NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tấm lòng vàng / THẬT tế & THỰC dụng

Tâm Nguyên , Thứ Tư 26-06-2019

 

“Thật tế” với “thực dụng” khác nhau như thế nào?

 

  

  Facebook Vien Huynh 

 

 

 

 

 

 

Có một lần, một người bạn Mỹ dạy học chung bảo với tôi rằng: “Người Việt Nam bọn mày lúc nào cũng bảo người Mỹ bọn tao sống thực dụng. Bọn tao không sống thực dụng mà sống thật tế. Tao ở Việt Nam hơn chục năm nay thấy người Việt Nam mới sống thực dụng.”

 

Hơi nóng mặt, tôi hỏi lại: “Thế mày định nghĩa thế nào là thật tế, thế nào là thực dụng?”

 

Bạn tôi bảo:

 

Sống thật tế là hiểu rõ thật trạng cuộc sống, không mơ mộng hão huyền hay tìm cách trốn tránh thật tại. 

 

Sống thật tế là hiểu rõ năng lực và giá trị thật của bản thân để có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình.

 

Còn sống thực dụng là bất chấp thật tế, bất chấp năng lực thật sự của mình ra sao mà chỉ chăm chăm giành được cái lợi nhỏ trước mắt, ngoài ra mặc kệ hậu quả sau này nghiêm trọng thế nào.

 

Đã từng sống ở Mỹ một thời gian dài, tôi biết bạn tôi nói đúng.

 

 

 

Ở Mỹ, học sinh học vừa sức, không nhồi nhét, không quan tâm đến thành tích và cũng không có khái niệm trường chuyên lớp chọn. Bằng cấp đối với họ chỉ là một tờ giấy chứng nhận rằng họ đã đạt yêu cầu về mặt kiến thức lẫn chuyên môn ở một trình độ nhất định, không có gì ghê gớm cả. Cái họ quan tâm là trên thật tế, năng lực và kiến thức của anh có tương xứng với bằng cấp và vị trí của anh trong xã hội hay không.

 

Ở Việt Nam thì bằng cấp và thành tích là thước đo quyết định địa vị cũng như thu nhập. Cha mẹ ép con cái học cố sống cố chết để vào trường chuyên lớp chọn rồi vào đại học. Học xong đại học thì phải cố bơi cho được cái thạc sĩ. Tất cả không phải vì kiến thức mà chỉ vì chỗ đứng trong xã hội. Kết quả là học được gì không quan trọng, có sử dụng được không cũng không quan trọng, thậm chí bằng giả cũng chả sao. Cái quan trọng nhất là kiếm sao cho được nhiều tiền!

 

Ở Mỹ, mỗi lần một công trình được thi công, người ta phải tính toán sao cho thiên nhiên ở đó bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất, hệ cân bằng sinh thái ít bị tổn hại nhất, môi trường sống của người và động thực vật không bị phá hoại, vì họ hiểu được một vấn đề thật tế rằng tài nguyên thiên nhiên là những di sản vô giá bắt buộc phải bảo tồn cho thế hệ sau.

 

Còn ở Việt Nam, miễn là kiếm được ít tiền bỏ túi, người ta sẵn sàng xả độc ra biển, hút cát dưới sông, phá rừng xây thuỷ điện, thậm chí san bằng cả một khu bảo tồn sinh thái độc đáo để xây resort, gắn cáp treo bất chấp hậu quả về sau.

 

 

 

(Ảnh qua Twitter@hop_yen)

 

Ở Mỹ, người dân quan tâm đến bầu cử, đến chính trị vì họ biết họ có quyền công dân cũng như mọi quyết định chính trị của họ đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của gia đình họ.

 

Ở Việt Nam, người dân chỉ lo kiếm tiền vun đắp cho bản thân được ngày nào hay ngày nấy. Họ thờ ơ dửng dưng với những bất công tiêu cực của xã hội miễn sao những điều đó không xảy ra với họ là được. Tham nhũng tràn lan, nợ công tăng vọt, doanh nghiệp quốc doanh thất thoát nghìn tỷ… đối với họ đều không phải là vấn đề đáng bận tâm nếu ngày mai vẫn còn bia để dô dô.

 

Ở Mỹ, người dân thể hiện lòng yêu nước bằng cách gắn lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng và sự cường thịnh của quốc gia. Họ không làm những điều có lợi cho bản thân mà đi ngược lợi ích cộng đồng.

 

Ở Việt Nam, người ta thể hiện lòng yêu nước bằng cách ngồi tự hào khoe khoang bề dày lịch sử dân tộc với những chiến công của tổ tiên, hoặc lên cơn mê sảng vì một giải bóng đá khu vực, hoặc lên mạng không tiếc lời thóa mạ một thằng Tây nào đó dám cả gan nói xấu Việt Nam. Còn lại, họ thản nhiên dùng đủ mánh khóe xấu xa để giết đồng bào mình và trục lợi từ việc đó, từ việc rải đinh ra đường cho tới việc bơm hoá chất độc hại vào thực phẩm…

 

Ở Mỹ, người dân cân bằng cuộc sống bằng niềm tin tôn giáo. Họ đến nhà thờ để tìm sự yên bình trong tâm trí, và sinh hoạt cộng đồng giúp đỡ những người cùng đức tin.

 

Ở Việt Nam, người ta đi lễ chùa, đền, miếu để cầu tiền bạc, cầu trúng số, cầu thi đậu, cầu chức quyền… như thể thánh thần sẽ vì những thứ hương hoa xôi thịt rẻ tiền mà thoả mãn lòng tham không đáy của đám người trần mắt thịt.

 

Ở Mỹ, những dịp cưới hỏi hay ma chay, giỗ chạp là những sự kiện riêng tư. Họ tổ chức đơn giản, trang trọng và chỉ mời những người thật sự có ý nghĩa với họ.

 

Ở Việt Nam, ma chay hiếu hỷ cưới xin là những dịp tốt để làm rùm beng tốn kém vừa để chứng tỏ với thiên hạ vừa để kiếm tiền mừng.

 

Ở Mỹ, người ta dạy trẻ con cách tự lập, cách ứng xử giao tiếp, cách bảo vệ bản thân không bị xâm phạm, cách thoát hiểm… những kỹ năng thật tế con người cần để tồn tại và phát triển trong xã hội.

 

Ở Việt Nam, người ta nhồi vào đầu bọn trẻ một mớ kiến thức cao siêu nhưng vô dụng, với đích đến là những bằng cấp.

 

Ở Mỹ, người ta đánh giá trí thông minh và năng lực của con người qua sự sáng tạo, phát minh và đóng góp cho xã hội. Anh là ai không quan trọng, miễn sao anh có đóng góp cho xã hội thì anh sẽ được sự công nhận và tưởng thưởng xứng đáng.

 

Ở Việt Nam, năng lực của con người được đánh giá qua gốc gác, sự khôn lỏi ma lanh và khả năng dùng thủ đoạn để thăng tiến. Đóng góp cống hiến là chuyện hết sức xa vời.

 

 

 

Lối sống thật tế và lối sống thực dụng không hề giống nhau mặc dù chúng dễ hay nhầm lẫn. Lối sống thật tế mang đến những sự phồn vinh vững mạnh và lâu dài vì nó được xây dựng trên nền tảng vững chắc của những giá trị thật.

 

Ngược lại lối sống thực dụng triệt tiêu và đảo lộn những giá trị thật tiễn để tạo ra cái lợi nhỏ trước mắt, để lại những tác hại khôn lường. Chọn lối sống thực dụng, chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho lựa chọn thiếu sáng suốt này.

 

KS. Minh Bình cập nhật

Nguồn: trithucvn.net, ngày 06/11/2017.

 

 

 

Thật tế – Thực dụng

 

 

Các bài liên quan