Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / Trí Huệ
T R Í H U Ệ
KS. Minh Bình
Đã tìm hiểu về Định, tiếp theo là tìm hiểu về Huệ.
___A___
Huệ hay Trí huệ là trí biết rõ như thật, nhà Phật còn hay gọi là Trí Bát-nhã. Cái biết đó do tâm giác ngộ, có tính trực tiếp, biết rõ, chính xác cụ thể. Trong khi trí thức lại là những cái biết suy diễn, đoán chừng, không xác định.
Đối với con người, từ lâu trí thức đã là thói quen, là thế mạnh, là chuyên môn, là chỗ dựa, là món ăn tinh thần của họ. Người ta thường rất thông minh, biết nhiều, hiểu chuyện, nói chung là có vẻ ai cũng giỏi. Nhưng họ hay “có thể”, “chắc là”, “để nghĩ xem”, “tôi đoán”, “lấy ý kiến số đông”, “nếu”… chứ không khẳng định được.
1. Ví dụ có nhà thơ nói:
Ngày mai chẳng biết ra sao nữa
Mà có ra sao cũng có sao!
Nhà thơ đó không biết ngày mai của mình, tức là không có trí. Vì không biết, người ấy tỏ thái độ: có ra sao cũng có sao, làm nhiều người thích thú, ghi câu thơ thật đẹp lên giấy, đem treo khắp nơi. Hay câu nói của ông Ác-si-mét từ thời xưa đã được rất nhiều người lưu truyền: “Nếu cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nâng bổng quả địa cầu.”. Câu nói này nghe khí khái mà thật không có lý, vì có điểm tựa nào đủ chắc để chịu được khối lượng của trái đất và đòn bẩy khổng lồ đè lên, mà tìm đâu ra được cái đòn rất dài và rất chắc để dùng vào việc đó. Đấy là mới kể sơ những phát biểu nổi tiếng của hai danh nhân.
2. Hoặc có nhiều người rao giảng giáo lý nhân quả báo ứng rất hay, chợt có kẻ ngu xin hỏi: “Con đang đi ngoài đường bỗng có người đến tát một cái. Không biết cái tát đó là nhân hay là quả?”. Nghe hỏi thế, vị giảng sư liền hùng hồn giải đáp, kể nhiều dẫn chứng, rồi tha thiết khuyên nhủ v.v… nhưng tóm lại là không xác định được cái tát đó là nhân hay là quả. Nếu có trí thiên nhãn, giảng sư ắt biết cụ thể cái tát đó là quả báo hay là nhân mới gây tạo.
3. Hoặc có vô số người trẻ tuổi ra sức học hỏi, sau mười mấy năm vất vả mỗi người có được những kiến thức cần thiết để sống và làm việc trong xã hội loài người. Vì không biết mới đi học, chuyện thường. Điều muốn nói là mọi thứ học được qua bao năm đều là kiến thức, không phải là trí huệ. Kiến thức là cái thấy ước chừng, bị nhồi nhét; còn trí huệ là cái thấy chính xác trong từng trường hợp. Cho nên có nhà sư già nhận đệ tử mà không cho đi học, cũng không dạy bảo phép tắc gì nhiều. Mọi người chê trách sư cụ không thức thời, có biết đâu sư cụ muốn dạy trí huệ chân thật cho đệ tử.
4. Ví dụ, xưa có người đi hỏi một nhà sư phàm rằng: “Muối là gì?”. Gặp dịp có người hỏi, nhà sư ấy liền ra sức giảng giải, trích dẫn, ví von… làm người nghe thích lắm. Tới khi gặp một Thánh Tăng, người ấy lại hỏi: “Muối là gì?”, vị sư này đáp: “Muối là muối chứ còn hỏi gì nữa.”. Nghe trả lời ngắn gọn người hỏi tỏ vẻ không bằng lòng, đi chê vị sư này dốt, mà không ngờ đó lại là một Thánh Tăng. Cũng như ngày nay có một số cư sĩ theo gương Duy-ma-cật, thường tìm đến chùa tranh luận với chư Tăng. Vì có lòng tranh luận nên mọi điều đều thành chuyện để tranh luận, nói gì họ cũng cãi. Những người ấy thật ngộ nghĩnh, không lo tu học, chỉ tìm vui trong những quan niệm. Đó là khuynh hướng trí thức của con người, một trò hý luận không hơn không kém, tốn biết bao nhiêu thời gian mà kể.
5. Như sư tiến sĩ Trí Nhàn rất thông minh tài giỏi, chợt một ngày bị sư huynh Linh Hựu hỏi: “Nghe nói ông giỏi lắm phải không?” – “Không dám.” – “Ông hãy nói một câu trước khi cha mẹ sanh xem?”, Trí Nhàn ngớ ra. Sư tiến sĩ về phòng soạn hết mấy tủ sách ra xem, không có sách nào giải đáp câu hỏi đó của Linh Hựu. Trí Nhàn mới đến xin sư huynh chỉ dạy, Linh Hựu bảo: “Ta nói là chuyện của ta, có dính gì tới ông!”… Tức là biết thì thật biết, nếu vay mượn thì trí huệ thành trí thức rồi.
6. Xưa ở Trung Quốc có người thợ đẽo bánh xe gỗ vô cùng tài giỏi. Ngày nọ nhà vua cho gọi ông vào cung làm việc, và khuyên ông nên truyền nghề cho con kẻo mất nghề. Ông đáp: “Cái biết của thần không thể truyền được. Khi thần làm, đầu, mắt, tay, chân, toàn thân cùng phối hợp, không nói rõ được.”. Vua nghe vậy không ép nữa. Trong việc này, nếu cố nói rõ sẽ bị mất nghề, ở chính ông thợ đó.
7. Các nhà trí thức thường trông lịch sự, hiểu biết, nhưng mắt họ không định. Các nhà sư thật tu trông có vẻ đơn giản, khô khan, lời tục bảo là “Không hấp dẫn.”, nhưng mắt họ định. Mắt định là mắt không còn xao xuyến, không tham, không sân, cũng không cố định.
8. Chính tâm định sanh ra trí Bát-nhã. Hễ định nhiều thì huệ nhiều, định ít thì huệ ít, tâm loạn chẳng khi nào có huệ được.
Nhưng đại định là nhiều hay ít? Nhiều hay ít là tạm nói cho dễ hiểu, đừng vì lời nói mà bỏ quên ý nghĩa. Vốn “định” là đối với “loạn” mà nói, khi loạn thì có nhiều, có ít. Tâm định tự nhiên không nhiều cũng chẳng ít, có khi chẳng nói gì, có khi nói nhiều hơn…
9. Trí huệ là diệu dụng của tâm. Nó là thần thông thấy xa, nghe khắp, đọc được tâm niệm của người, là biết quá khứ vị lai, biết nhân quả, biết đạo lý, biết chuyện cần làm, biết rõ cụ thể mỗi chuyện… Trí huệ sống động nơi người trí chứ đâu cứng nhắc như một quyển sách quý vô cùng hay một tảng đá có khắc chữ “Bát-nhã” tuyệt đẹp. Ai tu tâm được chơn chánh thì sẽ có trí huệ.
10. Bài này dùng cách viết gợi ý, cũng như tất cả những gì đức Phật và chư Bồ-tát đã dạy về Bát-nhã. Xem qua rồi thì quên nó đi!
___B___
Đức Phật đã dạy Bát-nhã như thế nào, người đang học nên tìm hiểu để biết những gợi ý quý giá của đức Phật. Trong Chơn lý số 18 có bài Huệ, Sư trưởng Minh Đăng Quang đã biên tập từ bài Bát-nhã Tâm Kinh và năm đoạn Kinh Kim Cương như sau:
“HUỆ
Trí thần sáng chiếu thế gian
Trừ tiêu tiếng khổ, phá tan bóng mờ
Sông mê đã vượt khỏi bờ
Soi ra ngũ uẩn một giờ thành không
Tai ương nạn khổ thoát vòng
Này đây cái sắc, cái không khác gì
Sắc không, không sắc đó chi
Chịu ưa, tưởng nhớ, hành vi, thức tình
Thảy đều một thứ như in
Uẩn từ không” đến, không sanh uẩn về.
Này là các pháp chấp nê
Vốn không có tướng, nào hề diệt sanh
Chẳng dơ, chẳng sạch khó rành
Chẳng thêm, chẳng bớt thôi thành hư không.
Vậy nên cái sắc bông lông
Thọ, tưởng, hành, thức cũng đồng thế ni.
Mắt, tai, mũi, lưỡi có chi
Tính chung thân, ý cũng y một chiều.
Sắc, thinh, hương, vị mỹ kiều
Kể luôn xúc, pháp cũng đều không ngơ.
Sự nhìn của mắt chết trơ
Sự nghe, sự ngửi lặng lờ giác quan
Lưỡi này sự nếm khô khan
Thân này xúc động sá màng chi chi
Ý kia đã dứt nghĩ suy
Bao nhiêu cái thức chung quy chẳng còn.
Vô minh đâu có sinh tồn
Vô minh cũng chẳng hao mòn mất đi.
Cái già, cái chết thấy chi
Pháp nào tận diệt, ai bi chết già?
Bốn đề thanh diệu bao la
Khổ, Tập, Diệt, Đạo cũng xa mấy vòng.
Đến đây cái trí không không
Có chi là đắc mà trông cho thành!
Bởi không có đắc riêng mình
Thế nên Bồ-tát tâm tình không ngăn
Nương theo trí huệ vô ngằn
Không còn sợ hãi băn khoăn cảnh đời
Đảo điên mộng tưởng xa vời
Không còn ưa thích nghỉ ngơi Niết-bàn.
Ba đời chư Phật khắp tàng
Nương thuyền trí huệ mà sang bến bờ
Quả linh hiển đắc kịp giờ
Chánh đẳng chánh giác tôn thờ không trên.
Cho hay trí huệ tảng nền
Ai mà thấu nhập trở nên phép thần
Oai to, lực rộng sáng ngần
Phép nào cao cả dám cân phép này
Năng trừ các thứ nạn tai
Rõ ràng chơn thật chẳng sai ngoa lời.
Bến bờ trí huệ rộng khơi
Buông ra muôn tượng, gom thời một câu”
“Độ đi, độ khắp đâu đâu
Độ cho giác ngộ chóng mau viên thành.”
***
Vật chi nếu có tướng hình
Thảy đều hư, mộng, vọng tình, bông lông
Bằng xem tướng có là không
Nhận ra đức Phật khắp trong cảnh tình.
***
Nếu ai chấp có, biết mình
Biết người cùng biết chúng sanh kia là
Lại thêm mạng số biết tà
Phải đâu Bồ-tát vượt qua lưới mành.
***
Nếu xem Phật ở tướng xinh
Lại nghe Phật ở âm thinh dịu dàng
Thì ra kẻ ấy lạc đàng
Như lai chơn tánh có tàng chi chi.
***
Những là các pháp hữu vi
Giống như mộng ảo, khác gì huyễn thôi
Tựa hồ giọt nước dòng khơi
Mảnh hình ảnh giả, chút hơi sương tàn
Thoáng qua, chớp nháng lẹ làng
Phải nên soi sáng hiệp tan đó là!
***
Cái tâm đã biết vừa qua
Vốn thành quá khứ chạy xa lạc loài.
Cái tâm vừa biết đương nay
Thì tên hiện tại nào ai thấy nào.
Cái tâm chưa biết về sau
Vị lai chẳng có ước ao chi mà.
***
Kính lạy Ta-bà thế giới Thích-ca Mưu-ni Phật. (3 lần)”
Trên là nguyên văn bài Huệ của Sư trưởng Minh Đăng Quang biên tập. Bài kinh này có những gợi ý:
– Trí huệ có công năng chiếu sáng thế gian, phá tan mọi bóng mờ, trừ hết mọi khổ đau của chúng sanh, đưa chúng sanh qua khỏi sông mê lên đến bến bờ chân hạnh phúc. (3 câu đầu)
– Này, năm nhóm hình sắc – thọ nhận– tưởng nhớ – hành vi – trí thức là không thật, trong ánh sáng trí huệ. Ai cũng cho rằng một con người gồm có thân thể (hình sắc) và tâm là thọ, tưởng, hành, thức. Nhưng con người thật (chân nhân) lại là giác chơn (cái biết thật), chứ không phải là tổ hợp năm nhóm kia. (câu 4)
– Năm uẩn như không thì chẳng còn khổ nạn nào, dù là sanh, già, bệnh, chết, yêu thương mà xa lìa, thù ghét mà gặp gỡ, cầu mong mà chẳng được v.v… (câu 5)
– Này, có cái rỗng không hay sanh ra hình sắc, chịu ưa, tưởng nhớ, hành vi và thức tình, năm uẩn. Khi tâm không sanh một niệm nào thì sẽ không có một uẩn nào, lúc ấy cái rỗng không hiển lộ. (câu 6 – 10, năm câu)
– Cái gọi “con người” là vậy. Còn mọi chuyện của con người (pháp) thì không có tướng sanh – diệt, dơ – sạch, thêm – bớt v.v... Sáu tướng ba cặp sanh – diệt, dơ – sạch, thêm – bớt không có, cũng như các tướng đối đãi khác là còn – mất, đúng – sai, hay – dở, thương – ghét, nam – nữ, già – trẻ, đời – đạo v.v… không có. Vì sao vậy? Vì mấy thứ đó không nhất định, chợt này chợt nọ, vô chừng tùy ý, cứ đối đãi kèn cựa nhau mà lập. Pháp của con người không đáng tin, đừng để bụng làm chi, dù bày ra đầy khắp. (bốn câu kế, câu 11 – 14)
– Vậy con người và mọi chuyện của con người thật bông lông, cà chớn, ai rảnh mà chìu! Đến chỗ thấy này, thì xét ra năm uẩn, sáu căn, sáu trần, và sáu thức đều lặng lẽ, không còn tác dụng nữa. Lúc ấy tâm không trụ nữa, không cố ra vẻ nữa, cứ là nó thôi. (mười hai câu kế, câu 15 – 26)
– Vòng lẩn quẩn từ ngu si đến già chết vỡ tan, không cần diệt trừ vô minh nữa, không cần chấm dứt già chết nữa. Một ánh sáng trí huệ hay phá hết mọi ảo ảnh. (bốn câu kế, câu 27 – 30)
– Bốn đề mục Khổ, Tập, Diệt, Đạo xa rồi. Chơn ngã đã hiển lộ thì hết các khổ và nhân của khổ, do vậy không cần tu đạo diệt khổ và cũng chẳng chứng quả diệt khổ. Tu và chứng là đối với tạo nghiệp và thọ quả mà có. Kẻ chậm lụt chấp sự, lo tu lo chứng để tạo tương lai tốt cho mình cũng là thường tình. Còn bậc trí dụng lý, lấy trí huệ làm sự nghiệp, không nương bốn đề nữa. (hai câu 31, 32)
– Đến đây trí huệ của tâm không không bừng lên, là cái sẵn có từ xưa. Thế thì có chi là đắc, là được? Thần thông quả linh là khả năng mầu nhiệm của chơn tâm. Trí huệ siêu việt là ứng dụng tự nhiên của chơn tâm. Thọ mạng vô lượng cũng là đời sống của chơn tâm. Cho đến cả vũ trụ cũng không ngoài chơn tâm. (hai câu 33, 34)
– Vì không có đắc riêng mình nên tâm tình Bồ-tát rộng mở, thoải mái, không sợ mất chỗ chứng đắc, không lo trả hết nợ trong một đời, không tìm người kế thừa, không băn khoăn tương lai đạo pháp, không sợ hãi sanh tử luân hồi… Do vô đắc nên vô quái ngại. (bốn câu 35 – 38)
– Với trí Bát-nhã, Bồ-tát không còn những điên đảo: sáng cho là tối, tỉnh cho là mê, vui cho là khổ, sạch cho là dơ, ngã cho là vô ngã, thường cho là chẳng thường… Bồ-tát thấy đời đã là cõi Phật, nên không còn ưa thích nghỉ ngơi Niết-bàn nào nữa. (hai câu 39, 40)
– Tất cả các đức Phật trong ba đời đều do trí Bát-nhã này mà thành Phật, được giải thoát, được thần thông không thể nghĩ bàn, lên tới bậc tối thượng. (bốn câu 41 – 44)
– Vậy phải ghi nhớ: Trí huệ là nền tảng, ai thấu nhập trí này sẽ được thần thông nhiệm mầu. Không có pháp nào hơn Trí huệ Bát-nhã. Trí Bát-nhã hay trừ tất cả mọi khổ nạn trong đời, bằng cách kéo người ra khỏi giấc mơ của họ. (sáu câu 45 – 50)
– Bến bờ Trí huệ Bát-nhã thật to lớn, có thể diễn giải ra vô số cách, tạo ra vô số đường ánh sáng cho người đến nơi, ứng dụng vô cùng. Nhưng Trí huệ Bát-nhã thật sự của mỗi người đang học chính là:
“Độ đi, độ khắp đâu đâu
Độ cho giác ngộ chóng mau viên thành.”
Ngu mà biết mình ngu là kẻ trí. Ta chưa giác ngộ Bát-nhã thì hãy lo giác ngộ trí huệ chân thật này. (bốn câu 51 – 54)
(Bài Bát-nhã Tâm Kinh gồm 270 chữ Hán, từ “Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa” tới “Bồ-đề tát-bà-ha”. Ở đây không trích dẫn, chỉ ghi chú gọn.)
– Đoạn Kinh Kim Cương thứ nhất:
Vật chi nếu có tướng hình
Thảy đều hư, mộng, vọng tình, bông lông
Bằng xem tướng có là không
Nhận ra đức Phật khắp trong cảnh tình.
(Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.)
Vật chất là có tướng hình, cả tinh thần cũng có tướng thiện, ác, vừa thiện vừa ác, hoặc chẳng thiện chẳng ác. Các tướng hình đó đều không thật, ví như cái thấy trong mơ, ví như bị mà mắt vì mê thích. Khi tâm thức tỉnh, chẳng kẹt bất kể một tướng nào, cái tâm vô trụ đó là Phật.
– Đoạn Kinh Kim Cương thứ hai:
Nếu ai chấp có, biết mình
Biết người cùng biết chúng sanh kia là
Lại thêm mạng số biết tà
Phải đâu Bồ-tát vượt qua lưới mành.
(Nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ-tát.)
Nếu một người thọ giới Bồ-tát, rồi xưng mình là Bồ-tát, mà người ấy còn một trong bốn tướng ta, người, chúng sanh và thọ mạng, thì đó là Bồ-tát dỏm. Nếu người tu còn xem bói, hầu đồng thì chẳng thể nào là Bồ-tát. Bồ-tát phải là người đã giác ngộ được chơn ngã bình đẳng, sẽ chẳng chấp tướng, cao quý hơn hẳn mọi chúng sanh.
– Đoạn Kinh Kim Cương thứ ba:
Nếu xem Phật ở tướng xinh
Lại nghe Phật ở âm thinh dịu dàng
Thì ra kẻ ấy lạc đàng
Như lai chơn tánh có tàng chi chi.
(Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.)
Phật vốn không phải là hình hài Thích-ca, bởi hình hài Thích-ca đã chết và bị dân Ấn thiêu mất rồi. Phật chính là Như lai chơn tánh, ở khắp nơi, chẳng tàng ẩn. Người ta miệng xưng “Phật tử” mà lại tu đạo tà, cứ vọng cầu Phật ở ngoài tâm, thật tội nghiệp. Như 60 năm trước có người đạo khác đến hỏi một giảng sư ở Quy Nhơn: “Thầy nói có Hằng hà sa số Phật, vậy tôi ỉa ở đâu?”, giảng sư ấy phân bua với quần chúng rồi đáp: “Hễ nơi nào có nhang thì nơi đó có Phật. Nơi nào không có nhang thì chú cứ ỉa!”. Người hỏi đã bậy, người trả lời cũng không đúng. Phật ở tại tâm, Phật có giành đất chiếm chỗ của ai mà chúng sanh lại lo không có chỗ ỉa!
– Đoạn Kinh Kim Cương thứ tư:
Những là các pháp hữu vi
Giống như mộng ảo, khác gì huyễn thôi
Tựa hồ bọt nước dòng khơi
Mảnh hình ảnh giả, chút hơi sương tàn
Thoáng qua, chớp nháng lẹ làng
Phải nên soi sáng hiệp tan đó là!
(Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ, diệc như điển
Ưng tác như thị quán.)
Các pháp Tam quy, Ngũ giới, Tám giới, Mười thiện nghiệp, Sám hối, Lễ Phật, Học kinh, Khất thực, Xây chùa, Đúc tượng, Tịnh độ, Mật chú, 12 nhân duyên, Bốn diệu đề, Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ… là pháp hữu vi. “Hữu vi” là “có làm”, “có tu”, thảy như giấc mộng, như trò huyễn gạt người, như bọt nước trôi sông, như cái bóng, như giọt sương, như tia chớp, người tham cứu trí huệ Bát-nhã thường nên xét như vậy.
– Đoạn Kinh Kim Cương thứ năm:
Cái tâm đã biết vừa qua
Vốn thành quá khứ chạy xa lạc loài.
Cái tâm vừa biết đương nay
Thì tên hiện tại nào ai thấy nào.
Cái tâm chưa biết về sau
Vị lai chẳng có ước ao chi mà.
(Quá khứ tâm bất khả đắc. Hiện tại tâm bất khả đắc. Vị lại tâm bất khả đắc.)
Cái mọi người thường gọi là “Tâm” có quá khứ, hiện tại, vị lai. Xét ra ba tâm đó không tồn tại. Vậy tâm là gì, khi ba thời là không? Trong định không có thời gian…
Năm đoạn Kinh Kim Cương trên được lần lượt trích dẫn với dụng ý phá chấp tướng. Đoạn đầu tiên phá chấp Có là bệnh chung của người mê, đoạn thứ hai phá chấp Bồ-tát vọng xưng thời nay, đoạn thứ ba phá chấp Phật của các tín đồ tôn giáo hàng hàng lớp lớp khắp thế giới, đoạn thứ tư phá chấp Pháp hữu vi của những người y pháp tu hành, đoạn thứ năm phá chấp Tâm của những người tham thiền chưa minh tâm kiến tánh.
Mọi lời dạy cao quý của Phật của Tổ đều là gợi ý. Tu hay không, đạt hay không là ở chính mỗi người, không phải ở chỗ lời nói của ai.
___C___
Các bài liên quan
- BÁT-NHÃ THẬT TƯỚNG
- BỐN PHẦN CHÁNH ĐỊNH
- NGHI THỨC CÚNG NGỌ
- Sám Hối
- PHÂN TÍCH CHƠN LÝ SANH VÀ TỬ
- Tri thị không hoa
- KIỂM TRA 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
- 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
- Pháp
- Có tà kiến
- Tin mừng cho Giáo pháp Khất sĩ
- TÌM HIỂU 13 PHẬT NGÔN
- Môn oai nghi Sa-di NGÀY NAY
- Ăn chay là TU CÁI LƯỠI
- Giáo lý Địa ngục trong Phật pháp
- KHÓA TU TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ 11
- Tìm về Chân Nguyên
- TÂM TOÀN GIÁC
- BÁO CÁO TỔNG KẾT KHÓA TU 10
- Nội quy và Thời khóa biểu của Khóa tu
- NGÀY THỨ 3 CỦA KHÓA TU THỨ 10
- CÁC PHÁP SANH DIỆT TRỐNG RỖNG
- Tịnh xá Lộc Uyển khai giảng lớp giáo lý năm 2013
- LỄ RA MẮT LỚP PHẬT HỌC ÁO TRẮNG
- Phân tích Kinh Diệt Lòng Ham Muốn
- TRUYỀN TAM QUY NGŨ GIỚI
- Minh Đăng Quang đại nguyện thành Phật
- 49 câu nguyện của đức Minh Đăng Quang
- Nghi thức Truyền giới Khất Sĩ năm 2012
- KINH DIỆT LÒNG HAM MUỐN
- TỔNG LUẬN VỀ GIỚI LUẬT
- GIỚI LUẬT KHẤT SĨ
- MỘT DẤU HIỆU KHỞI SẮC
- Hoằng pháp bằng Nghệ thuật Viết Chữ
- NHƯ LAI THANH TỊNH THIỀN
- NỘI SAN ĐUỐC SEN - số 09
- Nội san TÌM LẠI NGUỒN XƯA - 2009
- Các trang Web hiện nay của Phật giáo Khất SĨ
- HOẰNG PHÁP Ở VÙNG SÂU VÙNG XA
- HÌNH ĐÈN CHÂN LÝ & HÌNH ĐỨC BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA NÀY CHƯA ĐÚNG
- Nam-mô A-di-đà Phật !
- Pháp học Sa-di - 36 Pháp cú thuộc lòng
- Những Khóa Học Hè ở TX. Ngọc Nguyên - Ninh Gia
- LỜI CẨN BẠCH VỀ SỰ HÌNH THÀNH TRANG PHÁP HỌC
- BÀI HỌC SA-DI
- PHÁP THIỀN SỐ TỨC QUÁN
- Y BÁT KHẤT SĨ