NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / BỒ-TÁT TRỤ XỨ

Tâm Nguyên , Thứ 7 23-11-2019

 

BỒ-TÁT TRỤ XỨ

 

KS. Minh Bình

 

 

Khi thành lập Đạo Khất Sĩ, ngài Minh Đăng Quang đã viết nhiều bài Chơn lý để thuyết minh về dòng đạo này. Ngài đã nói rằng, hàng Tăng sĩ trong Giáo hội Tăng-già Khất sĩ đều đồng là khất sĩ. Tuy đồng là khất sĩ mà có ba bậc là khất sĩ Thanh văn, khất sĩ Duyên giác và khất sĩ Bồ-tát. Khất sĩ Thanh văn là Tăng đang học, khất sĩ Duyên giác là Tăng đang tu, còn khất sĩ Bồ-tát là Tăng đang dạy. Cả ba bậc đang học, đang tu và đang dạy đều đồng phận là Tăng, bậc xuất gia giải thoát, mà có làm Tăng thì mới làm Phật được.

 

Ngoài ra, trong số khất sĩ có các vị “Bồ-tát trụ xứ”, chỉ được nhắc đến một lần, trong Chơn lý Luật Khất Sĩ có viết như sau:

 

“Giáo hội Tăng-già: Luôn luôn đi du hành, chớ không ở một chỗ quá ba tháng. Khi đi, đi bộ cả Tăng đoàn, để cho được sự học hành khắp xứ, đủ hạng người,và quý nhất là sự giải thoát chỗ ở một nơi, để dứt bỏ tham sân si ái dục dễ dàng, vì chính nguyên nhân của sự giải đãi, mất đức và phạm giới là bởi ở một chỗ vậy. Trừ ra những kẻ già bịnh mới ở lại nghĩ dưỡng nơi tịnh xá và giữ chừng, cho giáo hội sau này có chỗ trở lại. Vị sư ở một chỗ có bổn phận phải dạy dỗ cư gia, kêu là Bồ-tát trụ xứ.”

 

Đọc đoạn văn trên ta không khỏi suy nghĩ: Bồ-tát phải là vô trụ xứ, không chỗ ở, cớ sao lại có Bồ-tát trụ xứ? – Đúng “vô trụ xứ” là “không chỗ ở”, nhưng đó là nói về tâm Bồ-tát, còn thân các ngài vẫn phải có chỗ ở chứ. – Tuy thân có chỗ ở mà tâm không chấp nên ở đâu cũng được, thế thì vẫn là không chỗ ở.

 

Bồ-tát trụ xứ là những kẻ già bịnh không theo Tăng đoàn du phương hành đạo được, phải ở lại tịnh xá. Vì ở lại tịnh xá nên các vị ấy lãnh trách nhiệm giữ chùa và dạy dỗ cư gia. Mọi việc chỉ có vậy, chứ các vị ấy không có toàn quyền với một tịnh xá. Đây là quan điểm rõ ràng và là quy định cụ thể của Sư trưởng Minh Đăng Quang.

 

Còn vấn đề tín đồ bổn đạo bị nghiêm cấm, trong Giáo pháp Khất sĩ. Tức là các sư già thay mặt Tăng đoàn hướng dẫn cho cư gia, chứ không được nhận họ là đệ tử. “Nhà Tăng không ở một chỗ thâu nhận tín đồ bổn đạo riêng” là quy định của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ, khác với mọi giáo hội Phật giáo khác.

 

Như vậy, Bồ-tát trụ xứ không thật là Bồ-tát, chỉ dạy cư gia chứ không dạy được Tăng. Mà ngày nay, nhà sư giữ chùa và dạy dỗ cư gia được gọi là “trụ trì”. Ta hãy xét xem “Bồ-tát trụ xứ” và “trụ trì” từ nào đúng hơn. “Bồ-tát trụ xứ” là “Bồ-tát chỗ ở”, ý là “Bồ-tát giữ tịnh xá”. Còn “trụ trì” là “ở giữ”, nói rộng là “ở nhà Pháp vương, giữ kho Như lai”, “trụ Pháp vương gia, trì Như lai tạng”.

 

Nhà Pháp vương không phải là một tịnh xá, và kho Như lai không phải là kho của cải trong tịnh xá. Nhà Pháp vương là tâm, kho Như lai là kho Pháp bảo, Như lại tạng là Pháp bảo tạng. Mỗi người tu hành đều phải giữ gìn tâm mình và làm chủ kho báu của mình, nghĩa là mỗi người tu hành đều có trách nhiệm trụ trì vậy. Còn trông coi đạo trường và dạy dỗ cư gia không phải là việc đơn giản, thích hợp với những người từng trải hơn là tuổi trẻ nên để mấy sư lớn tuổi làm, và để lưu ý tính chất vị tha cùng công việc không đơn giản nên gọi các vị ấy là Bồ-tát. Tuy gọi là Bồ-tát mà các sư già ấy chưa thật là Bồ-tát đi riêng lập đạo gì cả, nên mới gọi là Bồ-tát trụ xứ.

 

Xét ra, từ “Bồ-tát trụ xứ” hợp lý hơn từ “trụ trì”. Vậy bây giờ chúng ta có thể gọi các sư trụ trì tịnh xá là Bồ-tát trụ xứ như cách gọi của ngài Sư trưởng Minh Đăng Quang được không?

 

Bài này được viết ra để thấy thêm một đặc sắc trong Giáo pháp Khất sĩ của ngài Minh Đăng Quang. Từ “Bồ-tát trụ xứ” theo đạo lý là sai, mà theo hoàn cảnh thì thích đáng, nên ghi nhận một điểm này. Các nhà tu hành ngày nay đa phần thân bất do kỷ, biết làm sao hơn!

 

------------------------------------------

 

 

Các bài liên quan