NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Lịch sử - Tổ chức / QUAN ĐIỂM TÍCH CỰC VỀ NĂM VIỆC ĐẠI THIÊN

Tâm Nguyên , Chủ Nhật 29-12-2019

 

QUAN ĐIỂM TÍCH CỰC VỀ NĂM VIỆC ĐẠI THIÊN

 

KS. Minh Bình

 

 

Hôm cúng giỗ cố Ni sư Mỹ Liên trụ trì tiền nhiệm Tịnh xá Ngọc Lâm – Long Hải, lúc ngồi chơi trên nhà khách Tăng đợi đến giờ cúng, sư Minh Văn đã nói về Đại Thiên ngũ sự. Chuyện sư nói thật đúng lúc, vì tôi vừa mới viết xong một bài về A-la-hán đăng lên mạng tối hôm qua. Nên tôi đã viết thêm nội dung này vào bài, để làm sáng tỏ luôn đề tài gay cấn đó.

 

 

Lịch sử Phật giáo thế giới giai đoạn khởi nguyên đã ghi nhận về A-la-hán Đại Thiên, một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong giới Phật giáo Ấn Độ hơn 2400 năm trước, kiểu như ông Donald Trump của nước Mỹ ngày nay. Không xác định được nhà sư Đại Thiên – Mahadeva là người thật, xuất thân ở đâu, vì những thông tin trái chiều của hai bên là các phái Đại chúng – Mahasaṅgha và các phái Thượng tọa – Theravada ở Ấn Độ, nên chỉ nêu lại bài kệ của nhà sư ấy theo như trong sách chữ Hán là Dị Bộ Tôn Luân Luận đã viết:

 

Dư sở dụ, vô tri

Do dự, tha linh nhập

Đạo nhân thanh cố khởi

Thị danh chân Phật giáo.

 

Có ý là:

 

Bị xuất tinh, không biết

Còn nghi, nhờ Phật dẫn

Đạo nhân tiếng “Khổ” khởi

Thật năm việc Phật dạy.

 

Ba câu đầu của bài kệ đã nêu lên năm việc của bậc A-la-hán, thường gọi là “Năm việc Đại Thiên”, (Đại Thiên ngũ sự). Những điều này là thị phi tương tranh mà đúng Thích-ca Chánh pháp ắt không có. Nhưng ngày nay học lịch sử trong các trường Phật học đều có học vậy, nên bài viết này cũng đưa ra xét qua.

 

Năm việc trong bài kệ trên có ý nói là: Bậc A-la-hán có khi ban đêm ngủ mê còn bị xuất tinh do ma phá, lại còn có việc không biết, còn nghi, còn nhờ Phật dẫn nhập đạo, và đạo của bậc A-la-hán do nơi cảm niệm “Khổ thay!” mà có.

 

Hơn 2400 năm đã trôi qua, bây giờ Đại Thiên nào đó và năm việc gì đó không sao xác định được thì còn đưa ra tranh luận làm chi? Sao không căn cứ vào một bộ Luật của phái Đại chúng (tiền thân phái Đại thừa), xem có nói về A-la-hán như vậy không? Hồi đó cần kích động tư tưởng thì có thể tạm dùng hạ sách, qua trăm năm sau Đại thừa đã lập địa vững chắc thì còn nhắc lại hạ sách làm chi? Sẽ thật sai lầm khi sa lầy vào sự kiện lịch sử này, quên đi tính nhất thời của nó, cứ tô vẽ lại mãi, không chú ý rút ra ý nghĩa lịch sử và bài học lịch sử. Và tại sao lại đem ngôi Tăng bảo ra để làm trò thị phi một cách vô lý như vậy?

 

Việc thứ nhất vô lý, vì Kinh Lăng-nghiêm đã dạy người phá được tưởng uẩn thì thức với ngủ như một, chẳng còn ngủ mê (tuy thân ngủ mà tâm tỉnh, ngọa thiền), nói gì đến bậc A-la-hán lục căn đã thanh tịnh. Việc thứ hai không đáng nói, vì ngay hàng đại Bồ-tát vẫn chưa dám nói mình biết hết mọi điều trong vũ trụ. Việc thứ ba là dĩ nhiên, vì chưa thành Phật mà. Việc thứ tư cũng là dĩ nhiên, vì các A-la-hán đều là đệ tử Phật. Còn việc thứ năm thì do Khổ đề mới duyên sanh ra Đạo đề đó, ai cũng biết vậy. Nói chung đuổi theo từng việc mà xét nét là sai càng sai, vì lời người xưa vốn là công kích nhau, không có thật nghĩa.

 

Năm việc Đại Thiên bây giờ chỉ nên ghi nhận ý nghĩa lịch sử và bài học lịch sử thế này: Đây là sự công kích nhau giữa các nhà sư về “A-la-hán trong nhận thức của mình” khi luận bàn đạo lý, có can hệ gì đến vị Arahant thật nào! Ngày xưa giới Tăng-già Ấn Độ đã từng chia rẽ nghiêm trọng đến mức đó, đem ngay ngôi Tăng bảo ra để công kích nhau. Vậy sự kiện lịch sử đó nên được rút ra bài học lớn: Chúng ta đừng mượn lời Đại Thiên hay ai đó để công kích ngôi Tăng bảo, vì chuyện của người khác nói một lúc nào đó mà mình đồ lại theo ý mình thì mình phải chịu quả báo đấy. Có giỏi thì mỗi nhà sư hãy đánh hết lũ giặc phiền não vô minh xem! Chiến thắng chính mình mới là chiến công oanh liệt nhất.

 

----------------------------------------------------------------------------