Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / NGHI THỨC CÚNG NGỌ
NGHI THỨC CÚNG NGỌ
KS. Minh Bình
A. DẪN NHẬP:
Phật pháp tại nhân gian khi lưu hành phổ biến ắt phải có những phương tiện thích hợp. Nếu như người đời đã xem miếng ăn lớn bằng trời (dân dĩ thực vi thiên) thì người tu hành ắt phải cẩn trọng sự ăn uống. Trải qua mấy ngàn năm sinh tồn, nhân loại đã tạo ra nhiều văn hóa ăn uống đặc sắc. Nhưng văn hóa ẩm thực chân chính ắt phải dựa vào đạo đức mà xét.
Từ ngàn xưa, các nhà sư đã tập sống theo gương đức Phật Thích-ca Mâu-ni và các bậc Thánh hiền Tăng. Các vị ấy thường chú trọng nuôi dưỡng tâm linh trí giác hơn là nuôi dưỡng thân xác vật chất. Nên hàng ngày họ chỉ ăn một bữa để nuôi thân sống tạm, còn bao nhiêu thời gian đều dành cho sự học và tu. Mà ngay trong bữa ăn vào giữa trưa, bữa chính của một ngày, các nhà sư đã làm cho nó trở nên bữa ăn tâm, bữa ăn các món pháp hỷ và thiền duyệt, bằng một nghi thức tạm gọi là Nghi thức cúng ngọ.
Nghi thức cúng ngọ của Phật giáo Khất Sĩ đã được định hình từ thời Tổ sư Minh Đăng Quang lập đạo vào cuối thập niên 1940 tại miền Nam Việt. Nội dung của nghi thức đó được trình bày qua Chơn lý số 18 – Bài Học Khất Sĩ. Nghi thức vốn giản dị, còn nội dung thì sâu sắc. Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu về Nghi thức cúng ngọ trong Chơn lý số 18.
B. NGUYÊN VĂN PHẦN ĐẦU CHƠN LÝ SỐ 18 – BÀI HỌC KHẤT SĨ:
I. CÚNG DƯỜNG TAM BẢO
Cầu xin cho lễ cúng dường này, đến với đức Như Lai, xin Phật chứng minh.
Cầu xin cho lễ cúng dường này, đến với chư Bồ-tát, xin Tăng chứng minh.
Cầu xin cho lễ cúng dường này, đến với chư Phật Pháp Tăng, xin Tam Bảo chứng minh.
II. KHUYẾN KHÍCH
Những ai hết lòng, ân cần cung cấp, thức ăn vật uống cho chư đệ tử của Phật, và làm phải cho mọi người, cao thượng hơn lòng bỏn sẻn và tánh tư vị, thì sẽ hưởng được sự vui sướng thanh nhàn, đời đời kiếp kiếp ở cảnh thượng thiên.Mấy người ấy sẽ chứng đủ các quả đạo lành, sẽ được hân hạnh về đạo lý, sự khoái lạc hoàn toàn.Các vị ấy sẽ sanh lên cõi trời, để hưởng sự sung sướng và nhàn lạc luôn luôn.
III. CHỨNG MINH
Tín chủ cúng dường Phật Pháp Tăng
Chứng minh công đức nhờ Tam Bảo
Chú tâm nguyện độ thiện duyên này
Tín chủ đời đời thêm phước báu.
Sở cầu, sở ý đều thành tựu
Tín nhớ, hạnh y, nguyện trở về
Nay mới gieo nhơn, nhơn chánh giác
Sau này chứng quả, quả Bồ-đề.
Đây thể lòng từ Phật Pháp Tăng
Vì tâm thành kính biết ăn năn
Đem cho tín chủ phước thanh tịnh
Xin lấy cho mình nghiệp khó khăn.
Tín chủ từ đây đặng nhẹ nhàng
Bến mê thoát khỏi chốn lầm than
Tiêu diêu khoái lạc y Tam Bảo
Đắc quả kiếp nay thành Phật đạo.
IV. CẦU NGUYỆN
Phước cúng dường này của tín chủ
Tam nghiệp thanh tịnh,định huệ tu
Tánh cũ tự mình gồm chứa đủ
Tây phương an dưỡng hưởng thiên thu.
Phước cúng dường này của chư linh
Dứt tiêu tội chướng,thoát vô minh
Sám hối ăn năn,tâm niệm Phật
Tây phương cực lạc đắc siêu sinh.
Phước cúng dường này của bá tánh
Cầu an tai nạn đặng muôn lành
Phát nguyện tu hành thành chánh giác
Tây phương tịnh độ chỗ vãng sanh.
V. CHÚ NGUYỆN
Chú tâm nguyện độ cả thảy chúng sanh
Kẻ thác siêu thăng, người còn thơ thới
Biển ái yên lặng, sông mê trong sạch
Pháp giới chúng sanhđồng tròn quảtrí
Nguyện khắp tín thíruộng phước thêm gieo
Có tình, không tình đều thành Phật đạo.
Kính lạy cõi Tăng-già Tây phương giải thoát.(1 lần)
Kính lạy cửa Khất Sĩ đường Như Lai.(1 lần)
Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời.(3 lần)
VI. THỌ BÁT
Bát cơm tín chủ biết bao công
Đức hạnh đầy vơi tự xét lòng
Thỏa miệng thích tình tham quấy bỏ
Nuôi thân hành đạo thuốc lành dùng
Toan vun chánh pháp cho thành tựu.
Nguyệt dứt ác duyên thoáng sạch không
Nguyện các việc lành làm tất cả
Nguyện xin độ tận chúng sanh chung.
VII. LỤC HÒA
Thân cùng nhau hòa hiệp ở chung
Miệng không tranh đua cãi lẫy
Ý ưa nhau,không trái nghịch
Giới luật đồng cùng nhau tu theo
Kiến thức riêng chỉ giải cho nhau
Tứ sự chia đồng với nhau.
VIII. SAU KHI ĐỘ CƠM XONG
Nguyện cầu cả thảy chúng sanh đồng đặng đủ đầy trọn xong Phật sự. (3 lần)
IX.(Nếu có đọc kinh hay thuyết phápthì tại khoản này.)
X. CHÚ NGUYỆN
Chú tâm nguyện độ mười phương
Kẻ âm siêu thoát, người dương nhẹ nhàng
Cõi đời biển ái lặng trang
Sông mê trong vắt, sóng annước bình
Khắp cùng pháp giới chúng sanh
Gieo mầm giống huệ, viên thành quả chơn
Nguyện cầu tín thí công ơn
Phước điền rộng đức, huệ sơn cao tài
Hữu tình:nhơn,vật,các loài
Vô tình:bụi, đất, đá, cây bao đồng
Thảy đều đắc quả thành công
Cả nên Phật đạo hiện trong kiếp này.
Kính lạy cõi Tăng-già Tây phương giải thoát. (1 lần)
Kính lạy cửa Khất Sĩ đường Như Lai.(1 lần)
Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời.(3 lần)
C. PHÂN TÍCH:
I. Nhận xét khái quát:
Nghi thức cúng ngọ của Phật giáo Khất Sĩ mang nét đơn giản, trang nghiêm và đầy đủ ý nghĩa. Nghi thức cúng ngọ này gồm có 10 mục:
1. Cúng dường Tam Bảo 2. Khuyến khích
3. Chứng minh 4. Cầu nguyện
5. Chú nguyện 6. Thọ bát
7. Lục hòa 8. Sau khi độ cơm xong
9. Đọc kinh và thuyết pháp 10. Chú nguyện.
Các bài cúng ngọ của Phật giáo Khất Sĩ đa phần là những bài kệ bằng tiếng Việt ở thể Thất ngôn, Bát ngôn, Song thất lục bát hay Lục bát, nên dễ đọc, dễ hiểu và dễ đi vào lòng người nghe. Và chư Tăng, Ni khất sĩ thật hiện nghi thức cúng ngọ tại mỗi tịnh xá đạo trường đã toát lên một phong thái giản dị, gần gũi, thấm đượm tình đạo. Cách thức tụng tập thể của các vị khất sĩ không cầu kỳ, đem đến nhiều sự cảm thông sâu sắc nơi những người cư sĩ tham gia buổi cúng hay chứng kiến được buổi cúng đó.
Với 10 mục của một nghi thức cúng dài khoảng bốn trang trung bình, phải nói rằng nghi thức cúng ngọ của Phật giáo Khất Sĩ gọn. Nghi thức này chỉ dài trong khoản thuyết pháp để báo đáp lại những người tín chủ đã cúng dường bữa trưa mà thôi. Ngày nay, phần thuyết pháp này thường chỉ kéo dài khoảng 30 phút. Phần thuyết pháp này đã giữ lại được truyền thống của Phật, Tăng xưa và đồng thời đã chứng minh được đó là một việc tốt đẹp: trước khi ăn, người Phật tử nên đem hương đạo, vị đạo mà nêm vào các món ăn của mình!
II. Phân tích:
1. Cúng Dường Tam Bảo:
Với lòng hiếu thảo của người con Phật thì trước hết chúng ta hãy dâng cúng bữa ăn lên Tam Bảo:
“Cầu xin cho lễ cúng dường này đến với đức Như Lai, xin Phật chứng minh.
Cầu xin cho lễ cúng dường này đến với chư Bồ-tát, xin Tăng chứng minh.
Cầu xin cho lễ cúng dường này đến với chư Phật, Pháp, Tăng, xin Tam Bảo chứng minh.”
Đầu tiên, các sư cúng dường đức Thích-ca Như Lai. Cúng dường đức Thích-ca là dĩ nhiên, bởi ngài là đại diện cho ngôi Phật bảo ở cõi Ta-bà. Nhưng đức Thích-ca không trực tiếp thọ nhận lễ cúng dường đó.
Kế đến, các sư cúng dường chư Bồ-tát. Tại sao lại cúng dường cho chư Bồ-tát, chứ không phải là cúng dường ngài Giám trai sứ giả Tân-đầu-lô Phả-la-đọa-xà như các chùa hay làm? – Chư Bồ-tát thường hành đồng sự nhiếp, làm Tăng ở gần chúng sanh để tiện giáo hóa. Các bậc ấy sẽ thọ nhận những phẩm vật cúng dường, khiến người cúng được thành tựu phước lành. Nên cúng chư Bồ-tát thì xin Tăng chứng minh. Chư Bồ-tát đây là các bậc Thánh Tăng, các bậc ứng cúng.
Và sau cùng, các sư cúng dường chung cho Tam Bảo, gồm cả hàng phàm Tăng. Bình đẳng cúng dường lên Tam Bảo là đúng, nhưng Pháp bảo có phải là một đối tượng không? Cúng một bữa ăn cho Pháp bảo là sao? – Pháp bảo không phải là một đối tượng, không thọ nhận lễ vật cúng dường, thì Pháp bảo sẽ chứng minh cho pháp cúng dường. Vậy cúng dường một bữa ăn cho Pháp bảo lại càng có ý nghĩa.
2. Khuyến Khích:
Trong Luật tạng, những lời này là của đức Phật nói với bà Visakha để chứng minh và khuyến khích bà không thối chuyển trong hạnh bố thí của mình, nhân dịp bà phát nguyện thường dâng cúng tám món lên chư Tăng Ni:
– Cúng đồ ăn cho các sư ở xa mới đến Tịnh xá Kỳ Viên
– Cúng đồ ăn cho khách của Tịnh xá Kỳ Viên
– Cúng đồ ăn cho các sư bệnh
– Cúng thuốc cho các sư bệnh
– Cúng đồ ăn cho sư chăm sóc các sư bệnh
– Cúng cháo cho mấy sư già, bệnh
– Cúng chăn tắm cho chư Tăng
– Và cúng chăn tắm cho chư Ni
(Tích giới 27 trong 30 Giới Phá Sự Thanh Bần của nhà sư.)
3. Chứng Minh:
Chứng minh là làm chứng cho việc cúng dường và làm sáng tỏ đạo lý cúng dường (chứng kỳ sự, minh kỳ lý). Bài Chứng Minh có bốn khổ thất ngôn tứ tuyệt, mà có khi chỉ đọc khổ đầu thay cho cả bài:
Tín chủ cúng dường Phật, Pháp, Tăng
Chứng minh công đức nhờ Tam Bảo
Chú tâm nguyện độ thiện duyên này
Tín chủ đời đời thêm phước báu.
Nguyện cho tín chủ đời đời thêm phước báu có phải là quá không? Cúng dường Tam Bảo là nhân thiện, do nhân thiện sanh quả thiện là đúng rồi, dù Tam Bảo là ruộng phước vô thượng ở thế gian thì người cúng cũng khó được phước đời đời. Nguyện vậy là nguyện cho tín chủ được sống trong thiện pháp, cũng là một lời khuyến khích người cứ hành thiện mãi, để được hưởng quả thiện mãi. Nguyện vậy là các nhà sư sẽ cố gắng độ cho nhà thiện duyên này được tu đắc quả, do đạo quả mà đời đời thêm phước báu…
Phước báu là những phước gì? Lòng không tham lam keo kiết, biết săn sóc ủng hộ chư Tăng tu hành, sẽ được hưởng phước lành ở cõi người, cõi trời. Khi đó không còn phải cực khổ kiếm ăn từng bữa, không còn phải sớm hôm đem mồ hôi đổi lấy từng bát cơm, thì đúng thật là có phước lành. Có phước lành, sống rảnh rang, không lo ăn mặc mỗi ngày, muốn làm gì là có phương tiện, cũng sướng. Tuy vậy, các phước hữu lậu chưa phải là phước báu. Chỉ có Niết-bàn mới là chơn phước cực đại, mới là phước báu.
Sở cầu, sở ý đều thành tựu
Tín nhớ, hạnh y, nguyện trở về
Nay mới gieo nhơn, nhơn chánh giác
Sau này chứng quả, quả Bồ-đề.
Nay nguyện cho người cúng dường được sở cầu, sở ý đều thành tựu, mà nó gồm tín, hạnh, nguyện chứ không phải là mọi sở cầu, sở ý linh tinh. Niềm tin Phật pháp, y pháp tu hành, và phát nguyện để định hướng cho sự tu là tín, hạnh, nguyện. Như có người đem cúng dường Bồ-tát Quan Âm một nải chuối xanh và cầu được trúng số độc đắc, dù Bồ-tát Quan Âm là cổ Phật thị hiện, có sức cảm ứng vô cùng, thì sở cầu đó của người cũng chẳng thành. Làm gì có chuyện một nải chuối đổi được hai tỷ đồng! Sự cúng dường của người sẽ là duyên, là cớ đến với nhà Phật, mà nhân của nó hãy là tâm chánh giác, vì Phật pháp mà đến. Do nhân chánh giác sau này chứng quả Bồ-đề. Khi nhận sự cúng dường các nhà sư đã khéo léo gợi ý, định hướng cho tín chủ như thế.
Đây thể lòng từ Phật Pháp Tăng
Vì tâm thành kính biết ăn năn
Đem cho tín chủ phước thanh tịnh
Xin lấy cho mình nghiệp khó khăn.
Trong bài Chứng Minh, câu “Xin lấy cho mình nghiệp khó khăn” có nơi đổi thành “Xin giải cho người nghiệp khó khăn”. Nhưng hai câu:
Đem cho tín chủ phước thanh tịnh
Xin lấy cho mình nghiệp khó khăn
Được hiểu như thế này: Các sư mỗi ngày chịu khó đi khất thực mà sống, lấy thân làm ruộng phước cho người gieo trồng giống phước. Như vậy các sư đã từ bi trợ duyên cho người đời, hễ ai thành kính đối với nhà Phật và cúng dường ít nhiều gì cũng được phước lành trong đời này, đời sau. Với ý nghĩa đó, đổi câu cuối thành “Xin giải cho người nghiệp khó khăn” lại là không thích hợp.
Tín chủ từ đây đặng nhẹ nhàng
Bến mê thoát khỏi chốn lầm than
Tiêu diêu khoái lạc y Tam Bảo
Đắc quả kiếp nay thành Phật đạo.
Do bố thí cúng dường chư Tăng mà tín chủ được kết duyên với Tam Bảo. Hễ quy y Tam Bảo, theo Tam Bảo tu hành, thì tín chủ sẽ được đắc quả, thoát khỏi chốn lầm than, và thành Phật đạo về sau.
4. Cầu Nguyện:
Bài Cầu Nguyện nói lên những sở cầu cao quý mà Tăng, Ni khất sĩ cầu cho tín chủ, chư linh và bá tánh (trăm họ, mọi người). Bài này đã nêu lên ba Tây phương: Tây phương an dưỡng, Tây phương cực lạc và Tây phương tịnh độ. Thật ra cả ba đều là một, nhưng cách dùng từ như thế đã giúp mọi người hiểu được triết lý “Tây phương” mà Phật pháp muốn dạy. Trong Giáo pháp Khất sĩ, “Tây phương” là một triết lý, chỉ về một phạm vi không gian tinh thần, một pháp giới. Cõi ấy là tịnh độ, là xứ cực lạc, là chỗ an dưỡng cho chúng sanh muôn loại.
Trong bài có từ “Tánh cũ” là bổn tánh mà ai cũng có, ai cũng đầy đủ. Tánh cũ này ở Thánh không thêm, ở phàm chẳng bớt, siêu thoát căn trần, chẳng thuộc thứ lớp.
Khổ đầu, quý sư cầu cho tín chủ được ba nghiệp thân, miệng, ý trong sạch, siêng tu định và huệ, đắc được tánh cũ (thấy mình từ xưa đã là Phật), thiên thu hưởng phước lành ở Tây phương an dưỡng. Khổ kế, quý sư cầu cho chư linh được tiêu tội chướng, thoát vô minh, biết ăn năn lỗi lầm, biết niệm Phật. Do đó chư linh, các vong sẽ được siêu sinh về Tây phương cực lạc. Khổ cuối, quý sư cầu cho bá tánh được tai qua nạn khỏi, phát tâm tu hành, thành chánh giác, hiện đời thấy mình sanh qua Tây phương tịnh độ.
5. Chú Nguyện:
Trong năm câu kính lạy ở cuối bài, câu đầu là lạy Tăng bảo: “Kính lạy cõi Tăng-già Tây phương giải thoát” (thêm một Tây phương); câu kế là lạy Pháp bảo: “Kính lạy cửa Khất Sĩ đường Như Lai”. “Cửa Khất Sĩ đường Như Lai” dịch ra Hán âm là “Khất Sĩ môn Như Lai đạo”. Tuy Tổ sư Minh Đăng Quang lập môn phái Khất Sĩ, nhưng ngài không cho phép đệ tử chấp thủ vào môn phái, cho nên “cửa Khất Sĩ” ở đây chính là Pháp bảo và “đường Như Lai” cũng chính là Pháp bảo. Còn ba câu cuối là “Kính lạy chư Phật, Pháp, Tăng mười phương ba đời”. Mười phương gồm có: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, phương trên và dưới. Ba đời gồm có: quá khứ (đi qua), hiện tại (hiện ở) và vị lai (chưa đến). Mười phương ba đời nghĩa là khắp không gian và khắp thời gian, không giới hạn nơi pháp lý Đại thừa hay Tiểu thừa, không cục bộ trong môn phái Nam truyền hay Bắc truyền, không thiếu sót về các cấp độ giáo pháp, tận thiện cả ba giai đoạn sơ, trung, hậu; viên mãn từ quá khứ đến hiện tại và vị lai, trọn lành như pháp.
6. Thọ Bát:
Trước khi thọ nhận những phẩm vật mà đàn-na tín thí dâng cúng, các vị khất sĩ có một bổn phận đạo đức là phải nhắc nhở cho mình nhớ ý nghĩa của bữa ăn đó. Ý nghĩa của một bữa ăn do thí chủ dâng cúng cho vị khất sĩ được gói gọn trong Ngũ quán, trong năm điều cần quán tưởng. Rồi nhân đó, vị khất sĩ một lần nữa nêu lên ba điều căn bản của Phật pháp, cũng là ba việc mà mọi đệ tử Phật thường nguyện sẽ làm không ngừng nghỉ cho đến khi nào đắc được quả Bồ-đề tối thượng. Đề khởi lên ba việc đó gọi là Tam đề. Bài Thọ Bát đã được viết ra với hai nội dung Ngũ quán và Tam đề như sau:
Bát cơm tín chủ biết bao công
Đức hạnh đầy vơi tự xét lòng
Thỏa miệng, thích tình, tham quấy bỏ
Nuôi thân hành đạo thuốc lành dùng
Toan vun Chánh pháp cho thành tựu.
Nguyện dứt ác duyên thoáng sạch không
Nguyện các việc lành làm tất cả
Nguyện xin độ tận chúng sanh chung.
Hiện nay, Phật giáo Khất Sĩ có ba bài Thọ bát nhưng phổ biến nhất là bài này, được sử dụng ngay từ những năm đầu Tổ sư Minh Đăng Quang lập đạo. Bài Thọ Bát thứ II được nêu lên ở cuối Chơn lý 18, dài 26 câu, viết tương đối hay, đọc lên nghe thiệt cảm động:
Bát cơm ai sắm cực lòng
Ta ăn phải nhớ tầm công ơn người
Vì nguồn sống phải mượn hơi
Cũng như chén thuốc chữa vơi bệnh tình
Rán tu trước độ thân mình
Sau lo độ tận chúng sanh mê lầm…
Chính những bài thơ đạo như thế này đã góp phần đem lại những thành công lớn của Phật giáo Khất Sĩ. Trong bài Thọ Bát thứ II, các nội dung Ngũ quán và Tam đề đã được linh hoạt diễn giải rộng thêm. Câu “Thảo lòng nhịn miệng kỉnh thành kính dâng” nên sửa là “Thảo lòng nhịn miệng kỉnh thành cúng dâng” thì hay hơn…
Và bài Thọ bát thứ III vốn là bài Lạc Đạo Thi của pháp sư Từ Thiện viện chủ Tịnh xá An Lạc – Long Hải, từ năm 1956 đã được phổ biến bởi các vị khất sĩ theo đoàn Pháp sư Giác Nhiên:
Bát cơm vàng ngọc của đàn-na
Quyết chí tầm tu thoát ái hà
Sử dụng nhơn tình gieo giống Phật
Toàn bằng tâm ý niệm ba-la.
Cơ thiền quán đạt thông muôn pháp
Lý tánh gồm chung hợp một nhà
Trợ đạo, giúp đời, hồi hướng chúng
Vạch bầu tam giới bước chân ra.
Bài Thọ bát thứ III có các từ “đàn-na” nghĩa là “người bố thí cúng dường”, “ái hà” là “sông thương” (Khi tâm thương khởi, nhiều nước mắt, nước sữa, nước miếng, nước dịch chảy ra, cho đến thủy tai của thế gian cũng được chiêu cảm từ nghiệp ái lớn lao của chúng sanh.), “ba-la” tức là “ba-la-mật”, là “rốt ráo”. Câu cuối của bài này đã được trình bày theo tư tưởng của Thanh văn đạo. Tư tưởng này cao thượng và chân chánh đối với hầu hết chúng sanh đang lẩn quẩn trong tam giới. Đối với hàng Bồ-tát thì không đặt vấn đề là ra hay vô. Bởi vì tam giới là ứng theo tâm chúng sanh mà có, những cái có không thật, nên điều cần nhất là giác ngộ được tâm và làm chủ được vạn pháp, để có thể tự tại dạo khắp Ta-bà, khắp các pháp giới như đức Quán Âm đại sĩ.
Trong bộ Chơn Lý xuất bản năm 1993, bài kệ Thọ bát thứ III được in dưới tấm hình Tổ sư đang thọ trai. Trong bài kệ, câu “Xử dụng nhơn tình gieo giống Phật” hơi nguy hiểm, phải có thêm câu sau thì câu này mới đủ nghĩa: “Toàn bằng tâm ý niệm ba-la”. Phải hiểu vấn đề “xử dụng nhơn tình” chỉ giới hạn ở cảnh chư Tăng đệ tử Phật sống y theo Phật, thiểu dục tri túc về ăn, mặc, ở, bệnh, mỗi ngày đi khất thực hóa duyên… hàng cư sĩ thấy vậy mến mộ, nên ủng hộ, thân cận học hỏi, nhờ vậy được thấm nhuần Phật pháp. Nhơn tình là như vậy chớ không phải là mọi thứ nhơn tình linh tinh. Cái nhơn tình đó khế hợp với những ý đạo: người cúng dường với lòng mến mộ trong sạch, người thọ nhận với chí nguyện tinh tấn tu hành, cả hai đều không lỗi đạo.
7. Lục Hòa:
Lục hòa là sáu pháp hòa thuận trong đời sống tu tập hàng ngày của các nhà sư mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã dạy. Duyên khởi của pháp Lục hòa là do đời sống hòa hợp tốt đẹp của ba tôn giả A-na-luật, Kim-tỳ-la và Bạt-đề. Chứng kiến bầu không khí ấm cúng trong đời sống chung của ba đệ tử, đức Phật đã tán thán và dạy cho các đệ tử khác của ngài cũng sống như vậy. Từ đó Lục hòa là lối sống đặc trưng của Tăng đoàn Phật giáo. Sở dĩ sáu pháp hòa hợp thường được nhắc đến hàng ngày, trong mỗi bữa ăn, vì chúng rất cần thiết cho sự ổn định tu học lâu dài của các vị khất sĩ. Phiên âm Hán – Việt của sáu pháp này là:
Thân hòa đồng trụ
Khẩu hòa vô tranh
Ý hòa đồng duyệt
Giới hòa đồng tu
Kiến hòa đồng giải
Lợi hòa đồng quân.
Việt dịch là:
Thân cùng nhau hòa hiệp ở chung
Miệng không tranh đua cãi lẫy
Ý ưa nhau không trái nghịch
Giới luật đồng cùng nhau tu theo
Kiến thức riêng chỉ giải cho nhau
Lợi quyền chia đồng với nhau.
Thân hòa là không đánh nhau. Miệng hòa là không xiên xỏ, cãi lẫy. Ý hòa là ưa nhau, nhìn nhau với ánh mắt tự nhiên. Giới hòa là đồng tu giới, không ai làm Tăng cá biệt. Kiến hòa là không chia rẽ về tư tưởng. Lợi hòa là cùng hưởng món ăn, vật mặc, đồ dùng, tứ sự của tín chủ dâng cúng.
8. Sau Khi Độ Cơm Xong:
Câu nguyện “Nguyện cầu cả thảy chúng sanh đồng đặng đủ đầy trọn xong Phật sự.” được lặp lại ba lần sau khi đã độ cơm xong, đã rửa miệng, rửa tay, uống nước và đậy nắp bát. Nội dung của câu nguyện này chính là bài hồi hướng sau khi người Phật tử vừa làm xong một công đức:
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
Hồi hướng nghĩa là hướng trở lại chơn lý, không đuổi theo việc vừa làm, không chấp pháp. Hồi hướng là sự định hướng cho nhân vừa tạo sẽ thành quả theo cách nào. Người Phật tử khi làm được công đức gì đều hồi hướng về Phật quả cả. Nhưng câu hồi hướng trên trong Nghi thức cúng ngọ có phần đặc biệt: một là không kể đến công đức vừa làm, hai là không nhắc đến người làm, ba là xác định “Phật sự” chứ không phải “Phật đạo”. Vậy nội dung của câu nguyện sau khi độ cơm xong chính là một câu hối hướng triệt để, đó là làm việc gì cũng đều với tinh thần “trọn xong Phật sự”.
Phật sự là việc Phật, đó là việc gì? – Giác ngộ chơn lý, an trú Niết-bàn, giáo hóa chúng sanh, rải tâm từ bi khắp vũ trụ, hằng ủng hộ cho mọi thiện pháp, thường xem chúng sanh nào hữu duyên tế độ, đem thân làm ruộng phước cho đời… chính là Phật sự. Nhưng việc Phật thì Phật biết rõ hơn người khác, đâu đợi ta nói. Nên việc Phật trong lời nói của chúng ta có nghĩa là việc ý nghĩa nhất, viên mãn nhất.
Khi vừa độ ngọ xong là vừa xong một thời khóa tu: tu ăn. Sự tu đó là một Phật sự chăng? – Nếu ăn như chơn lý thì ăn cũng là một Phật sự. – Chính mình vừa xong một Phật sự, thì cầu cho cả thảy chúng sanh là sao? Thử hỏi chúng sanh gà, vịt, heo, chó… có thể trọn xong Phật sự sao? – Không phải do mình cầu mà chúng sanh được trọn xong Phật sự. Lời cầu nguyện này cũng là chuyện của mình mà thôi.
Tất cả các pháp không trái Phật pháp
Mà ta không biết, tùy dòng vô minh
Vậy nên ở trong Bồ-đề thấy chẳng thanh tịnh
Ở trong giải thoát mà khởi trói buộc.
(Nhất thiết chư pháp vô phi Phật pháp
Nhi ngã bất liễu, tùy vô minh lưu
Thị tắc ư Bồ-đề trung kiến bất thanh tịnh
Ư giải thoát trung nhi khởi triền phược.)
Vốn là không có gì đáng nói mà lại thành có đủ chuyện phức tạp. Một câu nguyện này đã hóa giải tất cả, thật là một câu chú tối thượng! Trong nhà Phật, ba lần lặp lại là đã thành nghiệp, là pháp yết-ma đã thành vậy.
9. Đọc Kinh Và Thuyết Pháp:
Trong Chơn Lý, Tổ sư Minh Đăng Quang xếp phần này vào mục thứ IX, sau khi đã dùng cơm xong. Điều này là đúng theo cách sinh hoạt của nhà Phật trong thời đức Phật Thích-ca còn tại thế. Nhưng có lẽ tâm đạo của người thời nay khác với người thời xưa, cũng như để tiện cho những công việc thế tục của hàng cư sĩ, nên hiện nay phần này đã được chuyển lên trước khi thọ bát, thành mục thứ VI.
10. Chú Nguyện:
Bài Chú Nguyện này nên gọi là bài Phục Nguyện để phân biệt với bài ở mục 5. (“Phục nguyện” là “lại nguyện nữa”.) Nội dung bài này tương đồng bài Chú Nguyện trước, nhưng ở thể Lục bát:
Chú tâm nguyện độ mười phương
Kẻ âm siêu thoát, người dương nhẹ nhàng
Cõi đời biển ái lặng trang
Sông mê trong vắt, sóng an nước bình…
Có một lần sư Minh Thể đến hỏi: “Không hiểu sao đất đá vô tình cũng có thể thành Phật?”. Từ khi xuất gia, mỗi ngày theo chúng thọ trai, đọc bài Phục Nguyện đến đoạn:
Hữu tình:nhơn,vật,các loài
Vô tình:bụi, đất, đá, cây bao đồng
Thảy đều đắc quả thành công
Cả nên Phật đạo hiện trong kiếp này.
Quả thật đạo lý Vô tình thành Phật cần phải được giải thích. Trong nhà Phật, đối với Thanh văn pháp thì điều này là bất khả, còn đối với Phật pháp thì điều này lại có thể. Bởi đạo nhãn của bậc A-la-hán chỉ thấy được 80.000 kiếp quá khứ và 80.000 kiếp vị lai, nên các ngài không thấy được vô tình thành Phật. Tứ đại có mầm sống, dần dần sẽ nẩy sanh thọ cảm, rồi chuyển kiếp tiến hóa, nếu may mắn được tiến hóa đúng đường thì cũng có thể thành Phật, nhưng quá trình đó rất lâu dài.
Điều đáng nói là tại sao phải cầu cho hữu tình và vô tình đều thành Phật trong kiếp này? Nên biết điều cầu nguyện này không phân biệt người cầu với đối tượng được cầu, mà chỉ nêu lên chơn lý. Trong sự giác ngộ viên mãn, thấy ra tâm là Phật, thì thấy tất cả chúng sanh đồng thành Phật theo ánh giác đó. Nguyện là một cách diễn giải đạo lý, tâm nguyện chủ quan không khác đạo lý khách quan.
Nói chung chúng sanh bản chất là Phật, nhưng đáng tiếc trong thật tế chúng sanh đều đang chiêm bao, nhận mình là chúng sanh này nọ… Nay ta được học điều này, nghe qua lời người nói, chứ ta chẳng thật biết như thế. Hiện tại ta vẫn là một ông Phật đang chiêm bao, chỉ thấy mình là chúng sanh!
III. Pháp hành trì:
Cúng ngọ là một pháp tu, là một thời khóa công phu được quy định trong Niết-bàn thời khắc biểu của vị khất sĩ. Ngày đêm sáu thời hành đạo của vị khất sĩ được Tổ sư Minh Đăng Quang quy định trong Chơn lý số 11 – Luật Khất Sĩ như sau:
NIẾT-BÀN THỜI KHẮC BIỂU – TRÚ DẠ LỤC THỜI
1. 5 giờ tới 6 giờ sáng: Thiền định
2. 8 giờ tới 9 giờ sáng: Khất thực
3. 11 giờ tới 12 giờ trưa: Thực thời
4. 3 giờ tới 4 giờ chiều: Thuyết pháp
5. 6 giờ tới 7 giờ chiều: Thiền định
6. 12 giờ đến 1 giờ khuya: Thiền định.
Thời Tổ sư dẫn chúng tu tập, thầy trò buổi sáng đi bát xin ăn, đến trưa dọn ra cúng nghiêm túc, xong xớt các thứ vào bát vừa đủ dùng, trộn lộn xộn lại, rồi cùng múc cơm ăn. Các vị ngồi trang nghiêm, một tay vịn bát để sát chân, một tay cầm muỗng, múc cùng lúc, đưa lên miệng cùng lượt… Ban đầu các vị khất sĩ tu pháp Chánh mạng như thế, một cách thức sống của người tu, chẳng có gì là lớn lao hay nhỏ nhặt. Hồi nào theo đời tùy tiện phóng túng ăn uống, nay nên tập sống Chánh mạng như chư Phật.
Hồi ngài Thượng tọa Giác Chánh dẫn chư Tăng đi hành đạo ở các vườn nhãn dưới Vĩnh Châu, Bạc Liêu sau Giải phóng, nhiều lần thầy trò thọ trai xong đứng dậy là bốn giờ chiều! Trong Niết-bàn thời khắc biểu quy định thực thời chỉ có một tiếng sao các ngài lại thọ trai lâu thế? Đây là hạnh giải thoát khỏi mọi sự vọng động của thân, khẩu, ý ba nghiệp chăng? Các ngài cúng thong thả, im lặng ăn thật chậm, xong nói chuyện đạo lý với nhau, nên khi đứng dậy là hết năm tiếng. Chắc rằng sinh hoạt như vậy không phải là thường pháp.
Lại nghe kể, hồi đó Tổ bảo sư Giác Tịnh hướng dẫn chúng về các oai nghi như thọ trai, đi đứng… Đến khi dẫn chúng ăn cơm, sư Giác Tịnh đã kẹp trong nách tay cầm muỗng một hạt đậu xanh, múc cơm ăn sao cho hạt đậu không rơi xuống! Nói cho ngay, đây chỉ là cách của sư Giác Tịnh tập sự trang nghiêm thôi. Sau này ra Trung lập giáo đoàn, trưởng lão Giác Tịnh chẳng làm như thế.
Quy chiếu giới định huệ về dục thì giới là thiểu dục, định là ly dục, huệ là thắng dục. Nếu “dục” là “miếng ăn”, thì giới là ăn ít, định là không lo nghĩ ăn uống, huệ là khéo dùng ăn làm Phật sự. Vậy mỗi ngày cúng ngọ, thọ trai, xong đứng lên mà thấy hoan hỷ, an ổn, tín tâm thêm kiên cố, đạo lý tu hành thêm thông suốt… thì xem như hôm đó tu đúng pháp, có cảm ứng tốt. Bằng ăn xong đứng dậy cười nói hỷ hả, tay xách tay ôm, mồ hôi ướt đẫm ba y, bụng nặng, đầu lâng lâng buồn ngủ… thì hôm đó đã tu cúng ngọ sai pháp rồi. Hoặc nói đơn giản hơn, nếu sư nào còn nặng lòng ăn uống, còn sợ đói, sợ ăn không đủ sẽ bị ốm… thì giới định của sư đó còn kém vậy. Mà hễ còn chấp miếng ăn như thế thì nói gì đến việc thắng miếng ăn.
Các vị khất sĩ phàm Tăng đang còn sống với thân tứ đại, mỗi ngày đều phải ăn, vậy chi bằng mỗi giờ ăn là một giờ tu, để cho được tu trong mọi lúc. Ăn đã là chuyện lớn của người đời, vậy thì người xuất gia càng nên tu trong lúc ăn để sửa trừ những tập khí thế tục nào còn sót lại. Pháp ăn của vị khất sĩ được thể hiện trong nghi thức cúng ngọ và trong oai nghi ăn uống. Pháp đó đơn giản, nhẹ nhàng, và tạm có nghi thức cho đời cảm thông chứ thật ra các vị khất sĩ cũng chẳng lo cúng kiếng mỗi ngày làm chi. Tuy nhẹ nhàng nhưng nói chung cũng có đạo lý và phép tắt của người xuất gia, không được thô tháo, tham đắm…
D. KẾT LUẬN:
Do tham đắm vị trần mà chúng sanh đã tạo ra biết bao ác nghiệp. Cái gọi là văn hóa ẩm thực của nhân loại thật ra chỉ nằm trong phạm vi tham đắm vị trần mà thôi. Thật chẳng phải vô cớ mà dân gian đã có câu nói rằng:
Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu!
Thế nên chúng ta cần tu cái lưỡi. Người chú tâm tu sửa cái lưỡi là người không để lưỡi dẫn dắt vào những chỗ ngọt, bùi, chua, cay, đắng, chát, mặn, lạt, béo, thơm, nồng, giòn, bở, cứng, mềm, dai, dẻo… vô thường, giả dối. Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy chúng ta thường nên nếm pháp vị, nếm đạo lý, nếm quả Niết-bàn an lạc! Cách ăn này của vị khất sĩ là một văn hóa ẩm thực cao thượng, tinh khiết, trọn lành.
Đối với người tu hành, nhịn đói không ăn uống là khổ hạnh ép xác, còn ăn nhiều bữa và lựa món ngon như người đời lại là dung dưỡng xác thân. Không rơi vào thái quá và bất cập trong vấn đề ăn, hàng khất sĩ đi theo trung đạo của chư Phật, mỗi ngày khất thực và chỉ ăn một bữa chính vào buổi trưa, đồ ăn còn dư chẳng cất giữ. Còn buổi sáng các sư chỉ dùng nhẹ, sơ sài, nếu có người dâng cúng.
(10/2009, Lớp Sơ cấp Ngọc Thiền – Đà Lạt.)
Các bài liên quan
- BÁT-NHÃ THẬT TƯỚNG
- Trí Huệ
- BỐN PHẦN CHÁNH ĐỊNH
- Sám Hối
- PHÂN TÍCH CHƠN LÝ SANH VÀ TỬ
- Tri thị không hoa
- KIỂM TRA 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
- 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
- Pháp
- Có tà kiến
- Tin mừng cho Giáo pháp Khất sĩ
- TÌM HIỂU 13 PHẬT NGÔN
- Môn oai nghi Sa-di NGÀY NAY
- Ăn chay là TU CÁI LƯỠI
- Giáo lý Địa ngục trong Phật pháp
- KHÓA TU TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ 11
- Tìm về Chân Nguyên
- TÂM TOÀN GIÁC
- BÁO CÁO TỔNG KẾT KHÓA TU 10
- Nội quy và Thời khóa biểu của Khóa tu
- NGÀY THỨ 3 CỦA KHÓA TU THỨ 10
- CÁC PHÁP SANH DIỆT TRỐNG RỖNG
- Tịnh xá Lộc Uyển khai giảng lớp giáo lý năm 2013
- LỄ RA MẮT LỚP PHẬT HỌC ÁO TRẮNG
- Phân tích Kinh Diệt Lòng Ham Muốn
- TRUYỀN TAM QUY NGŨ GIỚI
- Minh Đăng Quang đại nguyện thành Phật
- 49 câu nguyện của đức Minh Đăng Quang
- Nghi thức Truyền giới Khất Sĩ năm 2012
- KINH DIỆT LÒNG HAM MUỐN
- TỔNG LUẬN VỀ GIỚI LUẬT
- GIỚI LUẬT KHẤT SĨ
- MỘT DẤU HIỆU KHỞI SẮC
- Hoằng pháp bằng Nghệ thuật Viết Chữ
- NHƯ LAI THANH TỊNH THIỀN
- NỘI SAN ĐUỐC SEN - số 09
- Nội san TÌM LẠI NGUỒN XƯA - 2009
- Các trang Web hiện nay của Phật giáo Khất SĨ
- HOẰNG PHÁP Ở VÙNG SÂU VÙNG XA
- HÌNH ĐÈN CHÂN LÝ & HÌNH ĐỨC BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA NÀY CHƯA ĐÚNG
- Nam-mô A-di-đà Phật !
- Pháp học Sa-di - 36 Pháp cú thuộc lòng
- Những Khóa Học Hè ở TX. Ngọc Nguyên - Ninh Gia
- LỜI CẨN BẠCH VỀ SỰ HÌNH THÀNH TRANG PHÁP HỌC
- BÀI HỌC SA-DI
- PHÁP THIỀN SỐ TỨC QUÁN
- Y BÁT KHẤT SĨ