NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Lịch sử - Tổ chức / GHI CHÚ VỀ HỆ PHÁI KHẤT SĨ

Tâm Nguyên , Thứ Sáu 16-08-2024

  

 

GHI CHÚ VỀ HỆ PHÁI KHẤT SĨ

KS. Minh Bình

Hiện nay Phật giáo Việt Nam có ba trường phái, gồm Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Nam tông và Phật giáo Khất Sĩ. Câu hỏi chính được đặt ra cho bài viết này là: Hệ phái Khất Sĩ (với hơn 450 tịnh xá trải khắp 34 tỉnh thành ở Việt Nam) có còn là Đạo Phật Khất Sĩ của ngài Sư trưởng Minh Đăng Quang không? Chủ đề này đã có mấy bài phân tích đăng trên trang Ánh Nhiên Đăng rồi, nhưng cũng cần viết thêm một bài ngắn gọn dạng ghi chú để mọi người dễ theo dõi.

Người ta thường không biết đặc điểm nào để phân định một trường phái Phật giáo, họ chỉ theo mấy hình thức bên ngoài mà gọi là phái này, phái kia. Vậy nên nói rõ: Một trường phái Phật giáo là phải có một tạng Luật riêng và một hệ tư tưởng riêng (chữ “tạng” nghĩa là “kho”, nghĩa chính là “hệ thống”). Cụ thể:

– Phật giáo Bắc tông: Có tạng Luật là Luật Tứ Phần, đã được biên tập cách đây hơn 2300 năm. Có tư tưởng chính là Bồ-tát đạo, đạo làm Bồ-tát giáo hóa chúng sanh giải thoát sanh tử luân hồi, với nhân tu quả chứng cụ thể, được triển khai phong phú ở các nước Ấn Độ, vùng Trung Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam trong hơn 2000 năm qua.

– Phật giáo Nam tông: Có tạng Luật là Vināya (tiếng Pāli của miền Nam Ấn Độ, nghĩa là “Luật”), đã được biên tập cách đây hơn 2300 năm. Có tư tưởng chính là A-la-hán đạo, đạo làm A-la-hán giải thoát sanh tử luân hồi, gồm bốn đạo và bốn quả, hoạt động mạnh ở các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Thailand, Laos, Campuchia, Việt Nam trong hơn 2000 năm qua.

– Phật giáo Khất Sĩ: Có tạng Luật là Luật Khất Sĩ, gồm bảy bài Chơn lý do ngài Minh Đăng Quang biên tập và ban hành vào đầu thập niên 1950, và thêm các bài chú giải, cùng phần bổ sung qua các thời. Có tư tưởng chính là Phật đạo, đạo làm Phật, gồm bảy đạo quả, từ khất sĩ đi đến Vô thượng sĩ, đã hình thành và phát triển mạnh ở Việt Nam trong 77 năm qua.

(Ngoài ra, trên thế giới còn có Phật giáo Kim Cương Thừa: Có tạng Luật là Luật Nhất Thiết Hữu Bộ, đã được biên tập cách đây hơn 2300 năm. Có tư tưởng chính là Phật đạo, đạo làm Phật, người tu thường được gọi là hành giả Mật tông hay Lama tiếng Tạng nghĩa là “bậc thầy”, đã phát triển mạnh ở Tây Tạng và vài nước xung quanh từ hơn 1000 năm qua.)

Trở lại câu hỏi chính, thì với quá nhiều sự biến tướng và biến chất, thôi khỏi nói chuyện của ai làm chi, ta chỉ nói đến Đạo Phật Khất Sĩ của đức Sư trưởng Minh Đăng Quang như sau:

Do đạo lý Khất sĩ nên ngài chọn tên đạo của ngài là Đạo Khất Sĩ, hay Đạo Phật Khất Sĩ, xác định là đạo của ba đời chư Phật.

– Tầm vóc đạo Khất sĩ được căn cứ trên Vũ trụ quan – bài Chơn lý số 1, không phải chỉ dựa vào các nền văn hóa Phật giáo hơn 2500 năm nay. Có tất cả 69 bài Chơn lý thuyết minh Giáo pháp Khất sĩ.

– Lẽ Khất sĩ hình thành nên tư cách khất sĩ, xác định là “học trò khó lo xin ăn tu học.”, những kẻ học trò của vũ trụ, theo gương chư Phật.

– Khất sĩ đó chính là Tỳ-kheo mà chư Phật đã dạy từ xưa, gồm có ba hạng là khất sĩ Thinh văn, khất sĩ Duyên giác và khất sĩ Bồ-tát, ba hạng học trò của Phật, cũng chính là ba thừa giáo hóa của chư Phật.

– Vậy “Đạo Khất sĩ” là “Đạo làm Tăng”, mà có làm Tăng thì mới được làm Phật. Nên vị khất sĩ lấy giới hạnh của người xuất gia làm căn bản, không sa đà vào tôn giáo, tín ngưỡng, danh lợi, quyền thế, đua chen trong đời…

– Đặc điểm nổi bật của vị khất sĩ là nghèo - khiêm tốn - hòa hợp. Sẽ thật vô lý khi những kẻ xin ăn tu học mỗi ngày lại giàu sang, còn ra vẻ bề trên và tranh giành ảnh hưởng nữa!

– Đặc điểm căn bản của khất sĩ là chơn tu thật học. Bởi vậy hàng khất sĩ không buôn bán làm ăn, không làm dịch vụ tôn giáo, không vận động xây cất, không tranh giành tín đồ, không ham đệ tử (như người đời ham con)…

– Chỗ ở và là nơi vị khất sĩ dạy đạo cho cư gia là tịnh xá – nhà yên tĩnh, vừa phải đơn sơ, không ồn ào danh lợi, không rối ren ý niệm, không tín ngưỡng tôn giáo gì cả, giống các đạo trường của Phật ngày xưa.

– Bởi là khất sĩ nên tất cả đều phải sống theo Tứ y pháp – Bốn Thánh chủng: Ăn một bữa – Mặc ba y – Ở dưới gốc cây hay am cốc– Bệnh mới dùng thuốc, không cất giữ. Đó là một đời sống vật chất đơn giản nhất.

– Bởi là khất sĩ nên tổ chức đời sống theo Hiệp hòa Tăng, không có trụ trì lãnh đạo ai, không có chức quyền trong đoàn thể, không có ban bệ lớp lang, không có hội đồng gì cả.

V.v…

Tóm lại, ngày nay Khất Sĩ chỉ còn cái nhãn, chẳng phải là Đạo Phật Khất Sĩ của ngài Sư trưởng Minh Đăng Quang nữa.

Trước đây chỉ có trưởng lão Giác Chánh thường trùng tuyên các bài Chơn lý của ngài Minh Đăng Quang mà không thêm bớt một chữ, nên sư giữ đúng được lời thầy dạy! Ngoài ra ai cũng đua chen dòm ngó bên ngoài, riết rồi thành ra tình trạng ngày nay, thấy đồ sộ đông đảo mà không có thật chất...

 

------------------------------------------------------------------