Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / SEN NỞ ĐÓN HẠ VỀ (Ni sư Minh Liên)
SEN NỞ ĐÓN HẠ VỀ
NS. Minh Liên (TX. Ngọc Phương)
Bài đã đăng Nội san Đuốc Sen số 03.
Ca dao Việt Nam có câu:
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhụy vàng.
Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Như chúng ta biết, Ni Giới Khất Sĩ cũng được gọi là Giáo Hội Liên Hoa, chữ Liên Hoa tiếng việt gọi là Hoa Sen. Hoa sen là một loài hoa từ bùn nhơ vươn lên, không nở trong bùn, trong nước, mà vươn lên từ bùn và vượt khỏi mặt nước để đem hương sắc cho đời, không một loài ong bướm nào ve vãn xung quanh, không mang mùi tanh của bùn… Sen mang nhiều tánh chất đặc thù mà các loài hoa khác không có. Nói cách khác, sen là tướng, chư Phật là tánh. Muốn hiểu Tánh của Đức Phật phải hiểu tánh của hoa sen. Hoa sen có năm tánh và ba hạnh:
◙ Năm đặc tánh:
1) Tánh không nhiễm: cư trần bất nhiễm
2) Tánh trừng thanh: gạn nước đục làm cho trong
3)Tánh kiên nhẫn: sức chịu đựng
4) Tánh thanh lương: làm mát dịu
5)Tánh viên dung: tròn trịa hoàn mãn
◙ Ba hạnh:
1) Hạnh hành trực: thân ngay thẳng
2) Hạnh ngẫu không: ruột trống rỗng
3) Hạnh bộc trực: gương đầy hột, nhân quả đồng thời
Giáo hội Liên Hoa là đòn bẫy nâng những mầm sen đang ở dưới mặt nước, hầu sớm vươn lên khỏi mặt hồ, đơm hoa, nở nhụy và kết hạt Liên Hoa. Hoa sen một khi đã thuần thục theo pháp diệu thì tự nhiên ứng nghiệm nguyên lý sáu chiều gọi là Lục Tức Phật:
1- Lý tức Phật : sen này còn nằm trong bùn, chỉ cho những người chưa gặp Phật Pháp, không biết làm lành lánh dữ, không biết tu nhân tích đức, chưa biết tu tập gì cả.
2- Danh tự tứcPhật : sen này vượt lên khỏi mặt nước hé nở khoảng 20%. Chỉ cho hàng Phật tử phát tâm quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới.
3- Quán hành tức Phật : sen bắt đầu nở 40%, chỉ cho những người phát tâm xuất gia học đạo.
4- Tương tợ tức Phật: sen nở 60% chỉ cho những bậc xuất gia thọ cụ túc giới, gọi là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Đặc biệt hình tướng của hệ phái Khất Sĩ giống Đức Phật, đắp y, mang bát đi khất thực. Hạnh này ba đời chư Phật đã thực hành, bây giờ chúng ta nối tiếp truyền thống ấy.
5- Phần chứng tức Phật: sen nở 80%, chỉ cho tu chứng từng phần, từ quả vị Tu-đà-hoàn đến quả vị A-la-hán.
6- Cứu cánh tức Phật: sen nở 100%, chỉ cho Đức Phật.
Sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài nhìn hồ sen thấy có những hoa đã nở tròn đầy, có những hoa còn búp non trinh, có những hoa đang trụ hình trong nước, có những mầm sen còn vùi trong bùn nhơ, song tất cả đều có khả năng nở tròn khoe sắc, nhả hương tinh khiết. Chúng đồng trong lòng đất nhớp nhúa vươn lên, khi được hớp sương, phơi nắng, chúng đều tròn đủ sắc hương như nhau. Hoa sen là tượng trưng cho sự bình đẳng giữa mọi người. Đã là mầm sen, thì mầm sen nào cũng có khả năng vươn lên khỏi bùn, khỏi nước và trổ hoa tươi thắm, hương thơm ngạt ngào.
◙ Hoa sen đặc biệt có bốn màu:
1) Màu xanh tiêu biểu cho Thiền Định. Người tu tâm hồn hoàn toàn yên tĩnh, trụ trong Thiền Định thì sinh vào hoa sen xanh.
2) Màu vàng tiêu biểu cho từ bi. Người có tình thương rộng lớn đối với chúng sanh thì sinh vào hoa sen vàng.
3) Màu đỏ tiêu biểu cho tinh tấn. Người siêng năng tu hành phục vụ đại chúng, khi về Cực Lạc sinh vào hoa sen đỏ.
4) Màu trắng tiêu biểu cho chánh niệm. Người ở Ta-bà tu hành không nhiễm trần, không quan tâm đến thế gian thì vãng sanh vào hoa sen trắng.
ĐỨC PHẬT tiêu biểu màu vàng,
BỒ TÁT trắng bạc như hàng pha-lê.
Màu xanh tươi nhuận xum xuê,
Điển hình DUYÊN GIÁC mọi bề hòa nhu.
THANH VĂN màu đỏ tiến tu,
Siêng năng tu học cần cù sớm trưa.
Như vậy, hoa sen không chỉ là loài hoa bình thường mà còn được lý tưởng hóa, biểu tượng cho chân lý, cho cái nhiệm mầu của thực tại, của các pháp. Vì lẽ đó nên Đức Phật dụ tri kiến Phật như hoa sen, để chỉ cho sự siêu xuất thoát ra ngoài các pháp ở thế gian. Vậy thì mỗi người tu sĩ chúng ta nên tô điểm đóa sen lòng ngát hương trong mỗi phút giây để đón chào mùa Hạ về.
Sen lòng nở đón Hạ sang,
Trong bùn mà chẳng gian nan vì bùn.
Ngát hương sen đẹp tuyệt trần,
Vàng, xanh, trắng, đỏ thêm phần tinh anh.
Đầu Hạ chúc bậc tu hành,
Tâm an, thân khỏe tiến nhanh Tây thành;
Cư gia bá tánh chung quanh,
An cư lạc nghiệp kết thành đài sen.
-------------------------------------
Các bài liên quan
- xưa Minh Đăng Quang viết
- Nghĩa Trăm Năm
- Tại sao chọn Luật Tứ Phần?
- Hành Trang Vào Đời
- T Â M K H Ô N G
- Từ Nhân Loại Bước Đến Niết-bàn
- Phụ giải Công Lý Võ Trụ
- KHẢO CỨU BỘ CHƠN LÝ
- Ý ĐỊNH LÀ NIẾT-BÀN
- Đời là biển khổ
- TÍNH CHẤT CHỦ YẾU CỦA TRIẾT LÝ THIỀN
- Năm Lửa bắt Thầy
- NGHI THỨC ĐÓNG CHUÔNG U MINH
- KHẤT SĨ BỒ-TÁT
- A-LA-HÁN
- BỒ-TÁT TRỤ XỨ
- Nhà bác học Albert Einstein nói về Phật giáo
- GIÁP NGỌ – NHÂM THÌN 58 NĂM
- Theo gót chân Người
- Thờ phượNG
- VÔ NGÃ & NGÃ
- Dấu xương để lại cho đời
- Nghiên cứu BỒ-TÁT GIÁO
- Giáo pháp Khất sĩ
- Chân tình Vu-lan
- Ngày Tổ sư trở về
- Tết 2-0-1-6
- Minh Đăng Quang truyền dạy Chơn lý
- Ai lên núi lửa trần gian
- Câu chuyện Sư tử đá
- Kiến – tánh
- Biểu tượng Đèn Chơn Lý
- Pháp ngữ của TS. Minh Đăng Quang
- Tham luận của HT. Minh Hồi
- Pháp tu Quan Thế Âm
- Tham luận của HT. Đức Nghiệp
- Tham luận của TT. Minh Thành
- Tham luận của TT. Nguyên Thành
- Tham luận của TT. Huệ Thông
- Câu đố cổ xưa của người Hy Lạp
- Tinh thần Trung đạo trong bộ Chơn Lý
- TRÍ & THỨC
- TÀ KIẾN CỦA NHỊ THỪA
- Cha Mẹ bơ vơ
- Nét đặc thù của đức Tổ sư MĐQ
- Những lời Khách Sáo
- Vắng Bóng
- THIỀN ĐỊNH NHƯ MỘT GIẤC NGỦ NGON !
- Chánh Pháp Vu-lan
- Ý nghĩa ngày Rằm tháng Tư Vesàkha
- Thuyền Bát-nhã (thơ Đạo)
- LỜI THẦY DẠY (Đức Thầy Giác An)
- “KINH CÀY RUỘNG” & Chơn lý “CHƯ PHẬT”
- HÃY SỐNG HẾT LÒNG MÌNH VỚI ĐẠO PHÁP (TT. Giác Tuấn)
- CON ĐƯỜNG TIẾN HÓA CỦA CHÚNG SANH (TT. Giác Pháp)
- LINH ẢNH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
- Ăn Chay và Sức Khỏe
- Thi hóa tiểu sử Tổ Sư Minh Đăng Quang
- KỆ HỒI TÂM (Tổ Thiên Thai)
- NHỮNG BÀI CA GIẢI THOÁT