông hơn và giúp đỡ nhau trên con đường hoằng pháp đem lại nhiều thành công hơn.

 

 

III. KẾT LUẬN

 

Tóm lại, từ những vấn đề trên, chúng ta phải nhìn nhận rằng: người hoằng pháp trong giai đoạn hiện tại sẽ luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhất là hoằng pháp nơi vùng sâu vùng xa. Đưa ra phương hướng, sách lược đã khó nhưng thực hiện được lại càng khó hơn. Liệu nhà hoằng pháp có đủ sức kham nhẫn chịu đựng khó khổ, có đủ khả năng linh hoạt xử lý vấn đề trong mọi tình huống và nhất là có khả năng tự mình tạo ra của cải vật chất theo đúng tinh thần Phật giáo nhằm trợ giúp cho công tác hoằng pháp được kết quả tốt đẹp, duy trì đời sống tâm linh vững mạnh trên con đường hoằng truyền chánh pháp cứu độ chúng sanh hay không? Điều này xin chờ đợi câu trả lời từ những nhà hoằng pháp nhiệt tâm, những người luôn mang trong mình tâm huyết không từ gian lao, không ngại khổ nhọc, mang thông điệp từ bi của đức Phật đi khắp mọi nơi, làm cho giáo pháp của đấng Từ Phụ Thích-ca Mâu-ni mãi mãi trường tồn, tỏa rạng thiên thu.

 

 


 

[1] Mahavagga, tr. 19-20.

[2] Ni trưởng Huỳnh Liên, Tinh Hoa Bí Yếu (Kệ Chơn Lý),tr. 284.

[3] Buddhaghosa (Thích Nữ Trí Hải dịch), Thanh Tịnh Đạo Luận  I,  tr. 23.

 

--------------------------------------------------------

 

Các bài liên quan