NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / Từ Nhân Loại Bước Đến Niết-bàn

Tâm Nguyên , Chủ Nhật 25-07-2021

 

Từ Nhân Loại Bước Đến Niết-bàn

 

KS. Minh Bình

 

 

 

Trong bộ Chơn Lý của ngài Sư trưởng Minh Đăng Quang đã chỉ rõ con đường từ nhân loại bước đến Niết-bàn. Con đường đó chỉ có năm bước: Sơ định – Nhị định – Tam định – Tứ định – Ngũ định, tính cả điểm xuất phát thì có sáu điểm. Như thế, Giáo pháp Khất sĩ thật cao siêu, thật sáng tỏ, không xa vời đâu đâu ở phương nào (như Tịnh độ), cũng không huyền bí màu mè với các hội đồng Phật – Thánh – quỷ – thần gì cả (như Mật tông), càng không cần do một dòng đạo cổ xưa từ kiếp quá khứ nào đó truyền đến (như Thiền tông).

 

– Ta sẽ dùng cả cuộc đời này để bước qua năm bước đó chứ?

 

– Hay ta sẽ phớt lơ lời dạy quý báu của ông Tổ, rồi bôn ba đi các nơi để cầu pháp?

 

– Hay ta cứ tổng hợp Bắc – Nam Phật giáo, gán ghép chắp vá, cho đạo Khất Sĩ ngày càng sinh động phong phú hơn nữa?

 

– Hay ta sẽ nói nhỏ với nhau, rằng pháp đó chỉ có bậc Tổ sư mới làm nổi, chứ đâu phải dành cho mình?

 

– Hay ta sẽ hội họp đông đảo lại mà chất vấn nhau: “Có ai biết hồi đó Tổ sư tu pháp gì trong bảy ngày tu ở Mũi Nai không?”.

 

– Hay đơn giản nhất là ta cứ lo việc cho tịnh xá, rồi sống lâu thì sẽ được tấn phong, và đến khi "tịch" thế nào cũng có một bản tiểu sử đẹp cùng được mọi người cầu siêu cho?…

 

Các nhà khất sĩ xuất thân từ cửa đạo của ngài Sư trưởng Minh Đăng Quang hãy xác định chí hướng, rồi tính tiếp cũng không muộn. Nếu không tin Giáo pháp Khất sĩ, tại sao lại cứ dùng danh hiệu của Minh Đăng Quang?

 

*****

 

Người ta, thường lấy tâm phàm để đo Phật pháp, nên không sao hiểu được giá trị của Phật pháp, trong khi Phật pháp quý vô cùng! Xưa kia tiền thân đức Thích-ca sẵn sàng bỏ thân cho quỷ ăn để đổi lấy bốn câu kệ pháp, gương sáng ấy vẫn còn treo cao! Còn ngày nay, cả ngàn sinh viên sau khi nghe pháp xong sẽ cầm bút góp ý về buổi giảng, theo yêu cầu của ban tổ chức, thật lếu láo! Thay vì lấy tâm thành đón nhận Phật pháp thì người ta chỉ lo ngó người nói pháp, giống như đi xem biểu diễn nghệ thuật, tai hại vô cùng.

 

Bởi lấy sở thích của mình mà đo lường Phật pháp, nên Phật pháp biến thành một nghệ thuật, và các vị Tăng, Ni là người trình diễn. Lấy sự diễn giảng làm mục đích, các trường giảng sư ra sức đào tạo, từ trung cấp đến cao cấp, rồi lập giảng sư đoàn, và đi khắp vùng thôn quê thành thị để diễn và giảng. Tình trạng đó có tốt không?

 

Nhưng chúng ta nên đem Phật pháp làm món ăn tinh thần cho quần chúng, người ta sẽ nói thế. Lời biện hộ nghe rất có lý. Chính cái lý đó mà trên mạng điện toán có đầy, người nói cứ lo nói cho hay, người nghe cứ tùy thích tìm chọn nghe. Cuối cùng, họ đưa nhau đến chỗ giỏi nói sành nghe, không hơn một trò giải trí, lầm lẫn vô cùng.

 

*****

 

– Thế thì Phật pháp phải được giảng trong điều kiện nào?

 

– Chuyện này còn phải hỏi sao, 20 giới cuối của 100 giới đã nói gì? “Chẳng nên vị tình thuyết pháp cho kẻ vô lễ”, câu này lặp đi lặp lại tới 20 lần là để nhắc nhà sư đừng bao giờ làm nhẹ thể Phật pháp. Làm nhẹ thể Phật pháp bị tội rất lớn, bản thân mãi ngu si bao nhiêu đời kiếp còn kéo bao người vào chỗ ngu si nữa chứ không phải nhẹ!

 

– Mà nghe pháp xong mới chấm điểm thầy thì không có trong 20 giới đó.

 

– Tuy không có, nhưng nói chung là vô lễ đó, lại cũng giống như ngồi chỗ cao để thầy ngồi chỗ thấp còn gì.

 

– Nhưng phải có học rồi mới biết tu chứ?

 

– Đúng là phải học, và cũng đúng nữa là học để tu, chứ không phải để giải trí, để giết thời gian, để khen chê gì. Cái học đó nghiêm túc, chín chắn, thành tâm, không phải là nói huyên thuyên hay nghe đủ chuyện gì cả. Phải ghi nhớ là học để tu.

 

– Mô Phật.

 

*****

 

Từ nhân loại bước đến Niết-bàn, bây giờ ta học bài này, tìm hiểu cho kỹ, học để thật hành, chứ không phải nghe chơi cho biết, tội lỗi. Nếu có ý nghe chơi thì cứ nói ra, để khỏi mất công...

 

Điều đầu tiên: Điểm xuất phát của con đường từ nhân loại bước đến Niết-bàn chính là khất sĩ. Nếu không có điểm xuất phát này thì sẽ chẳng có những bước sau. Hãy an phận làm một vị khất sĩ không danh lợi, một kẻ nhà quê, một người không danh phận, đồng ý không?

 

Nếu đồng ý, thì tìm hiểu tiếp.

 

Nếu không đồng ý, thì làm ơn đi!

 

*****

 

 

Các bài liên quan