Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / Ý ĐỊNH LÀ NIẾT-BÀN
Ý ĐỊNH LÀ NIẾT-BÀN
KS. Minh Bình
Thay vì bảo: “Vô ngã là Niết-bàn.”, Giáo pháp Khất sĩ dạy: “Ý định là Niết-bàn.”. Trong bài Luật Khất Sĩ Sư trưởng Minh Đăng Quang đã viết câu đó. Đến bài Thần Mật ngài lại viết: “Ý định gọi là chơn như, hay là không có ý, nghĩa là không có ý vọng động.”. Chúng ta sẽ phân tích đạo lý Ý định là Niết-bàn chơn như, để góp phần làm sáng tỏ Giáo pháp Khất sĩ.
I. Ý LOẠN LÀ THẾ GIAN:
Hãy xem cái ý của mình, nó là ý muốn và nó là cái suy nghĩ.
1. Ý muốn:
Người ở đời lấy ý làm tâm, họ khổ vì ý. Họ thường ham muốn gì đó, muôn vật xung quanh thường khiến họ dễ xao xuyến. Này, thân thể, của mình hay của người, vóc dáng, màu da, gương mặt, nào mắt nào môi, nào tay nào ngực… trông dễ thương, xinh đẹp, hấp dẫn quá! Như thế người ta rất ham muốn được đụng chạm, được ôm ấp, được giao hiệp với một thân thể. Rồi cần có quần áo, mũ khăn, giầy dép, son phấn, vật trang điểm… để tôn thân thể lên. Rồi phải có vật ăn, thức uống bổ dưỡng, để thân thể mạnh khỏe, để thân thể sung sức, cho có nhiều sinh lực, vui chơi thong thả. Rồi phải có nhà ở, với các tiện nghi, phòng ngủ, phòng tắm, chỗ tiếp khách, chỗ nấu ăn, nơi vệ sinh, thêm một cái vườn cho có một không gian riêng, nào giường, nào võng, ghế cứng ghế mềm… phục vụ cho mọi nhu cầu ăn ở hưởng thụ của thân thể. Rồi phải có âm thanh, màu sắc, mùi hương, vị, vật êm mát, và những gợi ý trừu tượng, càng pha trộn phong phú lại càng thích, lại càng được đánh giá là “có tính nghệ thuật cao” v.v… và v.v… Như thế là cảnh giới của loài người, mà chỉ cần bật ti-vi lên, bất kể lúc nào, tất sẽ thấy rõ. Nhưng thường thì người ta bị cuốn hút theo chứ không thấy lòng ham muốn của mình!
Khi ai cũng ham muốn thì có những va chạm, từ đó tranh giành, chiến đấu, thảy đều si mê hết. Những tranh chấp nhỏ là trong một nhà, lớn hơn là trong xóm làng, quy mô to lớn là ở phạm vi quốc gia… Xem các sách lịch sử nhân loại thấy chỉ có mấy việc đó. Đúng cõi người là cõi Dục, cõi của những ham muốn.
Ý muốn thật tai hại, nó khiến người người không tiếc sức đèo cao băng vượt, biển sâu lao mình! Để được như ý muốn người ta sẵn sàng trả mọi giá, dù là mạng sống, dù là cả linh hồn, ngu quá! Vậy mà lắm kẻ còn làm thơ ca ngợi ý muốn nữa chứ:
Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua!
Thương nhau chẳng ngại đường xa
Một ngày không đến bằng ba bốn ngày!
Người ta thường ngỡ rằng ý muốn là tâm. Nhưng tâm là gồm cả ba nghiệp thân miệng ý, phải xác định như vậy. Chính tâm là kẻ tạo nghiệp, chính tâm là kẻ lãnh quả, chứ không phải ý. Rất nhiều người đã tạo quả xấu cho mình lại còn ngây thơ phân bua: “Tôi đâu có muốn vậy!”. Đồng thời, rất nhiều người đã muốn vậy muốn kia, mà chỉ muốn thôi, thì có bao giờ thành quả được đâu.
2. Ý suy nghĩ:
Và người đời không thể không suy nghĩ, dù là trong một phút. Khi còn thô thiển, thân thể là đối tượng số một để ý chăm lo, lúc đó ý là lòng ham muốn. Đến khi “tiến bộ” hơn, ý lấy suy nghĩ làm đối tượng chính, và ý cũng đồng hóa với hành vi đó. Nói về suy nghĩ sẽ có nghi vấn: Suy nghĩ của bộ não hay suy nghĩ của ý?
Người ta cho rằng bộ não biết suy nghĩ, nhưng họ lầm. Bộ não không biết suy nghĩ, bộ não chỉ là máy để suy nghĩ của ý phát huy tác dụng điều khiển thân thể. Tức là bộ não là công cụ thi hành của suy nghĩ, giống như thư ký riêng của giám đốc, bộ não chẳng bao giờ là cái hay suy nghĩ. Chơn lý số 7, câu 12 đã viết: “Xác thân như chiếc xe hơi, máy vẫn chạy đầm làm sự sống, còn cái biết như người chủ, là khác hẳn với chiếc xe.”, đoạn kế lại viết: “Cho nên thân người có chết thì cái biết của thân ấy vẫn còn.”. Có những bằng chứng não chỉ là bộ máy: Não của trẻ em và người lớn như nhau mà trẻ em chưa biết suy nghĩ. Hay não của nhiều người lớn cũng như nhau mà người suy nghĩ này, kẻ suy nghĩ nọ khác hẳn nhau. Chính trong một người khi thì siêng suy nghĩ, khi thì lười. Từ xưa nhà Phật đã có bao giờ nói ý căn là bộ não đâu?
Chính ý hay suy nghĩ. “Suy nghĩ” theo từ Hán – Việt trong sách Phật học xưa gọi là “Tư”, là một trong 51 tâm sở, thuộc về hành uẩn, nhóm hành vi. Tư chưa phải là thức uẩn, nhóm thức trí, các tâm vương mới thuộc nhóm thức. Do các tâm vương mới có các tâm sở, do các tâm chủ đã phát sinh các tâm đàn em.
Trong 51 tâm sở, Tư được xếp vào nhóm Năm tâm sở biến hành, là Năm tâm lý đi khắp ngoại cảnh và nội tâm. Thứ tự của Tư trong Năm tâm sở biến hành là Xúc – Tác ý – Thọ – Tưởng – Tư. Tức là: Khi tiếp xúc một cái gì – liền lấy cái Tôi làm căn cứ – để thọ nhận – vận dụng tưởng tượng – rồi suy nghĩ tính toán. Nói chung là có hệ thống suy nghĩ, một tiến trình. (Không hiểu rời từng pháp.)
Không sống quanh quẩn theo thân, tiến lên một bậc người ta sống với sự suy nghĩ. Cũng như bỏ tình cảm người ta xem trọng tư tưởng. Khi nhà triết học Đề-các nói ra điều đó: “Tôi suy nghĩ tức là tôi tồn tại.”, mọi người đồng thừa nhận. Như thế, có nhiều người đã lấy suy nghĩ làm tôi, lấy ý làm tâm.
Qua trăm kiếp ngàn đời huân tập, người ta đã rất quen suy nghĩ. Do biết suy nghĩ con người giỏi và mạnh hơn con thú, chinh phục được thiên nhiên. Từ những sự kiện đã được tiếp xúc, người rút kinh nghiệm, lấy đó làm vốn sống, rồi vận dụng suy nghĩ để phát huy những vốn sống, mà phát minh thêm nhiều điều mới. Lấy suy nghĩ làm thế mạnh, loài người đã xây dựng nên nhiều nền văn minh, và cũng đã sụp đổ nhiều rồi. Lấy suy nghĩ làm tiêu chuẩn đánh giá, người ta hay cho rằng: Hơn nhau là ở cái đầu. Họ lập ra phương pháp giáo dục được xem là tích cực: Khích lệ học sinh suy nghĩ, phản biện…
Người ta không biết được hạn chế và tai hại của suy nghĩ. Hạn chế của suy nghĩ là luôn luôn có hai phạm vi, tức là thấy lệch một bên. Vì sao luôn có hai? Bởi vì có một điểm tựa, chính cái Tôi là cứ điểm để phát huy suy nghĩ. Dù có ba, bốn, hay ít nhiều bao nhiêu thì cũng là có hai, do cái Tôi là một, còn lại là thứ hai. Từ cái Tôi, người ta ước định, giả thuyết, phân tích, tính toán, thử nghiệm… Tài giỏi như nhà bác học An-bớt Anh-stanh cũng chỉ suy nghĩ được đến Thuyết tương đối, chứ không cách nào được tuyệt đối. Kinh Pháp Hoa đã nói rõ: Dù cả ngàn người giỏi như tôn giả Xá-lợi-phất hợp lại cùng suy nghĩ cũng không sao hiểu được!
Và con mắt không thấy được chính nó, suy nghĩ không lường được cái hay suy nghĩ, đó là hạn chế, dĩ nhiên. Dù bây giờ nghe nói tiến trình Xúc – tác ý – thọ – tưởng – tư thì nghe vậy chứ có thật biết đâu, kể cả người viết, đang cố gắng nghiên cứu tìm học gia tài Pháp bảo Chơn lý của Tổ thầy. Chỉ khi tâm định mới thật thấy hiểu cái ý suy nghĩ, vô cùng tế nhị.
Tai hại của suy nghĩ là làm loạn tâm. Loạn tâm chẳng phải là tốt, chẳng có tích cực. Đã có nhà trí thức phương Tây nào tự hỏi câu này chưa: Khi không suy nghĩ thì Đề-các không tồn tại ư? Thật lầm lẫn, thật tai hại cho bao người! Chính khi không suy nghĩ Đề-các mới hiện nguyên hình đấy! Xưa đại sư Huệ Năng đã dùng cách này để dạy đạo cho người: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính đó là mặt mũi xưa nay của ông!”. (Trong một số sách Pháp Bảo Đàn Kinh đã biên tập câu này chưa rõ: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là mặt mũi xưa nay của ông?”. Khi trùng tuyên câu này, hòa thượng Giác Ngộ thường nói xác định.)
Chính suy nghĩ đã làm đất trời chia cắt! Chính suy nghĩ đã dẫn A-đam ra khỏi vườn Địa đường, chuốc lấy bao rắc rối. Hễ còn suy nghĩ là còn chưa ra khỏi ba cõi sáu đường sanh tử luân hồi. Hễ còn một chút khôn ngoan như Tôn Ngộ Không là còn không thể nhảy ra khỏi bàn tay của Như Lai. Điều này thiền sư Nam Tuyền cũng đã nói rõ: Khởi một niệm liền sai!
Nếu dứt được suy nghĩ thì phát huy được chơn tâm, gọi là: “Đến chỗ không dụng tâm tự thấy tự nhận.”. Hễ dứt được suy nghĩ thì mọi trí thức chấm dứt, trí huệ được phát huy, gọi là:
“Ý kia đã dứt nghĩ suy
Bao nhiêu cái thức chung quy không còn
Vô minh đâu có sinh tồn
Vô minh cũng chẳng hao mòn mất đi…”
Dứt suy nghĩ lại tuyệt diệu như vậy đấy!
II. Ý ĐỊNH LÀ NIẾT-BÀN:
1. Ý định:
Một người phát tâm tu Phật, nguyên tắc đầu tiên là phải trị được ý. Nguyên tắc đó có ra do nguyên lý: Một hạt bụi bay hay che trời, một hạt cải rơi hay phủ đất, chỗ an lạc tối kỵ trăm thứ tạp nhạp, ngàn ý linh tinh! Phải vượt khỏi cảnh giới, khỏi phạm vi, khỏi chỗ của ý, thì mới đến được với Phật tâm. Hễ chấp mắc một chút xíu, dù bằng hạt bụi hạt cải, vẫn bị tối tăm trời đất! (Do bị che tại góc nhìn.)
Đầu tiên, nương theo đời sống của Giới luật Tăng-già Khất sĩ, người ấy có thể trị được phần lớn ý muốn. Thế là xem như tạm ổn, người có thể sống thoải mái trong đời sống xuất gia của mình.
Sau đó tiến cao hơn, cần phải trị được ý suy nghĩ, người ấy tập tu thiền định. Thế nhưng xếp chân ngồi ngay thẳng như tượng Phật thì không khó, mà không suy nghĩ thật khó thay! Nên từ xưa đức Phật đã dạy nhiều đề mục để người tu thiền định mượn đó mà tập trung tâm. Sau khi tâm đã tập trung được rồi thì nó sẽ lần lượt vào định. (Khi tâm tập trung vào đề mục gọi là cận định, gần được định.)
Xác định phải làm chủ, không để ý mặc tình sai khiến nữa, người từ bỏ gia đình, quyết tâm theo thầy tập tu thiền định. Khi dấn bước trên nẻo thiền định, người chấp nhận bỏ ra vài chục năm tu hành để đạt được kết quả. Kết quả thiền định là tự chủ, mà muôn ngàn kiếp sống từng trải cũng chưa chắc được vậy. Bỏ mấy chục năm tu hành cho được một bản lãnh tự chủ chẳng phải là quá hay sao, thay vì phải trải qua trăm ngàn kiếp sống nhọc nhằn vô nghĩa, khi khóc lúc cười như mấy kẻ khùng? Mà người ta khùng nhất là khi khóc lúc cười lại tự khen mình được trải nghiệm!
Kết quả thiền định lần lượt sẽ là: Sơ định, Nhị định, Tam định, Tứ định, Ngũ định. Đây là các bậc căn bản, mà trong bài Bốn Phần Chánh Định chúng ta đã tìm hiểu. Hễ bỏ được tâm đời thì rất dễ được tâm định.
Tâm đời đã tắt
Thiền định mở ra.
Tâm không vào đạo
Sơ – Nhị – Tam – Tứ – Ngũ
Từ nhân loại bước đến Niết-bàn.
Con đường từ nhân loại bước đến Niết-bàn, con đường từ ý lộng đến ý định gồm có năm bước là Sơ định – Nhị định – Tam định – Tứ định – Ngũ định. Con đường đó Sư trưởng Minh Đăng Quang đã đi qua và chỉ lại cho chúng ta. Con đường đó chính đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã dùng để nhập Niết-bàn, mà tôn giả A-na-luật đã theo dõi và thuật lại. Con đường đó được gói gọn trong hai chữ: Tâm không.
Tâm không hay Tâm không không là pháp tu được Sư trưởng Minh Đăng Quang chú trọng dạy cho các đệ tử, và đã bốn lần nhắc đến trong bộ Chơn Lý:
“Muốn học phải để tâm yên lặng, trống không. Có tâm không mới tầm tõi quán xét, tham cứu sưu tầm được. Có tâm không mới tỉnh táo xán lạn, học cho mình, dạy cho người, lâu ngày kết quả. Nhờ tâm không tịnh định, có nghỉ yên mỗi lúc, mới giữ được mực trung, do đó mới sẽ được đến nơi đến chốn, nghỉ ngơi sau khi toàn học.
Muốn được tâm không thì đừng say đắm nơi cái có, đừng có rối loạn dục nhơ, đừng nhớ lo bậy bạ, chẳng nên để cho sự buồn vui, mừng giận, thương ghét, muốn ưa nơi ngoại cảnh làm vọng động xao xuyến trí tâm. Phải lấy sự yên lặng làm tâm, lo tìm một việc học mà thôi.”
(Chơn lý 40 – Đi Học)
“Nơi đó kẻ khất sĩ chỉ sống bằng tâm không thôi, còn thân thì là của chúng sanh, của đạo Phật. Cư gia còn hộ cúng dường là Tăng sư còn dạy bảo, hết thôi cúng dường là không còn bố thí pháp nữa, điều ấy là do cư gia, tự ý kẻ đi sau, để hay là bỏ, chớ người đi trước không được biết đến!”
(Chơn lý 43 – Xứ Thiên Đường)
“Cảnh giới của bậc “ông” là định, yên lặng, chơn như, tâm thật, trong sạch yên lặng, sáng suốt không không, yên nghỉ nín lặng, trang nghiêm đằm thắm, từ bi đức hạnh, hỷ xả trí huệ, hiền lành trầm tĩnh, và giác ngộ. “Ông” ấy phải là bảo dạy, dắt đường cho trẻ nhỏ đi sau đang lạc lầm chết khổ; cùng chỉ báo cho người học hỏi sưu tầm. “Ông” ấy đã phải đến lớp tuổi cần chỉ giác ngộ cho người, “ông” phải là ông thầy hướng đạo dắt nhơn loại đến chốn thảnh thơi ngơi nghỉ. “Ông” là ông thầy giáo đi dạy khắp nơi, không nhận tiền lương bổng.
Tâm “ông” là phải trọn sáng trọn lành, chơn chánh ngay thật, lớn to, tròn trịa. “Ông” chỉ phải còn tâm, có tâm không mà thôi. Người ta kêu gọi tiếng “ông” là vì lớp tuổi đó cái tâm đã hoàn toàn cứng chắc, tốt đẹp, thành tựu. Cái tâm ấy tức là chúa tể của tất cả chúng sanh, vạn vật các pháp un đúc tạo thành. Cái tâm ấy là vị quân tử, là đức tánh quý báu nhất đời. Cái tâm ấy là chủ tể sự thành công, sống đời, toàn giác, linh thiêng lắm, vì nó không còn tham sân si nhỏ hẹp vậy.”
(Chơn lý 44 – Vị Hung Thần)
“Chính ở trong cái tâm không, không sở chấp, trong ấy mới thấy rõ cái bản tánh, là cái ta chơn thật.”
(Chơn lý 64 – Khổ Và Vui)
Tâm không là tâm trống không, chẳng có một ý niệm nào, hoàn toàn yên lặng tự nhiên. Tâm không không là nói rõ hơn, để ngừa trường hợp còn một ý niệm “tâm không”. Chữ “không” ở đây nếu dịch ra tiếng Anh chẳng phải là “no”, mà là “empty”. Ngài Thượng tọa Giác Chánh khuyên chư Tăng các giáo đoàn nên giữ tâm không không. Ni sư trưởng Ngân Liên cũng dạy chư Ni đệ tử thường giữ tâm không. Hai vị trưởng lão Tăng, Ni ấy đã nói đúng y như lời Tổ sư Minh Đăng Quang dạy.
Giữ tâm không không là pháp tu căn bản. Khi hỏi: “Pháp tu căn bản của Giáo pháp Khất sĩ là gì?”, cả ngàn vị khất sĩ lớp trước sẽ nói là Tứ y pháp, do trọng hình thức khất sĩ, do quý màu cờ sắc áo; còn các vị khất sĩ trẻ sau này học qua trường lớp sẽ nói là Giới định huệ. Với một câu hỏi, mỗi người sẽ trả lời khác nhau theo chỗ thấy của mình, và ai cũng đúng. Qua chỗ thấy đó, qua các câu trả lời đó, sẽ biết được trình độ của mỗi người. Vì sao giữ tâm không không là pháp tu căn bản của Giáo pháp Khất sĩ nói riêng và của Phật pháp nói chung? Bởi vì Giáo pháp Khất sĩ đặt trên nền tảng Vũ trụ quan, và phải giữ tâm không không như vũ trụ chơn như! Bởi vì có tâm không thì mới vô sanh, Niết-bàn, mới dúng là Phật pháp.
Tâm không tức là định, tâm có là loạn, giữa Thánh và phàm cách nhau không xa. Nếu không trị được thói suy nghĩ thì muôn đời người ta vẫn là kẻ phàm phu tục tử. Vì khi ý lộng tâm buông người ta rất yếu, không có những năng lực thần thông. Trái lại, khi ý định tâm an người ta rất mạnh, một sức mạnh huyền bí của vũ trụ, thấy nghe thông suốt không ngại.
Đến bậc A-la-hán mới xả bỏ được ý căn là thức Mạt-na thứ bảy. Do vậy đến bậc Thánh ấy mới thật là ý định, không còn một ý chí nào nữa. Các bậc Thánh ấy đã trở về với Toàn thể, không còn một ý chí nhỏ nhen riêng tư nào hết.
2. Niết-bàn:
Đã bảo Ý định là Niết-bàn thì còn phân ra hai mục làm gì? Ở đây phân hai là lật xuôi lật ngược mà nói cho tới.
Chỗ thành tựu của người tu Phật là Niết-bàn. Niết-bàn là như thế nào? Chỗ tuyệt đối không dùng lời nói được, phải dùng tâm không mà ngộ nhập. Nói chung thì đó là cảnh giới của bậc Thánh. Đối với nhân quả bù trừ thì Niết-bàn là công lý phẳng lặng. Đối với ý loạn của chúng sanh thì Niết-bàn là ý định. Đối với pháp hữu vi của đời nói chung thì Niết-bàn là vô vi. Đối với luân hồi bất tận thì Niết-bàn là giải thoát. Đối với vô thường sanh diệt thì Niết-bàn là không sanh. Đối với phước hữu lậu thì Niết-bàn là chơn phước cực đại. Đối với kẻ lang thang trong trần gian thì Niết-bàn là chốn cũ quê xưa. Đối với cá thể thì Niết-bàn là vũ trụ đại đồng v.v… Như thế cứ gọi là Niết-bàn, không nên phiên dịch ra tiếng Việt.
Bên Phật giáo Nam truyền lâu nay phổ biến các quan điểm: Niết-bàn là chỗ hết trơn hết trọi, không còn thần thông quả linh, không thể gặp được đức Thế tôn Di-lặc vào đời tương lai, không thể tiến tu Bồ-tát đạo nữa, Phật cũng như A-la-hán vì đều tiêu hết; và chỉ có hai Niết-bàn Hữu dư, Vô dư! Nhưng Giáo pháp Khất sĩ không có các quan điểm đó. Hàng khất sĩ con cháu của đức Minh Đăng Quang đừng nên học các quan điểm Niết-bàn đó. Nếu các vị khất sĩ vì chủ trương đường lối Tổng hợp Bắc – Nam Phật giáo, rồi đem các quan điểm Niết-bàn đó phổ biến, thì quý vị chẳng phải là con cháu của đức Minh Đăng Quang nữa, tất nhiên!
Cuối bài Chơn lý 68, Sư trưởng Minh Đăng Quang đã viết 14 câu Niết-bàn, từ chỗ chứng nghiệm của mình:
“NIẾT-BÀN
1. Thân hình của đấng Trọn Lành hãy còn, đã tách khỏi thế lực dắt tới sự biến thành. Thân hình ấy còn bao lâu thần Thánh và thế nhân sẽ còn thấy người. Nếu thân hình đó vỡ tan, nếu đời sống của người đã đến kỳ cùng tận, dầu cho thần Thánh, dầu thế nhân cũng sẽ không còn thấy đặng người nữa.
2. Kẻ nào không mê đắm về cơ thể hữu hình, không là gì nữa hết, sẽ không thể nào còn mắc phải những sự khổ đau. Người đã bỏ mọi danh từ, người không còn trú vào một nơi nào nữa, người đã hủy sự ham muốn, xu hướng về một cơ thể hữu hình; vì bởi không điều lo lắng, không sự ước ao, nên thần Thánh và thế nhân muốn tìm người, dầu dưới thế này, dầu trong cõi khác, dầu trong những cõi trời, dầu trong mọi chỗ, cũng không thể đặng gặp người.
3. Không có lời nào đặng chỉ kẻ đã trở về quê cũ của người, bởi vì đối với người, mọi vật đều bị hủy bỏ, cả thảy những biến thái của lời nói cũng bị hủy bỏ.
4. Hãy tôn kính những bậc Đại Quang Minh đã vượt khỏi tất cả những điều trở ngại, và đã hoàn toàn tắt mất, những bậc không thể lường được.
5. Những bậc Hiền Minh ra khỏi đời.
6. Những bậc hiền minh không làm gì hại cho sinh vật nào hết, luôn luôn kềm chế xác thân nên đến được cõi yên lặng, nơi đó không có sự buồn rầu nào động tới người nữa được.
7. Tống được sự nhơ nhớp, người sẽ đến được trong cõi huyền diệu, trong cõi tuyệt hảo, khi gỡ hết nết xấu.
8. Chẳng phải dùng những cách chở chuyên, voi hay lừa, ngựa mà người sẽ đến được, cõi không ai đạp chân tới là Niết-bàn. Người đến cõi đó với cái tôi đã quy phục được.
9. Có một chỗ kia, nơi đó không có đất, cũng không có nước, cũng không có lửa, cũng không có khí thở, cũng không sự mênh mông của thời gian, cũng không sự bao la của ý thức, cũng không cõi này, cũng không cõi kia, cũng không cõi nào trong hai cõi, mặt trăng và mặt trời. Chỗ đó không đi tới, cũng không bỏ đi, cũng không đứng, cũng không biến thành, cũng không mất, không căn bổn, không kế tiếp, không chi điểm là đó. Đó là sự hết đau khổ.
10. Ta sẽ đi đến cái vô động, cái không lay chuyển, cái đó không thứ gì giống được hết.
11. Đó là chơn phước cực đại.
12. Làm thế nào mà ở đó có thể có chơn phước được, ở chỗ không còn cảm giác? Chính không có cảm giác, điều này đúng là chơn phước đó.
13. Cũng giống như lửa, nháng ra dưới nhát búa của người thợ rèn, rồi kế đó lần lần trở lại sự yên lặng, và khi đó người ta không thể nói được nó đi đâu.
Cũng như thế, chỗ cư trú của mấy bậc đã thật giải thoát, đã qua được con sông vui thích của giác quan và đến được cảnh chơn phước không thay đổi.
14. Chánh định của huệ giác là chỗ ở của bậc đã siêu thăng vậy.”
Trong 14 câu Niết-bàn trên, câu đầu tiên, với câu 11 và câu cuối chưa từng có kinh sách Phật giáo nào nêu ra. Chỉ cần một câu đầu tiên đã chỉ rõ Niết-bàn không phải là chỗ hết trơn hết trọi. Đức Thích-ca vẫn còn đấy, vẫn mãi là Pháp chủ của cõi Ta-bà này, cho đến khi đức Di-lặc thay thế thì ngài mới hết trách nhiệm giáo hóa chúng sanh.
Niết-bàn là chốn cũ quê xưa, nhưng theo chỗ chứng nghiệm ít nhiều của mỗi người thì Niết-bàn cũng có sai khác. Bài Chơn lý 69 đã nêu bốn Niết-bàn:
“4 NIẾT-BÀN:
1. Hữu dư Niết-bàn của bậc A-la-hán
2. Vô dư Niết-bàn của bậc Bích-chi
3. Đại Niết-bàn của bậc Bồ-tát
4. Vô thượng Đại Niết-bàn của bậc Như lai.”
Niết-bàn chẳng phải là một hay nhiều, nhưng do nơi những người tu mà thành bốn. Nên nhấn mạnh về công hạnh, về nhân tu, bài Chơn lý 11 cũng đã nêu bốn Niết-bàn :
“Kẻ ở trong Giáo hội Thinh văn gọi là Hữu dư Niết-bàn.
Kẻ độc thân Duyên giác gọi là Vô dư Niết-bàn.
Kẻ bổ xứ giáo hóa lập đạo riêng gọi là Đại Niết-bàn.
Đến chơn như yên nghỉ mới gọi là Vô thượng Đại Niết-bàn.”
Cũng trong bài này, những đoạn trên còn nêu ra: Cõi Niết-bàn – Giới bổn luật nghi, và Niết-bàn thời khắc biểu.
Đặc biệt, bài Chơn lý 30 đã giải thích thêm về bốn trình độ Thinh văn – Duyên giác – Bồ-tát – Phật: “Một người mà có tu nhập định, giờ chết hay lúc sống y nhau không có mảy may gì thay đổi, tức là đắc Niết-bàn rồi đó. Người ấy ở cảnh Niết-bàn mãi được là phải nhờ cái giác; sự giác ngộ gìn giữ chơn như, nên mới gọi là Phật, được nhập Niết-bàn. Bằng thiếu sự toàn giác, như bậc Sơ giác, Độc giác, hay Đại giác, thì nhập định chưa bền lâu, ắt còn phải đi tu thêm hạnh tự giác giác tha ở trong đời để cho thành tựu sự giác mãn, tức là tu hạnh Bồ-tát, phải phát tâm đại bi đại nguyện, hành cho đến khi Toàn giác, thì bi nguyện tự nhiên mòn hết, mới gọi Như lai đặng.”
Tên gọi bốn bậc Thánh và bốn Niết-bàn đều là từ Hán – Việt, hơi khó hiểu, nên cần dịch thành từ thuần Việt cho dễ hiểu:
– “A-la-hán” là “Không sanh”, tâm đã định, không còn rơi vào ba cõi sáu đường sanh tử xoay vần, bậc Sơ giác.
– “Bích-chi” là “Độc giác”, đang tu thiền định chuyên sâu để gột sạch tâm.
– “Bồ-tát” là “một Chúng sanh giác ngộ”, đang đi dạy đạo khắp các cõi trời, người, thần, thú, quỷ đói, địa ngục... Bồ-tát đã giác ngộ như Phật mà chứng nghiệm chưa bằng Phật, cần thêm thời gian giáo hóa chúng sanh chủ nợ để viên mãn công đức. Bồ-tát là bậc Đại giác.
– “Như lai” là “bậc Trở về chơn như”, bậc đã thành tựu trọn vẹn, bậc Toàn giác.
– “Hữu dư Niết-bàn” là “Niết-bàn Có dư”, dư cái nghiệp vọng chưa trừ sạch.
– “Vô dư Niết-bàn” là “Niết-bàn Không dư”, không dư so với cái trước.
– “Đại Niết-bàn” là “Niết-bàn Lớn”, lớn hơn hai Niết-bàn trước về công đức.
– “Vô thượng Đại Niết-bàn” là “Niết-bàn Lớn không trên”, tột mức, thật là Niết-bàn.
Niết-bàn là thành tựu của người tu Phật, nên đạo Phật còn được gọi là đạo Niết-bàn, chỗ Phật ở được gọi là thành Niết-bàn, thời khóa tu học Phật được gọi là Niết-bàn thời khắc biểu, Giới bổn luật nghi được ví là cõi Niết-bàn, có khi lại gọi chung là Niết-bàn diệu tâm... Chính kết quả biện chứng cho lời dạy, chính Niết-bàn xác minh cho ý định. Chỗ định đó không phải như các đạo khác nói, cần phải lưu ý đặc điểm này. Trong khi sức định của các đạo khác mới đến các tầng trời, thì đặc điểm định của Phật pháp là đã siêu khỏi ba cõi Dục, Sắc, Vô sắc của thế gian.
Ý định là Niết-bàn, và Niết-bàn là ý định. Chỗ định của đạo Tiên mới đến các trời Dục, còn trong phạm vi cai trị của Ngọc Hoàng là vua trời Đế-thích. Bốn định Sơ, Nhị, Tam, Tứ đến được 12 trong số 18 cõi trời Sắc. Bốn định không thuộc về bốn tầng trời Vô sắc. Đến Ngũ định mới thật là định của nhà Phật, chính là Niết-bàn vậy.
Thế Ngũ định có phải là Diệt thọ tưởng định không? Hồi ở bên Rừng thiền Pa-auk năm 2008 có một sư Nam tông đã hỏi chúng tôi câu đó. Xem lại Ngũ định viết trong Chơn Lý, ta biết đó là cách gọi của Sư trưởng Minh Đăng Quang. Vốn không có tên đó, ngài gọi vậy để hướng dẫn thiền định cho người học, ý là phải qua bốn định dưới mới đáng kể, mới thật là thiền định Phật giáo, đừng kẹt nơi bốn định Sắc giới. Ngũ định đó ngài còn gọi là đại định, là Niết-bàn, ở bậc thứ năm chứ không xa xôi gì, không cần phải tu qua nhiều bậc định khác. Vậy Ngũ định là Niết-bàn, và không phải là Diệt thọ tưởng định, bởi Diệt thọ tưởng định là bậc định thứ chín, sau khi qua khỏi bốn định Sắc giới và bốn định Vô sắc.
Tóm lại: Trong sách Chánh Luận Tập III đã viết: “Vô ngã là Niết-bàn” không phải là chơn lý, không phải là Thích-ca Chánh pháp. Đến bài viết này đã nêu rõ: Ý định là Niết-bàn. Thế đúng là Niết-bàn diệu tâm, khác hẳn lời nói của một “đại sư” nổi tiếng đương thời: “Nếu còn có một cái tâm vĩnh hằng trong Niết-bàn, thời Niết-bàn sẽ là vô nghĩa.”. Thật nguy hiểm khi truyền dạy quan điểm Niết-bàn là hư vô, tội lỗi phỉ báng Pháp ấy biết quả báo khủng khiếp như thế nào!
––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
Các bài liên quan
- xưa Minh Đăng Quang viết
- Nghĩa Trăm Năm
- Tại sao chọn Luật Tứ Phần?
- Hành Trang Vào Đời
- T Â M K H Ô N G
- Từ Nhân Loại Bước Đến Niết-bàn
- Phụ giải Công Lý Võ Trụ
- KHẢO CỨU BỘ CHƠN LÝ
- Đời là biển khổ
- TÍNH CHẤT CHỦ YẾU CỦA TRIẾT LÝ THIỀN
- Năm Lửa bắt Thầy
- NGHI THỨC ĐÓNG CHUÔNG U MINH
- KHẤT SĨ BỒ-TÁT
- A-LA-HÁN
- BỒ-TÁT TRỤ XỨ
- Nhà bác học Albert Einstein nói về Phật giáo
- GIÁP NGỌ – NHÂM THÌN 58 NĂM
- Theo gót chân Người
- Thờ phượNG
- VÔ NGÃ & NGÃ
- Dấu xương để lại cho đời
- Nghiên cứu BỒ-TÁT GIÁO
- Giáo pháp Khất sĩ
- Chân tình Vu-lan
- Ngày Tổ sư trở về
- Tết 2-0-1-6
- Minh Đăng Quang truyền dạy Chơn lý
- Ai lên núi lửa trần gian
- Câu chuyện Sư tử đá
- Kiến – tánh
- Biểu tượng Đèn Chơn Lý
- Pháp ngữ của TS. Minh Đăng Quang
- Tham luận của HT. Minh Hồi
- Pháp tu Quan Thế Âm
- Tham luận của HT. Đức Nghiệp
- Tham luận của TT. Minh Thành
- Tham luận của TT. Nguyên Thành
- Tham luận của TT. Huệ Thông
- Câu đố cổ xưa của người Hy Lạp
- Tinh thần Trung đạo trong bộ Chơn Lý
- TRÍ & THỨC
- TÀ KIẾN CỦA NHỊ THỪA
- Cha Mẹ bơ vơ
- Nét đặc thù của đức Tổ sư MĐQ
- Những lời Khách Sáo
- Vắng Bóng
- THIỀN ĐỊNH NHƯ MỘT GIẤC NGỦ NGON !
- Chánh Pháp Vu-lan
- Ý nghĩa ngày Rằm tháng Tư Vesàkha
- Thuyền Bát-nhã (thơ Đạo)
- LỜI THẦY DẠY (Đức Thầy Giác An)
- “KINH CÀY RUỘNG” & Chơn lý “CHƯ PHẬT”
- HÃY SỐNG HẾT LÒNG MÌNH VỚI ĐẠO PHÁP (TT. Giác Tuấn)
- CON ĐƯỜNG TIẾN HÓA CỦA CHÚNG SANH (TT. Giác Pháp)
- SEN NỞ ĐÓN HẠ VỀ (Ni sư Minh Liên)
- LINH ẢNH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
- Ăn Chay và Sức Khỏe
- Thi hóa tiểu sử Tổ Sư Minh Đăng Quang
- KỆ HỒI TÂM (Tổ Thiên Thai)
- NHỮNG BÀI CA GIẢI THOÁT