NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / Đời là biển khổ

Tâm Nguyên , Thứ 7 25-07-2020

 

Đời là biển khổ

 

KS. Minh Bình

 

 

Thế rồi, lại có tư tưởng Đời là biển khổ thịnh hành. Ngẫm về cuộc đời, có mấy người già hay bảo: “Đời là biển khổ, đúng như nhà Phật nói!”. Nhưng câu nói “Đời là biển khổ” có đúng là của nhà Phật không? Ta sẽ tìm hiểu thử xem.

 

Khoảng trăm năm trước, thi nhân Đoàn Như Khuê (1883 – 1957) của xứ Hưng Yên ở miền Bắc Việt đã cảm tác bài thơ Bể Thảm:

 

Bể thảm mênh mông sóng lút trời

Khách trần chèo một lá thuyền chơi

Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió

Coi lại cùng trong bể thảm thôi!

 

Coi lại cùng trong bể thảm thôi

Nổi chìm, chìm nổi biết bao người

Kiếp người nghĩ cũng lênh đênh quá

Quá cánh bèo trên mặt nước trôi.

 

Quá cánh bèo trên mặt nước trôi

Nước trôi bèo nổi, ngán cho đời

Cuộc đời đổi đổi, thay thay mãi

Trải mấy lần dâu hoá bể khơi.

 

Trải mấy lần dâu hoá bể khơi

Một, hai, ba tuổi, chín, mười mươi

Xiết bao mừng rỡ, bao thương xót

Khóc mấy mươi phen, mấy trận cười!

 

Khóc mấy mươi phen, mấy trận cười

Dẫu cười chưa hẳn đã là vui

Trần vui sao lại cho là tục

Mới lọt lòng ra đã khóc rồi.

 

Mới lọt lòng ra đã khóc rồi

Kiếp trần ngán lắm khách trần ơi

Một lần mình khóc, lần người khóc

Sống thác đôi lần, giọt lệ rơi.

 

Sống thác đôi lần, giọt lệ rơi

Cảnh phù du cũng khéo trêu người

Bể bao nhiêu nước bao nhiêu thảm

Lấp chẳng đầy cho, tát chẳng vơi!

 

Bài thơ này được tác giả in trong tập thơ Một Tấm Lòng, xuất bản tại Hà Nội – Việt Nam năm 1917. Tập thơ ấy được giới phê bình văn học ghi nhận là một trong những tác phẩm văn thơ đầu tiên bằng chữ quốc ngữ (tiếng Việt hiện đại) và bài Bể Thảm là hạt châu duy nhất của cả tập! Khổ đầu bài thơ Bể Thảm đã được nhiều giảng sư Phật giáo nhắc đến (sau khi sửa lời), như một phản ứng cộng đồng, một hiệu ứng lan truyền domino. Nhưng Bể thảm có phải là tư tưởng Phật giáo không? – Chắc chắn là không, đọc lên nghe chán lắm, ở đây ta chỉ cần giải bày điều đó thôi.

 

Biển khổ mênh mông sóng ngập trời

Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi

Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió

Xem lại cùng trong biển khổ thôi!

 

Từ xưa nhà Phật đã dạy trong Kinh Pháp Hoa rằng: “Ba cõi không yên, cũng như nhà lửa.”. (Tam giới vô an, du như hỏa trạch.) Ý của câu này là cõi người, cõi trời gì cũng đều không phải là chốn cũ quê xưa. Ý ở ngoài lời (ý tại ngôn ngoại), lời chẳng hết ý (ngôn bất tận ý), hãy xem ngữ cảnh của lời nói Ba cõi không yên. Câu này trích trong kệ trùng tuyên cuối phẩm thứ 3 của Kinh Pháp Hoa. Phẩm 3 là phẩm Thí dụ, trong phẩm đó đức Phật Thích-ca dùng thí dụ Nhà lửa để tả việc chư Phật Thế tôn dùng ba thừa Thinh văn, Duyên giác, Bồ-tát dẫn dụ chúng sanh, nhưng sau đó chỉ trao cho chúng sanh Phật thừa tối thượng. Đấy, ba cõi không yên là lời nói quyền của đức Phật khi dụ chúng sanh đang ham chơi trong ba cõi.

 

Bởi chúng sanh tạo ác nghiệp nên phải nhận những quả báo khổ đau. Quả báo đó nhiều quá, hầu như mọi người đều gặp phải, nên có cảm tưởng đời là biển khổ. Từ đó, có nhà sư đã khuyên bảo những kẻ lầm đường lạc lối rằng: Biển khổ không bờ, quay đầu là bến. (Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn.) Câu nói đó mô tả những nỗi khổ trùng trùng nhiều như biển, nghe cũng như đã nói: Đời là biển khổ. Ý chính của các câu ấy là khuyên người hồi tâm chuyển ý, bỏ ác theo thiện, giác ngộ được nhất chân pháp giới. Đời là những pháp giới tạm, ứng theo lòng người.

 

Cuộc đời làm cho người ta khổ ư? – Không, khổ đau hay hạnh phúc chẳng phải do cuộc đời. Khổ đau và hạnh phúc là quả báo của mỗi chúng sanh, nói chính xác hơn thì đó là chuyện của tâm. Bởi vì nghiệp do tâm tạo, mà khi quả khổ hay quả phước đến thì hiện tại người ta vẫn có thể tiếp nhận nó theo cách của mình. Quá khứ đã tạo nghiệp nên hiện tại lãnh quả, nhưng người Phật tử sẽ không thụ động nhận lãnh, chắc chắn vậy. Các vị ấy tùy duyên tiêu cựu nghiệp cũng như hồn nhiên mặc áo xiêm. Các vị ấy vui trả quả, xem như một duyên, chẳng nghĩ đó là nợ gì.

 

Người ta đều hướng ngoại tìm hạnh phúc. Họ tìm hạnh phúc trong miếng ăn, trong giấc ngủ, trong mọi tiện nghi, tìm nơi mọi người, nơi vợ chồng, con cái, bạn bè; tìm ở nhà, ở công ty, ở những nơi giải trí v.v… Nói chung người ta tìm hạnh phúc ở các giác quan. Họ mãi đi tìm, từ trẻ đến già, từ đời này qua kiếp khác, và thật tế đã cho thấy là CÀNG TÌM LẠI CÀNG MẤT!

 

Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng

Mắt theo hình sắc, mũi theo hương

Lang thang làm khách gió bụi mãi

Ngày hết quê xa muôn dặm đường.

 

Hướng ngoại tìm hạnh phúc là sai lầm căn bản của người đời. Cũng như mọi người đều nhận thân này là ta, một ngộ nhận căn bản. Có nhà sư đến hỏi thầy mình rằng: “Thưa thầy, như có hai con rồng tranh châu, thì con nào được?”. Vị thầy đáp ngay: “Con được là mất.” – “Con không được thì sao?” – “Thế hạt châu ở đâu?”. Hạt châu bên ngoài chẳng bao giờ là hạt châu thật. Hạt châu bên ngoài là ảo tưởng của kẻ ngu, là mong ước trẻ con! Như ý bảo châu ở trong tâm, hãy quay về tâm tìm báu vật đó. Việc này đáng giá hơn muôn ngàn kiếp sống vô nghĩa.

 

Khi tâm an sẽ sanh niềm vui lớn, cực lạc, là niềm vui ở trong, nội tại. Khi tâm giác ngộ thì tùy ý thọ dụng, có gì là khổ. Bởi nhận thân này là ta nên tâm bị thân che đậy, khiến nó thấy chướng ngại. Bởi nhận thân này là ta nên tâm bị thân trói buộc, khiến nó thấy mệt mỏi. Bởi nhận thân này là ta nên tâm bị thân quấy rầy, khiến nó thấy phiền phức. Hàng ngày, thân che đậy, trói buộc, quấy rầy tâm khiến tâm khổ sở, mà người ta chỉ biết là không thoải mái chứ không hiểu nguồn cơn. Đến khi chợt quên được thân họ thấy vui lắm mà không hiểu tại sao!

 

Xưa cụ Lão Tử tu đạo tiên thấy được thân đang nhốt phạt tâm nên đã viết trong sách (Đạo Đức Kinh) của mình: “Ta có nạn lớn do ta có thân. Nếu ta không thân có gì là nạn?” (Ngô hữu đại nạn vị ngô hữu thân. Nhược ngô vô thân hà hữu chi nạn?) Lời này cho thấy cụ Lão Tử chưa giác ngộ được chơn tâm như bậc A-la-hán, nếu giác ngộ tất thấy ra thân có nhốt phạt được tâm bao giờ! Nếu giác ngộ tất sẽ thấy thân – cùng – mọi – quả – báo đều như cái bóng, tuy có mà chẳng phải là “đại nạn” gì. Mà theo cái thấy đó, khi cụ không còn thân hữu cơ thì vẫn có nạn như thường. Chẳng phải chư thiên cõi Vô sắc đều không có thân sao, rồi họ có hết luân hồi chưa? Cho nên Sư trưởng Minh Đăng Quang mới ví giáo lý của cụ Lão Tử là lớp trung cấp. 

 

Thân nhốt phạt được tâm là do ta ưa vậy, do ta một hai sống chết giữ lấy! Khi người ta được vậy rồi họ lại la “Khổ quá!”, nên Sư trưởng Minh Đăng Quang thường bảo: “cái khổ vô lý của chúng sanh”. Chúng sanh vô lý, đúng chơn lý thì chẳng ai khổ gì hết! Sanh, già, bệnh, chết là việc thường của thân, mấy cái đó không thể gọi là “Khổ đế”. Nếu “Đế” được hiểu là “sự thật” thì gọi “Khổ đế” không đúng, nên ngài chỉ gọi là “Bốn diệu đề, Khổ đề, Tập đề, Diệt đề, Đạo đề, bốn đề mục” thôi.

 

Có phải lúc ta động niệm chui vào bào thai là lúc ta bắt đầu thọ thân không? – Phải, nhưng ngay bây giờ, trong mỗi lúc, hễ không chấp nhất thì không bị thân xác nhốt phạt nữa. Không phải vì nhất thời thọ bào thai rồi ta phải bị nhốt phạt trọn đời.

 

Tóm lại, nói “Đời là biển khổ” là gượng nói. Chư pháp vô tướng, đời không nhất định là khổ. Khi khuyên người đang say đời thì có thể nói "Đời là biển khổ", ý là cho người tỉnh giấc mê say, thật ra thì không phải như lời nói! 

 

 

----------------------------------------------------

 

 

Các bài liên quan