NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / Pháp học Sa-di - 36 Pháp cú thuộc lòng

, Thứ Hai 2011-09-19

 


36 PHÁP CÚ CHỌN LỌC

 

 

Nguyên tác: Kinh Pháp Cú, thuộc Tiểu Bộ Kinh

Chuyển dịch kệ Pali – Việt: HT. Thích Minh Châu

Chuyển dịch văn Hán – Việt: HT. Thích Thiện Siêu

Biên tập: KS. Minh Bình

 

 

 

 

PC. 01:

Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo.

Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động,

Khổ não bước theo sau

Như xe, chân vật kéo.

 

PC. 01:

Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm nói năng hay hành động, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến, như bánh xe lăn theo chân con thú kéo xe.

 

 

 

 

PC. 02:

Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo.

Nếu với ý thanh tịnh,

Nói lên hay hành động,

An lạc bước theo sau

Như bóng không rời hình.

 

PC. 02:

Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm thanh tịnh nói năng hay hành động, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình.

 

 

 

 

PC. 07:

Ai sống nhìn tịnh tướng

Không hộ trì các căn

Ăn uống thiếu tiết độ

Biếng nhác, chẳng tinh cần

Ma uy hiếp kẻ ấy

Như cây yếu trước gió.

 

PC. 07:

Những người chỉ muốn sống trong khoái lạc, không chịu nhiếp hộ các căn, ăn uống vô độ, biếng nhác chẳng tinh cần, những người ấy thật dễ bị ma nhiếp phục, như cành mềm trước cơn gió lốc.

 

 

 

 

PC. 08:

Ai sống quán bất tịnh

Khéo hộ trì các căn

Ăn uống có tiết độ

Có lòng tin, tinh cần

Ma không uy hiếp được

Như núi đá trước gió.

 

PC. 08:

Những người thường giác tỉnh, ngày đêm chuyên tu học, thường để chí hướng đến Niết-bàn, thì mọi phiền não đều dứt sạch.

 

 

 

 

PC. 09:

Ai mặc áo Cà-sa

Tâm chưa rời uế trược

Không tự chế, không thật

Không xứng áo Cà-sa.

 

PC. 09:

Mặc áo Cà-sa mà không rời bỏ những điều uế trược, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.

 

 

 

 

PC. 10:

Ai rời bỏ uế trược

Giới luật khéo nghiêm trì

Tự chế, sống chân thật

Thật xứng áo Cà-sa.

 

PC. 10:

Rời bỏ các điều uế trược, khéo giữ gìn giới luật, khắc kỷ và chân thành, người như thế đáng mặc áo Cà-sa.

 

 

 

 

PC. 13:

Như mái nhà vụng lợp

Mưa liền xâm nhập vào,

Cũng vậy tâm không tu

Tham dục liền xâm nhập.

 

 

PC. 13:

Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột, cũng vậy, kẻ tâm không tu tất bị tham dục lọt vào.

 

 

 

 

PC. 14:

Như ngôi nhà khéo lợp

Mưa không xâm nhập vào,

Cũng vậy tâm khéo tu

Tham dục không xâm nhập.

 

PC. 14:

Nhà khéo lợp kín ắt không bị mưa dột, cũng vậy, người tâm khéo tu tất không bị tham dục lọt vào.

 

 

 

 

PC. 21:

Không phóng dật đường sống

Phóng dật là đường chết.

Không phóng dật không chết

Phóng dật như chết rồi.

 

PC. 21:

Không buông lung đưa tới cõi bất tử, buông lung đưa tới đường tử sanh. Người không buông lung thì không chết, kẻ buông lung thì sống như thây ma.

 

 

 

 

PC. 33:

Tâm hoảng hốt dao động

Khó hộ trì, khó nhiếp

Người trí làm tâm thẳng

Như thợ tên làm tên.

 

PC. 33:

Tâm kẻ phàm phu thường dao động hốt hoảng khó chế phục, nhưng kẻ trí lại chế phục tâm mình, làm cho chính trực một cách dễ dàng, như thợ khéo uốn nắn mũi tên.

 

 

 

 

PC. 35:

Khó nắm giữ, khinh động

Theo các dục quay cuồng,

Lành thay điều phục tâm

Tâm điều, an lạc đến.

 

PC. 35:

Tâm phàm phu cứ xoay vần theo ngũ dục, dao động không dễ nắm bắt. Chỉ những người nào đã điều phục tâm mình mới được yên vui.

 

 

 

 

PC. 60:

Đêm dài cho kẻ thức

Đường dài cho kẻ mệt

Luân hồi dài, kẻ ngu

Không biết chơn diệu pháp.

 

PC. 60:

Đêm rất dài với người mất ngủ, đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng như thế, vòng luân hồi sẽ tiếp nối vô tận với kẻ ngu si không minh đạt chánh pháp.

 

 

 

 

PC. 75:

Khác thay duyên thế lợi

Khác thay đường Niết-bàn,

Tỷ-kheo đệ tử Phật

Hãy như vậy thắng tri.

Chớ ưa thích cung kính

Hãy tu hạnh viễn ly.

 

PC. 75:

Một đường đưa tới thế gian, một đường đưa tới Niết-bàn, hàng Tỳ-kheo đệ tử Phật phải biết rõ như thế. Chớ nên tham đắm vào thế lợi để chuyên chú vào đạo giải thoát.

 

 

 

 

PC. 76:

Nếu thấy bậc hiền trí

Chỉ lỗi và khiển trách

Như chỉ chỗ chôn vàng.

Hãy thân cận người trí!

Thân cận người như vậy

Chỉ tốt hơn, không xấu.

 

PC. 76:

Nếu găp người hiền trí, thường chỉ bày lầm lỗi và khiển trách mình những chỗ bất toàn, hãy nên kết thân cùng họ, xem như bậc trí thức đã chỉ cho kho tàng bảo vật. Kết thân với người trí lành mà không dữ.

 

 

 

 

PC. 79:

Pháp hỷ đem an lạc

Với tâm tư thuần tịnh;

Người trí thường hoan hỷ

Với pháp bậc Thánh thuyết.

 

PC. 79:

Được uống nước chánh pháp thì tâm thanh tịnh an lạc. Nên người trí thường vui mừng ưa nghe Thánh nhân thuyết pháp.

 

 

 

 

PC. 101:

Dầu nói ngàn câu kệ

Nhưng không gì lợi ích

Tốt hơn nói một câu

Nghe xong được tịnh lạc.

 

PC. 101:

Tụng đến ngàn câu kệ vô nghĩa chẳng bằng một câu kệ có nghĩa lý, nghe xong tâm liền thanh tịnh.

 

 

 

 

PC. 115:

Ai sống một trăm năm

Không thấy pháp tối thượng,

Tốt hơn sống một ngày

Thấy được pháp tối thượng.

 

PC. 115:

Sống trăm tuổi mà không thấy pháp tối thượng, chẳng bằng sống chỉ một ngày mà thấy được pháp tối thượng.

 

 

 

 

PC. 155:

Lúc trẻ không phạm hạnh

Không tìm kiếm bạc tiền

Như cò già bên ao

Ủ rũ không tôm cá.

 

PC. 155:

Lúc thanh niên cường tráng đã không kiếm ra tài của, cũng chẳng lo tu hành, thì khi già cả chẳng khác gì con cò già bên bờ ao, không kiếm ra mồi phải ủ rũ chết mòn.

 

 

 

 

PC. 160:

Tự mình y chỉ mình

Nào có y chỉ khác.

Nhờ khéo điều phục mình

Được y chỉ khó được.

 

PC. 160:

Chính mình làm chỗ nương cho mình chứ người khác làm sao nương được. Tự mình khéo tu tập mới đạt được đến chỗ nương dựa nhiệm mầu.

 

 

 

 

PC. 165:

Tự mình làm điều ác

Tự mình làm nhiễm ô.

Tự mình ác không làm

Tự mình làm thanh tịnh.

Tịnh, không tịnh tự mình

Không ai thanh tịnh ai.

 

PC. 165:

Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta. Làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh cũng đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được.

 

 

 

 

PC. 167:

Chớ theo pháp hạ liệt

Chớ sống mặc buông lung

Chớ tin theo tà kiến

Chớ tăng trưởng tục trần.

 

PC. 167:

Chớ theo điều ty liệt, chớ đem thân buông lung, chớ nên theo tà thuyết, chớ tăng trưởng tục trần.

 

 

 

 

PC. 187:

Đệ tử bậc Chánh giác

Không tìm cầu dục lạc

Dầu là dục chư thiên,

Chỉ ưa thích ái diệt.

 

PC. 187:

Dù là dục lạc ở cõi trời, ngươi cũng chớ sinh tâm mong cầu. Đệ tử bậc Chánh giác chỉ mong cầu diệt trừ ái dục mà thôi.

 

 

 

 

PC. 207:

Sống chung với người ngu

Lâu dài bị lo buồn.

Khổ thay gần người ngu

Như thường sống kẻ thù.

Vui thay gần người trí

Như chung sống bà con.

 

PC. 207:

Đi chung với người ngu chẳng lúc nào không lo buồn. Ở chung với kẻ ngu khác nào ở chung với quân địch. Ở chung với người trí vui như hội ngộ với người thân.

 

 

 

 

PC. 226:

Những người thường giác tỉnh

Ngày đêm siêng tu học

Chuyên tâm hướng Niết-bàn

Mọi lậu hoặc được tiêu.

 

PC. 226:

Những người nguyện ở trong cảnh không khoái lạc, khéo léo nhiếp hộ các căn, ăn uống có tiết độ, vững tin và siêng năng, ma không dễ gì thắng họ, như gió thổi núi đá.

 

 

 

 

PC. 266:

Chỉ khất thực nhờ người

Đâu phải là Tỷ-kheo.

Phải theo pháp toàn diện

Khất thực… thôi không đủ.

 

PC. 266:

Chỉ mang bình khất thực đâu phải là Tỳ-kheo. Chỉ làm nghi thức tôn giáo cũng chẳng phải Tỳ-kheo vậy.

 

 

 

 

PC. 277:

Tất cả hành vô thường

Với tuệ quán thấy vậy

Đau khổ được nhàm chán

Chính con đường thanh tịnh.

 

PC. 277:

“Các hành đều vô thường”, khi đem trí tuệ soi xét được như thế thì sẽ nhàm lìa thống khổ. Đó là đạo thanh tịnh.

 

 

 

 

PC. 278:

Tất cả hành khổ đau

Với tuệ quán thấy vậy

Đau khổ được nhàm chán

Chính con đường thanh tịnh.

 

PC. 278:

“Các hành đều là khổ”, khi đem trí tuệ soi xét được như thế thì sẽ nhàm lìa thống khổ. Đó là đạo thanh tịnh.

 

 

 

 

PC. 279:

Tất cả pháp vô ngã

Với tuệ quán thấy vậy

Đau khổ được nhàm chán

Chính con đường thanh tịnh.

 

PC. 279:

“Các pháp đều vô ngã”, khi đem trí tuệ soi xét được như thế thì sẽ nhàm lìa thống khổ. Đó là đạo thanh tịnh.

 

 

 

 

PC. 282:

Tu thiền trí tuệ sanh

Bỏ thiền trí tuệ diệt.

Biết con đường hai ngả

Đưa đến hữu, phi hữu

Hãy tự mình nỗ lực

Khiến trí tuệ tăng trưởng.

 

PC. 282:

Tu Du-già thì trí phát, bỏ Du-già thì tuệ tiêu. Biết rõ hai lẽ này thế nào là đắc thất, rồi nỗ lực thực hành sẽ tăng trưởng thêm trí tuệ.

 

 

 

 

PC. 320:

Ta như voi giữa trận

Hứng chịu cung tên rơi

Chịu đựng mọi phỉ báng

Ác giới rất nhiều người.

 

PC. 320:

Voi xuất trận nhẫn chịu cung tên như thế nào, ta thường nhẫn chịu mọi điều phỉ báng như thế ấy.  Thật vậy, đời có lắm người phá giới (thường ghét kẻ tu hành).

 

 

 

 

PC. 354:

Pháp thí thắng mọi thí

Pháp vị thắng mọi vị

Pháp hỷ thắng mọi hỷ

Ái diệt thắng mọi khổ.

 

PC. 354:

Trong các cách bố thí, pháp thí là hơn cả. Trong các chất vị, pháp vị là hơn cả. Trong các hỷ lạc, pháp hỷ là hơn cả. Người nào trừ hết mọi ái dục  là vượt trên mọi khổ đau.

 

 

 

 

PC. 364:

Vị Tỷ-kheo thích pháp

Mến pháp, suy tư pháp

Tâm tư niệm chánh pháp

Không rời bỏ chánh pháp.

 

PC. 364:

Tỳ-kheo nào an trú trong lạc viên chánh pháp, mến pháp và theo pháp, tư duy nhớ tưởng pháp,  thì sẽ không bị thối chuyển.

 

 

 

 

PC. 367:

Hoàn toàn đối danh sắc

Không chấp ta, của ta

Không chấp, không sầu não

Thật xứng danh Tỷ-kheo.

 

PC. 367:

Đối với thân, tâm không lầm chấp là “ta” hay “của ta”. Vì không “ta” hay “của ta” nên không ưu não lo sợ. Người như vậy mới đáng gọi là Tỳ-kheo.

 

 

 

 

PC. 375:

Đây Tỷ-kheo có trí

Tu tập pháp căn bản

Hộ căn, biết vừa đủ

Giữ gìn căn bản giới

Thường gần gũi bạn lành

Sống thanh tịnh tinh cần.

 

PC. 375:

Nếu là Tỳ-kheo sáng suốt, dù ở trong đời, trước tiên vẫn lo nhiếp hộ các căn và biết đủ, lo hộ trì giới luật.

 

 

 

 

PC. 401:

Như nước trên lá sen

Như hột cải đầu kim

Người không nhiễm ái dục

Ta gọi Bà-la-môn.

 

PC. 401:

Người nào không nhiễm đắm những điều ái dục, như giọt nước trên lá sen, như hột cải đặt đầu mũi kim, người như thế Ta gọi là Bà-la-môn.

 

 

 

 

PC. 406:

Thân thiện giữa thù địch

Ôn hòa giữa hung hăng

Không nhiễm giữa nhiễm trước

Ta gọi Bà-la-môn.

 

PC. 406:

Ở giữa đám người cừu địch mà gây tình hữu nghị, ở giữa đám người hung hăng cầm gậy mà giữ khí ôn hòa, ở giữa đám người chấp đắm mà lòng không chấp đắm, người như thế Ta gọi là Bà-la-môn.

 

 

 

 

TX. Ngọc Thiền – Đà Lạt

Mùa an cư 2006

 

 

-----------------------------------------------

Các bài liên quan