NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / HÌNH ĐÈN CHÂN LÝ & HÌNH ĐỨC BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA NÀY CHƯA ĐÚNG

, Thứ Hai 2011-10-05

 

NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐÚNG TRONG

 

HÌNH ĐÈN CHÂN LÝ & HÌNH ĐỨC BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA

 

 

Hành Vân

 

 

ĐÈN CHÂN LÝ - Một Logo tuyệt vời của Phật pháp

Tác giả: Đức Tổ sư Minh Đăng Quang

 

 

Đầu tiên, xin hãy xem cây Đèn Chân Lý này, tuy đã đưa ra được một hình ảnh tương đối về tính chất, ý nghĩa và giá trị của Phật pháp trong cuộc đời, nhưng nó vẫn chưa hoàn hảo như ý tưởng của người đã sáng tạo ra biểu tượng (Logo) Đèn Chân Lý.

 

Tác giả của biểu tượng Đèn Chân Lý là đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Trong cây Đèn Chân Lý do ngài phác họa, có 4 phần không thể thiếu sót. Ta hãy xem từ dưới lên sẽ thấy:

 

- Đầu tiên là mặt nước, tượng trưng cho cuộc đời, dung chứa mọi chúng sanh.

 

- Kế tiếp là hoa sen nở, tượng trưng cho sự vươn lên khỏi ngục tù trần lao của chúng sanh.

 

- Từ trong hoa sen, một cây đuốc tuệ vươn lên bừng cháy. Nó là ngọn đèn tâm – Tâm Đăng.

 

- Ánh sáng của ngọn đèn đó soi sáng thế gian, tỏa khắp bốn phương tám hương, siêu cả nhật nguyệt quang, phá tan bóng tối vô minh hằng ngự trị trong lòng người.

 

Như vậy, hình động trên rất đẹp nhưng đã thiếu mặt nước, chân cây đuốc bị hổng khỏi hoa sen và ánh sáng tỏa ra từ đèn tâm đuốc tuệ đã bị cứng. Do 3 chỗ thiếu sót này, ta nên thiết kế lại cho hoàn hảo hơn.

 

 

 

 

 

HÌNH ĐỨC BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA

thờ tại một ngôi chùa ở Việt Nam

 

 

 

Tiếp theo là hình đức Tổ sư Bồ-đề Đạt-ma. Thoạt nhìn, ta cảm thấy hình này có vẻ hay hay, có thiện cảm hơn đa số các hình Tổ sư khác với dáng vẻ dữ dằn, lập dị. Khi nhìn kỹ, ta phát hiện hình này có tới 8 chỗ không đúng:

 

- Thứ nhất, tấm y trùm đầu như phụ nữ. Trong Phật giáo không hề có điều đó.

 

- Thứ hai, tấm y đắp bị sai, nó sẽ tuột ngay khi giở chân bước đi. Có lẽ tác giả vẽ bức họa này là một Phật tử Bắc tông ở Việt Nam, nên chưa thấy cách một nhà sư làm thế nào cho một tấm vải lớn không bị tuột khỏi thân họ.

 

- Thứ ba, tấm y quá dài, lòa xòa và bay lả lướt như nữ giới. Mà chư Ni của Phật giáo cũng không được phép mặc y quét đất như thế.

 

- Thứ tư, Tổ sư quay đầu nhìn phía sau. Ngài đã bỏ Lương Võ Đế mà đi không từ giã thì nhìn lại làm gì nữa?

 

- Thứ năm, người trong hình có ánh mắt lưu luyến, không thiền chút nào hết trơn, không có thần sắc của người đã định tâm trước mọi trần cảnh.

 

- Thứ sáu, Ngài cầm chuỗi. Buổi đầu đến Trung Quốc lập Đạo Thiền, phá bỏ tất cả mọi chấp nhất văn tự hình thức của giới Phật giáo đương thời ở Trung Quốc, sẵn sàng lên Tung Sơn ngồi 9 năm đợi thời, thì Ngài cầm chuỗi gì chứ?

 

- Thứ bảy, lúc qua sông để lên Tung Sơn làm gì có giày mà quảy. Theo sử kể thì khi sứ thần Tống Vân gặp Ngài trên Thông Lãnh mới thấy Ngài quảy một chiếc giày. Mà lúc đó thì công đức lập đạo của Tổ sư đã viên mãn rồi và Ngài đang trên đường về lại Thiên Trúc…

 

- Và thứ tám, bắp tay, bầu má và ngực của người trong hình cho thấy người này đang độ tuổi trung niên, trong khi lúc qua Trung Quốc thì Tổ sư đã cả trăm tuổi rồi.

 

 

Ngoài 8 điều này, không biết còn điều nào không đúng nữa chăng, kính xin quý đọc giả của AND_ góp ý. Xin cám ơn đã theo dõi.

 

 

----------------------------------------------------------------

Các bài liên quan