NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / BÁT-NHÃ THẬT TƯỚNG

Tâm Nguyên , Thứ Tư 20-07-2022

 

Bát-nhã thật tướng

 

KS. Minh Bình

 

 

“Bát-nhã” là từ phiên âm Hán – Phạn của từ “Prajñā”, nghĩa là “Trí huệ”. Trí huệ là trí biết chính xác cụ thể, khác với trí thức của nhân loại là trí đoán chừng, có thể, chắc là, tôi nghĩ, dự báo, có lẽ, nghe nói, hình như v.v…

 

Xưa nay nhà Phật chú trọng đến trí huệ, bởi chính trí huệ mới có công năng giác ngộ và giải thoát, sống tự chủ, an ổn mọi lúc, dù đời này hay những đời sau. Mà trí huệ dễ bị lẫn lộn với trí thức, nên nhà Phật ở Việt Nam vẫn gọi là “trí Bát-nhã” khi nói đến trí huệ của bậc Thánh.

 

Rồi khi người học Phật pháp bắt đầu học Bát-nhã, thường sẽ được dạy về ba loại Bát-nhã là Bát-nhã văn tự, Bát-nhã quán chiếu và Bát-nhã thật tướng. Trong đó, Bát-nhã văn tự là những lời dạy của chư Phật Thánh, Bát-nhã quán chiếu là sự tư duy xem xét ứng dụng những lời dạy đó của người học, và Bát-nhã thật tướng mới chính là trí huệ chân thật nhất mà một người tu học Phật thành tựu được.

 

Vấn đề cần đặt ra ở đây là: Tại sao không gọi là “chân Bát-nhã” mà lại gọi là “thật tướng Bát-nhã”? Câu hỏi này đã khơi đúng mạch, và sẽ đưa người học đến đúng chỗ. Chân Bát-nhã là Bát-nhã thật, còn Bát-nhã văn tự và Bát-nhã quán chiếu vẫn chưa thật. Nhưng sao lại gọi là “thật tướng Bát-nhã” chứ không gọi là “chân Bát-nhã”? Chúng ta sẽ phải tìm hiểu vấn đề trọng tâm này.

 

Bát-nhã là trí huệ, nó có tướng mạo hình thức gì đâu. Trong khi trí thức ở đời có rất nhiều định dạng, hình thức, mức độ, học vị, bằng cấp, giá trị, truyền thống, niềm tin, phương pháp luận, cách tư duy v.v… Ví dụ nói về ngôn ngữ, thì ở hành tinh xanh này có hàng ngàn tiếng nói của loài người. Đồng thời, ngoài tiếng nói ra vẫn có rất nhiều ngôn ngữ khác nhau để “nói”, như ngôn ngữ của cơ thể, ngôn ngữ của tranh ảnh, ngôn ngữ của màu sắc, ngôn ngữ của hành vi, ngôn ngữ của thơ ca, ngôn ngữ của âm nhạc, ngôn ngữ của mùi hương, ngôn ngữ của ánh sáng v.v… Còn ngôn ngữ Bát-nhã là không lời (vô ngôn), là sạch chữ (bạch tự), là không hình thức (vô tướng). Nên khi bốn thầy trò nhà sư Đường Tăng lặn lội vạn dặm đến Thiên Trúc thỉnh kinh, hai ngài Ca-diếp và A-nan đã trân trọng trao cho họ kinh không chữ, nhưng rất tiếc con khỉ Tôn Ngộ Không lại cho rằng đó không phải là chân kinh, rồi chạy đến Phật đài kiện thưa ồn náo!

 

Một khi cái biết neo vào một điểm nào thì nó thành trí thức chứ không còn là trí huệ nữa. Một khi có một điểm dừng, có một căn cứ điểm, thì trí đó chắc chắn không phải là trí Bát-nhã. Cho nên đặc điểm chính của trí Bát-nhã là vô trụ, không ở đâu.

 

Khi xét 7 đạo quả của nhà Phật, gồm Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai, Vô sanh, Duyên giác, Bồ-tát và Như lai, Kinh Kim Cương đã chỉ ra rằng: Các bậc ấy nếu nghĩ rằng mình đã chứng đắc quả thì sẽ trái với Bát-nhã thật tướng! Các bậc Thánh còn như thế, chư thiên thì sao, hàng phàm tục thì sao, trâu bò heo chó thì sao?

 

Như thế thật kỳ diệu, không có chúng sanh nào lại không có Bát-nhã thật tướng. Và như thế thật đáng tiếc vô cùng, vì hầu hết chúng sanh sống với tình, với thức, với nghiệp, mà không vận dụng được Bát-nhã thật tướng của chính mình!

 

Vậy vận dụng được ít nhiều Bát-nhã thật tướng thì được ít nhiều kết quả tương ứng, là các đạo quả từ thấp tới cao. Cho đến vận dụng được hết thì thành Phật.

 

Bát-nhã đó là tướng thật, tướng thật của mọi pháp chính là Bát-nhã. Thể là dụng, dụng là thể. Chẳng có riêng cái gì gọi là “Bát-nhã”, thì làm sao lại có “chân Bát-nhã” được? Nhưng có thật tướng của vạn pháp, và đó chính là Bát-nhã vậy.

 

 

-----------------------------------------------------------------------------

 

 

 

 

Các bài liên quan