Đạo phật khất sĩ / Lịch sử - Tổ chức / SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN của ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ
Bia ký:
ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
---------------------
A. KHAI NGUỒN:
Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với chí nguyện Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp. Tổ sư sinh trưởng tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1944, Ngài rời gia đình du phương tu tập từ Vĩnh Long đến Châu Đốc, từ Thất Sơn đến Hà Tiên. Thiền tâm thuần thục, trí tuệ tỏ thông, Ngài trực ngộ ý pháp Thuyền Bát-nhã rồi về tịnh tu tại làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. Năm 1946, Ngài tiếp tục du hóa ở Mỹ Tho, Gò Công, Long An, Thủ Thừa, Bến Lức, Phú Lâm, Chợ Lớn, Bà Chiểu… rồi đến khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Từ ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ 1954, Ngài đã vắng bóng đến nay (2007).
B. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN:
I. THỜI KHỞI THỦY (1944-1954):
Tâm nguyện sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ biệt truyền được Tổ sư Minh Đăng Quang phác họa và triển khai trên nền tảng tư tưởng dung hợp Nam Bắc tông Phật giáo, thể hiện bằng đời sống phạm hạnh của vị Sa-môn Khất sĩ, thực hành Cụ túc giới và Tứ y pháp trung đạo:
Nhứt biều thiên gia phạn Một bát cơm ngàn nhà
Cô thân vạn lý du Thân đi muôn dặm xa
Dục cùng sanh tử lộ Muốn thoát đường sanh tử
Khất hóa độ xuân thu. Xin độ tháng ngày qua.
Sau 10 năm hóa đạo, Ngài đã vắng bóng. Giáo lý cao thượng được Ngài truyền đạt lưu lại cho môn đồ được kết tập thành bộ Chơn Lý. Tăng Ni đệ tử của Ngài có hơn 200 vị, Tịnh xá Ngài chứng minh xây dựng có khoảng 20 ngôi.
II. THỜI KỲ PHÁT TRIỂN (1954-1964):
Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam phát triển thành những giáo đoàn Tăng và giáo đoàn Ni như sau:
GIÁO ĐOÀN I: Còn gọi là Giáo hội chánh do đức Thượng tọa Nhị Tổ Giác Chánh (viên tịch: 17-6 âl 2004) và đức Trưởng lão Tri sự Giác Như (viên tịch: 18-4 âl 1983) kế thừa Tổ sư, lãnh đạo và hành đạo tại các tỉnh đồng bằng Nam Bộ.
GIÁO ĐOÀN II: Do cố Trưởng lão Giác Tánh (viên tịch 22-11 âl 1978) và Thượng tọa Giác Tịnh (viên tịch: 20-5 âl 2008) lãnh đạo hành đạo ở các tỉnh duyên hải Trung Bộ.
GIÁO ĐOÀN III: Do cố Trưởng lão Giác An (viên tịch 16-7 âl 1971) lãnh đạo hành đạo mở mang tại một số các tỉnh duyên hải và cao nguyên Trung Bộ.
GIÁO ĐOÀN IV: Do Thượng tọa Pháp sư Giác Nhiên lãnh đạo phát triển rộng tại các tỉnh miền Đông và miền Tây đồng bằng Nam bộ.
GIÁO ĐOÀN V: Do cố Trưởng lão Giác Lý (viên tịch 23-2 âl 1973) lãnh đạo hành đạo ở một số tỉnh miền Trung, cận Đông và miền Tây Nam Bộ.
Mỗi giáo đoàn phát triển từ 15 đến 20 ngôi tịnh xá, từ 50 đến 100 vị Tăng. Ngoài ra, còn có một số giáo đoàn khácđược hình thành, tầm mức hoạt động có phần giới hạn hơn như đoàn du Tăng của Trưởng lão Từ Huệ (hoạt động từ năm 1950) và đoàn du Tăng của Thượng tọa Giác Huệ (xin phép Giáo hội lập đoàn từ ngày Tự tứ năm 1963)...
CÁC GIÁO ĐOÀN NI KHẤT SĨ: Đồng thời, quý Ni sư Huỳnh Liên và Ni sư Bạch Liên… đã lãnh đạo Ni chúng Khất sĩ thành lập Giáo hội Ni giới Khất Sĩ Việt Nam. Trong 10 năm, Giáo hội Ni giới đã mở mang hơn 70 ngôi tịnh xá và khoảng 500 vị Ni. Và Ni sư Ngân Liên ở Hà Tiên, Ni sư Trí Liên ở Tân Hiệp – Mỹ Tho cũng lập hai giáo đoàn Ni; Ni chúng mỗi đoàn có từ 40 đến 50 vị, tịnh xá khoảng 15 ngôi…
III. THỜI KỲ HIỆP NHẤT VỀ PHÁP LÝ (1964-1974):
Được sự khuyến khích hỗ trợ của Tăng tín đồ, Thượng tọa Giác Nhu (viên tịch: mùng 2-9 âl 1997) và Thượng tọa Giác Tường thuộc Giáo đoàn I đứng ra vận động 5 giáo đoàn Tăng thành lập Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam, nhiệm kỳ I từ năm 1966 đến năm 1969. Đến năm 1971, Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam thành lập 2 viện: Viện Chỉ Đạo gồm quý Trưởng lão Tôn túc Chứng minh và Viện Hành Đạo gồm quý Thượng tọa, Đại đức có năng lực đảm đương Phật sự. Hai viện đã hoạt động liên tục cho đến ngày đất nước hòa bình độc lập, thống nhất vào năm 1975. Trong thập niên thứ ba này, tịnh xá Tăng từ 100 ngôi mở mang thêm lên đến 150 ngôi; chư Tăng từ 300 lên đến hơn 500 vị.
Trong giai đoạn này, Thượng tọa Giác Huệ cũng đã lãnh đạo giáo đoàn của mình sáng lập Giáo hội Khất Sĩ Việt Nam. Đồng thời, 2 giáo đoàn của Ni sư Ngân Liên và Ni sư Trí Liên đã sáp nhập về Giáo đoàn IV; đoàn du Tăng của trưởng lão Giác Khai cũng vậy...
IV. THỜI KỲ TRỤ XỨ VÀ HÒA HỢP (1975-2007):
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước hòa bình, chư Tăng Ni Khất sĩ dừng chân du hóa, an tịnh thường trú tại những ngôi tịnh xá, tu hành theo lời giáo huấn của Tổ sư “Nên tập sống chung tu học. Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung và cái linh là phải tu chung.”. Với chủ trương dĩ hòa vi quý, dĩ nông vi thiền, dĩ tâm vi Phật, Tăng Ni Khất sĩ đã ứng hiệp thực hiện bổn phận của người xuất gia tu Phật, tác Như Lai sứ hành Như Lai sự. Tại mỗi đạo tràng, chư Tăng Ni tùy duyên hoan hỷ tham gia lao động nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trồng và chế biến thuốc dân tộc...
Đồng thời, với sứ mạng tiên phong mở đạo, chư tôn đức Tăng, Ni khất sĩ có nhiều vị đã thuận theo thời duyên sang các nước Mỹ, Âu hoằng khai Đạo Phật Khất Sĩ. Từ đây hải ngoại có ánh đạo vàng Y Bát chơn truyền của đức Tổ sư Minh Đăng Quang, theo bước chân du hóa của Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, Thượng tọa Giác Lượng, Ni sư Hạnh Liên… vào thập niên 1980. Và Thượng tọa Giác Huệ đã vắng bóng khi trên đường vượt trùng dương sóng gió…
Đặc biệt trong thời kỳ này, khi chư khất sĩ phải dừng bước du phương hành đạo tôi luyện hạnh đức, Giáo pháp Khất Sĩ chơn truyền tưởng chừng như không còn ứng dụng được, thì tinh thần hòa hợp đoàn kết giữa Tăng Ni khất sĩ ngày càng được củng cố. Các Giáo đoàn gần nhau hơn trong các ngày lễ hội, Tự tứ Tăng và kỷ niệm ngày Tổ sư vắng bóng. Từ năm 1980, trong ba tháng an cư kiết hạ hàng năm tại Tịnh xá Trung Tâm, chư Tăng các giáo đoàn chung tu chung học với nhau làm tươi sáng tinh thần tam tụ lục hòa của nhà Phật.
Tháng 2 năm 1980, Thựợng tọa Giác Toàn đại diện Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam, Ni sư Huỳnh Liên đại diện Giáo hội Ni giới Khất Sĩ Việt Nam tham gia Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam thành lập ngày 12-2-1980 tại Tp. Hồ Chí Minh. Trong tinh thần hòa hợp, Phật giáo Khất Sĩ cử 6 đại biểu tham dự Hội nghị đại biểu thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ, thành phố Hà Nội và trở thành 1 trong 9 tổ chức Phật giáo sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ đây, các tổ chức Phật giáo Khất Sĩ dùng chung một danh xưng mới là Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam.
Tháng 8 năm 1983, Thượng tọa Giác Đức sau khi về kế thừa Thượng tọa Giác Huệ đã lãnh đạo giáo đoàn hòa hợp vào tổ chức Hệ phái Khất Sĩ, trở thành Giáo đoàn VI (Thượng tọa viên tịch ngày 13-7 âl 1997).
Hiện nay (2007), trong dòng truyền thừa Đạo Phật Khất Sĩ của đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng, tại nước nhà có hơn 600 vị Tăng, 1.200 vị Ni với 200 ngôi tịnh xá Tăng và 250 ngôi tịnh xá Ni. Còn tại các nước Mỹ, Canada, Pháp, Úc… có hơn 25 ngôi đạo tràng tịnh xá, với hơn 80 Tăng, Ni tu học, hoằng hóa dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Pháp chủ Giác Nhiên và chư Tôn túc Khất Sĩ ở hải ngoại.
C. TẠM KẾT:
Dòng thời gian đang trôi qua, pho Đạo Sử mỗi ngày mỗi được viết thêm nhiều trang mới. Cầu nguyện chư Phật, chư Tổ chứng minh, chư Thiên, Long thần, Hộ pháp hộ trì những dòng sử Khất Sĩ nối tiếp sẽ luôn trang nghiêm thanh tịnh như những bước chân hóa đạo hiền hòa mà tỏa sáng của chư Tỳ-kheo, Sa-môn Khất sĩ trong thời Chánh pháp.
KS. Minh Bình tổng hợp
-----------------------------------------------
Các bài liên quan
- Khất Sĩ gì đây ?
- GHI CHÚ VỀ HỆ PHÁI KHẤT SĨ
- 70 năM
- ĐẠO TỔNG HỢP BẮC ‒ NAM PHẬT GIÁO
- so sánh 2 ĐẠO
- QUAN ĐIỂM TÍCH CỰC VỀ NĂM VIỆC ĐẠI THIÊN
- GIÁO HỘI TĂNG-GIÀ KHẤT SĨ VIỆT NAM
- Nối truyền Thích-ca Chánh pháp
- Vấn đề TRỤ TRÌ trong Giáo pháp Khất sĩ
- Chơn lý số 23 – HỌC CHƠN LÝ
- Các đoàn thể Khất sĩ ở Việt Nam
- CẦN CÓ MỘT TIỂU SỬ HOÀN CHỈNH
- Sen nở miền Châu Đốc
- Kỳ tích của Trưởng lão Giác Tỵ
- Nguồn Khất Sĩ Nam Việt
- Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Xem lại Minh Đăng Quang Pháp Giáo
- Album ảnh Ts. Minh Đăng Quang
- Nguồn gốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam
- TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG TỪ HUỆ
- 405 CƠ SỞ TỊNH XÁ, TỊNH THẤT...
- 405 CƠ SỞ TỊNH XÁ, TỊNH THẤT
- BỨC THƠ GỞI CHƯ NAM NỮ KHẤT SĨ
- ĐỨC TỔ SƯ MỞ ĐẠO Ở LÀNG PHÚ MỸ
- LƯỢC SỬ ĐỨC TS. MINH ĐĂNG QUANG
- LƯỢC SỬ ĐỨC NHỊ TỔ GIÁC CHÁNH
- Con đường ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ
- LƯỢC SỬ TƯỞNG NIỆM ĐỨC TÔN SƯ MINH ĐĂNG QUANG